Hôm nay,  

Mậu Thân Năm Xưa

25/02/201812:06:00(Xem: 11378)

 

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân

Bài số 5322-19-31167-vb8022518

 

Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.  Sau đây, thêm một bài viết mới.

 

cơm tết mậu thân
Ba tôi và gia đình ăn trưa Tết Mậu Thân.

***

 

Anh thương yêu,

Lá thư nầy em viết từ năm mươi năm trước, khi anh đang đóng quân ở Bình Dương, mà rồi chuyện nầy chuyện nọ khiến thư chưa gởi. Em đã sống trên đất nước Mỹ này gần nửa thế kỷ rồi, bây giờ là mùa xuân Mậu Tuất 2018, gợi cho em đau đớn nhớ lại năm Thân xa xưa.

Em muốn giải thích cho anh hiểu vì sao ta xa nhau. Em đã rời anh, không một lời giải thích, bỏ cả quãng đời thơ mộng, giấc mơ thời con gái đánh đổi lấy con đường chông gai.

Anh ơi, ước gì, anh đọc lá thư này để hiểu và tha thứ cho em.

 

*

Mậu Thân 1968.

Tết đã đến với đau thương, tang tóc, một cái tang chung cho rất nhiều gia đình, trong đó có gia đình em.

Cộng Sản tấn công Sài Gòn hai lần. Lần thứ nhứt vào dịp Tết, lần thứ hai vào tháng Năm.

Lần thứ nhứt.

Nhân viên Cảnh Sát được nghỉ ba ngày ăn Tết.

Giao thừa Ba dọn bàn thờ cúng với đầy đủ ngũ quả, cầu dừa đủ xoài và hai cây mía giao đầu, ba nói “giả làm cây nêu”.

Đêm nằm ngủ không thẳng giấc vì nôn nóng chờ tết. Sáng dậy, nghe tiếng súng nổ và nghe Ba nói phải vô sở. Khi về Ba biểu có lịnh giới nghiêm, Ba đem theo bộ quần áo rồi phải đi trực trong sở liền.

Ba ngày đầu năm nằm trong nhà nghe súng nổ ầm ầm. Anh nhớ là trên gác nhà em nhìn rất rõ quang cảnh xung quanh vùng ngoại ô Chợ Lớn. Tụi em leo lên mái nhà để coi máy bay trực thăng Mỹ bắn rockets xuống, dưới đất thì khói lửa ngút lên. Buổi chiều về thăm nhà, Ba em chỉ: “Kia kìa có máy bay tải thương nữa. Vậy là có người chết hay bị thương. Đánh lớn dữ rồi.”

Nhà em ở khít bên đài ra đa Mỹ, “Phú Lâm Signal Facility” đó, anh nhớ không? Mỗi đêm họ bắn hỏa châu sáng rực trời. Mấy đứa em ngây thơ chạy theo để kiếm cái dù hỏa châu.

Hằng ngày theo dõi tin tức từ đài phát thanh Sài Gòn và đài Quân Đội. Ba em đã nói một cách chắc chắn: “Nó hổng dễ gì lấy Sài Gòn nổi đâu. Biết bao nhiêu sư đoàn bọc xung quanh đây bảo vệ thủ đô.”

Ba nói đúng. Tiểu Đoàn Trâu Điên đã hành quân đẩy bật bọn cộng sản ra khỏi vùng Chợ Lớn và bảo vệ cư xá Phú Lâm.

Tết Mậu Thân ba còn sống và khỏe mạnh. Ba còn cầm máy ảnh đi vòng vòng thành phố chụp hình những thảm cảnh chết chóc và khói lửa. Ba nói chụp hình để đời cho con cháu sau nầy nó biết về chiến tranh!

Ba vừa làm việc vừa dạy nghề nhiếp ảnh trong Phòng Giảo Nghiệm ở Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Thời gian đó Ba cũng được huấn luyện  trong đội Cảnh Sát Dã Chiến.

Lần thứ hai.

Tháng năm, ngày 28 tây.

Cư xá Cảnh Sát Phú Lâm A, đường Lục Tỉnh, quận Sáu, Chợ Lớn.

Đấy là trận tấn công của Cộng Sản, lần thứ nhì và đặt bộ tổng hành dinh tại phía trong của cư xá.

Đêm đó nghe súng nổ nhiều. Nghe quen rồi cả nhà vẫn nghĩ như trước là “ối, cũng như bữa Tết, hổng sao đâu.” Rồi lửa cháy sáng trời đêm. Tiếng khóc la nghe văng vẳng. Ba kêu đám con thức dậy, biểu leo lên nóc nhà trên gác chỉ ngọn lửa đang bùng bùng lên trời phía hướng đường Hậu Giang. “Nghe coi, tiếng người ta khóc kìa. Chaaa... nó vô tới đây rồi...”

Năm giờ sáng.

Khu cư xá nầy, có hai dãy nhà đối diện nhau, dãy P và dãy Q, dành riêng cho nhân viên Cảnh Sát. Phía trong, ngoài những dãy nhà gạch tường xi măng mái ngói, là mấy dãy nhà thường dân và vài cái biệt thự song lập của sĩ quan. Người vợ rất trẻ của cố phi công Phạm Phú Quốc sống ở một trong những biệt thự đó. Phía sâu hơn nữa, thông qua đường Hậu Giang, song song với đường Lục Tỉnh, là những nhà, những chòi lá lụp xụp dựng tạm bợ của dân, đa số là người tản cư từ dưới miền lục tỉnh lên, họ tự kêu là “xóm nhà lá.”

Em thấy từ xóm đó, người ta ùn ùn chạy ra, bồng bế gánh gồng. Có một số dân buôn gánh bán bưng, một đầu là gánh gạo hay đồ đạc gì đó, đầu kia là một đứa bé con.

Em mở cổng, nhìn lửa cháy rất gần. Lòng chưa thấy gì hãi sợ. Ba từ trong nhà bước ra. Em vô nhà rửa mặt, trở ra thì Ba mất tiêu.

Trong nhà Má biểu mấy đứa nhỏ bận thêm quần thêm áo vô, đưa cho mỗi đứa ôm một bọc gì gì đó. Ngó ra ngoài thấy người ta tản cư gần hết, hơi vắng vắng rồi mà chưa thấy Ba trở về.

Em chạy vô xóm trong kiếm, tới cuối dãy Q nhìn thấy lấp ló sau những dãy nhà, những tên Việt Cộng mặc quần ngắn, áo vàng bồng súng nhìn ra. Rồi gặp anh Thu, anh của nghệ sĩ Trang Bích Liễu ở căn số 2 đứng ngó tới ngó lui mặt mày xanh dờn, em hỏi: “Anh có thấy Ba em đâu không?” Anh nói: “Có. Mới thấy bác Bảo đi xăm xăm vô trong đó, bác nói để bác chụp hình tụi nó đào hầm, tui kêu ổng trở ra ổng làm thinh làm như hổng nghe.”

Trời ơi Ba ơi Ba! nó đào hầm đào hố gì thì kệ cha nó, quý báu gì mấy tấm hình Ba ơi...

Rồi anh Thu la em: “Trở ra… trở ra. Về nhà lo tản cư đi.”

Lo sợ, em chạy về nhà.

Cho tới bây giờ, sau gần năm chục năm em vẫn còn bị sự cắn rứt ân hận là, phải chi ngay lúc đó em cứ mạnh dạn chạy sâu vô, vừa chạy vừa réo Ba ơi Ba, may đâu gặp Ba. Cha thấy con gái hớt hải đi tìm, có lẽ Ba đã trở về.

Rồi mấy má con cũng phải theo người ta chạy qua bên nhà thờ, cách nhà một con đường để lánh nạn. Đẩy chiếc xe vespa chở đầy đồ không muốn nổi, nhờ một anh hàng xóm đẩy tiếp, lòng tủi ghê. Không biết Ba đi đâu sao không về lo cho con cái? Người ta chạy ra, tại sao ba đi vô trỏng?

Trong ngôi nhà thờ nhỏ, đứng ngồi không yên. Trời càng sáng tỏ, bụng càng bứt rứt. Rủ nhỏ em Ngọc Anh trở lại kiếm Ba.

Đang băng qua đường Lục Tỉnh, bóc bóc. Hai phát súng nổ làm tim em nhảy dựng lên, đập thình thịch, liên hồi. Trực giác báo có chuyện không hay.

Còn người đang chạy ra. Nghe một bà đang chạy ngược chiều nói...mới có người bị bắn...em chận lại hỏi người đó ra sao? họ nói loáng thoáng ...ổng bận quần đùi trắng áo đen...

Trời đất ơi! Hai chị em nhìn nhau lo sợ.

Hai đứa chạy tới đầu dãy Q, thấy chị Hai em bồng con hớt hải chạy ra, mặt mày xanh mét run run: “Ai giống như Ba bị bắn nằm ở trỏng kìa.”

Trời ơi Trời!

Cắm đầu chạy tới cuối dãy Q, vài người đứng lố nhố. Thấy xa xa một người nằm dưới đất, xéo xéo tiệm chạp phô Minh Tuấn. Tiệm nầy cách nhà em độ trăm thước.

Cố nhướng mắt nhìn kỹ. Trời ơi Trời! Em chết sững, bất thét lên “Ba.”  Em vụt chạy hết sức nhanh. Ngọc Anh chạy theo. Hai chị em vừa chạy vừa la Ba ơi, Ba ơi Ba...

Em quỵ xuống. Mắt Ba không nhắm, nhìn trừng lên trời. Mặt xanh, rờ thấy lạnh. Nhìn vô mắt Ba, hình như Ba hiểu có em bên cạnh. Chợt nhìn thấy một lỗ sâu nhỏ như đầu đũa ngay dưới hàm. Trời ơi Trời! Đạn bắn từ bên nầy xuyên qua bên kia. Trời ơi vầy làm sao sống nổi! Nâng đầu Ba dậy, máu nóng vọt ra. Em khóc ngất Ba ơi Ba Ba ơi... dở áo lên, rờ lên bụng. Bụng ba màu trắng còn ấm.

Em sững sờ, từ đuôi mắt loáng thoáng dáng mấy thằng Việt Cộng bồng súng lấp ló sau lưng tiệm Minh Tuấn.

Ngọc Anh khóc nức lên “Ba chết rồi, Ba chết rồi, Ba ơi Ba!”

Em quẹt nước mắt, nạt:

- Nín. Hổng được khóc. Tiếp tao. Đem Ba về. Hổng chừng Ba chỉ bị thương thôi.

Ngọc Anh cứ nhứt định khóc, nhứt định nói qua làn nước mắt:

- Ba chết rồi, Ba chết rồi. Trời ơi trời!...

Em la lên át tiếng nó:

- Nín. Đỡ chân ba lên. Tao khiêng đầu. Mầy khiêng chân.

Nâng ba lên cao, máu lại vọt ra. Đau lòng em quá anh ơi! Máu Ba em chảy như máu em đang chảy. Máu còn đỏ, còn loãng như nước anh ơi...

Sau ót Ba bầm dập máu nhầy nhụa trơn trùi. Đầu tuột xuống. Nặng quá. Đỡ lên mà đứng không nổi. Hai đầu gối em run lập cập. Luồn hai cánh tay dưới nách Ba, ráng sức xốc dậy lần nữa, cao hơn. Gác đầu ba lên vai em, máu tuôn ướt áo.

Ngọc Anh khiêng hai chân Ba, rớt lên rớt xuống, khóc kêu Ba ơi Ba không dứt.

Em không khóc mà mắt cứ mờ đi. Lạng quạng. Xàng xiêng. Hai chị em lệt bệt khiêng lên rớt xuống lại khiêng lên.

Quỵ xuống mấy lần. Ngọc Anh thụp xuống đất, gần xỉu. Nó thì thào “Tui muốn xỉu, mệt quá tui tui tui muốn xỉu...”

Em lại nạt nó:

- Đứng dậy. Nín. Khiêng lên.

Anh ơi, tội nghiệp nó quá. Em lấy quyền làm chị, em không cho nó khóc. Ba bị bắn chết mà em không cho nó khóc, bởi vì em sợ nếu nó khóc quá, xỉu, làm sao em đem Ba về nổi một mình?

Chỗ nào quỵ xuống, chỗ đó máu đọng vũng.

Nhất định đem Ba về.

Vài tiếng súng nổ. Bóc bóc. Bóc bóc.

Kệ cha nó.

Kệ mẹ nó.

Bắn đi. Tao không sợ. Tao nhất định khiêng Ba tao về nhà.

 

*

Qua khỏi khoảng đường chỉ hơn một trăm thước mà dài như vạn dặm mới tới đầu dãy Q.

Vài người hàng xóm kêu lên:

-Ráng đi con, ráng tới đây bác phụ.

Bác Cúc gái, bác Hải và vài người nữa em nhìn không rõ, đứng lố nhố, xúm lại đỡ tay...

Mấy bác khiêng Ba vô nhà, em chạy lại góc phòng khách mở cái ghế bố ra, đặt Ba nằm lên đó, trước bàn thờ, chân hướng ra ngoài.

Em ngước lên. Qua màn nước mắt em vái:

“Tổ tiên ơi, con đem Ba con về được rồi. Ba con không phải nằm chết bờ chết bụi.”

Vuốt mắt Ba. Vài hột cát vương trong mí. Em lấy tay quẹt ngang. Mắt ba không nhắm khít.

Tiếng các người hàng xóm, bác Cúc, bác Hải và chị Liễu, vừa cởi áo Ba ra vừa khóc vừa than:

- Bác Bảo ơi, đi đâu cho bị bắn vầy nè bác Bảo ơi...

Cởi áo khoác, cái áo mà em đã mua cho Ba với số lương đầu tiên kiếm được từ nghề chuyển âm ở phim trường Mỹ Phương. Cái áo Ba em rất quí. Khi cởi được cái áo sơ mi, em thấy thêm một lỗ đạn. Trời đất ơi! vầy làm sao mà sống nổi. Hai viên. Một viên xuyên yết hầu, một viên xuyên từ hông bên nầy qua hông bên kia.

Hai cánh tay Ba bị cột ngoặt lại phía sau bằng sợi dây, cánh tay tím bầm. bác Hải tháo sợi dây, nói:

-Cháu vào tìm cho bác bộ quần áo. Đi đâu mà như thế nầy anh Bảo ơi...

Em chạy vô buồng kiếm cái áo cái quần để các bác phụ thay đồ cho Ba.

Súng bắn ầm ầm. Bắn rát quá. Các bác hàng xóm nói thôi để bác về lo nhà cửa, con lấy khăn lau mặt Ba con đi con. Em nói “Con đội ơn bác... con cám ơn bác...cám ơn chị...

Còn hai chị em. Nhỏ Ngọc Anh ngồi ôm mặt khóc.

Lấy khăn nhúng nước em lau mặt Ba. Ba chết rồi mới thấy Ba ốm quá. Da mặt xương xẩu, lạnh ngắt. Máu loãng vẫn còn ri rỉ phọt ra mỗi lần nâng Ba lên.

Em suy nghĩ - làm sao cho Má hay - làm sao cho Má đừng xỉu - làm sao cho mấy đứa nhỏ nhìn mặt Ba lần cuối nếu rủi không đem Ba ra được. Đang giặc giã làm sao đem Ba ra khỏi cư xá? Đem đi đâu? Bao nhiêu câu hỏi làm cho em bỗng dưng khô nước mắt.

***

Chị Hai bồng con bước vô nhà bật khóc.

Ai đó qua nhà thờ đưa Má với bầy em chạy hộc tốc về nhà. Tiếng Má em vừa khóc vừa la hãi hùng:

-Anh ơi đi đâu mà để chúng bắn vầy nè anh ơi, mình hổng nghe lời tui cứ vô trong đó làm chi mình ơi... tui chết theo luôn cho rồi, trời ơi là trời! 

Em đã ôm đầu Má nói:

- Má ơi, Má đừng lo, con lo hết cho, Má đừng khóc quá làm mấy đứa nhỏ sợ, Má ơi Ba chết rồi khóc vô ích, lo đem Ba ra khỏi cư xá Má ơi...

Anh thương yêu, rõ ràng em nhớ. Xác Ba em nằm thẳng trên ghế bố, máu còn nhểu xuống đọng vũng trên nền nhà.

Ngay giây phút nhìn đôi mắt thảng thốt, thất thần ngây dại của Má, thấy bầy em mắt mũi tèm lem khóc òa lên, em đã trưởng thành. Em đã tự bức tử cái tuổi hai mươi và giấc mộng con gái. Em đã tự bọc một lớp vỏ sắt xung quanh em và em cũng biết rõ, trách nhiệm là như thế nào. Cắn răng. Không khóc. Ngày mai mới có thì giờ khóc.

Súng nổ ầm ầm…Nghe tiếng loa phóng thanh kêu gọi vang vang:

- Nghe đây nghe đây, đồng bào vùng cư xá Phú Lâm A phải tản cư gấp qua trường Mạc Đĩnh Chi vì phi cơ sắp dội bom thanh toán địch quân. Đồng bào hãy tản cư gấp...Nghe đây nghe đây...

Anh ơi em lo lắng. Bước ra cửa. May mắn gặp một bạn đồng nghiệp của Ba. Em năn nỉ “Bác ơi làm ơn kiếm cách gì đem Ba con qua quận Năm nhà của dì con, chớ để Ba con đây rồi giặc đánh lớn làm sao, rủi cháy nhà cháy luôn Ba con, bác ơi làm ơn giúp con bác ơi. Bác nói: “Được rồi để bác tìm cách. Bác là bạn của Ba cháu mà. Hồi nãy bác cũng trộn lộn trong đó nó đâu biết. Ba cháu bị cái máy ảnh...”

Cái máy ảnh? Vừa nãy em nhớ có thoáng thấy cái máy ảnh và đôi dép của Ba nằm xa xa...

Vừa nói bác vừa chạy đi... em trở vô nhà.

Đạn bom nổ ầm ầm em mới nói:

-Thôi chị Hai dẫn Má với mấy đứa nhỏ chạy trở qua nhà thờ đi, tui ở đây coi chừng Ba. Nè, Kim Loan ôm gói nầy, Long ẵm con Thúy, Ngọc Anh cầm giỏ nầy nắm tay Hoàng, Phượng, đừng chạy lạc em nghe cưng... Má đi đi, con ở đây đợi có bác đó nói để bác kiếm xe đem Ba xuống nhà Má Năm.”

Cả nhà dắt díu nhau đi trong tiếng súng nổ lóc bóc, ầm ầm. Còn lại một mình em với xác Ba nằm trên ghế bố trước bàn thờ.

Tiếng súng đạn ầm ầm nghe dựng tóc gáy. Em run sợ quá...

Em thầm vái “Ba ơi con không bỏ Ba đâu. Ba phải phù hộ cho con Ba ơi.” Trong cơn kinh hoàng, biết vái ai ngoài vái Ba?

Em lấy giấy viết ra ghi vội ngày giờ Ba chết. Em sợ...

Nhìn ra cửa thấy mấy người lính Biệt Động Quân núp vô ló ra mừng quá trời mừng, em vọt ra hỏi “Chừng nào có xe đem Ba tui đi?” Một người lính thấy em, giựt mình, la:

-Người ta tản cư hết, sao cô còn ở đây?

Bom nổ cái ầm, y nói tiếp:

-Ra khỏi nhà mau.

Em nói:

-Ba tui mới bị bắn chết làm sao tui bỏ Ba tui nằm đây, tui đợi người ta đem xe tới chở Ba tui đi.

Tiếng đạn tiếng bom, véo véo, bóc bóc...bùm...bùm...

Anh lính nói:

-Đó đó, nó bắn B 40 đó... Ở đây chết ráng chịu à. Ba cô bị bắn chết hả? Đ.M mấy thằng Việt Cộng nầy hổng bắn nát óc nó ra sao được. Tội nghiệp hông, cô năm nay bao nhiêu tuổi? Biệt Động Quân bên dãy P sắp xung phong kìa.

Em thụt vô nhà.

Khoảng chín mười giờ gì đó...

Sau cùng, cũng có được chiếc xe không mui (hình như loại xe GMC chở lính) lui mau tới trước cửa. Lạ thay, có hai ba người Mỹ cầm máy quay phim, quay cảnh hai người lính ùa vô nhà, lấy chiếc chiếu cuốn Ba vô rồi vác ra xe. Ai đó nói, cô chạy theo nghen.

Em trở vô nhà, cố đẩy chiếc xe Vespa ra, đóng cửa, rồ máy, chạy theo. 

Em chạy theo xe. Lúc đó nước mắt em mới tuôn, trào.

Ba em hiền quá, còn trẻ quá, sao chết sớm vậy Trời?

Qua khỏi bùng binh, xe cộ dập dìu, hai bên đường hàng quán tấp nập. Người ta sống nhởn nhơ, buôn bán tấp nập, như không ai biết có một gia đình đang trong cơn kinh hoàng, một người vợ vừa mất chồng, một đám con vừa mất cha. Xe chạy ngang qua ổ gà, đầu Ba tưng lên, tưng lên. Có biết đau đớn gì nữa đâu. Tội nghiệp Ba quá anh ơi. 

Nhìn lên trời. Mây vẫn trắng. Trời vẫn xanh. Mà ông Trời thì quá xa.

...

Anh thương yêu,

Hôm nay ngồi soạn lại hình ảnh, hình Ba trẻ quá. Giấy Khai Tử đề tuổi Ba là 41. Ba chết trẻ quá. Ba chết khi chưa biết phi thuyền Mỹ đã lên cung trăng và đang thám hiểm sao Hỏa. Phải chi ba còn sống để thấy bây giờ người ta không còn đeo bên mình cái máy ảnh hình vuông để chụp hình nữa mà là những cái điện thoại di động nhỏ xíu. Ba chết mà chưa từng được sống trong một Thế Giới Tự Do như tập san cùng tên ấy nói về nước Mỹ hùng mạnh mà Ba rất ngưởng mộ, Ba đã cho con đọc và ao ước trong thập niên 50.

Ba em bị bức tử quá sớm. Có phải ba em chết vì cái máy ảnh? Sinh nghề tử nghiệp?

Đúng một năm sau, ngày hai mươi tám tháng năm, em tự xả tang ba, em lấy chồng, không một lời chia tay với anh.

Năm nay em 69 tuổi.

Chúng ta xa nhau. Em cứ tưởng chỉ xa vài năm, vài thành phố, vài con sông, vài ngọn đồi mà thôi. Ai mà ngờ, ta cách nhau đã hơn nữa thế kỷ,  không phải vài con sông vài trái núi mà là cả nửa quả địa cầu.

Anh ơi, khi mình làm chuyện gì sai, cứ áy náy trong lòng. Chuyện nầy đã ám ảnh em trong suốt mấy chục năm.

Nếu anh còn sống, đâu đó trên quả đất nầy, (em mong anh vẫn còn sống, hạnh phúc bên gia đình) hãy biết rằng em nhớ anh, nợ anh một lời giải thích và muốn anh biết rõ vì sao em phụ bạc. 

Người xưa ơi, em không tin có kiếp sau cho nên em ước gì, gặp lại anh một lần, trong kiếp nầy, anh ơi./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
26/02/201809:48:03
Khách
Nhắc lại Tết Mậu Thân thì mọi người ai ai cũng buồn đau. Nhưng ngay lúc này được đọc lá thư ký ức niềm đau đớn của chị thật là bàng hoàng thương cảm cho những người bị mất Cha quá sớm, vào tuổi đôi mươi, rồi lại còn phải hy sinh tình yêu của mình để lo cho gia đình, KD cảm phục chị vô cùng. Thật là dã man tàn độc, mà sao họ lại còn tồn tại cho đến bây giờ đã gần 43 năm rồi, sao trời đất không chu diệt nó đi cho dân bớt đau khổ? Cảm ơn chị đã chia sẻ cùng độc giả. Khó khăn lắm mới có thể đọc hết bài này, thật nghẹn ngào...
Xin gởi đến chị và gia đình lời an ủi chân thành của KD.
26/02/201809:16:15
Khách
Một lần nữa chị nhắc đến cái chết của bác trai, qua bức thư trần tình với người xưa, nhưng nỗi đau mất cha không phai mờ, cảm xúc như mới hôm qua.
Mong chị nhận được hồi âm qua bài viêt này.
26/02/201802:23:41
Khách
Lạ quá! Đọc xong bài viết của chị có cái gì đó dồn ứ lên giữa ngực và cổ(?!)... Mi mắt thì nóng nóng.
...
“Hãy biết rằng em nhớ anh”
Nợ anh nguồn cội tình xanh thuở nào
Ví dầu đời đã xanh xao
Hồn bao năm vẫn nghẹn ngào thương anh.
26/02/201801:50:30
Khách
Hương Bình buồn se sất qua từng đoạn văn...làm sao tưởng tượng được cái chết vội vàng tức tưởi của ;;bác trai ,,,,còn quá trẻ để ra người thiên cổ ! giọng văn đều đều , bồn bã như lời cầu kinh ,,cầu cho người cha thân yêu , cột trụ gia đình vừa lìa đời ,,,người con gái yếu đuối là nhân chứng sống...lại lạc mất người yêu phương nào ..bao năm qua vẫn còn 'nợ nhau lời ;;tự thú;; Buồn nào hơn ..Cho phép Hương bình được khóc chung với tác giả,,,,,,,,,
25/02/201822:49:55
Khách
Đọc ký ức 50 năm của chị mà KhA phải ngưng lại mấy lần để lau nước mắt.
Bom đạn tàn nhẫn nhưng đám gây chiến thực sự là tội đồ.

KhA đoán là phải có nhiều can đảm và từng trăn trở lắm chị mới dám chạm lại vết thương quá sâu ngày xưa và viết ra cho mọi người đọc.
Mấy năm trước, khi xem một câu chuyện khác của chị, KhA có thư cho chị và nói là hết lòng mong người xưa đọc được lời của chị. Năm nay KhA vẫn mong vậy, chị nhé.
25/02/201822:03:23
Khách
Bài viết thật buồn! Tết Mậu Thân đã qua đi nửa thế kỷ, mà vẫn như còn đâu đó trong lòng người nỗi buồn sau kín tận đáy lòng. Những ngày đó, từ trong nhà nhìn xuyên qua cửa Lá sách, tôi đã chứng kiến những chiếc xích lô, xe ngựa chơ người chết, người bị thương ngang qua nhà, tiếng người khóc là thảm thiết lúp xúp chạy theo khóc là ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,953,646
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.