Hôm nay,  

Xưa Thù Nay Bạn

14/07/201700:00:00(Xem: 14417)

Tác giả: Hương Trần
Bài số 5166-19-31010-vb6071417

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Trong thư kèm bài đầu tiên, tác giả viết: “Tôi ghiền đọc Viết Về Nước Mỹ (VVNM) từ năm 2002. Những truyện hay, tôi thường in ra cho Mẹ đọc. Đọc xong, Mẹ tôi lại chuyền cho các bà bạn thưởng thức tiếp. Bởi ở thành phố nhỏ bé buồn hiu này không có báo Việt ngữ.” Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), tác giả đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities. Ông cho biết “Xưa Thù Nay Bạn là câu chuyện có thật vào năm 2008, lần đầu tiên tôi đưa bốn nha sĩ về giúp khám răng từ thiện (dental mission trip) tại các làng thôn ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Từ đó, chúng tôi thành lập đoàn Mission Of Hope Vietnam và đang hoạt động cho đến nay. Mục đích của đoàn là cung cấp những dịch vụ y tế và chăm sóc răng miệng cho dân làng tại Việt Nam.”

* * *

Chiều hôm ấy, tôi phải ra phi trường đón cháu Trung, con trai đầu của tôi. Cháu đang học năm thứ ba nha khoa. Cứ mỗi dịp nghỉ mùa thu hay mùa xuân, cháu thường đi theo các nha sĩ trong chương trình nhổ răng từ thiện do trường tổ chức, đến giúp đồng bào tại các nước thuộc vùng Trung và Nam Mỹ như Peru, Haiti. Kỳ này đoàn của trường cháu qua phục vụ tại Nicaragua.

Vừa lái xe vào khu đón hành khách của hãng American Airlines, tôi đã thấy Trung đứng chờ ở ngoài với backpack trên vai và một valise bên cạnh. Thấy xe tôi, cháu kéo hành lý băng qua các làn xe đang đậu. Tôi vừa giúp cháu bỏ valise vào thùng sau xe vừa hỏi:

- Khỏe không con, đi vui không?

- Very good, Dad (tốt đẹp lắm ba ạ)

Vừa ngồi vào xe là cháu lên tiếng hỏi tôi:

- Dad, năm tới mình về Việt Nam nhổ răng giúp người nghèo được không?

Câu hỏi bất ngờ làm tôi hơi lúng túng, tôi hỏi lại cháu:

- Vậy là nhóm của trường muốn về giúp Việt Nam hả con?

- Không, một vài nha sĩ trong đoàn biết con là người Việt Nam. Nên họ nói là muốn doing dental mission in Vietnam (làm công tác từ thiện nhổ răng ở VN) năm tới. Con bảo họ là để con check with my dad (hỏi ba tôi).

Làm từ thiện, giúp nhổ răng cho người nghèo ở Việt Nam? Qua báo chí Việt ngữ ở hải ngoại, tôi đã đọc nhiều tin tức của các đoàn từ thiện ở Mỹ về khám bịnh, phát gạo giúp dân nghèo tại quê nhà. Nhiều lần đã nhủ thầm là nếu có dịp, sẽ xin đi với họ về giúp đồng bào mình. Chứ tôi chưa hề dám nghĩ đến việc chính mình đứng ra tổ chức một đoàn từ thiện về Việt Nam. Tôi hỏi lại cháu:

- Mà về chỉ nhổ răng thôi hả con?

- Dạ. Những nơi con đi bên South America (Nam Mỹ), dân ở far remote villages (làng quê hẻo lánh) họ rất cần dental services (khám và nhổ răng).Vì họ quá nghèo và ở đó không có nha sĩ. Mấy ông nha sĩ bảo là nếu ba tổ chức được cho họ về làm việc ở Việt Nam, họ sẽ lo hết dental supplies and medicines (dụng cụ nhổ răng và thuốc...).

- Ba chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này, để ba hỏi xem sao.

Về đến nhà, câu hỏi của cháu Trung luôn ám ảnh tâm trí tôi. Tôi đem chuyện này tâm sự với Hương, vợ tôi. Nàng liền nói:

- Anh cứ liên lạc thử với mấy cha bạn cùng lớp ở Huế xem sao. Về giúp được dân làng bên nhà thì hay quá! Mấy ông nha sĩ có lòng tốt như vậy mà không đưa họ về giúp đồng bào mình thì uổng lắm. Em thích đi làm việc như vậy hơn là mình đưa gia đình đi nghĩ hè bên mấy đảo ở Mễ hàng năm.

Sự cổ động tinh thần của nhà tôi giúp tôi hết rụt rè và quyết chí hơn. Ngày trước, tôi có tu học trong chủng viện ở Huế một thời gian khá dài, nên cũng biết một số linh mục đang phục vụ tại những giáo xứ ngoài Huế và Quảng Trị. Nếu về giúp được dân làng ở Quảng Trị, là nơi mình sinh ra và lớn lên thời niên thiếu thì ý nghĩa lắm. Thế là tôi bắt đầu dành mọi giờ ranh sau ngày làm việc để liên lạc qua điện thoại, email… với hy vọng có thể đưa một vài nha sĩ và cháu Trung về giúp dân làng nghèo khổ của mình.

Cuối cùng, với sự khuyến khích cùng giới thiệu của nhiều linh mục thân quen, tôi đã có được một nơi sẳn sàng đón tiếp và xin phép cho đoàn về phục vụ dân nghèo. Đó là dòng Mến Thánh Giá (MTG) Phủ Cam, Huế. Qua nhiều lần trao đổi bằng điện thoại cùng email, nữ tu bề trên tổng quyền của dòng luôn tỏ ý vui mừng mời đoàn về phục vụ dân nghèo. Cùng bảo đảm mọi thủ tục xin phép với chính quyền địa phương tại những làng thôn xa xôi mà chúng tôi muốn về giúp.

Vợ chồng chúng tôi bàn với nhau là nên tổ chức một nhóm nhỏ thôi, khoảng chừng bốn nha sĩ. Thử về giúp đồng bào lần đầu xem sao. Nếu mọi chuyện tốt đẹp thì lần sau sẽ mời nhiều hơn. Cháu Trung cũng đồng ý với chúng tôi. Cháu mời hai ông nha sĩ đã ngỏ ý với cháu về giúp Việt Nam trong chuyến đi từ thiện ở Nicaragua. Ông Livingston là bác sĩ giải phẩu hàm nướu (periodontist) cùng ông nha sĩ Evans. Hai ông trạc chừng trên năm mươi tuổi. Họ đều có phòng khám răng lâu năm tại một thành phố nhỏ cách chỗ chúng tôi ở khoảng bốn lăm phút lái xe. Ông Livingston còn muốn đưa thêm vợ là bà Linda, hiện đang phụ tá trong phòng khám răng của ông. Bà thường đi theo giúp ông trong cácchuyến công tác từ thiện. Cháu Trung cũng mời thêm người bạn cùng lớp là Phil. Cả hai sẽ ra trường nha sĩ vào đầu tháng năm của mùa hè 2008 này. Thế là đoàn chúng tôi gồm có 4 người Mỹ với vợ chồng chúng tôi cùng cháu Trung, tất cả bảy người.

Cuối tháng Hai 2008, vợ chồng chúng tôi mời mọi người đến dùng bữa cơm tối tại nhà để bàn thêm chi tiết về chuyến đi. Phải nhìn nhận là hai ông nha sĩ Evans cùng Livingston và bà Linda thật dễ mến. Họ vui vẻ, cởi mở và bình dân theo phong cách của những người ở vùng đồng quê (countryside). Ông Evans và vợ chồng ông Livingston cho biết là hàng năm, họ đều đóng cửa phòng khám để đi theo nhóm từ thiện của Oklahoma University vào mỗi kỳ nghỉ mùa xuân và thu. Những nơi họ thường đến giúp là các nước trong vùng Trung và Nam Mỹ. Vì thế, chuyến công tác từ thiện vào mùa hè này về VN là chuyến đi xa cùng lâu nhất của họ. Vì họ sẽ phải đóng cửa phòng khám tới hai tuần. Còn Phil, cùng lứa tuổi với con trai tôi, nên rất nhiệt tình và vui tính.

Vợ chồng chúng tôi trình bày về những địa điểm đã liên lạc để đoàn có thể về phục vụ. Cùng nơi ăn, chốn ở, phương tiện chuyên chở cho đoàn. Tất cả đều qua trung gian hỗ trợ của dòng Mến Thánh Giá (MTG) Huế. Vì phải mất hết bốn ngày bay sang VN và về lại Mỹ, chúng tôi dự định là sẽ giúp đồng bào trong sáu ngày. Ba ngày còn lại sẽ bay vào Nha Trang nghỉ ngơi, tắm biển trước khi bay trở về lại Mỹ. Mọi người rất phấn khởi và yêu cầu tiếp tục xúc tiến công tác theo như dự tính. Thời gian về VN được tất cả cùng đồng ý là hai tuần cuối tháng sáu 2008.

Theo ước muốn của hai ông nha sĩ là họ xin được về giúp ở các vùng quê xa xôi hẻo lánh. Những nơi không có phòng khám răng. Chúng tôi hứa sẽ làm theo như ý họ. Chúng tôi cũng giải thích cho họ hay là ở các vùng quê VN, chúng tôi chưa bao giờ thấy văn phòng khám răng của nha sĩ. Đau răng, dân làng phải lên tỉnh để được nhổ răng với tốn phí khá cao. Mọi thuốc men và dụng cụ liên quan đến việc nhổ răng đều do hai ông Evans và Linvingston cung cấp và đưa theo. Hai ông sẽ xin hoặc mua khoảng 600 bàn chải và kem đánh răng để đoàn biếu cho những người đến khám răng. Vợ chồng chúng tôi sẽ cố gắng bán garage sale, quyên góp... để có thêm một số hiện kim giúp đỡ những gia đình khó khăn tại những nơi đoàn dừng chân phục vụ. Ngoài ra, tất cả những chi phí cho chuyến đi như vé máy bay, tiền ăn ở cùng phương tiện chuyên chở trong suốt hai tuần sẽ do mỗi cá nhân thiện nguyện trang trải.

Chúng tôi đã nhờ hội dòng MTG viết thư cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, mời các nha sĩ, nêu đích danh từng người, về giúp chăm sóc răng miệng cho các em trong hai trại mồ côi và khuyết tật do nhà dòng trông coi. Dầu đã chuẩn bị mọi sự trong khả năng có thể, nhưng chúng tôi vẫn không hết lo lắng. Thôi, chỉ biết phó thác và cậy trông vào sự quan phòng đầy tình thương của Chúa. Mình làm việc thiện, giúp đỡ những người nghèo khổ như lời Chúa dạy, chắc Chúa sẽ thương và phù hộ chở che.

Bốn giờ sáng thứ Bảy, mọi người đã có mặt tại phi trường của thành phố nơi chúng tôi cư ngụ. Mỗi người mang theo hai valise khá lớn gởi theo máy bay và một valise nhỏ xách tay. Ngoài áo quần và vật dụng cá nhân, tất cả đồ đạc còn lại trong các valise là dụng cụ nhổ răng, thuốc giảm đau và thuốc bổ. 600 bàn chải và kem đánh răng. 100 cặp kiếng đọc sách do nha sĩ Evans mua để biếu các cụ cao niên. Một ít đồ chơi cho trẻ em. Thủ tục lấy vé và gởi hành lý diễn ra một cách nhanh chóng. Tất cả mọi hành lý sẽ được nhận lại tại trạm chótlà phi trường Tân Sơn Nhất, Việt Nam.

Cuối cùng, chúng tôi cũng ra đến Huế với tất cả hành lý mang theo. Sau nhiều trở ngại ở cửa hải quan của phi trường Tân Sơn Nhất, cũng như việc gởi hành lý qua hãng Hàng Không Việt Nam để bay ra Huế. Nhưng rồi mọi chuyện cũng được giải quyết ổn thỏa nhờ vào thư mời để biện minh cho những vật dụng mang theo. Cùng nhờ vào thủ tục “đầu tiên” tại phi trường như nhiều người đã căn dặn. Trong bữa cơm tối tại dòng MTG Huế, chúng tôi có dịp găp vợ chồng thầy T vàcô H, đang dạy học ở Cali. Cứ mỗi mùa hè, thầy cô thường về Huế một tháng để dạy Anh văn cho các nữ tu, cùng theo chân các nữ tu đi thăm và ủy lạo bà con ở các giáo xứ vùng thôn quê. Khi biết được chương trình và dự tính của chúng tôi trong những ngày tới, thầy cô T-H ngỏ ý muốn đi theo giúp đoàn. Chúng tôi rất vui khi có thêm thầy cô tiếp tay, nhất là trong việc thông dịch giữa bịnh nhân và các nha sĩ.

Theo sự sắp xếp của nữ tu bác sĩ H, ngày đầu tiên chúng tôi sẽ phục vụ các cụ cao niênở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh.Bảy giờ sáng, đoàn đã đưa hết mọi dụng cụ nha khoa và thuốc… lên xe. Theo các nữ tu cho biết, xã Trung Sơn có khá nhiều quý ông bà cụ già nghèo khó “neo đơn”. Vì thế, đoàn đã xin các nữ tu giúp đổi tiền, bỏ vào mỗi phong bì 200,000 đồngđể chia sẻ với một số cụ già tàn tật cần giúp đỡ. Chúng tôi cũng nhờ các nữ tu mua một số phần quà, mỗi phần gồm một hộp bánh, vở và viết để phát cho thiếu nhi.

Trên chuyến xe từ Huế ra Gio Linh, ngoài bảy người trong đoàn và thầy cô T-H, còn có hai nữ tu MTG tháp tùng để hướng dẫn và giúp liên lạc. Mọi người đều hớn hở vui mừng vì sau một thời gian khá dài chuẩn bị, bây giờ ước muốn giúp dân làng VN đang trở thành sự thật.

Riêng tôi, lòng cảm thấy bồi hồi xúc động khi nhìn lại cảnh cũ làng xưa. Sông Mỹ Chánh vẫn còn đó, không nhiều đổi thay. Duy chỉ có những câu chuyện thương tâm và hình ảnh hải hùng của Mùa Hè Đỏ Lửa năm nào hình như đã chôn kín trong tâm tưởng của kẻ ly hương, nay lại hiện về. Gợi lại một nỗi buồn thấm thía khi nhớ về số phận của những đồng bào ruột thịt đã bỏ mình trên Đại Lộ Kinh Hoàng nơi đây, lúc phải “chạy giặc” từ Quảng Trị vào Huế. Rồi dòng sông Thạch Hãn vần lờ đờ trôi, như muốn chôn kín những biến cố đau buồn bất hạnh trên vùng đất sỏi đá xứ Quảng.

Nhưng lòng tôi lại dấy lên một cảm xúc bồi hồi khó tả, khi nhớ lại trận chiến tái chiếm Cổ Thànhvào tháng chín năm bảy hai. Nhà của gia đình tôi trong làng Thạch Hãn cũng bị san bằng vì mưa bom khi quân đội VNCH cố dành lại từng tấc đất. Rồi biến cố trao trả tù binh ngay tại dòng sông của thành phố “buồn hiu” này, sau hiệp định quái gỡ được nhiều bên ký kết tại Paris. Thương quá cho số phận hẩm hiu của con dân xứ Quảng, như được sinh ra để gánh giùm những đau thương trong thời tao loạn cho đồng bào cả nước.

“Chúng ta đang đến thành phố Đông Hà, cách Gio Linh chừng hơn 6 cây số nữa thôi.” Tiếng nói của nữ tu MTG làm tôi giật mình như vừa tỉnh giấc sau cơn ngủ gật. Mọi người trong xe có vẽ nao nức mong mau đến địa điểm. Vợ tôi đang giải thích và trả lời những câu hỏi từ ông Evans và vợ chồng ông Livinston khi họ nhìn thấy phong cảnh xanh ngát lạ mắt của các đồng lúa. Thời tiết ban sáng đã có vẽ nắng gắt. Nhưng vì trong xe có máy lạnh nên mọi người trông thoải mái như đang đi du lịch ngoạn cảnh. Nữ tu cho hay, chính quyền sẽ cho đoàn mượn phòng phát thuốc của xã để chăm sóc răng miệng cho các cụ.

Khi xe chúng tôi rẽ vào khuôn viên trụ sở xã Trung Sơn, thì đã có khoảng gần 100 người, đa số là ông bà cụ lớn tuổi đang ngồi đợi trong sân. Xuống xe, mọi người trong đoàn hối hả giúp nhau đưa các valise thuốc và dụng cụ nha khoa vào phòng phát thuốc đã mở cửa sẵn chờ chúng tôi. Đây là một căn nhà trệt cũ kỷ hình như đã được xây cất từ trước năm bảy lăm. Bên cạnh khoảng chừng ba chục mét là trụ sở xã mới xây, hai tầng thật khang trang. Tôi chào hỏi cùng thưa chuyện với quý cụ đang đứng vây quanh xe chúng tôi. Nghe lại giọng nói nằng nặng của người dân xứ Quảng, tôi cảm thấy rất gần gũi với quý cụ như đã thân quen từ lâu. Tôi xin lỗi vì đường xa không thể đến sớm và xin quý cụ chịu khó chờ khoảng 20 phút nữa để chúng tôi có giờ sửa soạn. Tôi cũng lưu ý mọi người là đoàn chúng tôi chỉ có thể giúp nhổ răng cùng chăm sóc răng miệng thôi. Đoàn không có bác sĩ, nên không thể khám bịnh. Các cụ đều gật đầu như đã hiểu. Ai cũng đưa tay xoa miệng than là đang đau răng, cần nhổ. Vài cụ cầm lấy tay tôi mếu máo xin được nhổ răng trước, vì đang bị răng hành cả tuần lễ nay, nhức quá không ngũ được. Tôi khuyên các cụ kiên nhẫn chờ:

- Chúng con hứa sẽ chăm sóc răng miệng cho quý cụ đang chờ ở đây, không để sót một ai. Tôi nói lớn để cho mọi người nghe. Xin quý cụ cứ thư thả xếp hàng trước cửa phòng khám, đừng chen lấn nhau. Sớm muộn gì rồi chúng con sẽ giúp khám răng cho hết mọi người.

Sau lời trấn an của tôi, một số cụ đã lui về phía sau chờ. Còn lại khoảng hơn mười cụ đứng bao kín cửa phòng khám. Bên trong, mọi người đang bận rộn dọn dẹp phòng. Tuy gọi là phòng phát thuốc của xã, nhưng tôi chỉ thấy một tủ thuốc cũ kỷ bằng gỗ với mặt kiếng phía trước, có ổ khóa. Bên trong tủ có một vài hộp thuốc. Sau tủ thuốc là bàn ghế ngổn ngang, bụi bám đầy. Các nữ tu đã đem theo trên xe hai cái chổi, khăn…để chúng tôi quét dọn phòng cùng các bàn ghế. Phải mất gần nữa tiếng chúng tôi mới dọn sạch hết rác, bụi, màng nhện trong phòng để trải các tấm bạt nylon lên bàn. Rồi lớp khăn trắng để các dụng cụ nha khoa. Với sự trợ giúp của một vài thanh niên trẻ trong làng, bà Linda cũng đã có được nước sạch trong ba thau nhựa. Bà bắt đầu bỏ các chất khử trùng vào các thau nước để rữa các dụng cụ nhổ răng sau mỗi lần dùng. Bốn ghế đã được sắp dọc sát hai bên tường dành cho bốn nha sĩ. Bên cạnh mỗi ghế là thùng rác với bao nhựa cho bịnh nhân súc miệng khi khám răng.


Ông nha sĩ Evans lấy trong valise của ông một lá cờ Mỹ chiều dài khỏang bốn gang tay, chiều rộng chừng hai gang. Đứng trước cửa phòng với lá cờ trong tay, ông nhìn tôi và lên tiếng hỏi:

- Tôi có thể treo lá cờ này trước cửa được không? Từ hơn hai mươi năm nay, mỗi nơi đến giúp nhổ răng từ thiện, tôi đều treo nó trước cửa.

Nhìn lá cờ Mỹ trong tay ông Evans cùng giọng nói và ánh mắt chân tình của một công dân yêu lá cờ của tổ quốc mình, tôi thật lúng túng không biết phải trả lời ra sao. Tôi nhớ lại trong những tấm hình cháu Trung đưa cho vợ chồng chúng tôi coi. Khung cảnh khám và nhổ răng tại những nơi cháu đi giúp với đoàn của trường, cùng hai ông Evans và Livingston, đều có lá cờ nước Mỹ này treo ở cửa ra vào. Đối với các quốc gia khác, thì chẳng có gì đáng quan tâm khi treo lá cờ Mỹ để nói lên rằng đây là phái đoàn thiện nguyện từ nước Mỹ đến giúp đồng bào. Nhưng đối với đất nước này, với một quá khứ “chống Mỹ cứu nước”. Thì việc treo lá cờ Mỹ tự nó sẽ mang một ý nghĩa khác. Tôi định nói với ông Evans là không nên treo lá cờ Mỹ ở đây, trong khuôn viên trụ sở xã. Nhưng tôi đành im lặng khi thấy ông đã bắc ghế và ghim phần trên của lá cờ vào tường. Nhìn lá cờ đong đưa trước cửa ra vào của phòng khám, tôi thầm mong là sẽ không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra cho công việc giúp dân làng của chúng tôi tại xã Trung Sơn này.

Mọi người đã sẳn sàng để phục vụ các cụ. Thầy cô T-H cùng vợ tôi và hai nữ tu chia nhau công việc thông dịch, phát thuốc và phụ bà Linda khử trùng, lau chùi dụng cụ nhổ răng. Tôi xin một thanh niên trong xã đến giúp, lấy danh sách gồm tên và năm sinh của các cụ đang ngồi chờ. Đi dọc hành lang nhìn các cụ ngồi bệt dưới sàn để chờ khám, thấy thương quá. Một số cụ mang kiếng râm. Hỏi ra mới biết các cụ bị khiếm thị, không thấy đường. Một số khác chừng hơn hai mươi người bị cụt mất tay hoặc chân. Họ cho hay là vì đào phải mìn khi đi làm ruộng.

Tôi nghe một vài cụ bà chỉ vào lá cờ nhỏ treo trước cửa và hỏi nhau:

- Cờ Mỹ phải không rứa?

- Cờ ni tui thấy khoảng năm sáu tám bảy mươi, trên mấy xe cam nhông của lính Mỹ nì. Lâu lâu họ về làng miềng, con nít bu quanh, được họ phát kẹo. Thằng Bi nhà tui khi nớ mới mười tuổi. Hắn được họ phát cho một bao kẹo su cu là (chocolate). Hắn khen ngon lắm nên chỉ ăn mỗi ngày một hột, ngậm mà không dám nuốt. Chừ có con rồi mà hắn còn nhắc đến bao su cu là của Mỹ.

- Phải chi đừng đuổi Mỹ về nước thì dân miềng đỡ bị đói hè. Tui nghe nói nước Mỹ giàu, giúp khắp thế giới. Chứ không keo kiệt như mấy ông Liên Sô mô.

Tôi đứng nhìn quý bà cụ đang gợi chuyện với nhau mà không dám góp ý. Những cụ được nhổ răng xong đều nhận một bao nhỏ. Gồm băng (gauze), thuốc giảm đau, thuốc bổ, kem và bàn chải răng. Kèm theo lời dặn dò chỉ dẫn việc thay băng sau mỗi hai mươi phút nếu chân răng còn chảy máu cùng uống thuốc giảm đau nếu cần.

Tuy miệng còn ngậm chặt băng vì mỗi cụ đều được nhổ hai hoặc ba cái răng, nhưng cụ nào cũng cúi đầu chào hay ôm lấy chúng tôi để cám ơn trước khi rời phòng khám. Đa số các cụ chưa bao giờ đi nha sĩ để khám răng. Niềm vui của các cụ cũng chính là niềm hạnh phúc của mỗi người trong đoàn. Vì thế mà không ai bảo ai, chúng tôi đã miệt mài làm việc không biết mệt. Chỉ vì không muốn các cụ phải chờ lâu. Nhất là không muốn bỏ sót một ai cần giúp đỡ.

Sau gần hai tiếng bận rộn lo mời quý cụ vào khám răng, rồi phát thuốc, tôi bỗng thấy một nữ tu hấp tấp chạy vào phòng khám. Hai nữ tu đi cùng đoàn đều lên tiếng:

- Chào chị H, chị ghé giúp đoàn hả? Và họ cùng chỉ vào tôi và nói:

- Anh Hiền trưởng đoàn đây chị.

Nữ tu bác sĩ H, là người đã đứng ra xin phép chính quyền địa phương cho đoàn chúng tôi đến đây khám răng giúp đồng bào ở xã Trung Sơn này. Tôi cúi đầu chào. Nữ tu kéo tay tôi vào góc phòng, nói nhỏ:

- Anh Hiền ơi, bên xã họ gọi cho em. Em phải lấy xe tức tốc chạy từ Đông Hà về đây. Họ bảo nếu không cất lá cờ Mỹ thì họ sẽ không cho làm việc nữa.

Tôi nhìn vào gương mặt khắc khổ với giọng nói nhỏ nhẹ của vị nữ tu bác sĩ mà lòng dâng lên một niềm quý mến cảm phục. Quý mến vì tuy hơn tôi ít nhất mười tuổi, mà nữ tu lại khiêm nhường xưng em với tôi. Cảm phục vì tinh thần phục vụ của nữ tu dành cho bà con ở Đông Hà và vùng phụ cận mà tôi đã nghe kể. Tôi nắm chặt tay nữ tu và nói:

- Con xin lỗi đã làm phiền xơ (soeur). Con sẽ lấy lá cờ xuống ngay. Xin xơ chờ con một chút.

Rồi chính tôi kéo ghế ra cửa, đứng trên ghế, với tay gỡ hai nút ghim để lấy lá cờ Mỹ xuống. Tôi đến chỗ ông nha sĩ Evans đang quỳ khám răng cho một cụ ông và nói:

- Chính quyền xã không bằng lòng khi thấy chúng ta treo lá cờ Mỹ. Họ bảo lấy cờ xuống. Nếu không, họ sẽ không cho chúng ta tiếp tục giúp đồng bào ở đây.

Nha sĩ Evans ngừng khám, lấy tay tháo khẩu trang khỏi miệng rồi lên tiếng:

- Ồ, vậy hả. Xin lỗi đã tạo nên sự phiền toái cho đoàn. Nếu thế thì xin anh cất lá cờ giúp tôi.

Trong lúc chúng tôi đang đối thoại bằng tiếng Anh, thì cụ ông ngồi dựa đầu vào tường cho ông Evans khám răng, với tay vân vê vạt cờ Mỹ tôi đang cầm. Rồi cụ đưa ngón tay cái lên, giơ cao cho tôi thấy. Tôi hơi lấy làm lạ về cử chỉ của cụ và cũng không hiểu cụ muốn ám chỉ điều gì. Nhưng cũng gật đầu nói cám ơn rồi xếp lá cờ Mỹ vào valise của ông Evans.

Cất cờ xong, tôi nhìn quanh, thấy xơ H đứng khom người nói chuyện với các cụ đang ngồi đợi trên sàn nhà ngoài hành lang. Tôi chạy đến đứng bên cạnh. Chờ xơ trò chuyện cùng các cụ xong, tôi chưa kịp mở lời thì xơ H. đã bắt tay tôi và nói:

- Em phải về lại Đông Hà ngay. Chào anh Hiền nhe. Tội nghiệp bà con đây răng hư hết. Nên họ rất mong có nha sĩ đến giúp nhổ răng. Chiều nay khám xong, mời đoàn về thăm viện mồ côi của em nhe. Em đã dặn tài xế rồi.

Nói xong, xơ H vẫy tay chào mọi người rồi vội vã từ giã chúng tôi. Tôi định đi theo tiễn chân xơ thì trong phòng khám có tiếng gọi, vì có người đã được nhổ răng xong đang đứng chờ phát thuốc.

Trở vào phòng khám, tôi gặp lại cụ ông vừa được nha sĩ Evans nhổ răng xong. Một tay chống gậy, tay kia đang nắm tay ông Evans kéo lại gần tôi. Nha sĩ Evans cho biết là ông ta vừa nhổ xong hai răng khôn và hai răng cửa cho cụ. Miệng còn ngậm đầy băng, cụ chỉ ú ớ mà không nói ra lời. Tôi gỡ tay cụ khỏi tay ông Evans và mời cụ ngồi xuống ghế bên cạnh bàn thuốc. Cụ ôm lấy ông Evans thật lâu, cúi đầu cám ơn ông nha sĩ đến ba bốn lần, rồi đến ghế ngồi. Sau khi nghe tôi dặn dò và trao bao thuốc cho cụ, cụ đứng dậy, miệng lại bắt đầu ú ớ như muốn nói điều gì nữa. Tôi đặt tay lên vai cụ và hỏi:

- Cụ có thấy chóng mặt xâm xoàng gì không? Cụ lắc đầu.

- Cụ có thể tự đi về nhà được không? Cụ gật đầu. Tôi nói tiếp:

- Con xin cụ về nhà nằm nghỉ cho khỏe. Nhổ một lần bốn cái răng cũng mất sức lắm! Vài ba tiếng sau, khi chân răng hết chảy máu và hết ngậm băng, nếu cụ muốn, mời cụ trở lại đây nói chuyện.

Cụ gật đầu, rồi cúi người sâu xuống như thay lời cám ơn. Tôi cũng cúi đầu đáp lại. Cụ vẫy vẫy tay chào và khập khểnh bước ra khỏi phòng khám.

Tội nghiệp hai ông nha sĩ cùng hai cháu Trung và Phil, mồ hôi ướt đẫm cả áo. Họ uống nước liên tục. Chính tôi cũng cảm thấy căn phòng bắt đầu oi bức đến ngộp thở. Vì nắng bên ngoài đã khá gắt. Khoảng một giờ chiều, tôi xin quý cụ cho đoàn nghĩ tay để ăn trưa. Hẹn đến một giờ bốn mươi phút sẽ giúp lại mọi người. Các cụ như cảm được sự làm việc tận tụy vất vả của đoàn. Cần được nghỉ ngơi. Nên họ đứng dậy rời phòng khám. Mấy cụ ngồi gần cửa phòng, hai ba lần nhắc nhở chúng tôi đừng quên rằng đây là chỗ ngồi của họ. Lúc trở lại, họ sẽ là những người được vào khám trước.

Thức ăn trưa đã được xơ H cho người mang từ Đông Hà đến. Gồm bánh cuốn chả lụa, bánh mì thịt. Chúng tôi đặt hai cái quạt máy lại gần bàn để thức ăn, rồi mọi người kéo ghế ngồi quanh bàn. Vừa ăn vừa nói chuyện đùa giỡn với nhau thật vui vẻ. Dầu mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt mỗi người, nhưng hầu như không ai than mệt. Điều mà chúng tôi quan tâm là làm sao có thể giúp hết các cụ trong chiều nay. Mọi người đều đồng ý với nhau là sẽ cố gắng hết sức trong bốn tiếng đồng hồ còn lại. Hy vọng sẽ khám hết những cụ đã ghi tên sáng nay. Còn những người mới đến ban chiều, sẽ giúp họ nếu thời giờ cho phép.

Ăn trưa xong, vợ chồng ông Livinston muốn đi bộ xuống cánh đồng lúa xanh ngát ở bên kia đường trước mặt trụ sở xã. Tôi khuyên họ đừng đi xa, chỉ quanh quẩn phía trước. Vì chỉ còn không đầy mười phút nữa là phải làm việc tiếp. Trong lúc ở ngoài hành lang, các cụ đã trở lại ngồi chờ.

Đúng hẹn, lúc một giờ bốn mươi phút, tôi bắt đầu mời các cụ vào ghế ngồi cho các nha sĩ khám răng. Nhờ vào lòng tốt của các thanh niên trong xã, họ đã chở bằng xe máy đến cho chúng tôi mượn thêm hai quạt máy nữa. Thế là mỗi ghế nhổ răng của mỗi nha sĩ đều có một cái quạt máy bên cạnh. Công việc khám và nhổ răng tiến hành một cách xuôi chảy nhanh chóng. Đến gần năm giờ rưỡi chiều thì trong danh sách ghi tên ban sáng chỉ còn lại bốn người. Nhưng ở hành lang vẫn còn khoảng hơn hai mươi người đang ngồi chờ. Đa số là các ông bà độ dưới năm mươi tuổi. Họ nghe nói có nha sĩ nước ngoài về nhổ răng, nên ngưng làm ruộng để về đây ngồi chờ. Với hy vọng được nhổ răng. Tôi có giải thích lúc ghi tên từng người, là nếu còn giờ, chúng tôi sẽ giúp khám răng miệng cho họ.

Nhìn bốn nha sĩ miệt mài làm việc không nghỉ tay suốt cả buổi chiều, tôi biết họ cũng mệt lắm. Tuy có quạt máy bên cạnh, nhưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Tôi đến nói nhỏ với cháu Trung:

- Trung ơi, chỉ còn bốn người nữa là khám xong đợt sáng nay. Thêm khoảng hai mươi người đến chiều nay, con nghĩ sao. Bây giờ là gần sáu giờ chiều rồi.

Cháu Trung nhìn ra hành lang, vừa lấy khăn lau mồ hôi trên mặt rồi nói:

- Để con prescreening (khám sơ trước) răng họ, ai cần nhổ thì cho họ chờ. Còn ai không hư răng nhiều thì ba cho họ thuốc cũng được.

Thấy cháu nói cũng có lý, tôi bước ra hành lang, báo với nhóm người mới đến chiều nay:

- Chúng tôi thật tiếc là phải ngưng khám răng trong một tiếng nữa, để dọn dẹp trở lại Huế trước khi trời tối. Vì thế những ai đến chiều nay, nha sĩ của đoàn sẽ khám sơ răng miệng của quý vị. Người nào mà nha sĩ thấy răng quá tệ cần phải nhổ thì chúng tôi sẽ giữ tên quý vị trong danh sách ngồi chờ. Còn những ai mà nha sĩ thấy răng miệng không đến nỗi nào, thì chúng tôi xin quý vị vui lòng ra về, mong quý vị thông cảm cho. Chỉ vì thời giờ quá ít, chứ thật lòng chúng tôi muốn được giúp hết mọi người.

Nhiều tiếng lao xao trong nhóm người đang ngồi chờ. Họ đều đứng lên chạy đến trước mặt tôi than vãn:

- Eng ơi, nhổ răng cho tui với. Hắn nhức không chi mà chịu được!

- Eng nì, nếu (nướu) tôi sưng cả tuần ni. Đau quái đi thôi!!!

- Rứa thì ngày mơi (mai) đoàn khám ở mô, có trở lại đây không?

Tôi xin mọi người ngồi lại chỗ của mình và nói:

- Vì đoàn chỉ có bốn nha sĩ, nên ưu tiên của đoàn là chăm sóc răng miệng cho quý cụ cao niên. Đoàn rất vui là đã được phục vụ các cụ ở xã Trung Sơn này. Ngày mai đoàn sẽ đến làm việc ở giáo xứ Vinh Hòa, thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Rồi tôi mời từng người vào cho cháu Trung khám sơ. Chỉ có mười người cháu muốn giữ lại để chờ các nha sĩ chăm sóc. Còn những người kia, theo cháu, không quá tệ nên không cần phải nhổ răng. Trước khi để họ ra về, tôi phát cho mỗi người thuốc bổ, kem và bàn chải răng. Tôi còn tặng cho mỗi người một cặp kiếng đọc sách theo như ý họ chọn, hợp với độ của mắt và vẻ thẩm mỹ của từng người. Nhiều người còn xin thêm kem và bàn chải răng cho con cái trong gia đình.

Qúa bảy giờ tối, trong lúc còn hai người cuối cùng đang ngồi chờ, tôi thấy cụ ông mà nha sĩ Evans nhổ răng sáng nay, chống gậy bước vào phòng khám. Tôi cúi đầu bắt tay và hỏi:

- Ồ! Cụ hết ngậm băng rồi, vậy là hết chảy máu rồi hả cụ?

- Còn ê răng lắm. Máu thì cũng còn ra chút chút. Rứa là tốt quá rồi. Nhổ một lần bốn cái lận mà! Cụ trả lời, rồi nói tiếp. Tui trở lại để cám ơn ông nha sĩ người Mỹ đã nhổ răng cho tui sáng ni. Tội nghiệp ông. Trời nắng nóng ri mà ông quỳ xuống khám và nhổ răng cho tui thiệt kỹ. Người Mỹ họ tốt quá hè!

- Dạ, mấy ông nha sĩ ni tốt bụng lắm. Hằng năm họ thường đi khắp nơi nhổ răng giúp người nghèo. Tôi ngồi xuống bên cạnh cụ rồi hỏi tiếp. Vậy cụ năm ni được bao nhiêu tuổi thọ rồi.

- Tui hả. Tui sinh ở làng ni năm một ngàn chín trăm ba mươi, vị chi là bảy mươi tám tuổi. Rồi cụ kể cho tôi nghe cuộc đời của cụ. Hai chục tuổi là tui đã gia nhập trinh sát chống Pháp. Đến năm năm bốn, chia đôi đất nước, tui bỏ Gio Linh đi qua bên tê vĩ tuyến. Sư đoàn bộ binh của tui đánh nhau với lính Mỹ nhiều trận lắm. Năm sáu tám, trong trận đánh tại Cam Lộ, tui bị lính Mỹ bắn trọng thương ở chân và trên mặt. Tui được chở ra Hà Nội để chữa trị. Rồi được giải ngũ vì mất một mắt và què một chân. Sau năm bảy lăm, tui về lại làng ni sinh sống với họ hàng bà con.

Thấy ông Evans giúp xong người cuối cùng, vừa cởi bỏ găng tay và khẩu trang vừa đi tới phía chúng tôi. Tôi chỉ vào ông Evans và hỏi cụ:

- Bây giờ cụ muốn nói gì với ông nha sĩ người Mỹ này?

Cụ đứng lên, giang hai tay ôm lấy ông Evans và nhờ tôi nói với ông ta là:

- Tui rất biết ơn sự giúp đỡ tận tình của ông cho tui và cho đồng bào của tui. Thiệt là ý Trời đưa đẩy. Ngày xưa miềng là kẻ thù. Cũng vì người Mỹ mà tui bị hư một mắt và què một chân. Rứa mà chừ ông lại về tận làng ni để nhổ răng cho tui và bà con của tui. Nghĩa là miềng không còn thù hận gì nhau nữa. Trái lại, ông là bạn của tui và còn là ân nhân của cả bà con họ hàng tui nữa!

Giọng nói lớn, đầy xúc cảm cùng vòng tay chân tình biết ơn của cụ đã làm cho nha sĩ Evans và tất cả chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi đều tạm ngưng việc xếp dọn, đến ôm choàng lấy cụ. Rồi vây quanh cụ chụp hình.

Ôi, đẹp thay những nghĩa cử đầy yêu thương. Phát xuất từ những tấm lòng từ ái của quý vị nha sĩ Evans, ông bà Livingston, hai cháu Phil và Trung. Bởi chỉ có tình thương mới khóa lấp mọi thù hận. Mới biến những người xưa kia là kẻ thù nay thành bạn.

Từ đó, nha sĩ Evans hứa sẽ trở lại hàng năm để giúp khám răng miệng cho bà con ở các làng thôn Việt Nam. Cũng từ đó, đoàn y tế từ thiện Mission Of Hope Vietnam ra đời.

Tháng 6, 2017

Hương Trần

Ý kiến bạn đọc
15/07/201701:32:09
Khách
Tình cờ đọc bài anh Hiền viết rất hay. Em là Tới, đã gặp anh 27 năm trước khi còn ở Tulsa, OK . Hy vọng liên lạc với anh qua email : [email protected]. chúc anh và gđ khỏe. Mong anh tiếp tục viết.
14/07/201723:17:05
Khách
The village and people had any medical help and or dental help from Russian and Chinese or only weapons for the top leader
14/07/201718:36:24
Khách
Tựa đề bài viết nên đổi thành "Xưa mù nay sáng". Ngày xưa ông mù nên nghe theo VC nghĩ Mỹ tới chiếm VN. Ngày nay sáng mắt mới thấy họ có thèm VN đâu mà chống Mỹ cứu nước.
14/07/201713:36:42
Khách
Tác giả đã làm một một việc có ý nghĩa làm tôi mến phục, nhất là phái đoàn có người Mỹ đã chứng tỏ tính chất nhân bản của chúng ta. Người VN mình muôn đời là đồng bạo mình, đã chứng tỏ qua hành động ông cụ. Nhưng chuyện lá cờ Mỹ thì hoàn toàn trái ngươc, nó chứng tỏ đối với cs hận thù "Mỹ ngụy "muôn đời không rửa sạch! Nhưng không vì CS mà mình đành bỏ dân mình!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,219,680
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến