Hôm nay,  

Hồng Nhan Bạc Lẻ

26/04/201800:00:00(Xem: 22943)
Tác giả: Mai Hồng Thu

Bài số 5371-19-31212-vb5042618
 

Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

 
***
 

Nhi năm đó vừa tròn hai mươi tuổi, đủ tuổi vô vũ trường Mỹ ăn chơi nhảy nhót. Nhi theo chồng qua đây theo diện vợ chồng, nghe nói vừa đặt chân tới Mỹ là lập tức được thẻ xanh hai năm. Nhi đi học tóc mà trang điểm lòe lẹt và ăn mặc hở hang y như là đi nhảy đầm. Vì thế cho nên đám người học chung gồm đủ mọi lứa tuổi và thành phần không ai nhìn Nhi với ánh mắt thiện cảm. But Who care!!! Ai thèm quan tâm!!!! Và bạn cũng chẳng nên quan tâm làm gì, cứ tán dóc cho vui thôi nhé!

Vâng! Who care chứ Nhi không quan tâm, Nhi rãnh quá đi học chơi vậy đó, bấm thẻ xong thì đú đa đú đỡn cười đùa với hai cô bạn cùng trang lứa, cùng thân phận – chồng mới bảo lảnh qua.

Mà ngộ, Nhi ăn xài theo phong cách “nhà ở phố, bố làm quan ” mà lại không ngại ngùng cho bà con biết là ông chồng bốn mươi hai tuổi của mình đang đứng bán ở quầy chặt thịt trong một siêu thị người Việt cách đó một con đường.

Bà con truyền tai nhau, chồng con Nhi hôm nay đang làm ở chợ đó đó, qua đó coi mặt không? Xù xì xủ xỉ chán chê, cả đám chờ giờ giải lao, liền ùa nhau bấm thẻ chạy qua đó dòm mặt coi thằng cha nào xâm mình mà dám rước con nhỏ nhan sắc chỉ tàm tạm thôi, mà coi trời bằng vung này.

Cả đám học viên xí xọn đàn bà, đàn ông lẫn "đàn giữa" cứ đứng lố nhố gần quầy thịt chỉ trỏ:

-Đó đó, thằng cha đó đó!

-Phải cái ông có râu quai nón hơi mập đó không bà con?

-Đâu đâu đâu, ông nào ông nào?

-Nhìn cũng được đó chứ!

-Hả, tưởng gì, thằng cha này tui biết mà!

Coi chán rồi cả đám bỏ đi, ông chồng Nhi vẫn đứng chặt thịt tỉnh bơ không hề biết mình được nổi tiếng năm phút trước đó vì cái chuyện lấy vợ trẻ từ quê hương có đầy khế ngọt mang qua.

Chồng Nhi bộ vó nhìn cũng kha khá. So với những người đồng tuổi, anh ta nhìn còn tươi, trẻ hơn. Họ kể, anh ta làm ở hàng thịt một tháng lương khoảng chừng độ hai ngàn đô. Nhưng anh có điểm hấp dẫn ở phần được cha mẹ tặng cho hai anh em một căn nhà có ba phòng ngủ. Vợ chồng người anh ở một phòng. Anh ta ở một phòng. Phòng con lại dành cho người khác ở trọ. Tiền nhà thu được họ coi như để riêng trả tiền điện, nước và đổ rác linh tinh. Tiền lương làm ra cứ tha hồ mà ăn nhậu. Một lần rãnh rỗi, anh ta làm một chuyến về Việt Nam ăn chơi thả giàn cho biết người biết của với người ta. Được bao ăn chơi nên đám bạn bè cũ của anh mới rủ anh đi vũ trường tìm bạn chân dài. Nghệ thuật cua gái của Việt Kiều không cần học, chỉ cần nói là anh muốn đem em qua Mỹ là thành công liền. Lần đầu đi vũ trường là anh ta dính ngay cái "càng" của em Nhi nó "kẹp" qua tới Mỹ. Tới Mỹ Nhi thấy anh làm việc ngoài chợ mất mặt quá, nó mới thả để anh ta rảnh tay chặt thịt.

Nhi, ăn chơi từ thuở “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Gia đình Nhi cũng thuộc dạng bình thường đủ sống. Tuy nhiên, vì bận rộn kiếm ăn, họ để mặc Nhi đi chơi miết, không cần học hành cũng không cần kiếm việc. Cũng có thể họ mong con mình học được cách tìm một tấm chồng giàu như cái mốt đang thịnh hành khắp nơi như một phương pháp hay xóa đói giảm nghèo.

Ăn chơi cũng cần kinh nghiệm, xoè tay xin tiền cha mẹ chỉ đủ để cầm hơi, Nhi xáp vô bọn nhà giàu ăn ké. Hễ tối đến là họ tụ tập xách xe hẹn nhau ở một vũ trường gần nhà. Khi chơi chán thì họ nhảy qua vũ trường khác. Sài gòn nhỏ bằng cái bàn tay, có bốn, năm vũ trường xoay quần, dân nhảy câu trai bao ăn chơi, nói tên ra thì ai cũng biết. Quán nào mở mấy giờ quán nào đóng mấy giờ, nhảy nhót thâu đêm chờ đuổi tụi nhóc này mới chịu tan đàn rẻ nghé về nhà ngủ dưởng sức mai đi tiếp. Sài Gòn mở vũ trường cho ta đi nhảy mỗi đêm không cần chờ cuối tuần. Đứa con gái nào khôn lỏi, không tiền thì lạng lờ trước mặt mấy anh “Việt Kiều” chờ được bao. Em nào mà trúng mánh kẹp được một thằng làm bồ xong là bắt đầu đếm lịch chờ bảo lãnh. Gặp may mắn được bảo lãnh qua Mỹ sống cùng thành phố, họ gặp mặt lại là nhớ nhau liền. Họ sẽ hẹn hò ăn chơi tiếp thay vì hội nhập vào nếp sống mới xây dựng tương lai ổn định lâu bền.

Sang Mỹ, Nhi tưởng anh chồng ngon cơm ăn nhậu tối ngày còn em thì nhảy nhót thâu đêm, còn gì sướng bằng. Ai ngờ, ông chồng nhìn mặt tưởng dân chơi mà chạy cái xe phát ớn hồn giống thằng cha lơ chạy xe đò. Ngày ngày đi làm mười tiếng, anh chồng già chặt thịt heo, thịt gà bám tay bám áo. Nhi nghe hương mùi thịt hàng ngày hết dám ăn bò tái chanh. Nhi ghét nhất là phải ở chung với chị em bạn dâu có tánh hay sanh nạnh. Chị ta cũng có tài giỏi gì đâu mà bày đặt cao ngạo lên mặt dạy đời Nhi hoài. Nhi nhủ thầm: tưởng con này hiền ăn hiếp lộn người nghen!


Nhi thấy đồ ăn ở Mỹ sao mà mắc khiếp. Nhi mới qua món gì cũng thèm. Nhi mua món gì mang về nhà phải hăm he móc méo răn đe đàng hoàng nếu không mấy người ở chung nhà lấy nhầm thì lổ nặng. Nhi sợ bị ăn hiếp cứ đòi chồng bênh vực:

- Ông đừng tưởng ông ngon nhe, ông không chịu bênh tui thì không cần thẻ xanh tui cũng bỏ!

Cung cách dân giang hồ mà, Nhi nghĩ, cùng lắm đi hoang cần gì thẻ xanh thẻ đỏ mà hù, mới qua có thẻ liền rồi, không tác quái uổng công lấy ông sao, ông già?!

Vậy đó, ai bảo hồi mới quen ông chồng Nhi trót dại nổ cấp ba, nổ cấp tốc: anh có nhà anh có xe anh ăn nhậu thả giàn làm chi, cho em dệt mộng bay lên tận tới mây xanh, rồi bây giờ anh cứng họng. Nhưng thật ra anh ta đâu có nói ngoa. Anh ta có nhà, có xe, có ăn nhậu thả giàn thật mà. Nhà, xe và ăn nhậu cở nào thì ở Mỹ có vạn kiểu.

Chồng Nhi cũng hiền, nhỏ nhẹ chìu chuộng mong sao cô vợ tha cho cái vụ “bé cái lầm". Quan trọng ở chỗ là nhà thì ba má cho để ở chứ không cho đứng tên, đứa nào ngoan thì ông bà thương. Do đó, anh ta cũng muốn yên bề gia thất giống anh chị. Con vợ thì muốn kiếm chút gia tài nên cuộc tình cũng tạm thời lặng sóng thời gian đầu. Ăn ngủ, hoài cũng chán, lê thê chờ đến cuối tuần mới được đi chơi với đám già, cùng tuổi chồng, Nhi chán ngấy như cơm cháy xịt xì dầu. Ở Mỹ bà con đâu có ăn xài thả dàn và ga lăng với vợ bạn đâu. Nhi thấy mình sao xuống cấp quá xá quà xa, lù đù như con lạc đà, lê la trên xa mạc …nản! Cứ cái kiểu này mãi thì không mấy chốc sẽ tàn đời hoa. Bỏ đi thì cũng phải kiếm thằng nào chịu chứa mới được chứ. Thôi thì đành phải kiếm cách thủ thân, Nhi nói với chồng đưa tiền đi học tóc.

Từ ngày đi học tóc, Nhi bắt bồ được hai nhỏ bạn cũng theo chồng mới bảo lãnh qua. Sau đó, họ quen dây chuyền thêm một đám bạn cùng trang lứa khoái đua đòi không khoái học, khoái làm. Đẩy đưa đưa đẩy kiểu gì, Nhi kiếm thêm một thằng bồ cũng thuộc loại choi choi, tóc hai, ba màu sáng chói. Họ cùng nhau sáng, trưa chiều tối rủ đi cà phê đi chơi shot uống rượu mạnh, nhảy nhót để tìm vui.

Bà con học chung nhìn thấy cảnh tượng này chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm không biết có nên chạy qua mét cho thằng chồng để xem cái sừng của nó đang mọc ở góc nào. Không ai rảnh và dám khen chê, con quỷ nhỏ nó nghe được nó xì vào mặt, thúi ba ngày rửa không ra cũng không chừng.

Tự do ăn chơi kiểu gì, nội tình ra sao không rõ, mà một ngày đẹp trời bà con bắt gặp Nhi đang bưng phở, bưng cà phê kiếm tiền. Điều lạ ở điểm là Nhi không còn mặc đồ hở hang và trang điểm lè loẹt, cái mặt cũng không còn nghêng ngang kênh thiên hạ nữa, có khi còn tránh mặt giả bộ không quen ai hết. Nhìn Nhi nhỏ nhẹ, phục vụ khách tận tình là một chuyện khó tin.

Người ta nói, không biết vì sao mà Nhi thiếu nợ tùm lum, bắt đầu xuống nước về nhà ngọt ngào năn nỉ ông chồng giúp trả nợ. Ai ngờ ông chồng tuy ít đi đâu ngoài cuối tuần nhậu nhẹt với bạn nhưng cũng ghiền độ football nên có đồng nào nướng đồng đó, cũng đang thiếu nợ chứ chẳng khá hơn gì. Giờ vỡ lẽ ra Nhi cũng bon chen cá football lúc đầu năm mươi đô, sau tăng lên dần, gọi độ theo dân giang hồ là 50 xu, một đồng nghe sướng miệng nhưng tiền thật thì lên tới bạc ngàn. Nhi mê say đặt độ rồi cứ lên miết con số cá càng lớn con số nợ càng nhiều.

Ở Mỹ, chơi football có quen người ta mới cho bắt độ, mà nếu thua rồi thì đừng hòng giựt, cũng đừng hòng bỏ xứ trốn đi. Họ có thể cho người cầm súng đến nhà dọa là chuyện thường tình, dù là phạm pháp nhưng không ai dám đi báo cảnh sát đâu.

Sau đó, người ta thấy Nhi bôn ba hạ mình đi làm hai ba công việc thêm như bán quán cà phê, làm thêm thợ cắt tóc và ăn mặc chưng diện bình thường lại. Nhi không còn kênh mặc tỏ vẻ ta đây là dân chơi thứ thiệt nữa. Bấy giờ Nhi mới biết, kinh nghiệm nhảy nhót giang hồ cua trai của mình không đáng xách dép cho giang hồ San jose chút nào cả.

Nhìn Nhi, đoán già đoán non, người ta không biết cuộc sống của nàng sau này ra sao. Nhưng rõ ràng là Nhi đã hết rồi, một thời vàng son đi nhảy nhót lang thang, xài tiền như nước, hoặc là ở nhà chỉ tay năm ngón lông nhông ăn hiếp chồng! Ôi, một kiếp hồng nhan mà toàn là bạc lẻ, nếu không chịu thức thời, an phận.

Ở Mỹ, rõ ràng là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Nhiều bạn mới qua thường chịu cực khổ vài năm đầu rồi thì sẽ đâu vào đấy. Cuộc sống ở đây có nhiều cơ hội học hành, làm việc để thành công. Rất nhiều người phải vất vả một thời gian để ổn định cuộc sống rồi mới trở lại trường học. Các bạn trẻ hãy cố lên. Mỹ vẫn là miền đất hứa với muôn vàn cơ hội để xây dựng cuộc sống mới. Mỗi người chúng ta, hãy góp phần tạo nên một cộng đồng Việt có nhiều điểm đáng hãnh diện so với các sắc tộc thiểu số khác.

Mai Hồng Thu

 

Ý kiến bạn đọc
23/11/201808:02:28
Khách
Bài viết cũng hay dĩ nhiên là có ít nhiều hư cấu như tác giả tâm sự. May cho cô gái trong bài cũng chịu đi cày như mọi người và anh chồng cũng bỏ qua vì lỡ "lấy dzợ" do tự mình tự chọn nên "lời ăn lỗ chịu". Coi dzậy chứ cái kết khá là có trước có sau.
Cám ơn tác giả, mong bài viết sau.
20/05/201815:27:32
Khách
nên viết về những gia đình được bão lãnh qua . Ở VN "học hành không ra gì ?" nhưng qua Mỹ thì "NỔ" và CHÊ BAI QUÊ HƯƠNG vn hết lời. Dạng này hơi bị nhiều. Nên viết để công đồng người Việt ở Mỹ biết về họ
11/05/201804:35:52
Khách
Thì đúng là bấm số độc giả nhảy lên vù vù 1 cách lộ liễu như cái ông gì trước đây chứ còn gì nữa. Tội nghiệp, Khôn mà không ngoan. Đồng loạt 4 bài viết năm nay cô ta đều bấm tăng sô độc giả từng ngày, từng giờ một, chắc muốn chiếm giải nhất 10 ngàn. Hay năm nay tự dưng bị bệnh tâm thần?
01/05/201812:29:29
Khách
Tác giả này chắc giỏi computer nên có cách làm cho con số tăng khủng.
30/04/201805:59:12
Khách
Theo tôi, một bài viết hay không phải ở con số, không phải do lời giới thiệu của bất kỳ ai Tự bài viết gửi đến người đọc một thông điệp, người đọc cảm thây có mình trong đó, người đọc chia sẻ được với người viết vài điều
Có 8000 người đọc trong 4 ngày kể ra cũng nhiều và lạ đấy. Cho dù có 10000 cũng vất đi nếu đọc xong chả thấy gì đọng lại trong lòng.
Theo tôi bài viết này thường, loại trung bình như những bài trước đây. của cô
Dù sao cám ơn tác giả đã có bỏ công sức viết .Hy vọng cô sẽ viết hay hơn.
30/04/201805:36:13
Khách
Mới có 4 ngày lấy đâu ra con số trên 8000 người đọc thưa bà ?
27/04/201821:46:47
Khách
Xin cảm ơn mọi ý kiến góp ý. Riêng bạn Kim Hồ, xin giải thích riêng là nhân vật trong bài là 1 hình ảnh tượng trưng do MHT gom lại nhiều kinh nghiệm của những người có chung cách sống trong một xã hội gom nhỏ, không phải là ghi lại chuyện của 1 người nào đó 100% nên không phải là "nói xấu" riêng ai cả đâu ạ. Vì đây là kinh nghiệm của 1 phần trong cuộc sống nên mình đã viết lại với mục đích chia sẻ, nếu có gì không khéo xin thứ lỗi...dưới là phần MHT đã chú thích ở trang khác, xin dán lại đây, mong bạn đọc hiểu và thông cảm giùm. Nếu nói chỉ nên chia sẻ kinh nghiệm của mình và người thân, thì lại càng khó thêm vì đó là những điều có lẽ đôi khi càng thầm kín và riêng tư hơn. Do đó, MHT chọn cách kể lại sự thật dưới những nhân vật biểu tượng, miễn sao kinh nghiệm và thông điệp là sự thật. Hy vọng là MHT không làm sai, và sẵn lòng học hỏi thêm. Kính
Chú thích: Tất cả truyện mình viết đều dựa trên những tình tiết có thật gom nhặt đó đây. Tuy nhiên, nhân vật và nguyên câu chuyện là hư cấu, để tránh việc vô tình có những quan điểm không đúng về bất cứ ai hoặc sự việc gì dựa theo nhân sinh quan của riêng mình. Với mục đích chia sẻ kinh nghiệm sống, mỗi nhân vật trong truyện đều chứa đựng sự đồng cảm và trân trọng của người viết. Chúc vui.
27/04/201818:31:29
Khách
Neu' viet ve` chuyen gia ddinh`nguoi` than hoac ca' nhan minh` se~ co' suc'
thuyet phuc .
Tac' gia? viet chuyen thien ha.,ddoc nhu chuyen.... ngoi le^ ddoi mach' .
Kinh'
Kim Ho
27/04/201817:06:31
Khách
Nhờ sự quảng bá của Giám Khảo Khôi An, con số khống độc giả tăng đáng kể.
26/04/201818:52:59
Khách
Viết về những chuyện như vầy thì cần có một giọng văn châm biếm để diễn tả cái "cà chớn" của nhân vật. Tác giả đã viết rất thành công. Nội cái tựa đề thôi cũng đã hút người đọc ào ào!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,627,850
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Là con một gia đình H.O., đến Mỹ năm 1995, khi đã 27 tuổi, Nguyễn Khánh Vũ hiện là kỹ sư điện toán cho một công ty tại Arizona và đã góp nhiều bài viết xúc động.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Tác giả dự viết về nước Mỹ ngay từ năm 2000, năm đầu tiên của giải thưởng. Sang năm 2012, cô nhận giải bán kết với bài “Check Point”.
Nhạc sĩ Cung Tiến