Hôm nay,  

Đời Tôi Như Cuốn Phim Dang Dở

07/09/201720:04:00(Xem: 12197)
Tác giả: Đặng Hà Nội

Bài số 5212-19-31055-vb6090817

Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. 

 
Doi toi nhu cuon phim
Hình gia đình 1952, Hà  Nội. Tác giả là cậu bé bên bố.

***

Tôi sinh sau đẻ muộn tại Hà Nội trong một gia đình đông đúc giống như gia đình Việt Nam hồi xưa, mười ba anh chị em, không kể những lần mẹ tôi bị xẩy thai. Hiện ngồi đếm lại thì còn tám mạng vì chiến tranh hay bệnh tật mà mất đi năm. Tôi là con trai áp út nhưng vào đầu thập niên 60 thằng em út bị bạo bệnh qua đời nên bất đắc dĩ tôi trở thành út ít.

Có thể nói tôi sinh ra ngậm cái thìa bằng bạc nghĩa là khi tôi ra đời gia đình tôi thuộc loại trung lưu. Bố tôi, hay gọi theo người Hà Nội cấp sang là cậu tôi, làm thanh tra sở Bưu Điện ngay Hồ Hoàn Kiếm. Gia đình cậu tôi chỉ có ba người. Có bác cả trai , cậu tôi rồi cô em. Nhà nghèo ba tôi lên Hà Nội đi học thành tài, lấy vợ và gây dựng gia đình. Trong họ nội cậu tôi là người được kính nể nhất.

Gia đình tôi sống ở ngôi nhà villa hai tầng cách hồ Halais một khu phố nay được đổi tên là hồ Thuyền Quang. Mợ tôi hay khoe là bà giúp kiến trúc sư vẽ kiểu.Tôi có bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp với ngôi nhà này. Nhà có nhiều cây ăn trái như nhãn, ổi, khế mọc chung quanh và chúng tôi có dịp leo trèo hái trái. Mỗi lần mùa hoa sen tới, mợ tôi kêu mua hoa từ các bà gánh hàng qua nhà. Hoa sen hồng thơm lừng đổ đầy phòng khách. Mẹ tôi lấy từng cụm hoa và lặt lấy các nhụy hoa sen vàng ó̉ng mềm mại để ướp trà. Mợ tôi cũng hay ướ̉p trà bằng hoa sói trồng trong chậu thơm không kém gì trà mạn sen.

Mợ tôi được coi là người đẹp thanh lịch của Hà Thành hồi đó với đầu chít khăn nhung đen macẹ̈ áo dài đúng mốt Lemur. Tuy không được đi học nhưng biết đọc biết viết. Nhưng chuyện nấu nướng thêu thùa chắc là hơn các cô gái đến trường. Giỗ Tết là lúc mợ̣ tôi trổ tài. Nào là gọt hoa thủy tiên, gói bánh chưng không cần khuôn, thêu cườm, bánh xu xê, bánh bẻ... Tôi thích nhất là khi mợ̣ tôi nặn những con thú đủ màu bằng bột hay xếp các lọng mía ngọt lị̣m thành cái tháp cao ngất cho chúng tôi ăn mừng Tết Trung Thu.

Tôi còn nhớ bà có đặc tính thích nấu những món cầu kỳ đặc biệt cho chồng con ăn hay nhường cho con những của ngon vật lạ cho gia đình. "Ăn đi con, mẹ no rồi!" nhưng tôi biết rằng mợ tôi vừa mới đụng đũa đây mà! Con cái nhiều khi không để ý tới những hy sinh của mẹ tuy nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa. Mẹ suốt đời chăm lo cho chồng con của mẹ.

Nhưng người đàn bà mà tôi gần nhất không phải là mợ tôi mà là u Được. Bà là vú nuôi yêu dấu của tôi. U chăm sóc tôi còn hơn con ruột của u. U người nhà quê, vấn khăn mỏ qụa, răng đen huyền, trông rất mộc mạc nhưng tôi yêu u như mẹ ruột của mình. Lâu lâu tôi được u bế về quê của u, tôi được chiều chuộng như ông hoàng con.

Khi tôi còn nhỏ hay mắc bệnh cứ cười nhiều hay khóc ngất là mặt tái xanh, mắt trợn chừng rôì ngẩt xỉu. Một hôm u Được thấy vậy la toáng lên:"Ối giời ơi! Ba hồn bảy viá cậu ở đâu thì về!" rồi u đặt tôi xuống cái thảm chùi chân trước cửa nhà vừa vái vừa cầu. Nhưng rồi một lúc sau tôi tỉnh dậy và chơi đùa như cũ. Vì nhà gần hồ Halais nên gia đình tôi hay đi chơi thuyền như mấy dân nhà giầu. Lúc tôi hai tuổi chạy lăng xăng trên bục gỗ xuống thuyền. Chân bước hụt rơi tõm xuống hồ. U tôi nhanh tay nằm xuống chân cầu kéo tóc tôi lên. Hú hồn! U Được ơi, u vẫn luôn là vị cứu tinh của con!

Hiệp định Geneve chia đôi đất nước vào năm 1954 và gia đình tôi lầm lũi giã từ Hà Nội thân yêu. Sở Bưu Điện của cậu tôi đổi vào Sàigòn. Ông đi trước sau đó gia đình đi sau. Của cải chắc chẳng mang được bao nhiêu, cậu tôi có nói máy bay vận tải chở hiện vật nhà tôi bị tai nạn rớt xuống biển. Giấy tờ chủ hữu ngôi nhà villa đưa cho ông bác ở lại giữ dùm. Lúc đó tôi mới lên năm có biết gì đâu. Ra đi vui quá vì lần đầu tiên được đi máy bay. Nhưng tiếng máy bay ù ù làm cho tôi ngủ một giấc say đến lúc u Được đánh thức tôi dậy mới biết máy bay đã hạ cánh đến Sàigòn.

Chúng tôi được đưa đến ở tạm thời tại khu cư xá nhân viên Bưu Điện gần Sở Thú sau đó được rời đến nhà của sở trên đường Hồng Thập Tự có phòng tắm riêng. Lúc đó hai anh chị lớn của tôi đang du học bên Pháp nhưng gia đình vẫn còn đông. Kể cả cậu mợ tôi thì chúng tôi sống chen chúc với 11 người. Vậy mà cậu mợ tôi rộng lượng cho mấy người họ hàng, bạn bè đến ở chung khi họ mới di cư. Chúng tôi phải ngủ giường ba tầng bằng sắt. Sống tụ hợp với nhau đông đúc nhưng hưởng được tự do là hạnh phúc lắm rồi.

Sau đó ba tôi được lên chức làm Giám Đốc Bưu Điện Nam Phần nên được ở nhà của sở khang trang hơn ngay sau Bưu Điện Trung Ương gần nhà thờ Đức Bà. Nhà hai tầng có ba phòng ngủ và sân thượng rộng rãi. Nơi đây cậu mợ tôi tổ chức tiệc cưới hai ngày cho chị cả của tôi. Thích nhất là nhà có cây tầm ruột sai quả nhưng trái chua rụng răng. Đằng sau nhà có chuồng nuôi gà, ngỗng và gà tây. Mợ tôi còn nuôi chim bồ câu nhưng chim con chưa biết bay đã làm bữa ăn tối cho lũ chuột cống ranh mãnh đen xì.

Sàigòn nóng nhớt nhãi quanh năm nhưng lại có món đá nhận giá năm cắc mà chúng tôi ưa thích.. Nước đá bào được ấn vào cái ly làm khuôn rồi lấy ra đổ si rô xanh đỏ. Chúng tôi mút lấy mút để lạnh buốt răng để quên cái nóng chảy mỡ. Chúng tôi học thêm tiếng Nam: đi dzô, đi dza, trễ dzồi, mắc guá...lúc đầu thấy là lạ nhưng lâu rồi cũng quen. Chúng tôi sợ các bà người Nam đầu quấn khăn rằn mà chị lớn có lần răn chúng tôi: " Coi chừng bà ấy là mẹ mìn đấy!"

Gia đình tôi dần dần cũng thích ứng với cuộc sống mới. Ngày tháng an bình từ từ trôi. Sau cơm trưa chị tôi cùng hai anh em leo lên xe xích lô đi học tại trường Tiểu Học Đa Kao. Trường này học sinh và thầy cô phần đông là dân di cư nên tôi cảm thấy dễ chịu. Nhưng lớp quá đông có đến năm sáu chục đứa một lớp. Tôi còn nhớ ông thầy Ngư lớp Tư gầy còm với móng tay dài nhọn bấu tai tôi khi tôi không thuộc bài mà ông này là bạn mạt chược của cậu tôi mới chết chứ! Còn cô Hạnh lớp Nhất thì hiền từ nhỏ nhẹ như ma sơ!

Sau khi tan học, cậu ấm cô chiêu lại được ông phu xích lô quen đưa đếṇ Cercle Sportif, câu lạc bộ do người Pháp sáng lập và cai quản gần Vườn Tao Đàn, để bơi với cậu tôi. Sau khi bơi xong chúng tôi đi về bằng tắc xi. U Được không còn ở với tôi nữa vì sở cậu tôi phái một người làm công cùng làng với cậu tôi. Lúc đó tôi đã lớn nên không còn nhớ đến u nữa.

Tuy là người ngoại đạo nhưng chúng tôi vẫn mong chờ ngày ăn mừng Lễ Giáng Sinh vì chúng tôi ở ngay gần nhà thờ Đức Bà. Chúng tôi cũng lũ lượt theo làn sóng người đi nhà thờ và dạo phố Bô Na. Rồi về nhà ăn tiệc nửa đêm với bánh pâte chaud Hương Lan cùng bánh Buche de Noel truyền thống.

Còn tới đêm hè khi Sàigòn bị inh tai nhức óc từ các con ve sầu thì hai anh em chúng tôi rủ nhau đi bắt ve tại sân rộng rãi có cây lớn trước cửa Dinh Độc Lập. Nơi đây cũng là nơi kín đáo lý tưởng dành cho các cặp tình nhân hẹn hò. Các cô chú ve sầu sau 17 năm ngủ dưới lòng đất đúng ngày chúng bò lên cây. Nếu tới sớm các cô chú hãy còn là những con côn trùng không cánh nhưng sau một hồi chúng lột xác biến thành ve trưởng thành có cánh ướt át nhưng một hồi cánh khô và nhờ đôi cánh đập vào nhau các chú đực tạo âm thanh thu hút mời gọi các chị ve xe duyên. Chúng tôi mang ve sầu về, treo trong mùng và sáng hôm sau có một bầy ve để chơi. Nếu không đi bắt ve thì chúng tôi đi bắt dế cũng gần nhà trên đại lộ Thống Nhất. Không cần phải đào đất tìm dế mà ban đêm đèn neon bật sáng chưng các cô chú dế say ánh đèn bay tứ tung, đến khi mệt bay xuống đường là anh em chúng tôi chụp ngay. Dế đực thì giữ còn dế gái để dành cho đàn gà của mợ tôi. Sau đó là màn chọi dế đầy hứng thú của hai anh em. Chúng tôi đâu cần các trò chơi điện tử đắt tiền!

Hai anh em tôi như cặp bài trùng. Em tôi học giỏi và khôi ngô. Chúng tôi đều gia nhập Hướng Đạo họp mỗi sáng Chủ Nhật tại một công viên trên đường Phan Đình Phùng. Đoàn sói con này đào luyện cho chúng tôi mạnh dạn và tự tin hơn. Có lần em tôi hoá trang diễn làm công chúa Mị Nương trong màn sự tích Sơn Tinh Thủy Tinh tại Sở Thú làm cho khán giả cười nghiêng ngửa.

Nhưng số mệnh em quá ngắn. Trước ngày em mất vào ban đêm chúng tôi thấy một con cú trắng đậu dưới mái hiên nhà, chị tôi chửi lớn đuổi nó đi vì đó là một điềm quái gở đến với gia đình. Sau đó qủa như rằng em ra đi lúc12 tuổi vì bệnh sốt xuất huyết mà bác sĩ Pháp tại nhà thương Đồn Đất chưa rành chữa trị bệnh nhiệt đới này. Em sói con đóng vai Sơn Tinh mắt rớm lệ cầm hình chân dung của em tôi dẫn đầu trong đám tang đầy vòng hoa trắ́ng trinh nguyên của cô công chúa Mị Nương. Chả còn cảnh thảm nào bằng cảnh lá vàng khóc lá xanh rơi! Tôi mất đi người em và một người bạn thân thiết
Ngay khi chúng tôi còn nhỏ cậu tôi dạy tiếng Pháp tại nhà với cái roi mây thành ra tôi nuốt không vô. Anh văn trở nên thịnh hành vào đầu thập niên 60 nên cậu tôi cho chúng tôi được đi học tư thêm môn này sau giờ học tại trường Khải Minh gần chợ Tân Định. Tôi còn đi nghe thính thị tại thư viện Abraham Lincoln lúc đó nằm trên đường Lê Lợi. Học Anh văn là phải thực hành nên chúng tôi sí sa sí sô với nhau cậu mợ tôi nhìn nhau lắc đầu. Nhất là khi có bà chị du học bên Mỹ về thì tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong gia đình.

Hai ông anh học giỏi thi đậ̣u vào trường Y Khoa nhưng muốn tự do nên vào ở ký túc xá sinh viên gần Chợ Lớn thành ra tôi là em trai một mình sống với các bà chị. Lúc này chúng tôi dọn nhà đến nhà của sở góc đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng. Tôi thích lắm vì trường trung học Nguyễn Trãi của tôi cách mấy bước. Ngày 1-11-1963 chúng tôi chứng kiến biến cố lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm khi lính cách mạng xin phép cậu tôi được chiếm đóng phòng trên lầu vì nhà tôi là điể̉m chiến lược gần Đài Phát Thanh và Thành Cộng Hoà. Sáng hôm sau tôi theo anh chị viếng thăm Thành Cộng Hoà đổ nát và đón mừng lính cách mạng trên đường Lê Lợi.

Rồi từ đó tình hình chính trị tại Việt Nam đầy rối loạn như tơ vò. Đảo chính, biểu tình, tuyệt thực, bãi khoá...và tình trạng gia đình tôi cũng không kém phần rối ren. Cậu tôi về hưu phải trả nhà cho sở, mua nhà riêng trong ngõ gần Cầu Kiệu. Mợ tôi không chịu về nhà ở chung vì biết rằng cậu tôi có lăng nhăng với một 'cô đầu cô đít cô đoi' ở Khánh Hội. Tuy vậy bà cũng đến dọn dẹp, sửa nhà cho cậu tôi. Mợ tôi thuê nhà ở chung với hai cô con gái ở Đa Kao và đi làm cho tiệm thuốc của bà chị dâu. Ấy vậy mà bà vẫn chăm lo cho cậu tôi bằng cách nấu cơm cho ông mỗi ngày. Chị tôi và tôi thay phiên nhau lái solex mang cơm trong gà mên tới nhà mỗi buổi trưa và tối. Tuy giận mà hãy còn thương! Chắc đó là đức tính của đàn bà Việt Nam. Sau đó chắc cô đầu không còn bòn được ông già hưu trí nên đành nói gút bai. Ông cụ bán nhà, làm hoà với mợ tôi, về nhà ăn cơm vợ! Tôi mừng quá vì không phải làm chân đưa cơm tháng nữa!

Trong khi học Y Khoa, hai anh tôi vào quân y và lấy vợ. Sau khi tốt nghiệp hai anh được bổ nhiệm đi làm xa. Bỗng đùng được tin một anh bị tai nạn khi lái xe cứu thương trong công vu tại Quảng Trị và được đưa ra Đệ Thất Hạm Độ̣i để chữa trị. Nhưng số mệnh đã an bài. Anh ra đi để lại bà vợ trẻ và đứa con chưa đến một tuổi.

Tới tuổi động viên nhưng tôi được miễn dịch vì lý do gia cảnh. Tôi ghi danh học trường Khoa Học để vào Y Khoa theo chân hai ông anh như cậu tôi muốn nhưng tôi không theo được và đành bỏ trường theo học lớp dự bị Anh Văn bên Văn Khoa. Khi có chứng chỉ dự bị tôi may mắn đậu kỳ thi tuyển của Đại Học Sư Phạm ban Anh Văn. Cả nhà đều ngạc nhiên vì tôi không nói cho ai biết cho đến khi thấy tên mình trong bảng sinh viên trúng tuyển. Tôi như người đang buồn ngủ mà gặp chiếu manh. Lớp ít người, ban giảng huấn hùng hậu có tiếng và nhất là có tí tiền còm ba ngàn đồng một tháng.

Khi tôi đang thi cuối năm thứ hai thì cậu tôi qua đời hai ngày sau vì bệnh đột qui bất thình lình. Lại một lần nữa chúng tôi vấn khăn tang xụt xùi. Cậu tôi ra đi vội vã không một lời chăn trối.



Tình hình chiến sự càng ngày càng khẩn trương vào tháng Ba, 1975 sau khi Tổng Thống Thiệu ra lệnh rút quân tại Ban Mê Thuột. Cái bản đồ Việt Nam của tạp chí National Geographic mà tôi đánh dấu những thành phố đã thất thủ chứng tỏ lực lượng chính qui của Việt Cộng đang tiến gần đến Sàigòn. Phải chạy thoát với bất cứ giá nào. Nhưng làm cách nào bây giờ đây?

Chúng tôi gọi điện thoại ông anh rể người Mỹ cầu cứu. Anh có thể giúp chúng tôi chạy thoát Sàigòn. Chị tôi đã du học bên Mỹ và lấy chồng. Anh này rành tiếng Việt và thích mạo hiểm.Tôi đang học năm cuối Đại học Sư Phạm sắp tốt nhiệp nhưng phải bỏ ngang chạy theo tiếng gọi của Tự Do.

Ông anh re ångười Mỹ đáp chuyến bay cuối cùng của hãng Pan Am từ Honolulu, trải qua bao nhiêu gian nan, thử thách làm giấy tờ cho gia đình và họ hàng. Hai ngày sau 33 người nhà vợ lên máy bay trước bốn ngày Sàigòn bị cưỡng chiếm.

Chúng tôi như chim bạt gió ghé Trại Không Quân Clark tại Phi Luật Tân rồi đảo Wake xa lạ nằm giữa biển Thái Bình. Khi máy bay C-140 hạ cánh xuống đảo thì được tin thành phố Sàigòn đã thất thủ. Anh chị em tôi nhìn nhau buồn cho Việt Nam đau thương. Mỗi buổi chiều ra bãi biển lòng tôi quặn đau khi nhìn những cơn sóng tan vỡ bên ghềnh đá như số mệnh của nước Việt Nam. Nhưng cũng gượng nhìn về tương lai và hy vọng có ngày tươi sáng không đạn bay.

Sau khi làm xong thủ tục giấy tờ tại đảo Wake, chúng tôi lại dắt dìù nhau lên máy bay vào đất liền. Chúng tôi chọn tới trại ti nạn ở Florida nhưng nửa đường hỏi ra mới biết máy bay trực chỉ Fort Chaffee, Arkansas. Máy bay hạ cánh lúc nửa đêm dân chúng Mỹ chả ai ra đón. Sau mới biết được rằng dân da trắng biểu tình chống sự gia nhập của dân tị nạn vào Arkansas ban ngày nên chúng tôi được đưa đến vào ban đêm.

Bước đầ̀u xây dựng giấc mơ Mỹ của dân tị nạn là đây. Họ đưa chúng tôi đến trại lính ấm cúng và cho chúng tôi ngủ mấy tiếng sau đó được họ dẫn đi làm giấy tờ tùy thân mẫu I-94, chích ngừa và cấp giấy an ninh xã hội. Lúc đầu vì chưa có ngân khoản nên chúng tôi làm quen ăn cơm xấy trộn cá tuna rắc xì dầu và tương ớt.  Nhưng sau thực đơn khá hơn nhờ viện trợ của Quốc Hội. Sau đó chúng tôi tìm người bảo trợ để được định cư.

Nhóm chúng tôi  chia nhau đi khắp Bắc Mỹ. Mợ tôi và hai chị bay về Hawaii ở cùng với chị tôi và anh rể Mỹ. Anh tôi và nhà vợ chọn Kansas City, Kansas, chị cả và gia đình cùng một chị khác chọn Pontiac, Michigan. Gia đình của em ông anh rể  vượt biên giới dọn sang Montreal, Canada. Và tôi đơn độc bay về trường Đại Học Brigham Young tại Provo, Utah tiếp tục con đường học vấn.

Khi tôi còn nhỏ không bao giờ tôi nghĩ rằng một ngày nào đó tôi được định cư tại một miền đất xa lạ mênh mông này. Khi lớn lên học tại Đại Học Sư Phạm, tôi đã có giấc mơ sau khi tốt nghiệp dạy học mấy năm rồi sẽ xin học bổng tu nghiệp bên Mỹ giống như các giáo sư ĐHSP của mình rồi về nước phục vụ cho con em trong tương lai. Bây giờ thì giấc mơ đó thành sự thật. Mình thật sự đang đứng trên mảnh đất hứa vĩ đại mà hầu như ai trên thế giới yêu chuộng Tự Do đều mơ ước đặt chân và định cư tại miền đất Hiệp Chủng Quốc này.

Tượng Nữ Thần Tự Do chói sáng tại New York có ghi tạc bài thơ "New Collosus"  hay "Pho Tượng Mới" của thi sĩ Emma Laxarus dưới chân tượng như sau:

 ..."Trao ta những kẻ mệt mỏi, nghèo đói của các ngươi,

Những đám đông chen chúc của các ngươi đang mong chờ hít thở Tự Do

Những rác rưởi tanh hôi trên bờ biển đông đúc của các ngươi,

Trao ta những kẻ vô gia cư, dập vùi trong bão tố,

Ta sẽ nâng đèn sáng bên cạnh cánh cửa vàng!"

Vâng, chúng tôi theo ánh đèn và cánh cửa vàng đã mở rộng mở chào đón chúng tôi mà không phân biệt chủng tộc, màu da hay tôn giáo.

Ông bảo trợ là người quen khi tôi ở Sàigòn nói với tôi rằng: "You're your own boss now." "Bây giờ mày là ông chủ cho chính mày". Biết thân biết phận tôi ghi danh đi học khóa hè ngay ngày sau  ra trại tị nạn và kiếm việc làm thêm sau giờ̀ học bằng chân rửa chén trong cafeteria của trường. Đây là job đầu tiên của cậu ấ́m.

Lúc đầu cứ tưởng là ngồi xệp rửa bằng tay. Ai ngờ được dẫn đến phòng rửa chén có máy chạy rầm rầm quay vòng vòng. Người rửa cứ việ̣c cho bát đĩa dơ vào khay, khay di chuyển vào máy rửa rồi qua máy làm khô nóng ran. Sau đó chỉ việc lấy khay ra và cứ như vậy làm cho hết giờ. Có lần bị thằng đồng nghiệp đánh rớt miếng nhôm nóng che máy rửa vào chân làm gẫy ngón chân út nhưng chẳng được bồi thường gì hết.

Vì là trường đạo nên trường không theo luật lao động nên tôi chỉ được trả $1.90/giờ thay vì $2.10/giờ lương tối thiểu. Mì gói và cổ gà luộc là hai món thường xuyên của tôi. Đợi đến cuối tuần khi các sinh viên cùng phòng đi vắng thì tôi mới dám nấu ở apartement thức ăn với nước mắm!

Tôi bỏ ngành Sư Phạm vì thấy nghề giáo không có vẻ sáng lạn cho lắm và chuyển sang ngành Quản Trị Tiếp Thị (Marketing  Management) nhưng ra trường chả có job nào cả.

Muà hè tôi lặn lội làm tiếp nghề rửa chén tại  một sòng bài ở South Lake Tahoe, biên giới Nevada và California, nơi có hồ xanh như ngọc thạ̣ch bên dãy núi Sierra Nevada. Lương khá hơn và họ bao cho ăn sáng,trưa và tối miễn phí. Sau đó tôi chọn đi truyền giáo cho đạo Mặc Môn (Mormon hay The Church of Jesus Chris of Latter Day Saints) tại San Diego.

Lúc đó mợ tôi không còn thích ở  Hawaii nữa và chọn sang ở với con trai cả bên Paris nhưng rồi một thời gian cũng chán và quay lại ở với hai cô con gái hợp hơn tại Minnneapolis.. Tôi xin về tụ họp với gia đình tại đây, cùng ăn cùng ở với nhau trên miền đất lạnh Minnesota.

Chúng tôi biết ơn Nữ Thần Tự Do đã cho phép chúng tôi dọn nhà thoải mái mà không bị mất hộ khẩu như tại cái đấ́t đau thương mà chúng tôi đã bỏ đi!

May mắn tôi lại có dịp trở lại lại ngành Sư Phạm khi Khu Học Chính Minneapolis cần người trợ giáo song ngữ cho đám học sinh tị nạn Việt Naṃ Họ còn trợ cấp cho tôi học ban đêm tại Đại Học Minnnesota để có bằng cử nhân và chứng chỉ dạy học thực thụ. Tôi đi dạy mỗi ngày và chiều tối đi học dù trời lạnh căm. Thế rồi tôi cũng ra trường, có bằng cao học và chứng chỉ dạy ESL, Sử Địa, Anh Văn và Song Ngữ. Trong số các bạn tôi cùng lớp trốn thoát Việt Nam sau 1975 họ đều 'mất dạy' chỉ có hai người tiếp tục theo đuổ̉i nghề gõ đầu trẻ.

Đi làm đi học quá bận nên chuyện vợ con bỏ xó cho đến khi nhìn lại thấy mình đã quá ba mươi! Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam đầy thảm khốc trai tráng phần đông gia nhập quân đội và có người hy sinh cho tổ quốc nên sinh ra nạn trai thiếu gái thừa. Nhiều thiếu nữ không dám lập gia đình vì sợ sẽ trở thành góa phụ. Bài "Kỷ Vật Cho Em" của Phạm Duy nghe não lòng:

..."Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngả

Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa

Anh trở về trên chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng."...

Bao nhiêu thiếu nữ trong gia đình, họ hàng và người quen trễ nãi việc khân năng sửa túi mà mấy ông trai lớn ngồng cũng ngần ngại trong việc kiếm bạn trăm năm. Cho đến khi tị nạn sang Mỹ thì việc này còn khó hơn. Hoa Kỳ rộng lớn tìm ai bây giờ? Tóc vàng mắt xanh thì thiếu gì nhưng thân này chắc không hợp! Thấy vậy nên có nhiều bà mai ông mối kiếm chuyện xe duyên cho trai gái lỡ thời. Nhưng có bà mối ngoài chuyện giới thiệu còn đi xa hơn nhảy vào chuyện riêng tư của đôi lứa sau khi họ thành gia thất nên phải coi chừng cảnh này!

May mắn cho tôi được xe duyên với em của người bạn bà chị kế qua chuyện sắp đặt mối mai. Hãng điện thoại và hãng máy bay hưởng lộc bằng chuyện mai mối viễn liên này. Nàng ở mãi bên xứ Trái Đào Georgia còn tôi xứ  Vạn Hồ Minnesota nên tôi phải thỏ thẻ qua điện thoại và thăm viếng trong những ngày nghỉ lễ. Hơn một năm sau nàng theo tôi về dinh sau khi tốt nghiệp ở Georgia Tech.

Chúng tôi xây tổ ấm, mà phải ấm mới được vì mùa đông Minnesota lạnh buốt xương. Ba đứa con ra đời mỗi lần cách nhau hai năm. Nuôi con là một vấn đề lớn tại Mỹ. Có u Được thì tốt biết bao. Không biết bây giờ u ở đâu hay đã là người thiên cổ? Khi ra đi ngày 26/4/1975 u tôi đang trông nom con gái của ông anh bác sĩ. U không đi với chúng tôi được vì u còn vướng bận con cái. Hôm đi nghe nói u ôm đứa con ông anh khóc quá chừng! Thành ra tại Mỹ chúng tôi thay phiên nhau làm u gìa cho ba mống con.

Khi tôi đi dạy học về buổi chiều thì bà xã mới lọc cọc đi làm. Các con tôi không có babysitter ngoài bố mẹ của chúng. Cho đến khi thằng út học lớp 1 thì bà xã mới đi làm ban ngày toàn thời gian. Hay dở trong việc nuôi con là do chúng tôi cả!

Ba đứa con đều trưởng thành và đã rời tổ ấm. Con bé cả nay đã có bạn đời và theo bước chân gõ đầu trẻ của bố, thằng thứ hai gan lì làm nghề cảnh sát cho thành phố Minneapolis với sự ngạc nhiên của bố mẹ. Nó còn mua súng cho mẹ phòng thân và dẫn mẹ đi học bắn. Chàng cảnh sát này sắp sửa lập gia đình. Còn thằng út khéo ăn khéo nói ra trường dược làm cho Walmart ở Iowa miệt vườn nhưng chán nghề manager bán thuốc nên đổi đi làm cho một hãng bào chế ở San Francisco vui hơn. Còn gì sung sướng bằng khi thấy con cái đã đủ lông đủ cánh tự lập bay xa.

Mợ̣ tôi sang Mỹ hầu như an phận với tuổi già. Chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc bà nên bà không biết mùi viện dưỡng lão là gì. Bà vui với con cháu lâu lâu bà rủ mấy ông bạn già đánh mạt chược hay chúng tôi dẫn bà đi kéo máy tại casino. Bà vẫn thích hoạt động làm bánh trái nên bà làm bánh rán,bánh xu xê  và bánh cuốn bỏ mối cho tiệm thực phẩm Việt Nam. Nhưng sức khoẻ mợ tôi dần dần suy sụp và ra đi lúc được 92 tuổi. Sau đám tang chị tôi lấy số tiền lẻ bà để lại chia cho cháu và chúng mở sòng bài nho nhỏ đầy tiếng cười chắc bà cũng mỉm cười nơi chín suối.

Ôn lại cuốn phim đời mình bao nhiêu vui buồn, thành công  hay thất bại, phước lành hay khổ đau và những kinh nghiệm sống còn làm cho tôi vững tin cho chính mình. Dù thế nào tôi đã làm tròn bổn phận và bây giờ có thì giờ vui thú với cọ vẽ hay làm bạn với máy vi tính viết cho tiêu thì giờ gửi cho cô Hằng trong Việt Báo và cùng bà xã đi du lịch những nơi mình thích hay những nơi nổi tiếng trên thế giới mà mình chưa đến.

Hoa Kỳ vẫn từng là quốc gia của người di dân. Nhưng với chính sách di dân mới sẽ làm tăng số người bị đuổi về nước và chấm dứt việc bảo vệ các người trẻ em nhập cư không giấy tờ. Một số trong những em này đã là học sinh lớp ESL của tôi. Sao mà thấy bất công quá! Các người trẻ có tội tình gì đâu!

Mặc dầu tổng thống đương nhiệm hứa hẹn sẽ làm cho Hoa Kỳ trở lại hùng mạnh nhưng việc xua đuổi dân tị nạn sẽ làm nứt rạn các giá trị nhân bản của nước Mỹ. Qua các bài học lịch sử, Hoa Kỳ đã đứng đầu lãnh đạo trong việc tiếp nhận tất cả công dân trên thế giới trong đó cả hơn triệu người Việt Nam di dân sang Mỹ. Vì cớ nào chúng ta lại làm ngơ với hành động không nhân đạo trong chính sách di dân mới.

Đi ngoại quốc nhiều mới biết phần đông dân thế giới ngưỡng mộ Hoa Kỳ nhưng khi nhắc tới người thủ lãnh quốc gia "commander-in-chief" họ có thái độ khác. Dường như họ chỉ coi đó là người thủ diễn trong chương trình truyền hình thực tế "realty show" vài năm rồi sẽ có ngày hạ màn đi vào dĩ vãng. Hoa Kỳ vẫn luôn luôn là quốc gia của tự do, nhà của các người gan dạ, như trong bài quốc ca của Hoa Kỳ có câu "...the land of the free and the home of the brave" chứng tỏ sức mạnh và lòng chịu đựng của dân chúng Hiệp Chủng Quốc.

Hà Nội - Sàigòn - Minnesota là những địa danh quen thuộc mà tôi sinh ra, lớn lên và sinh sống. Dù thế nào tôi vẫn coi mình là người Việt Nam, tuy người Việt Nam bản xứ gọi tôi là Việt Kiều hay có một lơ xe đò tại Hà Nội giới thiệu với khách là tôi là người Đại Hàn nhưng nói tiếng Việt giỏi lắm! Tôi như là một cái cây bị nhổ rễ đem sang trồng tại một miền đất mới nên tôi đã phải thích ứng với phong thổ để sống còn. Nhựa sống trong tôi vẫn là Việt Nam mãi mãi.

Đời tôi đúng là một cuốn phim, hay một bộ phim bộ nhiều tập còn dang dở.  Xin hẹn thêm coi tập khác trong một ngày gần đây.

Đặng Hà Nội

* Các tên đường và địa điểm tại Sàigòn vẫn giữ tên nguyên thủy trước 30/4/75.

Ý kiến bạn đọc
23/11/202105:21:57
Khách
cheap cialis <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cialis generic</a>
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,921,939
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.