Hôm nay,  

Kể Em Nghe Chuyện Này

31/08/201700:00:00(Xem: 21557)

Tác giả: Phan
Bài số 5206-19-31049-vb5083117

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Sau đây là bài Phan mới viết khi nước Mỹ có nhật thực toàn phần kèm theo là Harvey bão lụt.

* * *

1.

Phải. Đã lâu không gặp, nhưng có chuyện gì anh không kể em nghe từ khi chúng ta biệt xứ. Có ngồi uống ly trà sớm thơm lừng góc biển quê người với nhau thì cũng chẳng biết là chỉ để đau đáu hương quê thấm tận đời này.

Sáng nay anh thình lình hiểu ra trà chỉ là tên gọi sai trật của lá hoài hương, nhưng tiền nhân đã không khéo đặt tên, làm hậu thế ngậm ngùi uống dại mà thành nhớ nhau. Anh rất biết bên trong sự nghiêm nghị phải thế của em là một trời hóm hỉnh nên mới hạp với tính tình trên trời dưới đất của anh. Cảm ơn em đã gả cho anh một tấm lòng. Chính tấm lòng phi hiện hữu, không trọng lượng, nên mới tồn tại được trong cuộc sinh tồn nghiệt ngã, bả hư danh, ảo vọng còn khốc liệt hơn trong thời đại mình.

Vì thế sáng nay, anh vẫn ngồi với ly hoài hương ở nơi chúng ta thường hẹn để kể em nghe chuyện tấm lòng. Nhưng phải hứa với anh là để gió cuốn đi thôi. Anh không muốn chuyện từ tuyệt tình cốc này lại văng lên mạng thành bão tố vì nơi anh ở tuần qua bị đe doạ bởi cơn bão nhiệt đới Harvey.

Ngay khi cơn bão còn tuốt luốt ngoài biển Mễ mà trong bờ Mỹ người ta đã lo cuống cuồng lên!

Sáng thứ sáu 25 tháng 8, anh đọc tin sớm nhất trên mạng đã thấy ngài thống đốc tiểu bang Cao bồi điều động bảy trăm Vệ binh quốc gia và nhiều trực thăng về miền biển để sẵn sàng giúp dân ứng phó với bão. (Trong khi đài khí tượng cho biết là sáng thứ bảy bão mới vào tới bờ biển Mỹ). Trời ơi! Ngài thống đốc khả kính lại chu đáo, tinh thần trách nhiệm cao như sóng thần nên ông gọi luôn cho tổng thống Hoa Kỳ để báo cáo và xin tổng thống (tổng tư lệnh quân đội) cũng sẵn sàng điều động quân đội đến giúp tiểu bang Cao bồi khắc phục thiên tai khi ngoài khả năng của tiểu bang tự lo liệu…

Ngài thống đốc quên ăn, mất ngủ để theo dõi bão. Bão tới những vùng ven biển vào chiều tối thứ sáu. Ngài tha thiết kêu gọi người dân ven biển di tản để tránh thiệt hại nhân mạng. Em ạ! Xứ này của cải chẳng đáng quan tâm nên ngay những người dân được hưởng phước chính quyền hết sức quan tâm đến sinh mạng của người dân thì họ lại coi thường! Một số người cóc thèm di tản. Nên rạng sáng thứ bảy, ngài thống đốc lại dùng hết phương tiện truyền thông hiện đại bây giờ để kêu gọi những người không di tản thì nên tự viết tên mình và số xã hội lên cánh tay để nhân viên cứu hộ làm việc dễ dàng hơn trong trường hợp xấu nhất!

Anh đọc tin buổi sáng trước khi đi làm mà cười ra nước mắt. Ở xứ anh sinh sống bây giờ, những con bò bốn chân kể ra hiền lành, tử tế, biết nghe lời hơn những con bò hai chân, em ạ! Nhưng anh phục nơi này vì chẳng có nơi đâu trên trái đất bạo lực hôm nay mà các cấp chính quyền còn tôn trọng tự do (sự chọn lựa, quyết định) của những người dân ngang bướng như như dân Cao bồi Texas.

Em biết không! Anh quyết định sẽ gởi thơ gởi về phủ thống đốc để cảm ơn ngài thống đốc tiểu bang Cao bồi. Vì, cho dù nơi anh ở rất sâu trong đất liền, có ảnh hưởng bão thì cũng chỉ lất phất chút gió mưa cho hoa lá cành cười duyên, làm dáng là cùng. Anh không cần thọ ơn ngài thống đốc giúp đỡ cho qua cơn bão vì anh cũng không thiệt hại gì bởi bão lần này. Nhưng anh sẽ viết thơ cảm ơn một tấm lòng khi anh chứng kiến một người lãnh đạo cấp địa phương (tiểu bang) mà đã tận tụy với người dân như thế. Tinh thần trách nhiệm của ông là sản phẩm của nền giáo dục mà ông đã được thừa hưởng ở quê nhà của ông, lòng nhân ái của ông là đại diện cho những tấm lòng có tự do tôn giáo nơi bản xứ ông được sinh ra và lớn lên nên người ta có đức tin. Anh nhìn về quê mình, với một bờ biển dài bằng chiều dài đất nước đang tang thương bởi ngoại bang xâm chiếm, bức hại, cưỡng bức người dân biển Việt nam. Nhưng quê ta thiếu các cấp lãnh đạo có giáo dục nên vô trách nhiệm, thiếu đạo đức căn bản bởi họ vô thần, thiếu hẳn một tấm lòng vì người cộng sản đều vô cảm. Em đồng ý không? Anh kể thêm một chứng minh cho sự may mắn của chúng ta đã có mặt trên mảnh đất tạm dung này.

Em biết không! Con người hiểu biết về nhật thực là một hiện tượng khoa học thiên nhiên từ 500 năm trước công nguyên, khi triết gia Hy Lạp Thales of Miletus đã tiên đoán một cuộc nhật thực sắp xảy ra nơi ông ở.

Nhưng để nhìn thấy hiện tượng mặt trời hoàn toàn bị che khuất bởi mặt trăng là chuyện khá hiếm. Bởi lần cuối cùng hiện tượng này xảy ra ở Mỹ là vào ngày 26 tháng 2 năm 1979 và lần đó chỉ có ít tiểu bang nhìn thấy vì độ nghiêng của trái đất, mặt trăng, chỉ ở những tiểu bang: Washington, Oregon, Idaho, Montana và North Dakota mới có thể nhìn thấy một mặt trời hoàn toàn bị che khuất bởi mặt trăng. Còn hiện tượng nhật thực xảy ra, nhưng xuyên ngang qua nước Mỹ lại càng hiếm, và nó chỉ xảy ra một lần trong gần một thế kỷ qua. Lần trước nhật thực xảy ra vào năm 1918, thì nay đã là 2017. Nhưng ngày 21 tháng 8 vừa qua, một cuộc nhật thực toàn diện băng ngang qua 14 tiểu bang, bắt đầu từ Oregon, Idaho chạy xuống tới Georgia, North Carolina và South Carolina, từ tây qua đông, với chiều rộng khoảng 70 dặm. Vì thế cuộc nhật vừa rồi được gọi là “một trong những sự kiện của thế kỷ 21”. Với sự thú vị của vũ trụ mà anh vừa biết là mặt trời lớn hơn mặt trăng gấp bốn trăm lần, nhưng nó xa trái đất hơn mặt trăng cũng bốn trăm lần. Do đó khi hai chiếc đĩa tròn này xuất hiện cùng lúc theo đường thẳng trên bầu trời thì cả hai có kích cỡ bằng nhau. Thời gian nhật thực xảy ra là thời gian hai chiếc đĩa úp vào nhau một cách trọn vẹn và hoàn hảo như cậu nằm với mợ…

Anh đã may mắn được thấy hiện tượng nhật thực toàn diện, chỉ xảy ra ở cùng một nơi trên trái đất một lần duy nhất cứ mỗi 375 năm. Hy vọng 375 năm nữa, anh lại được ngồi gõ phiếm để kể chuyện em nghe về nhật thực toàn diện nơi chúng ta gọi là quê hương thứ hai này. Và anh may mắn hơn nữa là biết đọc chữ nên đọc được,

“Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là nhật thực lần này xảy ra vào đúng dịp nhiều trường học khắp nước Mỹ mở cửa lại để đón học sinh cho niên khoá mới. Vì hiện tượng nhật thực này đã buộc nhiều trường học phải họp hành mấy bận để xem là nên đóng cửa hay vẫn tiếp tục mở cửa trong ngày đó. Lý do là vì nó liên quan đến sức khoẻ của các em học sinh.

Các bác sĩ cho biết nếu nhìn thẳng trực tiếp vào mặt trời mà không có kính bảo vệ đúng cách có thể làm phương hại đến mắt, và điều này còn trở nên nguy hại hơn nữa khi người ta đứng nhìn lên bầu trời và ngắm nhật thực. Các giới chức nhà trường của một số khu học chánh bắt đầu niên học trước ngày có nhật thực đã phải quyết định là có nên mở cửa hay là không, và giải pháp nào là cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ của các em học sinh?

Ví dụ tiểu bang Illinois, cách thị trấn Carbondale 100 dặm, là nơi nhật thực sẽ kéo dài lâu nhất, các em học sinh thuộc khu học chánh Edwardsville bắt đầu niên học mới ngày thứ ba, 15 tháng 8, nhưng các em sẽ nghỉ học ngày thứ hai sau đó (tức ngày 21 tháng 8) vì nhật thực được tiên đoán sẽ xảy ra vào đúng giờ tan trường nên trường đã quyết định đóng cửa.

Một số khu học chánh khác cũng làm như trên vì cho rằng nhật thực sẽ ở cao điểm vào đúng lúc tan trường và họ không muốn có điều gì không may xảy ra nếu các em muốn xem nhật thực mà không có thứ gì để che mắt cho an toàn.

Nhưng cũng có khu học chánh cho rằng để các em ở nhà cũng chưa chắc an toàn nếu không có cha mẹ hay người lớn giám sát. Thế nên khu học chánh này đã mua luôn một số kính an toàn để học sinh mang về nhà và đeo vào mắt cho an toàn khi xem hiện tượng nhật thực ở ngay tại nhà.”

Em thấy không? Anh cứ kêu trời hoài, nhưng trời ở quá cao nên trời không thấu hiểu cho những học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa bên quê mình. Những đứa bé chết đuối, chết chìm; rồi chết chỏng, chết trôi… chỉ vì không có tới cây cầu khỉ, hay chiếc xuồng con để qua sông mà đi học trường làng. Trong khi bọn đầy tớ của nhân dân ở vùng xa, rừng sâu… cứ mặc sức vét sạch sành sanh cũng không đầy túi tham mà xây dựng cơ ngơi cho bản thân và gia đình, nào toà ngang dãy dọc, biệt thự, lâu đài như ông bộ trưởng tài nguyên ở tây nguyên mình đó! Hồi bị bọn trâu buộc ghét trâu ăn hạch hỏi (thanh tra), thì bảo là xây dựng chuồng nuôi heo thôi đó mà!

Anh lại trời ơi! Thế còn ảnh bác trên tường phòng khách xa hoa lộng lẫy, ban thờ gia tiên của họ tộc nhà ông bộ trưởng trong chuồng heo là sao? Ai lại treo di ảnh lãnh tụ vĩ đại và thờ phượng ông bà tổ tiên trong chuồng lợn chớ? Rặt là một lũ heo rừng. Hậu duệ của lợn chúa ngoa ngôn “sữa để em thơ lụa tặng già”! Thế mà ngay đến mấy cái quan tài để chôn mấy cháu bé chết thảm vì hiếu học cũng do những người hảo tâm trong làng tự góp nhặt ván, gỗ mà đóng cho chúng để ngàn thu yên giấc còn hơn sống với lợn lòi. Thử hỏi anh làm gì hơn được là lại viết thơ cảm ơn cái khu học chánh mua kính bảo vệ mắt cho học sinh xem nhật thực dù chúng ở nhà chứ không đến trường mà bắt nhà trường phải chịu trách nhiệm với hậu quả - nếu xảy ra. Em thấy không? Chính những điều nhỏ nhặt đó nhưng lại là tiền đề cho trẻ nhỏ ở xứ này lớn lên sẽ sẽ tiếp tục truyền thống đời trước phải biết lo lắng và quan tâm, phải có trách nhiệm (thật) với đời sau, chứ đừng ngoa ngôn, xáo ngữ. Và cũng từ đó mà xứ sở này lại sản sinh ra những ngài thống đốc lo chống bão cho dân còn hơn lo xây chuồng heo tráng lệ để thờ bác và gia tiên.

2.

Em còn nhớ hay em đã quên khung trời hội cũ là nơi chúng mình cũng đói rã họng với khoai sùng, bo bo… mà đến lớp. Nếu không liều mạng vượt biển, vượt biên thì giờ chắc cũng đã bị luà vô chuồng heo cả lũ. Đó là chuyện quê ta. Không có em quê nhà vẫn vậy, vẫn bầy đàn, chuồng lợn,với ảnh bác, tượng bác, mọc đua chen với suy đồi đạo đức xã hội và dân trí đi xuống trên diện rộng, rộng đến cả nước.

Thế là sáng nay anh đã kể em nghe chuyện quê nhà, quê người. Có lẽ chuyện em mong là chuyện chúng mình hơn, phải không? Em ạ! Một người không thành xã hội nên một đất nước thuần chủng không mang tên Hợp Chủng Quốc như Hoa Kỳ. Chúng ta may mắn được sống trên mảnh đất này với nhiều dân tộc khác nhau. Điều lợi có thật là mỗi người được học hỏi, hiểu biết nhiều hơn về những chủng tộc, sắc dân khác mình từ màu da tới tiếng nói, phong tục tập quán, v.v... Nhưng điều không may là anh luôn nhớ lời em dặn dò: lúc nào, bất cứ việc gì, mọi hoàn cảnh đều phải bảo trọng! Nhưng anh đã không đặng lời ru mãi ngàn năm ấy của em. Xin lỗi em nhiều về chuyện hiếm hoi như nhật thực toàn diện mà anh đã kể em nghe, chuyện anh sắp kể cũng từ một tấm lòng…

Chuyện nhỏ xíu thôi em! Người bạn trẻ của anh ở địa phương gởi tin nhắn cho anh vào trưa thứ sáu, nhưng không phải tin bão tới vì em cũng đã biết khá rõ về người bạn trẻ thích chén đũa của anh. Bạn anh nhắn tin: “Tối thứ bảy qua nhà em coi trận đánh bốc vô tiền khoáng hậu của Mayweather và McGregor. Em có hẹn thêm vài anh em nữa để cùng xem cho vui. Anh có rảnh để nấu cho anh em món gì lót bụng không? Còn lại tụi em lo…”

Thế là chiều thứ sáu đi làm ra, anh phủi mưa bão lất phất như mưa bụi trên áo mà tiến vô chợ Việt nam nơi anh ở. Anh lượn một vòng chợ sớm vì anh đi làm sớm về sớm hơn người thường. Nghĩ trời gió gió mưa mưa, hay nấu nồi bò kho cho anh em thưởng thức cũng hạp thời tiết đấy chứ! Vậy là anh mua đủ thứ để nấu bò kho, còn thêm vài món ăn chơi khai vị nữa chứ; rồi lại mấy món cho tuần tới đi làm…

Ra đến quầy tính tiền, gặp chiều thứ sáu và đã đến giờ tan hãng nên chợ càng lúc càng đông người. Anh lại bị bệnh Adam là thấy người đẹp thì anh ưa nhường! Biết tính em nên anh nói vậy để em tin liền. Thật ra khác, là người sau lưng anh đẹp hơn anh tưởng và tả cho em nghe nhiều. Trên xe chợ mà cô ta đẩy ra quầy tính tiền chỉ có mấy món ăn chơi mà gặp anh thì cầm tay cho tiện cũng được, khỏi cần xe. Hoá ra người có nhan sắc cũng cần phải điệu một chút cho ra dáng. Ý anh là khi em mặc áo dài Việt nam thì không cần thiết phải đi đứng ào ào như biệt kích Mỹ vì trong thiết kế truyền thống đã cho phép ẻo lả thì sao em không duyên dáng một tí cho anh thương hoài ngàn năm…?

Em biết không! Anh hoàn toàn thông cảm với giai nhân nên nhường cho cô ta tính tiền trước vì xe anh hơi nhiều túi ny-lon. Đâu phải chỉ có món bò kho không đâu, nào còn mực xào cà chua, dưa leo với cần tàu, khổ hoa hầm tôm thịt cho tuần tới nữa chớ…

Em ạ! Cô là người lịch sự như ý vì chân thành cảm ơn anh chứ không phải cảm ơn cho có, lấy lệ như đời mưa bay ngoài cửa kính. Chỉ có điều là cả anh và cô cùng không ngờ hai người đang tính tiền với quầy là một đôi vợ chồng già người Quảng mà anh đoán là Quảng Nam, vì hai người cùng nói là chuối dộp chứ không nói là chuối giập. Không biết hai cụ mua chuối xứ làm gì mà mua cả chục nải chuối, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng mỗi lần người thâu ngân bỏ một nải chuối lên bàn cân thì cụ bà lại hỏi lại, “có phải là một đồng chín mươi chín xu một bao (pound) không vậy chú?” Người thâu ngân cũng kiên nhẫn trả lời một cách lễ phép với người lớn tuổi, và lễ độ với khách hàng của một nhân viên thâu ngân. Anh được vui lòng chờ vì thật hiếm khi thấy được văn minh hiện hữu trong chợ Việt.

Rồi người thâu ngân nhìn thẳng vào mắt người đẹp thở dài với ánh mắt xin lỗi một cách tế nhị, kín đáo, không để ông bà cụ biết! Một hình ảnh đẹp làm anh tự hào với cộng đồng người Việt nơi anh sinh sống.


Có thể nhờ cách xử sự hòa nhã, tế nhị của người thâu ngân, cô khách hàng trước anh cũng vui vẻ khi phải chờ ông bà cụ kiểm soát từng nải chuối. “Có phải là một đồng chín mươi chín xu một bao không vậy chú?” Cụ bà lập lại câu hỏi, không biết lần thứ mấy. Người thâu ngân kiên nhẫn và lễ độ trả lời. Cụ bà lập lại với cụ ông lệnh cũ, “Ông coi trên truyền hình (là màn hình computer đó em) coi có đúng một đồng chín mươi chín/ bao, đúng bao không vậy ông?” Cụ ông trả lời bình thường… chắc là từ khi cưới cụ bà, hay bị cụ bà cưới thì anh không biết! Cụ ông kiên định với câu trả lời, “tui có thấy gì đâu!”

Làm anh với người đẹp cứ bụm miệng mà không dám cười ông bà cụ. Giờ thì người đẹp đã hết bực mình vì chờ đợi nên trông cô càng tươi hơn. Anh cũng được vui lây khi nghe cô nói với anh, “… Nhìn anh hơi quen! Chắc em đã được gặp anh ở đâu đó, nhưng không nhớ.” Anh cảm ơn rồi đứng lung nghĩ ngợi. Chợt cười một mình! Cô hỏi anh cười cô hả? Anh trả lời, “Tôi đâu dám cười cô. Tôi chỉ đang nghĩ đến sự lật lọng của từ ngữ. Từ hơi quen với từ quen hơi chỉ là đảo ngữ, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác!”

Cô ửng hồng hai gò má nên càng xinh đẹp hơn. Càng lúng túng, bối rối, phụ nữ như càng dễ thương hơn. Và dễ thương nhất là người đẹp mà lại thông minh thì quả là hiếm qúy! Cô bắt chuyện sang hai đứa bé vòi vĩnh cha mẹ mua cho hai túi kẹo treo hằng hà nơi quầy tính tiền. Họ là gia đình xếp hàng chờ trả tiền sau anh. Người cha trẻ không có ý kiến, không can thiệp vào chuyện vợ con nơi công cộng, kể cũng lạ! Người mẹ trẻ không lớn tiếng nhưng cứng rắn với hai con: không cho mua… Anh nhìn lại một gia đình non trẻ nhưng có phần lam lũ, chắc họ còn khó khăn do mới định cư. Anh cũng muốn tặng cho hai đứa bé hai túi kẹo khi chợt nhớ đến tuổi thơ của mình ở quê nhà, nhớ những trưa hè vắng lặng ngoài ngõ thôn, nghe rõ mồn một tiếng rao kẹo kéo đây… Nhưng đành nuốt nước miếng thèm theo vòng quay xe đạp của ông kẹo kéo đạp qua thời bao cấp.

Anh sung sướng thật tình từ khi xa em vì bấy lâu nay mới thấy một người phụ nữ hiểu ý anh mà không cần lời như em hiểu anh. Cô ấy nói với người mẹ trẻ, “Xin lỗi chị cho tôi tặng hai cháu hai túi kẹo. Thấy chúng, làm tôi nhớ cháu ngoại quá! Con cái bây giờ chẳng thông cảm cho ông bà thương nhớ cháu…”

Cô nói rồi ra hiệu cho người thâu ngân biết là cô lấy ba túi kẹo. Cho hai đứa bé mỗi đứa một túi và một túi để lên chút bánh trái chưa tính tiền của cô để người thâu ngân có mã số hàng hoá mà tính tiền hai túi kẹo kia cho cô.

Em biết không! Anh bận lắm vì một con mắt phải theo dõi xử sự của hai người đàn bà. Người mẹ trẻ thì chỉ biết ấp úng cám ơn, cũng không biết nói hai con nhỏ cảm ơn người cho chúng kẹo. Còn người đẹp này thì anh tội tình gì đâu mà ném anh lên cân giữa chợ đời? Cho dù cô có là bà ngoại trẻ thì cũng cần già hơn chút nữa cho anh tin với chớ, nên anh chỉ cười cho cô thắc mắc trước rồi mới giải thích, “Nếu cô đã có cháu ngoại thì cô với con gái của cô ra đường sẽ bị khối người nhầm là hai chị em…”

Và em biết không! Con mắt còn lại của anh thì theo dõi ông bà cụ. Cụ bà bắt người thâu ngân phải tính luinải chuối thứ tám. Bắt cụ ông phải coi truyền hình coi có đúng không? Người thâu ngân chỉ biết dạ bác, cụ ông vẫn kiên trì, tui có thấy gì đâu!Hai người đàn ông tội nghiệp đều ngoan ngoãn thi hành xong thì cụ bà bắt người thâu ngân phải chờ, và lệnh cho cụ ông đi lấy nải chuối khác để thay thế!

Coi như bế tắc hết một quầy tính tiền trong giờ đông khách hàng. Anh thầm cảm ơn xử sự văn minh trong chợ Việt là không ai lớn tiếng với ai. Người đẹp đã như quen nên thoải mái trò chuyện với anh và người thâu ngân. Cô ấy nói với người thâu ngân nhưng chỉ vào bó cần tàu của anh trên đường băng nhựa, “Bó cần này bị gãy một lá. Anh phải hỏi ý khách hàng đây (chỉ sang anh) trước để khỏi phải… tính lui!”

Cả ba cùng cười với từ tính lui của bà cụ.

Rồi người thâu ngân nói, “Trời ơi! Không biết ông già về bên Mễ lấy chuối hay sao mà đi lâu dữ vậy trời!” Anh nói, “Đây qua Mễ không xa. Nhưng anh thông cảm trời đang bão…” Thế thôi em ạ! Thế thôi mà ba người gặp nhau giây lát đã như thân quen từ thuở nào. Rồi anh thâu ngân trò chuyện lại với cô khách hàng, “Khổ lắm chị ơi! Tôi làm ở đây nhưng lấy kinh nghiệm từ chợ Mỹ là người ta kiên nhẫn phục vụ khách hàng khi tôi là khách. Nên khi tôi phục vụ khách hàng thì tôi làm theo Mỹ vì thấy họ hay. Có điều, nhiều khi tôi bị ban quản lý chợ khiển trách là làm biếng! Đứng chờ để khỏi làm hả? Như tôi biết làm sao nếu không chờ ông già đi lấy nải chuối thì bà già sẽ chửi tôi tới hết đầu thai, mà chờ thì mang tiếng làm biếng với ban quản lý, làm phiền những người chờ đợi như anh, chị đây! Làm ở đây nhiều khi tai họa tới không ngờ như sáng nay, mới sáng sớm. Có cô nhỏ nhào vô chợ như gió lọn, hỏi chỏng không tới tôi không muốn trả lời, nhưng mấy bà chị, cô em tính tiền như tôi cứ tỉnh bơ như không nghe vì họ không muốn trả lời người vô duyên vào buổi sáng sớm. Buộc tôi phải lên tiếng. Cô ấy hỏi, Ở đây có nhãn lồng không? Tôi thì thật thà trả lời, “Dạ có nhãn tươi trước mặt cô nè. Rồi có nhãn hộp trên quầy đồ hộp…

Cô ấy cắt ngang lời tôi đang nói, Tui hỏi nhãn lồng. Tui nói tiếng Việt, không hiểu hả? Trời ơi! người gì vậy?

Tôi nói, Dạ cô. Vậy tiếng Anh gọi là gì, có thể tôi biết…!”

“Trời ơi! Tui không biết tiếng Anh nên mới nói tiếng Việt với anh. Vậy mà anh cũng không hiểu. Thôi đi cha nội! Rồi cô ấy ngoay nguảy đi ra khỏi chợ như ma đuổi…”

Em biết không! Anh cũng đã từng gặp những người như thế, nên càng qúy sự tử tế của hai người đang trò chuyện với anh. Chỉ có chuyện vui nào cũng cần có giới hạn, quá hạn sẽ rất phiền. Phiền rất là phiền khi nải chuối thứ tám đã cân xong, người thâu ngân đã bỏ vô túi ny-lon, cụ bà đã hỏi câu quen với người thâu ngân và hỏi câu cũ với ông cụ nhà.

Về mặt thủ tục của nải chuối thứ tám đã hoàn tất thì sự cố xảy ra! Bà cụ thấy được nải chuối thứ tám có một trái bị giập. Thế là cụ bắt người thâu ngân phải tính lui, nải chuối này không được tính tới vì chuối bị dộp… Và cụ ông đúng là đi sang Mễ đổi nải chuối, và gặp bão, nên mọi người cứ phải chờ dài cổ ngóng trông. Anh thì đã thích chờ, nhất là người đẹp hỏi anh, “Nhãn lồng là nhãn gì anh?” Anh cũng là người thật thà như anh thâu ngân nên thành thật trả lời, “Chắc cô đã biết nhưng quên câu ca dao và bài lý chim quyên rồi, chim quyên ăn trái nhãn lồng/ lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi… Hồi nãy cô nói nhìn tôi hơi quen nên tôi nhớ tới bài lý quen hơi là vậy!”

“Chắc anh là…?”

*

Em biết không?

Có đôi khi trong đời sống người ta chỉ gặp nhau một lần rồi không quên được. Nhưng cũng ngay trong đời sống đó người ta lại cố quên đi một quan hệ đã nhiều năm… Chung quy chỉ một tấm lòng là khi còn nghĩ tới nhau. Anh bước qua ranh giới vui hay buồn đôi khi để biết rằng đã quên nghĩa là nhớ lắm và ngược lại. Để anh bất ngờ sau tiếc nuỗi nhìn theo là cô ấy chờ anh ngoài cửa chợ! Hai người lại trò chuyện như bạn cũ gặp lại dù mới quen dăm phút trước và chia tay vài phút sau…

“Xin lỗi làm anh bất ngờ thấy tôi đợi anh. Tôi tên là…”

“Hân hạnh được biết tên cô. Còn tôi là… Không biết cô đợi tôi có việc gì?”

“Ban nãy trong chợ là nói vui cho bớt bực bội chờ đợi vô cớ. Nhưng dù sao tôi cũng chỉ nhớ loáng thoáng được câu ca dao anh nói, nó có liên hệ gì với bài lý chim quyên? Xin lỗi anh là tôi đi khi còn nhỏ nên quên nhiều tiếng Việt lắm rồi!”

“À! Cảm ơn cô đã chờ tôi. Cảm ơn lớn hơn là một người đã rời xa quê hương từ khi còn trẻ, còn nhỏ không chừng, vậy mà vẫn còn quan tâm tới tiếng mẹ đẻ. Xin thưa với cô là tôi không nói đùa. Câu ca dao, Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi là câu ca dao có thật trong dân gian miền nam nước ta. Và từ ca dao, câu thơ lục bát ấy bước qua dân ca càng hay với điệu lý nên gọi là lý chim quyên. Về điệu lý ở nam bộ thì mênh mông như sông Tiền, sông Hậu. Lý trong vọng cổ, lý trong cải lương, lý hát bộ, lý dân ca… Lý bình dân đến mức hát về con chim xanh thì gọi là lý chim xanh, nên cũng không khó hiểu khi có lý con sáo, thậm chí có cả lý trái mướp, hay lý con còng…

“Cảm ơn anh giải thích. Vậy xin anh nói thêm về nhãn lồng được không? H thật sự không nhớ trái nhãn lồng, hoặc có thể là chưa từng biết tới!”

“Có thể cô sống ở thành phố, rồi lại ra đi khi còn trẻ, nhỏ, nên không biết trái nhãn lồng. Chứ tôi có cả tuổi nhỏ ở ruộng đồng nên là bạn với loài dây leo mọc hoang dại ở miền Nam, còn có tên là chùm bao. Trẻ trai chúng tôi không ưa loại trái này vì thời tôi còn nhỏ, ở dưới quê thì vườn nhà ai chẳng có cóc, ổi, xoài cho chúng tôi hái xin hay hái trộm thì người lớn cũng chẳng thèm bắt trộm đám trẻ con hay mắng chửi gì. Rồi thì trái hoang ngoài bờ sông, mương rạch thì có trái bình bát, ngon à nha. Đến trái bần chua chua mới đã khát tắm sông làm sao. Nói tóm lại là trái chùm bao thuộc loại dây leo hoang dại, mọc bất cứ đâu có thể. Khi trái còn non thì màu xanh và chín hườm thì cam, chín tới màu lửa, chín đỏ là mức chín cuối cùng. Thi thoảng bọn trẻ trai chúng tôi cũng ngắt lủm cho đỡ buồn miệng trên đường tan học trường làng, hay đi đào dế sau mưa… Trái chùm bao chơi thân hơn với trẻ gái vì nhiều màu sắc theo độ chín nên được các trẻ gái hái về để chơi bán đồ hàng cho phong phú món ăn theo tưởng tượng của trẻ em.

Và loài chùm bao hoang dại này chỉ mang tên nhãn lồng khi người lớn đi ngắt mớ đọt nhãn lồng về nấu nước tắm - trị rôm sảy cho trẻ nhỏ. Tôi còn nhớ là sản phụ sau khi sanh cũng dùng nước nấu đọt nhãn lồng để tắm cho bớt ngứa ngáy vì ngày xưa sanh xong sản phụ nằm trong phòng có bếp than nóng. Xin lỗi một thoáng nhớ về mịt mù nên tôi cũng không chắc lắm! Chỉ chắc một điều là trẻ nhỏ thì gọi là chùm bao. Chùm bao là phát âm theo tiếng nam bộ không nói được âm tr chứ nhẽ ra là trùm bao thì đúng hơn. Bởi loại trái này trời sanh có một lớp như lưới trùm bên ngoài trái nên gọi là chùm trùm bao.

Vậy hai tên nhưng là một trái chùm bao hay trái nhãn lồng cũng vậy thôi! Có lẽ tên nhãn lồng là do hình dáng trái giống trái nhãn, nhưng có lồng lưới tự nhiên bảo vệ bên ngoài nên gọi là nhãn lồng. Nhãn lồng hoang dại khác với nhãn trồng ở nhà hay vườn nhãn là loại nhãn ăn được, rất ngon, nhưng không có lồng tự nhiên bảo vệ trái như nhãn hoang nên nhà vườn hay dân thường chỉ trồng vài gốc nhãn ở nhà. Khi nhãn sắp chín thì người ta tận dụng đủ loại bao từ bao ny-lon tới túi giấy dầu, bao cát của lính ngày xưa. Người ta bao bọc những chùm nhãn đang chín trên cây để chim, dơi, muông thú không ăn được.

Nhưng khi lớn lên tôi mới biết quê mình thực có tới hai loại nhãn lồng. Một loại nhãn lồng hoang dại ở miền nam mà tôi đã nói về cái lồng tự nhiên trời sanh cho giống trái hoang dại đó. Nhưng còn một loại nhãn lồng khác ở Hưng Yên thì chính là trái nhãn, một giống nhãn ngon đến độ được tiến vua. Loài nhãn quý này buộc người trồng phải đan lồng bằng tre, nứa che lại để chim, dơi không ăn được. Vì thế mà người ta gọi là nhãn lồng.

Và theo chuyện kể của người thâu ngân trong chợ, tôi nghĩ là cô gái sáng nay hỏi là hỏi nhãn lồng Hưng Yên chứ ai đời lại vào ngôi chợ ở Mỹ mà hỏi nhãn lồng hoang dại nơi quê nhà…”

“Cảm ơn anh giải thích. Nhưng…”

“Ý cô sao?”

“Vậy con chim quyên ăn trái nhãn lồng nào anh?”

“Chắc chắn là chim quyên ăn trái nhãn lồng - chùm bao chớ nhãn lồng Hưng Yên thì vua không chừa cho tôi được một trái ăn thử, làm sao tới chim quyên được?”

“Anh vui tính quá!”

“Cảm ơn. Tôi nghĩ chùm bao - nhãn lồng mọc hoang khắp nơi ở miền nam nên chim quyên ăn trái nhãn lồng là trái chùm bao dại, là điều rất tự nhiên; như con cá lia thia ở mãi trong chậu cũng thành quen. Hồi nhỏ tôi chơi cá lia thia, thật sự là đổi chậu thì cá dễ bị chết. Còn vợ chồng quen hơi, cũng là lẽ tự nhiên mà dân gian quan sát được nên ngân nga trên đồng mà thành ca dao, hát hò vui chơi khi nông nhàn mà thành lý chim quyên…”

“Vậy, nói theo anh là tên gọi chùm bao thông dụng hơn tên gọi nhãn lồng. Vậy sao câu hát dân gian không dùng chùm bao mà dùng nhãn lồng cho bị hiểu lầm với nhãn lồng tiến vua ngoài Hưng Yên?”

“Cô hỏi hay ghê hen. Nhưng cô có thấy chữ lồng trong câu sáu vần với chữ chồng trong câu tám thì mới là thơ lục bát được chớ! Không lẽ, chim quyên ăn trái chùm bao/ lia thia quen chậu… rồi em nào quen hơi, anh nào hơi quen…?” kỳ thấy mồ!”

“Bây giờ thì H hiểu rồi! Cảm ơn anh giải thích. Thật may mắn gặp anh hôm nay…”

3.

“Em ạ! Chửa gặp nhau mà đã biệt ly/ hồn anh theo dõi bóng em đi/ hồn anh sẽ nhập trong luồng gió/ lưu luyến bên em chẳng nói gì…”

Anh cũng chẳng biết là anh vui trong đời buồn từ khi xa em. Mưa vẫn bay qua thành phố lạ hay người lạ làm thành phố quen như hơi thở bỗng ngừng một nhịp tim!

Anh nhìn lại cái xe chợ của anh đã bị người ta đẩy mất! Anh cảm tạ ơn trên rất công bằng về việc ở đời không bao giờ được cả như được một buổi vui mà về nhà lại được ăn ngon nữa thì Chúa Phật làm sao với những người cùng khổ đến phải ra chợ len lén đẩy xe thức ăn đã trả tiền của người khác. Vì thế anh chúc phúc cho một gia đình thiếu lương thực thì chiều nay mưa lất phất, được ăn mì bò kho rất ngon. Anh tạ ơn trên đã công bằng.

Em biết không! Bước qua được sự tức giận không dễ chút nào đâu, trừ phi tấm lòng chỉ nghĩ tới cảm ơn những gì đời đã ban tặng. Nên anh cảm ơn em đã lướt qua đời anh như bão Harvey, chút lũ lụt rồi khô theo nắng, nhưng mặt đất tâm hồn sỏi đá của anh đã được phủ một lớp phù sa mới cho hoa dại bừng lên những cánh đồng bất tận tâm tư…

Cảm ơn em.

Phan

Ý kiến bạn đọc
13/03/202104:21:36
Khách
Монтаж напольных покрытий
<a href=https://napilim.pro/>Click here!..</a>
20/09/201713:40:44
Khách
Mạch văn quá lai láng tuôn tràn mỗi khi tác giả có hứng, nên dôi khi bài viết trở nên "rườm rà lê thê ba hoa... trời trăng mây gió".
Nên viết cô đọng xúc tích lại cho gọn mà vẫn cảm dộng lòng người thì hay hơn.
02/09/201716:06:15
Khách
"...như bão Harvey, chút lũ lụt rồi khô theo nắng ". Tác giả Phan.

Vậy là bão Harvey chỉ là như một trận mưa rào thôi sao ?!!!! Mấy ngày qua, báo chí Mỹ loan tin sự thiệt hại do cơn bão Harvey phỏng đoán là $190 tỷ đồng. Để có thể hình dung 190 tỷ đồng nó nhiều đến như thế nào, hãy nhìn vào ngân sách của các Bộ trong chính phủ liên bang trong năm 2016:

Canh Nông 25 tỷ. Thương Mại 9.8 tỷ. Giáo Dục 70.7 tỷ. Năng Lượng 29.9 tỷ. Sức Khỏe Và An Sinh 83.8 tỷ. Nhà Cửa 49.3 tỷ. Nội Vụ 13.2 tỷ. Tư Pháp 28.7 tỷ. Lao Động 13.2 tỷ. An Sinh Xã Hội 12.7 tỷ. Ngoại Giao 50.3 tỷ. Giao Thông 94.7 tỷ. Ngân Khố 14.3 tỷ . Cựu Chiến Binh 70.2 tỷ. Quốc Phòng 585 tỷ. v...v...

Con số nạn nhân chết vì Harvey cho đến nay phỏng đoán là gần 50 người. Số nhà cửa bị thiệt hại hay tàn phá là gần 200,000......

" Chút" hay " Trút " ?
02/09/201713:01:10
Khách
Chào buổi sáng qúy độc giả Viết Về Nước Mỹ.

Phan chân thành cảm ơn đóng góp ý kiến của bác Nguyen Van. Cảm ơn bác đã nêu cao tinh thần bảo tồn tiếng Việt ở hải ngoại. Cảm ơn sự khoan hoà của bác trong đóng góp ý kiến hoàn toàn mang thiện ý xây dựng. Nhưng Phan xin thưa với bác, và bác “Qua Đường”. Nguyên văn Phan viết là “chút” với suy nghĩ, (ý) chút là: “chút đỉnh”; “chút ít”; “chút xíu”… Phan không có ý viết “trút” là “trút nước”; “trút đổ”; “trút bỏ”…
Nhưng từ đóng góp của bác Nguyen Van. Phan đọc lại sáng nay và thấy cho dù là “chút” hay “trút” trong bối cảnh câu văn đều có nghĩa; chỉ người viết cần rút kinh nghiệm hơn về việc dùng từ làm sao để tránh hiểu lầm cho độc giả.

Em biết không! Bước qua được sự tức giận không dễ chút nào đâu, trừ phi tấm lòng chỉ nghĩ tới cảm ơn những gì đời đã ban tặng. Nên anh cảm ơn em đã lướt qua đời anh như bão Harvey, chút lũ lụt rồi khô theo nắng, nhưng mặt đất tâm hồn sỏi đá của anh đã được phủ một lớp phù sa mới cho hoa dại bừng lên những cánh đồng bất tận tâm tư…
Cảm ơn em.

Phan cũng xin cảm ơn bác Tran Luu với đóng góp về từ “đau đáu”. Quả thật từ ấy không hợp ngữ văn với mạch văn. Nhưng Phan đã thay từ, sửa câu… để tránh hiểu lầm cho một người bạn trong câu văn ấy. Kính phục bác Tran Luu tinh mắt chữ nghĩa. Mong bác lượng thứ cho.

Kính chúc tất cả qúy độc giả Viết Về Nước Mỹ luôn bình an, hanh thông công việc, và giàu sức khoẻ. Chúc ngày mới tốt lành.
Kính.
Phan
01/09/201719:06:53
Khách
Có ngồi uống ly trà sớm thơm lừng góc biển quê người với nhau thì cũng chẳng biết là chỉ để đau đáu hương quê thấm tận đời này.
Khong thich chu dau dau
01/09/201718:59:55
Khách
Phải là "trút lũ lụt', chớ không thể nào là "chút lũ lụt" được. "Trút" ( trong câu văn của tác giả) có nghĩa là " đổ xuống ".

Hãy copy hai links dưới đây rồi paste vào Google thì sẽ biết:

http://www.vietnamtudien.org/vntd-kttd/p611.png
http://www.vietnamtudien.org/vntd-kttd/p140.png
01/09/201716:57:24
Khách
Có lẽ chữ "chút" là đúng rồi anh ạ.
31/08/201723:07:20
Khách
Bài viết hay từ đầu đến cuối. Xứng đáng được đề cử trúng một trong những giải thưởng VVNM.

Ở đoạn văn cuối, có lẽ tác giả đánh máy sai chữ "trút" thành " chút".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,192,959
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm mợt bài viết mới cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Lần trước, là cửa hàng bi da. Bài mới, làm Shop May Công Nghiệp, thêm phần mở trung tâm giải trí.
Ngày Thứ Hai 5 tháng 12, 2018 là Ngày Quốc Tang của nước Mỹ để tưởng nhớ vị Tổng Thống thứ 41 George H W Bush. Bài sau đây được viết trong tinh thần tưởng nhớ. Người viết, Bà Nguyễn Kim Nên hiện là Hội Trưởng Hội Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, đang làm việc trong ngành thẩm mỹ tại Houston, Texas. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả, kể về người bạn đời của bà là Ông Nguyễn Duy Huynh, một tị nạn Việt, làm việc tại Houston Club và trở thành người đấm bóp tin cậy của Tổng Thống Bush và gia đình ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của Phan, viết cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với nhiều bút hiệu: Capvanto, Philato... Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Bài mới ông góp không phải để dự giải mà chỉ để ghi lại một sinh hoạt đặc biệt của buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngôi trường được mang danh Petrus Ký.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một chuyện tình đẹp.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My năm 2018. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng Giêng/1987. Đến Mỹ tháng 8/1987 và định cư tại Utah, làm việc cho First Security Bank, Accounting Depart-ment. Đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah trongnhiều nhiệm kỳ. Hiện đã về hưu. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến