Hôm nay,  

Câu Chuyện Đầu Năm

20/03/201800:00:00(Xem: 10206)
Tác giả: Chu Kim Long

Bài số 5275-19-31120-vb2031918
 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là  Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
 

***
 

Các bản tin thời tiết dự báo trong những tuần lễ đầu mùa Xuân năm nay, tiểu bang California có thể bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu, nên thời tiết tương đối lạnh giá hơn những năm trước. Tuy nhiên, bầu trời mùa Xuân vẫn có những ngày nắng ấm với những vạt nắng vàng như giải lụa, làm tăng thêm sức sống cho những mầm cây đang đâm chồi nẩy lộc, tạo cơ hội cho du khách từ các tiểu bang khác đến thăm các danh lam thắng cảnh của tiểu bang cali, cũng như thật thuận lợi cho bà con người Việt tổ chức đón Xuân, thưởng ngoạn và thăm viếng lẫn nhau.

Những năm còn đi làm, tôi thường bận rộn hết chuyện này tới chuyện khác của gia đình, và vui thú với những cây trái, hoa kiểng trong khu vườn nhỏ bé để thư dãn tâm trí sau những giờ làm việc tại hãng xưởng, hiếm khi tôi đi du lịch đó đây, ngoại trừ những trường hợp chẳng đặng đừng – hiếu hỉ. Bây giờ về hưu, đời sống tương đối nhàn hạ, bình thản hơn. Cuối tuần vừa qua, nhà tôi đi làm, tôi ở nhà một mình vui thú điền viên, rồi vợ chồng người em gọi điện thoại rủ tôi lên thăm thành phố San Francisco, cây cầu Golden Gate, dạo quanh các cầu tàu vùng vịnh và ghé nhà hàng trên bến cảng cũng như Golden gate park, và buổi chiều trên đường về ghé thăm gia đình người anh em kết nghĩa của em tôi nhân dịp đầu năm.

Khi nghe em tôi rủ lên San Francisco chơi và ghé đến thăm cây cầu Golden Gate, tôi đã nói:

- Ờ, năm mới, cũng đang vào mùa Xuân, nếu tiện thì ghé thăm gia đình người anh em kết nghĩa của em, bán anh em xa mua láng giềng gần, đồng hương gặp nhau nơi xứ lạ trở thành tình thân, thật qúy. Còn cây cầu và thành phố thì anh cũng biết sơ sơ rồi, để những dịp đi chơi khác mình ghé thăm cũng được.

- Anh qua Mỹ đã lâu, ngày ngày lo đi làm, tính anh lại không thích đi chơi đây đó. Vậy mà anh lại nói đã biết thành phố San Francisco và cây cầu Golden Gate rồi! Anh nói gì lạ vậy – em tôi đáp lại.

- Hồi anh học Anh văn, trong cuốn Practice Your Englist có bài viết về thành phố Cựu Kim Sơn và cây cầu này, nên anh cũng biết sơ sơ rồi – tôi trả lời.

- Ồ, anh đọc sách làm sao bằng thấy tận mắt. Anh tới coi cây cầu, anh sẽ ngạc nhiên và thán phục người kỹ sư có bộ óc siêu việt đã nghiên cứu và thiết kế cây cầu – ông Joseph Strauss, sinh quán tại Cincinnati. Năm tháng mà ông sinh ra và lớn lên cách đây cả hơn trăm năm, ngày đó đâu có hệ thống máy móc tinh vi, hiện đại như ngày nay, thế mà ông đã tạo dựng lên một cây cầu có một không hai trên thế giới, như một cuộc cách mạng trong kỹ nghệ cầu đường vậy. Anh biết không, nội cái đường kính của dây cáp treo cũng bằng chiều ngang của cái thùng phuy đựng xăng mà anh thấy ở các cây xăng Việt Nam trước đây. Anh nên đi coi cho biết, anh sẽ cảm thấy bộ óc của ông kỹ sư Joseph Strauss vĩ đại như thế nào, và phải công nhận nước Mỹ có nhiều nhân tài, xứng đáng là một cường quốc. Vợ chồng em đã ghé thăm nhiều lần rồi, mà nay lại muốn ghé lại xem có gì mới lạ không – em tôi nói.

Sau hơn một giờ trên đường xa lộ 101, đi về hướng Bắc, chúng tôi ghé phố Tàu dùng điểm tâm rồi ra thăm cây cầu Golden Gate. Đúng như lời em trai tôi nói với tôi: trăm nghe không bằng một thấy. Đứng bên cạnh các dây cáp treo khổng lồ, to lớn như cái thùng phuy nối tiếp nhau, chạy từ thân cây cầu lên đến đỉnh các cây trụ cao vút của các nhịp cầu đã làm tôi hoa mắt và kinh ngạc. Tâm trí tôi như người vừa mở cánh cửa nhìn ra bầu trời hừng sáng, với những hiện tượng lạ lùng khi đứng nhìn cây cầu: Từ xa xa, ngoài tầm mắt, những dòng xe chạy tới chạy lui ngược chiều trên các lane khác nhau, như con rắn khổng lồ đang trườn mình trên các nhịp cầu, dưới gầm cầu tấp nập những chiếc ghe căng buồm, những chiếc tàu to lớn chạy xa chạy gần trên một vùng biển xanh bao la, với những đàn chim sải cánh tung bay trên bàu trời như đang đón chào du khách đến từ muôn phương. Để có thể thấy rõ những cảnh đẹp của cửa biển, nhiều du khách đã nhìn qua viễn vọng kính được lắp đặt ở hai bên vùng vịnh, tiếp giáp với hai đầu cầu để quan sát.

Đứng trên đầu cầu nhìn cảnh vật trên vùng vịnh bao la, rồi đi dọc theo thân cầu nhìn ra biển, tôi cảm thấy mình thật qúa bé nhỏ trước biển cả mênh mông, với một màu xanh biếc chạy tới chân trời xa xăm, con người như một hạt cát trong một vũ trụ bao la, huyền bí. Tôi rùng mình nghĩ đến sự liều lĩnh mà gan dạ của mình và bao nhiêu người khác đã vượt biên bằng những chiếc thuyền gỗ mong manh mà không biết sợ những cơn thịnh nộ của biển cả, với những con sóng bạc đầu, dựng đứng, đánh vào thân tàu. Đứng ở giữa thân cây cầu nhìn xuống vịnh, tôi ngậm ngùi liên tưởng đến bao nhiêu người dân Việt đã xuôi theo biển cả, dưới giòng nước sâu khi vượt biên tìm tự do, ý thức được ý nghĩa cao quý của hai chữ tự do, và hơn thế nữa tôi hiểu được niềm tự hào, sự hãnh diện của người dân Mỹ và của chính quyền Mỹ, mà cây cầu Golden Gate là một trong những biểu tượng về một đất nước tự do, hùng cường và phát triển đối với các quốc gia trên thế giới.

Rời cây cầu lịch sử của thành phố Cựu Kim Sơn, dạo thăm các cầu tàu dọc theo vịnh, thưởng thức các hương vị hải sản, vào công viên Golden Gate – một công viên rộng lớn bao la với những kỳ quan, di tích và hình ảnh qúy hiếm, giá trị, cùng hòa chung niềm vui với các du khách của đủ mọi sắc dân trên thế giới tấp nập đi lại như đi dự ngày đại hội thế vận. Và sau hơn bốn tiếng đồng hồ đi tới đi lui, nghe chừng đôi chân đã hơi mỏi, chúng tôi trở ngược lại thành phố San Jose để ghé thăm người anh kết nghĩa của em tôi.

Căn nhà mái ngói đỏ nằm giữa khu đất rộng với các cây ăn trái trồng chung quanh, thuộc vùng ngoại ô thành phố. Như đã quá quen thuộc với cảnh vật của căn nhà, vừa bước xuống xe, vợ chồng người em tôi dẫn tôi đi thẳng ra sân sau nhà bằng lối đi tráng xi măng chạy vòng qua đầu căn nhà.

Sau những lời chào thăm hỏi, giới thiệu, cùng với những cái bắt tay thân thiện trong khu vườn có những loại cây ăn trái, xen kẽ với những chậu bông của nhiều loại hoa kiểng cạnh hòn non bộ có hệ thống nước chảy róc rách được thiết trí giữa vườn, ông bà Ngân mời chúng tôi vào phòng khách, rồi bà Ngân hướng về cô gái người Mỹ mà ông bà vừa giới thiệu với chúng tôi là cô con dâu mới về thăm, đang cùng ông bà chùi bóng bộ lư hương trước khi chúng tôi tới. Bà Ngân vừa nói chậm dãi bằng tiếng Việt, vừa cười mỉm chi, nói với cô con dâu:

- Anne, con rửa tay vô lấy nước mời chào các cô chú giúp mom đi con.

Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe bà Ngân nói tiếng Việt với cô gái Mỹ. Và trong lúc cô gái Mỹ đang rửa tay, ông Ngân nói:

- Cuối tuần, nghỉ đi dạy, cháu nó mới đến thăm và phụ chúng tôi lau chùi bộ lư hương, tuần tới nhà có kỵ ông ngọai, tiện dịp mời anh và cô chú tới với gia đình chúng tôi nhé.

Tiếp lời chồng, bà Ngân nói với chúng tôi với niềm tự hào trên nét mặt và nụ cười mỉm chi:

- Là dâu Mỹ, nhưng cháu nó ngoan lắm. Tôi không ngờ. Có lẽ cháu là cô giáo nên muốn có sự hiểu biết về văn hóa các xứ xa lạ để trau dồi kiến thức hay sao, mà cháu thích học tiếng Việt và hay hỏi tôi về phong tục tập quán Việt Nam lắm - như vừa rồi, khi cháu lau chùi cái lư hương đỉnh đồng này, cháu cũng hỏi chuyện liên quan đến giỗ tết và bộ lư hương, tôi lại phải nói nhà tôi giải thích cho cháu. Nhiều lúc tôi nghĩ cháu giống như con gái tôi chứ không phải là dâu con người Mỹ. Cháu nó cũng có năng khiếu về ngoại ngữ sao đó, nên nó cũng tỏ vẻ thích học và hỏi mình những điều gì mà cháu không hiểu.

- Cháu chào các cô chú mạnh khỏe – cô gái Mỹ cao mảnh khảnh, mỉm cười đỏ hồng đôi má, lộ vẻ thẹn thùng, đi từ sân sau vào phòng khách, đứng bên cạnh bộ salon khẽ cúi đầu chào, nói chậm từng chữ, giọng nói còn cứng, lơ lớ của người ngọai quốc nói tiếng Việt.

- Cháu nói tiếng Việt giỏi qúa – chú em tôi khen cô Anne.

- Dạ cháu đang học, nói khó lắm, cái lưỡi nó cứng rồi, cháu nghe, hiểu, nhưng nói được ít thôi, dady, mom và chồng cháu đang dạy cháu.

Cô nói xong và đi vào phòng ăn bưng ra khay nước cam mời chúng tôi và ông bà Ngân.

- Thôi Anne, mom cám ơn, con tiếp tục clean giúp mom cái lư hương đi – bà Ngân bảo cô con dâu Mỹ.

- Dạ, cháu xin phép – cô nói nhỏ nhẹ như hơi e thẹn, và đi ra sân sau nhà tiếp tục lau chùi bộ lư hương.

Chúng tôi vừa uống nước vừa nói chuyện và dùng bánh Cooki Hạnh nhân – bà Ngân nói bánh cooki này do cô Anne vừa làm sáng nay, thơm ngon lắm, bà cũng cho biết cô con dâu và con trai bà quen biết nhau từ thời học trung học, mỗi lần đến chơi đều yêu cầu ông bà dạy nói tiếng Việt. Nên cháu nói và hiểu cũng tương đối ngày một khá hơn, cái giọng thì còn chưa chuẩn. Quay sang phía tôi, bà kể lại: Chúng mới cưới nhau được gần một năm nay, vợ chồng cô chú đây có đến dự tiệc cưới, đám cưới của hai đứa trẻ khác chủng tộc nhưng lớn lên ở Mỹ, có nhiều bạn học cũng như khách nhà gái nên trong tiệc cưới có nhiều tiết mục nửa Việt nửa Mỹ, hơi khác lạ một chút, nhưng cũng vui lắm, hai đứa có vẻ đang sống rất hạnh phúc. Ngưng lại giây lát, rồi bà nói: Được như thế này là tôi mừng lắm, cám ơn hai đứa nó, chứ các cô chú nghĩ coi, tôi tiếng tăm ù ù cạc cạc, lại mẹ gà con vịt thì biết làm sao mà ăn với nói. Cháu nó ngoan, hiền, lại chịu học nói tiếng Việt, thích các món ăn và gia vị Á châu nữa, nhất là nó thương yêu chúng tôi lắm, thỉnh thoảng nó gọi điện thoại hỏi mom muốn ăn cái gì để con mua cho, tôi nói cám ơn con, mẹ không cần ăn gì cả, hai con thương nhau là mẹ thích rồi. Tôi vẫn nói với ông nhà tôi là nhà mình còn có phúc nên mới được Trời cho đứa con dâu Mỹ tốt như vậy đó – bà Ngân cười, vui, nói một hơi dài.

 

Ông Ngân cầm cái cooki lên ăn, khen ngon và mời chúng tôi dùng, rồi ông nói:

- Không những cháu Anne nó ngoan, mà hai ông bà suôi tôi cũng lịch sự và hòa nhã lắm. Họ sinh đẻ ở miền nông trại vùng Sonoma, miền bắc Cali, nơi chúng tôi sống trước đây và hai đứa trẻ học chung một trường nên quen biết nhau. Ông bà suôi tôi là một gia đình người Mỹ có đời sống bình dị, phóng khoáng lắm, chất phác như dân nhà nông Việt Nam mình vậy, không bao giờ tỏ vẻ phân biệt giàu nghèo, chủng tộc hay tôn giáo, hai ông bà mến chúng tôi lắm, họ mời chúng tôi lên chơi hoài. Ông bà ấy cũng thương thằng Hà nhà này, ông ấy nói với tôi thằng Hà không phải là son in law mà là good boy của ông bà ấy. Cách cư xử của họ làm hai vợ chồng tôi trẻ thêm mấy tuổi đó các cô chú – ông Ngân cười với câu nói khôi hài.

Chuyến thăm xã giao của chúng tôi được xoay quanh bởi những câu chuyện về hạnh phúc gia đình của ông bà Ngân do cô con dâu Mỹ đã mang lại, làm cho chúng tôi cũng cảm thấy vui lây với tình người bản xứ hòa đồng với người nhập cư một cách bất ngờ, nghe ông bà kể chuyện làm tôi thêm tự tin về sự phát triển của cộng đồng người Việt sau những năm tháng đã hội nhập vào các sinh hoạt của người dân bản xứ.

Nhấc ly nước Cam lên định uống, song ông lại bỏ xuống bàn, ông Ngân cười lớn tiếng rồi nói:

- Tôi có con dâu ngọai quốc, và qua lối sống của cháu tôi thấy rằng: Nền giáo dục nhân bản và khoa học ở Mỹ dạy cho bọn trẻ ở đây sống tự nhiên, thật thà và cầu tiến. Để tôi kể lại cho các cô chú nghe: Tuần trước tết, gia đình người bạn chúng tôi ở San Francisco làm giỗ ông cụ nội, có mời bà con nội ngoại, bạn hữu đến tham dự. Trong lúc sửa soạn bữa ăn nhẹ, bà mẹ chồng cũng có con dâu Mỹ như chúng tôi và vợ chồng thằng con trai của bà đã làm mọi người cười muốn bể bụng luôn – ông nhấp một chút nước Cam, rồi nói:

- Ông bà bạn tôi có thằng con trai du học ở Nhật Bản, quen biết và yêu thương cô sinh viên Mỹ khi hai người thực tập môn Hóa tại phòng thí nghiệm. Sau khi tốt nghiệp, hai người trở về Mỹ làm việc tại một thành phố nhỏ, miền Bắc Hoa Kỳ, nơi quê nhà cô sinh viên Mỹ, ở đó chỉ có một vài gia đình người Việt định cư, và họ đã cưới nhau, sống bên nhau thật hạnh phúc với cô con gái rất xinh. Hôm tôi gặp hai người tại San Francisco, tôi thấy ngoài tiếng Mỹ, cả hai vợ chồng đôi lúc nói tiếng Nhật với cô con gái nhỏ dễ thương, có lẽ cả hai người đều thông thạo tiếng Nhật nên muốn cho con gái học thêm một ngoại ngữ là tiếng Nhật. Vì hai vợ chồng sống và làm việc trong một thành phố nhỏ, đa số là người Mỹ với lác đác một vài gia đình các sắc dân thiểu số khác nhau, nên cả hai không cảm thấy có nhu cầu giúp nhau học tiếng Việt. Và đó cũng là chuyện bình thường phải không các cô chú, vì vậy mới có chuyện buồn cười để kể cho các cô chú nghe chiều nay đây. Ông bà bạn tôi thì mới sang định cư ở San Francisco sau ngày anh con trai đã lập gia đình với cô gái người Mỹ, hai ông bà đã lớn tuổi, không nói và không hiểu tiếng Mỹ. Ông bà bạn tôi thường khoe và tặng chúng tôi những món qùa mà con dâu ông bà mua ở trên miền Bắc Hoa Kỳ để chồng gởi về Cali biếu bố mẹ. Dù sống xa gia đình bố mẹ chồng, không biết nói tiếng Việt, nhưng cô con dâu người Mỹ mỗi năm vẫn lấy những ngày nghỉ phép để theo chồng con về thăm bố mẹ và gia đình chồng, cũng như thường mua những món qùa địa phương cho chồng gởi về biếu tặng bố mẹ chồng. Sự liên hệ tốt đẹp giữa hai gia đình rất đằm thắm, hạnh phúc. Hai ông bà bạn tôi vẫn tự hào là hai gia đình chúng tôi đều có con dâu Mỹ vừa đẹp vừa ngoan. Vậy mà chiều hôm lễ giỗ, bà ấy làm mọi người tức cười và cảm động quá sức:

Năm nay, trên đường đi nghỉ hè tại Hawaii, hai vợ chồng dẫn con gái ghé San Francisco thăm bố mẹ chồng, trùng hợp với ngày giỗ cụ nội chồng. Nên bà mẹ chồng khoe với mọi người là có vợ chồng và đứa cháu nội từ miền Bắc Mỹ cũng vừa về thăm. Bà vừa huyên thuyên nói chuyện vừa thúc dục các con cháu chuyển các phần ăn và bánh trái, trà nước lên mời bà con, ngay sau khi vừa hoàn tất phần cầu nguyện cho tổ tiên. Bất chợt bà chỉ tay về phía cô con dâu Mỹ đang ngồi lo cho con gái ăn ở phòng ăn, phía đối diện, hơi chênh chếch với chiếc ghế bà đang ngồi, vừa cười vừa giới thiệu với mọi người, bà nói:

- Cô Mỹ trắng và cháu gái đó là con dâu và cháu nội chúng tôi, hiền lành, thương yêu và chăm sóc cho chồng con chu đáo lắm. Vợ chồng nó ở cái thành phố gì đó mà chỉ có vài gia đình người Việt mình, lại sống rải rác, xa nhau, nên con dâu tôi không biết nói tiếng Việt Nam, chỉ nói được ba chữ ông bà nội rồi cười thôi, cứ như khách ngọai quốc vậy. Các ông bà thấy con dâu tôi đó, đúng là mẹ dâu chứ không phải con dâu. Ai đời nhà có giỗ, có kỵ mà cô nàng cứ ngồi nói chuyện với con, cho con ăn tỉnh bơ như thế có chết không cơ chứ. Tôi thì không biết tiếng Mỹ mà nó thì không biết nói tiếng Việt – chúng tôi là mẹ gà con vịt như các cụ mình vẫn nói, con nói con hiểu, mẹ nói mẹ nghe – rồi bà cười và nói tiếp: Có lẽ nó không nói được tiếng mình nên nó ngại ngùng, cứ ngồi yên một chỗ thế kia.  ́y, thế mà nó thương chúng tôi lắm, vợ chồng tôi cũng vui khi thấy chúng nó thương yêu nhau. Nhưng mình đâu nói được tiếng Mỹ cho nó hiểu như vậy.

Nghe thấy mẹ tả oán về vợ mình, anh chồng đang đứng cạnh nhà bếp vừa cười vừa nhanh chân bước đến bà mẹ đang cười cười nói nói về vợ mình, hai tay xoa vào nhau, anh ta nói:

- Mẹ, mẹ cần làm cái gì để con làm cho mẹ ? mẹ, mẹ cần làm cái gì....

- Làm cái mẹ anh, chứ làm cái gì – bà mẹ vừa cười vừa nói và lấy tay đánh nhẹ vào tay thằng con trai. Anh con trai biết tính mẹ mình đang trách mắng yêu, nên lại nói:

- Mẹ, mẹ muốn nhà con làm cái gì, để con làm cho – anh con trai vừa cười vừa khua tay nói.

- Làm mẹ anh chứ làm gì, thôi ra với vợ con anh đi, mẹ không cần gì cả – bà nói, và cùng mọi người cười rộ lên.

- Mike ! What is mom talking about? Why are they laughting, are they very happy? – cô con dâu Mỹ gọi và hỏi chồng.

- She just say: You are very good, very nice, she love you very much. Yes, they are very happy and pround about you, and I am too – anh chồng vừa cười vừa trả lời vợ.

Cô con dâu Mỹ nghe chồng nói như vậy, vội bảo con gái ngồi lên ghế, rồi chạy lại ôm lấy mẹ chồng, nói với giọng lơ lớ của người ngoại quốc nói tiếng Việt, trên khuôn mặt lộ vẻ xúc động:

- Thank you bà nội, thank you bà nội, bà nội... Cô con dâu Mỹ lập đi lập lại nhiều lần, và cô chỉ nói được hai chữ bà nội thôi - mọi người cười vang lên và vỗ tay trong khi cả hai mẹ chồng và nàng dâu đang ôm nhau với nước mắt đoanh tròng, vì hạnh phúc đến thật bất ngờ, với hai người trong những tiếng vỗ tay của mọi người.

- ừ, ừ bà nội thanh con, ừ bà nội thanh con, thanh con, thanh con... Bà mẹ chồng nói đứt quãng, muốn nói thank you con dâu, nhưng chỉ nói được chữ “ thanh “ mà quên mất chữ “ cưu “. Hai mẹ con ôm nhau và nói cám ơn nhau rối rít, làm mọi người cảm động, nổi lên những tràng pháo tay dòn dã cùng những tiếng cười dài cả vài ba phút.

Ông Ngân kể xong câu chuyện, rồi nói: Thế mới biết ngôn ngữ là quan trọng, và sign language hay body language signs cũng quan trọng không kém, nó giúp cho con người diễn tả được tâm tư hoặc biểu lộ nỗi niềm hạnh phúc muốn trao gởi cho nhau... Hạnh phúc đôi khi đến thật bất ngờ, phải không các cô chú !

Trên lối đi tiễn chúng tôi ra xe. Đột nhiên ông Ngân hỏi trống không: Mình dịch chữ sign language và body language signs ra tiếng Việt thế nào cho đúng nghĩa nhỉ? Dịch là ngôn từ diễn tả bằng hai bàn tay và ngôn ngữ bằng các động tác thân hình, được không các chú cô? Dài dòng quá phải không?

- Dịch vậy là diễn tả chính xác cái hình ảnh hạnh phúc của bà mẹ chồng Việt Nam và nàng dâu Mỹ ở San Francisco đã trao cho nhau, như anh vừa kể chuyện lại đó. Dịch như anh là tuyệt bích rồi – ông gật gù và mỉm cười khi nghe tôi trả lời.

Ra đến xe, trong lúc trao cho nhau cái bắt tay thân tình, tạm biệt. Chúng tôi không quên cám ơn ông bà đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui về tình yêu thương giữa mẹ chồng Việt và nàng dâu Mỹ thật chân tình, thân thương, và xúc động. Rồi chúng tôi hẹn gặp lại gia đình ông bà trong những dịp khác.

Sau một ngày dài vui chơi cuối tuần với vợ chồng chú em, và thăm gia đình anh em kết nghĩa của người em. Tôi ngủ vùi trong giấc ngủ mê say với những hình ảnh đẹp, lúc ẩn lúc hiện đến trong giấc mơ – môt giấc mơ nói về tình yêu và hạnh phúc đầy thơ mộn, và tình người cao đẹp như trong các câu chuyện cổ tích mà tôi đọc đã lâu, khiến tâm trí tôi như tươi mát hơn khi vừa thức dậy lúc sớm mai, và cảm thấy đời sống con người sẽ thật là hạnh phúc khi được sống trong một thế giới chan hòa yêu thương và bình đẳng, dù khác màu da, tiếng nói và chủng tộc.

Chu Kim Long
 

Ý kiến bạn đọc
21/03/201816:17:31
Khách
Năm ngoái có các bài ca ngợi rể hiền, chồng tử tế người Mỹ. Hôm nay đọc bài khen dâu thảo, vợ biết nói tiếng Việt người Mỹ. Nhưng không rõ trong thực tế có được bao nhiêu người Mỹ tốt như vậy. Khi trước , tôi thường lo ngại cho mấy đứa con mai sau có thể lập gia đình với người Mỹ, để rồi gặp những lúc chúng nổi cơn tam bành lục tặc với nhau, có thể phun ra những câu kỳ thị chủng tộc đệm kèm bởi những tiếng chửi tục " f..." thì ôi thôi kinh khủng lắm.

Một bài viết hạy. Văn phong hay, phản ảnh một người đã lớn lên trong nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa. Bài viết cũng không có những ngôn từ của bọn " khỉ Trường Sơn hang Pắc Bó " xen lẫn. Ngợi khen tác giả.
21/03/201816:15:51
Khách
"...tôi ngậm ngùi liên tưởng đến bao nhiêu người dân Việt đã xuôi theo biển cả, dưới giòng nước sâu khi vượt biên tìm tự do" - Tác giả.

Chuyến hành hương sang thăm Tha Sala (Thái Lan) - Trần Mộng Tú:... Hùng đưa các cô chú đến thăm đền thờ Mười Một Cô. Đó là chuyện 11 cô gái Việt, không một mảnh áo quần, bị trói cổ vào nhau, thả nổi trên biển. Xác các cô trôi tới bãi Tha Sala này, được người địa phương thương tình vớt vào chôn cất...

11/4/05 BBC- Bùi Văn Phú:...một con tàu ra đi từ vùng Cái Sắn, Rạch Giá vào tháng Ba năm 1977. Tàu bị hải tặc cướp, hãm hiếp....Khi bị tấn công lần thứ nhì, đám thanh niên nhất quyết chống lại và 62 thuyền nhân đã bị chúng giết, chỉ còn một người sống sót vì bị những xác chết khác đè lên...

Tháng Bảy năm 1979 có một tàu vượt biển bị bão đánh vỡ ra từng mảng, 350 người chỉ còn 14 sống sót...

V...v...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,234,182
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến