Hôm nay,  

Cuối Năm Ăn Giỗ

07/01/201800:00:00(Xem: 9672)
Tác giả: Phan

Bài số 5285-19-31131-vb7010517

 
Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài  trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Sau đây là bài viết mới nhất.

 
***

1.
 

Tôi đang lái xe trên những nẻo đường của nước Mỹ, nhưng toàn tâm như ở quê nhà. Người xưa bảo, “được bữa giỗ lỗ bữa cày”. Nhưng hôm nay tôi được bữa giỗ ở nhà anh Tỵ bạn tôi vào những ngày giáp tết thật ý nghĩa. Hình ảnh một gia đình Việt nam trên quê hương thứ hai vẫn giữ nguyên phong tục thờ cúng ông bà là khó lắm. Đặc biệt là cúng giỗ đúng như ông bà ta xưa đã làm. Thỉnh thoảng tôi cũng được mời ăn đám giỗ ở nhà những bạn bè khác. Nhưng do hoàn cảnh đi làm bên Mỹ nên những bữa giỗ cứ được cúng giỗ vào buổi chiều. Sau đó là bà con, anh em, họ hàng, bạn bè… súm vào ăn nhậu tới nửa đêm.

Tôi cũng cúng giỗ cha mẹ tôi, cha mẹ vợ ở nhà. Nhưng tôi cúng trước ngọ, trước mười hai giờ trưa. Rồi thì thức ăn, thức uống cứ để đó đến chiều bạn bè đi làm về mới ăn nhậu. Bởi khi còn nhỏ ở nhà, cha mẹ tôi cúng giỗ ông bà nội, ông bà ngoại của tôi đều cúng trước ngọ. Mẹ tôi giải thích, con không thấy những vị sư khất thực cũng chỉ đi khất thực tới mười hai giờ trưa thôi sao? Vì sau giờ ngọ là giờ âm, chỉ cúng cô hồn thôi! Cúng giỗ ông bà thì phải cúng trước ngọ…

Đến khi tôi lập gia đình thì thấy bà ngoại của các con tôi cũng cúng giỗ ông bà, tổ tiên hoàn toàn trước ngọ. Thế là tôi tin hai bà mẹ, và giữ truyền thống đó ngay trong gia đình riêng của tôi.   

Qua Mỹ. Trong bạn bè ở địa phương chỉ có tôi với anh Tỵ là cúng giỗ ông bà trước ngọ, và cúng đúng ngày chứ không để tới cuối tuần để khỏi mất bữa cày ở Mỹ. May sao hôm nay là ngày cuối tuần nên tôi được bữa giỗ mà không lỗ bữa cày.

Tôi bước vào nhà anh. Dường như sự ấm cúng thân tình của bữa tiệc hôm lễ Tạ ơn còn nguyên trong căn nhà nhỏ của một gia đình tỵ nạn Việt nam. Nhưng hôm nay trên bàn thờ gia tiên đã nhiều màu sắc hoa trái của tết Việt. Nhìn hai đòn bánh téc mà nhớ quá đi thôi những đêm thức nấu bánh ở quê nhà. Nhánh mai vàng khiêm cung bên bình bông vạn thọ trên ban thờ, làm tôi nhớ nhà, nhớ người nhà quay quắt trong lòng tôi…

Chiếc bàn trải khăn để bày cúng nhiều món ăn thân quen. Nhưng làm để cúng ông bà nên chị nhà tẳn mẳn công phu hơn, nhìn trang nghiêm, tươm tất đến hoàn mỹ từng món nào ra món nấy.

Tôi bước xuống nhà dưới để chào chị nhà. Người đàn bà Việt hạnh phúc với cô con dâu là người Mỹ đang phụ mẹ làm bếp, hay cô gái Mỹ hạnh phúc bên người mẹ chồng là người Việt. Cô luôn cố gắng nói những câu tiếng Việt mà cô biết với mẹ chồng cho bà vui. Mà bà vui thật, trông bà rất hạnh phúc trong gian bếp hai người. Bà vừa dạy con dâu Mỹ nấu ăn món Việt, vừa dạy con dâu nói tiếng Việt sao cho đúng… “Súp bong bóng cá. Bong bóng, chứ không phải bong bong…”

Cô gái Mỹ mang găng tay trộn gỏi chân gà với ngó sen, tôm, thịt, rau răm… Miệng cứ gọi mẹ suốt để hỏi vừa ăn chưa mẹ? Chị thì múc muỗng súp bong bóng cá, thổi phù phù cho nguội, bảo con dâu nếm cho mẹ xem đã vừa ăn chưa? Hai người đàn bà hai thế hệ, hai chủng tộc cách xa nhau nửa vòng trái đất đã cùng nếm chung muỗng súp bong bóng cá trong gian bếp của một gia đình tỵ nạm Việt nam đã cưu mang cô gái Mỹ tỵ nạn tình người trong căn nhà tỵ nạn cộng sản trên nước Mỹ của mình.

Tôi trở lên nhà trên, ngồi uống trà với anh Tỵ. Thằng Tý, con trai lớn của anh còn chở nhỏ em gái đi chợ mua thêm gì đó cho mẹ và vợ nấu ăn. Nên thằng Tý con là con của thằng Tý ngồi chơi ngoan trong lòng ông ngoại như bảo vật của gia đình. Có lẽ đây là đứa trẻ lai may mắn nhất của cuộc chiến Việt nam đã ngừng tiếng súng bốn mươi ba năm qua.

Tôi đùa với anh Tỵ, “Ngày xưa người Việt ngồi trong lòng người Mỹ, nên khi đồng minh tháo chạy là mất luôn miền nam, tan cửa nát nhà, mất hết, mất sạch sành sanh... Bây giờ người Mỹ ngồi trong lòng người Việt là hình ảnh ông cháu nhà anh. Nhất định không tháo chạy chứ?”

“Còn lâu. Tôi lấy vợ đã ba mươi lăm năm rồi. Cho đến hôm qua tôi mới bị vợ đánh lần đầu đấy! Tôi trông cháu không xong, để thằng bé bốc bẩn dưới sàn nhà cho vào miệng. Thế mà bà ấy vụt thẳng tay vào lưng tôi một nhát chổi lông gà, ‘bảo anh trông cháu cho em quét bụi ban thờ. Thế mà cứ dán mắt vào báo xuân với báo xưa…’

Tôi thì ra rìa từ khi có thằng Tý. Thằng Tý ra rìa theo cha khi có con em gái. Nay đến cô út nhà này cũng tủi thân bị ra rìa với cục cưng của bà ngoại… Thế giới rồi một nhà, không còn khoảng cách, dị biệt gì nữa đâu! Tôi thật không biết tình cảm của mình với cháu ngoại có được như tình cảm của ông ngoại tôi với tôi không vì thằng bé này hai dòng máu. Nhưng khi nó chào đời thì bao băn khoăn trong tôi cũng tan biến hết theo tiếng khóc, tiếng cười của nó. Ông trời sinh ra lòng người không có phân biệt đâu ông ạ! Chỉ toàn là định kiến có sẵn mà chúng ta bị đầu độc theo thời gian, môi trường mà mình đã sống…

Thằng lớn nhà ông hình như cũng có bạn gái là người Mỹ phải không?”

“Ôi thằng ấy! Tôi nhớ có lần tôi hỏi nó: Sao con không có đứa bạn nào là người Việt hết vậy? Nó trả lời rất con nít dù đã gần xong trung học. Nó nói với tôi: Trong lớp, trong trường con có người Việt nam chứ. Nhưng mấy đứa con trai thì hút thuốc, trốn học. Mấy đứa con gái thì khó hiểu hơn cả mẹ con ở nhà. Con nhỏ Việt nam mà con thích nó, nó cũng thích con. Nhưng nó khó hiểu quá nên con không chơi với nó luôn. Hôm con có bánh, con hỏi nó có muốn ăn không? Con chia cho nó một nửa. Nó trả lời không. Thì con ăn hết. Nhưng nó lại đi nói với nhiều đứa khác là con rất tham ăn. Có ăn không chia cho bạn bè. Trong khi mấy con nhỏ bạn là người Mỹ thường rõ ràng hơn. Hễ muốn ăn là ăn liền, không muốn cũng cám ơn… Xong.

Tôi nói với con tôi: Vì thế nhạc Việt có bài hát, ‘con gái nói có là không. Con gái nói không là có…’ Nó khoái bài hát đó… vì đúng y như mẹ! Hồi con hỏi có cần giúp gì không thì mẹ cũng nói không. Con đi chơi banh thì mẹ không vui, ‘chỉ biết chơi thôi. Không phụ dọp dẹp nhà cửa gì hết!

Thằng con tôi rồi cũng đến lấy vợ Mỹ như thằng Tý nhà anh thôi. Có một điều tôi nhìn ra là con trai Việt nhưng nhà có đạo thì chúng sinh hoạt nhà thờ, ca đoàn… chúng có nhiều cơ hội có bạn gái là người Việt hơn con tôi với con anh. Chúng cứ đi học suốt ở trường Mỹ, đi làm toàn những cơ quan của Mỹ, với người Mỹ, không có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Việt thì làm sao có bạn gái là người Việt được!”

 

2.

 

Ngoài trước nhà có tiếng đóng, mở cửa xe, tiếng con em gái của thằng Tý. Tôi biết hai anh em nó đã đi chợ về. Nhưng có thêm tiếng người lạ khác nữa nên tôi nhìn ra. Hai người đàn ông Mỹ trẻ trung như thằng Tý. Chắc bạn bè của nó được mời về nhà ăn giỗ…

 Thằng Tý bắt tay tôi, chào hỏi chú. Không ngờ nó giới thiệu với tôi người bạn Mỹ phong độ, đẹp trai của nó lại là nhân vật tên Mike mà chị nhà đã kể cho tôi nghe hôm tiệc Tạ ơn là một thanh niên đồng tính. Tôi hiểu ngay ra người còn lại là bạn tình của Mike; cũng là một thanh niên trẻ khoẻ, trí thức… Hình như là người Trung đông.

Một vấn đề nhức nhối của xã hội, tôn giáo. Nhưng nếu chỉ nhìn qua lăng kính nhân bản thì tự bản thân người đồng tính đâu có lỗi gì vì từ khi được sinh ra họ đã có tâm sinh lý không phù hợp với giới tính. Vấn đề xã hội chấp nhận hay tẩy chay người đồng tính còn làm nhức nhối xã hội và tôn giáo không biết đến bao giờ. Nhưng hiện tại họ chỉ bị lợi dụng, bị chính trị hoá theo những mùa phiếu trên đất nước được coi là văn minh nhất hành tinh thì người đồng tính vẫn còn bị phân biệt đối xử là một thực tế có thật.

Nhìn hai người bạn trẻ đồng tính. Tôi không nghĩ được gì hơn là cầu chúc cho họ được bình an sống bên nhau trong cái nhìn về người đồng tính bớt khắt khe hơn trong xã hội ngày càng cởi mở, dễ chấp nhận sự khác biệt của người khác luôn đòi hỏi tự bản thân mỗi người cái nhìn thoáng hơn thì xã hội mới văn minh và nhân bản hơn…

Tất cả các món cúng giỗ đã được bày biện rất đẹp, trang nhã trên bàn cúng. Căn nhà ngập tiếng nói cười của sự sum họp, hội ngộ cuối năm. Nhân loại một nhà, đâu phải là cụm từ mới mẻ gì. Nhưng khi mọi người đủ thành tâm buông bỏ những rào cản tự dựng lên trong lòng mình hay chỉ là những định kiến có sẵn thì tình người bao la… Con nhỏ em gái của thằng Tý cứ líu lo với thằng Mike như hai anh em ruột. Thằng Mike thì cứ dành ẵm con thằng Tý… với lòng thương yêu, trìu mến, như là con ruột của nó vậy…

Căn nhà chỉ hết ồn khi chị nhà bảo anh Tỵ đi thắp nhang đi anh. Cúng ông ngoại được rồi, trưa rồi… Tôi hơi bất ngờ về việc anh cúng giỗ tới đời ông ngoại của anh. Một người đi mang theo quê hương trọn lòng hiếu để thật đáng kính.

Anh nói với mọi người. Hôm nay là ngày tưởng nhớ đến người ông đã ẵm bồng và thương yêu anh từ khi anh chào đời. Sự tưởng nhớ trong anh là lòng biết ơn ông bà đã thương yêu con cháu. Và cũng là sự nhắc nhở cho anh thương yêu con cháu như ông bà đã thương yêu anh.

Cảm ơn mọi người trong nhà đã thương yêu nhau như ông bà đã dạy dỗ chúng ta sự nhường nhịn, chia sẻ, và yêu thương người thân.

Cảm ơn bạn bè đã cùng đến với gia đình anh để tưởng nhớ tinh thần dân tộc của người Việt là luôn nhớ đến tổ tiên, và biết ơn cuộc đời luôn có người thân và bạn bè thương yêu nhau. Biết ơn nước Việt đã sinh ra gia đình anh, cảm ơn nước Mỹ đã giang tay đón nhận gia đình anh bằng lòng bao dung của người bản xứ. Xin cầu chúc cho tình thương yêu nhau trong chúng ta mãi sinh sôi. Nhắc nhau về nguồn gốc, ơn nghĩa sinh thành của tổ tiên, và không bao giờ quên sự cưu mang nhau của hai dân tộc Mỹ-Việt… đã làm nên gia đình này.

Xin mọi người hãy tạ ơn thượng đế của bạn đã ban cho chúng ta sự sum họp hôm nay.

Người đàn ông vốn đã thuộc loại trầm tĩnh. Anh lại trang nghiêm, thành tâm dâng hương trước ban thờ gia tiên. Một hình ảnh sẽ khó quên trong ký ức những người bạn Mỹ của thằng Tý. Họ sẽ nhớ về một gia đình tỵ nạn Việt nam với căn nhà nhỏ mùa đông của họ thật ấm áp tình người; họ sẽ nhớ những phong tục lớn của một dân tộc nhỏ gồm tưởng nhớ tiền nhân bằng lòng biết ơn, nhắc nhau thương yêu người thân và bạn bè bằng chân tình. Không bao giờ quên ơn hai quê hương Mỹ-Việt đã sinh ra và cho cơ hội để có được một gia đình… là chỗ để về, nơi để nhớ đến người thân và bạn bè bằng chân tình.

Tôi nể già Tỵ cách dung hoà tôn giáo vô cùng dung dị khi anh “xin mọi người hãy tạ ơn thương đế của bạn đã cho chúng ta sự sum họp hôm nay.” Khi trong gia đình người Việt đạo Phật, nhưng có cô con dâu Mỹ theo đạo Tin Lành, và một người bạn của gia đình là người Hồi Giáo Trung đông…

Đến chị nhà thắp hương, dâng hương thành khẩn lên bàn thờ gia tiên. Người phụ nữ nhỏ nhoi mà vĩ đại đã lèo lái, quán xuyến một gia đình từ ngục tù bao la trong nước tới ra hải ngoại với hai bàn tay trắng làm lại từ đầu. Vậy mà con cái ăn học thành tài, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Lại cưu mang bạn bè người bản xứ của con trai để thành người con dâu Mỹ trong gia đình tỵ nạn Việt nam… Ngàn lời ơn, triệu chữ nghĩa không bằng hành động nhỏ nhoi mà cụ thể nên chị vĩ đại.

Rồi thằng Tý nhóc con hôm nào. Nay đã là chủ một gia đình nhỏ, như người chủ gia đình lớn khi về nhà cha mẹ. Một tay nó thu xếp mọi việc. Anh chị dường như coi trọng nó nhiều. Đó là phước phần của những người hiền hậu sớm được con cái trả ơn. Nó thắp hương, dâng hương đĩnh đạc như một người đàn ông có giáo dục và thành tâm…

Vợ nó cũng thắp hương, dâng hương thành kính lên ban thờ gia tiên bên nhà chồng. Cô gái Mỹ trong ngày cưới luôn miệng nói hai tiếng cảm ơn tiếp theo sau hai tiếng thank you. Thì nay đang dạy đứa con bé nhỏ của cô qùy lạy ông cố… Làn khói toả mùi hương, hay mùi hương làm khói toả cũng không ngoài ý nghĩa, tâm niệm sống cảm ân của cô gái Mỹ đang bộc bạch với người thương, người thân trong gia đình Việt nam của cô và bạn bè đa sắc tộc…

Hình ảnh này sẽ còn mãi trong tôi. Con người có nhiều hoàn cảnh trong nhiều giai đoạn của cuộc đời. Nhưng người sống với tâm niệm cảm ân cuộc đời như cô gái Mỹ đã đối xử với bên chồng bằng lòng biết ơn gia đình Việt nam đã cưu mang cô lúc khó. Nay cô dạy con cô bái lạy ông cố theo phong tục Việt nam thì quê hương thứ hai của thằng Tý đã là quê mẹ của thằng Tý con đang xì xụp lạy như cuốc đất trồng khoai đến ai cũng phải cười…

Rồi con em gái của thằng Tý đã từng xin phép cha mẹ cho theo đạo Tin lành. Anh chị cho phép con tự do tôn giáo; miễn con đừng vô thần cộng sản là được. Nó cũng thắp hương, dâng hương thành tâm khấn vái, bái lạy ông cố… Cô bé còn quá trẻ để suy nghĩ về tôn giáo của mình.

Nhưng có ai chả phải trưởng thành để biết ứng xử cho phải phép nên tôi với thằng Mike cũng thắp nén hương tỏ lòng kính trọng gia tiên nhà bạn. Chỉ không ngờ là người bạn của thằng Mike là người Hồi giáo. Vậy mà anh ấy cũng xin phép được thắp nén hương tỏ lòng kính trọng tổ tiên của gia đình bạn… Tôi thật sự không hiểu biết về việc một người Hồi giáo có được phép thắp nhang lên bàn thờ của tôn giáo khác hay không. Nhưng ứng xử của người bạn này thật dễ chịu là tự xin phép thắp nhang, nhưng chỉ cắm nhang chứ không bái lạy.

 

3.

 

Bữa giỗ, như bữa tiệc cuối năm không ngớt nói cười. Thức ăn với rượu bia không giới hạn. Nhưng ở tầng lớp trẻ này họ rất chừng mực. Tôi thấy mừng cho lớp trẻ không thuốc lá, rượu bia họ chỉ nhấm môi xã giao… Thế là đôi bạn già chúng tôi dọn lên phòng khách khề khà với nhau chuyện năm hết tết đến; để bọn trẻ tha hồ ăn uống, vui chơi với nhau dưới nhà bếp, ngoài sân sau…

 Tôi nói với già Tỵ, “Tôi nghĩ hay tâm tư cuối năm đã về đến lòng tôi trên những con đường Mỹ vắng hẳn xe qua hôm nay trên đường tôi đến nhà anh. Tôi lái xe mà hình dung ra cả quê cũ thật xa hiện ra trong lòng tôi với nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông cho mọi người sẽ tăng cao đến những phòng cấp cứu của bệnh viện không đủ sức chứa vào dịp tết. Tôi thoáng nghĩ về quê xưa, có thể nào do trong nhà người dân trong nước bây giờ nghèo quá, không có gì để ăn tết cho ấm cúng gia đình, với những người thân ruột thịt. Nên người ta mới túa ra đường tìm vui vào những ngày nghỉ cuối năm cũ sang đầu năm mới, nên tai nạn giao thông tăng cao do ngày thường thì rượu bia đã tràn lan mọi nẻo đường Sài gòn sẽ lại càng tràn lan hơn vào dịp tết, cũng là nguyên nhân làm cho tai nại giao thông tăng vọt trong những ngày tết ở quê nhà…


Tôi nhớ những năm tôi còn bé ở quê nhà thì sáng mồng một tết, ngoài đường cũng vắng tanh như ở Mỹ vào những ngày lễ trọng. Không lẽ văn hoá dân tộc đã thay đổi. Văn hoá sum họp gia đình, quây quần với người thân, ruột thịt trong gia tộc vào những ngày tết đã mai một thì buồn thật…”

Già Tỵ khề khà tách trà xanh như người mộng du…

“Nói đến tết. Tết. Người trẻ tìm đến những chỗ vui chơi bao nhiêu thì về già lại tìm về lòng mình sâu lắng bấy nhiêu, trong sự lặng thinh như không có gì mà âm ỉ tới ra Giêng, nguôi ngoai mùa xuân với cây lá đâm chồi nẩy lộc cũng làm cho người ta vui lây với không gian tưng bừng hoa lá qua mùa hạ. Mùa rực rỡ sắc màu của sự đơm hoa kết trái không lâu thì mùa thu đã về se lạnh, se sắt lòng hoài niệm nhớ nhớ thương thương… Nhưng nỗi lòng mỗi người vào những ngày trước tết, không ai giống ai hết mà lại rất gần, rất giống nhau là thường nghĩ tới những người thân, mới biết mình thương nhớ ai, ở những thương bậc nào?

Tôi nhớ lắm, dù năm tôi mới mười tuổi. Tôi trông tết dữ lắm vì sẽ được ông ngoại tôi lì xì, là món tiền lớn nhất tôi có được trong năm. Hằng đêm tôi mơ tới nhiều món đồ chơi mà chỉ có tiền lì xì của ông ngoại mới mua nổi. Tôi mơ cả ban ngày trong sự tất bật của người lớn chạy ngược chạy xuôi lo tết. Vậy mà ông ngoại tôi qua đời chỉ với mấy ngày cảm cúm trở trời trước tết.

Rồi thì tết năm ấy cũng đến. Ba mẹ tôi cũng đưa các chị và tôi về nhà ngoại vào ngày mùng hai tết. Bà ngoại lì xì phần bà ngoại cho các chị và tôi như hằng năm. Tôi chúc thọ bà ngoại xong. Không biết sao tôi cứ đứng như trời tròng trước di ảnh của ông ngoại còn mới ơi là mới. Làm cả nhà khóc chung trong ngày tết.

Bà ngoại tôi nói với tôi, “Chỉ riêng mình con có. Tại ông ngoại phải đi xa gấp, nên nhờ bà ngoại trao lại cho con bao lì xì mà ông ngoại đã bỏ sẵn cho con…” Tôi không nhận bao lì xì do ông ngoại tôi gởi lại để chấm hết tuổi thơ, để trả lời bà ngoại, “Con thương ông ngoại. Con không cần ông ngoại lì xì đâu. Con muốn ông ngoại về với con…”

Rồi tôi lớn thêm, những người thân trong nhà tôi, dòng họ tôi, trong xóm tôi đi xa nhiều hơn. Những người lớn tuổi thì qua đời, những người anh trong xóm mà tôi thích thì tử trận ngoài sông Thạch hãn, Cổ thành… mà tôi không biết là ở đâu? Những người chị đi lấy chồng xa... có năm về ăn tết với gia đình, năm không. Nên tới tết. Nỗi nhớ thương trong tôi lớn tới hiểu về tết là mùa của nhớ thương nên tết có không khí, không gian thiêng liêng mà người ta gọi là không khí tết.

Tết, khi tôi đã về nhà ngoại một mình trước tết để trèo dừa, hái dừa cho bà ngoại làm mứt dừa. Dọn dẹp nhà cửa cho bà ngoại, chùi lư trên bàn thờ ông ngoại. Tôi đã mười lăm, mười bảy tuổi. Nhưng cứ hễ lúc lau bụi bức di ảnh của ông ngoại là tôi khóc khi nhớ tới ông ngoại thường nói với ba mẹ tôi trong những ngày mùng hai tết xa xưa khi tôi về nhà ngoại. Tôi phá lắm trong gia đình tôi chỉ toàn chị gái, mỗi mình tôi là con trai, nên ông ngoại là thế lực bao che cho tôi. Hễ tôi phạm tội đáng bị đánh đòn thì ba mẹ tôi không bỏ qua cho con cầu tự mà trừng phạt ngay, bất kể ngày tết. Nhưng ông ngoại tôi lên tiếng là xong! “Ngày tư ngày tết. Bay đừng đánh con bay. Thằng nhỏ quở  đòn cả năm…”

Làm sao tôi biết “ngày tư ngày tết” là gì khi mười tuổi đầu. Rồi tới khi lớn hơn nữa tôi mới biết ra: Tết là tiết, tư là mùa, chỉ thời điểm nông nhàn ngoài đồng, nhưng thiêng liêng trong tâm tư con người khi tiễn năm cũ đi đón năm mới về. Tôi thường ứa nước mắt khi lau bụi cho bức di ảnh của ông ngoại tôi. Rõ ràng là hồi nhỏ tôi không bị đòn vào những ngày tết là nhờ ông ngoại che chở. Nhưng lớn rồi, ông ngoại mất rồi. Chứ còn sống thì tôi cũng chịu cho ông ngoại đánh đòn khi tôi nghĩ về cái chữ “tư” không đúng theo ý ông ngoại vì tôi nghĩ chữ “tư” còn mang nghĩa là nỗi thương nhớ riêng tư khi năm tàn tháng tận như tôi nhớ thương ông ngoại tôi da diết mỗi cuối năm về nhà ngoại để lau chùi bụi bặm trên bàn thờ, quét váng nhện cho bà ngoại tôi…

Tôi nghĩ. Đừng hỏi mình theo cách tự làm khó mình là hỏi mình thương ai, ghét ai trong đời. Cứ năm tàn tháng tận, không gian tống cựu nghinh tân bên ngoài qua thời tiết, trong nhà thì mùi hương bánh trái, các món tết cứ quyện lấy nhau… làm nên sự thiêng liêng của không khí tết không bao giờ lừa dối ai, vì đó là mùa của nhớ thương nên tình xưa nghĩa cũ chan chứa trong lòng. Không chỉ nhớ thương nhữg người mình thương, mà ngay cả những người mình ghét cũng muốn gặp lại họ để nói với nhau, thôi chín bỏ làm mười cho nhau hen. Ngày tư ngày tết, lòng người dễ bỏ qua chuyện cũ cho nhau lắm! Đến cách biệt âm dương còn gần gũi được khi tôi rót cho ông ngoại tôi ly rượu mừng xuân.

Tôi bình an trong lòng tôi lắm khi nghĩ cho hết lòng mình về người thương kẻ ghét thì được gì ngoài nỗi khổ tâm trong chính mình thôi! Rồi thời gian bương bương qua tuổi trẻ. Tôi lau chùi bụi bặm tới di ảnh của cha tôi, rồi mẹ tôi… Tôi không còn đau khổ, đau lòng như năm mười mấy tuổi mỗi lần lau bụi di ảnh của ông ngoại tôi. Thậm chí tôi còn thấy di ảnh của mẹ tôi như cười với tôi; cha tôi thôi chau mày phật ý với tôi khi ông không hài lòng việc gì đó…! Hay tôi đã tin vào suy nghĩ của chính mình là người còn sống sao cứ phải giận hờn để lãng phí tình yêu...

Nhưng nói gì thì những người thân thương của tôi ngày một đi xa nhiều hơn cả những người anh trong xóm thời chiến tranh, nghĩa là tôi đã bước vào tuổi già nên những ngày sắp tết nỗi nhớ thương trong tôi ngày một nhiều hơn nữa. Tôi càng tin tết là mùa của nhớ thương nên nó thiêng liêng mà thời trẻ, rồi trung niên, tôi không hiểu được “không khí tết” sao mà khó giải thích?!   

Nhưng khi hiểu được đó là khoảnh khắc sum họp trong năm, ngồi lại bên nhau giữa những thân thương mà xoá bỏ hận thù. Rồi tôi tưởng chết khi vượt biên. Rồi tôi sống sót qua lần đột qụy tim ở Mỹ… Tôi hiểu thêm về tết là khoảnh khắc cho những thân thương ngồi nhớ những thân thương. Nên tết tới, tôi thường nhớ tới ông ngoại tôi nhất. Tôi cũng thường nhớ bà ngoại tôi. Ngoại đi chợ liên miên về thì bận rộn luôn tay để gói bánh, kho thịt, sên mứt, rồi nấu chè… Đâu phải chỉ làm cho con cháu về ăn tết có đủ ăn thôi đâu. Phải làm dư ra nhiều cho mẹ tôi, dì tôi, cậu tôi đem về nhà riêng của mỗi người ăn có khi tới hết tháng Giêng…

Tết. Tôi nhớ cha tôi cũng nhiều. Tôi đi thăm cha tôi được có một lần trong tù cải tạo. Rồi tôi đi vượt biên trong khi cha tôi chết trong tù. Mẹ tôi chết bệnh vì suy xụp sau cha tôi không lâu… Tôi cũng không về được để gặp mẹ tôi lần cuối.

Tôi nhớ các chị tôi tảo tần biết chừng nào để phụ mấy người anh rể chống đỡ với đói nghèo…

Tôi cũng rất nhớ mối tình đầu. Dù năm tôi vượt biên thì thằng Tý đã ba tuổi. Nhưng bạn gái của tôi thời đi học vẫn chưa lấy chồng. Hôm đi, tôi có tìm gặp để nói lời chia tay. Thiệt là buồn. Cô ấy tuốt tay đưa cho tôi cái nhẫn vàng. Anh đem theo độ thân cho gia đình anh, không nhiều nhõi gì cho chuyện vượt biên. Nhưng là tấm lòng của em… Tôi còn giữ đến bây giờ. Nên tết tới, tôi cũng đem cái nhẫn đó ra xem lại một lần như thăm nhau một lần mỗi năm, tới tôi chết thì con cháu đâu biết gì về kỷ niệm của mình. Chúng nó cho, bán, vứt đi… sao cũng được!

Tôi chỉ cố duy trì một chút không khí tết trong nhà hàng năm cho tới hết sức mình. Các con tôi không đậm đà với tết như anh em mình đâu vì chúng có quá ít kỷ niện gia đình, bạn học với tết như anh em mình xưa…”

“…”

4.

Tiệc tàn. Tôi lái về nhà trong tâm niệm lâng lâng như một cái tết nữa vừa đi qua đời tôi ở hải ngoại. Trời sắp tết quê mình năm nay không lạnh nơi xứ người, không âm u như thời tiết cuối đông trên quê hương thứ hai này. Nhìn góc màn hình chỉ đường lái trong xe cho biết, ngoài trời chỉ sáu mươi độ F. Một ngày cuối tuần, cuối đông… thật bâng khuâng với chút nắng nhạt, gió nhẹ cuối ngày. Dù đường xá hơi vắng xe sau mùa lễ cuối năm ở Mỹ khi tôi ngang qua đoạn đường quen mà không ngờ là nó có đến bốn làn xe chạy ở khu thương mại Firewheel Town Center gần nhà. Bởi bao giờ đi qua khu thương mại này cũng bị kẹt xe không ít thì nhiều theo giờ. Nhưng tết Việt năm nay cận kề sau tết Tây không nhiều nên năm mới tây lịch vẫn còn quá mới mẻ sau mùa mua sắm cuối năm tây ở Mỹ, nên khu thương mại này chưa hoạt động đều lại nên vắng xe…

Chưa bao giờ có con đường Mỹ quốc nào đi vào hồn mình để thành nỗi nhớ niềm thương... Nên đi chỉ là đi, đến chỉ để về, nên không nhớ nổi con đường quen về nhà có bốn làn xe chạy mà chỉ ám ảnh khi lái tới đoạn đường đó với ký ức thường bị kẹt xe.

Đến dòng sông nổi tiếng thế giới là sông Seine bên Pháp. Thế mà khi tôi ngồi bên dòng sông lừng danh ấy thì hồn lại lênh đênh trên con rạch quê nhà mà thuở bé tôi đặt cho nó cái tên là sông Thương.

Bên dòng sông ấy,

Không nhớ từ bao giờ, tôi đã tự đi kiếm mấy cuốn báo xuân về đọc khi thấy nhà nhà trong xóm vặt lá những cây mai. Cây mai nhà bé Hương già nhất xóm, nghe nói lão mai được ông nội bé Hương trồng từ khi có cha của bé Hương để mừng đứa con trai trễ muộn sau mấy người chị gái của cha bé Hương đã ra đời trước. Tôi tính nhẩm lão mai cũng cỡ ngoài bốn mươi tuổi như cha bé Hương, và không bao giờ hiểu: Tại sao cây mai ngoài bốn mươi tuổi đã được gọi bằng lão? Chữ “lão” nghe như trăm tuổi.

Những thắc mắc thuở thiếu thời chóng quên trong tâm tư để nhường chỗ cho mắt quen xuân về có bé Hương rực rỡ như mai vàng trong tà áo mới đi hái lộc đầu năm, theo bà nội đi chùa... chẳng mắc mớ gì đến người dưng khác họ bên hàng xóm này. Nhưng từ hôm bé Hương có người đến chơi nhà nhân dịp Tết. Họ mang đi đâu sự tung tăng ngoài ngõ để xóm làng trống huơ. Tôi đọc báo xuân, không thấy mai gì đẹp nữa. Mai tứ qúy, mai vàng, mai nghệ... Tôi thương loài mai năm cánh nhỏ, trắng, mọc ở ven sông, bờ rạch, mặt hoa úp xuống nước như soi bóng thuyền quyên chờ người quân tử, hương mai thoảng nhẹ trên đồng như tình tự quê hương… đó là mai chiếu thủy đã xa mặt cách lòng. Những loài mai, những nàng xuân năm nào cũng tràn lan trên báo xuân và năm nào đọc lại cũng thấy xuân. Năm ấy mùa xuân đi chơi xa, năm sau đi xa hơn tôi tưởng. Xa thật xa là năm... mùa xuân không trở lại.

 Lão mai còn đó, ông nội bé Hương vặt lá năm đó không có bé Hương lăng xăng quét lá cho ông. Người láng giềng đi mua báo xuân về cũng không buồn đọc. Mùa xuân mất mát nhất trong đời làm cho trang báo lạt như mùa thu chết. Nhưng mất mát gì chứ? Từ cửa rào vô sân nhà, vẫn đi về những bước chân côi của người khách trên quê hương mình. Thiếu chăng, tiếng chào hỏi của cô láng giềng mà mỗi bận đi về tôi ưa thích được nghe. Tôi thích được bé Hương đón đợi tôi về nhờ vẽ hình cô gái mắt to bên góc bài thơ vừa chép, bên bản nhạc trữ tình mà bé Hương vừa nắn nót chưa ráo mực trên trang giấy học trò. Tôi thích nghe những lời trách khứ êm đềm của dĩ vãng đã xa, “...chờ anh muốn chết, đi đâu đi dzữ dzậy? Vẽ giùm em hình này, hình nọ...” và người có hoa tay thường ba hoa cho ra đại sự, “cho anh xin sợi tóc!” Những sợi tóc mùa xuân đã đủ dài để trói buộc không hay nên sợi tóc chỉ được se lại hình giọt nước, nhúngvô bình mực tím và in lên giấy thành những cánh hoa. Sau đó thêm cành lá bằng mực xanh lá cây... như lòng thành hy vọng!

 Hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. Mùa xuân không trở lại từ lúc em đi. Tôi vẫn đọc báo xuân mỗi độ mai vàng nhà ông Tư, nở. Ông Tư là nội của bé Hương, nay đã già. Một mùa xuân không kịp vặt lá mai thì Chúa, Phật đã rước ông Tư đi từ mùa đông lạnh. Cây lão mai và tôi sắp lão... bị bỏ quên lại xóm nghèo heo hút ven sông Thương. Con rạch cái xuyên qua xóm tôi không có tên nên tôi đặt cho giòng sông tuổi nhỏ cái tên dễ mất như tuổi trẻ qua vèo. Chưa kịp hỏi bé Hương có đồng ý không thì đã không còn cơ hội để hỏi.

Giòng sông, cây mai và những năm tháng đi về dần trôi vào kỷ niệm, tôi cũng rời xa xóm làng thân thiết để lêu bêu trên giòng sống lênh đênh. Những chiều gió chướng đông về vùng Duyên hải mà tôi đi dạy học; những đêm bập bùng ánh lửa nhà ai nấu bánh tét, bánh chưng; Những sáng sớm tinh sương - mồng một Tết - ngoài ngõ vắng tanh, xác pháo đêm qua còn ẩm hơi sương hăng hắc mùi thuốc pháo trong không gian thiêng liêng của Tết quê nhà cũng dần dà mất hút trong tiềm thức hải ngoại.

Giờ đây, những mùa xuân viễn xứ, bâng khuâng dở trang giấy mới còn thơm mùi mực của những cuốn báo xuân, cũng vẫn là mai vàng rực rỡ trên hình ảnh in màu rất đẹp. Mai ấp lẫm trong chữ nghĩa của từng bài viết về mai, về xuân. Mai trong tiềm thức cũng ùa về đón xuân cùng lòng người viễn xứ. Mai tứ qúy, mai vàng, mai nghệ ba bốn năm sáu cánh... Tôi nhớ mai quê mùa ở xóm ven sông hay nhớ bé Hương của tuổi dại khờ, bông mai vàng quê trớt nhưng chứa cả vùng trời kỷ niệm, cất dấu những mộng mơ, hình ảnh quê nhà có ông Tư hiền hậu, có đôi chân sáo tung tăng của bé Hương. Nhưng sáo đã sang sông để mai vàng rụng khắp ngõ thôn, để sống lại trong tâm hồn người viễn xứ những bông mai biết nói vào mỗi độ xuân về. Những bông mai luôn nhắc nhở ân tình, người thân, xóm làng… đã xa mù trong kiếp sống tha phương. Âu cũng là một bông mai không cùng nỗi nhớ, tô điểm cho mùa xuân ký ức trong tôi.

 Nhưng đời con cái chúng tôi lớn lên trên nước Mỹ thì tết đến đã khác hẳn đời cha là những người di dân. Ngày tết Việt nam với chúng nó nhạt dần với cuộc sống khác hẳn ở quê nhà. Việc đoàn tụ người thân không khác ý nghĩa nhưng khác thời điểm là vào mùa lễ Tạ ơn, lễ Giáng sinh, Tết tây.

Tết Việt chỉ còn trong lòng những người ngửi được không gian mùi không khí tết quê nhà, rồi chợt bâng khuâng, hát khẽ trong hồn mình chút nhạc Vũ Thành An, “trời sắp tết hay lòng mình đang tết”  

Tết là câu chuyện lòng mỗi người với niềm thương nỗi nhớ riêng tư trong ngày tư ngày tết vậy!

Chờ Tết Mậu Tuất

phan

 

Ý kiến bạn đọc
21/01/201819:02:06
Khách
Gia đình Việt hải ngoại duy trì văn hoá! Cám ơn về một bài viết ý nghĩa.
18/01/201817:30:54
Khách
Một bài viết hay, kết nối từ quá khứ đến hiện tại, từ nét xưa đến nét mới hoà trộn mà vẫn không quên bản sắc dân tộc. Tôi thích đọc văn của anh.
12/01/201817:07:35
Khách
Giữ gìn văn hóa Việt nơi xứ người khó lắm. Gia đình anh Tỵ có phước có phần mới có dâu thảo.
Cám ơn bài viết của tác giả Phan. Tôi hy vọng mình cũng như các độc giả khác ngẫm lại cách giúp thế hệ trẻ giữ truyền thống Việt; chắc là nhắc nhở liên tục để mưa lâu thấm đất.
09/01/201816:12:53
Khách
Một bài viết sâu sắc với nét văn hóa Việt gìn giữ nơi xứ người. Cám ơn ông Phan từ bài viết này nối bài viết kia, bài nào cũng tuyệt.
08/01/201816:48:11
Khách
Cám ơn Tác Giả Phan luôn viết bài với lời hay, ý dồi dào, thấm sâu là giá trị về cuộc đời.
Xin ông tiếp tục viết để độc giả được thưởng thức món ăn tinh thần đáng quí này.
07/01/201818:43:17
Khách
Wow!
Thaaaật là hay!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến