Hôm nay,  

Trận Chiến Cuối Cùng

23/06/201700:00:00(Xem: 12620)

Tác giả: Nguyễn Anh Nguyên
Bài số 5151-18-30751-vb5062217

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa. Bài viết mới của ông có lời ghi “Xin cám ơn Ba vì câu chuyện đã kể, là nội dung chính cho bài viết này!”

* * *

blank
Núi tuyết sông băng Alaska, nhìn từ độ cao trên 10.000m.

Chiếc Boeing 777-300ER đang ở độ cao trên 10.000m với tốc độ bay gần 1.000 km/h, các thông số bay ổn định ở trần bay của loại máy bay xuyên lục địa hai động cơ thân rộng được đánh giá là siêu an toàn nhất thế giới này. Mấy bộ phim hành động Mỹ vừa coi không đủ làm tôi buồn ngủ mà chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi và ê ẩm trong người. Các nữ tiếp viên hãng hàng không Cathay Pacific đi lại phát thêm khăn lau mặt, nước và snack cho các hành khách còn đang thức.

Ly nước cam ép và chiếc khăn giấy thơm mát lạnh làm tôi tỉnh táo hơn một chút.

Khẽ mở tấm che cửa sổ máy bay, ánh sáng chói chang tràn vào khoang ghế hành khách khiến tôi phải khép ngay cửa lại vì sợ làm phiền các hành khách bên cạnh. Tuy vậy cũng kịp thoáng nhìn thấy những hình ảnh bên dưới cánh máy bay thật hùng vĩ với những dãy núi tuyết trải dài đến hết tầm mắt lấp lánh dưới ánh mặt trời. Theo số giờ đã bay từ lúc cất cánh ở sân bay Chicago OHare, tôi đoán máy bay đang bay ngang qua một khu vực nào đó ở cực Bắc của Canada hoặc Mỹ. Tò mò bật route map trên màn hình để kiểm tra thì biết mình đang trên không phận của Anchorage, thành phố lớn nhất của tiểu bang Alaska cũng là trung tâm giao thông vận tải, thương mại của phần lớn vùng Trung và Tây của Alaska. Một địa danh lần đầu mới biết nhưng quá đẹp để bỏ qua mà không ghi lại một vài tấm hình làm kỷ niệm.

Ngồi ghế sát cửa sổ máy bay để được nhìn ngắm và ghi lại các hình ảnh đẹp bên ngoài là một sở thích của tôi trên các chuyến bay. Bất lợi lúc này là ngại mở cửa làm phiền các hành khách đang say ngủ bên cạnh mà làm phiền họ để ra ngoài đi vệ sinh và tìm chổ chụp hình cũng kỳ. Loay hoay tìm cách chừng gần năm phút thì thật may khi cô gái Mỹ ngồi bên cạnh lục đục thức dậy rời khỏi ghế đi vệ sinh. Tôi cũng bật khỏi ghế tiến nhanh đến khoang tiếp viên gần đuôi máy bay nơi có hai cửa sổ lớn hơn một chút ở hành lang giữa khoang thức ăn và các nhà vệ sinh. Vị trí mà ở một chuyến bay trước đây tôi đã chụp được hình ảnh các đường rạn nứt trên biển băng Bắc Cực nhìn như các nhánh cây tỏa ra khắp nơi rất là kỳ thú. Thật may mắn vì hình ảnh ngoài khung cửa lúc này còn đẹp hơn hình ảnh mà tôi vừa thấy lúc nãy. Ngoài các dãynúi tuyết lấp lánh dưới ánh mặt trời còn có các dòng sông băng đang đổ ra cửa biển, một hình ảnh thật đẹp và hùng vĩmang lại nhiều cảm xúc trong tôi. Chợt nhớ đến câu “Lá rụng về cội, trăm sông đều xuôi về biển cả” mà cảm thấy chạnh lòng. Mấy câu đầu trong bài hát “Người di tản buồn” của nhạc sĩ Nam Lộc lại văng vẳng trong tôi.

Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa...

Dù bây giờ khoảng cách giữa Việt Nam và Mỹ cũng như phần còn lại của Thế giới đã trở nên gần hơn cả về nghĩa đen (đi lại dễ dàng hơn, vé máy bay rẻ hơn, thu nhập cao hơn) lẫn nghĩa bóng (cấp visa giữa hai nước dễ hơn, mở rộng ban giao, quan hệ làm ăn nhiều hơn), cơ hội để về thăm quê hương đã trở nên dễ dàng nhưng vẫn có những người thuộc thế hệ cha chú của tôi không có cơ hội hoặc không muốn trở về quê hương vì nhiều lý do. Đối với họ có lẽ tâm trạng của “Người di tản buồn” vẫn mãi còn trong suốt cả cuộc đời còn lại.

Thuộc thế hệ 7X sinh ra được vài năm thì nước mất nhà tan, cha bị đi “học tập cải tạo” mất mấy năm trời, mẹ phải bươn chải làm đủ việc để kiếm miếng ăn cho các con nên tuổi thơ của anh em tôi gắn liền với sự cơ cực của cả miền Nam ở thời kỳ đó. Cơm độn khoai lang, khoai mì, bo bo cứng ngắc và bánh bao nhân su su là các món ăn thường trực trong những bữa ăn của gia đình. Những ngày các Dì được lãnh tiêu chuẩn bột mì và bơ ký (thùng bơ to cả kg) ở Lâm trường là cả nhà hào hứng thưởng thức bánh bột mì chiên và bơ. Nhớ những lúc thèm quá, anh em tôi vẫn lén xuống bếp múc vài muỗng bơ ăn không cho đã miệng. Những câu chuyện mẹ kể cho anh em tôi về cuộc sống hạnh phúc trước đây, về cuộc đời binh nghiệp của cha ông và hành trình di tản kinh hoàng của ba mẹ và tôi trong cuộc “triệt thoái cao nguyên” vào tháng 03 năm 1975 vẫn in đậm trong ký ức trẻ thơ của tôi khó có thể phai mờ…

*

blank
Chào vĩnh biệt một đồng đội.

Ba tôi là một sỹ quan Võ Bị Đà Lạt thuộc binh chủng nhảy dù (biệt danh Anh cả đỏ) của quân đội VNCH. Đầu năm 1975, đơn vị biệt kích dù (Lôi hổ) của ba thuộc Nha Kỹ Thuật đang đóng quân gần sân bay Buôn Ma Thuột chuyên thực hiện các nhiệm vụ nhảy toán vào hậu tuyến của địch để thu thập các tin tức tình báovà phản tình báo quan trọng. Các toán biệt kích dù thường đượctrực thăng UH-1H hoặc máy bay MC130 Blackbird chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt có râu móc trước mũi (Fulton Skyhook Extraction System), cất cánh hành quân bí mật, thả toán vào địa điểm xác định và bốc toán sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Mục tiêu và hoạt động của các toán biệt kích này có phần nào đó giốngvới các điệp vụ đầy táo bạo mà điệp viên James Bond 007 thường thực hiện trên màn ảnh rộng. Khác nhau là ở chổ các chiến dịch của ba và các chiến hữu không diễn ra trên phim trường hay ngoại cảnhở các địa danh nổi tiếng mà xảy ra trên các chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1955-1975).

Mùa Xuân năm 1975, mẹ đưa tôi lên Buôn Ma Thuột thăm và ở lại chơi với ba một thời gian và để em gái tôi ở lại Đà Lạt với ông bà Ngoại (Ông cũng là một sỹ quan cấp tá trong quân lực VNCH). Đây là một quyết định khá mạo hiểm và nhiều rủi ro trong tình hình chiến sự đang diễn biến ngày càng phức tạp. Dù ông bà Ngoại đã hết sức can ngăn nhưng có lẽ tình yêu thương, mong muốn được chia sẻ khó khăn và động viên tinh thần ba đã khiến mẹ tôi bất chấp nguy hiểm để đến cùng ba.

Ngày 09-03-1975, tin tình báo cho biết là Buôn Ma Thuột có thể bị đánh vào ban đêm, nên chỉ huy trưởng ra lệnh cấm trại 100% quân số.Lúc chạng vạng tối còn có lệnh mỗi người đều phải buộc một khăn trắng vào bắp tay để nhận dạng nhau khi chiến sự nổ ra. Khoảng 07 giờ tối sau khi ănchiều xong tất cả các đơn vị chiến đấu đều ra giao thông hào để trực chiến.Bộ chỉ huy thì chuyển xuống hệ thống phòng thủ chìm dưới mặt đất (gọi tắt là TOC) có đầy đủ các sỹ quan của bốn ban chiến đấuvà nhóm truyền tin. Doanh trại của chiến đoàn biệt kích dù và doanh trại bên không quân nằm sát nhau nên có một mặt chung không phải phòng thủ, mỗi bên chỉ canh phòng ba mặt còn lại. Tựa lưng vào doanh trại phe ta cũng yên tâm hơn phần nào trong trường hợp bị bao vây tứ bề thọ địch.

Khoảng 02 giờ sáng ngày 10-03-1975, tiếng súng đồng loạt nổ bên phi trường L19 (một loại máy bay quan sát, còn có tên gọi vui là Đầm Già)nhưng đa số là tiếng súng AK và tiếng bộc phá của quân Bắc Việt, còn tiếng súng chống trả của phe ta vang lên khá yếu ớt. Khoảng 10 phút sau lại có những tràng trung liên nồi của VC ở phía TOC và một hồi còi báo động từ trung tâm chỉ huy hành quân vang lên.Như vậy là ba mặt phòng thủ chính bên doanh trại Lôi hổ không bị tấn công mà VC đã đột nhập lặng lẽ vào phi trường L19, kéo trung liên đặt đối diện cửa lên của TOC và nổ súng tấn công. Tại đó sau khi địch rút quân vào sáng hôm sau, anh em thấy xác trung úy trưởng ban 3, trung uý trưởng ban 4 tử nạn gần chiếc xe Jeep. Có lẽ loạt súng trung liên đầu tiên đóđã tước đi sinh mạng của hai sỹ quanchỉ huy khi lên lấy xe đi kiểm tra phòng tuyến.

Quân VC tràn vào, len lỏi khắp nơi nổ súng và đánh bộc phá khắp bên trong doanh trại nhưng chúng lại không đánh ra ba mặt giao thông hào phòng thủ chính của bên biệt kích dù.Điện đóm thì bị đứt hết, đêm tối đen như mực.Cũng nhờ miếng vải trắng đeo trên bắp taylúc chiều nên có thể phân biệt được quân ta hay quân địch ở khoảng cách phù hợp để nổ súng tiêu diệt.Súng đạn nổ lung tungkhắp nơi vì quân VC có lẽ cũng không biết đánh vào đâu cho đúng chổ. Lúc đó một nửa quân số bên biệt kích phòng thủ ngoài giao thông hào được lệnh chia thành những toán nhỏ tiến ngược vào bên trong doanh trại không quân tiếp viện cho đơn vị bạn chiến đấu, còn nửa kia vẫn nằm phòng thủ ở ba mặt của doanh trại biệt kích đề phòng địch đánh bọc hậu.Nhờ sự hổ trợ của lực lượng biệt kích dù thiện chiến, quân VC đã bịchặn đứng và đánh dạt dần về lại bên phi trường L19. Đến sáng thì ta chiếm lại và kiểm soát toàn bộ khu vực các doanh trại và sở chỉ huy.Lực lượng lôi hổ chỉ tổn thất 06 người (gồm hai sỹ quan kể trên), bên không quân thì mất quân nhiều hơn vài lần. Tang thương nhất là cả gia đình trung sĩ T gồm vợ, các em gái và hai con tổng cộng 05 người núp dưới hầm trú ẩn bị VC liệng bộc phá xuống chết hết cả.

Khi súng đã im và chiến sự tạm lắng xuống, ba tôi mới có thời gian nghĩ đến vợ con đang ở sát bên bệnh xá cách TOC khoảng 100m, nằm trong vùng giao tranh tối hôm qua, nên vội trở về xem tình hình thế nào. Phòng ba mẹ tôi gồm có một phòng ngủ với chiếc giường đôi và một phòng khách có cửa sổ thông ra ngoài đường. Lúc chiều trước khi ra giao thông hào trực chiến, ba tôi đã xếp một cái giường sắt chồng lên cái giường mà mẹ và tôi nằm và dặn hai mẹ con chui xuống núp dưới gầm giường nếu nghe tiếng súng nổ. Về đến cửa nhà, ba tôi thấy có một tên VC chết nằm vắt ngang cửa sổ phòng khách. Theo lời kể của anh trung sĩ quân y ở phòng đối diện,khi nhìn thấy lúc tên VC cạy được cửa sổ định chồm ném bộc phá vào phòng ngủ thì anh nổ súng bắn chết, vì thế trái bộc phá rớt xuống và nổ ngay bên ngoài cửa sổ luôn.Nếu trái bộc phá được ném xuống sàn phòng ngủ, nơi mẹ và tôi đang núp dưới gầm giường thì chết là cái chắc. Nhìn lên trần nhà thì thấy mái tôn phòng khách đã bị bộc phá thổi tung nhưng phòng ngủ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một ít gạch đá văng trên chiếc giường sắt chồng bên trên mà thôi. Cám ơn Trời Phật, Ông Bà phù hộ cho mẹ con tôi sống sót trong trận chiến cuối cùng của ba. Cám ơn anh trung sĩ quân y đã nổ súng chính xác và kịp thời tiêu diệt tử thần bên ngoài cửa sổ. Không biết giờ anh (chú) đang ở đâu, còn sống hay đã mất để được gửi đến anh (chú) lời cảm ơn chân thành nhất.

*

Khoảng gần 10 giờ sáng, cấp chỉ huy thông báo Buôn Ma Thuột đã bị chiếm gần hết. Tình hình rất khó được cứu vãn khi không có quân tiếp viện, nhiều lực lượng tại Buôn Mê Thuột đã được lệnh triệt thoái theo đường số 07 về Nha Trang, Khánh Hòa. Chỉ huy Chiến đoàn gọi về gọi về Bộ chỉ huy xin lệnh về rút quân về Tổng Nha Kỹ Thuật ở Sài Gòn thì được lệnh phải cố thủ.Lúc đó số lượng phụ nữ và trẻ con trong doanh trại còn nhiều gấp mấy lần số sỹ quan, hạ sỹ quan và binh lính.Trước tình hình nguy cấp lúc đó,Thiếu tá Chiến đoàn phó giao nhiệm vụ cho ba tôi (lúc đó đang mang lon trung úy), thiếu uý B, một hạ sỹ quan quân y và hai binh sĩ dưới quyền đưa toàn bộ phụ nữ, trẻ convợ con các sỹ quan trong khu gia binh còn đang trực chiến mở đường băng qua chợ cây số 4 vào đồn điền SHPI của Pháp xin lánh nạn một thời gian.

Cả nhóm hơn cả trăm người (có khoảng 30 phụ nữ và hơn 60 trẻ em) bắt đầu đi lúc gần 03 giờ chiều. Đồn điền Tây cách doanh trại ba tôi đóng quân hơn 01km. Từ doanh trại đến đồn điền phải băng ngang qua chợ cây số 4 và một cái chùa, hầu hết là trảng trống, ba tôi và nhóm theo hộ tống vẫn mặc quân phục có mang vũ khí nhưng quân số quá ít nên phải len lỏi giữa đám phụ nữ và trẻ con, tay bồng thêm một trẻ em để ngụy trang. Có lẽ VC cũng thấy đoàn người, vì lúc đó họ đã kéo pháo phòng không tới sát đồn điền Tây, nhưng thấy toàn đàn bà con nít không nên họ không nổ súng. Nếu không nhanh trí bố trí quân len lỏi giữa đám đông thì chưa biết có đến được đồn điền hay không. Ở đồn điền, ba tôi và thiếu úyB liên lạc với chủ nhà xin sắp xếp chổ ở và xin lương thực và thức ăn nấu cho mọi người ăn rồi nghỉ qua đêm.Sáng hôm sau những người có gia đình hay bà con ngoài Buôn Ma Thuột đều rời đồn điền về nhà hoặc tạm lánh về nhà bà con.

Sau hai ngày lánh nạn tại đồn điền SHPI, biết Buôn Ma Thuột đã bị chiếm và thấy tình hình không có gì khả quan cũng như không liên lạc được Bộ Chỉ huy ở doanh trại nên mạnh gia đình nào gia đình nấy tìm đường di tản. Câu chuyện di tản của thiếu úy B và gia đình ly kỳ mạo hiểm nhất trong số sỹ quan, hạ sỹ quan và các gia đình đã lánh nạn ở đồn điền SHPI.

Lúc ở đồn điền này, thiếu úy B tìm được một xe chiếc Jeep của cảnh sát,chúđãlên kế hoạchlấy cây lá che phủ ngụy trang bên ngoài xe, giả làm xe của bộ đội, tìm cách nhập vào đoàn convoir của họ chạy về phía Nam. Trước khi đi thiếu úy B có rủ ba mẹ tôi và vợ một thiếu tá cảnh sát có hai con nhỏ cùng đi nhưng thấy kế hoạch đó nguy hiểm quá, hơn nữa xe Jeep cũng không đủ chổ cho cả ba gia đình nên không ai đi theo. Trong suốt hành trình, xeJeep của chú bị chận lại mấy lần, vợ con chú phải nằm sát sàn xe để trốn không bị phát hiện vì bộ đội không ai lại hành quân mà mang theo vợ con.Đi mấy ngày đêm thì đoàn xe tới Phước An, đầu đèo Phượng Hoàng (DakLak) thì đoàn xephải tản ra vì gặp phải sự kháng cự của quân VNCH đang giữ đèo. Nhân cơ hội, chú B tìm cách tách đoàn, bỏ xe và tìm đường sang phòng tuyến quân ta. Lúc đó ở đầu con đèo này có một lữ đoàn lính Dù đang cố thủ nên gia đình thiếu úy B may mắn tìm đến được và ở lại với họ. Sau đó gia đình thiếu úy B theo đơn vị này băng rừng về tới Nha Trang (lúc đó chưa bị chiếm), được tàu Hải Quân chở hết về Sài Gòn và cả gia đình kịp thời di tản qua Mỹ trước ngày 30 tháng 04.Sự dũng cảm, quyết đoán và nhanh trí của chú B đã giúp gia đình chú thoát khỏi cảnh gia đình ly tán, tù đày và phải sống cuộc sống điêu tàn sau khi chiến tranh kết thúc. Nguyên tắc “High Risk, High Return” (Tạm dịch: có gan làm giàu) có từ thời La Mã vẫn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc tưởng như ngàn cân treo sợi tóc và không còn gì để mất, kể cả mạng sống của mình và gia đình. Tuy nhiên rất nhiều gia đình đã không có được cơ hội và sự may mắn như vậy.

Sau khi thiếu úy B đi, ba mẹ tôi còn ở lại đồn điền thêm một ngày nữa để chờ tin. Đến sáng ngày thứ tư kể từ lúc rời trạithì được nghe dân báo là đơn vị đã rút đi và VC đã chiếm doanh trại, ba tôi mới bỏ quân phục, mặc đồ dân thường và đưa mẹ con tôi di tản. Ba mẹ cõng tôi chạy từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang, bám theo đường số 07. Lúc thì lội bộ, lúc may mắn thì quá giang các xe quân đội đi được vài đoạn đường. Nghe mẹ kể rằng ba tôi dung khăn long cột tôi vào người như cách gùi con của người Thượng để di chuyển cho nhanh, lúc mệt thì chuyển sang cho mẹ đỡ. Nhiều lúc mệt quá và đường dễ đi thì ba mẹ cho tôi xuống đi bộ theo. Đi mệt và đau chân quá, nghe mẹ nói tôi tìm cách bỏ dép để kiếm cớ cho ba mẹ phải bồng đi. Sau này mẹ hay nói đùa làlúc đó con còn nhỏ mà đã biết khôn ngoan, láu cá rồi. Chắc đó chỉ là bản năng tự bảo vệ của một đứa trẻ chưa đầy ba tuổi đã phải trải qua hành trình di tản kinh hoàng đó mà thôi. Ròng rã gần một tháng trời ba mẹ và tôi mới đến được Nha Trang thì Nha Trang cũng đã mất (Ngày 02 tháng 04). Chợ Đầm đã bị quân lính đốt cháy trong cơn tức giận và hoảng loạn khi nghĩ rằng mình ở lại tử thủ nhưng lại bị cấp trên bỏ rơi.Lúc đó do mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt, không biết rằng Đà Lạt cũng đã bị mất (Ngày 03 tháng 04) nên ba mẹ lại cõng tôi chạy về Đà lạt có nhà ông bà Ngoại hy vọng gặp lại gia đình và đứa em gái tôi còn đang ở đó.

Đến nơi thì Đà Lạt đã mất từ nhiều ngày trước, nhà ông Ngoại gần dinh Tỉnh trưởng chỉ còn một ông Chú bà con (không theonghiệp nhà binh) ở lại giữ nhà còn ông Ngoại đã đưa cả gia đình về Sài Gòn trước ngày bị chiếm. Lúc đó tình hình giao tranh ở khu vực đèo Bảo Lộc, qua các thị trấn Phương Lâm, Định Quán vẫn đang căng thẳng lắm, không có xe chạy do chiến sự còn ác liệt. Trong khi đó Nha Trang bị chiếm rồi nên có xe đò hoạt động tuyến Đà Lạt - Nha Trang, ba mẹ lại cõng tôi nhảy xe đò về Nha Trang nhưng tiền chỉ đủ đi một đoạn rồi lại cuốc bộ và xin quá giang nhưng lúc này quá giang là không dễ.Từ Nha Trang cả nhà lại bồng bế nhau tìm đường về Sài Gòn khi trong túi không còn gì đáng giá cả. Trải qua bao khó khăn, cực khổ tưởng chừng không thể vượt qua, ba mẹ cũng đưa tôi về được nhà ông bà Nội ở Sài Gòn vào sáng ngày 01 tháng 05, khi Sài Gòn đã mất và mọi người trong nhà tưởng rằng ba mẹ và tôi đã không thể thoát được để trở về.

Sau này mới biết, nhóm biệt kích dù ở lại doanh trại tử thủ chỉ ở thêm một ngày nữa. Lúc đó VC đã chiếm hầu hết Buôn Ma Thuột, xe thiết giáp và súng phòng không của họ đã kéo vào đầy trong đồn điền Tây và các khu vực xung quanh. Nhưng lạ là quân VC chỉ bắn tỉa và thỉnh thoảng dội pháo từ xa vào phạm vi chiến đoàn chứ không tấn công thẳng vào hoặc bao vây cô lập. Sau khi nhận được lệnh cho rút từ Bộ Chỉ Huy, lợi dụng đêm tối, Thiếu Tá chiến đoàn phó đã chỉ huy đơn vị rút vào rừng và từ đó băng rừng về Nha Trang. Gần như không có một sự đụng độ đáng kể nào nào xảy ra trên đường rút quân. Sau này qua Mỹ gặp lại một số bạn bè và các anh em trong đơn vị họ suy luận rằng có lẽ VC cố tình chừa đường cho đơn vị ba tôi thoát. Họ muốn bảo toàn lực lượng để chuẩn bị sẵn sang cho chiến dịch mới.

*

Đèn trên khoang máy bay vừa được bật sáng cắt ngang dòng hồi ức về hành trình di tản mà của ba mẹ vàtôi trong cuộc “triệt thoái cao nguyên” mùa xuân năm 1975.Có lẽ đã đến giờ ăn chiều mà cũng coi như là ăn tối vì ngoài trời đã tối om như mực. Suất ăn trên máy bay của Cathay Pacific khá phù hợp với khẩu vị người Việt. Nhấm nháp ly rượu vang đỏ Mormoreto cùng cơm thịt bò và súp lơ xanh kèm salad bắp non khá là ngon miệng. Tôi có thói quen dùng rượu vang đỏ trong các bữa ăn trên máy bay vì uống Beer sẽ dễ làm phiền các hành khách bên cạnh hơn.

Theo route map, máy bay đang ở đâu đó trên khu vực bán đảo Kamchatka của Nga chuẩn bị bay vào vùng biển Okhotsk. Biển Otkhostlà vùng biển phía Tây Bắc Thái Bình Dương, nằm giữa bán đảo Kamchatka, quần đảo Kuril, đảo Sakhalin (thuộc Nga) và đảo Hokkaido (thuộc Nhật). Từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến nay, biển Okhotsk là căn cứ của các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Trên vùng biển này, ngày 01 tháng 09 năm 1983, một máy bay đánh chặn Su-15 của không quân Liên Xô đã bắn hạ chiếc máy bay dân dụng Boeing 747-230B của Korean Airlines bay lạc vào không phận của nước này. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn tổng cộng 269 người đã tử nạn, trong đó có Lawrence McDonald một Hạ nghị sĩ Mỹ. Lý do của phía Nga đưa ra là nghi chiếc máy bay này đang thi hành một nhiệm vụ gián điệp (?). Lại nhớ về vụ MH-17 của Malaysia Airlines vừa bị bắn hạ bởi tên lửa Buk vào năm ngoái (tháng 09 năm 2016)làm 298 người chết trên không phận Ukraina, khu vực chiến sự đang do phiến quân thân Nga kiểm soát. Dù đã có những kết quả điều tra độc lập của các tổ chức uy tín về nguyên nhân tại nạn nhưng các bên liên quan không ai chịu nhận trách nhiệm của mình. Dù bất cứ vì lý do nào đi nữa, do thủ đoạn đê hèn đổ tội cho nhau nhằm có lợi cho mình trong cuộc chiến hay chỉ là những nhầm lẫn không cố ý thì những tai nạn như vậy là không thể chấp nhận được. Những nạn nhân vô tội, không liên quan gì đến các xung đột đang diễn ra lại phải chết và thủ phạm có thể không bao giờ bị trừng phạt trừ tòa án lương tâm của họ sẽ phán xét những tội lỗi đã gây ra.Những nạn nhân các vụ bắn máy bay thương mại kể trên, hay nói rộng hơn là sự sụp đổ của cả một chế độ (như VNVH và nhiều bài học khác sau này) cho thấy đôi khi các nạn nhân vô tội và các nước nhỏ chỉ là những quân tốt thí trong cuộc chơi của các nước lớn mà thôi.

Máy bay đi vào vùng không khí không ổn định nên rung lắc một lúc lâu khiến nhiều hành khách lục đục tỉnh giấc. Đang ngồi trên máy bay xuyên lục địa mà nghĩ về những tai nạn máy bay quả thật là không nên. Hơn 40 năm đã trôi qua, dài gấp đôi thời gian xảy ra cuộc chiến tranh Việt Nam (1955-1975) nhưng những tiếc nuối về một thời oanh liệt vẫn còn đeo đẳng mãi trong các thế hệ sinh ra và lớn lên ở miền Nam, đặc biệt là trong các gia đình có liên quan đến chế độ VNCH.Nỗi niềm tiếc nuối không chỉ là cuộc sống tự do, đầy đủ và hạnh phúc mà còn tiếc nuối về một chế độ tuy còn non trẻ (và phải căng sức cho cuộc chiến) nhưng đã có được nhiều thành tựu về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, văn hóa mà nhiều khía cạnh ngày nay còn phải học hỏi nhiều.Những câu hát trong bài “Sài Gòn ơi vĩnh biệt” của nhạc sỹ Nam Lộc cứ văng vẳng trong tôi, nhắc nhớ về một thời xưa cũ tưởng đã quá xa xôi:

Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời


Dù VNCH chỉ tồn tại được hai mươi năm nhưng nó là cả một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của thế hệ như Ba và Bác tôi, là giai đoạn nhiều thành công trong cuộc đời binh nghiệp của thế hệ như ông Ngoại tôi, kéo theo là cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của các gia đình nói riêng và xã hội miền Nam nói chung (dù không tránh khỏi những mất mát trong chiến tranh). Câu chuyện về “Bại thành, Được mất” vẫn mãi là một đề tài đầy nuối tiếc và ám ảnh đối với những người đã phải trải qua những giai đoạn đau thương mất mát đó mà không dễ gì gột rửa được.

Lúc còn nhỏ ba ở trong tù, mẹ hay cho chúng tôi xem cuốn album cũ có hình ba chụp ngày ra trường Võ Bị Đà Lạt với lễ phục đội mũ vải và giày da bóng loáng, hình ba mặc đồ biệt kích dù với mũ sắt giày bốt đờ sô trang bị súng ống đến tận răng, hình ba đu thang dây lên trực thăng và đu dây vượt suối... Đặc biệt là chiếc huy hiệu trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam màu đỏ mang dòng chữ vàng “Tự thắng để chỉ huy” trích từ một câu nổi tiếng của Đức Phật Thích Ca “Chiến thắng muôn quân không bằng tự thắng mình, Tự thắng mình mới là chiến thắng oanh liệt nhất”.Lời Phật dạy in trên huy hiệu gắn ở mũ thật ý nghĩa và luôn đúng trong cả thời chiến lẫn thời bình. Sau khi buông súng sau các trận chiến cuối cùng của cuộc chiến, sỹ quan và binh sĩ VNCH phải đối diện với cuộc sống tù đày gian khổ không biết đến ngày về. Để vượt qua, họ cũng phải đấu tranh với bản thân tự vượt qua chính mình để có thể sống đợi ngày đoàn tụ với vợ con và gia đình. Ở nhà, vợ con họ cũng phải nỗ lực hết sức chiến thắng sự yếu đối của bản thân, các cám dỗ xã hội, vượt lên các khó khăn của số phận để nuôi nấng các con nên người. Khi ra tù đối diện với nổi lo cơm áo gạo tiền, không có cơ hội việc làm, bị phân biệt đối xử, sự bất mãn và bệnh tật từ trong tù lại là những đối thủ không dễ vượt qua. Một số may mắn vượt biển thành công hay sau này đi theo các diện HO thì phải bươn chải nơi xứ người để có được những thành công như ngày hôm nay.

Nhìn lại bây giờ, thế hệ của ông Ngoại tôi đã ra đi gần hết. Thế hệ của Bác tôi và Ba tôi rải rác cũng đã có người ra đi. Ba nói mỗi đợt họp khóa lại vắng đi một vài khuôn mặt. Ai rồi cũng phải trải qua trận chiến cuối cùng của cuộc đời mình, thắng thua được mất đã trải qua trong đời cũng chỉ còn là dĩ vãng.Thầm cầu mong cho các Bác các Chú, các Dì các Mẹ thế hệ Ba tôi dù ở Việt Nam, ở Mỹ hay các nước khác đều được sống lâu, sống khỏe và vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu trong những năm tháng tuổi già để bù đắp được phần nào những mất mát to lớn đã phải trải qua. Thôi thì hãy coi những gì đã qua như một cơn trường mộng, hay như một ván cờ tàn đã hết nước đi, để lòng thanh thản như một câu thơ hào sảng của Phạm Thiên Thư vừa chợt nhớ ra.

Được thua một trận cười khàn
Ván cờ xí xóa theo làn bụi bay

*

Ánh trăng bên ngoài cửa sổ máy bay đầy huyền hoặc.Ở độ cao hơn 10 km so với mặt đất, mặt trăng nhìn có vẻ to và sáng hơn so với dưới đất. Nhìn trăng, bỗng nhớ đến bộ phim Ngày Tận Thế (Armageddon, 1998) do Bruce Willis và BenAffleck thủ các vai chính kể về một toán thợ khoan chuyên nghiệp được NASA tuyển chọn và đưa lên một tiểu hành tinh sắp đâm vào trái đất. Nhiệm vụ của toán phi hành gia bất đắc dĩ là khoan 2 lỗ sâu 300m để nhét 2 quả bom nguyên tử vào nhằm tách tiểu hành tinh này thành 2 phần bay lệch theo 2 hướng khác nhauđể cứu trái đất. Trưởng toán (Bruce vai Harry) đã ở lại để kích nổ và hy sinh thay cho một thành viên trẻ (Ben vai A.J). Đọng lại cuối phim là nụ hôn hạnh phúc của A.J và Grace (con gái của Harry) ở căn cứ, thấp thoáng là slogan trong huy hiệu NASA trên ngực áo phi hành đoàn:Freedom for all Mankind (Tự do cho toàn nhân loại). Không hiểu sao khi coi đến khúc đó nước mắt tôi lại ứa ra. Sự hy sinh của thế hệ đi trước để các thế hệ đi sau được sống tự do, hạnh phúc ấm noluôn đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Sự tự do có một thời là một thứ xa xỉ mà cha ông ta đã bị cướp mất trong cả một quãng đời tươi trẻ của mình. Mong rằng thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ 7X, 8X ở miền Nam trước đây hãy luôn sống xứng đáng với những gì cha ông ta đã hy sinh, chịu đựng để vun đắp cho cuộc sống của chúng ta có được như ngày hôm nay. Dẫu đường ta đi mặt trời xưa đã ngã. (*)

Tháng 06/2017

Nguyễn Anh Nguyên

(*) Trích một câu thơ trong bài thơ Ba viết tặng Mẹ trong tù.

Ý kiến bạn đọc
06/07/201701:19:06
Khách
Xin đừng bắt bẻ chữ nghĩa và con số của tác giả trẻ tuổi này. Đây không phải luận án ra trường hoặc dành giựt bảng Vàng. Độ lượng một chút, ta sẽ thấy cái tâm sáng và văn phong rất gọn gàng của Nguyễn Anh Nguyên...
Chúc mừng em. Hậu Duệ VNCH con cháu Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Đào Duy Từ, Nguyễn Trãi, Phan Châu Trinh...bất diệt !! Mong em sẽ tiếp tục viết nhé...
03/07/201716:20:00
Khách
Xin cám ơn chú Nguyễn Sài Gòn đã chia sẻ những cảm nhận và nhận định của mình về những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến.
Trân trọng,
Anh Nguyên
02/07/201720:47:51
Khách
Tiếp theo..

".....Đó là bàn chuyện rút quân. Thật ra ý định rút quân từ Pleiku của Quân đoàn II về Duyên Hải. Sau đó tổ chức và phản công tái chiếm Ban Mê Thuột thì từ đây cho đến ngày Ngụy tui chết, cũng không thể nào hiểu được. Một ý niệm điên rồ. Một cuộc rút quân tự sát của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Vậy mà ba ông Tướng to nhất, lớn nhất, quyền hành nhất của VNCH đã không hề có ý kiến. Tệ hơn nữa là sau khi ra lệnh rút quân, Ông Tổng Thống và ba Ông Tướng trở về Sài Gòn, bỏ mặc cho Tướng Quân Khu đưa QĐII vào tử lộ. Bao nhiêu đồng bào đã bỏ xác trên Liên Tỉnh lộ 7B. Bao nhiêu chiến sĩ đã rút lui trên con đường không bao giờ tới đích. Họ đã nằm lại cùng đồng bào cùng gia đình họ trên con đường hoang phế đó. Ai là người phải chịu trách nhiệm về những nỗi đau đớn mất mát nầy. Nhất Tướng bất tài vạn cốt khô. Bốn Ông Tướng bất tài thì bao nhiêu vạn cốt khô?

Nhớ đến là lòng thêm bi phẩn ngậm ngùi. Mỗi khi nhìn những tấm hình trên Liên Tỉnh lộ 7B nước mắt lại tuôn rơi. Khi có internet và chiến hữu các cấp qua Mỹ diện HO, Ngụy tui như mê đắm với dòng chiến sử oai hùng của QLVNCH mà từng chiến sĩ đã hiển hiện sự anh dũng hào hùng, sự hy sinh vô bờ bến trong các trận đánh và đã rất can trường KHI chiến bại. Mốt số đã tự sát để khỏi sa vào tay giặc. ... Ngưng trích

**** Về Danh xưng QLVNCH: *****

Quân Đội VN được thành lập năm 1950 dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại với danh xưng Quân Đội Quốc Gia VN
Năm 1955 TT Ngô Đình Diệm đổi tên Quân Đội VNCH
Năm 1965 Quốc Trưởng kiêm Thủ Tướng Nguyễn Khánh đổi tên Quân Lực VNCH danh xưng nầy tồn tại cho đến bây giờ
02/07/201720:43:06
Khách
Gửi tác giả Anh Nguyên phần nhận định của tui trích trong : " Hạ Lào Lộc Ninh : Nỗi Đau Còn Dài" Nguyễn Saigon 2007

"...Đọc Phạm Huấn "Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên " 1987 và có nhiều thắc mắc như Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh (LĐ2KB) tan hàng tại Phú Bổn vì pháo của VC. Làm thế nào mà cả một Lữ Đoàn KB tan hàng trong nháy mắt. Tác giả đã không cho biết. Mãi đến khi Đại Tá Nguyễn Văn Đồng Tư Lệnh LĐ2KB sau nhiều năm tù đày qua đến Mỹ thì mới biết được cuộc rút quân tồi tệ ấy được chỉ huy bởi một Ông Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn và toàn bộ Ban Tham Mưu Quân Đoàn vô trách nhiệm. Ông Tư Lệnh thì tử thủ tại Nha Trang. Ông Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn thì coi cuộc rút quân như một cuộc di hành dã trại. Năn nỉ kèo nài để Tổng Thống gắn một sao cho một Đại Tá Phạm Duy Tất , Chỉ huy trưởng BĐQ Quân Đoàn II , xuất thân từ Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) chỉ huy toàn thể quân đoàn rút quân, thì thấy rõ là cuộc rút quân sẽ thảm bại hoàn toàn khi đoàn quân còn ở tại Pleiku. Một ông Tướng LLĐB thì biết gì hợp đồng binh chủng. Làm sao chỉ huy được một đại đơn vị với nhiều quân binh chủng. Ngay cả Tướng Phú cũng chưa đủ khả năng để chỉ huy huống gì một ông Đại Tá LLĐB đã cắt nhỏ Thiết Giáp ra cho theo bộ binh . Đại Tá Nguyễn Văn Đồng Tư Lệnh LĐ2KB không có lấy một chiến xa để chỉ huy . Chúng ta thấy rõ sự vô trách nhiệm của ông Đại Tướng xếp xòng Bộ TTM. Ông ta ở tại Saigon nghe báo cáo và giữ bí mật cuộc rút quân . Trong sách Triệt Thoái Cao Nguyên tác giả đã không cho chúng ta thấy rõ trách nhiệm và những lý do thất bại của cuộc rút quân bi thảm nầy. Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 QĐ và Thiếu Tá Phạm Huấn cũng vì tình thầy trò mà đã không trung thực trong những bài viết về cuộc rút quân trên Tỉnh lộ 7B và trận BMT. Một cuộc rút quân hoàn toàn phá sản. Không di tản gia đình binh sĩ trước. Người Lính không thể vừa cõng mẹ dẫn cha, vừa ôm vợ địu con mà chiến đấu được. Lựa một con đường tử thần Liên tỉnh lộ 7B hoang phế. Không có cầu bắt qua Sông Ba. Không lực lượng trì hoản để cản hậu. Không có lực lượng tiếp trợ từ Duyên Hải. Để cho mỗi ông Đại Tá LLĐB chỉ huy thì xương trắng liên tỉnh lộ 7B là điều chắc chắn.

Muốn giảm thiểu sự thất bại phải cho Sư đoàn 6 và Sư đoàn 2 Không quân và xin Bộ Tổng Tham Mưu cung cấp phi cơ vận tải C 130 tối đa lập cầu không vận để di tản gia đình binh sĩ trước. Lập ngay Lực lượng xung kích Quân đoàn II gồm có Lữ đoàn 2 Kỵ binh và 5 Liên Đoàn BĐQ giao cho Đại Tá Nguyễn Văn Đồng Tư lệnh LĐ2KB chỉ huy. Bởi vì với Bộ Tham Mưu của LĐ2KB có thể điều động và chỉ huy một đơn vị cỡ 9 Chiến đoàn. Đại Tá Nguyễn Văn Đồng là một Sĩ Quan KB quả cảm, từng xông pha trận mạc khắp 4 vùng chiến thuật cả chiến trường ngoại biên Cambodia. Đã từng được huấn luyện và đã chỉ huy nhuần nhuyển hợp đồng binh chủng. Con đường rút quân phải là Quốc lộ 19 xa Ban Mê Thuột, nơi có ba Sư đoàn CSBVXL và các Trung đoàn Pháo và đặc công. QL 19 rộng lớn thông suốt có Sư đoàn 22 Bộ Binh đang hoạt động. Đồng thời điều động Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh do Tướng Trần Quang Khôi chỉ huy ra Tuy Hòa làm lực lượng tiếp trợ từ Duyên Hải. Và phải Nghi Binh bằng cách phao tin LĐ3KB ra để tăng cường tái chiếm Ban Mê Thuột để cầm chân ba Sư Đoàn Cộng Quân tại Ban Mê Thuột thì lúc đó cuộc rút lui của Quân đoàn II mới có thể giảm thiểu thiệt hại. (còn tiếp)
27/06/201716:10:12
Khách
Xin cám ơn chú Tranduc Han Prudence, HuNgu, Nguyễn Thanh đã có lời khen và góp ý cho bài viết.
Chân thành cám ơn Chú Thân hữu VVNM đã động viên tác giả về bài viết và việc viết tiếp. Vì còn rất nhỏ khi 1975, lớn lên và học tập trong chế độ XHCN nên thật sự nhiều từ tác giả không phân biệt được là cũ hay mới vì đã quen nghe, quen viết, quen dùng...Thật khó để mãi giữ những gì xưa cũ (dù nó đúng) khi thế hệ cha chú VNCH ngày càng ít dần đi, con cháu, chắt thì hoặc quên dần tiếng Việt hoặc sống và học tập trong chế độ XHCN....
Trân trọng cảm ơn chú Nguyễn Sài Gòn vì những góp ý giá trị về nội dung. Bài này tác giả viết nhân ngày Father's day, nội dung góp nhặt từ những lần nghe ba, mẹ kể lại, tìm hiểu thêm trên net và thêm thắt một chút nên nội dung chắc chắn có sai sót. Nếu tác giả đưa cho ba xem chắc sẽ sửa được các lỗi sai. Tác giả sẽ kiểm tra lại và sữa lỗi trong các phiên bản sau.
Bài viết này tác giả chỉ viết tóm tắt để có độ dài phù hợp đăng trong VVNM. Nếu có thời gian, tác giả sẽ hỏi thêm chi tiết thân phụ để có câu chuyện chi tiết và xác thực hơn nữa. Chắc rằng nó phải lên đến cả trăm trang và sự bi thương, đau xót còn nhiều hơn nữa.
Trân trọng,
Anh Nguyên
27/06/201700:53:05
Khách
Tác giả đã có vài nhầm lẫn:
1- Anh Cả Đỏ không phải là đơn vị Nhảy Dù VNCH . Anh Cả Đỏ được VC dịch từ "Big Red 1 Division là SD Bộ Binh đầu tiên của Hoa Kỳ tham chiến tại VN .
2- Binh Chủng Nhảy Dù không phải là Lôi Hổ . Lôi Hổ là đơn vị thuộc Nha Kỷ Thuật , P7 BTTM . Chuyên nhảy vào lòng địch để lấy tin tức
3- Từ Ban Mê Thuộc di tản theo QL 21 qua đèo Phượng Hoàng và Khánh Dương sẽ về tới Nha Trang
4- Từ Pleiku theo Liên Tỉnh Lộ 7B qua Phú Bổn sẽ về đến Tuy Hòa, Phú Yên
5- Thiếu Úy B di tản trên QL 21 gặp Quân Dù và về Nha Trang : Khó xãy ra . VC tapi BMT ngày 10/3/1975 . Ngoại trừ Trung Đoàn 53 BB / SD23BB còn chiến đấu tại phi trường Phụng Dực . Toàn thể BMT đã thất thủ . Ngay lập tức QDII đã điều động Trung Đoàn 45BB và 1 Tiểu Đoàn thuộc Trung Đoàn 44 đến Phước An . Lập tức SD10 của VC tấn công các đơn vị trên . Các đơn vị trên tan hàng ngay tức khắc . Thiếu úy B sẽ ỏ giữa chiến trường và có thể sẽ gỉả từ vủ khí tại đây
Ngày 20 tháng 3 / 1975 Lữ Doàn 2ND gồm TD2, TD5, TD6 Nhảy Dù đến Khánh Dương (tức Đèo M'Drack) Ngày 23/3 đã bị VC pháo và tấn công đến ngày 31/3/75 TD2, TD 6 ND tan hàng còn TD 5 ND rút quân với nhiều thiệt hại . Như vậy Thiếu úy B có được khoảng 10 ngày để đến Khánh Dương . Trể hơn, Thiếu úy B và gia đình có lẻ nằm đâu đó tại Khánh Dương
Tác giả cho rằng gia đình tác giả di tản trên Liên Tỉnh Lộ 7B cũng rất khó tin vì từ BMT đến LTL 7B phải đi qua QL 14 . QL 14 đã bị VC chặn tại Thuần Mẫn . Còn nếu đi đường rừng thì có lẻ là đường đi không đến
Những lầm lẫn trên nếu tác giả chịu khó nghiên cứu và tìm hiễu trên NET sẽ biết được dễ dàng . Cá nhân tui không tham chiến nhưng tui đã hiễu rất tường tận .
Giả sử gia đình tác giả di tản trên LTL 7B , gia đình tác giả rất may mắn . Nếu tác giả tìm đọc truyện ngắn " Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân" tác giả Phạm Tín An Ninh đây là câu chuyện có thật viết theo lời kể của Quả phụ Biệt Động Quân . Anh Nguyên , 3 tuổi từ BMT di tản cùng gia đình trên LTL7B, cha là Sĩ Quan Lôi Hổ , thành thạo và chuyện nghiệp tác chiến đơn độc trong rừng . Cao Nguyên , 4 tuổi , cùng gia đình từ Pleiku di tản trên LTL 7B , Cha là Sĩ Quan BĐQ chuyên tác chiến trong Rừng -Núi- Sình Lầy . Kết cuộc câu chuyện rất bi hùng . Cha Cao Nguyên địu CN và điều động các chiến sĩ BĐQ phá chốt mở một đường máu tiến về Tuy Hòa . Đến Cũng Sơn lạc mẹ Cao Nguyên và cha Cao Nguyên bị thương nặng gục chết tại một buôn Thượng . Mẹ Cao Nguyên về được Tuy Hòa và tìm đường về lại Nha Trang . Sau đó trở lại con đường đẩm máu 7B để tìm cha con Cao Nguyên . Nhưng không gặp . Sau đó đứt phim , vượt biên định cư tại Na uy . Sau nầy trở về VN, trở lại con đường 7B tìm tông tích cha con Cao Nguyên . Bằng sự may mắn , tình cờ gặp lại người con năm xưa bây giờ là một chàng trai Thượng 100% nhờ những dấu tích đặc biệt nhưng không nói được Tiếng Việt . Tìm được ngôi mộ của chồng dự định cải táng . Nhưng người con trai Thượng lúc nầy đã có vợ và hai con muốn ở lại buôn Thượng . Bà đành trùng tu ngôi mộ Chồng và trở về Na uy với một nổi buồn man mác . Nếu chưa đọc , hãy tìm đọc "Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân để cảm nhận được một chuyện tình thời chinh chiến của những người trai thế hệ đã hy sinh mọi thứ chỉ để Bảo Quốc An Dân
24/06/201705:58:16
Khách
Hy vọng thế hệ con cháu VNCH nối tiếp thế hế trước qua những bài viết về quá khứ và tương lai như tác giả đang làm.
Vì sống trong nước nên ít nhiều bị ảnh hưởng chữ của VC, nên tác giả dùng vài chữ như : sân bay, suất ăn, diện HO, (phi trường, bữa ăn, tiêu chuẩn hoặc chương trình HO) khiến độc giả mất hứng; dù bài viết hay, lôi cuốn.
Trước khi gửi bài tác giả nên sửa lại mấy chữ đó như một khẳng định, dù bị sống trong chế độ CS mình vẫn phân biệt được sự ngu dốt của họ.
Mong được đọc bài mới của tác giả..
23/06/201723:35:54
Khách
" Hơn 40 năm đã trôi qua, dài gấp đôi thời gian xảy ra cuộc chiến tranh Việt Nam (1955-1975) nhưng những tiếc nuối về một thời oanh liệt vẫn còn đeo đẳng mãi..."- Nguyễn Anh Nguyên .

Càng thắng nhiều, thắng to trong quá khứ, thì khi thua, nỗi đau càng lớn, nỗi hận càng lâu. Nhất là thua về tay lũ quân xâm lược bán nước, tay sai cho ngoại bang. Và thua vì bị đồng minh trở mặt, Nixon- Kissinger của đảng Cộng Hòa thỏa hiệp với Mao trạch Đông của Tàu cộng phủi tay khỏi Việt nam và phe đa số trong Quốc Hội thuộc đảng Dân Chủ cắt quân viện cho miền Nam- từ 2 tỷ đô cho năm 73 chỉ còn 700 triệu đô cho năm 75. Trong số 700 triệu đồng này thì 300 triệu đã dùng để trả lương cho nhân viên cơ quan tùy viên quân sự DAO của Hoa kỳ. Chưa kể rằng năm 75, có cuộc khủng hoảng dầu hỏa làm giá săng, nhớt tăng gấp 4 lần, khiến giá trị của 700 triệu đồng co rút chỉ còn 350 triệu.

Đánh nhau mà không có đủ súng ống, đạn dược thì quân đội nào trên thế giới lại không thua ?!
23/06/201719:15:26
Khách
moa voi toa mat nuoc la phai,,,,,,
23/06/201716:19:05
Khách
Tuyệt vời. Đọc mà ngậm ngùi cho những thế hệ cha anh và một Saigon, một miền Nam ngày nào. Cảm ơn tác giả.
HN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,720