Hôm nay,  

Người Kinh 5 Vượt Biển

18/01/201800:00:00(Xem: 12870)
Tác giả: Hồ Nguyễn

Bài số 5292-19-31138-vb3011618


Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 160 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và sau đây là bài viết mới nhất.  Con số vượt biển chính xác là 1.300 dân kinh 5 vượt biển đến nơi. Sau đó bảo lãnh nhau hiện đã có 5 hay 6000 dân gốc kinh 5 ở Mỹ.


***


Vào truyện.

Tôi tin có Trời Đất, Thánh Thần.  Thượng Đế đã đặt để cho con người, mỗi người một đời để sống. Được sinh ra và chết đi, nhưng suốt chiều dài của cuộc sống ấy, Ngài cũng để tự do cho mỗi người có một hay nhiều lựa chọn.

Sự lựa chọn ấy được bắt đầu từ những ước mơ, rồi nỗ lực phấn đấu. Ước mơ càng to lớn càng phải phấn đấu nhiều. Ước mơ có đạt được hay không là do nhiều yếu tố, nhưng trước hết và trên hết là do mình. Không nên đó thừa cho hoàn cảnh hay cho Trời đặt để số phận.

Muốn có nhiều tiền phải chịu khó học hỏi, chịu khó làm việc mới nảy sinh ra các cơ hội tốt hơn.

Muốn cai trị thì phải trau dồi kiến thức, đạo đức... có những thứ ấy mới được nhiều kính nể, quí trọng, rồi may ra họ mới chọn mình lãnh đạo.

Muốn an thân thì kiếm bằng cấp rồi làm việc theo cái kiến thức chuyên môn của mình v.v và v.v.

Còn nếu lười biếng mà không muốn gì cả thì chắc chắn sẽ không có gì cả.

Tôi tin vậy vì từ nhỏ tôi được giáo dục, hướng dẫn như thế, và suốt đời xoay sở, phấn đấu cho ước mơ của mình. Thích kinh doanh buôn bán.

Cho đến nay thì tuổi già đang đến, qũy thời gian cũng chẳng còn bao nhiêu! Tôi đã chọn lựa, phấn đấu và trả giá cho những mơ ước của đời mình. Xin được kể lại cùng bạn đọc.

Phải bắt đầu từ đâu nhỉ?

Từ ngày còn rất nhỏ, tôi ở Kinh 5 Rạch Giá vừa giúp gia đình chăn trâu, cắt cỏ, cày sâu, cuốc bẫm trong việc đồng áng, vừa đi học để mong tìm kiếm một cơ hội cho tương lai.

Kinh 5 theo địa lý thuộc xã Tân Hiệp, quận Kiên Tân tỉnh Kiên Giang. Nhưng theo lịch sử di dân thì thuộc miền Cái Sắn, là vùng Công Giáo di cư từ miền Bắc vào miền Nam 1954 và một phần lớn được chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm tái định cư tại đây vào năm 1956.

 Khu vực này đã có nhiều đường thủy bắt đầu từ dòng Cửu Long như Kinh Tân Hội, Kinh Đòn Dông, Kinh Sáng chạy thẳng ra cửa biển Rạch Giá.

Khởi đầu về đây lập ấp dân Kinh 5 có chừng 500 gia đình, khoảng 2 ngàn người nhưng đến 1975 tăng lên 3 ngàn người. Thế mà trước và sau 1980 đã có nửa dân số vượt biển. Số chết trên biển chưa thể biết rõ nhưng cho tơi nay danh sách chính xác đã lên tới 166 người. Số hơn 1,300 còn sống tới bến bờ tự do đi định cư ở nhiều nước, sanh con đẻ cái, bảo lãnh cha mẹ anh em, về quê cưới vợ lấy chồng đem ra nước ngoài lên tới 5 hay 6 ngàn người.

Hồi 1956 người dân di cư được cấp phát: Nông cụ, trâu bò... và bắt đầu lao động bằng việc tham gia đào các kinh gần nơi mình sinh sống, song song với việc dựng những căn nhà nhỏ để ở và bắt đầu trồng tỉa lúa trên cánh đồng mênh mông, được phù sa từ sông Cửu Long vun bồi mà chưa hề được khai phá.

Người ta nói: Vì hoàn cảnh nghèo không được đi học nên ngu, rồi vì ngu nên không có kiến thức để kiếm sống nên nghèo. Cái vòng lẩn quẩn ấy nó cứ đeo theo con người mãi. Tôi không biết những vùng có dân Bắc di cư khác thì sao? Riêng Kinh 5 chúng tôi phần lớn người Di cư xuất phát từ tỉnh Nam Định, miền nông thôn cạnh biển, quanh quẩn với một số ít ruộng đất và nghề đánh cá bằng lưới vó, xệp riu hay các phương tiện cổ đại thô sơ,  nên cuộc sống không khá lên được. Ấy là chưa kể đến giặc giã, chiến tranh... Chỉ một nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã làm chết mất hàng triệu người ở miền Bắc.

Vì vậy khi được cấp phát ruộng đất, cho các phương tiện thì người dân di cư rất phấn khởi và siêng năng làm việc.  Tuy chỉ có số ít người được học hành đến nơi đến chốn tức là học lên Đại Học, nhưng ít ra tính đến thời điểm 1975 hầu hết các con em đều có ít nhất là xong bậc Tiểu học, khoảng 30% học hết Trung học. Ở quận Kiên Tân chỉ có mỗi một trường công lập, nên hầu hết chúng tôi đi học ở ba trường Trung học tư thục là TH Cái Sắn, TH Thái Hòa và TH Sao Mai, đều do giáo hội Công Giáo thành lập và các Linh mục làm Hiệu trưởng.

Suốt những năm chiến tranh, VC rất khó xâm nhập về vùng đất được kể là chống cộng vững vàng này. Chỉ có cuộc tổng công kích 1968 là thấy họ xuất hiện đông đảo, còn lại thỉnh thoảng lén lút đến vào ban đêm hoặc di chuyển tuốt ngoài cuối ngàn, giữa cánh đồng. Mặc dù Kinh 5 là kinh cuối cùng của dân Di cư, kế đến là Kinh 6 thuộc người địa phương miền Nam sinh sống, cũng là vùng xôi đậu.

Cuộc chiến cũng cướp đi gần trăm sinh mạng của những người trai Kinh 5 đã hy sinh đền nợ nước để bảo về tự do cho miền Nam.

Vì vậy sau khi miền Nam sụp đổ, người Công Giáo Di Cư bị chèn ép, bị phân biệt đối xử là chuyện thường tình. Cha ông chúng tôi đã từng chạy, rồi hết lòng chống khi có cơ hội. Nay bị hà hiếp, đe dọa thì chúng tôi kiếm cách chạy tiếp.

Khi biến cố 1975 xảy đến: nước mất, nhà tan, trật tự xã hội lộn tùng phèo, làm cho lớp người trẻ vừa chập chững bước vào đời của chúng tôi không chỉ vỡ mộng, mà con mất cả phương hướng, không biết đi đâu và làm gì!

Những bỡ ngỡ, lạc lõng ban đầu rồi cũng qua, tôi bỏ học rồi tìm được một công việc ngoài thị xã Rạch Giá vào khoảng tháng 10 năm 1975, lương (gọi là sinh hoạt phí) 34$/tháng. Làm nhân viên hành chánh thì thật nhàn, mỗi ngày tôi chỉ làm vài tiếng là xong việc, thời giờ còn lại thì lấy xe đạp chạy lòng vòng ngoài chợ.

Thời bao cấp, chợ búa hoạt động cho có chứ đâu được tự do, vì vậy mà nhiều mặt hàng ở từng nơi, từng lúc có giá cả rất khác nhau, như xăng chợ đen có khi cách nhau cả 50 xu một lít (xin nhớ 1$ tiền mới = 500$ tiền VNCH)... Tôi chạy chọt thăm hỏi riết rồi cũng kiếm được mối "mua đầu chợ, bán cuối chợ" để kiếm lời. Bắt đầu từ thuốc lá, đường, sữa, bột ngọt... dần dần đến xăng dầu và đi xa hơn bằng các loại vật liệu xây dựng...

Năm 1978 tôi kiếm được một ít phụ tùng xe đạp. Ngày ấy bạn bè phần đông là thất nghiệp nên tôi để lại cho hai người bạn bày ra trên đường Phó Cơ Điều bán kiếm lời mà sống. Trong hai người này có ông Hùng là sĩ quan của quân đội VNCH (hiện đang ở Úc). Ông bị thương ngày 29-4-75, sau khi được chữa lành thì trốn cải tạo luôn và chẳng có một tấm giấy tờ gì lận lưng để tùy thân. Bàn chân bị mất ngón chân cái, còn bàn tay trái bị đứt gân, các ngón tay co lại nên bạn bè gọi anh là Hùng què. Trong những ngày buôn bán ở đây, ông móc nối tổ chức vượt biên và mượn chiếc xe Honda của tôi làm phương tiện đi lại.

Thật không may, chuyện tổ chức vượt biên của ông bị tụi công an gài, giờ chót ông nhờ tôi chở xuống nơi hẹn, gần cổng Tam Quan, ngay bến xe Lạc Hồng thì ông nhảy xuống, còn tôi vừa lớ ngớ, vừa ỷ y rằng mình đâu có làm gì nên tà tà đi vào chốn thị phi thì bị công an tóm cổ bắt vô tù.

Hơn một tháng chịu đựng đói khổ vì kiếp tù thì được thả ra rồi mất việc làm. Lúc ấy tôi mới lập gia đình và có căn nhà nhỏ xíu trong hẻm bến xe Hà Tiên. Bà xã đang tập tành bán bánh mì ở bến xe này.  Thôi thì đành phụ vợ làm công việc chế biến thịt nguội, paté gan, chả lụa, xá xíu...tạm thời để kiếm sống qua ngày.

Một buổi tối khoảng tháng 3 năm 1980, chú Văn em tôi bước vào nhà trên người dầu nhớt, bùn sình dính đầy, trên tay còn xách cái can nhựa để chứa xăng dầu. Hỏi ra mới biết, chú ấy đi vượt biên, lúc tàu ra gần đến Hòn Tre mới phát hiện không đem theo nhớt nên phải quay về...Bây giờ tàu đang đậu ngoài bãi chờ chú ấy đem nhớt ra mới đi tiếp được. Tôi còn đang ngược xuôi kiếm nhớt thì có thêm mấy người cùng quê chạy về và cho hay gió to nổi lên, coi bộ không chờ đợi được nữa, nên tài công kêu mọi người nhảy xuống bờ biển lội vô, còn tàu thì kiếm đường khác vô sau. Sáng hôm sau mới biết thêm tin xấu, một số người lội vô rồi bị lạc nên bị bắt đem vô nhốt trong trại Tà Niên...

Chuyến đi này do ông X, một người bạn đã từng ngược xuôi, buôn bán làm ăn trong vùng tổ chức. Sau chuyến đổ vỡ lần này thì ông không còn tiền để tiếp tục, mặc dù còn bảo vệ được chiếc tàu lớn chưa bị bắt mất.

Hồi ấy tôi có nghe chuyện vượt biên, nhất là cuối năm 78 trở đi, khi nhà nước cho người gốc Hoa đóng tàu ra đi bán chính thức. Tôi nghĩ mình mà vượt biên đi ra nước ngoài rồi làm sao sinh sống! Lại nghe nói mỗi người đi "vượt biên" phải đóng hàng chục cây vàng thì con nhà nghèo, làm ruộng như chúng tôi kiếm được một lượng vàng đã là khó khăn lắm, lấy đâu ra số vàng hàng chục lượng? Thôi đành chịu chứ biết làm sao?

Rồi nhân việc chuyến tàu của chú em tôi đổ vỡ và người bạn cùng quê bị kiệt quệ mới đưa lối cho tôi vào con đường hiểm nguy này.

Để việc tổ chức được tiếp tục. Trước hết phải coi lại tàu, máy, các thiết bị đi biển, dầu nhớt, rồi kiểm điểm lại những người tham dự, khách đã đóng tiền ai về được nhà, ai đã bị bắt? Kế đến là xem lại những tổn phí cần thiết cho công việc được tiếp tục? Rồi lên một kế hoạch mới, an toàn hơn...

Tôi đã bỏ mấy ngày tự chạy đò máy ngược xuôi trên các con đường sông dẫn ra biển để tìm ra một con đường mới, sau đó hướng dẫn cho những anh chèo ghe mà họ sẽ là taxi đưa khách ở Kinh 5 ra chiếc tàu lớn sau này. Họ phải đi lại thường xuyên để quen đường hầu không bị lạc lúc đến việc, trên ghe đi lại lúc nào cũng có ít lưới và bó cần câu cắm, giả làm ngư ông nếu công an chặn hỏi...

Việc chuẩn bị đã xong,  ngày khởi hành được tính toán vào đầu tháng 5 dương lịch.

Tôi có ông chú họ tên Hoàng văn Thi. Ngày xưa ông đâu có đi lính tráng gì, chỉ liên quan đến ban Phượng Hoàng gì đó thôi mà sau năm 1975 cứ bị tù liên miên. Mới được thả ra và là thợ máy trên chuyến đi vừa rồi, nhưng thật không may ông cũng bị bắt khi lên bờ và đi lạc, hiện đang bị nhốt trong trại giam ở Tà Niên. Vì muốn ông đi chuyến này nên tôi nhờ mấy đứa em vô thăm nuôi rồi nói cho ông biết ngày đi. Ông đã trốn ra khỏi tù và chờ đợi chuyến đi này.

Theo kế hoạch tôi sẽ chạy đò máy hướng dẫn tàu lớn ra đậu chờ ở cửa sông Cái Bé, khi chắc chắn có tàu ngoài đó rồi tôi sẽ trở lại Rạch Giá thông báo cho toàn ban tổ chức. Sau khi nhận được thông tin, khách vượt biên sẽ được chúng tôi đưa ra tàu bằng 2 hướng:

-Khách đang ở Kinh 5 sẽ xuống thuyền nhỏ ngay từ vùng đồng quê này, cứ 2 người một thuyền nhỏ, họ sẽ tự chèo đi, trên thuyền có cần câu cắm. Cứ thủng thẳng chèo đi cách nhau một khoảng xa đủ để trông thấy nhau. Các thuyền con này sẽ đi theo những chiếc ghe taxi có mui do chúng tôi mua. Người lái những chiếc taxi này là những tay chèo gắp chuyên nghiệp, họ đã được huấn luyện và trả tiền để chở những gia đình có con cái còn nhỏ, kèm thêm lương thực, nhiên liệu, hoặc những thứ cung cấp khác phục vụ cho chuyến hải hành.

Khi ra đến tàu lớn, khách lên tàu rồi thì các thuyền nhỏ sẽ bị nhận chìm để phi tang. Các ghe taxi thì người chèo thuyền sẽ mang về để có thể dùng cho chuyến đi sau.

- Khách phương xa sẽ có người đón ở bến xe, các chỗ ở tạm khác và hướng dẫn đi xuống bãi ở Tà Niên gần ngã ba Rạch Sỏi. Từ đó người chủ bãi sẽ đưa ra tàu bằng phương tiện do họ cung cấp. Nhóm chúng tôi dẫn khách vô bãi xong thì tôi trở về Rạch Giá gặp ông thầy Quân, ông này từ Saigon về đưa bà con đi chuyến này. Ông có trách nhiệm đi với tôi xuống bãi kiểm soát, khi thấy người nhà của ông có mặt ở bãi thì đưa 2 cây vàng,  chúng tôi sẽ dùng số vàng này để trả cho chủ bãi, có vàng thì người ta mới đem người ra tàu lớn.

Thật không may, trên đường đi xuống Tà Niên hai chúng tôi nghe tiếng súng nổ ở hướng mà chúng tôi ém người. Lúc đi đến ngã ba quẹo vào Tà Niên, dưới ánh trăng mờ mờ, chúng tôi thấy một đoàn người đi ra, đi đầu và đi cuối là mấy tên công an, vừa đi tay thì cầm súng lăm lăm còn miệng thì la hét om xòm. Chúng tôi sợ quá đành chạy thẳng xuống hướng Minh Lương và trong lòng cứ yên trí rằng số khách của mình đã bị bắt.

Chạy xe Honđa khoảng nửa giờ thì thấy bên đường có ngôi trường học, cả hai vào ngồi trước cửa vừa ngao ngán vừa tính toán thêm, nhưng rốt cuộc đành thất vọng phải chờ nhau về lại Rạch Giá và chia tay nhau ngay đầu nhà lồng chợ. Lúc ấy đã quá nửa đêm.

Về đến nhà tôi buồn bã nằm suy nghĩ miên man nhiều chuyện.

Khi bắt đầu việc tổ chức vượt biên, nhân dịp người Cha linh hướng của chúng tôi về nhà thờ Rạch Giá, tôi, ông X có ghé thăm và hỏi Ngài về công việc của chúng tôi đang làm.

Nếu lỡ mà những điều chúng tôi toan tính không thành thì đối với đức công bằng chúng tôi sẽ vướng mắc thế nào? Ngài trả lời rằng:

- Các con hãy cố gắng hết mình. Chuyện thành bại còn do Thiên Chúa định đoạt, Phúc âm có nói: "Làm bởi các người, ban bởi Thiên Chúa". Nếu các con đã cố gắng hết sức mà không thành công thì các con cũng không có lỗi, cứ cầu nguyện và nỗ lực làm việc, Chúa sẽ chúc phúc cho các con.

Suy nghĩ miên man rồi trong đầu tôi lóe lên một tia sáng. Nếu mà những người bị bắt không phải là khách của mình thì sao? Mọi chuyện sẽ đổ vỡ hết. Họ không bị bắt bây giờ thì chút nữa đây cũng sẽ bị bắt, vì không có người hướng dẫn, vì...lầm lỗi của mình, của ban tổ chức... Bây giờ để chắc ăn mình phải xuống dưới đó coi thử! Nhưng nếu những người bị bắt chính là khách của mình thì chắc chắn công an sẽ đợi ở đó và mình cũng sẽ bị bắt. Mình mà bị bắt thì...hỡi ôi! Bao nhiêu năm tù? Một tương lai đen tổi đang chờ đợi. Suy đi nghĩ lại rồi tôi tự bảo mình, phải liều một chuyến.

Tôi vừa đi khỏi nhà thì chợt nhớ ra, bây giờ xuống bãi lấy tiền đâu mà trả công cho họ. Khi chia tay lúc nãy ông Thầy Quân không cho mình biết chỗ ở, giờ biết đâu mà tìm. Phần tôi, tất cả vốn liếng đã đầu tư hết vào chuyện này từ hôm khai cuộc đến nay. Nhưng rồi cũng phải đi xuống bãi coi tình hình ra sao rồi sẽ tính tiếp.

Vừa đi vừa run, đến chỗ ém người thì đã gần 3 giờ sáng. Thật may, nhóm người bị bắt là toán khác, khách của chúng tôi vẫn an toàn. Người chủ bãi đang chờ chúng tôi giao vàng để họ bắt đầu đưa người đi. Thật khốn khổ! Tôi đâu còn đồng nào. Thôi đành trình bày những chuyện vừa mới xảy ra với hành khách và kêu nài họ giúp đỡ bằng cách cho chúng tôi mượn số vàng mà họ có thể, để chúng tôi trả tiền bãi thi quí vị ấy mới đi được.

Thật là phúc đức! Có 5 người mỗi người cho mượn 1 chỉ. Tuy vậy số vàng này vẫn chưa được một phân nửa theo thoả thuận ban đầu. Tôi phải năn nỉ hết lời chủ bãi mới chịu đưa người đi, phần còn lại họ sẽ nhận vào sáng mai.

Hôm nay tôi viết lại điều này để cảm tạ những người đã giúp cho mượn số vàng ấy, đồng thời cũng để quí vị hiểu được hoàn cảnh khó khăn mà chúng tôi phải đương đầu, để thông cảm cho chúng tôi.

Chuyến đi ấy thành công. Có vài chuyện xô xát với tụi ngư phủ Thái Lan, một ít trong số họ đôi khi cũng là hải tặc. Nhưng cuối cùng tàu được dàn khoan vớt và đưa vào bờ an toàn.

Chúng tôi nhận được tin vui mừng này trong tình thương mến của làng xóm, những người bạn, người láng giềng thân thương... Cùng với tin vui là những khích lệ, giúp đỡ, bảo vệ, để chúng tôi có thể tổ chức thêm những chuyến đi khác.

Cũng xin thưa rằng: Nhóm chúng tôi tổ chức vượt biên không có mục đích kiếm tiền làm giàu, chỉ mong đưa được nhiều bà con, anh em,  bạn bè... nhất là những người đang chịu sự áp bức, hành hạ, phân biệt đối xử một cách hà khắc, bất công của nhà cầm quyền cộng sản. Vì vậy hầu như chúng tôi không đặt ra giá lệ phí, hoặc có nhưng rất tượng trưng khoảng trên dưới 1 lượng vàng cho mỗi đầu người,  rất nhiều người không có được 1 lượng thì có bao nhiêu góp vốn vào rồi cùng ra đi. Thế nên những chuyến tàu nhóm chúng tôi tổ chức thường yêu thương gắn bó nhau lúc ở các trại tị nạn và sau này cả lúc đã định cư ở nước thứ ba.

Thừa thắng xông lên. Chúng tôi kiếm mua được một chiếc tàu biển nho nhỏ cỡ như chiếc vừa rồi, còn đang kéo lên ụ để sửa chữa thì ông X cho hay. Ông kiếm được một chiếc tàu khá lớn, máy ba lốc đầu xanh, rất vững vàng, có thể chở được 7-8 chục người mà giá có 45 cây vàng...

Như trên tôi đã kể. Hai năm trước ông Hùng bạn tôi đã "trao gươm nhằm tướng cướp", mua chiếc tàu của bọn mật vụ B2, làm cả đám vừa mất tiền vừa vô tù ngồi, trong đó có tôi dù bị hàm oan nhưng cũng ngồi trong khám lớn Kiên Giang hơn một tháng. Bây giờ tôi như chim đã từng bị ná, rất sợ mua lầm tàu gài gạt của tụi nó. Tôi cảnh giác ông X:

- Ông đã điều tra kỹ chưa? Coi chừng bị tụi công an gài đó.

- Không! Ông chủ tàu là Năm Tốt. Ngày xưa ông trúng thầu đào Kinh 5 của mình, ông quen biết với cha Y...Tôi đã điều tra kỹ rồi.

 Nói thì nói vậy chứ ngày ấy lấy đâu ra phương tiện để điều tra! Sự giao dịch và niềm tin dựa trên bản lĩnh đánh giá đối phương của mỗi người. Tụi công an chúng nó được đào tạo có bài bản, trường lớp chuyên nghiệp để hành động, còn chúng tôi là những tay mơ mới bước vào đời, nên nếu có bị gạt thì cũng là thường tình, đỡ làm sao được.

Điều kiện mua bán cũng hợp lý. Đặt cọc 3 cây. Trong thời gian một tháng bên mua phải hoàn thành việc tổ chức đưa người đi. 42 cây vàng còn lại sẽ cho đại diện bên bán coi vào buổi chiều trước đêm khởi hành. Sau đó bên mua đem vàng về cất, chờ cho đến lúc người khách cuối cùng lên tàu thi đại diện bên mua sẽ trao số vàng này cho bên bán, xong xuôi thì tàu mới khởi hành.

Trong những ngày ấy, ông X thường gặp gỡ Năm Tốt để bàn tính chuyện nọ, chuyện kia...Phần tôi thì nằm trong bóng tối để lo tổ chức, sắp xếp các việc cho chuyến đi.

Rồi mọi việc cũng xong, ngày hẹn cho coi vàng đã đến. Hai bên đồng ý giới hạn mỗi bên có hai người, địa điểm coi hàng (vàng) do bên mua chọn và chỉ cho bên bán biết vào giờ chót, đề phòng lỡ có chuyện bất trắc xảy ra. Mặc dù vậy bên mua chúng tôi đã biết địa điểm, đó là phòng Lao Động Thị Xã Rạch Giá. Ông X quen khá thân với ông phó phòng này, chọn chỗ này vừa thông thoáng dễ quan sát, vừa là cơ quan nhà nước không làm thiệt hại đến ai.

Chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể: Lập là cháu Chú Thi, cũng là đại diện của một nhóm khách từ Saigon đi chuyến này, hắn cuốn vàng trong cái "ruột tượng" bằng vải quanh lưng quần. Trời mưa lâm râm nên cả hai chúng tôi đều mặc áo mưa trùm đầu, cổ kín mít, tôi còn mang thêm một cặp kiếng râm để che bớt khuôn mặt của mình. Đậu xe Honda cách phòng Lao Động độ trăm mét để quan sát động tĩnh... Trong khi ấy, ông X và một người võ nghệ đầy mình nữa cùng đến điểm hẹn để đưa bên bán đến phòng Lao Động. Khi chúng tôi (tôi và Lập) thấy nhóm 4 người đi vào phòng Lao Động êm ả chừng 15 phút thì Lập mới đi vào.

Ông X giúp Lập cởi lưng quần cho bên bán coi và đếm vàng. Xong xuôi Lập bước ra ngay, tôi sẽ đợi bên ngoài và chở Lập ...biến.

Trên đường về tôi hỏi Lập:

- Họ có nói gì không.

- Năm Tốt hắn bảo: zàng được lắm.

Tôi đưa Lập về khách sạn Phú Sĩ, rồi bắt đầu điều động anh em đi các nơi liên quan để hướng dẫn khách xuống tàu.

Vì chiếc tàu này khá lớn có đông người đi, nên việc chuyển quân phức tạp hơn. Có hai xe đò chở khách từ Tân Hiệp, Mông Thọ xuống bãi tại Tà Niên. Phần còn lại sẽ đi đường thủy từ Kinh 5, qua kinh Cái Sắn hoặc Kinh Đòn Dông ra Rạch Sỏi, rồi xuống cửa biển bên ngoài vàm sông Cái Bé ....

Ông X sẽ cùng tài công, thợ máy xuống tàu ngay cửa biển, đối diện xeo xéo tòa Thị Chính, chờ gần tối sẽ đem tàu xuống điểm hẹn để lên khách.

Nhưng thật xui xẻo, chiều nay nước thủy triều xuống bất ngờ, tàu bị mắc cạn. Trên tàu có Năm Tốt và hai người thanh niên cùng với thủy thủ đoàn bên mua 3 người, không biết làm gì mới bày ra nhậu...lai rai. Rồi vô tình thế nào mà ông X quệt tay vào phía sau người thanh niên ngồi kế bên và biết tay này có nhét "chó lửa" ở lưng quần.

Thiệt là ...!

Biết mình bi gài, ông thật bình tĩnh, nhẩn nha mời đối phương tiếp tục uống thêm rượu, rồi sai hai đệ tử đi mua cafe, dăm phút sau ông cũng đứng dậy và nói muốn mua thêm vài cây thuốc lá để hút trên đường đi. Rồi thầy trò tìm được nhau và cùng...vọt.

Phần tôi ngồi chờ ở "trung tâm hành quân" để nắm bắt tình hình. Khi ông X thoát...chết chạy về báo tin thì ...hỡi ôi. Kêu Trời không... thấu.

Đầu tiên là gửi người chạy gấp đi thông báo từ đường bộ đến đường thủy. Ngừng ngay mọi hoạt động và ai đã ở đâu thì phải về nơi đó. Giá mà...Ừ, giá mà hồi ấy có cell phone như bây giờ thì... Đâu có vất vả!

Chờ cho mọi chuyện tạm ổn tôi mới đi gặp Lập.

Hình như thần hồn nát thần tính, lúc hiểm nguy nhìn chỗ nào cũng thấy người gian. Vào nhà nào cũng cảm thấy họ rình rập, cặp mắt láo liên, rồi nhìn trừng trừng vào lưng quần Lập, như để chuẩn bị ăn cướp gói vàng. Đang lúc hiểm nguy gay cấn ấy thì chiếc xe Honđa bị đứt xích. Hai đứa đành ghé vào nhà tay Chín Qui người quen của ông X, đưa tiền cho bà chín kêu mua đồ về nhậu lai rai...Có lẽ họ nhìn vẻ mặt xơ xác, bối rối của chúng tôi mà nghi ngờ, nên cứ đòi lấy cái xách tay của Lập (có vàng) đem cất. Thấy bộ không ổn nên chúng tôi lại phải chào để xe lại lội bộ ra đi. Loanh quanh đến hơn nửa đêm mới tìm được chỗ ở tạm an toàn, đến 4 giờ sáng thi đưa Lập lên xe về lại Saigon.

Chuyện đổ bể lần này không chỉ thiệt hại về vật chất mà bên tổ chức cũng bị bắt mất mấy người. Và từ đó ông X cũng phải vào bóng tối.

Độ 2 tuần lễ sau thì chiếc tàu nhỏ chúng tôi đã mua và kéo lên ụ sữa chữa hôm trước hoàn thành.

Mọi chuyện tiến hành êm ả. Vẫn đưa khách lên tàu bằng hai đường thuỷ bộ. Khách đường thủy đã lên tàu xong xuôi. Khách đường bộ phần lớn từ Saigon về, chưa quen sông nước. Khi taxi chở họ ra đến tàu lớn thì có lẽ mừng quá rồi vội vã chen nhau lên tàu. Vì quá đông người đứng cùng một bên nên tàu bị nghiêng, giật mình họ bước vội sang phía bên kia cùng lúc nên tàu lại nghiêng về phía đó. Lúc ấy có người rớt xuống cửa biển rồi hoảng loạn, la lối... Thế là mạnh ai nấy chạy. Tài công cũng vội đề máy chạy đi để cứu thoát con tàu. Thế là lại đổ vỡ một lần nữa.

Mỗi lần đổ vỡ như vậy sẽ không chỉ tổn phí về vật chất cho những người tổ chức: dầu nhớt, lương thực, những chiếc thuyền con, máy phụ... cũng phải bỏ để cứu lấy tàu lớn. Tiền bãi bến, hành trang của khách...Những mất mát không thể bù đắp được. Mà đối với  khách đi vượt biên cũng chịu đựng bao hiểm nguy, nhiều người bị bắt lại. Như chuyến đi này, lúc đổ bể có cô kia nhảy sông lội vô rồi quýnh quáng thế nào mà lúc vào đến bờ bị tụt mất cả quần dài. Thật thảm thương. Ông Phương Toàn viết bài Cô Gái Thần Nông Mất Quần là kể về chuyến đi thê thảm này.

Có một điều an ủi là bà con, nhất là các bô lão trong làng luôn dành cho chúng tôi lòng ưu ái. Dù thất bại như vậy mà các cụ vẫn tin tưởng, tìm mọi cách bảo vệ, che chắn để việc tổ chức được tiếp tục.

Như thường lệ, mọi việc được tái tổ chức, giờ thì đã xong để hoàn tất chuyến đi. Tôi xuống Tà Niên kiểm soát việc khách đã yên ổn ở bãi xong thì trở về Rạch Giá. Thời gian này việc tổ chức đã xảy ra quá nhiều chuyện lộn xộn và ồn ào. Để đề phòng, tôi ít dùng xe Honda mà chỉ dùng xe đạp đi những đoạn đường gần. Đặc biệt tối nay tôi phải mang hải bàn, hải đồ và một gói tiền mặt khá nhiều để trả tiền bãi. Tất cả bỏ trong một cái giỏ bàng treo trên ghi đông xe đạp.

Ra đến bến xe Hà Tiên chỗ xe bánh mì, tôi gặp anh Hùng (què) và anh mời ăn phở. Khu này tôi rất quen thuộc vì lúc trước bà xã bán bánh mì ở đây, tối tối tôi vẫn ra đây ngồi canh rồi nhậu lai rai với ông bán phở, chờ đến khuya thì tiếp nàng dọn hàng về. Bây giờ thì cháu Trân con của chúng tôi bị bịnh hiểm nghèo nên mẹ cháu nghỉ ở nhà chăm sóc cho cháu, xe bánh mì để cho bà ngoại cháu trông nom.

Xin được mở ngoặc ở đây. Vợ chồng tôi cưới nhau tháng 5 năm 77, cháu Nguyễn Trần Châu Trân chào đời ngày 15-7-79. Khi được 8 tháng tuổi thị cháu bị bịnh thở không được, cứ khò khè trong ngực. Chúng tôi đứa cháu đi các bác sĩ, rồi bệnh viện... Cuối cùng bệnh viện Nhi Đồng 2 ở Saigon kết luận cháu bị bướu, rồi mổ cổ cháu ra đặt một cái ống bằng đồng để cháu dễ thở, hẹn đến năm cháu 18 tuổi mới có thể cắt cái bướu ấy được? Hàng ngày cháu vẫn ăn uống bình thường, nhưng vì đờm chảy ra nên cái ổng hay bị nghẹt, mẹ cháu phải theo dõi thường xuyên để thuốc thang và chùi rửa cái ống thở này, nói chung là chăm sóc cho cháu nên chả còn làm ăn gì được nữa. Mọi thứ liên quan đến tổ chức vượt biên thì mặc tôi làm sao đó làm, bà ấy cũng không để ý theo dõi hoặc dính líu vào, chỉ mỗi tội lâu lâu càu nhàu:

- Sao người ta tổ chức vượt biên thì vàng đeo đỏ cổ, tiền bạc rủng rỉnh! Còn anh toàn thấy về nhà lấy tiền mang đi? Lúc ấy thì tôi giả lả rằng:

- Ấy, mình thả câu dài mới bắt được cá to. Cứ từ từ sẽ thấy.

 

Trốn tù

Vừa ngồi xuống kêu hai tô phở thì tôi nghe cô Châu bán bún riêu gần đó chỉ tay về hướng chúng tôi ngồi và nói với một người đàn ông lạ:

- Đó, anh Hồ là cái anh mặc áo xanh dương đang ngồi bên kia.

Người đàn ông tiến về phía tôi, rút súng ngắn ra tay chĩa lăm lăm rồi quát:

- Mày đã bị bắt. Đứng dậy, giơ hai tay lên đầu và làm theo lệnh tao.

Tôi đứng lên làm theo những điều hắn nói: Đi thẳng, quẹo phải, quẹo trái một hồi thì hắn đưa tôi đến một căn nhà nhỏ nằm phía sau rạp hát Thắng Lợi. Ở đây đã có sẵn ba bốn tên công an mặc đồ dân sự. Chúng trói hai tay tôi lại phía sau, cho ngồi lên chiếc ghế đơn thấp rồi bắt đầu tra hỏi.

Mỗi câu hỏi kèm theo ngay một cái bạt tai hoặc một cú đấm vào mặt, vào đầu... Những câu hỏi đại để như:

- Tổ chức của mày gồm những ai?...Bốp.

- Mày với thằng X liên hệ thế nào?.....Bốp

- Tàu đang đậu ở đâu?...Bốp

- Mày đưa bao nhiêu người về nhà thằng Y?....

- Chừng nào tụi bay khởi hành?.....

- Tiền, vàng bây giờ để ở đâu?.....

V.v và..v.v.

Sau loạt câu hỏi và đòn tra tấn liên tục làm tôi tối tăm mày mặt.

Có một tên tướng tá mạnh bạo. Câu hỏi nào tôi trả lời mà hắn không ưng ý là hắn kéo hai cánh tay đã bị trói ra phía sau của tôi lên, dùng cùi chỏ tay đánh xuống lưng. Tôi khom cúi xuống cho bớt đau thì hẳn lên gối dộng vào ngực, cứ như vậy trên cùi chỏ, dưới lên gối cho đến khi hắn hài lòng về câu trả lời của tôi.

Ba tên thay nhau điều tra chừng 2 tiếng đồng hồ, rồi chúng cởi trói và bỏ tôi lên phía sau xe Honda chở tôi cùng đi với 2 chiếc xe 4 người nữa, đưa tôi đi tìm tàu, đến những nơi tôi đã khai như: Điểm tàu đậu, những chỗ tôi có hẹn gặp người... Thực ra thì tôi đâu có dại mà khai thiệt, chuyện xảy ra phía đông thì tôi khai phía tây. Vì khi vừa bị bắt là trong đầu tôi đã phải tính toán ngay. Tổ chức càng bị bắt nhiều thì không những bản thân tôi càng nguy hiểm, mà còn nhiều tổn thất khác sẽ xảy ra, nên cách kiếm đường khai láo là tốt nhất. Chính vì suy nghĩ tính toán để khai láo nên mới bị chúng nó đánh nhiều hơn.

Dẫn tôi xuống cửa biển cầu số 2 đường đi Hà Tiên, nơi tôi khai là tàu lớn đậu chờ người, rồi về nhà lồng chờ Rạch Giá chỗ tượng Nguyễn Trung Trực, trước cửa ty Bưu điện, nơi tôi khai có hẹn gặp mặt khách.


Chờ đợi chán chê mà rốt cuộc chúng không kiếm thêm được gì! Chúng dẫn tôi ra bến xe Lạc Hồng ngoài cổng Tam Quan, rồi vào quán kêu đồ nhậu, chúng không trói và để tôi ngồi một mình ngoài vệ đường cách nơi chúng ngồi nhậu vài ba chục mét.

Tôi tính toán con đường chạy trốn, nhưng chỗ này ra đến bờ sông xa lắm, mà chỉ có xuống sông mới mong thoát được. Nếu chạy trên bờ chỗ này mình không quen mà chúng nó có tới 5 thằng với súng ống đầy đủ, mình thật khó thoát, nên lưỡng lự rồi giả nai hiền lành ngồi yên chịu trận.

Nhậu xong đã gần 2 giờ sáng, chúng đưa tôi về phòng Công an thị xã nằm ngay bến xe Hà Tiên, đối diện chỗ xe bán bánh mì và cũng ngay gần xóm tôi ở. Tên chở tôi vào để ngồi ở hội trường rồi đi tìm tên công an giữ chìa khóa phòng tù trọng phạm để nhốt tôi vào, có lẽ không tìm được nên đành để tôi ngoài hội trường và nói với những người tù trực đêm:

- Tụi bây phải coi thằng này cho kỹ, sáng mai mà mất nó là tụi bay tới số. Rồi hắn bỏ đi.

Người trực cũng là tù nhân lâu năm sắp được thả, hoặc những người tù có án nhẹ nên được ở ngoài hội trường, đêm đêm vẫn phải chia ca canh gác nhau. Ngoài người tù trực ra còn có một công an áo vàng ngồi gác gần đó và ngoài cổng trại giam cũng còn một tên công an gác nữa.

Tên gác tù chỉ vào chiếc màn đầu tiên trong chừng chục cái được giăng thành một dãy liên tiếp nhau và kêu tôi vào năm nghỉ ở đó.

Tôi nằm xuống và cảm thấy người ê ẩm vì trận đòn hồi tối. Lo sợ cho những ngày sắp tới, khi không bắt thêm được ai chúng sẽ điều tra tiếp, đánh đập tôi thế nào! Lo cho chuyến đi hôm nay không biết sẽ ra sao khi mọi người khách đã xuống bãi, đã lên tầu mà thiếu không có hai bản, hải đồ và tiền bãi! Lo cho gia đình vợ thì yếu đuối còn con bé đang bịnh hoạn, tiền bạc trong nhà cũng cạn kiệt. Lo lắng cho một tương lai đen tối vì những ngày tù tội sắp tới... Rồi ngồi dậy nhìn ra ngoài quan sát và xác định ngay một kế hoạch . Phải liều chết vượt ngục.

Việc đầu tiên là tôi cởi áo ra cầm nơi tay. Độ nửa tiếng thì tôi chuyển chỗ nằm, chui qua từng cái màn, nằm yên độ mươi mười lăm phút thì chuyển sang cái kế tiếp. Có màn gặp người ngủ say thì không sao. Gặp người tỉnh táo thì tôi phải ra dấu cho họ yên lặng, bảo với họ tôi chỉ nằm nhờ màn họ ít phút rồi sẽ đi ngay...Có một cái tôi vừa vạch màn  trông vào thì gặp 2 có gái, tôi ra hiệu im lặng thì một cô hỏi nhỏ:

- Bộ anh tính đường trốn trại hả? Nguy hiểm lắm! Mới hôm qua có người bỏ chạy ra cổng rồi bị bắn chết đó. Tôi lặng thinh không dám nói gì, dù trong bụng cũng run lắm, vì có người biết được ý mình.

Cứ một hồi đổi gác  tôi lại nghe thấy ông gác trước dặn ông gác sau:

- Coi chừng thằng tù mới mặc áo xanh dương, nằm ở cái mùng đầu tiên ấy. Ông T bảo ngày mai mà nó biến mất thì mình tới số.

Đến khoảng 5 giờ sáng tôi đã nằm trong cái màn cuối cùng gần nhà vệ sinh. Trời mờ sáng bên ngoài bến xe đã ổn ào người chen lấn nhau mua vé, còn trong nhà tù thì mọi người cũng đã thức dậy, rửa mặt và làm vệ sinh cá nhân. Tôi ở trần bước ra khỏi màn và hướng về phía nhà vệ sinh. Lúc ấy mới biết gần hàng rào phiá bến xe là phòng vệ sinh nữ, tôi quanh quẩn đến đó thì bị các chị đuổi, bảo: ông phải vào bên trong kia kià...Tôi phải bước vào phía trong và liếc nhìn thấy tên công an áo vàng đang ngủ gật, người tù gác tội cũng đi đâu không thấy ngồi gác nữa., khu vệ sinh bên chị em cũng vừa vắng teo. Thế là ...dzọt.

Tôi  đu người nhảy qua cái hàng rào thứ nhất, cao độ hơn 1 mét, bằng kẽm gai nhưng rào rất dầy, chui qua hàng rào thứ hai và thứ ba chỗ sát mặt đất. Hàng rào thứ hai xuống khá thấp nên tôi bị kẽm gai cào vào da thịt. Vừa ra khỏi hàng rào thứ ba là tôi phóng chạy hết sức mình vào con hẻm mà tôi biết rất rõ đường đi lối về, vì ngay gần nhà tôi.  

Năm phút sau tôi gõ cửa rồi bước vào nhà ông bán phở. Ông bà giật mình khi trông thấy tôi, vì tối qua chính anh đã chứng kiến lúc tôi bị bắt dẫn đi, rất vui mừng muốn thăm hỏi nọ kia nhưng tôi đâu có nhiều thời giờ, chỉ hỏi anh chuyện gia đình tôi từ tối hôm qua tới nay có bằng an không? Rồi nói với anh:

- Anh chạy sang nhà em coi có động tĩnh gì không? Nếu bằng an thì anh kêu nhà em đưa cho em cái áo và ít tiền. Em sẽ liên lạc với mẹ con sau.

Anh cầm áo và tiền về đưa cho tôi, còn nói rằng có vài người về đưa tiễn thân nhân đi tối qua vẫn còn ở bên đó. Trời ạ! Tôi dặn anh sang kêu nhà tôi nói với khách phải rời khỏi nhà tôi ngay lập tức.

 Tôi cũng kêu ông Nhớ là em chị Phở dùng xe xích lô che chắn kỹ rồi chở tôi qua bến đò chợ đường  sông  để về quê. Thật không may người chủ đò mà tôi quen hôm nay không chạy. Tôi phải lên xe xích lô lại, kêu chở tôi qua bến xe Rạch Sỏi ngồi xe đò về nhà người bạn ở Mông Thọ.

Bây giờ tôi mới cảm thấy đau đớn và mệt mỏi. Mặt mày sưng húp, trên đầu u lên từng cục vì tối qua có lúc chúng dùng báng súng lục đập vào, hai con mắt đỏ rực vì bị tụ máu... Mãi cho  đến sau này khi định cư ở Mỹ rồi, nỗi ám ảnh vì trận đòn này vẫn còn ảnh hưởng, trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy mình bị công an rượt chạy trối chết.

 

Tôi nóng ruột muốn biết chuyến đi đêm qua ra sao. Thật may mắn! Đến gần trưa thì thằng em cùng tổ chức ghé đến cho hay. Chuyến đi đêm qua đã thành công. Lúc tôi bị bắt, anh Hùng Què đã lấy giỏ đồ nghề trên xe đạp của tôi đem đi ngay, sau đó giao lại cho nó đem xuống bãi và làm những việc còn lại.

Chờ cho đến đêm xuống mới dám đi xe đạp về quê. Tạm ở tại nhà một người bạn trong xóm gần nhà bố mẹ tôi.

Ở đây tôi được mọi người giúp đỡ. Hệ thống chính quyền cơ sở, từ ông trưởng ấp, ông phó an ninh, trưởng công an, xếp của các hợp tác xã... đều là người trong làng, họ coi chúng tôi như con cháu. Một điều quan trọng nữa là chúng tôi đang giúp đưa những người con của họ vượt thoát khỏi cái chế đó cộng sản, mà chính họ cũng đã từng trốn chạy nó hơn 20 năm trước.

Một vài trong số họ đã biết chỗ tôi tạm trú. Mỗi buổi tối thường ghé qua thông báo cho chúng tôi biết tình hình trong ngày. Hoặc ngay khi có vài người lạ mặt về quê thăm hỏi kiểu điều tra liên quan đến tôi là họ đã kín đáo đưa tin để tôi biết đường mà ứng xử. Trong nhóm anh em của tổ chức cũng có vài người thân tín được giao dịch để tiếp tục công việc hàng ngày.

Độ một tuần lễ sau thì chúng tôi nhận được điện tín chiếc tàu hôm trước đã đến trại tị nạn. Rồi có thư của bác Toàn Nguyễn là thuyền trưởng, viết gửi về kể cho biết chi tiết những chuyện xảy ra: tàu bị cướp nặng, đem vô đảo Ko Kra cách bờ biển Thailand 54Km... Nhưng sau đó tất cả mọi người đến bến bờ được toàn mạng.

Mãi đến cả chục năm sau, con ông Trưởng Ấp ngày ấy mới bảo lãnh cha mẹ qua Mỹ. Gặp mặt ở hội Kinh 5 nhân dịp Tết và kể lại chuyện xưa, ông nói:

-Hôm mấy anh em đi rồi, Công an triệu tập tôi lên hạch sách "Tại sao ấp của ông đi mấy chuyến VB liên tiếp mà ông không hề khai báo?"

Tôi cãi "Họ đi đâu có báo cho tôi biết mà lên báo cho mấy ông".

Viên trưởng Công an quát tháo "Chính thằng con trai và cháu nội ông cũng đi mà ông nói không biết là sao?

Tôi đổ lì "Mấy đứa bất hiếu thật. Nó đi mà cũng không nói với tôi một tiếng".

Sau cùng Công an cũng để ông về, chắc là hy vọng nếu có chuyến kế tiếp, y cũng gửi một vài thằng con đi...

Cho đến lúc đó, chúng tôi đã tổ chức thành công được 2 chuyến với gần trăm người đến bờ. Rất nhiều người có thân nhân đã đi được tỏ sự tin tưởng. Vài người trong nhóm khách Saigon sẵn lòng bỏ ra hàng trăm lượng vàng để chúng tôi đưa đại gia đình họ đi. Ở trong quê thì càng có nhiều người muốn chúng tôi tiếp tục tổ chức để đưa được nhiều người đi hơn. Phần chúng tôi biết khả năng giới hạn mình, phải kiếm đường đi ngay. Công an mà bắt được tôi thì ... chắc chúng khoái lắm.

Tôi có một người bạn thân lúc này còn ở Phú Quốc. Trước đây vài tháng chúng tôi kiếm được mối làm ăn, giờ thì còn mấy chục thước khối gỗ đã cưa xong đem ra bến. Chỉ cần chất xuống tàu chở về nữa là bán được khối tiền.

Nhưng thôi, tiếc làm gì! Tôi kêu thằng em đi đánh điện tín cho anh Tân.  "Vợ đẻ về gấp"

Từ nay trở đi việc mua vỏ tàu, sửa chữa lại, mua máy ráp xuống tàu có khó khăn hơn, tổn phí hơn. Để cho an toàn chúng tôi phải kiếm người đứng tên chủ tàu và chạy chọt xin được giấy chủ quyền để đi lại hợp pháp. Bù lại chúng tôi được sự giúp đỡ của nhiều người hơn.

 

Mọi việc được chuẩn bị xong xuôi, số người ra đi đã được định đoạt thì có vài chuyện xảy ra.

-Một người quen ngoài Rạch Giá chỉ chỗ để chúng tôi mua chiếc máy 2 lốc đầu bạc cho chuyến tàu này, lúc ấy hai bên đã đồng ý, chúng tôi sẽ đưa người con trai cả của ông đi để trả công cho việc này. Nay ông nhắn phải trả thêm cho ông 2 cây vàng nữa, nếu không ông sẽ không cho đi. Lời đe dọa xem ra nhẹ nhàng nhưng ở vào thế hạ phong, trong bóng tối như chúng tôi lúc đó rất nặng ký. Tôi phải kiếm đủ 2 cây vàng giao cho ông.

-Trong nhóm taxi, chúng tôi đã mua ghe đưa cho những người chèo, rồi trả tiền công trước. Sau này họ chỉ cần đưa khách xuống tàu xong thì họ có thêm được những chiếc ghe, họ muốn dùng vào việc gì là quyền của họ. Mọi việc đã được thỏa thuận như thế. Vậy mà gần đến giờ thứ 25, tôi nghe tin  có một người muốn đi và chở thêm vợ của hắn nữa. Tôi muốn thương lượng để họ chọn một trong 2 điều kiện, muốn đi thì không lấy tiền, còn đã lấy tiền thì không đi được, vì tàu đã quá tải.

 

Chúng tôi quyết định sẽ ra đi vào đêm mùng 6/11/ 80. Chiều ngày mùng 5, tôi chạy đò máy cùng anh Ba Châu dẫn chiếc tàu lớn ra cửa sông Cái Bé. Trên đường về qua Mông Thọ thì anh Tân chặn lại cho biết cháu Trân con tôi mới qua đời chừng một giờ trước. Mẹ cháu đã đưa cháu về nhà ông bà nội.

Cùng lúc tôi nhận được thư của ông X: "Cháu Trân vừa mất! Chúng tôi chia buồn với anh chị. Xin cho biết quyết định công việc tối nay càng sớm càng tốt, để kịp xoay trở". Tôi bàng hoàng, đau đớn nhận tin sét đánh này. Con ơi! Ba đã cố gắng hết sức, mong đưa con đi để có thể chữa được cho con căn bịnh hiểm nghèo. Nay thì... than ôi.

Tôi suy nghĩ đến những chiếc taxi đã khởi hành từ hôm qua, đang trên đường để đêm nay lên tàu. Một vài chiếc từ Rạch Giá cũng được lệnh đã khởi hành sáng nay, các chiếc thuyền con cũng sẵn sàng, chỉ vài giờ nữa là lên đường. Nhất là chiếc tàu lớn đã đậu ngoài cửa biển. Bây giờ mà đình lại, rất nhiều chuyện không may có thể xảy ra.

Phần con tôi, Thượng Đế đã định cho số phận cháu như vậy, thật đau lòng nhưng đành phải chấp nhận. Tôi nói với anh Tân chạy xe về cho ông X. biết chúng ta vẫn tiếp tục như chương trình đã định. Rồi cùng anh Ba Châu chạy đò theo đường Kinh Xáng về Kinh 5.

Tôi ghé nhà người quen,  nhắn gởi cho anh em các công việc phải làm tối nay. Chờ đến mờ tối thì đi bộ đến nhà Chú Hộ (kế bên nhà bố mẹ tôi) nhắn bố tôi sang. Ông rất bình tĩnh nói với tôi rằng:

- Chuyện đã đến nông nỗi này thì vợ chồng con hãy đi đi. Bố mẹ với ông bà ngoại sẽ lo chôn cất cho cháu. Tôi nói lời cảm tạ và chia tay ông. Vợ chồng tôi từ giã mọi người với nỗi lòng đớn đau, tôi cũng không dám sang nhà bố mẹ để nhìn con lần cuối. Ở đây tôi cũng gặp anh Thanh con bác Thoả nhà tôi. Anh dẫn cháu Thiện, cầm vàng về và muốn đi cùng chúng tôi chuyến này. Mới tháng vừa rồi chị bị xe đụng té gẫy chân còn nằm một chỗ, anh đang làm cho nhà máy nước ở Thủ Đức, nhà của của anh do nhà nước cấp, anh mà đi rồi thì chị và 3 cháu gái ở đâu? Còn chuyến tàu của chúng tôi cũng khá đông người rồi, thêm cha con anh nữa là quá tải. Tôi tính toán rồi nói với anh:

- Em cũng rất buồn mà không giúp anh được chuyện này!

Nhìn cha con anh thất vọng rồi thất thểu bước đi lòng tôi cũng như xát muối, xót xa vì không giúp được anh, giúp thêm cho nhiều người hơn nữa. Sau này nghe các em tôi kể lại: Đêm ấy anh vật vã, buồn phiền lắm! Than thở với bố mẹ tôi đủ điều! Em thật xin lỗi, nếu có thể em đã giúp anh.

Trở lại nhà người quen thì nhận được tin:

- Bây giờ ông K không chịu chở người đi nữa. Tôi nhờ người bạn sang nhà ông nói:

- Không chở cũng được, nhưng hãy trả lại chúng tôi chiếc ghe để chúng tôi tự lo liệu. Người bạn trở về cho hay. Ông ấy không chịu trả ghe luôn. Tôi buồn bã đành phải đồng ý cho vợ chồng con trai ông đi, nhưng rất lo lắng vì tàu đã đông người, bây giờ thêm vợ chồng hắn nữa là quá tải, e cả tàu khó sống sót.

Sau đó tôi nhắn cho bác Bảy M. Xin cho thằng con ông chỉ chỗ mua máy ở Rạch Giá ở tạm, chờ sáng mai khi chúng tôi đi rồi thì cho nó trở về Rạch Giá, nhắn với ba nó rằng:

- Chúng tôi phải nhận người khác lấy tiền trả cho ông, nên không đưa cháu đi được.

Đầu tháng 11 cánh đồng phía sau nhà sau khi thu hoạch lúa vẫn còn lênh láng nước phù sa. Đoàn quân vượt biên kỳ này phần lớn xuất phát từ đây, chúng tôi có 4 chiếc taxi và hơn chục chiếc thuyền "câu".  Khoảng 9 giờ đêm thi khởi hành. Ánh trăng đầu tháng khi mờ khi tỏ, dòng nước phù sa đổ mạnh ra cửa biển đưa những chiếc thuyền chèo của chúng tôi đến đích mau hơn. Vợ chồng tôi đi chiếc vỏ tác ráng với 2 người nữa, chúng tôi phải đưa chiếc máy Yanmar F10 này ra tàu lớn để dùng làm máy phụ cho chuyến đi. Rời nhà ra đi với nỗi lòng ngao ngán, buồn vì vừa mất con,  mất quê hương, lo lắng không biết ngày mai sẽ ra sao.

Khoảng 11 giờ khuya chúng tôi đã ra đến cửa sông Cái Bé, tắt máy ghé vào bờ núp trong bụi rậm cách tàu lớn khoảng trăm mét, chớp đèn pin làm hiệu cho tài công biết như hợp đồng, rằng: chúng tôi đã ra đến...

Khoảng 2 sáng thì lác đác các thuyền chèo xuất hiện. Tôi chớp đèn cho họ đến gần rồi hướng dẫn họ lần lượt lên tàu. Độ 3:30 sáng thì phần lớn khách và chúng tôi đã trên tàu lớn. Thuyền ông X cũng đến rồi. Riêng chiếc taxi chở thân nhân của ông thì chờ hoài không thấy. Chiếc này do con ông K điều khiển. Ông X nói với tôi, ông chèo thuyền trở lại tìm, vì sợ người chèo đi lạc. Tôi hẹn ước với ông: Tôi sẽ chờ ở đây đến 5:00 sáng, nếu ông không đến được, chúng tôi sẽ khởi hành.

Đêm khuya thanh vắng. Các cháu bé mặc dù đã cho uống thuốc ngủ nhưng thỉnh thoảng có đứa cũng hic hic. Nhiều người to nhỏ yêu cầu đi đi thôi. Phần tôi có lẽ từ trước đến giờ và mãi mãi sau này không có một tiếng đồng hồ chờ đợi nào dài, sốt ruột và lo lắng như hôm nay. Đến đúng 5 giờ thì chúng tôi khởi hành.

Mỗi người có một chọn lựa. Tôi biết sẽ hiểm nguy cho cả tàu, đặc biệt rất hiểm nguy cho bản thân tôi nếu bị bắt. Nhưng lương tâm kêu tôi phải làm như vậy. Trong việc tổ chức vượt biên, ông X đã đồng cam cộng khổ, chia sẻ mọi hiểm nguy. Giờ đây mình không thể lỗi hẹn mà bỏ lại ông và thân nhân của ông được. Tôi không biết quyết định như vậy có đúng không. Nhưng nếu ngày hôm nay mà xảy ra một sự việc tương tự, tôi cũng sẽ làm như thế.

Sau này ông X có kể rằng, ông chèo thuyền trở lại lúc hơn 5 giờ một chút, còn trông thấy tàu của chúng tôi vừa mới bắt đầu rời cửa sông. Cũng sau này được biết chiếc taxi chở thân nhân ông bị công an bắt vì đi lạc.

Mới chạy được chừng mươi phút thì tàu mắc cạn ngay cửa biển. Tài công Sáu Dậu thuộc loại chì, chúng tôi hồi hộp lo lắng, còn ông bình tĩnh xoay trở đưa con tàu vượt khỏi bãi lầy.

Có bài hát:" Ra khơi, thấy lòng phơi phới, với nguồn vui mới...". Còn chúng tôi: Ra đi với lòng ai oán, nỗi buồn tê tái, ước mong vượt thoát...

Ngày ấy vẫn nghĩ mình ra đi là vĩnh biệt, đâu có ngày trở về. Từ biển khơi nhìn về quê hương yêu dấu với biết bao kỷ niệm, có cha mẹ anh em, tình làng nghĩa xóm thân thương... Từ nay sẽ vĩnh viễn rời xa không buồn sao được!

Con tàu của chúng tôi vẫn chạy đều đều trên dòng nước biển màu xanh lợt. Phần lớn hành khách cũng là bè bạn, hàng xóm láng giềng của chúng tôi phải ngồi dưới hầm. Lúc khởi hành phải đóng nắp lại cho an toàn, bây giờ vừa mở nắp ra thì hơi người hầm hập  bay lên. Trẻ em vẫn còn ngủ li bì, người lớn thì ngầy ngật vì say sóng, có người đã bắt đầu nôn ọe.

Trước đó thỉnh thoảng tôi đã ra đảo Phú Quốc bằng tàu với anh Tân, cũng bị say sóng quay cuồng. Nhưng hơn một ngày trôi qua Trời ban cho vẫn còn tỉnh táo, thỉnh thoảng tôi vẫn chặt những quả dừa tươi cho người không bị say sóng giải khát.  Bên dòng nước biển giờ thì đã có màu xanh đậm, những con cá (chắc cá voi hay cá heo) thật lớn chạy theo, lưng của chúng to như chiếc phản gỗ nhào lên, lặn xuống trên mặt nước, rồi cứ chạy theo con tàu làm trò như thế cho không gian bớt cô tịch. Trên tàu chúng tôi vẫn mở thêm máy phụ chạy cho nhanh hơn mỗi khi lấy ống dòm nhìn ra xa mà thấy có tàu đánh cá lớn chạy về hướng mình.

Quá trưa hôm sau, tính thời gian chúng tôi đã rời quê nhà hơn 30 tiếng, có lẽ đã ra đến hải phận quốc tế. Từ đằng xa có hai chiếc tàu, rồi thêm một chiếc nữa tiến về phía chúng tôi. Trên tàu chiếc máy phụ và máy chính đều mở hết tốc lực. Nhưng chỉ vài giờ sau chúng đuổi kịp.

Ba chiếc tàu đánh ca rất lớn, mỗi chiếc có hàng chục tên, mình xâm rồng phụng, mặc xà rông vừa chạy vòng quanh tàu chúng tôi vừa nhảy múa, tay chỉ trỏ, miệng la hét xí là, xí lô bằng tiếng Thái để đàn áp tinh thần. Một chiếc có người cầm súng bắn đùng đùng lên trời vài tiếng rồi cười hắc hắc với nhau trông rất ghê gớm. Sau đó mỗi tàu có hai tên cầm dao to bản nhảy xuống biển bơi qua tàu chúng tôi.

Trước khi đi chúng tôi đã nghe rất nhiều thông tin: Tàu người ty nạn mà chống cự thì hầu như khó sống sót. Bởi vì tàu mình thì nhỏ, lại đơn chiếc, yếu đuối vì đói khát, mỏi mệt... Trong khi đó tàu đánh cá Thái vừa to, mà thủy thủ là những tên chuyên nghiệp sống trên biển, vừa khỏe mạnh lại được trang bị vũ khí đầy đủ... Nên đã quyết định không chống cự, chỉ xin cầu sự bình an và phó thác may rủi cho bề trên.

Việc đầu tiên khi trèo lên tàu của chúng tôi là xô hết đàn ông xuống biển, ông nào nhảy chậm là bị táng cho văng xuống. Trên tàu có chú Vọi bị say sóng ngay từ khi bước xuống tàu, giờ vẫn còn say không dậy được, bị hai thằng khiêng vất xuống biển, chú giật mình thức dậy mà còn chưa biết ất giáp gì, vội bơi vào bám mạn tàu rồi ngóc đầu lên, liền bị một thằng cầm dao gõ vào trán tóe máu ra, tôi vội vàng lôi xuống kêu bám vào thành tàu. Khoảng 30 thanh niên chúng tôi ngoi ngóp sau khi bị đẩy xuống biển, vội bảo nhau cố bám vào thành tàu nhưng đừng ngóc đầu lên, kẻo chúng cảm thấy bị đe dọa mà tấn công tiếp.

Phía trên tàu 6 đứa chúng nó vừa la hét, vừa lục lọi, đục khoét thân tàu, những chỗ chúng thấy màu gỗ còn mới mà chúng tôi vừa sữa chữa ghép vào trước hôm đi. Chúng vất hết nắp hầm mà chúng tôi đã mở ra, còn nằm ngổn ngang trên sàn tàu xuống biển. Rồi bắt các bà đứng lên mò mẫm, cắt quần áo ra. Chắc để tìm vàng?

Không biết đây có phải là điều may mắn không? Trên tàu tôi có 8 phụ nữ, trong đó có 4 người mang bầu khá nặng nề trong đó có nhà tôi, 2 bà đã có con còn nhỏ vội ôm lấy một đứa con mình, chỉ còn 2 phụ nữ độc thân cũng ôm đại một đứa cháu vào lòng. Lúc ấy một thằng lôi thằng Ốc con anh Tân khỏi tay mẹ, cầm dao dứ dứ ra hiệu có vàng thì đưa ra, nếu không nó sẽ chém chết thằng bé. Không chỉ O Điểm mà tất cả chúng tôi đều xanh mặt. Vì O có vàng đâu mà đưa!

Tôi đoán bọn hải tặc Thái vừa ngửi mùi người hôi hám từ hầm tàu xông lên, vừa trông thấy cảnh bầu bì, nhếch nhác của các bà nên "choáng noảng"... Vội thu thập chiến lợi phẩm, gom tất cả những gì đáng giá mà chúng thu được. Tiện tay lấy tạm chiếc hải bàn và dùng cần cẩu câu luôn máy phụ lôi đi.

Bọn đàn ông leo lên được tàu thì bọn cướp biển đã đi xa. Cái máy chính đã bị chúng phá hỏng, đó đây trên lườn tàu có dấu rò rỉ của nước biển từ bên ngoài vào. Trời thanh vắng, cơn gió riu riu làm mặt biển gợn sóng lăn tăn. Chúng tôi không biết làm gì hơn là chia nhau tát nước và chờ đợi. Rồi một đêm nữa trôi qua, con tàu cứ bồng bềnh trôi theo chiều gió.

Khoảng trưa hôm sau có một tàu khác ghé lại. Họ ra hiệu rồi cặp tàu đến gần kêu chúng tôi sang tàu của họ, dọn cơm với canh cá tươi, nấu kiểu Thái vừa cay, vừa chua, còn nóng hổi khói bốc nghi ngút, ngon thật là ngon cho ăn. Ông tài công còn kêu người sang sửa máy cho chúng tôi. Sau đó chỉ đường để chúng tôi chạy vào đất liền. Vì bất đồng ngôn ngữ nên đôi bên chỉ hiểu nhau chút chút. Chúng tôi vái lạy họ tỏ lòng cám ơn rồi chia tay.

Tàu chạy được cả buổi chiều nhưng bây giờ gió đã lớn, những đợt sóng thật to đưa con tàu trồi lên sụp xuống giữa làn nước màu xanh tím của biển sâu. Tôi ngồi phía trước dựa lưng vào mui tàu, mỗi lần lướt qua một đợt sóng cao tôi lại nghe tiếng răng rắc của thân tàu. Biển cả mênh mông, gió vù vù, sóng vỗ ầm ầm, nhìn ra xung quanh không thấy gì ngoài vành chân trời xa thăm thẳm. Tôi ngước nhìn người tài công rồi lắc đầu tỏ vẻ thất vọng. Nhưng ông mỉm cười rồi nói:

- Không sao đâu, tụi tui đi biển gặp cảnh này hoài. Tôi có cảm giác tin tưởng và yên tâm hơn.

Trời đã tối, giờ thì không chỉ có gió lớn nữa mà mây đen kéo lên bao phủ cả bầu trời. Vừa giông gió, vừa mưa theo. Cơn mưa cứ càng ngày càng to, gió càng ngày càng mạnh, thỉnh thoảng một luồng nước lớn bao phủ lên sàn, và vì không còn nắp đậy nên nước tràn qua các khung cửa đổ xuống hành khách bên dưới. Chú Vọi vẫn say sóng và nằm trên sàn tàu. Tôi lấy vải nhựa bao phủ các cửa khoang rồi vần chú Vọi nằm lên đè một bên, bên kia tôi tự nằm xuống với tay đè các mép còn lại.

Cũng may từ lúc mày tàu chạy, cái bơm cọ để bơm nước ra cũng hoạt động điều hoà, nhờ vậy mà con tàu vẫn ngoi ngóp vượt qua cơn giông gió này. Ông Tài công đã mệt mỏi, Bác Tân lên mui ngồi lái thay cho ông xuống khoang mui nằm nghỉ.  Đến gần sáng tiếng máy tàu bỗng nhiên cọc cọc như nghẹt mũi chừng một phút rồi ngừng hẳn.

Mưa vẫn to, gió vẫn lớn trong đêm tối đen như mực. Ở thật xa tôi thấy một vùng ánh sáng rất lớn chiếu lên, rồi càng ngày càng di chuyển đến gần. Chúng tôi vội lấy dầu cặn đổ vào thau nhôm đốt lên làm tín hiệu S.O.S. Một con tàu rất lớn, đèn điện toả sáng cả một vùng, chạy ngang cách chúng tôi không tới 1 cây số, nhưng họ đi luôn không ngừng lại.  

Mày tàu đã ngừng, bơm cọ không hoạt động. Mực nước bên trong tàu càng lúc càng tăng cao.

Bên ngoài mặt nước biển đã ngấp nghé sàn tàu. Anh Túc người phụ trách việc tát nước cho biết, anh không còn sức nữa. Sau đó anh nằm dưới hầm tàu rồi xỉu luôn. Những người ngồi dưới hầm nước đã dâng cao tới ngực. Bây giờ thì gió đã nhẹ bớt nhưng mưa vẫn to. Tôi kêu Ngân, Thứ và Nguyên, ba người còn tỉnh táo hơn đôi chút và nói rằng:

- Các em cố gắng thêm một chút nữa, nếu không thi tàu sẽ chìm chỉ trong vòng nửa tiếng nữa.

Rồi hai đứa ngồi dưới khoang máy ngất ngư múc nước vào can nhựa loại 20 lit, đã đóng sẵn để làm gầu tát. Hai đứa ở trên lôi lên đổ xuống sàn tàu để nước chảy ra ngoài. Trong cơn thập tử nhất sinh ấy, dưới hầm tàu một số bà còn tỉnh đã thảng thốt cất tiếng kêu tên cực trọng: Giêsu- Maria- Giuse xin cứu chúng con, Giêsu- Maria- Giuse xin cứu chúng con...Lạy mẹ là ngôi sao sáng... cũng được cất lên để mọi người hát theo. Kể như những lời phó linh hồn trong cơn tuyệt vọng cuối cùng.

Rồi trời sáng dần, mưa đã tạnh, gió cũng không còn. Con tàu đã nổi lên vì những cố gắng, nỗ lực cuối cùng của chúng tôi. Nhìn ra bên ngoài mặt nước biển có màu xanh lợt, có nghĩa là đã gần bờ. Trên bầu trời hừng sáng có vài con chim bay lượn. Tôi đứng lên nhìn ra xa, thi kià...Tôi là lên:

- Chúng ta đã trông thấy hàng cây lờ mờ ở cuối chân trời. Mình đã sắp đến bờ.

Không khí trên tàu sống động hẳn lên, nhưng lại xìu ngay vì máy đã hư rồi, dù có trông thấy bờ cũng không biết làm sao để vào được. Rồi nhìn hướng gió thổi, tôi quyết định đóng hai cây gắn vào mui và treo vải nhựa làm buồm, cũng kêu gọi anh em hãy dùng tất cả các phương tiện có thể để chèo tiếp. Nếu gió không đổi chiều thì hy vọng năm bảy tiếng nữa chúng tôi cũng trôi dạt đến bờ.

Kế hoạch này thực hiện chưa được bao lâu thì có tàu đánh cá Thái Lan kề đến. Họ cũng cho ăn uống nhưng không cho lên tàu, rồi nói bằng tay... Theo chúng tôi hiểu thì họ bảo chúng tôi cột giây để tàu chúng tôi nối vào tàu họ, họ sẽ kéo chúng tôi vào bờ. Nhưng khi cột vào xong họ lại kéo chúng tôi trở ra. Chúng tôi bàn tính nhau rồi quyết định chặt giây, vì lúc hai tàu kéo nhau thì sức người không thể tháo giây được.

Thực ra trên tàu chúng tôi có vài người biết tiếng anh, nói rất vững vàng nữa, nhưng tàu Thái thì họ không biết nói. Cũng có khi họ có ý tốt với mình mà mình không hiểu, nên đành phải phụ lòng họ. Sau khi chặt giây thì họ cười rồi bỏ đi.

Con tàu cứ lênh đênh như vậy, thỉnh thoảng lại có một chiếc ghe đánh cá to lớn ghé lại, có cái cho lương thực, có cái ghé vào chỉ để hỏi có vàng, đồng hồ không, chúng tôi trả lời không thì bỏ đi.

Đến xế chiều thì một chiếc tàu lớn ghé lại tặng đồ ăn rồi kêu chúng tôi lên tàu họ. Trời bây giờ đã có chút gió trở lại nên mặt nước biển bềnh bồng, hai con tàu thật khó cặp vào nhau.

Tôi kêu Tuấn bơi sang tàu họ và cầm theo sợi giây đã nối vào mũi tàu mình, còn đang đứng chỉ trỏ ở phần cuối chỗ lái tàu thì một cơn sóng lớn thổi đến, đưa phần lái của tàu chúng tôi luồn vào phía dưới của phần lái chiếc tàu to lớn của họ, rồi dập xuống. Tôi vội nhảy xuống biển, nếu không có lẽ mình sẽ thành đống thịt vụn.  Tôi nổi lên thì chiếc mui của tàu tôi đã bị bẹp dí, chỗ tôi đứng lúc này cũng bị đập nát. Thật may.

Ghì gặng mãi rồi mọi người cùng cũng đưa nhau leo được lên chiếc tàu lớn. Họ quay đầu trở ra và kéo chiếc tàu nhỏ của chúng tôi đi theo. Còn đang lo âu không biết họ sẽ làm gì thì chiếc tàu của chúng tôi từ từ chìm xuống biển. Người thủy thủ Thái cầm còn dao ra định cắt giây nổi, nhưng chưa kịp làm thì sợi giây đã đứt, chìm theo con tàu của chúng tôi xuống lòng biển.

Tài công trên tàu này là một người da trắng, có vẻ rất đàng hoàng, tử tế. Ông sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ khi chúng tôi yêu cầu. Nhưng mấy tên thuỷ thủ thì không, sau lưng ông tài công, chúng luôn ra dấu hiệu, đòi hỏi hoặc xin xỏ. Chúng tôi vẫn còn băn khoăn lo lắng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho những ngày sắp đến. Rồi vận động với anh chị em cùng nhau kiếm được ít chỉ vàng làm quà cho người tài công.

Kiểm điểm lại chuyến này chúng tôi ra đi được 45 người. Trên chiếc tàu này chúng tôi được cho ăn uống đầy đủ. Tài công chạy ra một vùng có nhiều đảo bao quanh đậu lại và cho ngủ qua đêm tại đây. Đến chiều ngày hôm sau thì thấy ông đề máy tàu chạy đi. Khoảng 10 giờ tối thì tàu ghé vào một chiếc chiếc cầu gỗ được nối ra ngoài biển rất xa. Chúng tôi bước lên cầu mà cứ tưởng rằng là cầu phao, nó dập dềnh như nằm trên sóng biển. Thực ra chúng tôi còn đang bị say sóng nên có cảm giác như vậy.

Thế là chúng tôi đã đến đảo Ko Simui một vùng thuộc Thế giới tự do trên đất Thailand.

Ánh sáng bình minh đã toả ra từ vầng thái dương ở chân trời.

Hồ Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
26/01/201814:20:08
Khách
Xin chân thành cảm ơn anh chị em đã khích lệ. Tôi viết bài này bằng tất cả sự thật mà tôi còn nhớ được. Cái giá của tự do rất cao. Những người vượt biên nói chung đã lãnh nhận những hồng ân từ Trời cao, từ bao người thiện tâm nâng đỡ, cứu giúp mới có được. Viết để nhủ lòng hãy cố sống xứng đáng với những hồng ân ấy. Một lần nữa xin cảm ơn tất cả.
21/01/201814:59:08
Khách
Bài viết quá xúc động.Tôi cứ phải nhẩy cóc để đọc đoạn kế.Cám ơn Ông Hồ Nguyễn. Thăm Ông khỏe.
19/01/201816:58:35
Khách
Hòa bình ơi, chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như gió mùa hè
Hòa Bình ơi, ơi hòa bình ơi
Sao em nỡ lòng kẻ đợi người trông
Ba muơi năm trường khổ đau nhiều rồi
(Thông Đạt )
Thế nhưng , Tháng Tư năm 75, một nền hòa bình man rợ đã đổ ập xuống người dân miền Nam.

Một bài viết hay thuật lại những cuộc đào thoát khỏi Việt nam đầy thử thách và gian nguy của tác giả và những người dân ở vùng Kinh 5.

Theo phúc trình của Liên Hiệp Quốc, hơn 300,000 người Việt đã thiệt mạng ở biển Đông trên hành trình đi tìm tự do. Ôi là những năm tháng u uất, kinh hoàng của dân tộc !
19/01/201803:37:47
Khách
Hay tuyệt cú mèo, hồi hộp quá chừng , đứng cả tim, thương bác lúc bị người ta đánh.
Kính chúc bác bình an , khỏe mạnh, mong bài kế tiếp của bác nha bác
19/01/201802:27:33
Khách
Wow...‼️Hay tuyệt❗️Còn hơn cả truyện trinh thám, vì là chuyện thật. Đọc mà cứ hồi hộp đoán xem kế đến sẽ là gì. Chuyện là... vừa đọc vừa... cầu nguyện cho mọi chuyện được suôn sẻ hoặc nếu có gì xảy ra thì cũng đừng tệ quá💓❗️
Cuối cùng cũng xin tạ Ơn Trên🤓🎶‼️
Em nghĩ anh nên cố gắng viết nhiều thêm nữa, kẻo mai một tài văn chương của anh thì thật tiếc🤓👍✌️...
18/01/201823:20:37
Khách
Cám ơn tác giả Hồ Nguyễn đã kể lại chuyện vượt biển thật nguy nan rất tỉ mỉ.
Ai đã qua cầu rồi thì hiểu nhiều hơn, thật thương cảm xúc động đọc và hiểu cặn kẽ từng câu từng chữ tác giả đã thuật lại những diễn tiến hãi hùng ghê rợn đó. Nghĩ lại tưởng chừng như mình chưa có mặt trên đất Mỹ “Giêsu Maria Giuse..cứu chúng con..Lạy Mẹ là ngôi sao sáng..cũng để cất lên để mọi người hát theo. Kể như những lời phó linh hồn trong cơn tuyệt vọng cuối cùng”. Tôi thấy để chờ chết cũng như bao nhiêu thuyền vượt biển khác đó mà!! Đọc bài này, thấy những người khách may mắn có phước đã trao cái mạng sống của mình cho một người đứng đầu tổ chức dẫn đi luôn có lòng nhân đức chỉ biết cứu giúp người như chính thân mình, nên trời không bao giờ phụ lòng tốt của người và đã đền bù thật xứng đáng.
Xin gởi lời CHÚC MỪNG NĂM MỚI MẬU TUẤT 2018 đến tác giả và gia đình trong năm mới được dồi dào sức khoẻ, an khang thịnh vượng và được mọi sự như ý bình yên.
ptkd
18/01/201819:53:55
Khách
Hay qua' anh oi! Kim ddoc mot mach bo? tap the? duc buoi? sang' luon .
Kim dden' dao? Laem Ngop Thailand . Khoi? hanh` tu` Chau Doc' ddi ddo` & xe o^m toi' NongPenh , ddap' xe ddo` ddi Kampong Bay ,sau ddo' len ghe ( 2 may Koler 10 ) ddi ra bien?. Du tinh' ddi dden' ddao? Koh Kong Thailand chung` 10 tieng' .Nguoi` tai cong chay lac , mai~ 3 ngay sau den' Laem Ngop .
Chuyen ddi co' gap tau` ddanh' ca' nguoi` Thai' cho nuoc'uong' ,tuy nhien sau ddo' co' tau` ddanh' ca' khac' dden' cuop' Rat' may khong lam` gi nhom' nu~ tui em & va` cac' anh tren tau` ( ghe co' 4 nu~5 nam ) Hu' hon`
Cam on anh Ho`
18/01/201813:07:28
Khách
Tác giả kể lại câu chuyện vượt biển rất hấp dẫn ly kì. Cảm ơn nhiều!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,314,984
Tác giả vượt biên từ Rạch Giá đến Mã Lai, Pháp 1979, Mỹ 1987. Tốt Nghiệp Electrical Engineering 1990 tại University of Illinois at Urbana, Champaign, Illinois;
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả là cư dân San Jose, vừa mở một “Câu Lạc Bộ nuôi ong”, tại một khu đồi núi gần ngoại thành. Sau đây là lời Nguyễn Viết Tân giới thiệu ông bạn:
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Người viết là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2014, với hàng loạt bài cho thấy tấm lòng và sức viết mạnh mẽ,
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State, từng trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại Học cộng đồng SPSCC,
Thứ hai đầu tuần, 31-10, là Halloween 2016. Mời đọc truyện ma. Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, với sức viết mạnh mẽ, Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951 tại Bình Dương, nguyên là giáo viên dạy anh ngữ, sang Mỹ năm 1985, hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến