Hôm nay,  

Công Viên Xưa

01/04/201800:00:00(Xem: 12722)
Tác giả: Lê Như Đức

Bài số 5351-19-31193-vb7040118

 
Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing, OKC. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức là một tác giả rất được quí trọng. Mừng ông tiếp tục viết.

 
***


Kim mở email ra coi khi ngồi vào bàn làm việc như mọi lần mỗi sáng. Nàng rất ngạc nhiên khi thấy bác sĩ Bob gửi điện thư cho nàng viết bằng tiếng Việt chứ không phải bằng tiếng Anh như mọi khi:

 
Kim mến,

Chắc Kim ngạc nhiên lắm khi anh viết thư cho Kim bằng tiếng Việt Nam. Ba tháng nay anh cố học viết tiếng Việt Nam để viết cho Kim cái email ngắn tí này. Anh không nói xạo Kim đâu. Anh có nhờ một người bạn Việt Nam từ thành phố Chicago xưa sửa trước khi gửi cho Kim. Không phải anh sợ viết không được, nhưng sợ Kim hiểu lộn ý của anh nhiều nên mới nhờ người bạn xét lại có thấy vi phạm văn hóa hay lễ giáo của Việt Nam không?

Khi xin đổi về San Francisco làm, anh gặp được Kim lần đầu khi chúng ta làm chung với nhau một vụ mổ sáu tháng trước đây. Năm năm sau ngày ly dị với người vợ cũ, anh cứ nghĩ sẽ suốt đời sống một mình nuôi đứa con Jimmy. Trái tim anh đã vỡ tan sau khi ly dị nhưng lành lại nhau ngay sau ngày gặp Kim.

Một ngày về nhà ăn trưa, anh thấy Kim tới công viên ngồi ăn. Từ đó anh thấy Kim thường tới công viên mỗi trưa. Anh muốn xin Kim cho anh được ăn trưa với Kim từ hôm nay để tìm hiểu nhau có được không?

Bob,

Tái bút: Anh viết xưng tôi, nhưng người bạn sửa thành anh cho nó có thêm nhiều yêu đương.

 
Kim phì cười khi đọc xong phần tái bút của bác sĩ Bob. Câu trên vừa nói xin được ăn trưa để tìm hiểu thì câu dưới đã khẳng định có nhiều yêu đương rồi. Cách hành văn của Bob nghe không suôi lắm, nhưng cũng làm Kim cảm động khi thấy Bob chịu khó bỏ giờ ra học tiếng Việt ba tháng nay.

Giống như Bob, mười một tháng trước Kim cũng tan nát cõi lòng khi phải ký giấy ly dị chồng. Mười năm vợ chồng chung sống với nhau thật hạnh phúc cho ra đời được hai đứa bé trai thật kháu khỉnh là Khang và Khánh. Kim đặt chúng tên Mỹ là Houston và Dallas để kỷ niệm chuyến đi Houston thăm người anh họ và gặp Bảo trên đường bay từ Dallas về lại San Francisco.

Sau khi ly dị, bán nhà chia đôi gia tài, mỗi buổi trưa Kim vẫn thường ra công viên gần bên căn nhà cũ vừa ngồi ăn, vừa nhìn cảnh xưa để thầm nuốt nước mắt. Cho tới giờ phút này, Kim cũng không tưởng tượng nổi gia đình mình đang quá hạnh phúc rồi bỗng tan vỡ thật nhanh chóng chỉ qua mấy tháng.

Ngày này năm trước, nếu có ai tiên đoán vợ chồng Kim sẽ ly dị năm sau, chắc chắn Kim sẽ cười to và bước nhanh không thèm trả lời. Vậy mà chỉ có gần một năm thôi, tất cả đều mất hết chỉ vì một phút chiều chồng.

Lấy nhau một thời gian dài, Kim tin tưởng chồng mình nhiều hơn bất cứ người đàn bà nào hết vì Bảo chỉ biết đi làm và về nhà sống hạnh phúc với vợ con. Bảo không la cà quán nhậu cũng như quán cà phê. Bảo không bạn bè, ngoài bạn cùng sở. Bảo không biết hút thuốc nói chi tới xì ke, ma túy. Uống bia thì chỉ được nửa lon là mặt Bảo đỏ như son nên chả bao giờ dám đụng đến rượu. Khi rảnh, Bảo không lấy sách ra học thêm thì lại dắt vợ con đi bộ vòng vòng trong cái công viên trước nhà. Mười năm chung sống, Bảo chỉ biết vào sở làm và về sống hạnh phúc với vợ con.

Tất cả bỗng nhiên chỉ qua vài ngày, Bảo thay đổi như lột xác hoàn toàn khiến cho đến giờ phút này Kim cũng không hiểu được tại sao Bảo lại bằng lòng bỏ hết tất cả hạnh phúc, gia đình, vợ con để đổi lấy con…Đầm già.

Ngoài những lần phải đi công tác xa nhà, Kim thấy chồng làm lụng bao nhiêu năm không hề rời vợ, xa con dù chỉ một lần nên đã đồng ý cho Bảo xả hơi xuống Las Vegas chơi với bạn trong sở một cuối tuần. Duy chỉ có một lần thôi mà từ đó Bảo cứ công tác xa nhà liên tu bất tận. Kim nghi ngờ hỏi thì Bảo mở Internet ra chỉ cho nàng thấy hãng mới trúng hợp đồng bạc tỉ nên tất cả mọi nhân viên, không chỉ riêng Bảo, công việc tăng gấp đôi, phải ở lại sở làm tới khuya và business trip liên tu bất tận.

Khi Chase bank báo cho Kim biết công của nàng bị hụt tiền trả thẻ tín dụng tự động tháng này nên phải đóng phạt, Kim cười to. Kim chắc chắn Chase bank đã lộn người vì không những Việt Nam mà Mỹ cũng có rất nhiều tên Kim. Nàng còn nhắc khéo nhân viên nhà băng trước khi gửi email nên xét lại công việc làm của người chủ account. Bảo làm kỹ sư trước khi lập gia đình, Kim là y tá trưởng cho bệnh viện hơn chục năm thì làm gì có chuyện hụt tiền.

Ngày hôm sau Kim lại nhận email thông báo về tài chánh của hai vợ chồng mình. Kim vào internet mở công mình ra coi lập tức gọi cho nhà băng hay không những mọi thẻ tín dụng mà công của hai vợ chồng nàng cũng bị kẻ trộm vào biển thủ hết. Nhà băng khuyên Kim nên hỏi những người có quyền rút tiền hay ký check trong nhà trước khi đổi thẻ tín dụng và khóa công của nàng. Khi nhân viên nhà băng cho biết phần lớn nơi rút tiền từ các casino, Kim sững sờ hiểu ra được kẻ trộm không ai xa lạ, chính là ông chồng mà mình đã đặt hết tin tưởng bao năm qua.

Nhìn thấy trương mục tiết kiệm, tiền hưu trí, tiền để dành cho tương lai con vào đại học cũng bị rút sạch, Kim bấm điện thoại gọi Bảo nhiều lần vẫn không thấy chồng trả lời. Kim lấy nửa ngày nghỉ về nhà thì thấy Bảo nằm trong phòng ngủ li bì. Đánh thức Bảo dậy không những Kim biết được Bảo nướng hết sạch tiền mà còn bị sa thải tháng trước vì đánh bạc thâu đêm nên vào sở làm cứ lờ đờ ngủ gật. Kim chết lặng người, chỉ biết đứng nhìn Bảo mà không thốt được tiếng nào.

Bảo cúi đầu lặng im một lúc rồi từ từ gom ít đồ ra xe và biến mất từ đó.

Tháng sau, Kim nhận được giấy không những Bảo đòi li dị mà còn đòi bán căn nhà chia của vì Bảo cần tiền biếu không Las Vegas. Kim cũng chả muốn mình và con hằng ngày phải thấy lại những kỷ niệm xưa nên ký bán vội căn nhà. Bán được vài tuần, lòng Kim vẫn ray rức nên những khi công việc ít, nàng thường ra cái công viên nằm đối diện căn nhà xưa, vừa ăn trưa, vừa thầm khóc.

Một đôi khi, Kim còn đi dạo lại trên những con đường nhỏ dành cho khách bộ hành chạy quanh co quanh công viên. Cũng trên các con đường nhỏ hẹp này, các con Kim từng bước chập chững tập đi, rồi chạy chơi, rồi tập lái xe đạp. Nước mắt Kim đẫm ướt mỗi khi thấy một cặp vợ chồng dắt con ra đây dạo chơi hay vài đứa bé đạp xe chạy ngang qua cái ghế đá mà chỉ mới năm ngoái Kim thường ngồi im lặng ngắm chồng và hai con đuổi nhau để hạnh phúc từ từ ngấm vào lòng.

Nhiều lần Bảo bắt được đôi mắt Kim đỏ ửng. Kim trả lời: “em khóc vì cảm nhận được hạnh phúc của gia đình mình thấm vào trong lòng”. Bảo thường ôm Kim rồi hứa: “em sẽ phải khóc mãi mãi vì hạnh phúc của chúng ta”.

Sau khi li dị, Kim khóc nhiều hơn xưa.

Ba hôm nay công việc quá nhiều nên Kim phải ăn trưa ngay tại bàn làm việc. Đọc email của Bob xong, Kim bâng khuâng một lúc rồi nhẹ nhàng từ chối trước khi ra công viên ăn trưa một mình. Kim thường chọn cái băng ghế khuất dưới tàn cây để ngắm căn nhà cũ.

Chưa kịp ăn trưa, Kim để ý thấy có một bao thư mầu vàng nhạt đặt cuối băng ghế, phía đầu bên kia. Cứ ngỡ ai đó để quên, nhưng nhì kỹ thấy hai chữ thật to viết trên bao thư: “Gửi Kim”. Vừa mở bao thư, Kim vừa lẩm bẩm: “Lại Bob năn nỉ ăn trưa chung chứ gì?”. Bob biết Kim thường mặc áo mầu vàng nhạt đi làm.

 

Kim mến,

Đọc thư này chắc Kim ngạc nhiên lắm chứ gì. Tôi mua căn nhà cũ của Kim đã hơn tháng nay. Tôi là dân IT nên thường làm việc tại nhà. Bàn làm việc của tôi hướng về phía công viên nên thấy Kim ra ngồi ăn trưa và nhìn vào nhà tôi.

Khi vào nhà, dọn dẹp những đồ cũ trên atic, tôi có thấy mấy tấm hình cũ gia đình của Kim, và cả video tape nữa. Có mấy lần tôi giả bộ đi dạo quanh công viên xem xét nên biết Kim là chủ nhà cũ, thường lấy lunch qua công viên nhìn nhớ về những kỷ niệm xưa. Lần nào tôi cũng thấy Kim khóc thật nhiều trước khi ra về.

Tôi cũng là người chịu nhiều đau khổ trong hôn nhân nên rất thông cảm hoàn cảnh của Kim. Nếu Kim muốn vào nhà cũ ôn lại kỷ niệm xưa thì xin cứ tự nhiên. Số code để mở cửa nhà tôi chính là tên tôi “Canto” tiếng Việt là Cần Tô.  Có ngày tôi trong sở nhưng thường thì ở nhà làm. Kim cứ tự nhiên vì có ở nhà, tôi cũng chỉ ngồi quanh quẩn ở bàn làm việc mà thôi. Khỏi khai, Kim cũng biết tôi sống một mình.

Có nhà văn nào đó đã viết: tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Thật chí lí vì chúng ta không chịu dang dở nên tiến vào hôn nhân để tình hết đẹp.

Tô Bá Cần

 

Kim nhìn vào căn nhà cũ, rồi lại nhìn bức thư. Không hiểu hôm nay là ngày gì mà nàng nhận liền lúc hai bức thư tình trong vòng một tiếng. Ngồi suy nghĩ một lúc, tay cầm bức thư, Kim bước qua đường bấm code vào lại căn nhà cũ.

Cần không có nhà. Căn nhà vẫn như xưa chỉ quá ít đồ đạc. Nhà quá trống trải nên hôm nay dù San Francisco nắng ấm nhưng Kim vẫn thấy lạnh. Mọi thứ đều trống vắng. Không những hai cái phòng ngủ mà cái Master bedroom cũng trống trơn, chỉ có ba cái air bag để mỗi góc phòng. Không như khi xưa, lúc nào nhà Kim cũng chật ních đồ đạc và ồn ào vì hai cậu con trai Khang và Khánh đuổi nhau.

Cần chỉ sống ở cái bàn làm việc của mình. Bên cạnh cái bàn thật to là tấm nệm mỏng. Làm, ăn rồi ngủ chỉ một góc nhà. Nhìn vào bàn làm việc của Cần, Kim nhận ra Cần cũng làm cùng hãng xưa với Bảo.

Kim thở một hơi thật dài.

 
*
 

Đang ngồi làm trong sở, tôi nghe điện thoại rung nhẹ. Nhìn vào cái phôn tay biết bà cô bên California gọi nên bấm trả lời:

- Cô vẫn khoẻ chứ? Lâu quá cháu không thấy cô gọi cháu nên đợi cô gọi dài cả cổ đây.

- Ối giời ơi là giời. Giời xuống đây mà coi. Ông cháu yêu quí của tôi. Cháu tôi hỏi tôi sao lâu quá không gọi hỏi thăm nó đây? Giời ạ.

- Năm nào cháu cũng gọi hỏi thăm cô ít nhất là ba lần. Ngày Tết, ngày sinh nhật cô và ngày giỗ chú. Năm nay, ngày sinh nhật của cô, cháu gọi thấy cô nói chuyện khác mọi khi. Cô không nói chút gì về em như mọi lần. Mà cô cũng không cười nhiều như mọi khi. Cháu có nghe loáng thoáng gia đình em có chuyện. Thấy cô không muốn nói nên cháu không gọi nữa.

- Giời ơi là giời. Nó ở tận bên Oklahoma, tôi ở bên California mà nó nghe loáng thoáng, rồi trách tôi không kể cho nó nghe. Nghe loáng thoáng là nghe làm sao? Ai nói loáng thoáng đây hả?

- Cháu nghe loáng thoáng chứ có thấy loáng thoáng đâu mà biết ai nói. Haha. Mà sao hôm nay cô lại gọi cho cháu. Chắc là có gì không ổn rồi?


- Cô cũng muốn nói chuyện của nó cho cháu nhưng nó không chịu. Nó sợ cháu trách nó chuyện thằng Trọng. Cuối tuần qua nó về thăm cô. Thấy nó lại buồn. Mắt đỏ hoe. Cô nói có gì không nói được cho mẹ thì gọi cho anh hỏi. Ngày bố gần mất có trăn trối lại, con còn nhớ chứ? Bố cả đời có việc gì khó đều qua vấn kế bác cả hết. Giờ bố chết, nhà không có con trai, con có chuyện gì thì gọi hỏi anh. Ngay từ nhỏ con không có anh chị em, nên thường qua lại với anh. Anh là con út, không có em nên thân với con như ruột thịt. Bố tin anh như tin bác cả đó.

- Sao nó lại sợ cháu trách nó chuyện Trọng nhỉ? Trọng với cháu chỉ là bạn. Cháu qua Cali thăm cô, nó đòi đi theo. Nó gặp Kim rồi thương Kim nên hỏi cháu. Cháu nói nó có tài thì vào cua chứ cháu không bao giờ làm mai cho ai hết. Cháu chịu cho nó tới nhà cô là trong nhà ai cũng biết nó là người tốt rồi. Kim cũng thích nó nên bay qua bên cháu, tiếng là thăm nhưng thật ra hai anh chị muốn có dịp đi chơi với nhau. Trên đường bay về lại Cali, nó gặp thằng Bảo bay cùng chuyến rồi nhờ nó ở cùng thành phố nên phỗng mất Kim. Cháu có nói với Trọng là vợ chồng là duyên nợ. Có duyên gặp nhau nhưng không nợ cũng không thành. Tại sao mọi người lại cứ nghi ngờ cháu bực mình chuyện thằng Trọng? Nó chỉ là người bạn thôi.

- Thì cô cũng nói như cháu nói đó. Nhưng nó không nghe. Nó nói anh mà la nó thì suốt đời nó không nói chuyện với cô. Mà sao cháu không gọi hỏi thăm nó khi không thấy cô gọi?

- Hỏi thăm Kim như thế nào? Chả lẽ cháu gọi hỏi: em ly dị xong có thấy khoẻ ra không? Nhưng thôi, giờ cháu phải làm. Cô nói Kim tối nay cháu sẽ gọi.

Tối hôm đó tôi gọi, nhưng chưa kịp hỏi gì thì Kim đã khóc rưng rức trên phôn. Đợi cho Kim vừa khóc vừa kể chuyện tình xong tôi cười nhẹ và hỏi:

- Hai tháng nay bị lưới tình bủa vây nên giờ đây chắc là em đang do dự không biết chọn ai chứ gì? Coi nào, một tên là Bóp, tên kia là Cầm. Tay bóp, tay cầm, không biết ta nên chọn tay nào nhỉ?

Đang mủi lòng khóc, Kim bật cười trả lời:

- Em đang rầu muốn chết mà anh còn chọc em nữa. Cần chứ không phải là Cầm.

- Thì đọc trại ra là Cầm cho nó dễ …nắm. Haha. Mười năm trước chắc chắn là em chọn tay Cầm rồi. Em biết cô không bao giờ chịu cho em lấy Mỹ đâu. Anh còn nhớ ngày bà bay qua bên anh nói với mợ anh: “Nhà mình có phúc lắm chị ạ. Bỗng dưng thằng Đức bỏ con bồ Mỹ, con Kim cũng bye bye thằng tình nhân Hoa Kỳ. Em nói chúng nhiều lần mà: Hamburger rồi cũng về với hamburger, nước mắm rồi cũng về với nước mắm. Chẳng có ai sơi hamburger với nước mắm đâu? Chị bảo”.

- Vậy ý anh muốn em chọn Bob à?

- Bây giờ không như xưa. Em có hai con, phải lo cho tương lai của chúng. Lấy nhằm thêm thằng mê bài cào nữa thì con em mai sau có nước chùi restroom cho trường chứ không làm sinh viên của trường đâu.  Khi ly dị, ông tòa không chú ý nhiều đến ai đúng ai sai mà chỉ để ý cái nào có lợi cho những đứa con. Ông cho Bob giữ con là ông biết đứa con sẽ có chỗ tốt để trưởng thành. Như em kể, Bob lo cày trong nhà thương. Cô vợ ở nhà diện đẹp đi shopping cho đã xong cà ỏng, cà eo với tên thợ tới nhà thay cửa sổ. Nếu giao con cho chị ta thì sau này đứa bé không là nhân viên bốc xếp cho shopping mall thì cũng làm thợ lau cửa sổ. Cũng giống như trường hợp của em vậy. Nếu giao hai con em cho Bảo thì sau này chúng không chia bài cho casino thì cũng chùi cửa kính cho casino. Ông tòa cũng không cho tay Cầm giữ con y là ông biết sẽ giao trứng cho ác, tương lai của chúng sẽ hai năm mươi. Còn bàn về vấn đề tài chánh thì khỏi nói ai cũng biết, có tay cờ bạc nào mà không trắng tay. Dù không cờ bạc thì cái túi tiền của bác sĩ mổ ruột chắc chắn phải to hơn của IT Cầm.

- Cần chứ không phải là Cầm.

- Ừ, thì Cần Tô chứ không phải Cần to. Như nó kể với em là em với nó cùng hoàn cảnh. Nó cũng lấy nhằm cô vợ mê bài bạc. Wow, đồng bệnh tương lân. Tình cờ bạc nghe cũng hay hay đấy chứ hả? Em tin nó chứ anh nghe không thông rồi. Anh hỏi em chỉ một câu thôi nhé. Trên đời này có anh nào mà ngu tới độ cứ cuối tuần chở vợ tới casino, bắc ghế cho con vợ vô sòng enjoy rồi mình ơn lên phòng ngủ, ngồi tập thiền không em? Mà em lấy thằng ngu tới độ đó thì làm sao đời em và con em khá nổi?

Đợi Kim im lặng một lúc, tôi tiếp:

- Em có kể với anh là nó làm cùng hãng với Bảo. Chắc chắn là nó phải biết Bảo rồi. Người Pháp có câu: Hãy cho tôi tên của hai người bạn của bạn, tôi sẽ biết sở thích của bạn. Cần Tô có hai người bạn là Bảo và vợ y, nó không mê cơ rô thì cũng yêu chuồn bích. Chưa hết, anh sợ cái nhà cũ của em là nó dùng kế để bầy trò gạt em đó. Nó ly dị, child support trả khờ luôn, rồi làm IT thì tiền đâu mà mua cái nhà nửa triệu đô, sống một góc, để trống không ba phòng ngủ.

- Ý anh nói là y mướn nhà chứ không phải mua hả?

- Không những mướn mà nó còn share nhà với nhiều người khác nữa kìa. Anh là dân đi đánh contract cả chục năm đây mà cũng chưa dám chơi nổ: mướn cái nhà năm ngàn đô rồi để trống không như nó. Anh sợ một trong người share đó chính là ông chồng cũ của em đó. Chúng nó thấy em còn lưu luyến tình xưa, biết em dành dụm tiền nên bầy trò giựt tiền em. Anh nghĩ đây là mưu của thằng Bảo chứ không của Cần Tô. Đệ tử của thần đổ bác chỉ biết tiền chứ không có tình đâu em.

- Anh bảo em làm sao bây giờ?

- Em muốn biết sự thật thì cũng dễ thôi. Em giả bộ viết một lá thư cho Bảo rồi đưa cho Cần Tô nói nó em tính đi thêm bước nữa nên viết thư này. Một là để báo cho Bảo biết vì dù sao em với nó cũng chăn gối cả mười năm hơn, hai là em hứa sẽ lo cho hai đứa con em thành đạt sau này. Haha. Cần ta, Cần tây mà nghe xong sẽ sướng rêm mái đìu hiu nhận thư ngay vì nghĩ sẽ chộp được em. Nếu nó là người đàng hoàng, không mưu mô như anh nghĩ thì nó sẽ không nhận thư đâu. Em có nhớ phim God Father không? Khi Kay nhờ luật sư Tom gửi thư dùm cho Michael. Tom từ chối ngay. Tom nói nếu nhận thư là Tom mặc nhiên cho mọi người hay là Tom đã biết được Michael hiện đang ở đâu và vẫn thường xuyên liên lạc với Michael.

- Anh viết dùm em được không?

- Lẽ dĩ nhiên là được. Anh mà viết thì chúng đọc xong sẽ rống to lên mà khóc vì sung sướng.

Kim cười rồi hỏi thêm tôi:

- Anh thấy Bob như thế nào? Anh biết mẹ không thích rể Mỹ mà?

- Anh chưa biết mặt mũi Bob thì làm sao biết được tính tình nó như thế nào? Có hai điều anh thấy được như em kể là ông tòa cho Bob giữ con là ông biết y là người cha tốt và y yêu em rất nhiều nên chịu học viết tiếng Việt cả ba tháng ròng. Nếu anh mà mê cô xì nào, anh cũng không chịu bỏ ba tháng học tiếng Mễ đâu. Phải yêu rất nhiều, Bob mới có động lực học tiếng Việt rất khó của chúng ta. Điều hay nhất là Bob làm cùng chỗ với em nên không sợ nó lén trốn đi casino. Tên Cần ta thì ngược lại, làm IT support thì làm ở chỗ nào cũng được. Em cầy bạo over time trong nhà thương để lo tương lai cho hai con em và giúp nó trả child support thì nó đi casino hay đi cà phê Lú, ai nào hay? Còn cái chuyện cô không thích ông con rể Mỹ thì em để anh lo cho. Anh gọi hù bà vài lần là bà sẽ ăn hamburger chấm nước mắm ngay. Nhưng Bob và em phải làm cho anh một vài việc trước khi anh gọi cho cô.

 - Anh muốn Bob làm gì?

- Nói với nó là ra chợ ABC mua cho anh bốn hộp trà mà cô thường uống và một chục hộp loại khác mắc tiền hơn. Khi nào anh gọi OK là nó tới thăm cô với em. Nhớ gói bốn hộp trà cô thích mang vào biếu cô trước chứ đừng có “hồ hởi, phấn khởi” bê bó hoa to vào tặng em trước. Nói nó muốn có vợ Việt thì phải kính lão đắc…dzợ. Ngồi nói chuyện với cô khoảng năm, mười phút rồi xin phép cô cho ra xe mang hoa vào tặng em. Trước khi về, ra xe mang một chục hộp trà loại khác bỏ vào một bao lớn đưa cho em. Em sẽ nói với cô là Bob nghe con nói mẹ thích uống trà nên ra supermarket mua trà. Bob không biết mẹ thích loại nào nên mua đại hơn một chục loại. Con nói mẹ đâu có tiền nhiều mà mua thứ mắc tiền này. Anh ra lại chợ mua thứ mẹ thường uống. Anh nói mẹ lấy hết uống thử coi nhỡ may có thứ khác ngon hơn.

Kim cười nắc nở khen:

- Mẹ chắc chắn chịu Bob lắm. Hèn chi mẹ cứ nói bà già nghe anh thuốc còn chịu huống chi mấy cô. Anh muốn em làm gì?

- Anh biết em khó thể quên được Bảo lắm. Em thích Bob hơn nhưng vẫn lưu luyến ít nhiều với Cần là vì em biết nó quen Bảo. Em lấy Bob thì phải quên hết chuyện xưa đi để sống hạnh phúc với người chồng mới. Đừng có ra công viên xưa ngồi tưởng nhớ chuyện cũ nữa. Bob không ngu đâu. Bác sĩ mà em. Nó thấy cứ mỗi trưa em ra ghế đá công viên ngồi khóc thầm thì tình cảm với em từ từ sẽ mất đi. Em sẽ mãi mãi không có hạnh phúc. Như em cũng đã biết, trước khi lập gia đình anh cũng có biết bao người tình. Kẹt ở Việt Nam cũng có, lưu lạc bên trời  Âu cũng có, ở Mỹ cũng có. Sau khi lấy vợ, anh phải tập quên tất cả để xây hạnh phúc mới cho chị và cho chính anh. Có cô giờ vẫn chưa chịu lấy chồng. Vậy mà anh cũng phải chơi cái tình lờ. Có vậy anh mới sống thoải mái được. Còn cứ ngồi mơ mộng hết cô này tới cô khác thì không những tự giết mình mà còn tự phá tan hạnh phúc của gia đình mình. Hạnh phúc là hiểu biết. Em phải hiểu không được làm những gì và phải biết làm những gì. Trọng không nghe anh nên giờ ly dị sống một mình. Nó không lấy được em nên lúc nào cũng mơ mộng đến em. Từ mơ mộng sinh ra so sánh với vợ nó. Em thì diện đồ đẹp chạy vòng vòng, nói chuyện bốn mùa với nó. Vợ nó thì phải vén ống quần lên lau nhà, miệng càu nhàu. Hai hình ảnh trái ngược nhau. Thế là sinh ra bất mãn rồi đưa đến cãi nhau và cuối cùng thì ra hầu tòa. Em thấy đó, lưới tình đâu phải em giăng đâu. Chính nó là người giăng rồi cũng chính nó tự chui vô, rồi tự kéo lưới siết cổ mình. Anh muốn em phải sáng suốt nhìn được vấn đề để sống hạnh phúc. Hạnh phúc chính là sự hiểu biết của em đó. Nhớ nhé em.

Tuần sau, cô gọi tôi khen Bob: “Sao Mỹ mà nó lễ giáo thế hả cháu? Nó vô nhà biết trọng người lớn, kính người già. Chả bù mấy đứa lớn lên bên này. Không biết chi cả. Vô nhà ai mặt cứ vênh vênh, váo váo chả biết chào hỏi ai”.

Tháng sau, cô gọi nhắc tôi sửa soạn qua San Francisco lo tổ chức đám cưới cho Kim: “Cô nghe cháu. Cho nó lấy lẹ, không nó lại dính vào cái băng cờ bạc của thằng Bảo, thằng Cần rồi chúng lại làm con Kim đau khổ”.

Kim vẫn sống hạnh phúc với Bob hơn mười năm nay.

Cô tôi đã ra đi ba tuần trước.

Vào Xuân năm 2018

Lê Như Đức

Ý kiến bạn đọc
26/03/202422:56:31
Khách
"Tương lai của chúng sẽ là hai năm mươi"...Hehe, tui nghĩ là năm ăn năm thua, là lênh đênh ...hên xui phải không anh Đức? Cảm ơn anh về bài viết thật xúc tích! Cảm ơn lần nữa, nhân dịp 49 lần tháng ba chúng tôi đã gãy súng, mà chưa xin phép anh, tôi đã tự tiện rinh "Người lính năm xưa" của anh về trang nhà FB Thiện Niệm.
07/06/201821:24:41
Khách
Tôi có đọc bài “ Công tử vượt biên “, rồi đọc bài nầy. Hay quá là hay và vui nữa.
02/04/201802:25:41
Khách
Bài vịêt hay như mọi làn. Chỉ có một chi tiêt nhỏ.Tác giả có thể dùng chữ "trương mục ngân hàng" hay ngắn gọn "trương mục" theo tiéng Việt hay chữ "compte" nếu muốn viết theo tiếng Pháp, vì chữ "công" không có ý nghĩa.
02/04/201800:48:29
Khách
"... tương lai của chúng sẽ hai năm mươi."

có nghe đến từ 'hai năm rõ mười' , không biết đây có phải là ý tác giả muốn nói ?
01/04/201815:42:05
Khách
Bài viết hay lắm. Tôi đã đọc các bài của tác giả từ năm đầu tiên và vẫn thích cho đến bây giờ, kể cả bài viết mới này. Cám ơn tác giả.
01/04/201813:34:28
Khách
Một bài viết với cách phân tích nhân vật sâu sắc. Cám ơn người viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,271,399
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Đây là bài tham dự Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Trường Xuân. Tác giả cho biết anh là một sinh viên Đại học Huế, và vừa có dịp đi thăm vùng đất bị lũ lụt tàn phá tại miền Trung.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nhất nói về cái thú “bird watching” ở Mỹ và những kỷ niệm đi săn chim thuở thiếu thời ở Việt Nam.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến