Hôm nay,  

Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên

14/04/201800:00:00(Xem: 10572)
Tác giả: Captovan

Bài số 5360-m8-31201-vb7041518


Captovan hay Capvanto là bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết sau đây là câu chuyện thật về người lính trong tấm hình được đề cập trong bài “người yêu trâu điên”.
                     

***

Năm 2008, binh chủng Thủy Quân Lục Chiến chúng tôi tổ chức tại Little Saigon vào dịp July 4, anh em Mũ Xanh các nơi về tham dự đến gần 400 người, trong đó có khá đông anh em thuộc Tiểu Đoàn 2/TQLC mang danh hiệu “Trâu Điên”.

Trong khi anh em đang vui vẻ ôn lại chuyện đồng đội cũ chiến trường xưa thì vị cựu Tiểu Đoàn Trưởng ra hiệu yên lặng rồi ông mở tờ báo KBC/Hải Ngoại ra cho mọi người xem bài viết của tác giả N.A với tựa đề: “Người Yêu Trâu Điên”.

Bên lề bài viết là tấm hình của một phụ nữ rất duyên dáng với áo dài trắng, tóc xỏa bờ vai nhưng đôi mắt thì quá buồn. Bầu không khí buổi họp mặt bỗng sôi động hẳn lên, có nhiều tiếng huýt sáo y như ngày nào năm xưa khi “em gái” hậu phương đến thăm “anh trai” ngoài tiền đồn.

Chưa biết nội dung nói gì nhưng ai cũng đòi người anh cả đơn vị cho cầm tờ báo để ngắm người đẹp, người đẹp giữa chốn ba quân. Nét mặt Anh Cả Tiểu Đoàn tươi vui với giọng nói trẻ trung như ngày xưa từng ra lệnh trước hàng quân:

- Ai là thủ phạm, ai là “Người Yêu Trâu Điên” thì bước ra khỏi hàng.

Thật bất ngờ, mấy chục “ông già” trong quân phục rằn ri cùng nhất loạt đứng lên đưa cao tay, miệng hô lớn:

- Em, chính em, chính là em.

- Thưa Đại Bàng, không phải thằng đó, em mới chính là thủ phạm.

Nếu tác giả N.A, dù là nam hay nữ, mà nhìn thấy cảnh này chắc chắn sẽ cảm động lắm, chỉ với cái tựa bài viết thôi mà đã khiến những cựu quân nhân già cỗi nơi hải ngoại bỗng trở lại thành những người lính trẻ trung  năm xưa.

Trước tình thế khó xử, biết trao “người đẹp” cho ai bây giờ nên Anh Cả bắt bí:

- Trâu nào đã tham dự trận đánh vùng Phú Lâm Tết Mậu Thân đưa tay lên.

Tất cả các cánh tay lại đồng loạt đưa thẳng lên như năm xưa tuyên thệ ngày mãn khóa tại vũ đình trường, trong đó có nhiều anh khi trận Mậu Thân 1968 xẩy ra thì còn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường!

Anh Cả mỉm cười vì ai cũng muốn “tự giác” nên ông đành trao tờ KBC/HN cho tôi rồi ra lệnh:

- Trận Mậu Thân, cậu là 1 trong 2 đại đội trưởng chịu trách nhiệm giải tỏa khu vực Phú Lâm, hãy cầm tài liệu này về điều tra xem ai là người bị tác giả N.A khiếu nại.

Mọi người cùng cười, chỉ một tựa bài viết mà làm không khí sinh động hẳn lên.  nhận tờ KBC Hải Ngoại, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết “Người Yêu Trâu Điên,” và tự hỏi không lẽ lại có sự trùng hợp lạ lùng đến thế sao?

Nội dung câu chuyện nói về thân phụ của tác giả là một phóng viên chiến trường, ông đi theo Tiểu Đoàn Trâu Điên để chụp hình quay phim những trận đánh trong thành phố Saigon tết Mậu Thân. Trong những hình ông chụp có một tấm hình đẹp của người lính Trâu Điên và ông đã tặng tấm hình đó cho con gái khi cô mới chỉ là một nữ sinh lớp Đệ Lục trường Gia Long.

Thân phụ N.A đã kết thân với người lính ấy và mỗi khi họ trò chuyện bên nhau thì cô bé chăm chú nhìn hình con trâu trên vai áo trận rằn ri. Rồi người lính ấy di chuyển đi nơi khác khiến cô bé bâng khuâng và khi VC tấn công đợt 2 thì thêm một đại họa bất ngờ ập đến với tuổi thơ, thân phụ tác giả đã bị VC hạ sát trong lúc đang thi hành công vụ!

Xin phép tác giả N.A cho tôi trích một vài đoạn trong bài viết “Người Yêu Trâu Điên” để đem so sánh với những gì đã xẩy ra 40 năm về trước ở đơn vị tôi khi tham dự trận Mậu Thân: (trích).

                       

 “Anh Trâu Điên yêu dấu.

Khi viết năm chữ này, trái tim em đập những nhịp bất thường, ngón tay cầm viết cũng run rẩy. Trước mặt em là tấm hình đen trắng...

Anh Trâu Điên biết mà, tấm hình này chính Ba em chụp cho anh... Tự nhiên Ba cầm tấm hình ngắm nghía rồi đưa cho em, nói:

-Tấm hình này đẹp quá, muốn giữ không con?

Tấm hình Ba khen đẹp quá, em đã ép trong cuốn nhật ký nhỏ, dấu kín giữ cho riêng em mà thôi.

Tháng Năm năm Mậu Thân, VC lại tấn công thủ đô lần thứ 2.

Buổi sáng hãi hùng đó, không có anh Trâu Điên, Ba em đã đi luôn.

Không, Ba có trở về bằng thân xác còn nóng hổi, máu còn chẩy ra linh láng, ướt hết quần áo em! Hai chị em yếu đuối đã vác xác Ba về.

Lá thư này em viết nhưng không bao giờ gửi, vì em đâu biết anh Trâu Điên ở nơi nào trên mảnh đất đầy thống khổ… Em viết lá thư này như một nhu cầu yêu thương dành cho anh Trâu Điên, ngươi bạn trẻ của Ba, hình ảnh Ba và anh Trâu Điên luôn gắn liền nhau trong lòng em. Em giữ mãi lá thư không gửi trong cuốn nhật ký…

Với lòng mong mỏi anh Trâu Điên vẫn còn sống sót đâu đó biết rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ tới anh Trâu Điên ngày xưa.

. . .

 
Thực sự tôi chưa biết rõ tác giả N.A là nam hay nữ, nhưng tấm hình kèm theo bài viết thì là hình của một “cô”, người cùng với “anh” Dương Thượng Trúc phụ trách mục “Thư hậu phương, thư tiền tuyến” trên báo KBC/HN.

Nhân dịp đọc bài viết “Người Yêu Trâu Điên”, tôi xin thuật lại một vài chi tiết 40 năm về trước để giúp tác giả biết thêm về lòng yêu nghề mà không ngại gian lao nguy hiểm của người phóng viên chiến trường. Nếu đích thực ông là thân phụ của tác giả thì xin cho tôi gửi lời chia buồn đến gia đình người quá cố, một phóng viên mà tôi quý mến.

*

Tết Mậu Thân 1968, TĐ.2/TQLC đang hành quân vùng Cai Lậy, Giáo Đức, Định Tường thì được trực thăng bốc về Saigon và đổ quân xuống ngay trong sân bộ Tổng Tham Mưu, sau khi thánh toán xong tụi VC ở trường Sinh Ngữ, trung tâm Ấn Loát, cổng xe lửa số 6 thì Tiểu Đoàn Trâu Điên chia ra từng đại đội đi đánh các nơi khác, sau đó thì Đại Đội 1 của tôi và Đại Đội 4 của Đại Úy Vũ Dzoan được lệnh giải tỏa lực lượng địch đang chiếm khu cư xá Phú Lâm.

Chúng tôi lục soát và chiếm những mục tiêu đang có VC cố thủ trên những nhà lầu dọc theo hai con đường Hậu Giang và Lục Tỉnh để tiến về Mũi Tàu Phú Lâm và đài phát tuyến. Vì chiến đấu trong thành phố nên chúng tôi không được phép sử dụng pháo binh và máy bay, do đó  chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn bởi vì địch đã nằm sẵn trên các cao ốc, nhìn rõ mục tiêu, nhắm súng vào chúng tôi. Nhưng đã là lính thì phải chấp nhận hy sinh để giảm thiểu thiệt hại sinh mạng và tài sản của đồng bào.

Khi đại đội tôi tiến đến ngã tư đường Hậu Giang và Phú Định thì đụng nặng, địch khá đông đang cố thủ trong hãng pin Con Ó, cách chúng tôi một bãi đất trống và hỏa lực rất mạnh. Đã mấy giờ rồi mà quân ta chưa tiến thêm được bước nào, bị thương và tử trận ngày càng tăng cao trong khi thượng cấp thì ra lệnh phải tiến “bằng mọi giá”!

Chúng tôi phải xin tăng cường xe thiết giáp để TQLC tùng thiết (có nghĩa là bộ binh và thiết giáp che chở yểm trợ cho nhau cùng tiến), cấp trên đã biệt phái xuống cho tôi một thiết giáp M41. Chỉ một chiếc thôi thì chưa đủ, nhưng có còn hơn không nên tôi cho lệnh trung đội đi đầu của Thiếu Úy Nguyễn Văn chuẩn bị “tùng thiết” để vượt qua khoảng trống, chiếm mấy cao ốc trước mặt, thiết lập đầu cầu. Tiến như thế rất nguy hiểm nhưng phải theo lệnh cấp trên.

Khi xe và quân tùng thiết tiến lên thì tôi bất ngờ trông thấy anh phóng viên chiến trường núp sau pháo tháp và đang đưa máy hình lên chụp. Anh ta đã đi theo đơn vị tôi lao vào lửa đạn cả ngày rồi nhưng ngồi trên pháo tháp như thế thì thật liều mạng, tôi quát:

- Anh phóng viên, yêu cầu anh xuống xe ngay.

Tôi hét lớn nhưng có lẽ vì tiếng máy nổ của M41 lớn quá khiến nggười phóng viên không nghe được, hoặc cũng có thể anh ta “giả điếc” để cố bám theo toán quân xung phong đầu tiên. Một tay anh  bám vào thành xe, một tay bấm máy hình liên tục. Nguy hiểm quá, nếu không bị bắn thì anh ta cũng bị rớt xuống, sẽ bị xích xe cuốn theo ngay! Không chần chừ đươc nữa, tôi quát lớn ra lệnh cho Hạ Sĩ 1 Bùi Ngọc Đường, người cận vệ của tôi:

- Đường, lôi ngay ông phóng viên xuống đất cho tao.

 Không chậm trễ một giây, Đường nhẩy lên xe ôm ngang lưng người phóng viên rồi  cả hai cùng té lộn nhào xuống đất. Trong lúc hai người còn đang nhăn nhó chưa kịp đứng dậy thì xe thiết giáp rú ga, gầm lên ủi sập bức tường phía trước mặt. Lập tức địch bắn đủ mọi loại vũ khi về phía chúng tôi, xe bị trúng đạn B40, tiếng nổ chát chúa hất tung những người ngồi trên xe xuống đất. Thiết giáp chồm lên đống gạch, khựng lại phun khói, cả khói xe lẫn khói đạn B40 mịt mu.

Sau một lúc với vài động tác xoa mặt, dụi mắt, tôi mới nhận ra được một cảnh tượng hết sức đau lòng, xe bị đứt xích, người trưởng xa M41 ngồi trong pháo tháp thò đầu ra ngoài thì đã biến đâu mất rồi! Cái nón sắt của anh văng ra xa, móp méo và bê bết máu! Thiếu Úy Nguyễn Văn Quang*, đi sau xe thiết giáp thì đang gượng đứng dậy, 2 tay xoa khắp người xem có bị thương chỗ nào không, Hạ Sĩ Danh-Thon, hiệu thính viên của Th/Úy Quang nằm sấp bất động, ngực đè lên máy truyền tin PRC25, tôi lật người Thon lại, một viên đạn xuyên qua máy truyền tin anh đeo trước ngực, xuyên qua áo giáp, trổ ra sau lưng một lỗ nhỏ, máu chưa kịp thấm ra ngoài. (* Thiếu Úy Quang khóa 18 Võ Khoa đã tử trận một năm sau đó)

Đảo mắt quan sát một vòng, tôi thấy xung quanh xe thiết giáp vài quân nhân bị thương, chưa biết nặng nhẹ ra sao, cách đó vài mét, người phóng viên ngồi dựa lưng vào tường, mặt nhăn nhó, chắc là lúc bị Đường kéo té xuống đất đau lắm, nhưng anh ta vẫn còn đủ sức đưa máy lên bấm liên tục. Khi máy nhắm về phía tôi, anh trông thấy người vừa ra lệnh “lôi” anh ấy xuống đất nên anh ta lắc-lắc cái đầu tỏ ý “ghê quá” và đưa nắm tay với ngón cái hướng lên trời, không biết ý anh muốn nói là may mắn vừa thoát chết hay là muốn nói cám ơn tôi đã đuổi anh ấy xuống, có thể là cả hai. Tôi tiến lại bắt tay anh và nói đùa:


- Về nhà nhớ mua heo cúng nghe ông, lần sau ráng giữ lấy cái “gáo dừa”.

Anh nắm chặt tay tôi như muốn nói thêm điều gì nhưng rồi lại vội vàng tiếp tục đưa máy chụp nhiều tấm hình. Đến lúc này tôi mới biết là xe thiết giáp đã bị 2 trái B40 bắn vào xích và pháo tháp.

Pháo tháp là một khối sắt dầy, đạn B40 không phá được nhưng sức nổ đã làm bay những gì xung quanh, sức nổ đã làm bay đầu và phần thân trên của anh thiết giáp đi xa, còn phần thân dưới có lẽ đã bị đứt ra và lọt vào trong lòng xe rồi! Nếu anh phóng viên còn bám theo pháo tháp để chụp hình thì không biết sẽ ra sao?

Thấy xe bằng sắt mà còn bị đứt huống chi người, thượng cấp không hối thúc tôi tiến quân nữa mà cho dừng quân để trực thăng (gunship) đến bắn rockets thẳng vào mục tiêu, nhờ vậy chúng tôi mới vượt qua được khoảng trống và tiến nhanh đến giải tỏa địch khu cư xá Phú Lâm.

Bài viết này chúng tôi không chủ tâm viết về trận đánh Mậu Thân 1968 mà chỉ muốn nói về chuyện người Phóng Viên Chiến Trường nên chúng tôi không đi vào chi tiết việc binh đao mà xin quay về với người “lính” mang ống kính, máy chụp hình.

Rất hiếm khi có được phóng viên chiến trường đi theo ở ngay tuyến đầu tại mặt trận, có chăng là sau khi mọi chuyện đã xong xuôi, phái đoàn báo chí mới tháp tùng theo phái đoàn trung ương đến quan sát trận địa để chụp hình quay phim đưa hình phái đoàn hoặc hình những xác VC, những cây súng gẫy lên mặt báo, còn hình người lính chiến thì mờ-mờ ảo-ảo làm nền trang trí

Nhưng lần này về đánh giặc ngay trong lòng thủ đô nên có dịp nằm cùng phóng viên ngay tuyến đầu, những hình ảnh người lính TQLC xung phong vào lửa đạn đều được các anh chụp và đưa lên các trang nhật báo ngay ngày hôm sau kèm theo tên tuổi đơn vị v.v.. như trường hợp phóng viên Nguyễn Tú của nhật báo Chính Luận, những hình ảnh và bản tin của anh viết về Trâu Điên trên báo đã được thân nhân gửi ra chiến trường khiến chúng tôi rất hãnh diện. Dù không biết ông Nguyễn Tú nay ở nơi đâu nhưng cũng xin thay mặt anh em để cám ơn ông Nguyễn Tú.

Có những người lính thấy hình mình được đăng trên báo, dù không rõ lắm nhưng cũng thấy thích thú, cắt xén thật cẩn thận để giữ làm kỷ niệm hoặc làm quà tặng cho người yêu. Các cấp chỉ huy thì cất kỹ những trang báo nói về trận đánh của đơn vị mình rồi đóng khung lồng kính treo lên chỗ trang trọng nhất của đơn vị.

Đối với người lính tác chiến thì những hình ảnh và bài viết của các phóng viên chiến trường về đơn vị họ, nhất là các đơn vị cấp nhỏ như trung đội hay đại đội, là một niềm an ủi lớn lao, một điều khích lệ vô cùng quan trọng cho tinh thần chiến đấu của họ, vì thế nói không ngoa rằng một cây viết chiến trường mạnh hơn một đơn vị, nhưng tiếc thay, trong quá khứ, người có trách nhiệm đã không để ý đến “binh sĩ vận” mà chỉ lo “thượng cấp vận”.

Có được người phóng viên đi theo khiến anh em lính chúng tôi lên tinh thần, hơn nữa chuyện anh thoát lưỡi hái của tử thần vừa qua càng làm chúng tôi quý mến nhau hơn nhất là tình cảm giữa anh và Bùi Ngọc Đường, họ thân nhau như anh em, dù tuổi tác có chênh lệch.

Trong lúc đơn vị tôi tạm đóng quân trong cư xá để chờ nhiệm vụ mới thì anh phóng viên dẫn chúng tôi về nhà, cũng ở trong cư xá Phú Lâm, anh có ý muốn giới thiệu chúng tôi với chị ấy và các cháu, trước khi bước vào nhà anh nói nhỏ với tôi và Đường:

- Các anh đừng nói gì về chuyện vừa xẩy ra nhá, sợ bà xã tôi và sấp nhỏ lo lắng.

Một người phóng viên chiến trường vừa yêu nghề lại vừa yêu vợ con nên đôi khi cũng không dám nói sự thật về những nguy hiểm bao quanh bản thân mình.

Tôi thông cảm với anh vì tôi vẫn thường nói dối như thế với mẹ tôi, “Bà Mẹ Quê”. Mỗi lần về phép, mẹ tôi hỏi đi lính có vất vả không con thì tôi trả lời mẹ ngay: “Xin Mẹ yên tâm, như đi làm thư ký văn phòng ấy mà, mẹ đừng có lo”.

Anh phóng viên giới thiệu chị và các con với chúng tôi, có lẽ cũng đến “ngũ long công chúa”, cháu lớn chỉ độ “trăng tròn” là cùng. Thấy lính tráng súng ống vào nhà nhưng lại ngồi uống café hút thuốc nói chuyện vui vẻ với bố nên các cháu an tâm, bạo dạn hơn, thập thò sau màn, khúc khích cười, vỗ vào lưng nhau “thùm-thụp”.

Một gia đình thật hạnh phúc, tôi ước mong một ngày nào trong tương lai có được mái ấm gia đình như anh, nhưng có lẽ còn lâu lắm, hoặc không bao giờ có được hạnh phúc ấy một khi còn “vui đùa” với súng đạn, “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” nghĩ vậy nên tôi tâm sự với anh:

- Này anh, nếu hôm qua Đường nó không ôm anh nhảy xuống đất thì hôm nay đâu còn chầu café này, anh đâu còn nghe tiếng cười khúc khích dễ thương của các cháu. Anh phải hết sức cẩn thận khi đi làm phóng sự ngoài chiến trường, hoặc nên đổi nghề, lương phóng viên không được bao nhiêu mà có quá nhiều nguy hiểm, anh đã có gia đình, các cháu đang nhìn anh kia kìa.

Tôi chỉ tay vào phía trong nhà, sau bức màn che, thấp thoáng một hai cô bé tóc đuôi gà đang nhìn bố tiếp khách, nhìn theo hướng tay tôi chỉ, anh gật gật đầu ra chiều suy nghĩ. Chúng tôi bắt tay từ giã, anh xiết chặt tay tôi và nói nhỏ:

- Anh sẽ để ý và nghiên cứu lại lời khuyên của chú em.

Tôi thật cảm động khi nghe anh xưng “anh” và gọi tôi bằng “chú em” mang đậm nét tình nghĩa gia đình. Từ hai người xa lạ, chỉ qua một lần cùng chung nguy hiểm, thoát chết trong gang tấc mà chúng tôi trở thành anh em thân thiết hồi nào không hay. Lính trận phong sương râu ria rậm rạp còn anh phóng viên trắng trẻo đẹp trai nên trông như gần bằng tuổi nhau.

Anh tiễn chúng tôi ra cửa mà còn nghe có tiếng chị dặn với theo:

- Tối các em nhớ lại ăn cơm canh chua cá kho tộ với các cháu cho vui.

Vui quá đi chứ, hổm rầy sống giữa thành phố mà cứ phải “nhá” C ration (thức ăn đóng hộp cho lính hành quân), thịt hộp 3-lát ngán quá. Nhưng ngay tối đó đại đội tôi phải di chuyển gấp đến mặt trận Bình Hòa, Gia Định nên không kịp báo tin cho anh hay.

Ngày qua ngày, TĐ2/TQLC di chuyển khắp nơi, từ nội thành ra tới ngoại ô, từ Nhà Bè sang bến đò Long Kiển, lên Nhị Bình (Lái Thiêu), chỗ nào có bóng dáng VC là chúng tôi đến. Đã có lần đơn vị chúng tôi trở lại lục soát khu vực rừng khóm (dứa), thuộc mật khu Lý Văn Mạnh, rất gần cư xá Phú Lâm nhưng không có thì giờ ghé thăm anh chị.

Rồi VC tấn công đợt 2, TQLC chúng tôi bận túi bụi tiếp những người “anh em” từ bưng về thành, nào là ngã ba Cây Thị, xóm Cao Đồng Hưng, khu Đồng Ông Cộ, cầu Bình Lợi, ngã ba Cát Lái v.v… Người tử trận, kẻ bị thương, chúng tôi không còn thì giờ nhớ đến gia đình, người yêu. Hình dáng người phóng viên cũng mờ dần.

Vào khoảng tháng 10/1968, tình hình Saigon hòan toàn yên tĩnh trở lại, TĐ2 chúng tôi được biệt phái cho Quân Đoàn III để hành quân vào mật khu Hố Bò, Bời Lời. Trước khi rời xa Saigon, Bùi Ngọc Đường trốn đi chơi nguyên ngày, khi trở lại đơn vị thì vừa kịp nhảy lên xe GMC cùng đại đội di chuyển đến quận Hiếu Thiện (Tây Ninh) và từ đây được trực thăng vận vào mật khu Bời Lời ngay nên tôi chưa có dịp “thưởng” cho Đường 5 roi vì tội “nhẩy dù”. Cũng may là trong trận này, Bùi Ngọc Đường cùng với Nguyễn Văn Hợi đã liều mình cứu sống được viên trung úy cố vấn Mỹ bị thương, Lt Joe Bargerstock, vì anh ta đang bị VC bao vây tìm cách bắt. Nhờ thành tích này mà Đường được Thiếu Tá Lê Đình Bảo trưởng phòng Chính Huấn Sư Đoàn TQLC đề nghị và tưởng thưởng cho một xe Honda, và dĩ nhiên tôi cũng tha cho hắn tội trốn đi phố.

 Bùi Ngọc Đường và tôi là hai “thầy trò” nên khi đi hành quân thì như hình với bóng, Đường luôn ở bên cạnh để giúp tôi khi cần thiết, đi đâu là phải hỏi, vậy mà lần này dám đi cả ngày, đã vậy khi trở về lại có vẻ buồn. Tuy được thưởng cho chiếc Honda mà sao Đường không vui! Và rồi, xe Honda còn trùm mền chờ ngày Đường về phép để chở người yêu dạo phố thì Đường lại hy sinh trong một cuộc hành quân sau đó trên chiến trường Camphuchia!

 Khi Đường tử trận rồi, Nguyễn Văn Hợi, người cùng với Đường cứu sống cố vấn Mỹ, mới nói thật với tôi là Đường trốn đi phố là để về thăm anh phóng viên ở cư xá Phú Lâm, và người anh kết nghĩa này của Đường đã bị VC hạ sát trong đợt 2 trận Mậu Thân!

Nghe Hợi nói mà tôi bỗng rùng mình. Tôi nhớ lại mấy tháng trước khi đánh ở đường Hậu Giang, Chợ Lớn, Đường đã theo lệnh tôi nhẩy lên Tank M41 ôm người phóng viên nhẩy xuống đất vừa lúc xe tăng bị B40 bắn nên cả Đường và người phóng viên không bị nát thây trong gang tấc. Và rồi họ kết nghĩa anh em, tình huynh đệ chưa được bao lâu thì anh hy sinh mà em không biết! Khi em trở lại thăm anh thì… chưa tàn nén nhang thắp cho anh thì em lại tử trận!

Cả hai đều những người tôi thương mến, hình ảnh của họ đã nằm sâu trong ký ức, tôi. Nào ngờ, 40 năm sau, một sự tình cờ mà hai hình ảnh này sống lại thật rõ ràng trong trí nhớ của người già hay quên chuyện hiện tại mà nhớ dai chuyện quá khứ.

Đọc từng dòng từng chữ câu chuyện của N.A, tôi tin chắc người bạn phóng viên chiến trường, người anh kết nghĩa của Trâu Điên Bùi Ngọc Đường chính là thân phụ của tác giả bài viết “Người Yêu Trâu Điên” và người lính trong tấm hình mà N.A dấu kín trong tập nhật ký nhỏ có phần chắc là Bùi Ngọc Đường.

Tác giả N.A kết thúc lá thư không gửi vì không biết anh Trâu Điên ở đâu bằng lời chúc “Với lòng mong mỏi anh Trâu Điên vẫn còn sống sót đâu đó biết rằng trên mặt đất này vẫn còn có một người nhớ đến anh Trâu Điên ngày xưa”.

Tôi xin kết thúc: “Tình Anh lính Chiến và Người Phóng Viên” với lời nhắn:

Cô N.A ơi, Trâu Điên Bùi Ngọc Đường, người trong tấm hình mà cô giữ kín trong cuốn nhật ký, đã không thể về dự đại hội TQLC năm 2008 được, Đường không chết nhưng đã nằm lại đâu đó trên chiến trường miền Nam VN, cũng như thân phụ của cô, ông không chết nhưng về với các con bằng thân xác còn nóng hổi, máu chẩy ra linh láng!

Tôi tin rằng Bùi Ngọc Đường, người lính chiến trong tấm hình mà cô “nhốt” trong cuốn nhật ký thì chỉ có hắn biết, hắn luôn phù hộ gia đình cô.

 
Captovan

 

Ý kiến bạn đọc
18/04/201815:53:07
Khách
Mến chào Phượng
Dạ, bài viết nầy của Ngọc Anh , là em gái kế của chị TN Bảo Xuân, người đã cùng chị vác xác Ba về nhà . Gia đình mình có 8 chị em, 5 trong số thích viết văn, bày tỏ những tâm tình . Cám ơn Phượng đã đọc bài.
17/04/201801:40:38
Khách
nếu không lầm, tác giả của bài viết này có thể là Trương ngọc Bảo Xuân, qua một số bài viết của bà trên Việt báo: ..từng ở cư xá Phú Lâm, cha làm Cảnh sát giảo nghiệm nên có chụp hình rửa ảnh tại nhà, và bị VC hạ sát năm Mậu Thân và TNBX cùng với em gái phải đem xác cha về nhà..
16/04/201803:23:08
Khách
Một bài viết hay. Tình quân- dân miền Nam đậm đà được thuật lại trong bài viết này nếu được trình bày bằng phim ảnh có thể khiến người ngoại quốc xem phải rơi lệ và đồng thời cũng làm bỉ mặt bọn phản chiến chuyên nói xấu người lính Việt Nam Cộng Hòa.
15/04/201813:09:44
Khách
Cám ơn anh Trâu Tô Văn Cấp đã viết bài nầy, để giải mã một tấm hình của NA.
Hình dung "Những cánh tay đồng loạt đưa thẳng lên" ; lòng cảm động và rất vui. NA vẫn nhớ, hôm đó, Ba sắp đầy hình các anh Trâu Điên, chụp chung có, chụp riêng cũng có lên bàn ăn. Những hình nầy Ba lưu giữ ở Sở Giảo Nghiệm trong Tổng Nha Cảnh Sát.
Nén nhang muộn màng thắp lên cho anh Bùi Ngọc Đường, và chung cho tất cả những anh linh tử sĩ . Tổ Quốc Ghi Ơn các anh.
50 năm, thời gian đủ dài để nhớ và để không thể quên
NYTĐ
15/04/201808:02:58
Khách
"Bão Quốc An Dân" đẹp thay hình ãnh người chiến sĩ QLVNCH.
14/04/201816:45:48
Khách
Từ khi nhìn thấy tấm hình của Tướng Loan xử tử tên VC tôi có nhiều thắc mắc tới những phóng viên chiến trường rất nhiều. Như mọi người đều biết: nửa ổ bánh mì vẫn là miếng bánh mì nhưng nửa câu chuyện là một câu chuyện khác. Tấm hình không những đã bị bao nhiêu người phản chiến dùng bôi lọ cuộc chiến bảo vệ tự do cho quân dân miền Nam mà còn gây không ít hiểu lầm cho bản thân của người chỉ huy anh dũng.
Chúng ta thua VC vì không những chúng quá ác độc không từ mọi thủ đoạn kể cả thủ tiêu chính những người dân vô tội như trong Tết Mậu Thân mà cũng vì chúng ta quá dân chủ, quá tự do. Đọc câu chuyện thấy tác giả, vị chỉ huy, đang lo địch quân tấn công mà còn phải chia trí ra nhiệm vụ cho hạ sĩ Đường nhẩy lên xe cứu người phóng viên. Trong trận chiến sống chết, ta không nên vì nghề nghiệp chụp hình mà có thể gây nên cái chết cho hạ sĩ Đường vì lo cứu người. Nếu người dân vô tội bị kẹt giữa hai làn đạn, người lính phải có nhiệm vụ cứu dân.
Tôi rất đồng ý chúng ta có chính nghĩa nên “cây ngay không sợ chết đứng”. Chúng ta không sợ địch dùng lời xảo trá lươn lẹo nói trắng thành đen, nhưng theo thiển ý của tôi, chúng ta cũng nên đừng để các chiến sĩ vừa lo đối địch lại vừa phải lo cứu dân chưa hết giờ lại lo cứu người phóng viên chiến trường.
Tấm hình của họ ghi lại cái tàn khốc của cuộc chiến cho hậu nhân nhưng cũng có thể gây sự hiểu lầm đáng tiếc cho các chiến sĩ chết vì bảo vệ tự do cho người chụp hình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,620,474
Tác giả tuổi lục tuần, cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, hiện là chuyên viên ngân sách cho Fairfax County, tiểu bang Virginia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông từ 2004, “Lạc Lối Đến... Thiên Đàng:
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp,
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose từng được cử chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí Ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ 1993-2008 rồi sang Mỹ, sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07-2012.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là Y Sĩ và là Giáo Sư Tiến Sĩ của Đại Học Texas Woman's University Houston Texas / TWU. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu 2017.
Nhạc sĩ Cung Tiến