Hôm nay,  

Buồn Vui Trong Bệnh Viện

02/11/201700:00:00(Xem: 13426)
Tác giả: Đức Tâm

Bài số 5259-19-31102-vb4110117

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.

***

Mùa hè vừa qua tôi có dịp làm việc ở bệnh viện phục hồi chức năng Brynmawr  (Brynmawr Rehab Hospital) để giúp thông dịch cho một bệnh nhân người Việt trong vòng 3 tuần lễ, mỗi ngày từ 8:30 sáng cho đến 2 giờ chiều. Cũng vì gần gủi nhau khá lâu nên đã trở nên thân quen không những giửa tôi và bệnh nhân mà còn cả những người thân trong gia đình bệnh nhân nữa.

Bệnh viện chính Brynmawr thuộc vùng đất main line, nơi được coi là khu giàu có thuộc ngoại ô thành phố lớn Philadelphia. Brynmawr Rehalb Hospital là chi nhánh của bệnh viện Brynmawr, tọa lạc tại một khu đất rộng nhiều mẫu thuộc quận Chester, chung quanh là những ngôi nhà đắt tiền nối liền với một sân golf, phía trước là một bãi cỏ xanh mịn màng làm tăng thêm vẻ đẹp tỉnh lặng trong một môi trường xanh thật an lành.

Theo thói quen, tôi thường hay đến nơi làm việc trước giờ qui định, hôm nay khi bước ra khỏi thang máy ở lầu 2 để tìm đến phòng bệnh nhân thì không mở cửa được để đi tới phòng bệnh, tôi tự giới thiệu với cô nhân viên làm việc ngồi đối diện cửa thang máy là tôi đến để giúp cho bệnh nhân người Việt ở phòng 219, cô ta vui vẻ bấm nút để mở cửa cho tôi đi qua. (đây là một cách bảo vệ an ninh cho bệnh viện) Khi vừa đến cửa phòng bệnh nhân, có lẻ vì nghe tiếng động nên cô y tá ngước lên nhìn và tôi nói chào cô, cô ta hỏi lại anh có khỏe không? Tôi nói khỏe, còn cô? Cô ta nói cám ơn và hỏi tiếp có phải anh là người thông dịch không? Tôi nói phải, cô ta mừng rở nói tốt quá tôi đang cần anh giúp lắm rồi kéo tấm màn che ở giửa phòng ra, tôi thấy ngay một người đàn ông thân hình nhỏ nhắn trạc bằng tuổi tôi đang ngồi trên chiếc xe lăn, tay trái mang cái găng tay dày bằng vải màu trắng được buộc vào thành xe gương mặt hiền hòa nhìn tôi, tôi hỏi anh có khỏe không? Không thấy trả lời tôi nói là hôm nay tôi đến để thông dịch giúp anh, anh ta cố gắng nhoẻn miệng cười nhưng khó khăn lắm mới nhúc nhích được bờ môi.

Cô y tá nhờ tôi yêu cầu bệnh nhân mở miệng ra để cho cô ta đánh răng và rửa miệng cho anh ta, tôi dịch lại và mở miệng to ra để cho anh ta thấy mà làm theo, lúc đầu cũng vất vả lắm nhưng rồi anh cũng đã làm được, răng anh được chà trắng, lưởi anh được chùi sạch. Bây giờ tôi có dịp quan sát thêm thì thấy trên tường ở phia trên đầu giường có treo mấy mấy túi nylon, một túi thì dùng để chuyền nước vào miệng, một túi dùng để hút những nước dơ trong miệng ra, một túi thì đựng thức ăn lỏng để chuyền vào dạ dày của bệnh nhân, một sợi dây điện nối vào máy theo dõi nhịp đập của tim đang đặt ở cạnh giường.

Cô y tá giải thích thêm là cô ta xin lỗi phải buộc tay anh vào thành xe lăn vì sợ vết thương do bị mổ trên đầu chưa hoàn toàn khô và còn bị ngứa nên sợ anh gải lên đầu thì không tốt. Cô ta tiếp tục lấy khăn ướt lau mặt cho bệnh nhân, sửa lại áo quần cho gọn gàng cũng như điều chỉnh thế ngồi cho ngay ngắn, tôi có nhận xét bệnh nhân có vẻ tỉnh táo hơn ra. Trong khi làm việc cô cũng cho tôi hay là bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (stroke) và mới được đưa về đây 2 hôm.

Không bao lâu cô y tá làm vệ sinh cho bệnh nhân xong thì có bác sĩ đến khám, ông ta chào hỏi mọi người rồi quan sát bệnh nhân và bắt đầu hỏi chuyện người bệnh.

“Ông có khỏe không?” Ông hỏi.

Bệnh nhân cố gắng trả lời nhưng rất khó nghe vì tiếng nói rất nhỏ và không rõ. Tôi vừa chú ý nghe vừa đoán được và nói lại với bác sĩ là khỏe.

“Tối hôm qua có ngũ được không?”

“Được.”

“Ông đưa cánh tay trái lên cao cho tôi xem có được không?”

Bệnh nhân chậm chạp đưa lên và rất yếu ớt,

Lần lượt bác sĩ yêu cầu đưa chân lên, nháy mắt nhiều lần, nhìn qua nhìn lại theo sự di chuyển ngón tay của bác sĩ, bây giờ ông ta mới nhìn đến cái tên và hỏi bệnh nhân tên là gì, trong khi chờ đợi bệnh nhân trả lời bác sĩ lại hỏi tôi tên của bệnh nhân phát âm ra sao? Tôi nhìn vào cái vòng nhựa ghi danh đeo ở cổ tay và nói là Phong. Ông ta lập đi lập lại mấy lần mới phát âm đúng chữ Phong rồi nói:

- Phong, anh đang làm tốt lắm.

 Vị bác sĩ cũng đã lắng nghe báo cáo của  cô y tá và cám ơn tôi khi chào tạm biệt và rời khỏi phòng.

Gần tới 9 giờ, một nữ nhân viên lớn tuổi khác lại đến chào hỏi bệnh nhân và tôi, rồi giới thiệu là bà ta đến để đưa ông Phong ra phòng tập, đẩy xe vừa tới chổ tập thì đã có bác sĩ vật lý trị liệu đón nhận. Vừa trông thấy bệnh nhân cô ta đã hớn hở chào đón và nói lớn: ông có khỏe không? Thấy tôi đi bên cạnh, cô ta đưa tay bắt và giới thiêu tên cô ta là Kelly, tôi nói tôi là Tam, thông dịch cho ông Phong. Cô ta hoạt bát tự nhiên và  nói vậy thì quá tốt. Tôi nhìn thấy cô ta mang thẻ nhân viên có chữ viết tắt OT thì biết là Occupation Therapist.

Cô Kelly ngồi thấp xuống trước xe lăn của bệnh nhân, nhìn thẳng vào mặt và vui vẻ nói rằng hôm nay tôi sẽ bắt ông làm một vài việc mà sau này không còn ở bệnh viện nữa thì ông phải tự mình giúp mình, rồi cô bắt anh Phong phải hứa là sẽ làm được và cười lớn với bệnh nhân. Cô Kelly đúng lên, đẩy xe lăn đến cạnh một giường trống, bắt đầu đo huyết áp rồi mở dây nịt ở xe lăn đang buộc vào thắt lưng của bệnh nhân ra, yêu cầu anh Phong đứng thẳng người lên. Cô hướng dẫn là trước khi đứng lên phải đưa 2 tay vin vào chỗ gác tay ở thành xe lăn rồi cô ta phụ đẩy anh Phong đứng lên, cô ta cẩn thận để anh Phong tựa người vào cô ta, tay phải choàng qua hông rồi bảo anh Phong bước xoay lại để ngồi vào giường. Khi ngồi vào giường cô ta giữ bệnh nhân ngồi thẳng lên không để cho cúi đầu xuống phía trước hoặc là nghiêng qua mỗi bên. Ngồi thẳng được chốc lát, cô ta tập cho bệnh nhân đứng thẳng lên, xoay người qua bên trái rồi ngồi lại vào xe lăn. Cứ như thế lập lại vài lần thì cô ta để cho bệnh nhân được nghĩ.

Tùy theo mức độ năng nhẹ của tai biến mà bệnh nhân có thể bị bại liệt toàn bộ tứ chi hay chỉ là bán thân bất toại hay nhẹ hơn thì có thể cử động được nhưng rất yếu, đây là trường hợp của anh Phong.

Nghĩ được vài phút thì cô Kelly tìm cách pha trò để cho bệnh nhân thêm phần hứng thú mà thực tập những động tác cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày, cô ta đẩy xe lăn sang một bàn trống, lấy trong hộc tủ ra một xấp tiền giấy giả để lên trên bàn rồi kêu anh Phong sắp lại theo thứ tự nhỏ đến lớn, từ $1đến $20, kế đến thì kêu lấy ra mười đồng, mười lăm đồng, hai mươi đồng, sau đó thì muốn bệnh nhân đếm cho đúng 75 đồng hay những con số khác v.v... có lẽ mục đích là để hồi phục lại chức năng trí tuệ cũng như buộc bệnh nhân phải xử dụng tay mình cho phù hợp với suy nghĩ.  Thực tập được vài lần, có khi làm được, có khi không được thì lại đến giờ nghỉ để tiếp tục một phiên tập khác, cô Kelly sửa lại thế ngồi ngay ngắn cho bênh nhân, đo lại huyết áp và cài dây an toàn vào người rồi trả anh Phong lại ngay chỗ cô ta nhận anh Phong lúc mới đến, một phút sau bệnh nhân được đưa trở trở về lại phòng.

Khi trở lại phòng thì đã có một người Việt ngồi chờ anh Phong ở đó, hỏi ra thì biết đó là chị Nga, vợ anh. Biết tôi làm thông dịch viên nên vội mừng và nhờ tôi giúp đỡ vì hôm nay có hẹn với bà quản lý hồ sơ (case manager). Nhờ có thời gian nghĩ giữa hai phiên tập nên chúng tôi có giờ nói chuyện với nhau. Chị Nga kể lại anh Phong và chị đã quen biết nhau từ thuở nhỏ ở cùng xóm đạo Gò Vấp, đậu tú tài xong anh đã nhập ngũ vào trường sĩ quan Thủ Đức, sau khi ra trường được làm việc cho trung tâm huấn luyện Quang Trung ở gần nhà cho đến năm 1975 thì đi học tập cải tạo sau đó được qua Mỹ theo diện HO khỏang năm 1994 rồi đi làm hảng cho tới tháng trước thì bất thình lình bị té ngay trong giờ làm việc, xe cứu thương chở vào bệnh viện thì phát hiện là bi stroke và được chữa trị cho đến hôm nay.

Đã đến giờ hẹn, bà quản lý hồ sơ đến gặp chị Nga và tôi rồi mời chúng tôi qua văn phòng làm việc của bà ở cạnh đó cùng chung tầng lầu.

Bà kéo ghế mời chúng tôi ngồi rồi giới thiệu tên bà là Robin và đưa chúng cho tôi tấm danh thiếp có tên và chức vụ, số điện thoại của bà ta để tiện bề liên lạc. Bà lấy ra một xấp hồ sơ rồi hỏi lại những thông tin cá nhân của bệnh nhân, xác nhận lại tên và số điện thoại người nhà để liên lạc khi gặp trường hợp khẩn cấp, địa chỉ nhà ở, sở làm của bệnh nhân.. rồi bà lần lượt giải thích lý do của cuộc hẹn, vai trò của bệnh viện, những chương trình trị liệu cho bệnh nhân, những đặc quyền của bệnh nhân và những qui định của bệnh viện cùng những giới hạn do chính sách bảo hiểm y tế của công ty bảo hiểm.

Trước khi kết thúc buổi nói chuyện bà Robin hỏi chị Nga có thắc mắc điều gì nữa không? Chị Nga chỉ nói cám ơn sự tử tế của quí vị bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã giúp chữa trị cho chồng chị. Đã gần tới giờ nghĩ trưa bà Robin giới thiệu nhà ăn (cafeteria) ở dưới tầng một cho chúng tôi biết mà đi ăn trưa nếu muốn. Từ 12 giờ đến cho đến 1 giờ là giờ nghỉ cho mọi người. Chị Nga muốn về phòng bệnh để được gần gũi và săn sóc người chồng, tôi quyệt định đi xuống cafeteria ăn trưa.

 

Nhà ăn ở bệnh viện là một đơn vị điều hành có thu nhập nhưng hoạt động với mục đích bất vụ lợi nên giá cả tương đối rẻ hơn nhiều so với các nhà hàng tư nhân lân cận trong vùng. Tôi chọn món thịt gà nướng kẹp bánh mì như được giới thiệu bởi cô nhân viên phục vụ và môt chai nước ngọt rồi tìm một bàn nhỏ để ngồi. Trong giờ ăn trưa tôi nhận xét bệnh viện này có rất nhiều nhân viên trẻ đẹp làm việc, họ là những y tá, những bác sĩ, những y sỹ vật lý trị liệu mà khuôn mặt luôn nở nụ cười và cởi mở với tất cả mọi người. Họ bước đi thoăn thoắt, di chuyển nhẹ nhàng trong không gian đầy thân ái.


Đã sắp hết giờ nghĩ trưa, tôi trở lại làm việc, đúng 1 giờ bệnh nhân lại được chuyển ra phòng tập. Cũng như lúc sáng, một cô bác sĩ vật lý trị liệu khác lại đến, niềm nở chào bệnh nhân rồi đẩy xe lăn đến một chổ trống trong căn phòng khá rộng. Suy nghĩ một giây, cô nhờ môt phụ tá đến giúp đỡ bệnh nhân đứng dậy để tập đi. Có lẽ nhìn thấy bệnh nhân còn yếu nên cô gọi thêm một người nữa đến để đẩy cái xe lăn lần theo sau lưng bệnh nhân phòng khi bệnh nhân không bước đi nổi thì đã có sẵn xe lăn mà ngồi xuống. Cô tên Alica, là một Physical Theraphist, người sẽ tập cho anh Phương phục hồi thể lực để tự mình đi đứng trở lại.

Bình thường con người mình khi đang có sức khỏe mình ít khi nhận ra rằng chỉ cần có sức khỏe tốt thôi thì mình đã hạnh phúc lắm rồi vì khi mình bệnh hoạn thì tội nghiệp lắm. Tôi nhìn thấy các nhân viên y tế họ chỉ muốn bệnh nhân đứng thẳng người lên rồi bước đi vài bước nhưng rất khó khăn để làm được, mặc dù hai bên đã có hai người giữ mà bệnh nhân không thể nào đưa chân lên bước đi được.

Cô Alica kiên nhẫn tập cho anh Phong nhiều lần mặc dù kết quả chưa được như ý, đứng được vài phút thì cô ta để cho bệnh nhân ngồi nghỉ rồi cứ lập lại nhiều lần như thế cho hết một giờ và bệnh nhân được trả lại phòng bệnh.

Buổi tập cuối cùng của môt ngày cho bệnh nhân đã xong, tôi chào tạm biệt chị Nga và anh Phong để ra về.

Sáng hôm sau tôi trở lại làm việc, khi vào phòng thấy chị Nga đang đọc kinh cầu nguyện cho anh Phong, xin Chúa ban phước lành để anh chóng phục hồi sức khỏe. Tôi giữ yên lặng để chị Nga tiếp tục cầu nguyện, chị sửa lại mái tóc và thoa lên đầu anh Phong nhè nhẹ rồi để ngay ngắn lại tượng thánh giá anh Phong đang mang nơi cổ trước khi ngưng cầu nguyện.

Khác với sáng hôm qua, hôm nay một cô y tá khác đẩy một bàn làm việc lưu động có máy computer và rất nhiều thuốc men vào phòng, cô ta bắt đầu chuyền thức ăn lỏng vào dạ dày, kiểm tra huyết áp rồi tiêm thuốc cho bệnh nhân. Lần lượt bác sĩ lại đến thăm, lần này lại có thêm một bác sĩ chuyên môn về tâm lý đến hỏi han về những vui buồn trong đời sống của bệnh nhân trước khi nhập viện, những sở thích anh Phong hay làm những khi rảnh rỗi, những ước mơ của anh ta là gì vv.. rồi bà ta nói với chị Nga là mặc dầu bệnh viện không yêu cầu chị ta ở lại nhưng nếu chị có thời gian ở gần với chồng mình thì chắc chắn sự phục hồi sẽ được nhanh hơn. Ngoài ra bác sĩ này cũng khuyên nên cho anh ta nghe những nhạc nhẹ mà anh ưa thích hoặc những bài thánh ca trong lúc nằm trên giường bệnh.

Lại đến giờ thực tập trị liệu, bệnh nhân được đưa đến văn phòng speech therapy tạm dịch là phòng đìều trị cho sự khiếm khuyết về khả năng ăn và nói. Không như ở phòng tập hôm qua, đây chỉ là một căn phòng nhỏ gọn có một bàn giấy làm việc và chỉ đủ chỗ ngồi cho khoảng 3 đến 4 người  mà thôi.

Khi đẩy xe lăn bệnh nhân vào phòng, cô y sĩ trị liệu kéo ghế mời tôi ngồi rồi khép cửa lại và cô ta ngồi kế bệnh nhân để bắt đầu công việc. Cô ta hỏi những câu hỏi xã giao thông thường như là ông khỏe không? Cảm thấy trong người như thế nào? Có chỗ nào đau không? Vừa hỏi, cô vừa lắng nghe anh Phong để nhận xét cuống họng bệnh nhân, sau đó cô ta cho vào miệng bệnh nhân một chút thức ăn lỏng rồi nhờ tôi yêu cầu bệnh nhân cố gắng nuốt một chút đồ ăn trong miệng xuống nhưng anh Phong làm không được, một nửa muỗng cà phê apple sauce vẫn còn y nguyên trong miệng, sau đó cô qua tủ lạnh lấy một cục nước đá đập vụn ra và để vào miệng bệnh nhân môt miếng nhỏ như tạo cơ hội cho bệnh nhân tập nuốt.

Theo dõi sự cố gắng của bệnh nhân gần cả phút cuối cùng anh Phong đã nuốt được, cô mừng rỡ vổ tay và giải thích thêm cho bệnh nhân hiểu về chức năng của lưỡi và yết hầu trong việc nuốt đồ ăn và phát âm của mỗi người.

Một cách tổng quát khi thức ăn được đưa vào miệng, thức ăn phải ở phía trên của lưỡi rồi mới đưa xuống thực quản, dạ dày qua cửa yết hầu nhưng khi bị tai biến thì cửa yết hầu không làm việc và lưỡi bệnh nhân rất yếu nên không trợ lực cho việc đấy thức ăn theo đường tiêu hóa được, cô ta sẽ cố công tập cho bệnh nhân không những nuốt cho được mà đồng thời làm cho lưởi hoạt động mạnh trở lại để hỗ trợ cho việc phát âm nữa. Nếu lưởi không mạnh để hổ trợ đưa thức ăn xuống dạ dày thì rất dể bị lạc qua thanh khí quản để theo đường hô hấp và đi vào phổi rất nguy hiểm.

Lập đi lập lại vài lần thì đã hết giờ trị liệu, bệnh nhân được chuyển về lại phòng nghĩ ngơi để tiếp tục những giờ tập khác.

Những ngày tiếp theo sau đó bệnh nhân thường được trị liệu theo những buổi tập tương tự, có khi không đứng lên được các y sỹ trị liệu đã phải để cho anh Phong đứng vào một giàn máy được thiết kế đăc biệt để có thể điều chỉnh để giúp bệnh nhân đứng vào vị trí cân bằng thích hợp, có khi thì người bệnh được buộc vào những sợi dây treo rồi bước đi trên những máy tập thể dục đi bộ (treadmill).

Sự tận tụy của những y sỹ trị liệu đã giúp anh Phong dần dần phục hồi chức năng, theo tôi nhận xét thì có phần tiến bộ, nhưng theo nhận xét của chuyên viên y tế ở đây thì tiến bộ không được bao nhiêu.

Hôm nay, khi trở lại phòng speech  theraphy, cô y sỹ trị liệu biết được rằng anh Phong thường hay thích nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là bài ca “Cát Bụi”. Cô ta nhờ tôi hát môt câu ngắn để cho bệnh nhân lập lại, tôi bắt đầu với lời ca: hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi thì quả thật anh Phong hát theo được dù rất nhỏ, tôi hát tiếp: Để một mai tôi về làm cát bụi, anh ta lại tiếp tục hát theo. Cứ như thế anh ta hát thêm được vài lần nữa, hôm đó cả ba người đều mừng vui và rất hy vọng anh ta sẽ chóng bình phục. Trước khi ra về chiều ngày hôm đó tôi thật lòng chia sẻ với chị Nga niềm hy vọng môt ngày gần đây anh Phong sẽ khỏe mạnh trở lại. Tôi khuyến khích anh cố gắng chịu khó tập tành để mùa hè năm sau tôi sẽ cùng anh uống vài chai bia và cùng nhau ca bài cát bụi, Anh Phong mỉm cười đầy trìu mến trong đôi mắt anh tôi đã đọc được sự chờ đọi ngày trở về nhà của anh.

Thế rồi 3 tuần trị liệu trôi qua, hôm nay cô quản lý hồ sơ mời tôi và chị Nga vào phòng riêng để bàn chuyện của anh Phong, mở đầu với lời nói rất nhỏ nhẹ, cô ta cho hay rằng sau 3 tuần trị liệu ở đây, theo biên bản của nhiều cuộc họp giửa các chuyên viên y tế đảm trách trị liệu cho bênh nhân Nguyễn Phong thì kết quả quá ít và vì chế độ bảo hiểm từ sở làm anh Phong không cho phép bệnh nhân Phong tiếp tục chữa trị ở đây nữa vì thời hạn 30 ngày đã hết nên bênh viện phải tìm một nơi khác mà ở đó có thể nhận bảo hiểm của chương trình chăm sóc y tế của tiểu bang. Cô ta đưa ra một danh sách gồm nhiều địa điểm khác nhau để cho người nhà chọn một nơi nào đó tiện lợi cho sự săn sóc của gia đình. Chị Nga buồn buồn nhờ tôi xin ở lại bệnh viện này thêm một thời gian nữa vì sự quan tâm quá tốt của bệnh viện nhưng bà Robin trả lời là rất tiếc không thể được.

Rút cuộc chị Nga cũng phải chọn môt trung tâm phục hồi chức năng ở gần nơi gia đình cư ngụ. Ba ngày sau thì bệnh nhân Nguyễn Phong được chuyển đi qua một trung tâm khác mà chắc chắn sự phục vụ không thể nào so sánh được với nơi đây.

Ngày gã từ vợ chồng anh chị Nga tôi hứa sẽ đến thăm anh và động viên anh ta rất lâu rằng anh phải cố gắng nhiều hơn nữa vì càng tích cực tập luyện thì cáng chóng bình phục trở lại, từ việc tự mình đánh răng súc miệng cho tới ngồi vào bồn cầu, việc mang áo quần và giày dép cho tới việc tự mình đi đứng với sự trợ lực của của phương tiện hổ trợ ngoài chiếc xe lăn ra, anh ta mỉm cười đón nhận.

Thời gian trôi đi, khoảng 5 tuần sau tự nhiên tôi nhớ về anh rất nhiều. Mở điện thoại ra tôi gọi chị Nga để đi thăm  anh Phong, chị Nga bắt máy lên là biết ngay giọng nói của tôi, chị hỏi: anh Tâm đấy à?

- Phải, tôi nói, tự nhiên tôi nóng lòng muốn đến thăm anh Phong, bây giờ anh ta sao rồi?

-Anh ơi, anh Phong vừa mất hai hôm rồi.

- Thế nào? Anh ta làm sao?

-Anh ta đã về với Chúa rồi.

-Thật tội nghiệp cho anh ta.

Sáng hôm sau tôi đến thăm anh nhưng không phải đến để cùng anh ca bài cát bụi mà để viếng hình hài anh đang ở trong chiếc quan tài đang sắp được đậy kín đặt ở trong nhà thờ cho thân nhân đến viếng trước giờ làm lễ để tiển anh ra nhà hỏa táng.

Trong thời gian thăm viếng, chị Nga cũng như những người anh em trong nhà cho hay, từ khi rời khỏi bệnh viện Brynmawr Rehab sức khỏe anh ta suy yếu rõ rệt rồi thì không biết vì sao mà nước ở trong phổi quá nhiều nên đã phải ra đi.  Tôi đau lòng và thương tiếc cho anh Phong rất nhiều, tôi hỏi có phải vì nhân viên bệnh viện ở đó làm sai không, vì nếu mình biết được cái chết do sự lổi lầm của nhân viên y tế thì mình có thể khởi kiện, không phải chỉ để đòi được tiền bồi thường thiệt hại mà còn để cho họ làm việc cẩn thận và tốt đẹp hơn. Bàn qua bàn lại với mấy chị em trong nhà cuối cùng thì chị Nga đã quyết định không khởi kiện vì cho rằng mọi sự trên đời đã được Chuá cho và do Ngài sắp đặt.

Tôi thành thật chia buồn và nói những lời an ủi đến với gia đình rồi bắt tay từ giã mọi người ra về. Trên đường về khi lái xe ngang qua bệnh viện Brynmawr lòng tôi rộn lên những xót xa cho môt kiếp người, mới mấy tháng trước đây anh Phong đã từng khó nhọc để hát cho được câu ca: “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi” mà giờ đây anh đã ra người thiên cổ để hóa thành cát bụi ở một nơi trên đất lạ xứ người mà nhiều người Việt đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai.

Đức Tâm

Ý kiến bạn đọc
05/11/201711:32:25
Khách
Ngày xưa,lúc học trường đại học luật khoa Huế, được biết về nước Mỹ nhớ hai vì thầy Lê Tiến T. và Nguyễn Văn L.Hai vị này đã đi du học ở Mỹ và khi trở về giảng dạy tại đại học Huế.Xen vào bài giảng kinh tế,thương mại hai thầy đã nói về kỷ niệm thời đi du học và xứ Mỹ được phác họa qua vài nét chấm phá nhưng cũng thấy nước Mỹ nhân bản và văn mình.
Bây giờ qua những bài viết " Viết Về Nước Mỹ " xứ Mỹ bây giờ được giới thiệu thật phong phú, đủ mọi lãnh vực ,muôn màu muôn sắc thật là hấp dẫn... Và với những bài viết này đã gặp lại những kỷ niệm đẹp, những bạn bè thân yêu của một thời đã qua.Cảm ơn tác giả bài viết " Buồn Vui Trong Bệnh Viện" đã giới thiệu một khía cạnh trong đời sống xứ Mỹ và đọc xong bài viết thì thấy rõ ràng tình người bên xứ Mỹ.
Lời kể chuyện của tác giả rõ ràng, lôi cuốn, bố cục rõ ràng...Mong được đọc tiếp những bài viết khác của tác giả Đức Tâm .Trần Thiện Tú
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến