Hôm nay,  

Ăn Welfare

25/05/201800:00:00(Xem: 19245)
Tác giả: Hoàng Đức

Bài số 5397-19-31238-vb6052518

 
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo  hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher;  College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
 

***
 

Trước đây tôi có viết một bài phiếm về “Ăn sáng”, ăn sáng tươm tất thực sự chứ không phải như ăn sáng trong những ngày tháng chán chường sau 1975 mà dân miền Nam đã mỉa mai là “khoái ăn sang” để nói lái lại là “sáng ăn khoai”. Mà có khoai để ăn là cũng khá sang lắm rồi, chứ dạo đó tôi thường để bụng trống cho cõi lòng thanh cao, trong trắng, không vướng mùi tục luỵ vì ăn đầy bụng thì tâm trí mất sáng suốt. Tôi đã cố tình quên câu: “Có thực mới vực được đạo”vì trong túi chẳng có “đồng bạc cụ Hồ” nào thì lấy gì mà mua quà sáng.

Hôm nay, tôi lại xin tiếp tục nói về ăn, một món ăn mà từ khi đặt chân đến đất Mỹ tôi mới biết. Thật là quê đến 3 cục chứ không phải là 1 cục như ngày xưa chúng ta vẫn thường nghe nói khi mô tả một hành động không văn minh hay một sự hiểu biết nông cạn, không đến nơi, đến chốn của một đấng nhà quê vừa lên tỉnh. Vâng, tôi từ trại tỵ nạn Galang mới qua Hoa Kỳ thì chẳng khác nào từ nhà quê lên tỉnh, thế thì làm sao biết được cái món ăn khoái khẫu như món “Welfare”.

 Ký mục gia Bùi Bảo Trúc, lúc sinh thời, đã từng mỉa mai rằng Hoàng gia Anh Cát Lợi là gia đình, từ già tới trẻ đều ăn Welfare. Ngẩm suy thì thấy cũng đúng. Có ai dám ngờ rằng món ăn này là món đặc sản của các ông Hoàng, bà Chúa người “Ăng Lê”. Không biết, một tháng, họ được lãnh bao nhiêu trợ cấp tiền mặt và bao nhiêu tiền Food Stamps nhỉ? Cứ nghĩ đến giai cấp ông Hoàng, bà Chúa mà còn hưởng Welfare thì mình là dân tỵ nạn mới chân ướt, chân ráo đến một cường quốc hùng mạnh, giàu sang nhất thế giới, mình có hưởng một chút quyền lợi cũng là điều đương nhiên không có gì phải xấu hổ. Nhất là khi nghĩ rằng bà con, bạn bè mình đã nai lưng ra đóng thuế lợi tức hàng năm cho chính phủ Mỹ thì mình ăn Welfare hay lãnh tiền trợ cấp xã hội là mình lãnh tiền của thân nhân mình đóng góp, chứ mình có ăn đồng xu cắc bạc nào của chính phủ đâu mà áy náy mà sợ lương tâm mọc răng. Vậy thì cứ “vô tư” mà vui đời tỵ nạn!

Tôi đến tiểu bang New Hampshire đúng vào cuối tháng Giêng, vạn vật phủ một màn tuyết trắng mênh mông. Vừa qua một đêm ngủ vùi sau một chuyến bay dài mệt mỏi, ngủ trong bầu không khí ấm áp chưa từng thấy trên quê hương Việt Nam yêu dấu, nhờ có máy sưởi. Sáng hôm sau, đang còn nằm nướng trong chăn đã nghe điện thoại réo gọi chuẩn bị sẵn sàng để một bà người Mỹ trong nhà thờ Lutheran Church (nhà thờ đã đứng ra bảo trợ gia đình chúng tôi) đến giúp chúng tôi làm thủ tục giấy tờ hưởng Welfare.

Tuy lúc ở trại tỵ nạn Galang đã học qua một khoá kéo dài 1 tháng rưỡi về đời sống ở Mỹ (khoá học mang tên là: “Cultural Orientation”) để khỏi bỡ ngỡ lúc chân ướt chân ráo đến Mỹ, nhưng khi va chạm với thực tế mới thấy nhiêu khê, phức tạp chứ không đơn giản như những gì cô giáo người Nam Dương giảng dạy vì nghe đâu cô này cũng chỉ trình bày theo bài bản chứ chính cô ta cũng chưa hề đặt chân lên đất Mỹ.

Chỉ nội điền mấy cái mẫu đơn theo thủ tục hành chánh cũng đã mệt thiếu đường toé phở vì sở xã hội đòi biết bao nhiêu là thông tin lẩm cà, lẩm cẩm từ thuở mới ra chào đời cho đến lúc sống tại trại tỵ nạn. Tiếng Anh tiếng u thì trong 10 tháng ở trại tỵ nạn chỉ nói chuyện với các nhân viên Cao Uỷ Tỵ Nạn người Nam Dương. Lâu lâu mới tiếp xúc với các nhân viên thiện nguyện chính gốc Mỹ, thế mà lúc bấy giờ phải khai báo với sở xã hội đủ 36 chuyện trên trời, dưới đất cũng chẳng khác gì lúc “làm việc” với lũ “bò vàng” trên quê hương.

Tôi không hiểu tại sao tôi lại phải khai tên họ của Mẹ tôi lúc Người chưa về với Bố tôi. Người Mỹ đâu có biết rằng đàn bà Việt Nam đầu đội Trời, chân đạp Đất, đi không đổi họ, về không đổi tên. Lấy chồng cũng xài tên móc nôi như lúc chưa có chồng. Đâu có phải như đàn bà Âu Mỹ vừa đặt bút ký vào cái giao kèo làm vợ là liền tút xuýt đổi họ theo họ của chồng, ra cái điều “xuất giá tòng phu” nhưng thay đổi chồng xoành xoạch như thay áo hoặc là "tam tòng tứ đức" theo cái kiểu “Xuất giá tòng phu nhưng phu chưa tử đã mon men tòng công tử” và rất ít khi “tòng tử” vì con cái mới vừa đến tuổi trưởng thành tức là tuổi 18 thì cha mẹ đã đuổi chúng ra khỏi nhà, bắt thân tự lập thân. Cũng hay! Tránh khỏi cảnh ăn bám cha mẹ dài dài như trong xã hội Việt Nam chúng ta. Nhưng cũng lắm cảnh não lòng!

Hoàn tất xong hồ sơ cho cả gia đình của tôi cũng mất trọn một buổi sáng. Rồi chúng tôi theo bà bạn mới, người Mỹ đến Sở Xã hội để làm thêm một số thủ tục khác nữa, trước khi về nhà chờ đến ngày lãnh trợ cấp xã hội mà nói nôm na là ăn Welfare.

Thật không có gì hạnh phúc bằng, tôi phải công nhận như thế. Ngồi nhà xem TV, chẳng phải làm việc gì mà có đủ tiền để trả tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền lò, tiền phone vv… và nhất là tiền mua lương thực tức là tiền ăn uống trong gia đình. So sánh bữa ăn trong gia đình chúng tôi và bữa ăn của ông Mỹ bảo trợ chúng tôi, (ông ta dạo đó đang hưởng trợ cấp thất nghiệp) thì mâm cơm của chúng tôi sang trọng và ngon lành hơn nhiều. Chúng tôi lại còn có tiền để mời ông ta đi ăn nhà hàng Tàu nữa, mới là “chơi cha”chứ!

Nhưng, lại chữ “nhưng” to tướng trong cuộc đời.

Chỉ sau một tháng ăn welfare thì người bảo trợ, nhà Thờ bảo trợ và Sở Xã hội đã vội vàng kiếm việc cho vợ chồng tôi để tránh gánh nặng cho ngân sách xã hội. Ăn welfare sướng lắm chứ, nhưng cũng hơi “quê” vì phải khai báo hàng tháng về Income.

Trong tháng, nếu nhà hảo tâm nào hay nhà thờ bảo trợ tặng cho gia đình một món tiền trên 50 dollars là phải “thành thật khai báo” ngay để Sở Xã hội trừ vào trợ cấp lương thực. Như thế thì xem như huề vốn chứ có được hưởng thêm đồng xu teng nào đâu. Mà lại phải mang ơn này nọ.

Thét rồi, tôi chẳng muốn nhận tiền tặng và thấy tủi hổ nên khi có được việc làm khả dĩ có thể nuôi sống gia đình, tôi đã không ngần ngại từ bỏ ngay cái vụ ăn Welfare cho khỏi hèn người.

Thế mà chạy trời không khỏi nắng! Tôi “mu”về Cali để tìm nắng ấm. Chân ướt, chân ráo, lại thất nghiệp, tôi lò mò đến Sở Xã hội xin welfare. Ngay khi vừa nạp đơn, tôi được trợ cấp ngay 100 dollars tiền mặt để cứu đói cấp thời vì Sở Xã hội sợ gia đình tôi chết đói trong khi chưa nhận lãnh food stamps. Thật là nhân đạo không chê vào đâu được! Tôi cảm thấy ấm lòng và ấm túi.

Nhưng, lại chữ “nhưng” quái ác trong đời! Chỉ một tuần sau khi lãnh được một mớ food stamps, chưa kịp vui mừng thì một sáng tinh mơ, tôi nghe tiếng gõ cửa nhà. Vội vàng ra mở cửa, một cô “đồng hương yêu dấu", đi cùng với một ông Mỹ cao to, chưa kịp để cho tôi chào hỏi lịch sự, theo phép xã giao, cô ta đã xỉa ngay vào mặt tôi tấm thẻ hành nghề và hét lớn: “Nhân viên Biện lý cuộc”. Thật chẳng khác gì trong phim! Cô này chắc là “fan” của mấy tài tử trong các phim đấm đá, xã hội đen. Tôi sững người, chẳng biết mình tội tình gì mà Biện lý cuộc đến viếng nhà.

Mời hai người vào nhà và mới biết là Biện lý cuộc đến điều tra xem tôi có gian dối gì không, khi khai báo xin trợ cấp xã hội. Cô ta hách dịch tra vấn tôi, vặn vẹo hỏi tôi có làm công việc gì lãnh tiền mặt không, vợ tôi có may vá gì không, trong nhà có máy may công nghệ không.

À thì ra thế! Biện lý cuộc đi điều tra những người gian lận ăn welfare.

Bực mình vì thấy thái độ hống hách của cô nhân viên Biện lý cuộc và lối “mục hạ vô nhân” xem người như cỏ rác, nhất là đối với người “đồng hương” như tôi, nên tôi cũng không còn giữ đức tính khiêm nhựợng nữa mà bảo với cô rằng tôi nói được tiếng Anh vì vợ chồng tôi đều tốt nghiệp đại học ở tiểu bang khác vừa mới về Cali. Lúc bấy giờ, cô mới dịu ngọt với tôi chứ không còn hoạnh hoẹ và thông dịch lời khai của tôi một cách vênh váo cho ông Mỹ đồng sự của cô ta. Cô ta cho tôi địa chỉ và số phone một vài công ty để tôi liên lạc tìm việc làm.

Sau này tôi mới biết là dân Cali nhiều người làm việc lãnh tiền mặt để có thể ăn Welfare và công việc của họ thường là lãnh hàng của các “shop” may về may lấy tiền công hoặc là đem hàng đã may xong về nhà để cắt chỉ. Phải công nhận rằng họ làm việc rất cực nhọc, đầu tắt mặt tối nên cộng thêm vào tiền Welfare, lợi tức hàng tháng của họ khá cao và do đó đã có nhiều sự ganh ghét của hàng xóm láng giềng và thật không ít người bị tố cáo hành vi gian lận này. Nguyên nhân chính đưa đến sự tố cáo là họ đã sống không những không khiêm nhượng mà trái lại còn khoe khoang, hợm hĩnh hơi lố nên đã không thể tránh khổi sự đố kỵ của người khác.

Có thể những người tố cáo sự gian lận Welfare không chỉ là những người thượng tôn luật pháp, ghét kẻ gian. Đôi khi họ đi tố cáo chỉ vì lòng ganh ghét cá nhân, không một mảy may liên quan gì đến bổn phận bảo vệ luật pháp. Nhìn chung, cũng nên thông cảm sự khó khăn của các nhân viên sở xã hội, khi phải xử lý việc khiếu kiện hay phòng ngừa lạm dụng welfare, như trường hợp cô đồng hương lớn giọng xưng danh biện lý cuộc mà tôi từng được gặp.

Tôi đọc thấy trên báo có một bà người Mỹ tại một tiểu bang ở miền Bắc Hoa Kỳ, bà ta lấy không biết bao nhiêu ông chồng mà trong gia đình bà ta lúc nào cũng có một nhóc tì dưới 18 tuổi để bà ta tiếp tục được ăn Welfare nhờ “ăn theo” đứa con, đều đều không ngưng nghỉ. Gần đây, Sở Xã hội biết được khe hở này có thể giúp người dân gian lận nên đã tu chỉnh luật lệ bằng cách chỉ cho hưởng tối đa 60 tháng tiền Welfare trong suốt cuộc đời.

 Ôi! Welfare ơi hỡi Welfare! Sinh mi làm chi mà bao người điêu đứng vì mi và sung sướng cũng nhờ mi!

Bài viết này không hề mang ý hướng dạy đời hay khuyên bảo này kia, kia nọ mà chỉ muốn trình làng một món ăn đặc biệt trên xứ Cờ Hoa để ai chưa ăn thì thử ăn chơi cho biết đủ mùi đời tỵ nạn.

Mọi lạm bàn chỉ nhằm góp vui cho câu chuyện, xin bạn đọc lượng thứ những sơ xuất khó tránh.

Hoàng Đức

Ý kiến bạn đọc
04/09/201903:23:17
Khách
Toi sang My tu nam 1975. Di lam ngay cho toi khi ve huu. Ngay Ca khi ve huu van tiep tuc dong thue. Chua bao gio nhan 1 cent welfare. Toi cam thay kieu hanh va song khong co tu ti mac cam tren dat My. Xin loi. Toi khong biet bo dau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,213,090
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến