Hôm nay,  

Ở Nước Mỹ, Dạy Tiếng Mễ

15/01/201800:00:00(Xem: 13361)
Tác giả: Trần C. Trí

Bài số 5291-19-31137-vb8011418

Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay

***

Xin được mở ngoặc ở đây trước khi vào truyện. Tựa đề của bài này dùng chữ “tiếng Mễ” để chỉ về thứ tiếng mà trong tiếng Anh gọi là “Spanish” và trong tiếng gốc gọi là “espađol” hay “castellano”. Nếu quý độc giả sống ở California hay Texas thì tiếng Spanish nhất định phải là “tiếng Mễ” vì ở hai tiểu bang này người Mễ là nhóm người gốc châu Mỹ La-tinh đông đảo nhất dùng thứ tiếng này. Tuy vậy, không phải ở những nơi khác người Việt mình cũng dùng cùng một tên gọi như thế. Chẳng hạn ở Florida, nơi đa số dân dùng tiếng Spanish là gốc Cuba, thì người Việt ở đó lại gọi tiếng Spanish là “tiếng Xì”, rút gọn từ chữ Spanish mà ra.  Cũng vậy, ở New York, dân nói tiếng Spanish thường là từ Puerto Rico hay Dominican Republic đến, nên người Việt ở New York cũng dùng tên “tiếng Xì” để gọi tiếng Spanish. Trong bài này, chúng tôi dùng tên gọi “tiếng Tây Ban Nha” để chỉ thứ tiếng mà ngoài nước Tây Ban Nha là nước gốc, còn có tới 17 nước khác ở châu Mỹ La-tinh hay châu Phi dùng như chuyển ngữ chính thức. Tựa đề “Ở nước Mỹ, dạy tiếng Mễ” cốt để nghe cho vui tai chứ thật ra không được chính xác.
 
*

Không như một số người ngay khi đang học đại học mà vẫn chưa biết mình thích học gì và thích làm nghề gì, tôi được cái may mắn là đã thích nghề dạy học từ lúc chưa bước chân đến học đường! Thật vậy, từ lúc còn nhỏ, tôi vẫn thường dụ dỗ hay năn nỉ các đứa bạn cùng xóm làm học trò của tôi, thay vì chơi những trò chơi con nít khác. Chắc là tôi làm ông thầy con nít dở quá, hay là tụi nhỏ cùng xóm ít chịu ngồi lâu một chỗ làm học trò, nên thường các lớp học của tôi mỗi lần đều diễn ra rất chóng vánh. Khi lớn lên, lúc tôi bước vào đại học ở Việt Nam thì đất nước đã nằm trong tay những người cộng sản. Tuy vậy, tôi cũng cố theo đuổi ước mơ làm thầy giáo bằng cách thi vào Đại Học Sư Phạm Huế, ngành tiếng Anh. Trúng tuyển vào đại học Huế, vì đang ở Nha Trang xa xôi, lại thêm lúc ấy là thời kỳ kinh tế vô cùng khó khăn của cả nước, tôi đành ngậm ngùi ở lại Nha Trang. Tôi mang giấy báo đậu của trường Đại Học Sư Phạm Huế để xin vào học ngành tiếng Anh của trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang. Tuy nhiên, học xong rồi tôi vẫn chưa đạt mộng làm thầy giáo vì ngay lúc ra trường, tôi có cô bạn giới thiệu vào làm ở thư viện thành phố Nha Trang. Từ đó, tôi trở thành anh thủ thư phòng đọc sách ngoại văn bất đắc dĩ cho đến khi vượt biên sang Hoa Kỳ.

Đến Mỹ, giấc mộng làm thầy giáo của tôi tạm thời được... quên lãng vì cũng như mọi người mới đến, tôi phải vật lộn với miếng cơm manh áo ở xứ người. Tôi lần lượt làm ở Bank of America, Citizens Bank và State Compensation Insurance Fund vào ban ngày, ban đêm đi học bán thời gian ở Orang Coast College. Lúc ấy, tôi đi học vì mê học, nhưng chưa biết mình học để làm gì. Giấc mộng làm thầy giáo vẫn còn đang ngủ yên trong tôi. Tôi lấy các lớp giáo dục tổng quát chứ không chọn lớp nào chuyên môn cả.

Bên cạnh giấc mộng làm thầy giáo, tôi còn có đam mê học ngoại ngữ. Lúc còn ở Việt Nam, ngoài tiếng Anh ra, tôi còn chăm chỉ đi học thêm tiếng Pháp và tiếng Nga. Ở nhà, tôi tự học tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Gần như thời gian rảnh rỗi của tôi là để học ngoại ngữ mà tôi xem như một thú vui chứ không phải là công việc.

Nhờ vào vốn liếng tự học ở Việt Nam, lớp tiếng Tây Ban Nha đầu tiên mà tôi ghi danh học ở trường là lớp 102, tức là trình độ thứ nhì, tiết kiệm được một học kỳ mười lăm tuần lễ. Tôi học lớp này để đáp ứng yêu cầu về môn ngoại ngữ mà bất cứ ngành học nào cũng phải cần, chứ cũng chưa định làm gì với lớp tiếng Tây Ban Nha đầu tiên này. Sau khi học xong hai năm cao đẳng, tôi xin chuyển lên trường University of California, Irvine để hoàn tất học trình bốn năm của bằng cử nhân. Lúc ấy, sau nhiều suy tính, tôi quyết định chọn tiếng Tây Ban Nha làm ngành học chính của mình. Dạo ấy, Khoa Tây Ban Nha của trường UC Irvine có ba chuyên ngành: ngôn ngữ học Tây Ban Nha, văn chương Tây Ban Nha và sư phạm tiếng Tây Ban Nha. Tôi chọn chuyên ngành ngôn ngữ học Tây Ban Nha vì vốn thích những chi tiết thú vị của ngôn ngữ nói chung.

Điều kỳ lạ là cho đến tận lúc ấy, tôi cũng vẫn chưa nghĩ là mình học tiếng Tây Ban Nha để làm gì. Các bạn cùng trang lứa với tôi ai cũng theo đuổi những ngành thực dụng như y khoa, dược khoa, kỹ sư, điện toán, vân vân. Còn tôi thì khi ai hỏi mình học ngành gì, lúc nào trả lời rồi vẫn bị hỏi lại một lần nữa vì người nghe không tin vào tai của mình là tôi học tiếng Tây Ban Nha. Trong tất cả các lớp Tây Ban Nha của tôi, tôi là người Việt Nam duy nhất, lúc nào cũng rụt rè, nhút nhát. Không nhút nhát sao được khi đa số các bạn cùng lớp của tôi đều gốc La-tinh, nói tiếng Tây Ban Nha như gió. Thế rồi những ngày tháng vật lộn với môn học mà tôi vừa yêu thích, vừa e sợ cũng trôi qua. Tôi hân hoan nhận lãnh tấm bằng cử nhân tiếng Tây Ban Nha, dù chẳng là gì cả đối với thế giới khoa bảng này, cũng là một thành tựu cá nhân lớn lao cho riêng mình. Giấc mộng làm thầy giáo và tấm bằng cử nhân, thật lạ lùng, vẫn chưa nối kết được với nhau. Lúc ấy, tôi vẫn hoàn toàn không nghĩ đến mình sẽ thành thầy giáo dạy bất cứ môn gì chứ chưa nói đến tiếng Tây Ban Nha. Càng học càng thấy bể học mênh mông, làm sao tôi dám nghĩ đến chuyện dạy thứ tiếng này?

Có tấm bằng cử nhân tiếng Tây Ban Nha trong tay, cố nhiên là tôi chẳng làm gì được trong môi trường việc làm đầy cạnh tranh lúc ấy (và ngay cả bây giờ). Thế là tôi lại tiếp tục xin học lên cao học. Tôi được nhận vào University of California, Los Angeles (UCLA) với ngành chính là ngôn ngữ học các thứ tiếng gốc La-tinh (Romance linguistics). Trong ngành này, ngôn ngữ chính của tôi là tiếng Tây Ban Nha, và hai ngôn ngữ phụ là tiếng Pháp và tiếng Ý. Chính vào thời gian này mà giấc mộng làm thầy giáo của tôi đã bắt đầu diễn ra một cách thật tự nhiên. Số là các sinh viên cao học trong ngành ngoại ngữ đều phải gần như bắt buộc trở thành phụ giáo (teaching assistant) và dạy môn mình đang học. Khác với những ngành học khác về tự nhiên hay xã hội, nơi mà các phụ giáo làm đúng nghĩa với danh xưng của mình là phụ giúp các giáo sư để giảng bài thêm cho sinh viên sau lớp học hay chấm bài thi của sinh viên, một phụ giáo ngành ngoại ngữ phải chính thức dạy lớp của mình mà không có một giáo sư nào khác đảm nhiệm cả. Cha mẹ ơi, tôi mới vừa chân ướt chân ráo rời trường đại học với một nhúm kiến thức tiếng Tây Ban Nha chưa thấm đâu vào đâu mà nay phải đứng trước lớp giảng dạy thứ tiếng này sao? Đã vậy, tất cả phụ giáo chúng tôi đều bắt buộc phải giảng bài, nếu không 100% thì cũng phải 90, 95% bằng tiếng Tây Ban Nha. Chỉ được dùng tiếng Anh khi nào cả thầy trò đều kẹt lắm mới thôi.

Thế là cả mùa hè trước khi lớp tôi dạy lần đầu tiên bắt đầu, tôi ráo riết chuẩn bị, luyện tập ở nhà. Tôi mua một cái bảng nhỏ treo lên tường, soạn bài, tập đứng giảng trước một lớp học vô hình, từ ngày này qua ngày khác trong suốt ba tháng hè. Mỗi học kỳ ở UCLA là mười tuần lễ. Tôi sẽ dạy lớp Spanish 1, tức là lớp vỡ lòng tiếng Tây Ban Nha. Cái khó của việc dạy lớp này là tuy là vỡ lòng, người dạy vẫn phải giảng bài bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi cặm cụi soạn trước nguyên cả một giáo trình cho cả mười tuần lễ để khi đi dạy thì chỉ tập trung vào mà dạy, khỏi lo chuyện gì khác. Tôi mường tượng ra sinh viên của tôi sẽ ngạc nhiên lắm trong ngày đầu tiên khi thấy “ông thầy” tiếng Tây Ban Nha của họ lại là một anh chàng Á châu thấp bé, trông chẳng có gì dính dáng đến hiệp sĩ Don Quijote của xứ Y Pha Nho cả! Thế thì làm sao tôi phải thuyết phục học trò của mình đây? Tôi cặm cụi làm những học cụ trợ giảng như hình vẽ, mô hình, trò chơi, vân vân để làm cho các bài học thêm phần lý thú.

Những công khó của tôi vậy mà có hiệu quả. Học trò của tôi tỏ ra thích thú với những lớp học của tôi lúc nào cũng đi đôi với phần thực dụng. Khoa của tôi rất nghiêm ngặt đối với việc theo dõi khả năng giảng dạy của các phụ giáo. Họ cho người đến quay phim một lớp học của tất cả chúng tôi. Sau đó một giáo sư sẽ cùng phụ giáo ngồi xem lại cuốn phim về lớp học và phân tích những ưu khuyết điểm của giờ dạy. Những lúc tôi giảng bài bằng tiếng Tây Ban Nha trước lớp, nhất là lúc có người đến dự giờ hay quay phim, tôi đều giảng bài như trong một giấc mơ, tựa như người đă ngồi trên lưng cọp thì cứ thế nhắm mắt cho chúa sơn lâm mang đi đâu thì đi. Cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem... tiếng Tây Ban Nha của mình nó xoay vần đến đâu?!!

 

 

Rồi ngày lại qua ngày, tự bao giờ, giấc mộng đi dạy và tiếng Tây Ban Nha mà tôi đang theo học dần dần hoà nhập với nhau một cách thật tự nhiên. Ngày nào đến trường tôi cũng dạy một tiếng đồng hồ, thời gian còn lại tôi dành để lấy các lớp học cho chương trình cao học của mình. Sau hai năm thực tập dạy và học, tôi được cấp bằng cao học (master’s). Với tấm bằng này, tôi có thể bắt đầu xin dạy ở các trường community college. Trường đầu tiên tôi dạy tiếng Tây Ban Nha với tư cách là thầy giáo thực thụ chứ không phải là phụ giáo là trường Long Beach City College (LBCC). Tôi dạy một lớp ở đây trong khi vẫn dạy lớp của mình và học tiếp lên bậc tiến sĩ ở UCLA. Hai năm làm phụ giáo ở UCLA đã giúp tôi dạy tiếng Tây Ban Nha một cách tự nhiên ở trường LBCC. Tôi dạy ở trường này khá lâu (1996-2011). Đây là nơi tôi có những kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên trong nghề đi dạy tiếng Tây Ban Nha. Lâu lâu lại có một sinh viên tâm sự với tôi, nội dung khá giống nhau: “Thầy biết không, lúc tìm lớp Tây Ban Nha để ghi danh, em thấy tên thầy là Việt Nam nên cũng không muốn lấy lớp. Sau kẹt quá lớp nào cũng hết chỗ em mới lấy lớp thầy. Bây giờ học với thầy một thời gian, em thấy thầy dạy cũng hay!”   

Tôi hiểu sở dĩ tôi “dạy cũng hay” là vì tôi biết nắm bắt nhu cầu học hỏi của các em. Là một người ngoại quốc học tiếng Tây Ban Nha, tôi dùng phương pháp “suy bụng ta ra bụng người” để đoán trước những khó khăn mà các em gặp phải. Ngày xưa tôi thấy khó chỗ nào thì chắc bây giờ các em cũng có thể thấy khó chỗ đó. Các thầy cô bản xứ tiếng Tây Ban Nha thường chủ quan, không để ý đến những chi tiết nhỏ mà học trò có thể thắc mắc. Còn tôi thì đứng về phe của học trò để giảng bài, vì cách đây không lâu tôi cũng là một người học trò mày mò học tiếng Tây Ban Nha như các em vậy. Các em viết một câu sai cách mấy tôi cũng hiểu các em muốn nói gì, vì trước kia chính tôi cũng thường phạm những lỗi tương tự.

Kỷ niệm buồn cũng có. Trường nào cũng đòi hỏi các lớp phải có túc số theo yêu cầu mới được giữ. Lớp nào có sĩ số dưới mức tối thiểu thì phải huỷ bỏ. Có một mùa lớp tôi rơi vào trường hợp đó. Ông trưởng khoa đến gặp tôi để thông báo cho tôi biết là lớp tôi mùa đó sẽ bị huỷ bỏ vì ít sinh viên ghi danh. Ông ta do dự vài giây rồi hỏi tôi: “Ông có nghĩ là cái tên của ông có phần nào ảnh hưởng đến việc sinh viên chọn lớp không?” Tôi bảo với ông ta là rất có thể như vậy. Ông ta hỏi tiếp: “Thế ông có bao giờ nghĩ đến việc đổi tên không?” Tôi cười lạt và trả lời: “Cám ơn ông đã đề nghị như vậy. Nhưng tôi thà thất nghiệp còn hơn phải đánh mất danh tính của mình!”

Chẳng lẽ tôi phải đổi tên “Trí” thành Ricardo, Carlos, Raúl hay Francisco gì gì đó, để khi tôi bước vào lớp học trò sẽ nhìn nhau không biết ông thầy này có vào lộn lớp hay không sao?!! Từ đó trở đi, tôi thường chuẩn bị câu này để chào các em sinh viên trong ngày đầu của một lớp tiếng Tây Ban Nha: “Chào mừng các em đến với lớp Tây Ban Nha 101 (102, v.v.). Tôi là Trí Trần. Tôi có thể không nhìn giống người Mễ, nhưng quả thật tôi dạy tiếng Tây Ban Nha! Các em hãy yên chí là mình không vào nhầm lớp đâu nhé!” Tôi nói như vậy (bằng tiếng Anh) kèm với nụ cười tươi nhất của mình.

Khi học đến giai đoạn sắp trình luận án Ph.D., tôi tìm đến hệ thống Cal State University để xin dạy tiếng Tây Ban Nha.  Ở các trường hệ bốn năm, muốn dạy các lớp cấp cao (upper-division) thường phải có bằng tiến sĩ, hay ít nhất cũng sắp có bằng này. Nếu như ở trường college lúc đó tôi đang dạy các lớp ngôn ngữ Tây Ban Nha (Spanish language), thì bây giờ tôi đang xin vào dạy các lớp ngôn ngữ học Tây Ban Nha (Spanish linguistics). Chắc nhờ may mắn xin việc đúng lúc, tôi được nhận vào dạy hai lớp: ngôn ngữ học nhập môn tiếng Tây Ban Nha và ngôn ngữ học so sánh giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, tại Cal State Long Beach.  Lần này thì tôi ngồi trên lưng một con cọp lớn hơn gấp bội! Trong khi học trò của tôi ở college chỉ học các lớp tiếng Tây Ban Nha vỡ lòng, ở Cal State Long Beach, học trò của tôi là những em theo học ngành tiếng Tây Ban Nha. Lớp của tôi vừa dạy những em học lấy bằng cử nhân, vừa dạy những em đã có bằng cử nhân, đang học để lấy bằng cao học. Thậm chí có nhiều em đang đi dạy tiếng Tây Ban Nha ở các trường trung học, cố gắng học thêm lấy bằng cao học để được xét lên lương.

Sinh viên gốc La-tinh trong các lớp cử nhân và cao học này phần nhiều là gốc La-tinh, từ khắp nơi trong thế giới nói tiếng Tây ban Nha hội tụ về. Khi giảng bài, tôi chỉ dùng tiếng Anh một cách tối thiểu, còn phần lớn thời gian là giảng và thảo luận bằng tiếng Tây Ban Nha. Học trò của tôi nói tiếng Tây Ban Nha bằng nhiều giọng địa phương khác nhau. Trong các giọng, giọng của người Mễ là dễ nghe nhất. Lý do khách quan là hệ thống phát âm của tiếng Tây Ban Nha ở Mễ tương đối đầy đủ, rõ ràng so với các giọng khác. Lý do chủ quan là người Mễ sống cận kề với cộng đồng người Việt, nghe hoài cũng thấy quen. Trong các giọng địa phương khác, tôi đặc biệt “kỵ” giọng Tây Ban Nha và giọng Cuba. Tiếng Tây Ban Nha chính gốc có những phụ âm mà người Mễ quanh chúng ta không dùng. Ngay cả một số phụ âm chung cũng nghe khang khác. Còn về tiếng gốc Cuba, người nói thường nuốt các âm “s” ở giữa hay cuối vần, hay biến chúng thành âm “h”, nghe rất mệt và hiểu không kịp. Mỗi lần học trò hỏi, tôi phải hết sức chú ý lắng nghe để trả lời cho đúng, chứ không thì mang tiếng thầy mà không hiểu trò hỏi gì thì quê lắm.

Một điều khác mà tôi vẫn luôn luôn sợ là không biết lúc nào học trò có thể hỏi mình một chữ mà mình không biết. Cũng may là trong suốt bao năm tháng dạy tiếng Tây Ban Nha ở các cấp, hình như tôi chưa bị tổ trác lần nào. Tuy vậy, lúc nào tôi cũng soạn bài thật kỹ lưỡng. Thường thường, phải mất 5,6 tiếng đồng hồ soạn bài để dạy một lớp chừng một tiếng rưỡi là thường. Ai ở trong nghề giáo cũng biết là phải chuẩn bị mười điều để chỉ cần nói hai, ba điều trong lớp mới thực gọi là có chuẩn bị. Tính đến bây giờ, tôi đã đi dạy tiếng Tây Ban Nha ở nhiều trường đại học và cao đẳng, đủ trình độ, đủ môn khác nhau, thấm thoát đã gần 22 năm trời. Lần đầu tiên tôi dạy lớp “Tiếng Tây Ban Nha ở Hoa Kỳ” (Spanish in the U.S.) ở UC Irvine, ngay trong chính phòng học mà mười mấy năm về trước tôi còn là một học trò nhút nhát ngồi học tiếng Tây Ban Nha, tôi xúc động không thể tả.

Học trò của tôi có thể nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát hơn tôi, nhưng đụng đến văn phạm thì tôi có thể “hù” các em được! Ngày nào cũng như ngày nào, tôi đều bước vào một lớp dạy tiếng Tây Ban Nha với một tâm trạng chuẩn bị, hồi hộp, không hề dám khinh thường những điều mà mình vẫn dạy đi dạy lại từ bao lâu nay. Nói ra thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng tôi thấy sau mỗi buổi học, chính tôi mới là người học hỏi nhiều hơn là các học trò của tôi!

Một điểm khác tôi nhận thấy từ những học trò gốc La-tinh là họ cũng có tình như học trò Việt Nam vậy. Học xong rồi cũng lâu lâu ghé thăm thầy cũ, hay chí ít cũng gởi email thăm hỏi. Đặc biệt, cách đây mười mấy năm, tôi có một “học trò” người Mễ trong lớp ngôn ngữ học ở Cal State Long Beach, lúc ấy cũng khoảng hơn sáu mươi tuổi là ít. Người đàn bà ấy, cho tới tận Giáng Sinh năm nay (2017) vẫn thường xuyên gởi email chúc mừng ngày lễ. Chắc bây giờ bà ta già yếu lắm, vì khi tôi trả lời thư, ngỏ ý muốn gặp bà để mời đi uống nước nói chuyện thì bà không trả lời, chắc là ngại tuổi già sức yếu hay sao đó.

Tôi rất muốn chia xẻ những gì học hỏi được từ ngôn ngữ và văn hoá Tây Ban Nha với cộng đồng người Việt của mình. Vì vậy, tôi có soạn cuốn “Tiếng Tây Ban Nha Đàm Thoại Cho Người Việt” (amazon.com), trong đó các lời giảng giải đều hoàn toàn bằng tiếng Việt. Ngoài ra, từ 5 năm nay, tôi thường xuyên có những lớp học miễn phí tiếng Tây Ban Nha tại Thư Viện Toàn Cầu mà giám đốc là thầy Phan Tâm. “Học trò” của tôi đa số là các vì từ trung niên đến cao niên, đủ mọi thành phần trong xã hội (kể cả một số người “nổi tiếng” trong cộng đồng nữa). Mỗi lần lớp học học bắt đầu hay chấm dứt, tôi nghe các học viên chào hỏi, trao đổi vài câu với nhau bằng “tiếng Mễ” một cách tự nhiên, trong lòng tôi dâng lên một niềm vui thật nhẹ nhàng. Trong năm đầu tiên, tôi có lớp hằng tuần, nhưng sau đó vì bận rộn, tôi chỉ có thể có lớp mỗi tháng một lần mà thôi. Quý vị muốn tìm hiểu về các lớp học này, có thể lên YouTube tìm các clips lớp học do tôi phụ trách dưới tựa đề “Học tiếng Tây Ban Nha dễ dàng” hay “Học tiếng Tây Ban Nha theo chủ đề” do Thư Viện Toàn Cầu phổ biến.

Đối với quý độc giả, tôi xin có một lời góp ý. Nếu quý vị muốn tập thể dục tinh thần, ngoài việc tập thể dục thân thể, thì một trong những cách có hiệu quả, lý thú và thực dụng nhất là nên học một ngoại ngữ. Ở Mỹ thì chỉ có học “tiếng Mễ” mới thực dụng mà thôi! Biết được thêm một thứ tiếng như tiếng Mễ, quý vị sẽ thấy mình “giàu” lên rất nhiều về mặt văn hoá. Quý vị có thể xem ti-vi bằng tiếng Mễ, đọc sách báo tiếng Mễ, nghe nhạc Mễ, giao tiếp với hàng xóm hay đồng nghiệp bằng tiếng Mễ, hay thậm chí gọi thức ăn bằng tiếng Mễ, biết đâu còn được nhà hàng ưu ái “discount” hay dọn thêm một món “gratis”!

Trần C. Trí

 

Ý kiến bạn đọc
14/10/202423:17:09
Khách
<a href=https://enhanceyourlife.mom/>can priligy cure pe</a> levitra obat methylprednisolone untuk gusi bengkak We cracked some of our old jokes, but methought they went off but faintly
31/05/202411:24:46
Khách
050 and an osmolality of 900 1200 mOsm kg, occasionally a normal horse produces dilute or highly concentrated urine <a href=http://cialis.lat/discover-the-best-prices-for-cialis>cialis without a doctor's prescription</a>
12/06/202313:54:51
Khách
<a href=https://propecia.mom>how effective is propecia</a> Ocular involvement should be suspected when patients present with ocular pain, eyelid swelling, pain with eye movements, visual changes, or displacement of the globe
23/03/202301:08:00
Khách
My back was sore, so it was time to have a reduction <a href=https://lasix.beauty>lasix for fluid in lungs</a>
24/01/201802:51:58
Khách
Thật là nể phục thầy quá!
16/01/201804:45:27
Khách
Một bài viết hay về câu chuyện của một người Việt trở thành một giáo sư dạy tiếng Tây Ban Nha.

Một trong những hạnh phúc của một cá nhân là thực hiện được giấc mơ của mình. Một điều khác nữa là mình được làm gì mà mình thích. Tác giả quả là một con người hạnh phúc vì đã thành tựu được ước mơ trở thành một nhà giáo, và nữa là được giảng dạy về sinh ngữ Tây Ban Nam vốn là một trong những ngoại ngữ mà tác giả ưa thích.

Trong khi biết bao người khi đã luống tuổi ngồi nghĩ lại quá khứ đời mình chỉ còn biết thở dài :

Những ước muốn bình thường
Giờ chỉ còn trong ta bến mơ
Tuổi thơ trôi qua rồi
Ước mơ trôi qua rồi
Gió mưa trong cuộc đời
Giờ chỉ còn trong ta nỗi nhớ !
( " Bến Mơ")
16/01/201804:01:57
Khách
Một bài viết hay về câu chuyện của một người Việt trở thành một giáo sư dạy tiếng Tây Ban Nha.

Một trong những hạnh phúc của một cá nhân là thực hiện được giấc mơ/ hoài bão của mình. Một điều khác nữa là mình được làm gì mà mình thích. Ước mơ được là một nhà giáo và nỗi đam mê học ngoại ngữ đã dẫn dắt tác giả trở nên một giáo sư đại học truyền dạy về ngôn ngữ Tây Ban Nha .
15/01/201821:50:18
Khách
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
Chúc mừng anh đạt được giấc mộng làm thầy giáo.
15/01/201821:12:07
Khách
Chúc mừng tác giả đã học được một sinh ngữ tới mức độ cao để có thể giúp đời và bản thân.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến