Hôm nay,  

Mày Trúng Kế Của Kế!

05/03/201800:00:00(Xem: 12878)
Tác giả: Phạm Hồng Ân
Bài số 5330-19-31175-vb2030518

 
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.

 
***
 

Tôi sống ở San Diego, từ lúc qua Mỹ cho tới giờ. Ngày ngày chí thú mần ăn, ít khi nghĩ đến chuyện đi đó đi đây, "mu" qua "mu" lại. Không phải không thích, nhưng phần vì tuổi lớn, phần vì lười biếng, và cũng phần vì cơm áo, nặng gánh đôi vai. Nơi tôi cư ngụ, chẳng có gì hấp dẫn. Chỉ có mấy ông già lụm cụm, rề rà với nhau, bàn chuyện tào lao, trên cao dưới thấp. Khu chung cư rẻ tiền thuê, có lẽ cũ quá, nên ngày nào cũng có người kêu hư. Hết hư cái này tới hư cái kia. Lúc xì ống nước, lúc cháy máy sưởi, lúc nghẹt bồn cầu... Thợ thầy tấp nập ra vô, đào xuống xới lên, ồn ào hơn cái chợ.

Những lúc như vậy, tôi mới có ý định tìm một nơi nào đó, vui tươi hơn, để tạm quên đi phiền muộn cuộc đời. Thường, tôi phóng một hơi lên Santa Ana, chui vô Phước Lộc Thọ, kiếm cái quán nào thoáng thoáng, mua một ly cà phê, ngồi nhâm nhi, nhìn thiên hạ đi qua đi lại. Hơn hai mươi năm, chui rúc trong khu chung cư xập xệ đó, biết bao phiền muộn xảy đến. Tính ra, tôi ngồi ở Phước Lộc Thọ cũng biết bao, không sao nhớ xiết. Chuyện nhìn thiên hạ lởn vởn trước mắt, bên cạnh ly cà phê lê thê, là cái thú của những ai không biết chỗ nào thú hơn. Nhưng chuyện tìm kiếm một người quen, dù quen xã giao, ở chốn đông người Việt, từ các nơi đổ về, trong các ngày lễ Mỹ, hoặc ngày tết Việt, giống chuyện mò kim đáy biển. Biết bao lần đến đây, biết bao lần ngóng mắt mong gặp bạn quen, nhưng chỉ thấy một dòng người  lạ hoắc, lướt qua tôi môt cách lạnh nhạt. Thời học trò xa lắc đã qua, có thể các khuôn măt trẻ ngày xưa, bây giờ khó nhận diện được. Thế còn mấy năm lính? Còn hơn 7 năm tù cộng sản? Hơn 10 năm ngao du khắp hang cùng ngõ hẹp để sinh nhai? Và hơn 20 năm ở Mỹ? Những bạn thân, bạn lính, bạn tù, bạn thơ, bạn đồng nghiệp...nay ở đâu? Sao giờ đây, chỉ thấy toàn người xa lạ?

May quá, có một hôm, khi đứng xếp hàng chờ vệ sinh, bên hông Phước Lộc Thọ, tôi bỗng gặp một dáng người quen quen, hình như đã từng liên hệ với nhau trong quá khứ xa lơ xa lắc. Tôi cẩn thận moi óc, cố nhớ lão già này. Cái dáng lờ rờ, cộng với cái trán dồ dồ, cái môi trề trề...  Ơ, thằng Kế. Đúng rồi, thằng Kế, chiến tranh chính trị, ở tù cộng sản chung với mình! Để khỏi nhìn lầm, tôi chăm chú ngó lão thêm một lát. Mặc dù, hôm nay lão đã già. Nhưng, những cái đặc biệt trên con người lão, tôi không thể lẫn vào đâu được. Mừng quá, tôi lao vào lão như một mũi tên. Kế. Kế. Kế phải hông? Tôi lắc lắc ngón tay trỏ, điểm mặt lão. Ê, nhớ tau chưa? Nhớ tau chưa? Lão già ngó tôi chăm chăm, rồi một lát gục gặc cái trán dồ, môi trề ra, từ từ phát ra một giọng nói quen thuộc. Sao mà không nhớ. Mày là thằng Hồng-Công-Tử, mặt lúc nào cũng đỏ như Quan Công.

Chờ tới nước đó, tôi nhào vô ôm lão, rơm rớm nước mắt. Trời ơi! không ngờ tau gặp mày ở đây, ở đây...

Tôi lôi lão ra khỏi đám đông, kéo lão đến một sân khấu không bóng người, có hàng ghế chạy dài, vắng ngắt. Lão vẫn im lặng. Cái im lặng cố hữu của những người tù, mấy chục năm về trước. Cũng ở quá khứ đau thương đó, tôi nhớ hoàn cảnh lão, một hoàn cảnh đau lòng, đã có thời gian định mệnh rình rập, muốn cướp đi mạng sống lão. Không ngăn được dòng hoài niệm, tôi dồn dập. Vợ con ra sao? Bệnh cũ, trị hết rồi, phải không? Qua Mỹ, diện nào?

Lão trề trề môi, nặng nhọc phát ra từng tiếng. Vợ tau bình thường. Thằng con thì đang làm bác sĩ ở San Jose. Mày nói bệnh gì? Hiện tại, tau vẫn khỏe.

Tôi ngó lão chăm chăm. Trời đất! Hồi đó, trong trại tù, mày bệnh lao gần chết, tụi nó mới cho mày về. Còn thằng con bác sĩ? Con của vợ trước hay vợ sau?

Lão chợt cười hề hề, môi lại trề ra. Tau chỉ có một vợ và một con, từ thời đi lính tới giờ. Còn cái bệnh lao ở trong tù? Nói tới đó, lão chợt vỗ vai tôi, ngửa mặt, cười ha hả. Mày trúng kế của Kế rồi. Thôi, đi với tau ra tượng đài Việt-Mỹ, ở đó không gian tĩnh lặng, tau sẽ kể mày nghe sự thật.

Dù cùng là đồng đội trong quân ngũ, nhưng suốt thời gian đi lính, tôi và Kế chưa hề gặp, và quen nhau. Chúng tôi chỉ biết nhau, khi nằm trong tù. Khi cả hai cùng ngồi phơi rốn trên manh chiếu tả tơi, bắt từng con rệp cứng đầu, lủi tới lủi lui, như muốn chơi trò trốn tìm với tù.

Chúng tôi thân nhau, khi cùng bị đưa về phi trường Sóc Trăng, miệt mài đập vỡ hàng trăm căn phòng tráng men rực rỡ của không quân Mỹ để lại, theo lệnh kẻ thắng trận. Rồi thay vào đó, bằng hàng trăm cái sam lợp lá, biến phi trường Sóc Trăng thành trường huấn luyện "thời rừng rú" cho các du kích miền nam, chưa bao giờ đặt chân đến quân trường. Khổ sở đến đâu, Kế và tôi bên nhau đến đó. Chúng tôi nương tựa lẫn nhau, cố kéo dài cuộc sống chẳng ra gì. Sau trận lao động ngu ngơ đó, chúng tôi bị " tống " về Cai Lậy, hợp cùng với hàng ngàn tù binh khác, nheo nhóc, co cụm, hứng một trận lũ tàn khốc từ nguồn Mê Kông đổ về. Lũ tràn xuống như thác. Lũ tơi bời tấn công chỗ trú ngụ của tù binh. Cuốn phăng kèo, cột, vách phên. Vỗ tan hoang khu nhà bếp, khiến mỗi tù binh chỉ được phát một cục bột bằng nửa nắm tay, và tự do tùy tiện chế biến. Thế là, những cái lon guigoz máng lên. Bất cứ thứ gì cháy được đều làm mồi cho lửa, để mảnh bột xé nhỏ trong lon sôi lên, làm thức ăn tạm bợ, nhét vô bụng tù binh. Đi tới đâu, khổ tới đâu, tôi và Kế vẫn gần nhau, nằm bên nhau, như một cái nợ, hay cái duyên, do định mệnh sắp đặt.


Rồi, trận lũ cũng qua. Chúng tôi lại dầm mình dưới sình, dựng lại lều trại đã tan tành. Lúc này, Kế bỗng dưng phát ho dữ dội. Hắn ho ban đêm lẫn ban ngày. Mỗi lần ho, hắn ôm ngực oằn oại, mặt mày nhăn nhó, trông thật thảm thương. Càng ngày, bệnh Kế càng nặng. Kế không còn khả năng lao động, chỉ lẩn quẩn trong sam với những viên xuyên-tâm-liên vô dụng.

Cho đến một hôm, ngày thăm nuôi, Kế được gọi ra gặp vợ. Tôi cũng nằm trong danh sách đó, gặp Mẹ từ Chương Thiện đến thăm. Mẹ tôi gầy còm, ngồi chồm hổm trên bãi đất ướt, hai tay giữ chặt bao gạo, thấp thỏm chờ con. Chiếc bàn quản giáo đặt kế bên. Tên cán bộ ục ịch trên ghế,  lắc lư cái mồm đầy khói thuốc. Coi vẻ rất trầm ngâm, nhưng thật sự, hai tai gã đang lặng lẽ lắng nghe từng lời rì rào của tù binh. Sát Mẹ tôi, trên tấm nylon mỏng mảnh là vợ Kế và một người đàn ông lạ. Kế lom khom, cú rũ như con gà nuốt dây thun. Hắn cúi mặt xuống nền đất ướt, nén đau thương, cố nuốt vào tim  tiếng nói bội phản của vợ nhà. Buổi thăm này là buổi cuối, mong anh thông cảm cho em. Anh vô tù, không để lại một cắc bạc. Em phải một mình lăn lóc nuôi con. Anh biết, khi gặp anh, em chỉ là sinh viên tay yếu chân mềm. Nghịch cảnh đến bất ngờ, hoàn cảnh quá cô độc, em phải làm gì đây, hỡi anh? Chỉ còn cách lấy chồng, nương tựa tấm thân. Hôm nay, em đưa chồng em đến, giới thiệu với anh, như một chứng cớ hợp pháp để chúng ta chia tay nhau. Con anh, em đã gởi về nội. Anh hãy yên lòng, vì ba mẹ anh sẽ nuôi nó đàng hoàng. Xin anh hiểu cho em, đừng buồn.

Từ đó, Kế lâm trọng bệnh. Sau mỗi cơn ho, khăn tay hắn đều vấy máu. Hắn nằm suốt ngày, không buồn ăn uống. Ban đêm, trăn trở, thở dài. Lúc nào, miệng cũng lẩm bẩm như người lên đồng. Tội nghiệp Kế, chúng tôi đề nghị đội trưởng trình lên quản giáo, xin cho Kế đi bệnh xá chữa trị. Vài ngày sau, một y sĩ xuống tận sam. Gã đặt ống nghe sau lưng Kế, bắt thở đi thở lại vài lần, rồi phê vào giấy: bệnh lao. Thương Kế, chúng tôi đồng thanh lao nhao. Bệnh truyền nhiễm. Yêu cầu cách ly bệnh nhân. Yêu cầu quản giáo cho bệnh nhân về sớm, tích cực điều trị.

Những ngày sau, sợ tù binh nổi loạn, quản giáo bằng lòng cho chúng tôi cất một cái lều nhỏ, cách trại vài chục thước, cho Kế tá túc, trong khi chờ cấp trên cứu xét. Cái lều quá hẹp, vừa đủ cho Kế trải chiếc chiếu con làm chỗ nằm, chỉ còn dư một khúc đất nhỏ, khoảng hai gang tay, nối dài từ mặt trước đến mặt sau. Thật sự, đầu tiên, chúng tôi muốn cất rộng ra, cho Kế thoải mái đôi chút. Nhưng vật liệu, từ quản giáo đưa xuống, chỉ vừa đủ bấy nhiêu đó thôi.

Những ngày xa Kế, tôi không ngủ được. Đêm đêm, cứ nghe những tràng ho oằn oại của bạn vọng về. Xen vào đó là tiếng rên, tiếng thở hụt hơi của Kế, át cả tiếng côn trùng rả rích kêu đêm, khiến lòng tôi quặn lên những nỗi niềm xót thương bạn. Ban ngày, ít khi thấy Kế ra ngoài. Họa hoằn lắm, mới thấy hắn thất thểu lòng vòng quanh lều, lơ láo tìm vài nhánh cây khô, tha về làm củi. Một thời gian sau, Kế được thả về. Và từ đó đến nay, bốn mươi năm qua, tôi mới gặp lại Kế.

*

Tượng đài Việt-Mỹ, buổi chiều, vắng tanh. Nắng óng ánh, lấp lánh ánh sáng vàng choang trên hai pho tượng chiến sĩ. Lá cờ Mỹ và cờ Việt nổi bật, phất phới tung bay trên nền trời xanh thẳm. Bỗng dưng, nước mắt tôi trào ra, rớt theo những chiếc lá lắc rắc từ những thân cây bay xuống.

Kế kéo tôi ngồi vào một cái băng, bên góc khu tượng đài. Hắn trề trề môi, vở kịch này do vợ tau dựng lên, bả vừa là soạn giả, vừa đạo diễn. Tôi lom lom nhìn Kế, vậy mày không có bệnh lao? Thế tại sao ho ra máu, thân thể càng ngày càng gầy nhom? Kế vỗ vai tôi, lắc lắc cái trán dồ một cách dễ ghét. Tau giả bệnh. Máu là bột phẩm đỏ, được vợ tau đưa vào lúc thăm nuôi. Chỉ cần lấy một chút bột, hòa với nước, là thành máu. Mày biết, ngoài đời, tau đã từng học nhịn đói để xổ ruột. Tau có thể nhịn đói đến mười ngày. Xong, ăn uống lại vài ngày, rồi tiếp tục trở lại nhịn đói. Chính vì vậy, tau gầy đi, nhưng không yếu.

Tôi lại lom lom ngó hắn. Lần này, tôi khâm phục hắn và con vợ hắn thiệt! Hắn đã lừa tôi, lừa hàng ngàn tù binh trong trại Cai Lậy. Và dĩ nhiên, lừa toàn ban lãnh đạo quản giáo trại tù. Nhưng, tôi vẫn còn câu hỏi cuối cùng, thắc mắc với Kế. Thế thằng đàn ông nào đi với vợ mày đến trại thăm nuôi? Kế lại trề trề môi, lắc luôn cái trán dồ. Ông anh ruột của vợ tau đó, thằng quỷ! Mày biết không? trước khi tau ra tù, vợ tau đã đóng sẵn chiếc ghe, trang bị đầy đủ. Và gia đình tau đã ung dung, dông thẳng ra biển, vượt biên.

Nói xong câu đó, hắn bỗng đứng dậy, nhìn về hướng hai pho tượng, rồi cất giọng, cười ha hả. Mày đã trúng kế của Kế. Tôi xoay người lại, đập mạnh vào vai hắn. Không những tau, mà toàn trại tù, toàn bọn “cai tù có cán” của cái trại tù cộng sản ấy đã trúng kế của Kế.

Phạm Hồng Ân

Ý kiến bạn đọc
06/03/201806:02:15
Khách
Bài viết về một người tù "cải tạo" chỉ với một mánh lới nhỏ nhặt mà đã có thể lừa gạt được gã bác sĩ ma dzê Xã Hội Chủ Nghĩa . Câu chuyện lý thú này được thuật lại dưới ngòi bút Phạm Hồng Ân- một trong những tác giả tham dự VVNM mà tôi mến mộ .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến