Hôm nay,  

Nhập Gia Tùy Tục

16/10/201700:00:00(Xem: 15424)
Nhập Gia Tùy Tục
Tác giả: Lại Thị Mơ

Bài số 5244-19-31087-vb2101617

 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.

 
***
 

Nghe tiếng xe ngừng ở driveway, bà Tâm hé mắt qua màn cửa sổ. Chợt nhận ra cái xe quen thuộc của cậu cả, bà mừng quá gọi rối rít ông chồng đang lúi húi sau bếp, ông nó ơi, thằng Mun về kìa.

Ông Tư cũng cuống quýt không kém, ông chạy vội ra mở cửa. Cũng vừa lúc hai cánh cửa xe mở toang, cậu Mun và hai thằng nhóc cũng vừa ùa ra.

- Con chào ông nội, bà nội.

Chúng chỉ có thể nói thật sõi câu chào hỏi ông bà bằng tiếng Việt, bởi vì câu này được tập đi tập lại tới cả trăm cả ngàn lần. Sau đó nếu ông bà có hỏi gì thêm, cả hai đứa  phải nói từ từ từng tiếng một, vì chúng chỉ dùng tiếng Việt ở nhà. Còn khi đi học, và ngay khi nói chuyện với nhau chúng cũng chỉ dùng tiếng Mỹ cho nhanh, khỏi mất công suy nghĩ, khỏi mất công phát âm cho đúng. Bố mẹ thì chỉ gặp vào giờ ăn tối. Còn khi giúp làm bài tập ở trường, bố mẹ buộc lòng phải nói tiếng Anh, chúng mới hiểu.

Mặc dù có đi học tiếng Việt mỗi Chủ Nhật ở nhà thờ, nhưng cũng bữa đực bữa cái,tuy đi học gần 2 năm. Nhưng thật ra gom lại có được bao nhiêu thời gian ngồi trong lớp. Có điều nhờ bố mẹ cố gắng đưa đón và khích lệ, hai đứa trẻ cũng đã viết được chính tả, và làm được bài luận độ mươi giòng.

Vậy là tốt lắm rồi.

Bà Tâm vẫn thường xua tay: Thế cũng được, còn hơn chẳng biết nói tiếng nào. Nhưng nhất quyết vẫn phải duy trì nói và viết chữ Quốc Ngữ. Lơ là buông ra là coi như mất luôn tiếng mẹ đẻ, cái mà bà sợ nhất.

Bà diễn tả trình độ tiếng Việt của hai thằng cháu nội là “ lõm ba lõm bõm”.

Tên của chúng vẫn là tên Việt, nhưng được chọn âm dễ đọc theo tiếng Mỹ: Khôi Minh và Minh Khôi.

Từ thầy cô cho tới bạn bè ở trường, ai cũng gọi tên chúng rất rõ ràng. Có điều ở nhà bà Tâm thường nói đùa: tên thiệt của các con, ý nói tên tiếng Việt, là phải có “ cái mũ” trên chữ O, Khôi chứ không phải Khoi.

Khôi là đẹp, chứ Khoi thì chẳng có nghĩa gì cả.

Mỗi lần nghe bà nội nói vậy, cả hai đứa đều cười khúc khích. Bà còn nói thêm, tên Việt của mình thường có nghĩa, là meanings đó con. Chẳng hạn ngày xưa bà đi dạy,trong lớp có đứa tên Thiện, mà nó có thói hay ăn cắp vặt. Học trò trong lớp kiện thưa hoài, bực mình quá bà hỏi: em có biết em tên Thiện, có nghĩa là gì không?

Thiện là tốt, thật thà. Cha mẹ em sẽ rất buồn, chưa kể mọi người sẽ lánh xa em vì tính xấu này.

Cậu ấy về sau không còn ăn cắp vặt nữa, vì bà bảo rằng khi chọn tên cho con, cha mẹ cũng mong con họ sẽ được như tên gọi.

Nghe bà nội giảng thì hai đứa trẻ nghe loáng thoáng vậy thôi, chứ cũng chẳng hiểu cho lắm. Tại vì các bạn của chúng Mike, Jim… tên không có meaning.

Tên VN rắc rối thật, có lần chúng thấy bà nội cười chúm chím, khi nghe ông hàng xóm mới dọn tới qua chào làm quen.

Hôm đó hai đứa đang chơi ở nhà ông bà nội. Bỗng có hai người hàng xóm qua chơi.

Ông nội cười ha hả khi bắt tay ông hàng xóm giới thiệu:

- Hân hạnh đón tiếp hai ông bà, tôi tên Cầu, bà nhà tôi tên Tâm.

Hai đứa bé thấy bà nội chúm chím cười, khi nghe ông hàng xóm trả lời.

- Còn tôi tên Tiêu, bà xã tôi tên Tình.

Chúng nào hiểu được Cầu Tiêu- Tâm Tình.

Qua Mỹ hơn 20 năm, cách sống ông Cầu bà Tâm phải thích ứng với đời sống ở đây. Nghĩa là khi còn khoẻ mạnh, cha mẹ già cũng không ở chung với con cái. Ở gần thì được chứ ở chung thì không. Chẳng phải như các cụ thường bảo “thà mỏi chân còn hơn mỏi miệng”.

Mà thật ra ông bà nghĩ rằng, dù con trai hay con gái, khi lập gia đình chúng còn có vợ hoặc chồng của chúng. Mặc dù ở riêng thì tiền thuế nhà và chi phí sinh hoạt cũng là con số đáng kể. Tuy nhiên bù lại, con cái của ông bà cũng tránh được cảnh khó xử “bên tình bên hiếu”.

Đừng trách con không thương cha mẹ, không lo cho cha mẹ chu đáo như lo cho vợ con của chúng.

Bà Tâm thường bảo, cuộc đời là cái nợ đồng lần, mà người ta thường nói nôm na là nước mắt chảy xuôi.

Quả thật không ai nhận ra, chúng ta thương yêu và lo lắng cho con của chúng ta hơn là lo lắng cho người đã sinh thành ra mình.

Thành thật mà nói, con vòi vĩnh mua đồ mắc tiền mình lại chịu thua, chúng kèo nhèo hoài, có khi cha, hay mẹ cũng lén lút mua cho chúng, chứ tiêu pha gì cho cha mẹ là còn tính toán.

Nhiều gia đình đông con, mỗi khi phải tiêu pha chuyện gì cho cha mẹ, lại phải mang ra bàn bạc. Bởi vì dẫu là con trai hay con gái, nhưng nay chúng đã có gia đình riêng, nên mọi chuyện quyết định phải có cả vợ lẫn chồng thì cửa nhà mới êm ấm.

Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,

Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

Thế rồi khi con chim đủ lông đủ cánh là rời xa tổ ấm, chẳng hề quay lại.

 Chiếc lá xa lìa gốc rễ bay đi khắp phương trời.

Từ ngày qua sống nơi xứ người, ông bà Tâm cũng thích ứng với mọi tập tục nơi đây theo kiểu ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Từ việc chọn ngành khi con lên đại học, cho tới khi con lập gia đình. Làm đám cưới theo kiểu Tây hay kiểu Việt, chọn nơi nào ông bà không có ý kiến. Bởi vì dẫu có ý kiến chúng cũng chẳng nghe. Tốt hơn hết là im lặng.

Nhờ có internet mọi người tha hồ biết tin tức khắp nơi. Từ báo giấy tới báo mạng, ôi thôi đủ các mục cho mọi người. Chẳng có mục nào lẩm cẩm cả,thi ca nhạc họa, tử vi bói toán, gỡ rối tơ lòng…

Đọc chuyện người cũng giúp ta hiểu được nhiều điều hữu ích.

Hình ảnh đứa trẻ sơ sinh đang ôm bầu vú mẹ. Có một bàn tay trong một bàn tay.

Hơi ấm của hai bàn tay đang truyền vào nhau, nhịp đập của hai quả tim dường như vẫn cảm thấy từ hai giọt lệ đang lăn dài trên khuôn mặt hai người mẹ, một già một trẻ.

Bà nhìn vào khoảng không trước mặt, đây là núm ruột của mình. Vì sao bà lại chối từ?

Câu chuyện có thật của một gia đình danh giá chỉ có một cô con gái. Trong cách suy nghĩ của cha mẹ cô gái, cô phải lấy một anh chàng Việt Nam, cũng thuộc loại khoa bảng. Nghĩa là “ đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi”, y như thời của bà mẹ, phi cao đẳng bất thành phu phụ.

Nhưng con bà sinh ra ở đây, nơi mà từ nhỏ cô đã được hấp thụ cách suy nghĩ ở đây. Cô chọn người cho cô, không phải cho cha mẹ, dù đó hoàn toàn đi ngược lại sự mong đợi của đấng sinh thành, Cô không nghĩ đó là tội bất hiếu.

Nhà văn Huy Phương cũng có lần viết về chuyện một ông bạn già than thở về hôn nhân dị chủng của cô con gái,với người bạn chẳng còn đứa con nào bên cạnh, vợ và con ông đều chết thảm trong lúc vượt biển tìm tự do. Người mình đôi khi cũng vô ý vô tứ thế đấy. Cứ than vãn như muốn trút mọi ẩn ức trong lòng, mà quên rằng mình đang cố bơi ngược giòng. Chúng ta đang sống ở xứ sở gọi là melting pot. Chuyện màu da chủng tộc đâu có gì quan trọng. Vấn đề là chúng ta có chịu thích ứng hay không?

Tất cả những bài viết loan truyền trên mạng internet cũng đã giúp ông bà Tâm hòa hợp với cuộc sống bên này. Nhận thiệp cưới không ai thắc mắc bố mẹ cô dâu chú rể là ai. Mọi thứ phong tục tập quán cũ đã để lại quê nhà. Không có cảnh rước dâu, nước mắt sụt sùi “ cha đưa mẹ đón”. Bố đưa con Gái qua nhà chồng, mẹ cô dâu ở nhà.

-Khóc như thiếu nữ vu qui nhật.

Nhà nào còn giữ phong tục truyền thống thì cô dâu chú rể còn vái lạy bàn thờ ông bà, có nhang đèn, trầu cau( giả). Chỉ những nơi có đông người Việt, vài gia đình còn giữ phong tục này, chứ ở những tiểu bang xa xôi miền Đông Bắc toàn người bản xứ, hầu như không có màn rước dâu, lạy bàn thờ. Khách khứa đến thẳng nơi dự tiệc. Vai trò của ông bà, cha mẹ vô cùng mờ nhạt trong hôn lễ của con cháu. Từ việc in thiệp cưới, đặt tiệc, mời người tham dự hoàn toàn do cô dâu chú rể qui định.Chính chị của bà Tâm đã dặn dò, các con của bà Tâm đến dự đám cưới của cháu ngoại bà

Trong suy nghĩ của bà chị, chỉ có hai chị em nơi xứ lạ quê người. Khi có lễ lạc gì bà cũng muốn con cháu của cả hai nhà đều có mặt. Không ngờ cô dâu chỉ dành cho bà ngoại và bố mẹ một số thiệp rất hạn chế, không thể mời theo ý muốn. Nếu có hỏi thì chúng trả lời không thể lo được và chỉ mời những người chúng biết. Đành phải chịu thua, còn hỏi tại sao không có tên cha mẹ ghi trong thiệp cưới. Chúng bảo rằng đây là lễ cưới do chúng lo liệu, nếu để tên cha mẹ, người ta sẽ nghĩ do cha mẹ sắp xếp( về mọi chi phí).


Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay.

Ông bà cha mẹ cũng không biết phải làm sao. Vì vậy khi nào nhận được thiệp mời, tức là được mời, đừng bao giờ nghĩ đám cưới cháu chắt của họ hàng thân thiết, thế nào cũng mời mình.

Thiệt đúng là nhập gia tùy tục. Có khi cô dâu chú rể không thích cử hành hôn lễ trong nước, dắt nhau qua tuốt Cancun làm đám cưới. Ông bà nội ngoại già yếu không đi được thì ở nhà. Bố mẹ năn nỉ cũng vô ích.

Người ta thường nói Đông Tây không bao giờ gặp nhau. Điều này chúng ta có thể gặp trong mọi gia đình người Việt ở hải ngoại. Thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên ở đây, chúng không thể nào hiểu nổi, tại sao chỉ vì không để tên bố mẹ trong thiệp cưới, lại có thể gây ra quá nhiều rắc rối, đưa tới xung đột cãi vã rất gay gắt trong gia đình. Thậm chí có nhiều cha mẹ tuyên bố không tham dự đám cưới, coi như một sự nhục nhã. Chúng không thể hiểu tại sao lại quan trọng như thế. Tại sao phải mời người này người nọ, liệu có cần thiết không?

Ông bà Tâm thấy được điều rắc rối này, nên không hề than phiền, không hề hỏi bất cứ câu hỏi gì mà con cháu bảo đó là chuyện riêng tư.

Cái chuyện riêng tư ở cái xứ Mỹ này nó mới là kỳ cục.

Người mình khi gặp người quen nếu hỏi thăm “sao trông xanh xao thế”, thì sẽ bị kết án tò mò, bất lịch sự.

Thành ngữ It's not your business, không phải chuyện của bạn, ôi thôi bao trùm mọi phía, không biết chỗ nào đúng chỗ nào không đúng.

Bởi vậy ở Mỹ, cái gì người ta cũng hỏi. Từ radio cho tới talk show, rồi tới báo giấy báo mạng. Người trả lời gọi là adviser. Cách đây mấy chục năm có bà adviser nổi tiếng tên là Abby. Bà mất đã lâu, con bà thế chỗ. Mục hỏi chuyện lẩm cẩm này rất nhiều người đọc. Hồi xưa chỉ có một bà Hạnh Thuần, chứ bây giờ thì ôi thôi nhiều bà lắm. Bà thiệt thì ít, chứ bà giả thì nhiều.

Quí vị thay vì coi hài kịch nhảm nhí, cứ tò mò vào mấy trang gỡ rối tơ lòng sẽ thấy tại sao người ta bảo “việc mình thì quáng, việc người thì sáng”. Adviser cũng giúp mình gỡ rối mớ bòng bong.

Nhờ đọc báo ông bà Tâm mới biết, qua Mỹ coi như “ hết thời” của ông bà cha mẹ.

Hồi ở VN, những người già trong gia đình như ông bà cha mẹ vô cùng “ có uy”  đối với con cháu.

Bố ra lệnh cũng phải nghe theo răm rắp (cả mẹ lẫn con). Đằng này bố của bố là ông nội, thì ôi thôi lệnh của ông nội, không ai dám ho he, dù là bố hay mẹ. Đó là thiết quân luật.

Ấy thế mà qua Mỹ, trẻ con lại có quyền, mới là kỳ.

Lúc còn bé thì không sao, tới khi chúng tới tuổi teen, là không ai được tự tiện vô phòng ngủ của chúng khi chúng vắng mặt.

Ngày xưa khi chưa có cellphone, một đứa tuổi teen đòi có một đường dây điện thoại riêng cho nó. Bà mẹ hỏi báo, họ trả lời: yes, với điều kiện nó phải tự trả tiền.

VN mình coi chuyện này là nối giáo cho giặc, vậy mà luật lệ Mỹ lại cho phép.

Rất nhiều chuyện thuộc về chuyện riêng tư (privacy), điển hình là chuyện kết quả học hành của trẻ con. Khi đứa trẻ dưới 18 tuổi chỉ có cha mẹ của nó biết được thành tích về chuyện học ở trường. Tới khi quá 18 tuổi, lên Đại học, thì không bao giờ nhà trường báo cho cha mẹ. Nhưng bố mẹ thì nhận được thư báo nhắc đóng tiền học cho con.

Bà Tâm là người lấy thư trong thùng mang vào nhà. Khi thằng cháu nội học xong trung học, thư từ của nó, bà chỉ xem này, bây giờ không còn là cu Tí, cu Tèo nữa. Bây giờ thư gửi cho Mr Tí, Mr Tèo.

18 tuổi ở Mỹ là phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình, còn chuyện đòi tiền học, thì người ta nắm đằng cán gởi cho cha mẹ.

Có nhiều cha mẹ ít học chỉ biết cắm đầu thức khuya dậy sớm đi cày đóng tiền học cho con. Thằng con ở nội trú, học hành lớt phớt kéo dài mấy năm, rồi bị tống ra vì điểm kém. Tội nghiệp bố mẹ có biết gì đâu, cứ kỳ vọng con mình sẽ thành ông này bà nọ. Mang tiếng học đại học nhưng chẳng mang về mảnh bằng nào.

Cha mẹ mua nhà đóng thuế cho thành phố, thì con được quyền đến trường cho tới khi 18 tuổi. Dù đứa trẻ bị khờ không học được, nhưng nó vẫn có một chỗ ngồi trong một lớp học bình thường.

Bà Tâm nhớ lại khi đi học Anh Văn.  Bà và cô bạn người Hồng Kông suýt bị đánh rớt, và bị kết tội “ độc ác”. Chỉ vì Đông và Tây không bao giờ gặp nhau.

Trước khi làm bài luận với tựa đề: “Tìm một giải pháp cho Peter”, mọi người được xem một đoạn  phim trong đó Peter là một đứa trẻ mắc bệnh tự ky (autism). Trong phim, Peter gây khó khăn cho cô giáo và các bạn. Khi xếp hàng thì xô bạn té, khi cô giảng bài thì bò lăn trước bảng, nói ngu ngơ.

Xem xong mọi người làm bài luận cho biết ý kiến về Peter.

Dĩ nhiên hai bà Á Châu không chấp nhận cho đứa trẻ bị bệnh khờ quấy rầy mọi người trong lớp. Nào là không ích lợi gì, phải cho Peter học chung với những đứa trẻ như nó.

Hỡi ơi, quả là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng hoàn toàn ngược với lòng nhân đạo của người Mỹ.

Khi trả lại bài thi, mọi người được xem phần chót của cuốn phim. Lúc này Peter đã có thay đổi, bớt quấy rối.

Giải pháp cho ở chung với đứa trẻ bình thường, thì những đứa trẻ bệnh từ từ nhận ra sự khác lạ của mình. Nếu cho ở chung với toàn trẻ bệnh tật, trẻ sẽ càng bệnh thêm.

Quan niệm của người Mỹ, không xem người tàn tật là những người bất hạnh. Trái lại họ cần được ưu tiên nhiều hơn, tàn mà không phế. Trẻ bị autism vẫn có quyền đi làm như người bình thường, vẫn được đến trường học chung với trẻ khoẻ mạnh( trừ phi quá nặng).

Người ta không dùng những chữ có ý miệt thị như điên khùng ( crazy, dumb), mà chỉ gọi là metal behaviors.

Nhà thương cho những bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh có rất nhiều. Nhưng bạn không hề thấy bảng hiệu bên ngoài, để biết bên trong các tòa nhà này chứa toàn người thần kinh bất thường.

Ngày xưa còn đi dạy, bà Tâm nhớ lại hình ảnh những đứa trẻ bị nêu tên vào ngày đầu tuần. Thứ Hai là ngày chào cờ, học trò nào quậy phá là bị gọi tên đứng dưới cột cờ cho cả trường biết mặt.

Tội nghiệp cả lô dắt díu lên đứng dưới cột cờ, mặt thì cúi gằm không dám nhìn ai. Cứ như là phạm tội gì ghê gớm lắm. Những tội mà Mỹ coi là đồ bỏ, nói chuyện, nhảy nhót trong lớp.

Bà Tâm nghĩ mình bị gọi ác độc là đúng rồi. Đạo Phật cũng dạy vậy, ai mà chả muốn mình thông minh tài giỏi. Nhưng khi kém may mắn, xã hội lại đối xử như vậy, đúng là không công bằng.

Càng ngày chuyện nhập gia tùy tục ở xứ Mỹ này, ông bà Tâm tìm hiểu càng thấy người mình sao ôm đồm quá.

Lo cho con rồi lại còn muốn lo cho cháu. Vất vả lam lũ cho cho cuộc sống nơi xứ người, chúng ta chỉ muốn cuộc đời của con cháu mình cũng đi theo con đường của cha mẹ.

Mọi suy nghĩ của mình là đúng, từ chuyện lập gia đình tới cách nuôi dạy con cái.

Mỹ chế nhạo mấy người không muốn rời xa con là những helicopter, cứ bay vòng vòng quanh mấy đứa con để lo cho nó. Con không chịu lập gia đình, lập gia đình nhưng không muốn có con.

Dâu Mỹ, rể Mỹ không cho ông bà cha mẹ giữ con của chúng, thì lại buồn phiền nghĩ mình vô dụng.

It’s not your business.  Không phải chuyện của bạn. Tùy cách suy nghĩ sẽ trở thành nặng hay nhẹ. Bà Tâm thường nói với các bà bạn, kệ chúng nó bà ơi “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Xa mỏi chân, gần mỏi miệng.

Nhiều người chỉ có một đứa con, khi về già không được ở chung với con cháu, họ cho đó là điều bất hạnh, cảm thấy hẩm hiu cô quạnh. Trong khi người bản xứ ít có cảnh hai ba thế hệ ở chung một nhà.

Cái tư tưởng “Trẻ cậy cha, già cậy con”, đã ăn sâu vào cách suy nghĩ của thế hệ cha ông, đã làm khó xử cho con cháu lớn lên ở đây.

Vì lẽ đó có nhiều người đã viết chúc thư sắp xếp mọi chuyện khi đầu óc còn tỉnh táo, để con cháu không bận tâm lo lắng:

- Nếu bị bệnh mất trí, xin đưa vào nursing home. Không quấy rầy con cháu.

- Từ chối kéo dài sự sống, nếu bị coma. Không phí tiền bệnh viện.

- Không tổ chức tang lễ rườm rà. Đem thẳng tới nơi hỏa thiêu, không cần dùng áo quan mắc tiền. Sau đó đem rải tro ra biển.

Cát bụi sẽ trở về cát bụi.

Có thể làm lễ cầu nguyện theo tôn giáo mình có.

Ông bà Tâm bảo rằng, tất cả mọi nghi lễ tống táng hoàn toàn để an lòng người sống, không phải cho người đã chết.

Tất cả mọi điều trong di chúc. Nếu là người con có hiếu,  xin làm theo ý nguyện của người quá cố.

Sun rise sun set.

Đó là qui luật muôn đời của cuộc đời.

Không phải nhập gia tùy tục, mà là ý thức của thời đại.

Ở xứ người hay ở xứ mình cũng thế mà thôi.

Lại Thị Mơ

Ý kiến bạn đọc
20/10/201702:51:45
Khách
Kính thưa cô, bài của cô viết rất hay. Cháu đọc một mạch từ đầu đến cuối. Lối hành văn của cô rất lôi cuốn, dí dỏm, đọc không thấy chán chút nào! Cháu nhận biết được 1 chữ TÂM rất lớn qua ngòi viết của cô và lời nhắn nhủ cô muốn gửi đến mọi gia đình: Nếu 2 nền văn hóa Đông Tây được kết hợp một cách uyển chuyển trong gia đình thì cuộc sống mọi người sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều! Cảm ơn bài viết của cô!
18/10/201721:03:02
Khách
"Tại vì các bạn của chúng Mike, Jim… tên không có meaning." (Lại Thị Mơ)

Mike is a nickname for Michael. Jim is a nickname for James. If you look into the etymology of English names, you would see that every name has a meaning. As Judeo-Christianity has greatly influenced Western culture, common English names have derived from biblical words (i.e. from the Bble.)
17/10/201712:58:30
Khách
Nói chung thì tôi cũng thích bài viết của chị LTM vì có lẽ cùng thế hệ với tôi, nhưng có lẽ đề tài của chị nên ngắt ra thành vài ba bài thì gọn gàng đỡ lan man hơn. Điều nữa là chúng ta nên nhập tâm để thực hành những khái niệm đã biết. Chẳng hạn tôi có quen biết một "nhà văn" kia (PV), cũng thường viết và giảng giải đời là vô thường, thân tâm an lạc, life too short, phải sống lương thiện v.v.... nên cũng mê hoặc được khá nhiều người. Đến chừng nhà văn ngã bệnh ở tuổi chưa già lắm thì hoảng hốt hoang mang, không chấp nhận qui luật sinh tử của Trời Đất. Thật là 2 hình ảnh trái ngược gìữa nói và làm.
Nói chung thì tôi ủng hộ chuyện chị LTM đã viết.
16/10/201717:38:19
Khách
Kỳ này tác giả viết lung tung tùy hứng như học trò bên VN, chả chịu sắp xếp cho mạch lạc trôi chảy để người đọc nắm vững nội dung và ý tứ của bài. Đồng ý Văn tức là người. Nhưng khi viết, cần lựa chữ nhịp nhàng âm điệu với nhau (rythm+rhyme) cho êm tai, văn phong phải như âm nhạc thì mới hấp dẫn và tăng giá trị cho bài viết. Viết, phải hay cả nội dung lẫn hình thức mới perfect.
16/10/201716:53:31
Khách
Tôi đoán Tác Giả thuộc thành phần thế hề đầu tiên đến Mỹ phải trải qua một thử thách to lớn để hội nhập vào xã hội Mỹ, hy sinh đời mình tất cả lo cho thế hệ sau. Chúng nay khôn lớn, giàu sang, trí thức, nhìn lại cha mẹ ông bà như những kẻ ngờ nhệch thấy xấu hổ, không muốn họ liên hệ với đời sống văn minh của chúng. Có cả những trường hợp đau lòng mà tôi chứng kiến như không cho ông bà ẩm cháu vì sợ dơ bẩn.
Thưa chị Mơ, tôi thông cảm và đồng ý với những nhận xét của chị. Mong chị đủ can đảm vượt qua mọi thử thách, nói lên một sự thật đau lòng. Tôi kính phục sự can đãm của chị, vì dầu sao đi nữa, con cháu của mình, mình phải giáo dục và trách nhiệm về chúng cho đến ngày nhắm mắt. Tôi tin là còn rất nhiều người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên khác ủng hộ chị như tôi.
Trăm người trăm ý. Mọi ý kiến xây dựng đều đươc quí trong. Tôi cũng xin góp ý kiến thô thiển nầy cùng chị, không với mục tiêu đả phá các ý kiến khác.
Kính .
16/10/201715:19:21
Khách
Quả là lỗi chính tả " mental" thành " metal" do không đọc lại. Thành thật xin lỗi mọi người. Lỗi dùng tiếng Anh chen lẫn vì cũng làm biếng không biết dịch là sân đậu xe hay bãi đậu xe, vì nhiều nhà chỗ đậu xe không phải là sân. Quả thật dùng chen tiếng Mỹ do tội làm biếng, nên bị than phiền hoài. Xin ráng tránh lần sau. Cám ơn mọi góp ý.
16/10/201714:30:30
Khách
“Chín người mười ý. Đây chỉ là ý kiến thô thiển thôi xin bà đừng phật lòng.’’ – Đã nói chin người mười ý mà, thích thì đọc, không thích thì viết đi ! Trăm hoa đua nở mà ! Vã lại mỗi người có cách viết và đường lối của mình, mục đích nói để chi …? Xin Ô, bà đừng phật lòng, hay cứ phật long đi’’
16/10/201714:26:18
Khách
Trên phương diện nghề nghiệp, HK là một xã hội rất trọng dụng những người có khả năng chuyên môn xuất sắc qua hình thức như quyền hành lớn hoặc số lương, tiền thưởng hàng năm cao hoặc cả hai mặt. Tuy nhiên, để dễ dàng thăng tiến và thành công hơn, "Nhập Gia Tùy Tục" giúp cho công việc trôi chảy, mỗi khi gập khó khăn, vì được lòng mọi người.

Trên phương diện gia đình, "Nhập Gia Tùy Tục" dẫn tới việc bố mẹ, con cái, dâu rể dễ thông cảm và hiểu cho nhau để đưa tới nhiều sự vui vẻ, hài hòa và hạnh phúc hơn trong một môi trường quá phức tạp và nhiều căng thẳng.
16/10/201708:57:56
Khách
Chào bà Lại Thị Mơ, Viết văn đăng báo cho nhiều người đọc không phải chuyện ai cũng làm được. Bà có bài đăng là điều đáng mừng và xin cảm ơn công viết lách của bà giúp tôi có vài phút giải trí. Là một độc giả tôi có một số ý kiến tầm phào như sau:
1. Bà viết tản mạn lung tung quá. Vốn từ đa dạng và có khá nhiều ẩn dụ nhưng bà dùng đôi khi đọc cảm thấy thừa và rối rắm ý nghĩa. Mới đọc thì thấy hay hay, nhưng càng đọc thêm thấy nhiều ẩn dụ rườm rà hết muốn đọc tiếp. Viết đơn giản chắc có lẽ bài văn sẽ mạch lạc hơn.
2. Bà hay chêm tiếng Mỹ để làm gì? Sao không dùng tiếng Việt?
Bà viết:
• ở driveway
• Thành ngữ It's not your business, không phải chuyện của bạn
• điên khùng ( crazy, dumb), mà chỉ gọi là metal behaviors
• helicopter
• Sun rise sun set
3. Thêm nữa nếu có viết tiếng Mỹ thì nên víết cho đúng. Bà viết ‘metal behaviours’. 'Metal’ có nghĩa là kim loại.
Các tên tiếng Mỹ cũng có ý nghĩa. Bà hay chơi chữ nên tôi bắt chước rằng ‘biết thì nên thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe’, xin đừng dạy con cháu điều mình chưa biết.
Nghĩa của tên Mike: Gift from God. In the Bible, St. Michael was the conqueror of Satan and patron saint of soldiers. Tên Jim có nghĩa: Supplanter. Bà hay chêm hay khoe tiếng Mỹ trong bài viết của bà nên chắc cũng hiểu tiếng Mỹ ít nhiều nên tôi xin miễn dịch ra tiếng Việt.
Chín người mười ý. Đây chỉ là ý kiến thô thiển thôi xin bà đừng phật lòng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,204,867
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả Trần Đức Lợi, nguyên là Giảng viên Giải phẫu và Phân loại Động vật học tại Đại Học Khoa Học/Tổng Hợp Huế, Việt Nam; hiên là Thạc sĩ Tâm Lý Trị Liệu,
Từ 2 tháng Bẩy 2017, Giải thưởng Việt Báo bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Christina N. Cao lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bằng một tự sự kể về "Ngày Việt Nam" và cuộc diễn hành quốc tế
Bác sĩ Võ Văn Tùng, chủ tịch Hội Thân Hữu Huế-Thừa Thiên tại hải ngoại vừ mãn phần ngày 20-6-2017 và tang lễ được cử hành ngày 03 tháng 7, 2017.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Bài viết đầu tiên của tác giả phổ biến vào tháng Bẩy 2016, thời điểm bắt đầu năm thứ 18 Viết Về Nước Mỹ. Tên họ tiếng Việt của bà là Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951, nguyên là giáo viên cấp hai,
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2003. Sau nhiều năm ngưng viết, tháng Năm 2017, Iris tái ngộ bạn đọc Việt Báo với "Chuyện Góc Bếp," tự sự của một bà mẹ độc thân nuôi con trên đất Mỹ.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến