Hôm nay,  

Bắt Chước Người Việt Nam

21/02/201800:00:00(Xem: 12328)
Tác giả: Thanh Mai

Bài số 5318-19-31163-vb4022118

 
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.

Hinh an phoA

Chàng rể Mỹ David ăn phở.

hinh choi bau cuaA

Và cùng các bạn hào hứng ăn Tết gia đình Việt với... bầu cua cá cọp.       

***

Nghe Joe, tên bạn chung sở mời cuối tuần tới nhà hắn ăn sinh nhật đứa con, David tính từ chối vì anh dự định nằm nhà đọc cho xong quyển sách và xem bộ phim mới mua nhưng nhìn gương mặt hắn cười cười có vẻ thần bí nên David nổi máu tò mò thay đổi ý định.

Trong bữa tiệc, Nga, cô vợ Việt Nam của Joe cứ theo David hỏi dò về tình cảnh độc thân của anh và nói:

- Tôi có một cô khách hàng rất dễ thương, mới từ Việt Nam qua đây cỡ 1 năm. Cô ấy vừa đi làm vừa đi học, hiền và chịu khó lắm, lại còn độc thân. David có thích không tôi giới thiệu cho.

 Joe nói vô:

- Tao gặp cô này rồi. Khá lắm đó, chỉ thua bà xã tao một chút xíu thôi. Thương mày lắm tao giới thiệu cho mày ngay. Được thì tới luôn. Lấy vợ Việt Nam như tao nè, thú vị lắm, cuộc đời lên hương ngay.

David phải công nhận từ ngày cưới vợ trông Joe phơi phới hẳn ra. Hai mắt, nụ cười và gương mặt của hắn đầy nét yêu đời, hạnh phúc. Anh gật đầu:

- OK. Vậy người ta thì sao? Có đồng ý gặp mặt không?

Nga cười:

- Anh đừng lo. Tôi có hỏi cô ấy có bạn trai chưa và có muốn tôi giới thiệu quen với người Mỹ không thì cô ta chịu đó. Vài ngày nữa tôi có hẹn cắt tóc cho cô ta, anh ra tiệm của tôi xem mắt và hai bên làm quen với nhau nghe.

Cái ngày định mệnh ấy đã làm thay đổi cuộc đời của David. May mà anh đã tới nhà Joe ăn sinh nhật để được làm mai!

David đã từng có người yêu từ thời trung học nhưng vài năm sau chia tay và ế đến mốc xì từ ngày ấy đến nay. Tính anh hơi cù lần không thích ăn diện, hiền khô, dễ “mít ướt”, thích thiên nhiên, đọc sách, ẩm thực và... rất thương thú vật như chó, ngựa, cò và hươu cao cổ...v.v

Hoa là con gái út trong gia đình đông con. Sau khi tốt nghiệp lớp 12 nàng học một khoá đào tạo giáo viên nhà trẻ ngắn hạn của địa phương và được làm ở một trường Mầm Non gần nhà. Thế là các anh chị có gia đình và có con tha hồ mà gởi con đến trường Mầm Non cho cô em mình giữ từ khi đứa bé mới chập chững biết đi. Hoa chăm sóc trông nom hết đứa cháu này đến đứa cháu khác, đưa đón từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà mình để chiều tối ba mẹ chúng mới đến đón về. Lúc nào có chuyện ra ngoài yên sau xe của nàng cũng chở một đứa bé cứ như mẹ chở con nhỏ. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến Hoa bị... không ai theo đuổi tán tỉnh cho đến cái tuổi 40 mặc dù nàng rất xinh xắn. Cũng may nàng và gia đình một người em trai được người anh lớn bảo lãnh qua Mỹ và có cơ hội đổi đời.

Ngay cái nhìn đầu tiên David đã thích mê cô gái Việt Nam ốm nhách và... ngăm đen này rồi. Mới ở xứ nóng qua Mỹ hơn năm thì làm sao nhả nắng và có thêm chút thịt cho kịp! Anh chàng cứ tấm tắc khen dung nhan của nàng nào là cái mũi tẹt nhỏ nhắn dễ thương như... mũi chó, nào là cặp mắt to tròn như mắt... ngựa, chân cẳng lêu nghêu như cẳng cò và nhất là làn da lốm đốm vết nám như da hươu cao cổ. Vậy là dung nhan của Hoa hội đủ hình ảnh các con vật David thích. Chưa nói trong thời gian quen nhau nàng trổ tài nấu nướng và chiều chuộng chăm sóc trẻ em thì anh chàng lại còn đắm đuối say nắng hơn nữa.

Hoa ở chung với gia đình người em trai. Cậu em có “tâm hồn ăn uống” nên cuối tuần Hoa thường nấu vài món ngon để cậu em và David uống vài lon bia nói chuyện với nhau. Gọi là nói chuyện chứ một bên không rành tiếng Mỹ, bên kia không biết tiếng Việt thường dùng tay quơ là chính. Nhưng hai bên đều rất tâm đắc, cụng lon lia lịa, cười toe cười toét, và thức ăn thường hết sạch sành sanh. Sau vài buổi nhậu David biết cầm đũa, biết ăn cả tiết canh và biết nói một chữ tiếng Việt rất dõng dạc rõ ràng là “Zô! Zô! Zô!”

Nghe lời khuyên của Hoa, David ghi danh vào chùa học tiếng Việt. Chùa Phật Ân vào ngày Chủ Nhật có rất nhiều lớp miễn phí dạy tiếng Việt cho các em thiếu nhi và cả người Mỹ muốn học viết và nói. David được xếp vào lớp một vì lúc đó trường không có lớp mẫu giáo. David to con khổng lồ phải học chung với các em nhỏ xíu trông cũng hài nhưng anh chàng không mắc cỡ, tuần nào cũng đi học chuyên cần lắm. Đến lễ Tết Việt Nam cũng tham gia văn nghệ lên hát ngọng nghịu đơn ca và cả hợp ca bài hát tiếng Việt cùng các bạn học. Có điều chắc vì lớn tuổi gần 50 nên chậm tiêu, học được một năm thì qua năm sau David được... xuống lớp mẫu giáo. Có sao đâu, cứ chuyên cần thì mỗi tháng chắc cũng nhớ được một chữ, 12 tháng được 12 chữ, cũng nhiều chứ bộ. Thế là cứ mỗi tuần David vẫn tà tà cắp vở đến lớp mẫu giáo và cứ ở hoài lớp này không được lên lớp.

Không học giỏi tiếng Việt nhưng David chinh phục được cả gia đình Hoa nhờ tính tình hiền lành, tận tụy, tốt bụng cũng như hết lòng hướng dẫn Hoa cũng như gia đình nàng biết thêm về cuộc sống, xã hội của quê hương thứ hai này. David và Hoa cưới nhau sau hai năm tìm  hiểu.

Hoa rất thích nấu ăn nên David cành ngày càng mê và sành ăn nhiều món ăn Việt. Rau muống luộc chấm nước mắm, bánh tét phải có dưa món, phở phải có rau é quế và ngò gai, và tức cười nữa là bắp nướng không ăn với bơ nữa mà đòi cho được nước mắm mỡ hành....v.v

Hai vợ chồng David và Hoa rất hạnh phúc. Có lẽ Hoa được ăn bơ sữa Mỹ, có công ăn việc làm lương khá, có vitamin tình yêu và nhà cửa ổn định nên nàng dần có da có thịt, da dẻ mịn màng trắng trẻo càng ngày càng xinh. Nhất là tiếng Mỹ của nàng tiến bộ khá lên rất nhanh nhờ kể chuyện cho David nghe mỗi ngày về gia đình, về quê hương Việt Nam, về hầm bà lằng đủ thứ. David rất thích thú và đòi về Việt Nam để biết thêm về quê hương của vợ và để ra mắt cha mẹ anh chị em bà con của vợ còn sống bên kia nửa vòng trái đất.

Ngày về Việt Nam anh chàng biết chào hỏi bằng tiếng Việt nên mọi người đều thương mến. Ba của Hoa cũng biết chút ít tiếng Mỹ nên cha vợ chàng rể có vẻ hợp gu lắm, rủ nhau hút thuốc lá và David mỗi ngày theo cha vợ ra vườn cuốc đất tưới cây.

Thấy vườn rau xanh um ngay hàng thẳng lối đâu ra đấy, David nhớ lời anh vợ nói khi thấy cái sân sau của nhà mình:

- Nếu ba tôi mà thấy cái vườn nhà anh là không gả con gái cho anh đâu.

Về lại Mỹ anh chàng bỏ ra hơn 2 tháng dọn dẹp lại sân nhà đang như cái rừng hoang và rất khoái chí khi được anh vợ tấm tắc khen:

- Được đó! Bây giờ thì mới xứng đáng làm con rể cưng của ông cụ!

David gặp được ba vợ lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng vì mấy tháng sau ông lâm bịnh nặng. Hoa cùng người anh và cậu em cùng trở về Việt Nam để chăm sóc cha nhưng được ít lâu thì ông qua đời. David đã khóc vì thương tiếc ba vợ và nói với Hoa:

- Anh rất thích tình thân gia đình, sự hiếu thảo, và tôn trọng của con cái trong gia đình dành cho cha mẹ già của gia đình em. Anh sẽ kể cho anh Dan nghe và bàn nhau cách chăm sóc ba của anh.

Ba của David đã 80 tuổi. Ông sống một mình ở nhà riêng chứ không chịu ở chung với con cháu. Mỹ mà! Sống “độc lập tự do” cho khỏe. Ông có bạn gái 76 tuổi cũng ở nhà riêng gần đó. Thỉnh thoảng hai anh em Dan, David và các con của Dan tạt qua thăm hỏi. Nay Dan và David bàn nhau mỗi ngày chia phiên đến nhà thăm nom ông chứ không có màn năm thì mười họa nữa. Người lớn tuổi thấy khỏe vậy mà không phải vậy, họ như ngọn đèn trước gió bị tắt hồi nào không hay. Hoa thì thường xuyên nấu những món ăn Việt Nam và học nấu những món ăn Mỹ để đem đến cho bố chồng ăn mỗi ngày cho nóng sốt và tốt cho sức khỏe.

David thấy chân tình của vợ dành cho cha mình mà càng quý và yêu vợ hơn. Anh muốn làm cho vợ vui nên nghĩ ra chuyện mua gà về nuôi trong sân nhà đã được dọn dẹp để lấy trứng tươi cho Hoa ăn và nghe tiếng gà cục tác sẽ đỡ nhớ quê nhà. Anh chàng tìm đến nông trại của người Việt Nam hỏi mua được sáu con gà con mới nở và hớn hở khoe vợ:

- Anh mua mấy con gà con giống gà “đi bộ” châu Á mà em thích nè. Anh đã ghi danh lớp học nuôi gà và có bằng rồi.

Hoa vừa cảm động vừa tức cười không nhịn nổi:

- Trời! Anh có nói chơi không? Nuôi mấy con gà mà phải đi học? Nhà em hồi xưa nuôi hết bầy gà này tới bầy gà khác có bao giờ phải đi học đâu. Rải thóc hoặc gạo cho nó ăn rồi tự nó đi kiếm trùn hoặc côn trùng mà ăn. Tối tự chui vô chuồng mà ngủ thôi à.

David giải thích:

- Bên Việt Nam khác bên Mỹ khác. Em muốn nuôi gà trong sân vườn phải được thành phố cấp giấy phép và phải tốt nghiệp lấy bằng nuôi gà đó. Phải biết cách nuôi để không làm phiền hàng xóm chứ.

Có bằng nuôi gà mà mới được mấy hôm hai con gà lăn ra chết ngủm cù queo. 4 con còn lại lớn nhanh thành 4 con gà mái đốm vàng óng ả thật đẹp và cho trứng đều đặn.

Hoa thắc mắc hỏi:

- Ủa! Sao không có gà trống mà toàn gà mái vậy anh?

- Anh chọn gà mái để nuôi thôi chứ nuôi gà trống mà gáy ồn sẽ làm phiền hàng xóm.

Hoa nói:

- Chưa chắc gà mái không gáy. Hồi xưa trong bầy gà nhà em nuôi bỗng có một con gà mái cất tiếng gáy như gà trống. Ai cũng bảo điềm xui báo trước nhà sẽ bị cháy hoặc bị cướp bóc, phải làm thịt nó ngay nhưng ba không cho. Ba giải thích là gà cũng giống người, cũng bị lưỡng tính đến khi lớn giới tính kia mới lộ ra, không nên mê tín dị đoan mà giết nó tội. Và sau đó nhà em đâu gặp chuyện gì xấu. Ba em rất thích đọc sách như anh vậy, chuyện gì cũng lý giải theo khoa học chứ không mê tín dị đoan. Tính ba lạc quan vui vẻ bà con láng giềng ai biết ba đều yêu quý ông và đều thương tiếc là ông đang khỏe mạnh lại ra đi!

Mới đó mà đến ngày giỗ đầu của cha Hoa. Gia đình anh em tụ họp lại làm mâm cơm cúng giỗ gồm những món ông cụ thích ăn hồi còn sống và xem phim video quay những sinh hoạt của ông. Anh em ôn lại những kỷ niệm từ thời còn thơ ấu cho đến nay cũng vui. David rất thích buổi cúng giỗ này. Cuối tuần sau anh chàng chẳng nói chẳng rằng mua bó hoa, ba chai nước suối và ba cái hamburger rủ vợ ra thăm mộ mẹ mình.

David bày mấy thứ trên ra trước mộ rồi nói:

- Đã rất lâu con không ra thăm mộ mẹ. Ngày hôm nay đúng là ngày mẹ mất 30 năm trước, vợ chồng con mua hamburger mà mẹ thích để ăn chung cho vui.

David lấy một cái hamburger đưa cho Hoa và một cái cho mình cùng ăn và kể cho vợ nghe về những kỷ niệm ngày xưa của bà. Xong anh cầm tay vợ thủ thỉ:

- Mẹ anh ngày xưa thương anh nhất trong ba người con có lẽ vì anh lờ khờ chậm chạp nhất. Anh không giỏi chơi thể thao như anh Dan, lại cũng không học giỏi như em Denny. Hai người đó được ba anh cưng và quý lắm, thường đưa đi đây đi đó. Còn anh chỉ thích ở nhà với mẹ, lẩn quẩn bên bà ấy như con chó con. Mẹ mất vì bịnh năm anh vừa vào đại học. Từ đó anh không còn được mẹ chăm lo âu yếm nữa, lúc nào cũng mang cảm giác bơ vơ lạc lõng mấy chục năm nay cho đến ngày cưới được em. Em đem đến cho anh hình bóng và cảm giác được mẹ thương yêu chăm sóc ngày nào. Cám ơn Chúa! Cám ơn vợ chồng Joe đã giới thiệu em cho anh và cám ơn nhất là vợ yêu quý đã thay đổi cuộc đời của anh. Anh yêu em. Anh yêu Việt Nam của em.

Đúng là “Thương ai thương cả đường đi

Thương luôn phong tục, tông ti, giống nòi!”

Thanh Mai

Ý kiến bạn đọc
24/02/201818:06:36
Khách
Tôi có làm chung với anh chàng da trắng. Một hôm anh ta kể: Tôi không biết phải làm sao? Giữa vợ và con chó, ai cũng cũng muốn ngủ chung với tôi. Mà họ lại không thích nhau. Tôi nghe xong mắc cười qúa. Hi vọng cô này không gặp trường hợp tương tự mà chán đời.
22/02/201818:04:47
Khách
Bài viết hay lắm. Xin cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,312,826
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến