Hôm nay,  

Lá Rụng Về Cội, Mẹ Thời Nơi Đâu?

15/05/201800:00:00(Xem: 11564)
Tác giả: Dong Trinh

Bài số 5387-19-31228-vb3051518

 
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.

 
***
 

Một buổi sáng của tháng 9 năm 1975. Tôi đang nằm trên võng dỗ Khương ngủ. Má tôi kêu nói, có khách nè con!

Tôi vội ẵm cháu ngồi dậy. Cạnh má tôi là bà cụ người Tàu ở cạnh nhà tôi. Xìn, con gái bà đang ôm một đứa bé còn đỏ hỏn được quấn kỹ trong cái khăn lông mới tinh và Dứng, Năm cũng đều là con của bà. Tôi ngạc nhiên nhìn hết người này đến người kia. Thật ra, tuy là hàng xóm nhưng gia đình chúng tôi chỉ mới dời về đây chừng bốn tháng nay, giao tình cũng chưa có gì gọi là thân thiết. Tôi còn đang hoang mang thì Dứng, em gái Xìn đưa cho tôi cuốn tập học trò rồi nói:

-Chị đọc giùm cho má và tụi em nghe rồi em sẽ kể đầu đuôi chuyện này cho chị.

Tôi đưa tay cầm lấy cuốn tập, mời bà cụ cùng mấy anh em Xìn ngồi lên giường và bắt đầu mở trang giấy đầu tiên:

 
Kính gởi Bà....

Chắc bà rất ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ này nhưng sau khi xem xong thì bà sẽ hết ngạc nhiên, mà bà còn muốn tìm cho ra người con gái đáng thương này, lúc đó thì chẳng còn ở trên thế gian này nữa. Đây tôi kể cho bà rõ về cuộc đời của tôi và người con trai của bà, đó là ông Hai. Trong thời gian người còn đi lính cho ngụy, kể từ tháng 12 năm 1974, y đã kết nghĩa với tôi và cho đến ngày 17-2-1975 đã trốn tôi trở về với gia đình. Lúc ra đi, y có hứa là sẽ trở lại với tôi dù cho trường hợp nào chăng nữa cũng không bỏ tôi, là vì y đã có con với tôi rồi, y phải có bổn phận phải nuôi con của y cho đến ngày y lớn khôn.

Nhưng nay, tôi chờ đợi mà chẳng thấy, cho đến ngày 1 tháng 8 AL thì tôi đã hạ sanh đứa bé này lúc 4 giờ chiều ngày trên. Sau khi sanh, vì quá đau khổ, nên bị băng huyết quá nhiều. Dù xác thân bị như vậy nhưng cũng gượng chép mấy giòng, để bà xem và nhờ người mang cháu nội của bà đến nhà nhưng tôi nghĩ là không cho bà thấy mặt, cứ để cháu và thư này trước cửa bà rõ.

Còn về sức khỏe của tôi hôm nay có phần suy đi nhiều lắm. Chắc là khó qua khỏi lắm bà ơi! Vậy, một lần nữa, tôi van xin bà hãy bỏ lòng thương xót cho đứa cháu nội này và bà cũng nói cho anh Hai biết chuyện này và hỏi lại anh ấy có đúng như những lời tôi nói đây không.

Và tôi cũng mong bà sẽ coi cháu nội của bà như tình thương của bà đối với bé Như Lan vậy. Đừng hất hủi cháu tội nghiệp bởi vì cháu không có mẹ ở gần bên cũng như bà nói với chị N. coi cháu như là con vậy. Mấy cô Xìn, Cô Dứng các chú đều thương cháu kẽo tội nghiệp lắm.

Được như lời cầu nguyện của tôi, thì khi tôi có chết đi thì tôi cũng mãn nguyện lắm.

Chắc xem đến đây thì bà cũng như tất cả gia đình đều không còn giận tôi nữa chứ. Vì suy nghĩ cho thật kỹ thì thì mọi việc xảy ra đều do anh Hai cả, chứ chẳng phải tự tôi mà ra đâu.

Thôi mấy dòng bà rõ, để bà còn nói lại cho anh nhiều hơn. Bây giờ thì cầu mong bà hãy vì đứa cháu nội đáng thương này mà lo cho cháu. Thời gian này, nếu anh Hai đi Rạch giá hay đi ở đâu chưa về. Sau khi chờ đợi bà nhắn tin cho ảnh về để nhìn đứa cháu nội này giống ảnh ở cái điểm nào. Nói thế chứ khi nhìn đến, mặc dù cháu quá còn nhỏ nhưng bà cũng có thể đoán ra được.

Tôi nói sơ để bà còn tìm hiểu nhiều hơn. Hiện cháu nó giống anh Hai cái đầu, điểm thứ hai là cái bàn tay và cả cái móng tay và ngoài ra là còn rất là nhiều nữa, v.v...

Thôi đến đây, tôi mệt quá, không thể viết được nhiều. Tạm dừng bút ở đây. Xin phép bà thứ lỗi cho tôi. Thành thật xin đa tạ bà rất nhiều. Cúi xin bà cũng như tất cả gia đình dành riêng cho cháu đây một tình thương vì cháu đây thiếu tình thương của mẹ, chỉ biết nhờ vào bà nội, ba, hai cô và các chú đó thôi.

Xin bà đừng từ chối mà phụ lòng của tôi bà nhé. Và cũng nhắc lại để bà khỏi quên, hãy giữ quyển sổ và tấm hình của tôi hiện anh Hai đang giữ lại để sau này cho cháu được biết người mẹ xấu số của cháu.

Xin phép bà lần nữa, tôi xin vĩnh biệt từ đây. Chúc cho con tôi được khoẻ nhiều, ăn chơi và chóng lớn, sau này, cháu đền ơn cho nội.

Thôi vĩnh biệt con. Mẹ xa con mãi mãi và vĩnh biệt anh Hai.

Người mẹ xấu số, bị ba của con bỏ rơi nên mẹ không thể đem con về nhà ông bà ngoại để nuôi con được. Mẹ sẽ bị mang tiếng chửa hoang. Thôi thì từ nay con ở với bà nội và ba của con chứ mẹ không có cách nào nuôi con được nếu mẹ được sống qua cơn bệnh nặng này.

Vĩnh biệt con thơ, Mẹ của con “Lê Thị Hoài Hoa”

Ký tên

 
Vì bệnh nên viết hơi khó xem. Mong bà thứ lỗi.

9-9-75

Thuận Hải, ngày 1 tháng 8 AL  4 giờ chiều đúng là ngày mẹ sanh con đó. 28-8-75

 
(Trên đây là  nguyên văn lá  thơ của người mẹ xấu số, mà tôi đã được chính bên nội của cháu Tí đưa cho tôi đọc, sau khi phát giác ra cháu ngay trước cửa nhà. Nay tôi được sự chấp thuận của cháu, xin chép trở lại gởi đến các bạn, nỗi lòng của bà mẹ xấu số, trước phút lâm chung, buộc lòng phải gởi con về cho bên nội dưỡng nuôi.)

 
*
 

Tôi chậm rãi đọc, như một câu chuyện huyền thoại tự thuở xa xưa nào đó...

Nội dung, người đàn bà viết một bức thơ, gởi cho bà cụ. Theo trong thư thì chị là người cư ngụ tại Thuận Hải.  Trước năm 1975, do tình cờ, chị có quen một quân nhân tên Hai. Sau nhiều lần gặp gỡ, hai người yêu nhau. Kết quả là chị có mang. Ít lâu sau, anh Hai về Bình Dương bặt tin luôn.

Xìn nói với tôi:

- Chị biết hôn, sáng nào cũng vậy, đúng bốn giờ là má em thức dậy, mở cửa quét dọn hàng ba để anh Năm bưng bàn ghế ra cho tụi em bán cà phê. Sáng nay, má em vừa mở cửa thì thấy có một cái thùng giấy nằm chình ình ngay cửa. Má em ngồi xuống coi thì thấy đứa nhỏ này nè - Vừa nói, Xìn vừa đưa đứa bé tới trước mặt tôi- nó đang nằm ngủ trong thùng, má em hết hồn la lên, tụi em lật đật chạy ra coi. Ngó thấy đứa nhỏ, tụi em không biết con ai mà tự nhiên ở ngay nhà mình, tụi em sợ quá, tính kêu công an, mà bà Vứng này nè, (Xìn chỉ tay về phía Vứng) bả nói khoan kêu công an, coi có gì trong thùng nữa không? Ông Năm mới lục lại trong đó thì thấy cuốn tập, mà chữ viết khó đọc quá, tụi em tạm thời bưng nó vô nhà, chờ trời sáng qua hỏi coi chị tính làm sao giùm tụi em đi... thằng nhỏ thấy thương quá chị ơi, nó hỏng có la khóc gì hết, có bình sữa ở trong thùng, em lấy ra cho nó bú, nó ngủ lợi liền hà!

Nhìn  thằng bé trong tay Xìn, tôi thương quá! Nó nhỏ hơn con tôi chỉ mấy tháng thôi, chỉ là một đứa trẻ thơ yếu ớt, lẽ ra, giờ này phải được nằm trong vòng tay thương yêu của cha mẹ, được mẹ ru ngủ bằng bầu sửa ngọt ngào của mình, cớ sao ai nở đành tâm đem bỏ nó vậy?

Tôi vội đi gặp cậu ba Huỳnh Mai (ngày xưa ông ở cùng dãy phố làng và cũng là chủ nhân của tiệm hủ tíu Huỳnh Mai, sau này, ông dời nhà về gần xóm đạo Ngô Quyền và làm trưởng khu phố khi miền Nam đổi đời).

Đem chuyện cháu Tí và quyển tập của mẹ cháu kèm theo, tôi hỏi cậu Ba phải làm sao. Ông suy nghĩ giây lát rồi kêu tôi đưa chị em Xìn ra phường.

Sau khi đưa Xìn ra Uỷ bạn nhân dân  phường, Thu, bạn học ngày xưa của tôi, giờ đang làm việc nơi này, đồng ý làm khai sanh cho cháu, thế là Tí đã chính thức trở thành con cháu của gia đình bên nội.

Xin nói rõ thêm về gia đình anh Hai. Sau năm 1975, anh Hai đang kẹt tại Ban Mê Thuộc, gia đình thiếu đi người con trai trưởng tháo vát, không thể tiếp tục với tiệm bánh, trà... chị em Xìn quyết định đổi qua bán cà phê. Chỉ là một quán nhỏ, vài ba cái bàn để ngoài hàng ba. Tuy vậy mà quán rất đắt khách. Không biết vì cà phê ngon hay vì nét xinh xắn hiền hoà của Vứng. Thật vậy, hàng ngày, nhiều anh chàng đến chỉ là để ngắm cô hàng cà phê thôi. Ở một bên, thấy nhau hàng ngày, tôi biết, tánh của Xìn, cô chị rất xởi lởi, hay nói, hay cười. Vứng thì đẹp thùy mị, điềm đạm, ít nói. Cả hai chị em đều rất dễ thương, tánh tình chơn chất thật thà. Trong suốt mười năm ở đó tôi chưa hề nghe tai tiếng gì về Xìn và Vứng.

Theo thời gian, Tí lớn dần trong tình yêu thương của bà, các cô, các chú. Nhất là chú Năm, thương Tí như con đẻ. Năm chưa có vợ, bản tánh hiền lành, không ra ngoài giao thiệp, cả ngày ở nhà phụ giúp hai em gái buôn bán, giờ có thêm Tí, Năm lãnh luôn phần chăm sóc cho cháu. Tí giống Năm lắm, nhìn vô như là hai cha con. Ngoại trừ anh Hai đã có vợ con và đã chia tay, con gái anh Hai thì ở bên ngoại, do đó, sự hiện hữu thật bất ngờ trong gia đình coi như món quà rất quý, đã đem đến cho bà nội và các cô chú Tí một niềm vui khôn tả. Được cưng chiều nhưng Tí vẫn luôn là đứa trẻ ngoan hiền, lối xóm rất thương cháu.

Trước năm 1975, lúc đó anh Hai chưa đi lính. Anh được coi như là trụ cột của gia đình. Anh Hai mở một tiệm bánh tại nhà. Tiệm Quảng Nam Phát sang và đẹp, với nhiều loại bánh ngon mắc tôi thỉnh thoảng đi ngang vẫn hay ghé vô mua. Những hàng chai thủy tinh đựng bánh lạt vuông có đường, bánh nút, bánh chữ, kẹo dâu, kẹo nougat, hột dưa..rồi cà phê đủ loại, trà sen, trà móc câu...trong tiệm mở đèn sáng choang, mùi cà phê thơm ngát.

Sau 1975, anh đang kẹt tại Ban Mê Thuộc và gặp mẹ của Tí đi bán trên đây, hai người đã chung sống nhau. Tôi nghĩ chị Hoài Hoa, mẹ của Tí đã hiểu lầm anh Hai, cho rằng anh Hai phụ bạc chị. Thật ra, khi tôi về xóm đó ở, tôi không thấy anh Hai, mãi cho đến năm 1984 anh mới trở về và cho biết anh bị bắt làm tù binh hồi tháng 2 năm 1975 trên đường từ Ban Mê Thuộc về Bình Dương.

Khi được thả ra, anh đã vui mừng để đón nhận đứa con trai mà anh không ngờ rằng đã có duyên may đưa cháu về bên nội. Từ đó, anh đã cùng chung với các em lo chăm sóc mẹ già, cùng Tí, đứa con chung của các anh chị em.

Năm 1985, tôi rời Việt Nam và không còn biết tin tức gì ở xóm ngã tư piscin, nơi tôi đã sống được mười năm, thời gian không dài nhưng cũng đã cho tôi nhiều gắn bó với bạn bè, người quen.

Tí cùng lứa tuổi với con trai tôi nên hàng ngày, mấy đứa vẫn gặp nhau, cùng chung những trò chơi trẻ con.

Mới đây, khi nói chuyện với Thuỷ, cô em gái cùng xóm, sát vách nhà, tôi được biết Tí đang ở New York với anh Hai. Thật vui, tôi vội gọi cho cháu để hỏi thăm. Tí cho tôi biết, sau khi trở về Bình Dương năm 1984, anh Hai tiếp tục phụ giúp gia đình, làm ăn buôn bán. Cho đến năm 1989, anh tìm đường vượt biên. Không may cho anh, đến Thái Lan, anh bị nhà cầm quyền nơi này bắt và tạm giam. Mấy năm ở đây cực khổ, túng thiếu nên anh quyết định xin hồi hương vào năm 1996. Năm sau, nhờ bạn bè chỉ giúp, anh Hai nộp đơn xin định cư ở Hoa kỳ và được chấp thuận. Anh cùng Tí đã đặt chân đến New York kể từ đó đến nay.

Tí cho tôi biết, sau ngày rời Việt Nam, Tí đã có trở về thăm nội cùng cô, chú. Bà nội, chú Sáu đã qua đời, cô Vứng lập gia đình, được một cháu gái. Cô cũng mới mất vài năm nay, để đứa con lại cho anh em Năm và Xìn nuôi dưỡng. Hiện giờ quán cà phê không còn nữa, căn nhà cho người ta thuê phía trước để buôn bán. Nhờ có đứa cháu gái nên anh em Năm, Xìn cũng an ủi phần nào và Tí cũng an lòng nơi xứ người.

Anh Hai, qua Mỹ được vài năm thì bị tai biến mạch máu não, may mắn được các bác sĩ cứu chữa nhưng anh bắt đầu bị lãng, khi nhớ khi quên. Vì cuộc sống, và con mọn, buộc lòng vợ chồng Tí phải đưa anh Hai vô nursing home. Tôi hỏi thăm và được biết anh rất khỏe, đã chấp nhận cuộc sống nơi đây. Tí nói mỗi lần người ta dọn thức ăn lên, anh ăn hết mâm luôn, nhân viên ở đây ai cũng cười vui vì thấy anh ăn uống tự nhiên, không kén chọn như nhiều người khác. Thỉnh thoảng, Tí nấu mì, phở hay vài món ngon đem vô, anh hỏi bao nhiêu tiền để anh trả lại, Tí nói:

-Con nấu cho ba ăn, không lấy tiền, thế là anh ăn ngon lành. Tôi hỏi sao anh lại đòi trả tiền, Tí cho tôi biết, lúc xưa, khi còn khỏe mạnh, khi anh hỏi Tí có muốn đi ra ngoài ăn với anh không, anh bao, thì hôm đó anh trả tiền, còn như chỉ rủ không thì ai ăn nấy trả...hi hi... rõ ràng là Mỹ!

Năm nay Tí đã ngoài bốn mươi, gia đình hạnh phúc nhưng lòng cháu vẫn còn một nỗi khắc khoải về mẹ. Cả đời cháu, từ lúc lọt lòng đến giờ, chưa bao giờ cảm nhận được tình mẫu tử ra sao, chưa bao giờ gọi được tiếng ‘má ơi’ thương yêu trìu mến như bao đứa trẻ may mắn trên cõi đời này. Không biết bà đã qua đời sau cơn bạo bệnh như đã viết trong thơ, hay vẫn còn hiện diện một nơi nào đó trên cõi đời này? Tôi không hiểu, trong lúc bệnh thập tử nhất sanh, bà đã cố gắng viết thư để lại, đứt ruột mà gởi con trai về cho nội. Trong thư, chỉ kêu gọi mọi người hãy thương yêu, nuôi dưỡng cháu và mong cháu sau này sẽ đền đáp lại công ơn của nội, của cô chú. Bà không hề xin xỏ gì cho mình, ngay cả để lại địa chỉ để hầu sau này Tí lớn lên mà tìm mẹ cũng không. Tôi hỏi Tí về tấm hình bà đã trao cho anh Hai, Tí nói là có hỏi nhưng anh Hai không biết tấm hình đó ở đâu hết.

Biến cuộc xảy ra cho đất nước, đã đẩy  đưa con người lâm vào nhiều hoàn cảnh thật bi thương ngang trái, con lạc mẹ, vợ xa chồng.

Trước tình cảnh này , tôi chỉ biết cầu xin ơn trên, một duyên lành đưa đến, cho Tí được tin tức về người mẹ của mình, người mẹ thật cao cả. Bà đau nặng, vì không muốn cha mẹ ruột chịu nhiều tai tiếng, lại sức đã mòn, hơi đã cạn, bà phải đành lòng gởi con về nội. Một quyết định thật sáng suốt trước phút lâm chung  của bà mẹ nén lòng mà hy sinh, chịu lìa xa núm ruột của mình để cháu có cuộc sống ấm no, thật là thán phục cho sự hy sinh của bà.

Chị Hoài Hoa ơi, tôi không hề quen biết chị nhưng tôi lại có duyên được bà nội và cô chú của Tí trao thư của chị đọc  khi vừa mới phát giác ra sự hiện diện của cháu. Rồi tình cờ, tôi đã liên lạc được cháu, được đọc lại lá thư mà bốn mươi ba năm trước tôi đã đọc qua. Hoàn cảnh đỗi thay theo thời gian nhưng con người không thay đỗi. Nếu chị đã khuất, tôi lại tin rằng chị đã tìm về bên Tí để phù hộ cho cháu có cuộc sống an lành bên vợ, bên con.

Chị viết trong thư với hy vọng bên nội sẽ tin tưởng mà thương và tin cháu là máu mủ của mình, qua cách chị nói cháu giống anh Hai từ cái đầu, từ cái móng tay... chị ơi, chị có biết rằng, tôi đã nhìn thấy cháu lớn lên, không cần phải thử DNA mọi người ai ai cũng đều tin chắc Tí là con của anh Hai. Thằng bé là bản sao của anh Hai đó chị à! Mong rằng, sau khi tôi viết bài này, chị hãy xui khiến cho có người biết được tông tích của gia đình chị ở đâu mà chỉ giúp cho cháu, để cháu tìm về quê ngoại, chị nhé!

Fort Smith, May 01-2018

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
17/05/201800:13:50
Khách
doc ma thay thuong cho thang em ....<3
15/05/201817:04:28
Khách
Truyện rất cảm động, cầu xin cho gia đình sum hợp.
15/05/201811:14:02
Khách
Bài viết rất xúc động. Mong cho Tý tìm được mẹ và Bà vẫn còn sống trên thế gian!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,784,353
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Đây là bài tham dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Trường Xuân. Tác giả cho biết anh là một sinh viên Đại học Huế, và vừa có dịp đi thăm vùng đất bị lũ lụt tàn phá tại miền Trung.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nhất nói về cái thú “bird watching” ở Mỹ và những kỷ niệm đi săn chim thuở thiếu thời ở Việt Nam.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Nhạc sĩ Cung Tiến