Hôm nay,  

Bữa Tiệc Gà Tây Của Người Đãi Vàng

24/11/201700:00:00(Xem: 16221)
Tác giả: Phương Hoa

Bài số 5275-19-31121-vb6112417

Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục,  có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.

***

Hằng năm tới mùa lễ Tạ Ơn, khi nào các siêu thị Mỹ bán gà Tây giá rẻ đặc biệt thì thế nào tôi cũng đến bê về một con.  Những ngày sale ấy phải nói là giá rất rẻ, chỉ chưa tới 30 xu một cân Anh, trong khi ngày thường cũng phải đến mấy đồng. Năm nào tôi cũng nướng một con to vừa phải rồi kêu mấy đứa con dẫn tụi nhóc cháu về cùng chung vui.  Nhưng năm đó mấy đứa con báo trước là không về trong ngày Lễ Tạ Ợn được vì anh chị em chúng nó rủ nhau đi vacation nên tôi không nướng gà Tây. Tôi chờ tới gần ngày lễ mua một con về để lọc thịt làm chả. Chả làm bằng gà Tây cũng dai và thơm ngon không kém gì chả cá, ăn lại không sợ cholesterol dù ăn nhiều vì thịt gà Tây không có mỡ.  Tôi thường làm chả gà Tây trộn với chả cá và khi chiên lên ăn không ai biết trong đó có thịt gà.

Hôm ấy đến chợ Safeway tôi vào chỗ tủ lạnh lựa gà. Tôi cố moi móc xốc xổ từ dưới lên trên, lật những con gà nặng trình trịch qua một bên và cuối cùng tôi tìm thấy một con thật bự, bự nhất của đống gà trong tủ, để về lọc cho được nhiều thịt.  Mừng quá tôi vừa thò tay định lôi nó lên, thì một bàn tay phụ nữ trắng trẻo mang bộ móng giả thật dài có vẽ trang trí đủ màu lá úa cho mùa lễ Thanksgiving thò vào chộp con gà bự của tôi lên một cái rẹt nhẹ nhàng. Tôi giật mình ngước nhìn người phỏng tay trên con gà của tôi. Thấy tôi nhìn bà vội bỏ xuống:

– Ồ, tôi xin lỗi! Bà ta nói.  – Chị đã chọn con gà này hả?

Tôi chợt nhận ra đó là bà Rachel, người bạn Mỹ hàng xóm thường cùng chồng là ông Peter đi câu cá salmon trên sông Yuba vào cuối tuần với vợ chồng tôi. Nhưng họ đi câu cá là phụ, che mắt cảnh sát, còn chuyện chính là lảng vảng ngoài bờ sông để đãi vàng.

– Ô Rachel! Tôi reo lên. – Chị cũng đi mua gà Tây sao?  Con gà này lớn nhất trong tủ đấy! Bộ năm này chị định nướng con gà bự này hả? Vậy thì chị hãy lấy đi!

Rachel cũng kêu lên ngạc nhiên khi thấy tôi. Bà chào tôi rồi nói với giọng đầy hào hứng:  – Vâng! Năm này tôi phải nướng một con gà thật to để ăn mừng vì chúng tôi vừa…trúng mánh!

 – Vậy sao?  Tôi kêu lên. – Có phải trúng độc đắc lô tô không?

– No! Tôi trúng… vàng!

– “Are you kidding?” Chị không đùa đấy chứ? Tôi nói mà chân lông dựng cả lên.

Hỏi thì hỏi vậy, chứ tôi tin là Rachel nói thật.  Lâu nay vợ chồng bà đã bỏ nhiều thời gian miệt mài đãi vàng kiểu thủ công dọc theo bờ sông Yuba. Sông Yuba là một trong những dòng sông có vàng của California.  Nó là một nhánh chính từ sông Feather River, là dòng sông có mỏ vàng rất nổi tiếng, chảy qua thung lũng Sacramento, miền Bắc California.

Sau khi dọn đến thành phố này một thời gian, tôi biết được những dòng sông như Feather River và Yuba River có mỏ vàng rất lớn trên mấy trăm năm tuổi, nên hào hứng tìm hiểu.  Tôi đi gom góp thông tin từ các thư viện, bảo tàng địa phương, các chứng tích như máy lọc vàng khổng lồ cũ kỹ hoen rỉ nằm trên công viên thành phố cho du khách ngắm, và từ mạng internet. Tôi được biết, cuối những năm 1840 là thời kỳ cao điểm đào vàng ở California.  Những người châu  u đầu tiên đến định cư dọc theo bờ sông Yuba này để khai thác mỏ vàng trên sông.

Theo những bậc lão niên thành phố Marysville, thì thuở còn hoang sơ các thợ mỏ vàng đầu tiên đến Yuba hầu hết sử dụng hộp rocker và chảo cạn để đãi vàng từ sỏi của dòng sông này.  Dù là những phương pháp đơn giản, họ cũng đã thu được một số lượng lớn tấn vàng, trước khi các dụng cụ máy móc hiện đại xuất hiện. Sau đó phong trào đào vàng phát triển mạnh, các công ty kéo tới máy móc đào bới cả ngày lẫn đêm chở đi không biết bao nhiêu là vàng. Hậu quả của sự đào bới và lọc cát tìm vàng trên sông lâu ngày số cát đất đào lên đã nâng cao đáy sông làm xảy ra nhiều trận lụt lớn tràn ngập cả thành phố Marysville. Chính quyền thành phố đã phải tốn thật nhiều kinh phí xây một con đê dài bao bọc quanh thành phố để chống lụt.

Tuy việc khai thác vàng ở dòng sông Yuba đã dừng từ lâu, ngày nay người đi câu cá salmon trên sông vẫn thường gặp những cá nhân đi kiếm vận may. Họ thường len lỏi theo bờ sông trong những ngày cuối tuần khi mà các cơ quan chính phủ đóng cửa, để đãi vàng, sẽ không bị những người có chức năng tuần tra trên sông “hỏi thăm sức khỏe”.  Đặc biệt nhất là sau những cơn lũ lụt, người dân ở đây thường đi dọc hai bên bờ sông để tìm những viên đá vàng bị nước xoáy đẩy trồi lên và tấp vào bờ. Đã từng có nhiều du khách dạo chơi bờ sông Yuba may mắn lượm được những cục vàng “nuggets” rất giá trị.

– Anh chị trúng ở chỗ bờ sông, gần khu rừng chúng ta thường câu cá đấy hả? Trúng đậm không? Tôi hỏi bằng một giọng đầy kích thích.

– Không nhiều lắm!  Rachel nói xong cười ha hả một cách vui sướng. Đúng là người Mỹ thật thà, không ích kỷ dấu diếm để dành cho riêng mình. – Nhưng cũng đủ làm một bữa tiệc Tạ Ơn thật oách cho năm này! Chúng tôi đã gặp may, sau cơn lụt nước vừa rút đi là Peter chạy ra bờ sông ngay và “hit” (vớ được) một “nugget” (vàng cục).

– Wow! Thế thì ít nhất nó cũng nặng cỡ mấy ounce rồi còn gì! Chúc mừng chị nhé!

– Đó là công lớn của Peter.

– Trời đất ơi! Thích quá! Tôi lại kêu lên, nhưng trong bụng tiếc thầm. Phải chi ngày đó sau cơn lụt chúng tôi chịu khó ra bờ sông đi vòng vòng biết đâu cũng đã “vô mánh” như họ. Thật ra thì tôi cũng đã từng thử đi...tìm vàng đó chứ! Mỗi khi nhà tôi ngồi câu, tôi không đủ kiên nhẫn ngồi yên một chỗ nên thường đi lang thang vào khu rừng thấp dọc bờ sông tìm hoa dại chụp hình. Thấy nhiều người dò dẫm tìm vàng và thỉnh thoảng có người may mắn, tôi cũng xuống mé nước lượm những viên sỏi sáng bóng lóng lánh đem về. Nhưng rồi vác búa ra đập đến chát tay vàng đâu không thấy, chỉ thấy cái cổ tay muốn sụm bà chè, nên đem bỏ chúng vào các chậu hoa. Thấy bà Rachel chăm chú đãi và lâu lâu tìm được chút ít vàng vảy, vài lần tôi cũng hốt một bao nilon cát ở mé nước, nơi có ánh vàng lấp lánh rực rỡ dưới ánh mặt trời, đem về nhà rồi lôi cái nắp nồi ra đãi như đãi gạo sạn, nhưng cũng chỉ thấy toàn là cát với cát. Ông Peter là một cựu chiến binh, bị thương tật chân đi cà thọt, hiện là người giúp đánh chuông cho nhà thờ. Chiều Chúa Nhật nào làm xong việc Chúa ông đều cà nhắt ra bờ sông cùng vợ câu cá và đãi vàng. – Có lẽ nhờ Peter làm việc Chúa nên được Ngài ban phước cho đó! Tôi nói với Rachel.

Trước khi chia tay đi mua các thứ để nướng con gà Tây, Rachel mời tôi nhất định phải đến chung vui tiệc gà Tây “Potluck” tại nhà mẹ bà trong ngày Lễ Tạ Ơn. “Vì hôm đó cũng sẽ có mặt nhiều bạn già của mẹ tôi cho chị tha hồ mà tìm kiếm thông tin để viết, và nếu chị muốn hỏi kỹ Peter về…cục vàng ông nhặt được.” Bà nói và cười vui vẻ.

Tôi thật cảm động. Rachek biết tôi thường gom góp những câu chuyện và thông tin cho việc viết lách.  Vợ chồng bà đã đọc những tác phẩm của tôi đăng trên Việt Báo được tôi dịch ra tiếng Anh, như bài “Bảo Tàng Của Người Chiến Sĩ Bị Bỏ Quên” đăng trên trang nhà của Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam Marysville, và mấy bài khác viết về những người bạn Mỹ của chúng tôi. Vợ chồng tôi cũng quen thân bà Macey mẹ của Rachel. Bà sống một mình trong căn nhà di động ở “Mobile Home Park” rất gần nhà tôi, và tôi thường đem đến chia xẻ các món ăn Việt Nam mỗi lần có vợ chồng con gái Rachel đến thăm mẹ.

Vì năm này nhà tôi không tổ chức mừng lễ, nên tôi nhận lời bà Rachel. Buổi chiều ngày Lễ Tạ Ơn tôi làm một khay chả giò năm chục cuốn, “món ruột” của tôi mỗi khi đi dự tiệc cùng những người bạn Mỹ ở đây. Ai nấy đều thích cái món ăn béo ngậy giòn rụm này, riết rồi chúng tôi “nổi tiếng” trong thành phố, đi đâu gặp người quen họ đều chào, “Hey! Eggroll friends!” Chào các bạn chả giò! Có nhiều người tuổi nhỏ hơn nhà tôi, mà họ gọi chúng tôi là, “Eggroll kids” Những đứa nhỏ chả giò! Làm chúng tôi chỉ biết cười trừ.

Căn Mobile Home có ba phòng ngủ nhỏ, nhưng phòng khách tương đối khá rộng rãi.  Vợ chồng tôi đến hơi sớm.  Rachel chạy ra tiếp khay chả giò trên tay tôi, miệng trầm trồ không ngớt:

– Wow! Wow! Eggrolls của chị thơm quá! Tôi ăn mà nhớ hoài! Cho tôi thử trước một cái nhé! Xin lỗi, tôi không chờ được! Nói xong bà nhón một cái vừa cắn vừa bưng đem để trên bàn.

Lát sau bạn bè của gia đình lần lượt đến, mỗi người mang theo một khay thức ăn. Tiệc “Potluck” hổn hợp của người Mỹ vậy mà hay. Để đỡ cực nhọc cho một người, thực khách mang tới mỗi người một món khác nhau là đầy đủ và đa dạng. Không có món nào giống nhau, có lẽ người ta đã nói trước với gia chủ.

Bà Macey giới thiệu chúng tôi với ông Tom Mỹ Trắng, là cựu chiến binh Việt Nam ngày trước, cũng là bạn của người chồng quá cố của bà. Hai chị em bà Mỹ Kathy và Kallen ở nhà bên cạnh. Ông Richard cũng là hàng xóm, đến sau cùng mang theo khay thịt Ham hun khói được hầm nhừ với đậu và cần tây trông vô cùng hấp dẫn.

Bà Macey tuy sức khỏe không được tốt phải mang ống thở oxy dây nhợ nhùng nhằng kéo theo sau mỗi bước chân, bà vẫn ăn diện thật đẹp đúng phong cách người Mỹ “chết cũng phải nhìn cho đẹp.”  Chiếc áo đầm dài của bà rực rỡ với màu đỏ lá phong lấp lánh kim tuyến mùa Tạ Ơn. Trang sức trên người cũng phù hợp với chiếc áo đầm làm cho bà nhìn rất trang nhã. Bà đi đứng khó khăn, phải dùng chiếc xe đẩy mỗi khi di chuyển.

Rachel cùng phụ chồng nướng con gà Tây, món chính họ làm hôm nay cùng vài món rau củ. Bữa tối của Lễ Tạ Ơn là sự kiện ăn uống lớn nhất của người Mỹ, chuẩn bị nấu nướng rất vất vả, nên mấy ông chồng, nhất là mấy ông ở tỉnh lẻ, đều ra tay giúp vợ lãnh phần trong bếp.

Khi gà Tây sắp chín, ông Peter “đuổi” vợ ra phòng ăn để chuẩn bị các thứ. Tôi để ông xã ngồi tán chuyện với ông Tom cựu chiến binh Việt Nam, còn tôi đến phụ giúp Rachel bày bàn.

Phải nói là từ trước tới nay tôi từng dự nhiều bữa tiệc tối Lễ Tạ Ơn, của gia đình, bạn bè Việt và cả bạn bè Mỹ, nhưng bữa tiệc hôm nay là tiệc “Potluck” nên đã quy tụ thật đầy đủ các món ăn truyền thống cho ngày này.  Thịt heo hun khói Ham, bánh mì tròn, bột khoai tây trộn bơ, trái ô liu chua, nước sốt cranberry, kem măng tây, bắp trái với cà rốt nướng, bánh bí ngô và bánh táo… còn rất nhiều món salad và rau trộn khác, chưa kể món chả giò Á Châu của chúng tôi!

 

Ngày xưa bà Macey từng là một người sành điệu, nên nhà bà có đầy đủ các đồ vật trang trí bàn tiệc cho ngày lễ. Từ khăn trải bàn, đĩa muổng, hoa khô, đèn cầy, những chiếc nơ để gắn lên cổ các chai rượu vang…đều đồng nhất một màu vàng đỏ có hình lá phong. Bà kêu con gái Rachel đi mở tủ lấy ra xấp khăn ăn có hoa văn gà tây đem ra để cuộn muổng nỉa vào bên trong rồi đặt lên những chiếc đĩa ăn to tướng.

– Tôi có thể giúp gấp số khăn ăn này thành những con gà Tây cho phù hợp với buổi lễ và những vật dụng trên bàn không?

Tôi nói với Rachel, vì chợt nhớ lại những con gà tây bằng khăn giấy tôi thường dạy đám học trò nhỏ của tôi xếp khi còn đi dạy.

– Tuyệt vời! Bà Rachel nói với nét mặt rạng rỡ.  – Chị biết không? Mẹ tôi rất yêu sự trang trí xứng hợp trong ngày lễ. Bà sẽ vui lắm khi thấy đám gà Tây nằm trên những cái đĩa này. Mỗi mùa lễ mẹ tôi đều có một bộ bát đĩa và vật trang trí đặc biệt trên bàn ăn khi đãi tiệc bạn bè. Nhưng nhiều năm rồi mẹ không còn khỏe để chuẩn bị một bữa tiệc linh đình. Chúng tôi đã về hưu, tiền bạc eo hẹp cố định nên lâu nay cũng không thể tổ chức Lễ Tạ Ơn nào cho ra hồn. Đây là dịp may cho chúng tôi làm buổi tiệc này giúp mẹ vui.

Khi ông Peter khệ nệ bê con gà Tây ra bàn thì mọi thứ đã được tôi và Rachel sắp xếp đâu vào đấy. Mọi người trầm trồ liền miệng, vì thấy con gà Tây to quá cỡ bụng nhồi căng cứng được phủ kín bằng những lát thịt ba chỉ mỏng tanh lớn bằng hai ngón tay, đan lồng vào nhau như một tấm phên tre, được nướng chín vàng lườm và chảy hết mỡ. Chỉ nhìn thôi cũng biết là những miếng thịt ba chỉ này khi bỏ vào miệng chúng sẽ giòn rụm và béo ngậy.  Những nhành lá thơm Rosemary chín vàng trang trí trên đĩa gà tỏa hương thơm ngát. Và vô số trái cà nút đủ màu đỏ, tím, vàng, nằm xung quanh đĩa nhìn như chú gà đang ấp những quả trứng màu trông hấp dẫn vô cùng. Quả thật ông Peter nướng và trình bày con gà tây chuyên nghiệp còn hơn cả nhà hàng.

Bà Macey nét mặt không dấu vẻ hân hoan và hãnh diện khi thấy thành quả của chàng rể.  Xoay qua những con “gà tây khăn ăn” được tôi gấp thành với đầy đủ mũi mỏ, cặp mắt xanh đen, và bộ cánh với cái đuôi xòe to tròn nằm kiểu ấp trứng bên cạnh bộ dao nỉa sáng choang, bà đưa tay đè lên ngực và nói với vẻ xúc động:

– Oh My God! Trời ơi! Đẹp quá! Tay nghề của chị thật tuyệt vời!

Tôi thấy hạnh phúc vì đã làm được một chuyện, dù là nhỏ xíu, cho bà Macey vui. Sức khỏe bà trông yếu quá, mỗi khi bà nói sợi dây oxy nơi mũi bà giật giật như thể báo hiệu bà là sắp hụt hơi. Vậy mà bà đã vui vẻ nói chuyện liên tục suốt buổi tiệc.

Ông Peter mời khách vào bàn và dùng dao cắt từng lát thịt lớn bỏ vào mỗi chiếc đĩa. Ông khui chai rượu vang đỏ rót cho mỗi người một ly, xong nâng ly chúc mừng lễ Tạ Ơn đến tất cả và mời nhập tiệc.  Chưa ai đụng đến miếng thịt gà, vì món chả giò Việt Nam của tôi đã được họ “mở hàng” chiếu cố đầu tiên. Nhìn quanh bàn tiệc, tôi rất vui vì thấy đĩa của ai cũng có từ một đến hai cuốn chả giò. Rượu vào có chút hơi men, mọi người bắt đầu tán chuyện.

Giữa tiếng nhai chả giò giòn rụm của mọi người, ông Tom đột nhiên lên tiếng:

– Món chả giò tuyệt quá! Ăn chung với thịt gà Tây và trái ô liu chua thật là hoàn hảo. Ông cười lớn và đùa: – Từ nay chúng ta phải thêm món eggrolls này vào thực đơn các món phụ truyền thống của bữa tiệc gà Tây trong Lễ Tạ Ơn mới được!

– Ngày nay, với đà phát triển văn minh của xã hội, chúng ta đã bị làm hư, (spoiled) vì thứ gì cũng có thể mua dễ dàng ngoài chợ. Bà Macey nói. – Nhớ lại hồi tôi còn nhỏ, mỗi khi đến các ngày lễ là mẹ và bà tôi đều phải tự tay nấu tất cả các thứ.  Muốn làm một món gì đó thì phải học và mua tùm lum nguyên liệu. Ngày nay chỉ cần ra chợ là có cả.  Tôi đã từng mua loại eggrolls làm sẵn đem về chiên, tuy không ngon như những cuộn eggrolls ở đây, nhưng ăn cũng tạm được.

– Đúng rồi đó mẹ! Peter tán đồng. – Con cũng rất thích món này, hầu hết các nhà hàng của người Á Châu đều có tuy mỗi nơi một kiểu và rất mắc. May mắn là các chợ đều có bán eggrolls làm sẵn, ta chỉ cần mua về rồi tự chiên lấy.

Ai nấy đều đồng ý với Peter.

Đang ăn, ông Tom bỗng xoay qua Peter:

– Hey, Peter! Giờ đến lượt anh chị kể cho mọi người nghe về chuyện nhặt được vàng đi. Nhiều năm qua chúng ta chưa có dịp họp nhau trong những ngày lễ lớn. Nhờ chuyện may mắn của các bạn mà hôm nay chúng ta mới có một bữa tiệc vui như vậy.

Peter cười, đưa tay gãi gãi cái đầu hói của anh ta rồi bắt đầu kể về chuyện tìm vàng:

– Hôm đó là buổi chiều sau khi cơn lụt lớn rút đi, từ chỗ trọ tạm di tản theo lệnh của thành phố tôi trở về và đến nhà thờ phụ giúp.  Chúa ơi! Mọi thứ bên trong đều bị ướt nhẹp vì nước tràn vào, dù vùng đất nhà thờ ở trên một dải đất cao và nền móng nhà thờ cũng được xây cách mặt đất đến mấy tấc.  May mắn là khi mực nước lên cao nhất mới bò vô tới bên trong nhà thờ và nước rút ngay sau đó, nên mọi thứ không bị hư hao nhiều.  Phụ cùng mọi người dọn dẹp bùn đất xong, tôi sực nhớ chuyện cũ nên vội vã chạy ra khu vực bên kia sông, gần chỗ đầu cầu. Năm nào sau cơn lũ lụt đều có người ra đây để tìm vận may.

Những lời ông Peter làm tôi nhớ lại. Chỗ đầu cầu gần xa lộ 70 là nơi ông xã và tôi thường ra câu salmon. Đó cũng là nơi vợ chồng bà Rachel câu cá cùng chúng tôi. Hai ông bà sau khi cắm mấy cần câu xuống bờ sông là thường lảng ra xa gần mặt nước dùng tay hốt cát và đãi bằng cái chảo cạn có cái núm sâu chính giữa. Sau khi cả hai đều nghỉ hưu, họ miệt mài tìm kiếm, săn lùng vàng, nhưng cũng chỉ kiếm được chút đỉnh vàng vảy, chẳng được là bao. Hy vọng nhất là mùa mưa, có nhiều người may mắn kiếm được của trời cho từ dòng sông này.

Khi dòng nước lũ từ “sông mẹ” Feather River đổ về mang theo những mảnh vàng đã già hơn 200 năm tuổi, có khi vàng cục hoặc kim cương. Những mảnh vàng này rơi ra từ các mỏ vàng ở khu vực thượng lưu rồi trôi theo dòng lũ về đây tấp vào bờ.  Nhiều lúc nghe tin báo đăng có du khách may mắn lượm được vàng ở bờ sông Yuba, Rachel hậm hực, càm ràm, “Tụi mình sống trên mỏ vàng mà tìm hoài chẳng kiếm được món bở nào, trong khi người ta từ xa đến chơi lại gặp may.”

– Khi ấy trời cũng đã gần tối. Ông Peter kể tiếp. –  Sau cơn bão lụt không khí càng mờ mịt nhìn không rõ lắm. Lang thang dọc bờ sông một hồi, tôi nhặt được ở chỗ hốc đá một viên đá vấy bùn nhem nhuốc mà sức nặng khá lạ thường so với một viên đá cỡ đó, lại có hình thù kỳ dị, nên tôi nhét đại vào túi đem về.  Không ngờ sau khi chùi rửa sạch sẽ, tôi thấy cục đá sần sùi hình thù như một quả lê dẹp, lại lấp lánh vàng dưới ánh đèn. Tôi la lên kêu Rachel chạy tới coi. Và suốt đêm đó chúng tôi không ngủ!

Sự nhẫn nại và cố gắng của Peter và Rachel cuối cùng đã có kết quả. Chuyện về mỏ vàng trên sông lại tiếp tục nổ ra trên bàn ăn. Bà Macey và hai chị em bà Kathy, Kallen sống ở thành phố này từ nhỏ. Họ kể về chuyện năm kia sau một cơn lũ lụt, nhiều người dân địa phương đã đãi được vô số vảy vàng nhờ mưa lớn xói mòn đá làm cho vàng tróc ra chảy theo dòng nước. Có người may mắn đã nhặt được một viên kim cương rất to, giá trị cũng gần nửa triệu đô la làm xôn xao cộng đồng một dạo.

Về chuyện “Gold Rush” ngày xưa, bà Macey còn kể nhiều chi tiết thật là lý thú. Bà cho biết tại thành phố nhỏ Marysville này,  vùng có mỏ vàng đậm nhất là thung lũng nằm dọc hai bên bờ sông Yuba River, rộng trên hàng chục nghìn mẫu. Nơi đây ngày trước có rất nhiều loài thú hoang dã sinh sống như gà tây, nai, vịt trời, đặc biệt là chim đại bàng sói đầu, một loài chim trong danh sách thú quý kiếm cần bảo vệ. Vùng phía Bắc sông Yuba còn có một loài sư tử núi đã chọn cánh đồng vàng này là nhà. Thời gian đó vì dịch đào vàng phát triển rộng, những người thợ mỏ tìm tới thành phố rất đông, dân số tăng lên vùn vụt. Nhưng sau ba mươi mấy năm đào bới đãi vàng, người ta đã tàn phá môi trường ở đây, gây nên nhiều trận lũ lụt lớn. Khi các mỏ vàng vùng này đã cạn kiệt và có lệnh cấm đào vàng, thì người ta dời đi hết.  Dân số ở cái thành phố cổ nhất, nhỏ nhất California này cũng tụt xuống dưới mức mười hai nghìn người, cho đến tận bây giờ.

Bà Macey đột nhiên ngừng nói, vì ngoài trời đổ cơn mưa lớn. Mọi người đang chăm chú mê mãi dõi theo từng lời về “miền đất vàng” của bà bỗng như hụt hẩng. Câu chuyện chấm dứt, cũng là lúc trên bàn tiệc thức ăn gần cạn. Hai chai rượu vang đỏ cũng đã hết sạch. Bánh bí đỏ (Pumpkin Pie) và bánh táo (Apple Pie) được cắt ra.

Mọi người ngồi nhâm nhi bánh ngọt với ánh mắt mơ màng, giữa tiếng mưa rơi rào rào bên cửa sổ. Dường như câu chuyện tìm vàng còn vang vọng bên tai.

– Nếu tối nay mà trời đổ một cơn lũ lụt, ngày mai tôi sẽ là người ra bờ sông sớm nhất!

Ông Tom nói xong cười lớn.

Trước khi chia tay, bà Macey ôm mỗi người khách một cái. Bà quay sang ôm chặt lấy con gái Rachel và chàng rể Peter:

– Mẹ rất cám ơn hai con! Bà nói bằng giọng rưng rưng. – Đây là bữa tiệc Thanksgiving to nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mẹ. Cám ơn Chúa đã ban phước cho chúng ta có được bữa tiệc này! Giá như bây giờ Chúa có gọi mẹ về mẹ cũng sẽ vui lòng.

Lễ Tạ Ơn 2017.

Phương Hoa

 

Ý kiến bạn đọc
27/11/201700:11:15
Khách
Cám ơn anh Sao Nam,
Anh chị khỏe không?
Đang chờ anh viết thêm bài mới về Thiền học đó nhé :) :) :)
Chúc anh chị vui...
PHoa
26/11/201722:41:58
Khách
Bài chị viết rất tỉ mỉ,hay.!Mong sẽ được đọc các bài khác,Mến
26/11/201704:14:23
Khách
Chào bạn Phạm Thị Kim Dung,
Câu trả lời là vì tế nhị nên đã không có ai trong bữa tiệc hỏi đến cân nặng của...cục vàng đó, :)
Nếu bạn thích "sưu tầm" vàng hay kim cương thì khi nào trời lụt hãy đi lên đó kiếm... vận may nhé, hihihi Đùa chút cho vui nè.
Cám ơn bạn đã đọc chuyện và còn chịu khó bỏ thời gian viết cho mình.
Chúc Kim Dung luôn vui khỏe.
Phương Hoa
26/11/201703:14:24
Khách
Chị Phương Hoa ơi!
Cám ơn bài viết thật hay, từ hình thức đến nội dung. Vừa đọc xong là vội viết vài dòng để hỏi chị đây. Đợi ngóng mãi mà sao không thấy đoạn nào tác giả hỏi ông Peter xem cục vàng nó nặng được bao nhiêu? Nói nhỏ cho chị PH nghe nha, KD đã biết mê vàng từ lúc đổi đời...đi vượt biển cho tới bây giờ đó..hihihi!!
25/11/201717:01:51
Khách
Châu Hà nè,
Thiệt là ...dễ thương quá đi! Trên trái đất này lại có người "không mê vàng", chỉ mê... xếp khăn ăn thôi, hihihi. Được ngay, khi nào gặp mình sẽ bày cho Châu Hà xếp nhé. Mình thích xếp các loại thú và trình bày khăn ăn lắm... Chúc Châu Hà cuối tuần lùa lễ gặp được nhiều niềm vui vói gia đình. Đang chờ đọc bài mới của bồ đó.
Phương Hoa
25/11/201716:04:51
Khách
Bài viết hấp dẫn người đọc, hay quá chị Phương Hoa ơi. Thiệt tình em "không mê vàng lắm" nhưng em rất thích gấp, xếp các con vật qua giấy hoặc khăn . Mai mốt gặp chị, em sẽ nhất định học cách xếp con gà tây , nhen chị. Cám ơn cuộc đời em "vẫn còn đôi mắt" để vào mục VVNM đọc những câu chuyện hay và có ý nghĩa của nhiều tác giả.
25/11/201715:54:34
Khách
Chị Hằng và ID ơi! Cục thì lượm nhiều lắm rồi, nhưng cục vàng thì chưa :) Thỉnh thoảng vẫn lên bờ sông Yuba coi người ta... lượm.
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.
PH
25/11/201709:39:12
Khách
Hay và vui quá chị Phương Hoa ơi! Nhớ chị và anh Khoa nhiều. Mong Tết được gặp lại. Khi nào lượm được vàng cho em xem ké nha. Iris
25/11/201705:23:36
Khách
Phương Hoa ơi,
Bài viết hay quá. Thỉnh thoảng rảnh cứ tiếp tục công việc đãi vàng đi. Có công mài sắt có ngày nên kim đó.
Hằng
24/11/201716:36:16
Khách
Chào bạn đọc anh nam,
Cám ơn về sự "thông thái của bạn :) . Dạ bạn đã góp ý rất đúng! Đáng lẽ tác giả phải giải thích thêm dông dài một chút, là loài đại bàng có khoang trắng trên đầu nhìn xa giống như bị hói, nên được gọi là Bald eagle "đại bàng sói đầu" khi dịch sát theo nghĩa đen tên của loài chim quý này.
Cám ơn bạn đã bỏ thời gian đọc chuyện còn bổ sung thêm thông tin...
Chúc bạn cuối tuần Black Friday vui vẻ.

Phương Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,653,807
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Nhạc sĩ Cung Tiến