Hôm nay,  

Hồi Ức Mậu Thân: Xuân Này Nhớ Xuân Xưa

22/03/201800:00:00(Xem: 11156)
Tác giả: Võ Trang

Bài số 5344-19-31186-vb5032218


Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”.

Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.

Vo Trang

 Tác giả Võ Trang nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2009 do Hòa Bình Lê, chủ nhiệm Việt Báo, trao tặng.  Ảnh: Anh Việt.

 
***

 
Tôi có nghe tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ tại Westminster, California đã được khánh thành từ tháng 4 năm 2003 nhưng mãi đến năm 2008 tôi mới có dịp tham quan, nhân lể kỹ niệm 40 năm biến cố thảm sát vào Tết Mậu-Thân tổ chức tại đây.

Đến nơi mới thấy đây không phải chỉ là nơi trình bày công trình điêu khắc 2 tượng đồng lớn bằng người thật để làm đài kỷ niệm chiến binh Việt-Mỹ mà còn là một công viên đủ lớn để làm nơi tụ họp cho hàng trăm người, có chổ để ghế ngồi cho quan khách tham dự lể lớn.  Tôi đến sớm vì coi lộn giờ, nhưng cũng vì thế mà có thì giờ thảnh thơi quan sát nhiều nơi.

Buổi chiều nắng nhạt trên công viên, thêm chút lành lạnh của những ngày cuối đông như phảng phất chút u ám của những linh hồn đang còn quằn quại đâu đây... Thời gian như ngừng lại trong một thoáng bàng hoàng.  Ngày tháng có khi trôi qua thật nặng nề, chậm chạp thế mà 40 năm đã qua tưởng chừng chỉ mới hôm qua.

Tết Mậu Thân 1968 đến với tôi mang nhiều niềm vui chỉ vì không phải đến trường, học bài trong nhiều ngày.  Đêm giao thừa năm ấy pháo nhà tôi nổ rất dòn.  Sáng Mồng Một Tết, ba tôi còn dẩn đầu phái đoàn anh em tôi xuất hành đầu năm lấy hên. Nhưng qua Mồng Hai Tết thì không khí có vẻ khác thường.  Có tiếng súng nổ rải rác mà lúc đó chúng tôi cứ ngỡ là tiếng pháo.

Khởi đầu là việc có  người lạ trốn vào nhà cầu ở vườn sau trong khi cả đám trẻ con chúng tôi đang chơi bài gần đó.  Người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, áo sơ mi bỏ vào quần có nịt lúng túng không thể giải thích tại sao anh trốn ở đấy.  Về sau tôi mới hiểu anh này đang trốn vì thành phố Huế đang mất vào tay Việt Cộng mà chúng tôi không ai hay biết.  Anh này chắc phải là công nhân viên hay quân nhân của quốc gia đã thay đổi thường phục nên mới sợ hãi như thế.

Ba tôi linh cảm điều gì không ổn, ông lấy xe gắn máy đi một vòng để xem xét rồi trở về thất sắc bảo chúng tôi là ông thấy có người cảnh sát gác cầu Đông Ba bị bắn chết nằm bên đường. Việt Cộng đã tấn công và đang làm chủ tình hình khu Gia Hội.  Thật là khó tin, Việt Cộng tấn công nhẹ nhàng như vậy - và "ngay trong 7 ngày hưu chiến do chính họ đề nghị." Từ đó khu Gia Hội nằm trong kiểm soát của Việt Cộng trong suốt 20 ngày cho đến khi Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến xuất hiện trên đường phố vào sáng ngày 21 âm lịch.

Ba tôi được mời đi "họp" chỉ có 2 ngày trước khi quân đội quốc gia tái chiếm thành phố Huế, trong chính sách thanh trừng của cộng sản trước khi rút lui. Hầu như chúng tôi không hề hiểu được những nguy hiểm thật sự, ngay cả ba tôi!  Trong chiến tranh bị bắt làm tù binh là cùng, cho nên lo nghĩ chính là làm hầm trú ẩn để chống pháo binh lạc đạn.  Vả lại ba tôi làm việc ở Đà-Nẵng, chỉ về ăn tết với gia đình, cứ coi như thường dân, ai mà biết được.

Trong khi tôi đang ngồi cạo chiếc ghế xích đu cũ để sơn lại lúc Tết ra thì bỗng có người vỗ vai tôi và hỏi nhẹ "Em ơi! Có ba ở nhà không"  Tôi bàng hoàng quay lại: hai người, một dân quân áo bà ba quần cụt, một chính quy với dép râu và quân phục, nón cối màu vàng.  Tôi hỏi lại họ muốn kiếm ai thì họ nói tên rõ ràng.  Tôi vào kêu ba tôi trong hầm giã chiến.  Làm sao họ có thể vào tận bên trong nhà.  Ai đã mở cửa sau cho họ vào?

-  Chính là chị giúp việc mà gia đình tôi vừa thuê vài tháng trước.

Vườn nhà tôi có đến 3 gia đình, không hàng rào dù ai cũng ở riêng. Hết đường chạy!  Phòng chỉ có một cửa ra vào thì họ đã đứng chận rồi.  Ba tôi mặt tái xanh  và không nói gì nữa.  Trong hầm còn có một người em trai của me tôi, cũng là một cảnh sát viên, đã khuyên ba tôi nên đi ra để họ khỏi xông vào bắt thêm những người họ không dự định.  Me tôi đưa thêm chiếc áo len cho cho ba tôi mặc vào.  Ngưòi anh thứ hai của tôi chạy theo xin đi thế nhưng họ không cho.  Anh trở vào quì trước bàn thờ Phật xin nguyện giảm thọ 10 năm để ba tôi được an toàn trở về... hôm đó là ngày 19 âm lịch năm Mậu-Thân.

Khoảng 2 tuần sau người ta bắt đầu phát hiện các hầm chôn người tập thể. Trong Khu Gia Hội là các hầm nằm phía  sân sau của trường Tiểu Học Gia Hội. Thây người được kéo lên để nằm ngổn ngang trên mặt đất. Vì chỉ hơn một tuần nên chưa bị rữa nhưng xác chết đã sưng tấy lên và đã bốc mùi.

Cái thây người được kéo lên để nằm ngửa người trên một u đất, miệng há hốc, mặt đen xám và dính đầy đất,  cái hình ảnh mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được,  là ba của tôi. "Làm sao chỉ trong hai tuần mà đã hoàn toàn khác?"   Hay là tôi cố tình ngụy biện với chính mình.  Lời ông hứa khi về lại Đà-Nẵng sẽ còn mua cho tôi thêm nhiều banh nữa để đá vẫn còn đâu đây.  Nhưng những chứng cớ thì không thể chối cãi.  Chiếc áo có vẽ 4 cái đầu của ban nhạc the Beatles bên ngực trái là chiếc áo độc nhất vô nhị của anh tôi mà ba tôi rất thích.  Hai chiếc tất thêu lủng lỗ mà anh em chúng tôi đều biết được chia đều vào 2 túi quần rõ ràng là dấu hiệu ba tôi để lại cho gia đình nhận diện.

Tôi không biết ba tôi đã đau đớn như thế nào vào giờ phút đó nhưng me tôi và các anh em tôi thì vẫn đau đớn cho đến bây giờ...  Xung quanh tôi người ta khóc lóc thảm thiết khi nhận diện được thân nhân của mình. Nhưng tôi không khóc. Hồn tôi lạnh ngắt vì không biết mình có cảm nghĩ gì nữa.  Sự việc xảy ra dường như không phải thật trong cảm nhận của một đứa trẻ 15 tuổi.

Có một người duy nhất sống sót trong lần thảm sát tập thể tại trường Tiểu Học Gia-Hôi vì được xô vội xuống hầm trước khi bọn đồ tể bỏ đi là một thanh niên "Xây Dựng Nông Thôn" ngồi khóc kể lể chuyện xảy ra đêm đó. Không còn nghi ngờ gì nữa.  Các cán bộ cộng sản nằm vùng đã lập đầy đủ danh sách. Những viên chức chính quyền Việt-Nam Cộng-Hoà đều được tuyên án trước khi bị hành hình - kể cả những người chết thế như trường hợp người em gái 19 tuổi của anh Tùng, một nhân viên cảnh sát ở cách nhà tôi 2 căn.  Trong nước mắt, anh giải thích đêm Tết anh phải vào trực ở sở không trở ra nên họ đã mời cô em gái đi "họp" thế!

Sau khi ba tôi đi rồi, mẹ tôi đã từ bỏ vai trò của một người vợ thuần túy để trở ra làm việc lạ ,  với số vốn liến Pháp văn  mà bà đã học được từ trường  Couvent des Oiseaux ở Đà Lạt trước khi lấy chồng.  Mới 44 tuổi, bà ở vậy cho đến suốt đời.  Nhiều lúc tôi nghĩ bà phải cô đơn và đau khổ lắm.  Anh em tôi đứa nào cũng trở thành thầy giáo tư, vừa đi dạy vừa đi học.

Có lẽ trong thơ mộng nào đó còn lại trong tâm hồn của một học sinh Quốc-Học để ông Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng việc thảm sát tại Huế chỉ là một sai lầm có tính cách cục bộ.  Sự việc này đã xảy ra nhiều nơi Cộng Sản kiểm soát ở miền Nam:  bị bắt bớ, được mời đi họp rồi thân nhân không bao giờ thấy trở  về...  Đây là một chính sách!

Thảm sát tập thể như thế này cũng đã xảy ra ở Sịa, Thừa Thiên vào năm 1947.  Trước khi rút lui vì nghe tin quân Pháp sắp trở lại, Cộng Sản đã kêu gọi dân chúng đi đào hầm chống Pháp. Những hầm này thật ra chính là những hầm chôn tập thể chỉ trong vài ngày sau đó. Theo lời chú tôi kể lại họ đi bắt người cả ban ngày và ban đêm.  Ông Cố Nội của tôi, đã 70 tuổi cũng đã bị bắt đi vào ngày 17 tháng 2  nhằm ngày 20 Tết Âm Lịch.  Lúc đầu người ta phát giác xác anh TH., một nhân vật có võ được biết trong làng, chết bên vệ đường với nhiều vết chém, đứt cả bàn tay.  Rồi lần theo vết máu người ta tìm đến những hầm chôn người tập thể trong đó có cả Ông Cố Nội của tôi và em của Ông.  Những vết cắt cho thấy họ bị chặt đầu bằng mã tấu!


. . .


Nhiều người nói với tôi Cộng Sản thắng được là nhờ họ dám tàn nhẫn.  Với tôi, họ không những chỉ tàn nhẫn trong những thủ đoạn giết người mà còn tàn nhẫn bóp méo cả lịch sử, tình quê hương, lòng nhân đạo, những gía trị nhân bản, những tổn thương văn hoá của dân tộc mà rồi đây khi thanh bình thực sự về với quê hương, đất nước tôi sẽ còn phải tốn rất nhiều công sức để hồi phục.

Trời trở lạnh hơn.  Nắng đã tắt trên công viên tượng đài chiến sĩ.  Một số quan khách đã bắt đầu đến nhưng tôi thì phải sắp ra về vì nhà ở quá xa.  Có người mệnh phụ tóc bạc nói rặt tiếng Huế trách nhẹ nhàng người Việt sao lúc nào cũng trể giờ.  Tôi hỏi bà có biết anh người Huế làm cảnh sát, ở sau lưng chùa Diệu Đế và  có người em chết thế cho bây giờ ở đâu không thì bà chỉ còn biết trả lời " không có tên họ thì làm sao tôi nhớ ra được".  Lúc đó tôi nghĩ mãi không ra tên anh Tùng.

Một quân nhân đã già ân cần phát cho tôi hơn 10 tập Đặc San kỷ niệm 40 năm thảm sát Mậu-Thân để tôi truyền cho bà con ở tỉnh nhà đọc.  Những ai biết và hiểu chuyện Mậu Thân thì ít nhất là đã vào cái tuổi "tri thiên mệnh" rồi!

Tôi rời công viên tượng đài trong nỗi bồi hồi bâng khuâng.  Cảm tạ những tấm lòng sắt son chung thủy và những buổi lể kỷ niệm như thế này, để cho những người như tôi tìm thấy chút ánh sáng trở về, trong buổi hoàng hôn của một chính nghĩa đang còn bị vây phủ trên quê hương khốn khổ của tôi.

San Diego 2009

Võ Trang

****

Viết Về Nước Mỹ 2018 thêm Giai Đặc Biệt  Hồi  Ức Mậu Thân

 
Mùa Xuân năm Mậu Thân, 1968, Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tổng tấn công nhiều tỉnh miền Nam với hai mặt trận lớn nhất là ở Huế và Sài gòn.

Năm mươi năm sau, 2018, những tang thương mà Cộng Sản gây ra cho người dân Việt Nam vẫn còn đậm nét trong lòng rất nhiều người.

Những tàn nhẫn của chiến tranh thường được thấy rõ nhất khi phản chiếu trong mắt của những nhân chứng trẻ. Đó là ý nghĩa của giải thưởng “Vết Thương Mậu Thân” do Việt Báo hợp cùng Lê Quý Đôn Foundation cùng đề xướng. Xin mời quý vị đóng góp bài viết về những mất mát, oan khiên trong năm Mậu Thân.

Giải thưởng trị giá $1000. Các bài dự giải sẽ được chọn đăng trên mục Viết Về Nước Mỹ và  in trong sách Viết Về Nước Mỹ, 2018.

****

Viết Về Nước Mỹ Năm Thứ XIX Thêm Giải Đặc Biệt “Hồi Ức Mậu Thân”

 Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, khởi sự từ năm 2000,  liên tục 19 năm nay, không ngày nào không có bài mới. Các phần thưởng hàng năm trị giá 35,000 mỹ kim, gồm tiền mặt và tặng vật  dành cho các giải chung kết, bán kết, danh dư, và một số giải đặc biệt. Riêng giải chung kết tác giả tác phẩm trong năm là 10,000 mỹ kim.

Mục tiêu của giải thưởng là cổ võ việc ghi lại những kinh nghiệm hội nhập của người Việt vào dòng sống nước Mỹ, càng nhiều chi tiết sống thực càng hay. Bài tham dự có thể là truyện ký, truyện ngắn, tạp bút... Người viết hoàn toàn tự do chọn đề tài, miễn là liên quan tới nước Mỹ. Một tác giả có thể gửi nhiều bài.

  Hàng năm, một hội đồng tuyển chọn chung kết, có sự tham gia của nhiều tác giả từng nhận giải, sẽ quyết định các giải bằng cách cho điểm dựa trên các tiêu chuẩn: Đề tài, nội dung; Cách viết, sức viết; Ý nghĩa thông điệp của bài viết.

Riêng trong năm 2018, nhân dịp năm mươi năm tưởng nhớ trận chiến tang thương Tết Mậu Thân 1968, xin mời quí vị đóng góp thêm bài viết về “Hồi ức Mậu Thân”.  Với sự hợp sức của Lê Quý Đôn Foundation, Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm một giải thưởng loạt bài đặc biệt này, trị giá 1000 mỹ kim. Các bài viết về “Hồi Ức Mậu Thân” sẽ lên báo, thành sách Viết Về Nước Mỹ 2018.

Hạn chót gửi bài là 30 Tháng Sáu 2018. Bản thảo giới hạn từ 3 tới 12 trang đánh máy, kèm sơ lược tiểu sử, địa chỉ liên lạc, gửi về:
 

Giải thưởng Việt Báo

14841 Moran St.

Westminster, CA 92683

hoặc email: hangnguyen@vietbao.com
 

Việt Báo dành quyền biên tập, sửa chữa, phổ biến mọi bài tham dự trên báo chí, phát thanh, phim ảnh, hoặc in thành sách. Toàn bộ số thu được góp vào quĩ giải thưởng./.

Ý kiến bạn đọc
24/03/201804:07:23
Khách
Một bài viết hay nhân dịp Tưởng Niệm 50 Năm Biến Cố Tết Mậu Thân 1968.

Tác giả là người đã có ba người thân bị chết thảm bởi tay Quỷ Đỏ Cộng Sản Hà Nội, nên lời thuật lại của tác giả trong bài viết này là những bằng chứng không thể chối cãi về tội ác mà Cộng sản đã thực hiện.

Và cũng hoàn toàn đồng ý với những lý do mà tác giả nêu lên để bác bỏ lập luận - nhằm bao che cho bọn lãnh đạo ở Hà nội - nói rằng " việc thảm sát tại Huế chỉ là một sai lầm có tính cách cục bộ '.
23/03/201800:23:28
Khách
Anh bạn đã nhớ không đúng rồi, mồ chôn tập thể ở trường Trung Học Gia Hội không phải trương Tiểu Học Gia Hội. Trước mặt ,hơi xéo vơi chùa Áo Vàng, trên đường Võ Tánh Huế.
22/03/201814:11:15
Khách
Tội ác của cộng sản còn hơn cả Nguyễn Trãi viết về giặc Tàu: Trúc Nam Sơn không ghi hết tội, dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” vì Việt cộng giết chính dân mình. Vậy mà giờ đây vẫn còn có kẻ theo chúng vì mấy đồng tiền dơ bẩn của chúng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,174,451
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến