Hôm nay,  

Nối Lại Cung Đàn

05/12/201700:00:00(Xem: 12191)

Tác giả: Trần C. Trí

Bài số 5282-19-31128-vb2120417

 
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
 
***

Tôi gặp lại Ngọc Lan trong một buổi tiệc sinh nhật người bạn của một người bạn. Nhác thấy Ngọc Lan đang đứng tần ngần trước cái bàn tròn bày ê hề nhiều món ăn hấp dẫn, tôi tiến đến gần cất tiếng chào:

- Chào Ngọc Lan! Còn nhớ tôi là ai không?

Ngọc Lan hơi giật mình, ngước lên nhìn tôi và bảo:

- Ồ, cho Lan một giây nhé. Có phải là Trí không?

Tôi mừng rỡ gật đầu, vì nếu “người ta” không nhớ ra mình là ai thì quê quá. Ngọc Lan quay qua người đàn ông Mỹ cao lớn đứng bên cạnh, nói với ông ta:

- Honey, this is Tri, who went to the same school with me in high school. Tri, this is Joe.

Tôi và ông ta bắt tay nhau, chào hỏi xã giao. Tôi bảo Ngọc Lan:

- Gặp lại Ngọc Lan tôi mừng lắm! Thôi mời Ngọc Lan lựa thức ăn đi. Chút nữa có dịp tụi mình nói chuyện với nhau nghe.

Đoạn tôi đi tìm một cái dĩa và bắt đầu chọn một vài món ăn cho mình. Đây quả là một party lớn, rất đông người tham dự, dễ đến cả trăm người mà liếc sơ qua tôi chỉ thấy được một vài gương mặt quen quen. Lúc tôi vừa đến, Thuỳ Hương, bạn của cô bạn tôi là Mỹ Trang, đã vồn vã chạy ra chào tôi và còn “hug” một cái rất ư là... Mỹ quốc! Mỹ Trang cũng đến ân cần chào tôi, rồi cả hai nhanh chóng biến vào đám đông khách mời. Đêm nay là sinh nhật của cả hai cô cùng một cô khác nữa tên là Diệu Hoa.

Lấy thức ăn và một chai bia xong, tôi lững thững tìm một cái bàn còn trống để ngồi xuống. Tôi ít khi đi dự party, nhất là một buổi tiệc lớn như thế này. Nhà của Thuỳ Hương nằm trên một ngọn đồi của vùng Anaheim Hills. Buổi tiệc được tổ chức ở khoảng sân bát ngát phía sau nhà, nhìn xuống có thể thấy một vùng thành phố lấp lánh ánh đèn ban đêm thật tráng lệ. Tôi cảm thấy lạc lõng vì không có ai để nói chuyện, trong khi không khí chung quanh tôi vô cùng thân mật và huyên náo. Trước bức tường cao chót vót ngăn nhà của Thuỳ Hương và nhà hàng xóm là một sân khấu dã chiến với ban nhạc “một người” cùng một cô ca sĩ. Hoàng Thuý, từ San Jose xuống, đang trình bày nhạc phẩm “Viens M’Embrasser” bằng một giọng thật điêu luyện. Uống một ngụm bia, tôi khoan thai nhâm nhi cùng với các món ăn vừa chọn, đồng thời thưởng thức âm điệu ướt át của bài nhạc Pháp. Vừa lúc đó, Mỹ Trang trờ tới nói:

-           Ông Trí làm gì ngồi đây một mình vậy? Đi ra đây ngồi chung với các bạn của Trang nè!

Tôi phải vội vàng cầm dĩa thức ăn và chai bia tất tả chạy theo Mỹ Trang ra tới chỗ có dãy bàn dài kê dưới những mái lều màu trắng. Ngọc Lan và ông bạn người Mỹ tên Joe đã ngồi sẵn ở đó. Thế là tôi cảm thấy đỡ lạc lõng vì đã có người nói chuyện. Một lát sau, có một cô khác đến bàn và ngồi xuống cạnh chúng tôi. Hoá ra Ngọc Lan và cô này, tên Lệ Hằng, là bạn học ngồi kế bên nhau thời trung học, hơn bốn mươi năm sau mới gặp lại. Vừa ăn, Lệ Hằng vừa hỏi Ngọc Lan:

- “Ảnh” đó hả Lan?  Hai người quen nhau thế nào vậy? Bao nhiêu tuổi?

Ngọc Lan cười đáp:

- Chuyện ly kỳ lắm Hằng ơi! Ổng hơn Lan có mười một tuổi hà!

Chợt Joe bảo:

- We’re sitting pretty far from the heater. I feel kind of cold.

Tôi cũng không thích ngồi phía lều, vừa lạnh, vừa sát hai cái loa ầm ĩ nên phụ hoạ:

- Ừ, tôi cũng thấy lạnh. Thôi tụi mình vào phía trong đi.

Thế là bọn tôi lại cùng nhau chạy vào cái bàn tôi ngồi lúc nãy. Lệ Hằng gặp một anh bạn cũ, kéo qua bàn kế bên nói chuyện, quên bẵng đi việc chờ nghe câu chuyện của Ngọc Lan! Khi còn lại ba chúng tôi, tôi nhìn Ngọc Lan bảo:

- Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp lại Ngọc Lan ở Mỹ. Lúc đó tôi làm teller ở Bank of America trên Beverly Hills, còn Ngọc Lan là khách hàng đến gởi tiền. Lan còn nhớ không?

Ngọc Lan cười nhẹ:

- Lan nhớ chứ. Hồi đó Trí nhìn còn thư sinh. Bây giờ phát tướng hơn rồi.

Ngọc Lan nói đúng. Nhìn lại cô ta, tôi thấy cô vẫn còn đẹp như xưa, có phần còn đẹp hơn nữa vì đây là nét đẹp chín muồi so với thời còn thiếu nữ. Ngày trước, Ngọc Lan nổi tiếng không những là con gái nhà giàu ở thành phố Nha Trang miền cát trắng, mà còn vì nét đẹp sang trọng, quý phái của mình. Không biết ai khác thấy thế nào, chứ riêng tôi thấy vẻ đẹp của Ngọc Lan không thuần Việt mà dường như có một chút “hương xa” trong đó. Dạo đó, mỗi lần thấy Ngọc Lan tha thướt, yểu điệu đi qua trước cửa lớp tôi (hai phòng học kế bên nhau), tôi vẫn thường chiêm ngưỡng sắc đẹp ít có của cô và thầm so sánh cô với một nàng công chúa Thái Lan trong cung điện dát đầy vàng óng ánh, rực rỡ. Tôi hỏi Ngọc Lan:

- Hai ông bà bây giờ ở đâu?

Ngọc Lan nhìn qua Joe đang lắng nghe một người đàn ông hát “Tombe La Neige” trên sân khấu:

- Lan ở Huntington Beach còn ảnh ở Corona Del Mar.

Tôi ngạc nhiên:

- Ủa, vậy ra hai người...

Ngọc Lan tiếp lời tôi:

- ...vẫn nhà ai nấy ở, Trí ạ.

Rồi cô vui vẻ tiếp:

- Để Lan kể cho Trí nghe Joe và Lan gặp nhau ra sao nhe.

Cô quay qua khều Joe:

- I’m going to tell Tri how we met.

Joe gật gù đồng ý. Tôi nheo mắt nhìn ông ta:

- I will make sure she’s not going to exaggerate or omit any interesting details.

Ngọc Lan mỉm cười rồi bắt đầu câu chuyện, lẫn trong tiếng nhạc trầm bổng và tiếng người nói cười chung quanh.

*

- Lâu lắm rồi Trí mới gặp lại Lan nên chắc Trí không biết là anh Trân, chồng của Lan, mất đã hai năm nay.

Ảnh và Lan đã sống thật hạnh phúc với nhau trong ba mươi năm. Ngày xưa, cũng như bao nhiêu người con gái mới lớn, Lan cũng có một vài người theo đuổi, từ Việt Nam qua đến bên Mỹ. Vậy mà Lan chẳng thấy hợp với ai cả. Có một đêm, trong một buổi tiệc như đêm nay, Lan tình cờ gặp và nói chuyện với anh Trân. Lúc đó ảnh là bác sĩ từ bên Pháp qua. Chỉ một lần gặp gỡ vậy mà hai đứa thấy hợp nhau ngay và ít lâu sau, anh Trân qua Mỹ để làm đám cưới với Lan và định cư luôn ở đây. Tụi Lan có hai cháu, một trai, một gái, đã học hành xong xuôi và có công việc đàng hoàng, ở riêng rồi.

Phải nói là Lan thật diễm phúc khi có người chồng như anh Trân. Ảnh chìu chuộng Lan hết sức, mãi cho đến ngày ảnh phát bệnh ung thư. Tụi Lan có hãng bảo hiểm tốt nên ảnh cũng cầm cự được hai năm mới mất. Khỏi phải nói chắc Trí cũng có thể hiểu được Lan đã khổ cực với ảnh lúc bệnh ra sao, và đã đau đớn biết ngần nào khi ảnh không thể cãi lại số phận đã an bài. Lan đã từng đọc tiểu thuyết thấy những cảnh đời tương tự, vậy mà khi chuyện xảy đến cho Lan, Lan đã bàng hoàng vì không thể ngờ trên thế gian lại có chuyện như thế dành cho mình. Năm đầu tiên sau khi anh Trân mất, Lan hầu như không bước ra khỏi nhà, công việc buôn bán giao lại cho người thân tín trông coi. Lan thường phải uống thuốc ngủ để có càng nhiều giờ phút mộng mị, xa rời thực tế càng tốt.

Cũng phải đến chín, mười tháng sau Lan mới lấy lại một chút bình tĩnh và thăng bằng trong cuộc sống. Lan còn nhớ một buổi sáng, Lan thức dậy sau một đêm dài khó ngủ, nhìn mình trong gương và thảng thốt thấy một khuôn mặt hốc hác, tiều tuỵ của một kẻ mất hồn, mất phương hướng trong cuộc sống. Thốt nhiên, Lan nhớ tới hai câu thơ của thi sĩ Thái Can mà Lan đã đọc được đâu đó lúc còn là nữ sinh trung học: “Em nên điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười.” Sau hôm đó, Lan quyết định phải bắt đầu sống lại. Lan tin chắc anh Trân cũng không muốn thấy Lan phải héo mòn vì yêu và tiếc nhớ ảnh như vậy. Lan trở lại với công việc buôn bán, ăn uống điều độ hơn, tập thể dục thường xuyên, và nhất là chịu khó trang điểm lại, một thói quen mà Lan đã quên đi trong cả chục tháng trời.

Thấm thoát mà ngày giỗ đầu của anh Trân đã đến. Nhìn lại cả một năm trời vừa qua, Lan tưởng chừng như anh Trân không chết mà chỉ đi đâu xa chưa về, như ngày trước ảnh vẫn thường có những chuyến đi như thế. Trong cả một năm trời, như người Mỹ thường nói, Lan vẫn có “bad days” và “good days”. Có hôm Lan tưởng chừng như không thể nào đứng lên nổi để đi tiếp quãng đời còn lại. Có hôm tâm hồn Lan lại chợt bình yên như mặt hồ phẳng lặng, như thể cảnh ngộ nào Lan cũng chịu đựng được. Ngày giỗ đến, Lan không muốn theo thói đời tổ chức một bữa cúng bái, với nhiều người đến ăn uống, nói cười, trong khi Lan chỉ muốn âm thầm nhớ đến người đã khuất. Lan chỉ muốn ngày đó là một ngày riêng tư của anh Trân và Lan. Lan nấu một bữa ăn nhỏ tượng trưng, với vài món ăn mà sinh thời anh Trân vẫn thích. Rồi bày biện tất cả lên bàn thờ, rót trà, thắp hương, Lan ngồi bên cạnh nghĩ đến anh thật nhiều, thật nhiều, trong nhạt nhoà nước mắt.

Sau đó, Lan lái xe đến nghĩa trang, nơi có mộ phần đựng hũ cốt của anh Trân. Lúc bệnh trở nặng, ảnh có trăn trối dặn Lan khi ảnh mất đi phải thiêu và rải tro cốt ra biển. Lan làm y lời ảnh dặn, thuê một chiếc tàu ra biển Huntington Beach, bùi ngùi nhìn mớ tro của người thân yêu bay tứ tán trong gió biển lồng lộng. Anh Trân đã về với trời, với biển. Còn Lan ở đây, ngồi cạnh bên mộ phần có bức chân dung của người mà vẫn như đang mỉm cười âu yếm với Lan. Lan ngồi đó mãi đến khi trời dần tối, nghĩa trang sắp đóng cửa, mới lững thững ra về, tâm hồn nghe phiêu hốt, bềnh bồng ở một nơi chốn mà sự sống và cái chết giao thoa với nhau một cách bí mật, lạnh lùng.

Mọi đêm Lan sợ nhất là mất ngủ. Vì mất ngủ có nghĩa là Lan phải nằm trằn trọc nhớ lại những khúc phim tươi đẹp ngày xưa của gia đình, có anh Trân lúc nào cũng vui cười, nói năng, đùa bỡn. Nhưng đêm nay, tự dưng Lan thấy can đảm lạ thường. Lan muốn thức để ôn lại kỷ niệm xưa, để thì thầm với anh Trân về tất cả những gì Lan muốn nói tự bấy lâu nay. Nghĩ vậy, Lan không lái xe về thẳng nhà mà tạt vào một tiệm Starbucks bên đường để kiếm chút caffeine hỗ trợ cho đêm nay. Đứng trước quầy, Lan dõng dạc bảo người barista:

- Please give me four shots of espresso.

Lúc mở ví trả tiền, Lan luống cuống vì không tìm ra chút tiền mặt nào. Dạo sau này, Lan không còn thói quen mang thẻ tín dụng theo mình vì có lần đã bị mất, phiền phức không thể tả. Chưa biết tính sao thì từ sau lưng Lan, một giọng Mỹ trầm ấm cất lên:

- Miss, please let me take care of it.

Lan chưa kịp phản ứng thì người đàn ông đó đã nói với người bán hàng:

- I’d like a tall green tea latte and will pay for both orders, please.

Lúc ấy, Lan cứ đứng sững như trời trồng, không nói “yes” mà cũng chẳng nói “no” được. Mãi đến lúc người đàn ông cầm ly cà-phê đưa cho Lan, Lan mới lắp bắp nói:

- I don’t know how to thank you properly. It was so embarrassing! Let me run to my car and get some money to pay you back.

Người đàn ông mỉm cười thật nhẹ:

- It won’t be necessary. It’s nothing, really.

Lan cương quyết:

- It’s NOT nothing! I owe you. And I’ve never owed anyone in my life before.

Nói xong, Lan chạy nhanh ra xe để lấy tiền. Đúng là tổ trác, cái ví trong glovebox mọi lần Lan vẫn có chút tiền “emergency” mà hôm đó cũng trống rỗng! Thật là kẹt hết chỗ nói. Thế là Lan đành thiểu não bước vào tiệm trở lại. Người đàn ông nhìn mặt Lan, đoán được tình hình, vội nói cho Lan đỡ khó xử thêm một lần nữa:

- There’s no rush. I’m Joe Campbell. Here’s my card. When you’re ready to pay me back, just call me up, all right?

Tới nước đó, Lan đành nói xuôi xị:

- Nice to meet you. I’m Lan. Thank you very much for being so nice to me. I’m otherwise speechless!

Lan gật đầu chào Joe, cầm lấy tấm danh thiếp, rồi trở ra xe, lòng nặng nề khó tả. Hớp một ngụm cà-phê, Lan thấy sao nó đắng hơn mọi khi cả trăm lần. Vừa lái xe, Lan vừa miên man suy nghĩ. Lúc nãy vì lúng túng quá mà Lan cũng không nhìn rõ mặt vị mạnh thường quân bất đắc dĩ đó. Giá ít lâu sau mà Lan có tình cờ đứng trước mặt ông ta chắc cũng không thể nhận ra.

Đêm đó, Lan không ngủ được thật. Nhưng thay vì chỉ có hình ảnh anh Trân trong ý nghĩ, lại lởn vởn có thêm hình ảnh mờ nhạt của người đàn ông Mỹ tên Joe.

 

Rồi ngày tháng lại tiếp tục trôi qua. Lan đã trở lại với công việc, đã trang điểm lại như xưa, nhưng không biết để ngạo nhân gian làm gì nữa. Tâm hồn Lan lắng đọng, nỗi buồn thì vẫn còn đó. Thỉnh thoảng, như một vết thương gặp ngày trái gió trở trời, nỗi buồn đó lại dâng cao. Lan đi về như một cái bóng. Mỗi cuối tuần vẫn gặp các con trong bữa ăn họp mặt. Hai con của Lan cũng vui khi thấy mẹ bớt vẻ sầu não như bấy lâu nay. Chỉ có riêng Lan mới biết được rằng, dù sao đi nữa, tâm hồn mình vẫn quá yếu đuối, mong manh, như một thân bướm nhỏ. Chỉ một làn gió lớn thổi qua thôi chắc cũng đủ làm xao xuyến, lao đao.

Một buổi trưa nọ, Lan bị một cơn nhức đầu nhẹ nên giao việc cho người quản lý rồi lái xe về nhà nằm nghỉ. Về đến nhà, Lan uống một ly nước lạnh, bật máy điều hoà lên, mở nhạc hoà tấu nhè nhẹ và ngủ thiếp đi trong căn phòng rộng lớn, im lặng. Giấc ngủ trưa bất ngờ nhưng thật sâu, đủ để làm cho Lan có một giấc chiêm bao ngắn. Trong mơ, Lan thấy anh Trân, nét mặt vui vẻ hơn mọi lần. Ảnh không nói với Lan lời nào cả mà chỉ nắm lấy tay Lan, kéo Lan lướt qua những ngọn đồi thông bát ngát mà Lan chưa lần nào đến trong đời. Rồi Lan tỉnh giấc. Cơn nhức đầu đã tan biến. Hình ảnh của giấc mơ êm ái làm tâm hồn Lan ấm áp. Nhưng đồng thời, một nỗi cô đơn lạ lùng nào đó cũng chợt dâng lên trong lòng Lan. Thốt nhiên, Lan nhớ đến Joe và tấm danh thiếp đêm nào. Lan vùng dậy, chạy đến cái ví, lục lọi một hồi và thở phào nhẹ nhõm khi thấy nó vẫn còn đó. Đây là lần đầu tiên Lan đọc tấm danh thiếp. Trên tấm danh thiếp Lan thấy dòng chữ “Joseph Campbell, CEO – Microchip Corporation, Inc.” và bên dưới là địa chỉ email cùng số điện thoại. Lan giật mình nhớ lại món nợ cà-phê mình chưa trả. Trời đất, đã mấy tháng qua rồi! Vậy mà đêm đó mình dám hùng hồn tuyên bố là cả đời mình chưa hề nợ ai! Thế là Lan vớ lấy cái điện thoại và vội vã bấm số. Sau vài tiếng reng, bên đầu dây kia là giọng nói của người đàn ông tốt bụng đêm nào:

-Hello. Microchip Corporation. This is Joe. How may I help you?

Lan hồi hộp nói:

- Mr. Campbell, maybe you don’t remember me. But this is Lan, the one who owed you way more than a cup of coffee the other night at Starbucks.

Giọng Joe ròn rã trong điện thoại:

- Of course I remember you. And please call me Joe, OK? I never expected that you would call me!

Lan nhíu mày:

- Why? Because you didn’t think I remembered my debt?

Joe vội đáp:

- Oh, no. I’m really sorry. It just didn’t come out right. I did not mean it like that. I meant I was very pleasantly surprised that you called.

Lan hỏi:

- When and where can we meet so I can...

Joe đỡ lời:

- ... so we can have a good chat, right? Well, I’ve been thinking of a nice restaurant in Orange, if you’re OK with it.

*

Chuyện kể tới đây, Lan ngó qua Joe một cách trìu mến và quay lại bảo tôi:

- Nói theo tiểu thuyết Mỹ, câu chuyện Lan kể cho Trí nghe tới chỗ đó là mình có thể kết thúc bằng câu “... and the rest is history!”

Tôi “phỏng vấn”:

- Vậy Ngọc Lan cho ông này mấy điểm trên mười?

Ngọc Lan trả lời không đắn đo:

- Chín điểm.

- Còn anh Trân?

- Bảy điểm!

Tôi ngạc nhiên thật sự:

- Dữ vậy sao? Lý do?

Ngọc Lan trả lời:

- Ông này hiểu Lan ghê lắm. Nói ra thì sợ vong linh của anh Trân buồn chứ thật tình từ trước tới giờ chưa có ai tỏ ra hiểu Lan như ổng. Ổng có thể ngồi hàng giờ để nghe Lan tâm sự, không phải giả vờ chú ý nghe đâu, mà còn hỏi lại những câu chứng tỏ là ổng quan tâm thật sự.

Tôi ngó thẳng Ngọc Lan:

- Cái này tôi nói thật lòng với Lan nghe. Tôi nghĩ Lan nên giữ như vầy đi mà hay hơn. Cứ làm bạn với nhau, rồi nhà ai nấy ngủ, quần áo ai nấy giặt, vậy mà vui hơn!

Ngọc Lan thở dài:

- Lan cũng nghĩ y như Trí nói vậy. Trí biết không, Lan thương ổng lắm, nhưng Lan cũng quý cái tự do của mình không kém. Với lại Lan cũng chưa thấy mình ready chút nào. Anh Trân mới mất có hai năm thôi.

- Còn phần ông ta thì sao?

- Khỏi phải nói. Ổng đòi cưới Lan hoài. Mấy đứa con của ổng cũng như hai đứa con của Lan cũng đều ủng hộ chuyện này hết mình.

Tôi đăm chiêu:

- Kể ra cũng không fair cho ông ta, phải không Lan? Ông ta lớn hơn Lan nhiều mà bắt ổng đợi như vậy thì tội quá. Nếu hai người bằng tuổi nhau thì chẳng ai thiệt thòi hơn ai cả. Tôi thấy cũng khó cho Lan thật.

Ngọc Lan gật đầu:

- Đúng vậy đó Trí. Ổng thiếu điều muốn lo cho Lan mọi mặt về tài chính, nhưng Lan nhất định không chịu. Lan chỉ bằng lòng nhận quà sinh nhật và Giáng sinh thôi, ngoài ra thì Lan không muốn nhận thứ gì khác nữa. Lan nói với ổng là tình yêu của ổng dành cho Lan đã quá đủ rồi. Lan có sự nghiệp riêng của Lan, không cần nhờ vả ai cả.

Đoạn cô nhún vai:

- Thôi, chắc tới đâu hay tới đó. Vui được ngày nào hay ngày nấy, phải không Trí?

Trên sân khấu, một cô bạn ngày xưa học trường tây đang trình bày bài “Le Temps De l’Amour” mà Françoise Hardy vẫn thường hát. Ngọc Lan níu tay Joe, tình tứ nói:

- Let’s dance, honey!

Đang ngồi chán chường, Joe tươi ngay nét mặt, vui vẻ dìu Ngọc Lan ra “sàn nhảy” trước sân khấu. Cả hai cùng dập dìu theo tiếng nhạc bên cạnh những cặp khác. Còn lại tôi một mình bên chiếc bàn ngổn ngang thức ăn, ly tách. Thảo Phương chợt đi ngang qua thấy tôi:

- Trí ngồi một mình hả? Phương ngồi đây nói chuyện cho vui nghe?

Tôi cảm động đáp:

- Ừ, Phương ngồi đây chơi đi!

Nếu Thuỳ Hương, chủ nhân của buổi tiệc hôm nay là bạn của bạn tôi, thì Thảo Phương là bạn của bạn của bạn tôi, vì trước đây chúng tôi chưa bao giờ biết nhau lúc còn ở Nha Trang cả.  Tuy nhiên, có những người bạn mới quen qua những người bạn cũ mà chỉ qua một vài lời trao đổi, ta có thể thấy được nhiều điểm đồng cảm đầy thú vị. Trước đây tôi có gặp Thảo Phương vài lần trong những cuộc hội ngộ khác nhưng chỉ chào nhau mà chưa bao giờ có dịp nói chuyện. Đây là lần đầu tiên chúng tôi trò chuyện với nhau. Cả hai cùng ôn lại những cảnh cũ ở Nha Trang ngày xưa, nhắc đến những người bạn mà chúng tôi cùng biết. Thảo Phương nói chuyện thật điềm đạm, tự tin và thật đáng mến. Đúng là “tha hương ngộ... đồng hương”! chúng tôi thấy thật gần gũi với nhau vì có chung một quê hương ngày trước. Nguyệt Cầm, một cô bạn khác cũng ghé xuống ngồi nói chuyện với chúng tôi. Trong chốc lát, tôi bỗng thấy mình không còn lẻ loi như trước nữa.

Đêm càng về khuya, những lời ca, tiếng hát trên sân khấu càng nồng nàn, sâu lắng. Hết “ca sĩ” này đến “ca sĩ” khác lần lượt lên khoe giọng hát. Từ khi có karaoke đến giờ tự dưng ai cũng hát hay hẳn lên. Chúng tôi tha hồ thưởng thức những bài hát gợi lại một thời vàng son xưa cũ, nào là “Nha Trang” của Minh Kỳ, “Mùa Đông Của Anh” của Trần Thiện Thanh, “How Can I Tell Her” của Lobo, vân vân và vân vân. Cao hứng, tôi nhờ cô bạn mới hát xong bài “Le Temps De l’Amour” lên ghi tên với ban nhạc cho tôi hát góp vui một bài. Khi bài hát trên sân khấu vừa chấm dứt trong tiếng vỗ tay, cô ca sĩ trong ban nhạc giới thiệu tên tôi. Tôi từ giã Phương Thảo và Nguyệt Cầm để lên “sân khấu”. Cầm lấy micro, tôi ngỏ lời muốn tặng bài hát “Tous Les Garçons Et Les Filles” cho ba cô bạn có chung ngày sinh nhật và tất cả mọi người, kèm theo lời chúc sinh nhật bằng tiếng tây cho oai: “Bonne Anniversaire!” Trong lúc hát, tôi để ý thấy Ngọc Lan và Joe vẫn còn say sưa khiêu vũ trong đám đông trước mặt tôi.

Hát xong bài, tôi cúi chào mọi người và thấy một số người đang lục tục ra về. Tôi cũng muốn về theo nên ghé lại bàn cũ và nói lời chào Thảo Phương cùng Nguyệt Cầm. Thuỳ Hương và Mỹ Trang đưa một nhóm bạn và tôi ra đến cửa. Lúc ấy, một người nào đó bắt đầu trình bày bản “Bésamé Mucho” bằng tiếng Pháp. Tôi chắc sau lưng tôi Ngọc Lan và Joe vẫn tiếp tục khiêu vũ với bài hát này và tiếc rằng không có dịp chào tạm biệt Ngọc Lan. Lời hát của bài này bằng tiếng Pháp tuy hay nhưng không giống như bản gốc tiếng Tây Ban Nha. Tôi nghĩ lời bằng tiếng Tây Ban Nha có lẽ phù hợp với tâm sự của Ngọc Lan đêm nay hơn. “Bésame, bésame mucho. Como si fuera esta noche la última vez.” Hãy hôn em đi. Hãy hôn em thật nhiều. Như thể đêm nay là đêm cuối cùng.

Từ giã và cám ơn Thuỳ Hương cùng Mỹ Trang xong, tôi bâng khuâng bước ra giữa trời khuya lạnh ngắt. Tôi mường tượng ra Ngọc Lan vẫn còn đang âu yếm tựa đầu vào vai Joe trong giai điệu trữ tình và lời ca u uất của bài hát. Tôi tưởng tượng rằng Ngọc Lan muốn bài ca này không bao giờ chấm dứt, hay đêm nay sẽ không bao giờ tàn. Để Ngọc Lan không phải đối diện với những buổi sớm mai, kế tiếp khi mà câu hỏi vẫn từng ngày làm cô ray rứt, chẳng biết mình có nên nối lại cung đàn đã lỡ hay không?

Tôi lên xe, mở máy và đạp ga. Xe lướt đi dưới trời đêm đầy sao vùng Anaheim Hills. Trong đầu tôi vẫn còn váng vất câu chuyện của Ngọc Lan và lời ca của bài “Bésamé Mucho” diễm lệ.

Trần C. Trí

 

Ý kiến bạn đọc
10/07/201901:52:14
Khách
cho ông chồng cũ 7 điễm thôi còn cho ông bồ Mỹ 9 điễm ...... như vậy có hơi vội vàng không ....? chỉ vì ông Joe quan tâm lắng nghe hàng giờ
.....?....vv ....vvvv
theo tui phải về sống với nhau it nhất 4, 5 năm thì mới biết rõ tâm tánh như thế nào , chứ lúc bồ bịch hay cuối tuần mới gặp nhau 2 ngày rồi nhà ai nấy ở thì khó nói lắm
nhất là con người thường hay thay đổi
06/12/201704:12:05
Khách
Tác giả là người trong cuộc, thầm vươn vấn Ngọc Lan, nên không thấy được sự thật dối lòng của người tình hờ. Khi thật sự yêu ai bằng cả tấm lòng, người ta sẽ bỏ tất cả để tìm cách sống chung với nhau, xây dựng hạnh phúc. Nếu Ngọc Lan thật sự yêu Joe , nàng sẽ cuốn gói dọn về nhà Joe từ lâu rồi. Có khi Joe không “available” cũng “no problem” luôn.
Ngọc Lan không bỏ căn nhà cũ vì chỉ có nơi đó Ngọc Lan mới cảm nhận được hai chữ “tình yêu”. Joe hay ai đó cũng chỉ là miếng đệm qua một hai tiếng giải sầu cho qua tháng ngày u mê. Cho Joe 9 điểm mà chỉ cho ông chồng 7 điểm còn chần chừ chi mô.
Ới hỡi Ngọc Lan, hãy nghe lại một bài hát nổi tiếng: “con gái nói có là không”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,277,985
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến