Hôm nay,  

Tôi Bán Tạp Hóa Ở Mỹ

30/06/201700:00:00(Xem: 16216)

Tác giả: Hoàng Đình Minh Long
Bài số 5156-18-30756-vb6063017

Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 bài viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽ và có tên trong danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Người Việt tại Mỹ, ngoài nghề Nail nổi tiếng, còn khá thành công khi làm chủ các tiệm tạp hóa (convenient store như các tiệm 7 Eleven), nhất là tại Texas.

Mùa hè 1992, anh em tôi đã trải qua kinh nghiệm bán tạp hóa trong hơn hai tháng tại Galveston, và đã từng chứng kiến cảnh báo động có nổ súng hung hiểm ngay trong tiệm.

Sau mùa học đầu tiên tại Mỹ, mùa hè năm 1992, chị Lan (cháu của ba tôi) mua vé máy bay cho hai anh em tôi qua Houston tiểu bang Texas để bán tiệm tạp hóa cho chị.

Số là chị Lan, cháu của ba tôi, và chồng là anh Tiến mở tiệm tạp hóa đã hơn 3 năm. Tiệm mở cửa 7 ngày một tuần, từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm (các tiệm 7 Eleven mở cửa từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm). Tuy thu nhập rất khá, người chủ một tiệm bán tạp hóa kiểu Mỹ hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi. Nếu mướn người làm thì không tin tưởng vì vào thập niên 1990 kỹ thuật video chưa có để giúp chủ tiệm phát hiện người làm có gian dối hay không.

Sau hơn 3 năm làm lụng vất vả, vợ chồng chị Lan muốn dắt 3 đứa con về VN để thăm gia đình hai bên lần đầu tiên. Tuy em ruột của chị Lan là anh Đại ở chung và phụ vợ chồng chị Lan, một mình anh Đại không thể coi tiệm. Thế là khi nghe tin gia đình tôi mới qua Mỹ, chị Lan xin phép ba má tôi cho hai thằng em qua trông tiệm với anh Đại để gia đình chị đi VN trong vòng 3 tuần.

Mùa học đầu tiên kết thúc vào cuối tháng 5 thì đầu tháng 6 anh Bé và tôi ra phi trường LAX để đón chuyến bay của hãng Continental bay sang Houston.

Sau 2 tiếng bay, hai anh em tôi tới phi trường Houston. Người đón chúng tôi lại là anh Đại. Dù chưa bao giờ nhau vì anh Đại đi vượt biên từ cuối thập niên 1970, nhưng chúng tôi vẫn nhận ra nhau là họ hàng có lẽ vì anh Đại thấy hai thằng Việt Nam còn dáng dấp quê mùa vì mới ở VN qua Mỹ vài tháng.

Leo lên chiếc xe Nissan Maxima màu đen mới coóng, anh Đại cho chúng tôi biết vợ chồng anh Tiến đã mua xe này hơn 1 năm nhưng hầu như không xử dụng nó là vì anh chị phải lái chiếc xe SUV để có đủ chỗ cho 5 người (anh chị có ba đứa con trai là Bi, Bột và Bún) và hàng hóa. Lúc xe lên xa lộ, tôi mới hiểu tại sao có cái câu "Cái gì ở Texas cũng lớn".

Khác với California nơi đường nhập vào xa lộ (entrance ramp) thường cong vòng và rất ngắn, đường nhập vào xa lộ bên Houston rất thẳng và dài gần cả dặm, lái dễ hơn nhiều. Hệ thống xa lộ ở Houston cũng mới và có nhiều làn xe hơn tại nam California.

Anh Đại nói với chúng tôi:

"Nhà vợ chồng chị Lan thì ở ngay Houston, nhưng tiệm tạp hóa thật ra là ở Galveston, một thành phố biển cách Houston khoảng 40 dặm về phía nam. Vì nhà và tiệm quá xa, gia đình anh chị và Đại ăn ngủ trong tiệm luôn; lâu lâu mới về nhà tại Houston. Vì vậy, bây giờ tao sẽ chở hai thằng bay xuống tiệm ở Galveston."

Sau gần một tiếng trên xa lộ 45, xe chúng tôi chạy qua một cây cầu khá dài để chạy ra bán đảo Galveston. Houston nhộn nhịp bao nhiêu thì Galveston yên ắng bấy nhiêu. Khi anh Đại chạy xe vào bãi đậu trước tiệm của chị Lan, tôi có cảm tưởng giống như đi lạc vào khu downtown ở Los Angeles.

Tiệm tạp hóa nằm trong một khu được bao bọc bởi các khu chung cư (apartment) người da đen làm tôi thấy hơi ơn ớn trong người. Tuy nhiên, sự vồn vã của anh Đại khi anh nói tới rồi và dắt chúng tôi vào tiệm để "trình diện ông bà chủ tiệm" làm tôi quên đi khung cảnh nghèo nàn của phố xá xung quanh. Chị Lan thì hai anh em tôi đã gặp hôm chị ghé California tháng 10 năm 1991, còn anh Tiến chồng chị thì chúng tôi chưa gặp bao giờ. Anh Tiến tướng khá to lớn với cái bụng làm chỗ để tay khá lý tưởng. Anh tiếp đón chúng tôi rất vui vẻ. Vừa cất hành lý xong là chị Lan kêu mọi người ngồi xuống ăn tối.

Vì bận bịu bán hàng, anh Tiến đứng tại quầy tính tiền, trong khi chị Lan, anh Đại và hai anh em chúng tôi ngồi ăn tại bàn cách quầy tính tiền không xa.

Sau khi ăn tối, anh Đại dẫn chúng tôi đi qua khu nhà bếp phía sau để đi qua gian nhà bên cạnh. Thật ra tiệm tạp hóa chỉ chiếm một nửa diện tích của tòa nhà do vợ chồng chị Lan làm chủ. Nửa bên kia được dùng làm nhà kho chứa đồ cũng như là nơi giải trí cho 3 đứa con trai của vợ chồng chị Lan. Anh Đại và hai anh em chúng tôi dọn dẹp gian nhà đó để buổi tối chúng tôi có chỗ ngủ. Gia đình anh Tiến chị Lan thì ngủ ở căn phòng ngủ phía sau nhà bếp.

Phòng ngủ của ba thằng thanh nhiên chúng tôi, sau khi được sắp xếp, tương đối rộng rãi và rất tiện nghi. Khi buồn thì tôi trở thành một đứa trẻ và lấy cái máy trò chơi điện tử Nintendo của mấy đứa cháu ra chơi. Còn hôm nào có tâm sợ buồn của người lớn thì ba thằng độc thân chúng tôi lấy bia ra uống. Vì tiệm tạp hóa của chị Lan bán rất nhiều các loại bia, trong suốt hai tháng phụ bán tiệm, tôi uống thử rất nhiều các hiệu bia từ Miller, Lite, Budweiser, Coors cho tới Heneiken hay Corona. Sau khi thử tất cả các loaị bia, tôi thích nhất là Lite vì nó giống bia hơi mà khi còn ở Sài gòn thập niên 1980 tôi hay uống. Chị Lan chiều mấy thằng em cho nên hay mua khô mực về cho chúng tôi làm mồi. Nhiều khi hết khô mực hay muốn thay đổi mồi, chúng tôi ra quầy hàng lấy khô bò Mỹ ra nhậu.

Vì có hai anh em chúng tôi giúp việc cùng anh Đại, gia đình chị Lan rảnh rỗi cho nên mỗi sáng cả gia đình lên xe chạy về Houston, vừa đi lấy hàng về bán, vừa đi mua sắm chuẩn bị cho chuyến về thăm Việt nam. Gia đình chị Lan đi từ 8 giờ sáng đến khoảng 5 giờ chiều thì về lại tiệm. Lúc đó chị Lan đi nấu cơm cho cả nhà ăn. Anh Tiến thì ra đứng quầy tính tiền để cho ba thằng thanh niên chúng tôi đi sắp xếp lại hàng hóa trong tiệm.

Trong lúc gia đình chị Lan đi vắng thì ba chúng tôi thay nhau đứa đứng tính tiền, đứa dọn dẹp, sắp xếp lại hàng hóa. Anh Đại huấn luyện cho hai anh em chúng tôi cách tính tiền cũng như chăm sóc tiệm.

Điều khó khăn nhất cho hai anh em tôi là học cách tính tiền. Khoảng 50% hàng hóa trong tiệm có giá tiền in trên bao bì, số còn lại chúng tôi phải học thuộc lòng. Trong tiệm có vài trăm món hàng khác nhau, nhớ hết giá tiền các món không phải là chuyện dễ. Lý do tại sao một số món hàng không có giá là vì chúng quá nhỏ để có thể dùng máy gắn giá tiền lên.

Hầu hết các món hàng đều do các công ty đem tới giao tại tiệm. Ví dụ, mỗi ngày thứ 4 hàng tuần, một xe vận tải chở bia đến giao tại tiệm. Mỗi thứ năm thì xe vận tải chở sữa tươi tới giao. Mỗi thứ hai và thứ sáu thì một xe tải chở bánh mì đến giao bánh mới và đem bánh cũ hết hạn đi. Chỉ có mấy món linh tinh khác như dầu ăn, xà bông, móng tay giả… là anh Tiến và chị Lan phải lái xe đi mua tại các tiệm bán sỉ vàđem về bán lại cho khách hàng kiếm lời.

Tiệm tạp hóa của anh Tiến chị Lan mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Vào khoảng 22:30 thì ba thằng thanh niên chúng tôi thay nhau đi sắp xếp lại hàng hóa trong tiệm để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Có một việc mà cả ba chúng tôi thích nhất đó la đi vào nhà chứa bia và sữa để chất hàng lên cho khách mua ngày hôm sau.

Từ phía trước, khách hàng mở cửa để lấy bia hay sữa. Tuy nhiên, phía sau là một nhà kho chứa hàng. Tiệm chị Lan có cửa đi vào nhà lạnh này từ phía sau. Khi vào đây, chúng tôi phải mặc đồ cách nhiệt rất dày, đội mũ len và mang găng tay nhìn giống như lính cứu hỏa vì trong nhà chứa rất lạnh. Ngoài nhiệt độ lạnh để giữ cho bia và sữa khỏi hư, bên trong nhà chứa rất ồn ào vì động cơ máy lạnh. Nhiều khi chúng tôi làm việc trong đây, mở miệng ra hét lớn cũng không nghe rõ nhau. Phải đứng thật gần thì mới nghe và hiểu nhau. Nếu ai ở phía trước, nơi khách mở cửa lấy hàng, mở cửa rồi gọi vào thì người làm việc bên trong không thể nghe thấy. Anh Đại hay nói với tôi:

“Những lúc gây lộn với anh Tiến, chị Lan, tao hay vào đây làm việc để quên đi sự đời”

Sau một tuần lễ làm quen với công việc bán hàng, 6 giờ chiều thứ bảy, chị Lan nói anh Đại lấy xe chở hai anh em tôi về Houston chơi. Chúng tôi có tối thứ bảy và cả ngày Chúa nhật để rong chơi ở Houston trước khi phải trở lại Galveston vào tối Chúa nhật.

Về đến Houston, anh Đại chở hai anhem chúng tôi ghé nhà Trinh, bạn gái anh Đại, đe ăn tối. Sau bữa tối, anh Đại chở chúng tôi về nhà anh Tiến chị Lan. Tôi mệt quá cho nên ngủ thiếp trong xe. Khi xe dừng lại, thấy ngôi nhà gạch đỏ với mái cao vút, tôi hỏi anh Đại:

“Ủa, hơn 10 giờ đêm rồi mà nhà thờ còn lễ sao?”

“Nhà thờ nào?” – anh Đại hỏi lại –“đây là nhà anh Tiến chị Lan đó ông!”

Đúng như câu nói “cái gì của Texas cũng to lớn”, nhà anh Tiến chị Lan giống như một ngôi nhà thờ nhỏ. Vì California, nơi tôi sống, giá nhà đất cao và có động đất nên nhà cửa bên California nhỏ và không làm bằng gạch đỏ. Thế là tôi bị “quê” khi từ thành thị California về miền quê Texas.

Anh Đại chạy xe vào sân sau. Ra khỏi xe, vừa bước được vài bước thì anh Đại đưa tay ra dấu cho chúng tôi đứng lại. Nhìn theo ánh mắt anh, chúng tôi nhận ra cửa kiếng phía sau nhà bị đập nát. Anh Đại chạy ra nhà kho phía sau vườn lấy 3 cây sắt dài và phát cho chúng tôi mỗi đứa một cây. Anh ra hiệu cho hai anh em tôi đi phía sau để yểm trợ anh.

Tình hình lúc đó rất căng thẳng. Chúng tôi từ từ tiến vào nhà trong tâm trạng chuẩn bị cho một cuộc ẩu đả trước mắt. Bây giờ ngồi nghĩ lại mới thấy chúng tôi quá ngu khi quyết định đối đầu với ăn trộm như thế. Đúng ra thì nên gọi cảnh sát để họ vào nhà xem có kẻ gian trong đó không. Tuy nhiên, anh Đại tính tình rất giang hồ cho nên muốn đối diện và dạy cho kẻ gian một bài học.

Vừa vào trong nhà, anh Đại thò tay bật đèn lên. Chúng tôi thấy mảnh kiếng vỡ rớt đầy trên sàn nhà. Từ từ chúng tôi tiến vào phòng khách. Không có ai trong đó. Chúng tôi đi từng phòng và không tìm ra kẻ gian. Sau đó, chúng tôi tiến lên tầng hai và kiểm tra từng phòng. May mắn là kẻ gian đã bỏ đi trước khi chúng tôi về đến nhà. Trong lúc anh Đại gọi điện thoại cho anh Tiến và chị Lan để báo lại tình hình thì anh của tôi trổ tài thám tử đi vào phòng vệ sinh để xem xét. Khi bước ra, anh tuyên bố:

“Tụi nó mới bỏ đi thôi vì điếu thuốc lá tụi nó ném vào toilet chưa tan rã.”

Vậy là cuối tuần đầu tiên ở Houston không vui cho lắm vì vụ trộm vào nhà. Ngày Chúa nhật chúng tôi lo dọn dẹp và gắn hệ thống báo động mới. Đến 5 giờ chiều thì chúng tôi lên xe về lại Galveston để chuẩn bị làm việc trở lại.

Cứ như thế, mỗi tối thứ bảy chúng tôi về Houston chơi. Hầu như tối thứ bảy nào chúng tôi cũng ghé nhà chị Trinh ăn tối. Sáng Chúa nhật thì chúng tôi đi lễ ra kéo nhau đi ăn uống tại các khu Việt nam hoặc đi chơi ở các chỗ giải trí của Mỹ.

Có một lần đi ăn phở tình cờ gặp lại anh Hà, một người hàng xóm cũ ở Việt nam đang làm công việc bưng phở cho nhà hàng đó. Vậy mà hơn 10 năm sau, vợ chồng anh nghe nói đã làm chủ một khu chung cư.

Cuối tuần dịp ngày lễ Độc lập Hoa kỳ, ngày 4 tháng 7, chúng tôi được phép đi hai đêm vì anh Bé muốn đi Dallas thăm gia đình một người quen từ Việt nam. Trước khi đi Dallas, chúng tôi về Houston chiều tối thứ sáu để ghé ăn cơm ở nhà bạn gái anh Đại. Gần nửa đêm, chúng tôi lên xa lộ 45 hướng bắc để đi Dallas. Trời tối đen như mực vì xa lộ không có đèn đường.

Khi gần đến Dallas, trong bóng đêm, từ phía xa bên hướng nam, chúng tôi thấy một cột lửa sáng rực với khói bốc lên ngùn ngụt. Khi đến gần chúng tôi nhận ra cột lửa kia là do một xe hơi đang bốc cháy. Vào đến thành phố Dallas, gần nhà người quen, vào khỏang 5:30 sáng, chúng tôi ghé vào tiệm Burger King đe ăn sáng chờ khi mặt trời lên mới vào nhà người quen. Sau một cuối tuần thăm gặp Dallas, chúng tôi về lại Galveston, trở lại việc trông coi tiệm tạp hóa.

Một công tác trong tiệm mà chúng tôi phải làm mỗi tuần là mở hai cái máy trò chơi điện tử trong tiệm ra để đếm xem thu nhập cho máy tuần đó là bao nhiêu. Trước đây, một công ty trò chơi điện tử mang máy của họ đến tiệm. Cuối tháng thì họ chia tiền lời 50% cho chủ tiệm. Thấy có lời, chị Lan quyết định bỏ tiền ra mua hai cái máy, mỗi cái khoảng $4500 để khỏi phải chia lời với công ty kia.

Tôi vốn thích chơi trò chơi điện tử nên mỗi lúc rảnh rỗi trong ngày, tôi hay ra chơi. Vì máy của mình cho nên khi chơi chúng tôi không phải bỏ tiền vào máy. Mấy thằng bé Mỹ đen trong các khu chung cư quanh tiệm cũng hay vào tiệm bỏ tiền ra chơi. Mấy tuần đầu, tôi ra chơi cùng mấy thằng bé Mỹ đen này nhưng tôi không phải là đối thủ của chúng. Khi chơi đối kháng, nếu tôi thua thì tôi phải bỏ tiền vào máy trong khi thằng bé My đen thì được chơi miễn phí. Thấy vậy, anh Đại nói với tôi:


“Mày mà cứ chơi và thua tụi nó như vậy thì tiệm mình sẽ bớt thu nhập từ cái máy trò trơi điện tử đó vì tụi nó được chơi miễn phí.”

Nghe vậy, tôi không đấu với mấy thằng Mỹ đen nhóc nữa. Đợi khi tiêm đóng cửa, tôi ra đấu với máy. Sau khoảng 3 tuần tập luyện vất vả, tôi tự tin ra đấu với mấy thằng nhóc Mỹ đen. Lúc này, tụi nhóc My đen không còn là đối thủ của tôi. Vì không thể đánh bại tôi, tụi nhóc My đen yêu cầu tôi đi làm việc để tụi nó đấu với máy.

Vì nằm giữa các chung cư của người da đen, hầu hết khách hàng tiệm tạp hóa của anh chị Tiến - Lan là người da đen. Tuy nhiên, cũng có hai người khách Mỹ da trắng thường ghé vào tiệm.

Người thứ nhất là John, một cảnh sát của thành phố. John thường ghé vào tiệm sau giờ làm việc mỗi thứ sáu để mua một két bia. Người khách thứ hai là Jennifer, một cô gái trẻ, tóc vàng mắt xanh, dáng đẹp như thiên thần. Jennifer năm đó vừa tròn 21 tuổi thường ghé vào tiệm cũng để mua bia. Vì em quá đẹp, ba thằng độc thân chúng tôi hay chọc ghẹo em bằng cách bắt em đưa bằng lái mỗi lần em vào tiệm dù sau hai ba lần chúng tôi đã biết em trên 21 tuổi rồi. Em cũng biết là chúng tôi thả dê cho nên mỗi khi móc bằng lái ra cho chúng tôi kiểm tra, em đều nở một nụ cười với hàm ý là em biết tỏng trong đầu chúng tôi nghĩ gì. Sự xuất hiện của thiên thần tóc vàng mắt xanh luôn đem lại niềm vui cho chúng tôi nơi xóm nghèo.

Xóm nghèo Galveston có nhiều điểm tương đồng với các xóm nghèo bên Việt nam. Các cư dân trong các chung cư thường ra ngồi lê la trước sân nhà mỗi ngày. Đám trẻ con khi vào tiệm thường hay ăn ké đồ ăn của nhau. Một món mà tôi chẳng thấy ngon chút nào nhưng đám trẻ con Mỹ đen rất hay mua là món dưa leo ngâm dấm chua (sour pickle). Món này khi ăn cùng hamburger thì tôi thấy còn được chứ ăn không như trẻ con Mỹ đen thì tôi không thấy nó ngon ở chỗ nào. Vậy mà tụi trẻ con Mỹ đen cứ vào tiệm mua một cây rồi thay nhau cắn lấy cắn để một cách ngon lành.

Tuy tôi ít ra ngoài tiệm (vì thời tiết nóng va ẩm rất khó chịu của Galveston) nhưng khi có việc bước ra sân trước của tiệm, tiếng kêu gọi nhau của dân chúng trong các dân cư làm tôi nhớ những ngày sống tại khu Kiến thiết tại Việt nam.

Sau một tháng chúng tôi sang giúp bán tiệm, chị Lan quyết định cho một người Việt nam mướn gian nhà nơi ba thằng độc thân chúng tôi ngủ để mở tiệm làm móng tay. Thế là mỗi tối, ba thằng độc thân phải khiêng nệm xuống bếp để ngủ. Tuy hơi chật chội, nhưng vì là thanh niên độc thân, chúng tôi lăn ra ngủ ngon lành sau một ngày dài làm việc.

Khi thấy hai anh em chúng tôi đã quen với việc bán tiệm, gia đình anh Tiến chị Lan về Việt nam du lịch trong vòng 3 tuần. Mấy ngày đầu, ba thằng chúng tôi cứ lấy đo ăn trong tiệm như hamburger, burrito đông lạnh ra ăn. Sau khi đã ngán đồ đông lạnh, anh Bé của tôi xung phong làm đầu bếp nấu cơm. Anh Đại đứng bán tiệm. Tôi lái xe đi chợ mua đồ ăn về cho anh Bé nấu.

Hôm đầu tiên lái xe ra chợ, vì không quen đường xá và trời tối, tôi chạy ngược chiều. Khi thấy dòng xe phía trước chiếu đèn thẳng vào mình, tôi hoảng quá tấp kịp vào lề tránh được tai nạn. Sau nửa tiếng mua sắm, tôi mang được hai cân thịt bò tươi, một trái khóm và một ít rau thơm về tiệm. Anh Bé xuống bếp sửa soạn nấu bữa ăn tối. Tôi bắt tay vào việc chất hàng lên quầy. Đang chăm chỉ làm việc thì tôi nghe anh Đại la toáng lên:

“Bé! Mày lấy cái chai gì đem xuống bếp vậy?”

“Tao lấy chai dầu ăn xuống xào thịt bò” – anh Bé trả lời

“Mày mang lại đây tao coi – anh Đại ra lệnh – ĐM mày muốn ba thằng mình bị câm hết hay sao mà định xào thịt bò với cái chai thuốc chùi rửa cầu tiêu này?”

“Heheheh – anh Bé cười chống chế - thì tao thấy cái chai này nó cũng màu vàng giống dầu ăn.”

“Chai dầu ăn ở dãy hàng bên kia kìa cha nội” – anh Đại chỉ tay về phía sau.

Dù đã làm tại tiệm hơn một tháng nhưng chúng tôi chưa thể nhận biết được hết hàng hóa trong tiệm vì có cả vài trăm món. Phải lăn lộn với tiệm lâu năm thì may ra mới nhớ hết các món trong tiệm. Hơn nữa, vì mới ở Việt nam qua, tiếng Anh chưa học tới cho nên nhiều khi nhìn lộn hàng như anh Bé tưởng lầm thuốc chùi rửa cầu tiêu là dầu ăn.

Vì gia đình chị Lan về Việt nam cho nên cuối tuần ba thằng chúng tôi phải ở lại trông tiệm, không được về Houston chơi như trước đó. Đêm thứ bảy đầu tiên sau khi gia đình chị Lan về Việt nam, chúng tôi quyết định đóng cửa tiệm vào lúc 22:30 giờ thay vì vào nửa đêm để đi câu cá.

Vì Galveston nằm giữa biển cả cho nên có rất nhiều chỗ để dân chúng câu cá. Lấy ba cái cần câu và vài con tôm đông lạnh làm mồi, chúng tôi leo lên xe chạy ra bãi câu cá cách tiệm khỏang năm phút lái xe.

Xuống xe ngồi câu cá khoảng 15 phút chúng tôi phải ra về vì cá đâu không thấy cắn câu mà chỉ thấy muỗi cắn ba thằng đi câu một cách không thương tiếc. Lúc đó tôi thấy câu nói “cái gì ở Texas cũng to lớn” đem vào áp dụng cho muỗi thật thích hợp vì những con muỗi gian ác cắn ba thằng chúng tôi phải công nhận là to xác. Thế là buổi đi câu đầu tiên thất bại hoàn toàn.

Đêm hôm sau, chúng tôi quyết định đi câu lần nữa. Tuy nhiên, trước khi rời nhà, chúng tôi không quên cầm theo vài bình thuốc xịt chống muỗi. Vì có vũ khí này mà lũ muỗi gian ác không dám bén mảng đến hút máu chúng tôi. Sau gần hai tiếng câu cá, xô nước của chúng tôi có khoảng 20 con cá lớn cỡ bàn tay. Trời tối cho nên chúng tôi cũng chẳng biết mấy con cá câu được thuộc loại cá nào. Trước khi ra về, chúng tôi thả hết đám cá câu được xuống lại biển.

Tuần thứ nhì sau khi anh Tiến và chị Lan về Việt nam, mọi việc trong tiệm diễn ra khá xuông sẻ.

Vì chúng tôi không về Houston cuối tuần, anh Đại và chị Trinh nhớ nhau quá, cho nên anh Đại rủ gia đình chị Trinh xuống Galveston chơi. Tối thứ sáu, Trinh, hai vợ chồng chị của Trinh và em gái út tên Thi lái xe từ Houston xuống đến tiệm. Vì ba chị em Trinh là đàn bà con gái, đi câu đêm không tiện, anh Đại nhờ anh rể của Trinh đứng coi tiệm để sáng thứ bảy chúng tôi đi qua làng đánh cá Việt nam chơi.

Làng đánh cá Việt nam này là một hòn đảo ngoài biển, cách trung tâm thành phố Galveston khoảng 20 phút đi phà. Sở dĩ người Việt nam đặt tên cho cái đảo ngoài khơi Galveston là làng đánh cá Việt nam là vì rất có nhiều người Việt nam sống bằng nghềđánh cá tại đây. Khi xe chúng tôi xếp hàng chờ xuống phà, tôi nhớ lại cảnh xe đò qua phà ở các bắc Cần thơ, Mỹ thuận hay Vàm cống khi gia đình tôi ngược xuôi giữa Sài gòn và Rạch giá sau 1975. Điều khác biệt là pha ở quê nhà khi xưa nồng nàn mùi nước mắm, gà, heo trong khi pha ở Galveston thì sạch sẽ. Cũng như khi ba thằng độc thân chúng tôi đi câu đêm trước đó, khi rời làng đánh cá Việt nam về lại tiệm, chúng tôi thả hết cá câu được.

Sau ba tuần du lịch tại Việt nam, gia đình chị Lan trở về Galveston vào cuối tháng 8. Hai anh em chúng tôi chuẩn bị về lại California để nhập học mùa thu. Chiều thứ 6 cuối cùng tại tiệm, khi tôi đang đứng cạnh quầy tính tiền để nói chuyện với anh Tiến thì một bà Mỹ đen tông cửa chạy vào với nét mặt hoảng hốt:

“Chồng tôi say rượu. Ông ta có súng và muốn giết tôi!”

Vừa nghe thấy thế, những người khách trong tiệm ai cũng hoảng hốt vì sợ bị vạ lây. Anh Tiến kêu gọi mọi người lùi về phiá bên trong tiệm và ngồi xuống núp sau các quầy hàng. Quay sang tôi, anh nói:

“Long cho mấy cháu vào bếp và khóa cửa lại”

Tôi nhanh chân kêu Bi và Bột chạy vào bếp. Khi đi ngang qua chỗ để TV, tôi nhận ra thằng Bún đang nằm trong ghế xe (car seat) coi TV. Thế là tôi khiêng cả cái ghế xe có Bún nằm trong đó chạy vào bếp. Thằng Bún lúc đó khoảng 5 tháng tuổi với đôi mắt to mở miệng cười tươi với tôi. Trong lúc hiểm nguy như vầy, nụ cười hồn nhiên của một đứa trẻ phần nào giúp tôi đỡ căng thẳng.

Sau khi cho ba đứa cháu vào phòng ngủ, tôi chạy ngược lại ra cửa bếp để dự tính khóa cửa lại như lời anh Tiến dặn. Khép cửa lại, tôi thấy anh Tiến lấy chìa khóa mở cái ngăn kéo phía trên máy tính tiền để lấy cây súng lục. Bỗng dưng tôi nhớ lại câu chuyện đau thương của gia đình một người trong giáo xứ San Gabriel, California nơi gia đình tôi sống. Hai vợ chồng anh chị từ San Gabriel dọn qua Dallas để mở tiệm tạp hóa. Chưa tới một năm thì tiệm bị cướp có súng ghé thăm. Bọn cướp dã man bắn chết anh chồng ngay tại chỗ. Khi chỉa súng vào đầu chị thì chúng thấy chị đang có bầu và vì thế chúng tha mạng. Vì quá hãi hùng, chị phải sinh non em bé. Lễ an táng của anh chồng tại nhà thờ San Gabriel Mission thật thảm não vì người ra đi quá trẻ.

Đang tự hỏi không lẽ hôm nay chuyện tang thương đó lại xảy ra cho gia đình mình chăng thì, qua cửa kiếng của nhà kho lạnh, tôi thấy anh Đại và anh Bé đang chất bia và sữa lên các kệ. Tôi hy vọng hai ông anh đang làm việc trong nhà kho đừng ló đầu ra giữa cuộc đấu súng. Lý do tôi lo lắng cho hai ông anh độc thân là vì nãy giờ trong nhà kho lạnh, hai anh không hề biết chuyện gì đang xảy ra ở bên ngoài.

Đang lo lắng cho hai ông anh trong nhà kho thì tôi thấy cánh cửa tiệm đang mở ra. Anh Tiến thò ngón trỏ vào cò súng dù anh vẫn chỉa xuống đất. Thái độ của anh Tiến làm tôi nhớ đến các cảnh đấu súng trong các phim cao bồi viễn tây của Clint Eastwood. Các phim này thường hay kết thúc với màn đấu súng khi hai tay cao bồi đứng nhìn nhau với tay chỉ xuống đất. Khi một trong hai người cử động để rút súng thì người kia cũng thò tay vào bao móc súng ra. Ai móc súng ra chậm hơn thì phần chết coi như nắm chắc trong tay. Hai tay đấu súng phải tập trung cao độ để có phản ứng nhanh nhất. Nghĩ đến đây, tôi lại càng lo lắng rằng nếu hai ông anh trong nhà kho, vì không biết chuyện đấu súng, bước ra làm anh Tiến bị phân tâm thì nguy quá.

Khi sự lo lắng và căng thẳng của tôi lên đến cực độ thì cũng là lúc cửa ra vào tiệm được mở ra và người xuất hiện sau cánh cửa đó là…John, viên cảnh sát khách hàng quen thuộc của tiệm.

Sau khi trao đổi vài câu với anh Tiến, John bước ngoài và anh Tiến thông báo với mọi người trong tiệm là nguy hiểm đã qua và mọi người cứ mua sắm bình thường, không cần phải núp tránh nữa. Tôi đẩy cửa bếp để chạy ra hỏi anh Tiến chuyện gì xảy ra. Anh Tiến kể:

“Cảnh sát John đang dự định ghé vào tiệm mua bia như mọi khi thì gặp lão say rượu có súng đang đi trong bãi đậu xe của tiệm. Dù ngoài giờ làm việc, nhưng John đã khống chế và còng tay ông ta để đem về đồn cảnh sát”

Thật là may khi John xuất hiện đúng lúc và không có sự gì đáng tiếc xảy ra. Anh Tiến quay sang tôi:

“Long vào kêu Đại và Bé chuẩn bị về Houston đi.”

Tôi đi vào nhà kho lạnh nơi hai ông anh vẫn âm thầm làm việc hết sức an bình. Khi tôi hỏi hai anh có biết chuyện gì xảy ra nãy giờ không thì hay ông vẫn trả lời là trong này máy lạnh ồn ào quá cho nên đâu có nghe chuyện gì xảy ra ngoài kia.

Trên đường lái xe về Houston, sau khi nghe tôi kể lại câu chuyện ông say rượu và câu chuyện vợ chồng trẻ ở giáo xứ San Gabriel, anh Đại cười khà khà:

“Ba của Trinh hồi xưa đi bán tiệm 7 Eleven bị hai thằng cướp vào tiệm, bắt nằm xấp xuống đất và dí xúng shotgun vào đầu. Cũng may là tụi nó chỉ lấy tiền rồi bỏ đi. Sau vụ đó, ông bỏ nghề bán tiệm đi làm nghề khác”

Ba của chị Trinh tính ít nói và có vẻ nghiêm khắc. Mỗi tối thứ bảy khi chúng tôi ghé ăn cơm tối, cả nhà nói cười vui vẻ trong khi ông trầm ngâm ít nói. Không biết có phải vì kinh nghiệm bị cướp ma ông trở nên trầm lặng hay không.

Kinh nghiệm hơn hai tháng bán tiệm tại Galveston dạy tôi hiểu rằng kiếm được tiền phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Đúng là làm chủ một tiệm tạp hóa giúp người ta kiếm ra khá nhiều tiền nhưng công sức bỏ vô không phải la ít. Tiệm của chị Lan mở gần 18 tiếng mỗi ngày và mở bảy ngày trong tuần. Ngoài ra, những khi bị cướp tới thăm thì mạng người trở thành ngàn cân treo trên sợi tóc. Chị Lan cứ nói với tôi là tôi nên học thật giỏi để kiếm tiền qua học vấn cho an toàn và nhàn hạ hơn chứ bán tiệm như anh chị vừa cực, vừa nguy hiểm.

Bây giờ, 25 năm sau, cái nghề kỹ sư điện toán của tôi tuy không phải thức khuya, dậy sớm như bán tiệm tạp hóa, nhưng nó cũng không hề nhàn hạ hay an toàn hơn tí nào. Nghề điện toán cũng vất vả nguy hiểm chẳng thua nghề bán tiệm. Vì phải ngồi ôm máy tính cả ngày cho nên kỹ sư điện toán ít hoạt động và dễ bị bệnh tim mạch. Hồi còn làm ở Raytheon, ông đồng nghiệp bên cạnh bỗng dưng ngã đùng ra và mọi người phải gọi xe cấp cứu.

Nghề nào cũng có mặt trái và mặt phải của nó. Điều qua trọng là nếu chúng ta yêu nghề, siêng năng và cóđạo đức thì cơ nghề nào cũng cao quí và sẽ đem lại thành công.

Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
24/10/201719:44:09
Khách
Bạn Nga Lam,
xin lỗi hôm nay mới vào đây cho nên bây giờ mới trả lời chị. Dạ đúng, tôi có viết nhận định về phim The Vietnam war trên WP. Tôi thường viết nhận định trên truyền thông Mỹ để cho họ hiểu thêm về quan đểm của người VN
20/09/201718:53:41
Khách
Co phai anh viet nhan dinh o Washington Post ve VN war? Viet hai nhan dinh rat hay.
06/07/201719:36:58
Khách
Viết hay lắm. Nhưng chữ Nhà chứa thật không đúng tí nào ở đây cả. Nên nói là Kho Lạ.nh thì đúng hơn, vì Nhà chứa thì` qui' vì biết là nơi chốn' gì rồi...
06/07/201702:46:30
Khách
cám ơn độc giả conmeo đã đọc và cho nhận xét
05/07/201717:40:59
Khách
Hay. Trung thực, không có khoe gì hết. Tôi chỉ làm cây xăng một đêm mà tôi đã chạy dài.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,030,563
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến