Hôm nay,  

Cuộc Tình Đã Lỡ

05/02/201800:00:00(Xem: 13157)
Tác giả: Hương Trần

Bài số 5304-19-31150-vb8020418
 

Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
 

***
 

Vào một chiều Chúa nhật cuối thu, sau bữa cơm tối tại nhà nhạc phụ, Huy đang ngồi tán gẫu với hai chị em bên vợ cùng mấy anh em cột chèo, thì chuông điện thoại reo.  Nhìn đồng hồ, 7:20 tối.  Hơi ngạc nhiên tự hỏi là ai gọi mình vào giờ này?  Xin lỗi mọi người, Huy mở cửa bước ra sân trước nhà.

-  Hello.

-  Chú Huy hả, con là …  Giọng người con gái nói thật nhỏ trong điện thoại nên chàng  nghe tiếng được tiếng mất.  Huy trả lời:

-  Vâng, tôi là Huy đây.  Xin cô nói lớn hơn một chút.             

- Con là Bích Hà, chú còn nhớ con không?

Cái tên nghe quen quen, nhưng tuyệt nhiên Huy không nhớ Bích Hà là ai.  Chàng bèn hỏi lại:

- Cô Bích Hà à, thực tình thì tôi chưa nhớ ra cô.  Mà có chuyện gì không cô.

- Ba tháng trước bà luật sư có nhờ chú thông dịch về vụ anh ấy đòi ly dị con đó, chú nhớ chưa?

Tuy chưa nhớ rõ câu chuyện của Bích Hà, vì Huy thường giúp thông dịch cho nhiều trường hợp xin ly dị, nhưng chàng vẫn hỏi tiếp:

- Mà có gì cần và tôi có thể giúp được gì cho cô không?                   

- Chú ơi, giờ con đến đón bé Linda.  Nhưng con bấm chuông nhà anh ấy hoài mà không ai mở cửa hết.  Cô Bích Hà thở dài rồi hạ giọng:  Chán quá chú ơi.  Con biết bố mẹ anh ấy đang ở nhà với bé Linda mà không chịu cho con đón bé về.

Khi nghe nhắc đến bố mẹ của anh ấy và bé Linda, Huy liền nhớ ngay chuyện xin ly dị của chồng cô Bích Hà.  Chàng hỏi tiếp:

- Giờ cô đang ở đâu?  Làm sao cô biết họ đang ở trong nhà với cháu Linda?

- Thì con đến nhà anh ấy, bấm chuông lúc 7 giờ tối.  Nghe tiếng TV mở lớn trong nhà, rồi con bắt đầu nghe tiếng Linda khóc.  Không thấy ai mở cửa, con bấm chuông thêm hai ba lần nữa.  Sau đó con ra ngồi chờ ngoài xe. Gọi điện thoại trong nhà cũng chẳng ai bắt phone.  Chừng năm phút sau, con trở lại bấm chuông.  Lần này trong nhà im re, không một tiếng động.  

-  Tôi không hiểu là tại sao họ lại không cho cô đón con về để mai đi học.  Hình như tòa cho phép anh ta được thăm và giữ cháu Linda ở lại nhà ngày thứ Bảy đến 7 giờ tối Chúa nhật (CN)  phải không?  Vậy anh ta không có nhà hả cô?

- Trời ơi, ngày CN mà chú.  Con ở với anh ấy bao nhiêu năm con biết quá mà.  Cứ sau 10 giờ  sáng là anh ấy biến mất cho đến khuya mới về nhà.  Mà xe anh ấy không đậu trước nhà, chỉ có xe ông nội thôi.  Con có gọi cho bà luật sư mà bà không trả lời điện thoại.  Giờ con muốn gọi cảnh sát được không chú ?  Mà chú giúp con nói tiếng Mỹ để cảnh sát họ hiểu chuyện và giúp con nhe chú.   

- Cô Bích Hà à, tôi xin cô bình tĩnh, từ từ mình giải quyết vấn đề.  Khoan làm to chuyện, hậu quả sẽ không tốt cho mẹ con cô và gia đình anh ấy.  Tôi đề nghị cô điện thoại cho anh ta và cả bố mẹ, nếu họ không bắt máy, để lại tin nhắn như thế này:  Đúng 8 giờ tối, cô sẽ trở lại nhà lần nữa để đón cháu Linda về như lịnh của quan tòa.  Nếu họ không mở cửa, cô sẽ nhờ cảnh sát can thiệp.  Sau đó cô gởi tin nhắn với nội dung tương tự trên cell phone của anh ta và bố mẹ của anh.  Rồi đúng 8 giờ cô cứ đến trước cửa nhà bấm chuông, tôi nghĩ là họ sẽ để cô đón cháu về.

- Dạ, để con làm theo như chú dặn.  Cám ơn chú nhiều, bye bye chú.

Tắt điện thoại, Huy thầm mong mọi chuyện êm xuôi cho mẹ con cô Bích Hà.  Ở thành phố nhỏ này, Huy thường giúp thông dịch cho nhiều trường hợp tương tự như của cô Bích Hà, rồi họ cứ coi chàng như là người cố vấn về luật pháp. Hễ có chuyện gì bất trắc khó giải quyết là họ gọi hỏi ý kiến và nhờ chàng giúp.  Dẫu cho chàng rất dè dặt, ít khi cho ai số điện thoại của mình.  Vậy mà rồi  họ vẫn tìm được số phone của Huy.  Cũng may mà thành phố tương đối dễ dãi trong công việc thông dịch.  Đối với các vụ hầu tòa về vi cảnh và xung đột gia đình hay ly dị, thì cả đương đơn (petitioner) lẫn bị đơn (respondent) đều có thể nhờ người quen thông thạo Anh ngữ giúp thông dịch.  Bởi thế nên chàng cũng đỡ bận rộn trong dịch vụ này.  Ngoại trừ những tranh chấp về việc bồi thường cho các tai nạn hay những phiên tòa hình sự (criminal trial), thì tòa án đòi hỏi phải có thông dịch viên hữu thệ như chàng.

***

Nhớ lại cách đây khoảng hơn ba tháng, tổ hợp luật sư McClung yêu cầu Huy đến giúp thông dịch cho một khách hàng người Việt của họ. Lúc chàng đến thì đã thấy một cô gái với khuôn mặt Á Đông ngồi tại văn phòng.  Bà luật sư giới thiệu với chàng:  Đây là Mrs. Tran.   Cô ta mĩm cười xin chàng gọi là Bích Hà.  Cô khoảng chừng 30 tuổi, mái tóc cắt ngắn trông rất nhí nhảnh và nhanh nhẹn.  Khả năng Anh ngữ của cô không đến nỗi tệ lắm.  Cô có thể đối thoại, trao đổi với bà luật sư những câu chuyện thông thường.  Với những từ hơi chuyên môn thì cô bảo là chưa nghe bao giờ nên không hiểu.

Bà luật sư cho biết là Mr. Mạnh Lương và Mrs. Bích Hà Trần đã kết hôn từ năm 2009.  Hai người hiện có chung một bé gái 6 tuổi tên là Linda Trần Lương.  Sau nhiều bất hòa trong nội bộ gia đình, mùa hè năm ngoái, cô Bích Hà đã tự thuê chung cư và dời ra ở riêng với con gái.  Đầu năm 2016, anh Mạnh đã nộp đơn yêu cầu tòa hủy bỏ khế ước hôn nhân (dissolution of marriage) giữa hai người.  Sau hai lần hầu tòa, chánh án đã tạm thời cho phép cô Bích Hà được quyền nuôi con. Anh Mạnh phải cấp dưỡng cho con (child support) hàng tháng là $400.  Anh được quyền thăm nuôi bé Linda mỗi tháng hai lần vào cuối tuần đầu và cuối tuần thứ ba trong tháng, từ 9 giờ sáng thứ Bảy đến 7 giờ tối CN.

Bà luật sư cho biết, lý do bà muốn có người thông dịch, để giúp cô Bích Hà hiểu rõ những quyền lợi của cô, nhất là của bé Linda, dựa theo luật gia đình của bang Oklahoma, trong trường hợp  yêu cầu ly dị của anh Mạnh được tòa chấp nhận.  Bà tin chắc là cô Bích Hà sẽ được toàn  quyền nuôi con (sole custody).  Còn tất cả những quyền lợi khác như tiền cấp dưỡng (child support) cùng tiền bảo hiểm sức khỏe cho bé Linda, tiền chia đôi quỹ hưu dưỡng của anh Mạnh… đều được bà nêu ra trong bản yêu cầu giải quyết và dàn xếp (motion to settle journal entry) cho việc ly dị.  Mọi quyết định cuối cùng vẫn là của chánh án.        

Theo bà luật sư thì sau khi nhận bản yêu cầu từ hai phía, tòa án sẽ định ngày hầu tòa.  Bà muốn Huy có mặt trong phiên tòa này để giúp cô Bích Hà hiểu và đối đáp rõ ràng mọi câu hỏi từ quan tòa cũng như từ luật sư của hai phía. Trước khi ra về, cô Bích Hà có xin Huy số điện thoại. Nhưng chàng dặn là nếu có điều gì cần liên lạc thì cô cứ nói bà luật sư gọi cho chàng.

Rồi khoảng vài hôm sau, Huy đến tham dự buổi hội thảo về chuyện hưu dưỡng và tiền an sinh xã hội được tổ chức tại thư viện gần nhà chàng ở.  Họp xong, chàng bước vào tiệm Starbuck nằm bên trong thư viện.  Mua một ly cà phê nóng hổi, chàng kiếm một bàn trong góc ngồi nhâm nhi và coi lại mấy xấp giấy vừa được phát trong buổi hội thảo.  Chừng năm phút sau, chàng nghe tiếng gọi từ quầy bán cà phê.  

- Chú Huy phải không?  Không ngờ gặp lại chú ở đây.

Ngước mắt nhìn lên, chàng hơi ngạc nhiên khi thấy cô Bích Hà đang bước về phía mình với ly cà phê trên tay.

- Con ngồi đây nói chuyện với chú được không?

Vừa nói cô vừa kéo ghế ngồi đối diện.  Biết không thể từ chối, Huy lên tiếng:

- Ủa, cô đến thư viện có chuyện gì hả.  Mời cô cứ ngồi đây.  Nhưng mà tôi cũng sắp có chuyện phải đi rồi.

Huy định là sẽ ngồi tiếp chuyện với cô Bích Hà chừng vài ba phút rồi viện cớ có công chuyện để cáo từ.  

- Hôm nay bé Linda nghĩ học, vì ở trường thầy cô họp.  Có bà khách của cháu tình nguyện dạy bé đọc và viết tiếng Anh, nên con đưa Linda đến đây cho bà giúp.  Chú thấy đó, tiếng Anh của con chỉ đủ nói đại khái cho người ta hiểu thôi.  Còn anh ấy đâu ngó ngàng gì tới Linda đâu.  Nên may mà có bà khách tốt bụng.  Bà thương và lo cho hoàn cảnh của bé Linda và con lắm!  Chính bà đã giới thiệu con đến văn phòng của bà luật sư McClung đó.

Cô Bích Hà nhấp ngụm cà phê rồi nói tiếp:

- Để kể chú nghe hoàn cảnh của con nhe.  Bà cô của con làm chung hảng may với mẹ anh Mạnh, đã giới thiệu con với anh ta.  Lúc đó gia đình con ở Nha Trang.  Rồi bọn con trao đổi hình ảnh và chuyện trò với nhau trên mạng chừng vài tháng.  Đến tháng Tư 2008 thì anh ấy về Việt Nam, đến nhà con với bà cô để xin cưới.  Lúc đó con đã 22 tuổi.  Nghe bà cô bảo là anh ta có công ăn việc làm vững vàng.  Đã mua nhà cho bố mẹ ở chung vì anh là đứa con duy nhất trong gia đình.  Thấy anh ta tuy lớn hơn con một con giáp, nhưng có vẻ hiền lành ít nói.  Với lại lúc đó má con đang bịnh, phải ra vô nhà thương hoài, nên trong nhà túng thiếu lắm.  Nghe anh nói là sẽ biếu gia đình năm ngàn đô để giúp má chữa bịnh.  Khi về lại Mỹ anh sẽ gởi thêm.  Bố mẹ con có vẻ bằng lòng về anh.  Trong hoàn cảnh gia đình đang túng quẫn, con chẳng có lựa chọn nào khác hơn.  Chỉ hy vọng là sống với nhau rồi sẽ hiểu nhau và yêu nhau thôi.

Thế là đám cưới diễn ra hai tuần sau đó.  Mấy đứa bạn trong xóm cho là con may mắn, lấy chồng Việt kiều, sắp được qua Mỹ sống.  Rồi anh ấy về lại Mỹ, làm giấy bảo lãnh đưa con qua đây sau Tết năm 2009.  Sang đất Mỹ, mọi chuyện từ việc đi làm nail đến thi bằng lái xe… đều do gia đình bà cô giúp.  Anh ấy luôn tỏ vẽ lạnh nhạt, dửng dưng với con.

Đầu năm 2010 con sinh bé Linda.  Từ từ con biết ra anh ấy là người đồng tính chú ơi.  Anh ta phải lấy vợ vì vâng lời bố mẹ để ông bà có cháu bồng.  Chứ thực ra anh đâu yêu thương gì con và cũng chẳng muốn lập gia đình.  Còn bố mẹ anh ta thì quá độc đoán.  Mọi chuyện trong nhà, ngay cả chuyện riêng tư của vợ chồng con, ông bà cũng dành quyền quyết định.  Anh ấy thì đâu để ý gì tới con và bé Linda, nên để mặc ông bà nội muốn làm gì thì làm.  Hằng ngày anh ta đi làm về là chúi đầu vào Ipad coi phim, chít chát với bạn, mà toàn bạn trai không hà.  Còn thứ Bảy, Chủ Nhật thì biến mất tiêu tới khuya mới về nhà.

Trước câu chuyện khác thường của cô Bích Hà, tôi bỏ ý định rút lui sau vài ba phút, bèn lên tiếng hỏi:

- Thế bố mẹ có biết gì về chuyện đồng tính của anh ta không?

- Ông bà chẳng bao giờ nghe con.  Cứ nói là con viện cớ để tránh sinh thêm thằng cháu đích tôn cho ông bà.  Con thì quá mệt mỏi và chán ngấy cái bầu khí trong nhà.  Gắng đi làm để đóng một ngàn tiền nhà cho ông bà.  Dư bao nhiêu thì lo tiền ăn mặc cho hai mẹ con.  Xui cho con là sau khi sinh bé Linda, gia đình bà cô lại dời về sống ở Florida, nên con chẳng còn ai nương tựa.  Bố mẹ anh ta lại càng chèn ép con hơn trong chuyện tiền bạc.  Chịu hết nỗi, con phải mướn apartment ra ngoài sống với bé Linda.      

    - Ủa, vậy thì nhà của ông bà mua hay của vợ chồng con đứng tên?

    - Con nghe nói là hai cha con đứng tên mua nhà khoảng hai năm trước khi anh ấy về Việt Nam cưới con.  Anh ta lo trả tiền nhà, còn ông bà lo tiền điện nước các thứ.  Từ lúc Linda lên hai tuổi thì bố anh về hưu, ở nhà coi cháu.  Ông bắt con mỗi tháng phải góp cho ông bà một ngàn để lo tiền điện nước.  Con cũng sẳn sàng, vì ông giúp giữ Linda, con khỏi phải gởi cháu để đi làm.  Hằng tuần con đều mua bia và đồ nhậu cho ông đầy đủ.  Nhưng rồi lúc thì sửa mái nhà, khi thì kêu thợ sửa máy lạnh… chuyện gì ông bà cũng kháo tiền của con hết.

-  Vậy từ hồi ra ở riêng, hàng tuần bé Linda có đòi về thăm bố và ông bà nội không?            

-  Hồi con mới dọn ra, bao nhiêu đồ chơi của bé là do con mua hết, vậy mà ông bà nhất định không cho con đưa về apartment.  Nên bé cũng hay đòi về lại nhà để nghịch với đồ chơi của bé.  Vì đó là nơi Linda đã lớn lên từ nhỏ mà chú. Còn anh ấy hả, chẳng bao giờ hỏi han nói chuyện một câu với bé Linda là con của anh ta.    

Vài tháng gần đây, con mua lại cho bé tất cả những gì bé thích, nên Linda không muốn về lại nhà ông bà nội nữa.  Vì tính ông nội cộc cằn dữ tợn lắm.  Hễ giận lên là quát mắng đánh đập, nên bé sợ không dám đến gần ông nội.

Trong nhà chỉ có bà nội là thương con và Linda thôi.  Bé cũng mến bà lắm.  Nhưng bà lại sợ ông, nên cũng chẳng giúp gì được cho tụi con hết. Anh ta xin tòa cho bé Linda về lại nhà một tháng hai lần để cho bà nội đỡ nhớ cháu đó.    

Huy nhìn đồng hồ và nói:

- Cám ơn cô đã chia sẻ chuyện gia đình.  Tôi rất mong mọi sự tốt đẹp đến với cô.  Có cần gì, cô cứ gọi cho bà luật sư thì tiện hơn.  Tôi có hứa với bà là sẽ đến giúp thông dịch cho cô trong ngày hầu tòa.  Giờ tôi phải đi.  Chào cô nhe!

Huy đứng dậy bắt tay từ giã.  Cô Bích Hà mĩm cười bảo chàng:

- Mà chú phải hứa giúp con cho đến khi nào xong việc ly dị nhe.

- Cô có bà luật sư hướng dẫn, không chuyện gì phải lo lắng.  Thực tình tôi chẳng giúp được gì cho cô ngoài việc thông dịch.  Thôi, chào cô nhe!

 

Kể từ hôm trò chuyện với cô Bích Hà ở thư viện đến nay cũng đã ba tháng, mà Huy chẳng nghe văn phòng luật sư gọi cho chàng về ngày hầu tòa. Nên chàng quên bẵng cho đến lúc cô Bích Hà điện thoại cho chàng vào tối Chủ Nhật.

Qua sáng hôm sau, thứ Hai, là ngày Huy thường bận rộn ngồi trước máy vi tính trả lời điện thư.  Đến 10 giờ  thì chàng có điện thoại từ văn phòng bà luật sư McClung.  Bà cho hay là Mr. Lương, chồng cô Bích Hà đã mướn luật sư khác.  Nên có sự chậm trễ trong việc soạn thảo những yêu cầu để giải quyết và dàn xếp cho việc ly dị.  Bà được biết là luật sư mới của Mr. Lương sẽ nộp bản yêu cầu cho tòa án ngày hôm nay và hy vọng tòa sẽ ấn định ngày hầu tòa vào tuần sau.  Bà sẽ báo cho chàng hay ngày giờ hầu tòa.       

Mọi sự tuy có vẽ tình cờ, nhưng như là được sắp xếp một cách khá hợp lý.  Vì vừa nói chuyện với  bà luật sư xong, Huy lại có điện thoại của cô Bích Hà.  Đầu dây, giọng cô thật tươi như lời chào bình minh:

    - Con chào chú, chú khỏe không?

    - Cám ơn cô, tôi vẫn bình thường như mọi ngày.  Có gì không cô?

    - Thì tối hôm qua bên nhà anh ấy không cho con đón bé Linda về, con gọi cho chú đó.  Rồi chú dặn con nhắn tin cho họ trước khi kêu cảnh sát.  Đúng 8 giờ, con đến bấm chuông.  Ông bà mở cửa, bé Linda vừa khóc vừa chạy ra ôm lấy con.  Ông nội thì chỉ vào mặt, mắng con xối xả.  Nào là đồ vô ơn, lợi dụng anh Mạnh để qua đây, rồi đòi li dị, đòi chia tiền hưu của ảnh…  Con chỉ biết cúi đầu chào rồi ôm bé Linda chạy ra xe, không nói được một câu với ông bà.

Mà chú nghĩ coi, chính anh ấy làm đơn đòi ly dị mà.  Đã không thương yêu thì con cũng muốn dứt khoát với nhau, để con còn lo cho cháu Linda.  Chứ cứ ở chung trong nhà, nhìn mặt hầm hầm của bố con anh ấy suốt ngày, con căng thẳng lắm.       

Thực tình thì  con không muốn tiền bạc hay bất cứ cái gì của anh ấy hết.  Nhưng khi bà khách dẫn con đến văn phòng luật sư McClung, thì bà luật sư luôn nhấn mạnh là bà sẽ bảo vệ và yêu cầu cho bằng được những quyền lợi của con và cháu Linda được hưởng theo luật của tiểu bang.  Con có nói với bà là con chỉ mong thủ tục ly dị được giải quyết nhanh chóng mà con không phải thiệt thòi gì cả mà thôi.  Ngoài ra con không muốn gì hết.  Con có thể tự nuôi cháu Linda được.  Nhưng cả bà khách lẫn bà luật sư bảo con phải nghĩ đến tương lai của Linda, và anh ta có bổn phận phải lo cho đến khi cháu tròn 18 tuổi.    

Cô Bích Hà nói một hơi dài.  Tôi đành cắt ngang:

    -  Cô Bích Hà à, xin cô cho tôi biết cháu Linda ra sao.  Hôm nay vẫn đi học bình thường chứ?

    -  Tối qua trên xe về apartment, cháu khóc quá trời luôn.  Cháu nhất định không trở lại nhà ông bà nội nữa.  Linda nói là lúc nào ông cũng to tiếng với cháu.  Cháu chỉ biết suốt ngày quấn quýt bên bà thôi.  Cháu khóc đòi điện thoại cho con đón về mà ông không cho.  Tối qua về lại apartment, Linda ngũ ngon.  Sáng nay cháu đi học bình thường.  Cháu nói là ở trường cháu có nhiều bạn vui lắm, nên cháu rất thích đi học.                         

    -  Vậy mấy lần trước Linda đến ở lại nhà ông bà thì sao?

    -  Thì cũng bình thường, con vẫn đến đón cháu như đã hẹn là 7 giờ tối CN.  Mà con nghe mấy đứa bạn quen trong nhà anh ấy nói là bố anh ta bảo anh làm đơn ly dị con.  Rồi có người giới thiệu anh về Việt Nam làm đám cưới với một cô gái con nhà giàu muốn sang Mỹ.  Khi anh ta đưa được cô gái đó qua bên này thì họ sẽ trả cho anh mấy chục ngàn gì đó.

Trong nhà anh ta nghĩ là con không rành tiếng tăm nên sẽ chẳng dám đòi hỏi gì khi ly dị.   Ai ngờ bà khách và bà luật sư muốn con phải yêu cầu anh trả mọi thứ theo luật định.  Nên khi nghe được chuyện này, bố anh nỗi nóng nguyền rủa con đủ điều.  Vì vậy tối qua mới làm khó không cho con đón cháu Linda về đó.  Mà Linda nhất định không muốn đến nhà ông bà nội nữa.  Vậy lần tới con có phải bắt cháu đến ngủ lại tối thứ Bảy không hả chú?

    -  Cô Bích Hà à, tôi đề nghị cô điện thoại cho bà luật sư.   Trình bày lý do tại sao cháu Linda không muốn về lại nhà của bố và ông bà nội.  Bà sẽ giúp cô giải quyết vấn đề.  Thôi, cám ơn cô đã chia sẻ nhiều chuyện riêng tư của cô.  Cầu chúc mẹ con cô vui vẻ luôn và mong bé Linda học giỏi!  Tôi bye nhe!

    -  Khoan đã chú ơi.  Cho con hỏi cái này nữa.  Con nghĩ là thế nào bố anh ấy cũng sẽ đến apartment bắt con không được đòi hỏi anh ấy này nọ khi ly dị.  Giờ con phải làm sao hả chú?

    -  Thì tôi đã nói với cô rồi, cô mướn luật sư để binh vực cho quyền lợi của cô.  Nên có điều gì liên quan đến sự an toàn hay quyền lợi của mẹ con cô trong việc ly dị, cô nên trình bày cho bà biết.  Với kiến thức chuyên nghiệp, bà sẽ giúp cô cách đối phó với những trở ngại hay đe dọa mà cô đang lo sợ sẽ xảy ra.

    -  Nhưng mà chú ơi, tiếng Anh con kém lắm, làm sao con có thể nói cho bà luật sư hiểu mấy chuyện này được.  Chú giúp con trình bày cho bà rõ nhe chú.  Con nghe mấy chị ở đây nói là chú giúp nhiều người lắm.  Vậy rán giúp con chú nhe!

Trước lời khẩn khoản của cô Bích Hà, Huy đành phải đề nghị:

    -  Cô đừng quá bối rối lo sợ như vậy.  Thôi thì cô gọi lấy hẹn với bà luật sư rồi cho tôi hay, tôi sẽ đến văn phòng giúp thông dịch cho cô.

    -  Vâng, con gọi cho bà luật sư ngay đây, rồi báo lại cho chú liền.

    -  Chào cô nhe.

Để điện thoại lên bàn, Huy lắc đầu thở dài.  Chàng thấy thương cảm cho những cặp vợ chồng sống với nhau mà không có tình yêu.   Nó dẫn đến nhiều bất ổn trong cuộc sống chung và sinh ra nhiều điều bất hạnh cho con cái .  Trong khoảng 5 năm qua, chàng đã giúp thông dịch cho nhiều đơn kiện xin ly dị.  Chỉ có một hai vụ được tòa giải quyết một cách nhanh chóng xuôi chảy, vì đôi bên không có tranh chấp hay bất đồng gì về chuyện nuôi dạy con cái hay phân chia tài sản (uncontested divorce).  Chỉ vì thiếu vắng tình yêu và cảm thấy không hòa hợp với nhau (irreconcilable incompatibility) trong cuộc sống gia đình, nên họ đồng ý chia tay.

Còn đa số vụ kiện ly dị thường kéo dài vài ba năm vì những bất đồng, cãi vã nhau trong việc trợ cấp nuôi con và phân chia tài sản.  Không ai chịu thua kém hay bị thiệt thòi.  Thường thì trợ cấp con cái được tính theo lợi tức của bố và mẹ.  Nhưng chung chung là khoảng 60 phần trăm từ quý ông và 40 phần trăm từ quý bà.  

Có trường hợp một anh người Việt, là thợ hàn đã hơn mười năm tại một hảng lớn chuyên lắp ráp cánh máy bay.  Qua đơn xin ly dị, quan tòa buộc anh phải đưa tiền cho chị mỗi tháng gần 500 đô la để  cấp dưỡng cho cậu con trai năm tuổi của mình.  Mỗi tháng cơ quan xã hội (DHS) khấu trừ 500 đô la từ tiền lương trong hãng để chuyển qua trương mục của chị.  Nghĩ rằng chị đi làm móng tay, cũng có lợi tức dư dả hàng tháng để nuôi con, nên số tiền trợ cấp mỗi tháng của anh chỉ để cho chị tiêu xài phung phí thêm.  Cũng vì tức tối ấm ức chuyện này, anh đã tự động nghĩ việc ở hảng.  Rồi đi học làm nghề móng tay.  Theo anh, như vậy anh sẽ không phải giao tiền cho kẻ ác là chị. Vì trên giấy tờ, anh chẳng có check lương để DHS khấu trừ  hàng tháng.  Còn việc lo cho con, thì hễ cháu cần đóng tiền hay thích mua cái gì, anh đều trực tiếp lo cho cháu.

Dĩ nhiên đây chỉ là  phản ứng bốc đồng khi tức giận như người xưa thường bảo “giận quá mất khôn”.  Vì nếu anh không trả tiền cấp dưỡng cho con theo lịnh tòa, thì số tiền ấy sẽ chồng chất thêm (arreas), cọng với tiền lời hàng tháng.  Sớm muộn gì anh cũng phải thanh toán nếu không muốn rắc rối với pháp luật và muốn giữ uy tín tốt (good credit) trong việc giao dịch thương mại.  

Khoảng 11:30 sáng, sau khi trả lời xong mấy điện thư cần thiết, chuông điện thoại lại reo.  Đầu giây, giọng cô Bích Hà reo lên:

  -  Chú ơi, con đã lấy hẹn được với bà luật sư rồi.  Bà biểu con đến văn phòngchiều thứ Sáu tuần này lúc 2 giờ.  Chú đến giúp con nhe chú.    

  -  Hai giờ chiều thứ Sáu tuần này hả.  Vâng, ban chiều thì tôi rảnh.

  -  Sáng thứ Sáu con sẽ gởi tin nhắn nhắc chú nhe.  Cám ơn chú nhiều!

 
Tắt điện thoại. Huy tự hỏi, không biết mình nên thương cảm cho người chồng hay bên vợ trong các vụ ly dị như của cô Bích Hà.  Bởi hình như ai cũng có lý do được coi là phải lẻ cho những đòi hỏi của mình.  Dầu sao thì việc ly dị chỉ chấm dứt liên hệ vợ chồng trên phương diện pháp lý.  Nhưng liên hệ gia đình vẫn còn đó.  Con cái vẫn còn bố mẹ, ông bà… với những hệ lụy không dứt khởi từ nút thắt ban đầu.     

Huy nhớ lại chỉ mới tuần trước đây, trong vụ kiện ly dị do ông Tin khởi xướng.  Ông đã 62 tuổi, bà kém ông 5 tuổi.  Hai ông bà đã sống với nhau hơn 30 năm.  Cậu con trai đầu cùng cô con gái út đã khôn lớn, có gia đình.  Nhưng chưa ai có con, nên hai ông bà chưa có đứa cháu nào. Ông bảo là bà ngày càng khó tính, không chịu được.  Bà bảo rằng ông càng già càng mất nết, ăn rồi là dán mắt trong màn hình của máy vi tính để email và chit chat với bạn bè cùng bồ cũ bên Việt Nam.

Hai ông bà tuy vẫn ở chung một nhà có ba phòng ngũ. Nhưng nghe nói là từ ba năm nay, bà chiếm phòng master, gần nhà bếp và phòng ăn.  Ở giữa là phòng khách khá lớn.  Phía bên kia là hai phòng ngũ cũng là giang sơn của ông.  Mỗi người tự lo ăn uống, chợ búa và giặt giũ… Chỉ khi nào các con về thăm và ở lại ăn, hai ông bà mời ngồi dùng cơm chung với các con.      

Ông muốn ly dị với bà để về Việt Nam sống. Ông kể cho Huy nghe là xưởng đóng bàn ghế của bố mẹ để lại đang được hai cậu em điều hành, ngày càng khấm khá.  Ông sẽ lấy tiền hưu non, về phụ với hai em trông coi công việc làm ăn của đại gia đình.  Ông sẽ bỏ tên của mình khỏi giấy tờ chủ quyền căn nhà đang ở (quit claim deed), để chỉ còn bà là chủ nhà.  Nợ nhà đã trả xong.

Bà tuy không đồng ý ly dị, nhưng trước áp lực của ông từ hơn năm nay, bà đành gật đầu cho xong chuyện.  Kẻo nghe ông rỉ rả chuyện ly dị  suốt ngày mỗi lần gặp mặt, làm bà như tẩu hỏa nhập ma…          

Sau đôi ba lần hầu tòa, đến ngày hẹn cuối để công bố án lệnh ly hôn (decree of dissolution of marriage), ông chở bà đến pháp đình.  Sau khi bà chánh án xác nhận mọi yêu cầu ly hôn cùng việc phân chia tài sản, nhà cửa với cả hai người, mọi chuyện đều được đôi bên trả lời “yes”.  Trước khi ký án lịnh, chánh án hỏi ông bà một lần chót là có điều gì không rõ hay còn thắc mắc khiếu nại gì không?  Ông trả lời một cách chắc chắc là “không”.  Đến lượt bà thì bỗng bà òa lên khóc, bước đến cầm lấy tay ông nói lớn:  Ông ơi, mình sống với nhau hơn 30 năm nay.  Dù ông có to tiếng nạt nộ tôi mỗi ngày, tôi vẫn an lòng sống vì biết luôn có chồng bên cạnh.  Giờ ông ly dị tôi, tôi làm sao sống được.  Biết nương tựa vào ai đây!  Tôi không muốn ly dị đâu, sống mà không có chồng thà chết đi còn hơn.  Nước mắt dàn dụa, bà vẫn giữ chặt tay ông.  Sau khi nghe tôi thông dịch lại những gì bà vừa nói, vị chánh án gật đầu nhìn bà một hồi lâu.  Rồi xin hai ông bà về nói chuyện lại với nhau…

Rời tòa án, hai người không nói với nhau một câu.  Ông lầm lỳ đi trước.  Bà mắt còn đỏ hoe lủi  thủi bước theo sau…  Đối với bà thì hình như tình chẳng còn nhưng nghĩa vẫn nặng…                  

*

Trở lại câu chuyện của cô Bích Hà.  Chung cuộc, sau nhiều lần thương thảo, hai người được tòa chấp thuận cho ly dị theo như đơn anh Mạnh yêu cầu.  Cô Bích Hà được toàn quyền (sole custody) nuôi dạy con là bé Linda, được chia nữa tiền hưu 401K của chồng và được anh Mạnh trang trải hết tiền luật sư…  Bé Linda được bố chu cấp hàng tháng $400.  Những chi phí ngoại lệ khác của cháu như tiền bác sĩ, nhà thương, nếu có, đôi bên sẽ chia đôi trên căn bản 60/40.  Tóm lại, vì muốn giải quyết dứt khoát cho xong vụ việc, nên anh Mạnh đã đồng ý chi trả hầu hết những khoản được yêu cầu trong bản dàn xếp do bà luật sư McClung trình tòa.

Trước khi chấm dứt phiên tòa, chánh án luôn nhắc nhở đôi bên rằng, theo luật của bang Oklahoma, không ai được phép kết hôn trong vòng 6 tháng kể từ ngày có án lịnh ly dị.  Ngoại trừ muốn cưới lại người vợ hay chồng cũ vừa mới ly hôn, thì có thể làm đám cưới bất cứ khi nào.

Sau mỗi phiên tòa ly hôn, Huy thường vắn tắt trao đổi những điều cần thiết với luật sư thân chủ, rồi lẳng lặng bước ra ngoài.  Vì nhiều lúc chàng không biết là nên chia vui hay sẻ buồn với bên nào…   Để một lần nữa,  trên đường lái xe về nhà, chàng lại mở bài Tình Lỡ của nhạc sĩ Thanh Bình và nghe ca sĩ Lệ Quyên nỉ non:

… Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau

Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau…

Cuối năm Đinh Dậu 2017

Hương Trần

Ý kiến bạn đọc
07/02/201815:49:49
Khách
Chào Tòa Soạn
Có lẽ về cách xử dụng PC tôi không rành,Tòa soạn làm ơn chỉ cho tôi cách nào để tôi tìm phần 1 của bài này.Tôi đã vào Mục “Tìm Kiếm Bài” mà tìm không ra.
Trân trọng
06/02/201805:55:07
Khách
Tác giả quả là có tài kể chuyện. Bố cục gọn gàng, lời văn mạch lạc, dễ hiễu.Phần đối thoại viết rất hay. Ngợi khen tác giả đã không dùng đến ngôn từ hiện tại của người Việt ở trong nước.
06/02/201803:26:17
Khách
Về VN lấy vợ thì còn nguy hiểm hơn tới Las Vegas đánh bạc nữa. Đánh bạc ở Las Vegas chỉ mất tiền chứ không mất mạng. Tôi có 3 người bạn về VN cưới vợ. Một thì chết như trong chuyện “Thảo ơi” tôi viết năm xưa. Người thứ hai thì mất nhà mà còn đi tù vì em thương gài cho kép nhí chở về tận nhà chọc cho điên lên thụi em mấy quả. Kép nhí ở ngoài nhòm vô và bấm 911. Người thứ ba thì khật khật khờ khờ chỉ đợi hai tuần tới thăm hai con. Sau đó bị tai biến mạch máu thành nửa tàn phế. Trước khi lấy tôi đều cảnh báo nhưng đều nói em thương là con nhà gia giáo, ăn nói nhỏ nhẹ, đi ngay nhìn thẳng, không mê shopping, chỉ thích nấu nướng. Trời ơi, tôi nghe mà cũng sướng rêm mái đìu hiu cho bạn và cho…tôi.
Nhưng nhớ chỉ được sung sướng vài năm thôi bạn nhé rồi bạn sẽ trả nợ suốt đời cả tiền lẫn mạng.
05/02/201820:29:43
Khách
Truyện hay. Tác giả trình bày trong sáng, mạch lạc. Người đọc như chúng tôi sẽ ngậm ngùi cho những gia đình bị tan vỡ, nhất là thương cảm cho con cái phải chứng kiến cảnh chia ly của cha mẹ.
Những bậc làm cha mẹ cũng nên bao dung với những người in-law của mình vì ít nhiều họ cũng từng có những gắn bó, thương yêu... trong lúc làm dâu-rể nhà mình. Nhất là con cái của những cha (mẹ) này sẽ mãi mãi là cháu nội, cháu ngoại của mình.
Hãy cư xử bao dung để tình cảm của hạt máu kia sẽ có mối thân tình với mình. Bằng không chúng ta sẽ mắt nó vĩnh viễn.
Cảm ơn tác giả và hy vọng sẽ được đọc thêm truyện mới của bà.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,292,032
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến