Hôm nay,  

Lão Cung và Người Vợ Mới

20/06/201700:00:00(Xem: 16825)

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 5149-18-30749-vb3062017

Tác giả từng nhận các giải bán kết từ năm đầu tiên 2001, và từ 8 năm qua, là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975, ông là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O.

* * *

Lão Cung năm nay 68 tuổi, thừa điều kiện để thuê một căn nhà dành cho người cao niên. Tôi giới thiệu lão đến một nơi có cái tên hơi dài, Bunker Hill Plaza Senior Apartment, làm lão nhăn mặt, phải lấy giấy bút ra ghi một lúc lâu. Tòa nhà này gần phố Tàu, nghĩa là gần Trung tâm Thành phố Los Angeles, rất tiện cho người mới đến Mỹ như đáp xe buýt, đi chợ Việt Nam, học tiếng Anh.

Hai ngày sau lão đến gặp tôi, mặt nhăn thêm:

- Họ nói tôi đủ điều kiện…già, còn vợ tôi thì không.

- Ai nói, Manager hả? Tôi hỏi.

- Không, mấy anh Tàu. Họ cũng đến thuê như tôi.

- Tàu nói tiếng Việt?

- Phải, họ ở Việt Nam mới qua.

- Một là họ không biết, hai là họ muốn giành chỗ. Người thuê chính trên 62 là được, còn vợ thì miễn là đừng… vị thành niên.

Nghe nói, lão cám ơn rối rít rồi ra về.

Đáng lẽ lão Cung đã qua Mỹ theo diện HO (Humanitarian Operation) từ lâu nhưng phải đợi làm thủ tục giấy tờ cho bà vợ mới, mà giấy tờ lão nhờ làm không phải thứ thiệt nên khi phỏng vấn lão bị nghi ngờ, bị từ chối. Mãi cho đến nay, hơn 25 năm sau, lão mới được qua Mỹ do người em bảo lãnh.

Lão đã có vợ trước rồi, nhưng bà ấy đem đứa con gái đi vượt biên và không chịu bảo lãnh lão. Đứa con gái thương cha, muốn bảo lãnh nhưng mẹ nó không cho. Lão không hiểu lão đã làm gì mà bà ta thù ghét lão như vậy. Chính bà ta mới là người có lỗi trong đời sống vợ chồng, chớ không phải lão. Mỗi lần giận nhau là bà…đăng báo tìm bạn bốn phương. Lão còn nhớ một đoạn vợ lão đăng trong báo Trắng Đen: “…không có hạnh phúc gia đình, đã ly dị, thích màu tím, thích nhạc Trịnh. Xấu đẹp tùy người đối diện…”. Tình cờ thấy mảnh giấy báo đăng những lời tìm bạn này được bà cắt xén để trong ngăn kéo, lão tức giận nhưng rồi bỏ qua. Khi qua Mỹ vợ lão đã chụp nhiều cái mũ không có thật lên đầu lão, nghĩa là nói xấu lão đủ điều, ngay cả với đứa con gái. Lão không hề cải chính việc này, nhất là với đứa con gái. Lão nghĩ lão cần phải… hy sinh. Cứ để cho nó nghĩ mẹ nó tốt để mẹ nó dễ dạy nó.

Người vợ sau nhỏ tuổi hơn lão rất nhiều. Tôi không biết chính xác bà ấy bao nhiêu tuổi, chỉ thấy bà ấy rất trẻ và khá đẹp, trông rất hiền. Tánh tình bà, theo lão Cung nói, trái ngược với bà vợ trước, nên lão nhất quyết đem bà đi Mỹ cho bằng được. Lão nói lão gặp bà vào một buổi tối trong tiệm cà phê. Bà ngồi một mình. Không biết bà đợi ai mà cứ thấp thỏm ngó ra ngoài. Lão nhìn kỹ, thấy bà đúng là người rất “bắt mắt” lão. Kín đáo nhìn thêm, lão nhận ra bà có mái tóc không được tự nhiên. Không phải tóc giả, nhưng sao… Lão đánh bạo đến bên bà hỏi:

- Hình như…đợi ai?

Ngươi phụ nữ e lệ nói:

- Chị bạn.

Sau vài ba câu chuyện hai người quen nhau. Lão biết tại sao mái tóc của bà không được tự nhiên. Bà bị một vết chàm khá lớn bên má phải và lấy mái tóc che. Đối với lão khuyết điểm này không đáng kể khi bà đẹp và rất trẻ so với lão.

Sau đó họ cưới nhau. Lão nói sẽ đưa bà đi Mỹ:

- Anh đưa em đi Mỹ. Chắc qua Mỹ anh cũng không làm gì cho có nhiều tiền vì đã cao tuổi.

Bà chớp mắt cảm động:

- Miễn đủ ăn, đủ ở và gần nhau là được.

Ở Việt Nam hai người rất hạnh phúc, chỉ phiền một điều, khi họ đi đâu cũng có người chăm chăm nhìn mặt bà, có người còn nói nhỏ gì đó với nhau và cười. Lão đã “vô hiệu hóa” việc này bằng cách mua cho bà một cái khăn mỏng để bà trùm đầu như phụ nữ Hồi giáo. Có lần họ đến chợ Bến Thành, gặp một số phụ nữ Mã Lai du lịch Việt Nam, đến bên bà xổ một tràng tiếng gì đó. Bà lắc đầu làm họ ngạc nhiên.

Ở Mỹ cũng có người để ý đến vết chàm của bà nhưng chỉ nhìn thoáng qua, tuy vậy lão cũng đem bà đến một mỹ viện. Thật ra lúc đầu lão không có ý định này, vì lão nghĩ có thể chính nhờ vết chàm mà lão mới lấy được bà. Vết chàm mất đi liệu bà có mất theo nó không. Nghĩ vậy nhưng rồi vết chàm mất đi gần 2 năm mà bà vẫn còn.

Theo yêu cầu của bà, lão xin cho bà làm “chạy bàn” tức bồi bàn theo cách gọi trước đây tại một tiệm ăn Việt gốc Tàu. Công việc này đòi hỏi phải nhanh nhẹn nhưng bà lại là người chậm chạp. Nhân viên trong tiệm gọi đùa bà là bà Trì để chê bà chậm. Càng bị chê bà càng chậm. Vậy mà bà vẫn được chủ tiệm cho làm đến nay đã gần hai năm.

Sau hai tuần nộp đơn tại Bunker Hill Plaza Senior Apartment lão Cung được chấp thuận. Lão mừng quá, báo cho chủ nhà mà lão đang thuê biết sẽ trả nhà trong vòng 30 ngày nữa, vào đầu tháng 11. Vì được HACLA (Housing Authority of the City of Los Angeles) trợ cấp tiền nhà nên lão cũng thông báo cho cơ quan này như trên và làm đơn xin được thuê nhà khác. Lão không ngờ phải mất thời gian ít nhất 1 tháng từ khi nộp đơn mới có giấy chấp thuận, trong khi đó HACLA đã ngưng trả số tiền trợ cấp vào đầu tháng 11, nên lão phải dàn xếp với chủ nhà để thuê tiếp với giá không có trợ cấp.

Nếu anh chủ nhà tử tế hay ít ra sòng phẳng thì lão cũng chẳng dọn qua nhà khác làm gì, mất công và phiền phức như phải thông báo địa chỉ mới cho Bưu điện, Sở An sinh Xã hội… Có lẽ anh chủ nhà nghỉ lão được chính phủ Mỹ ưu ái quá nên nóng mặt, tìm mọi cách moi thêm tiền của lão. Sửa sang cái gì trong nhà anh ta cũng bắt lão chịu một nửa, lại tăng “ngầm” tiền nhà, nghĩa là hằng tháng bắt lão phải trả thêm tiền mặt không biên lai. Số tiền này không phải cố định mà lớn dần.

Một hôm lão Cung đến gặp tôi, mặt nhăn như khỉ ăn ớt:

- Sao lâu quá họ không cấp giấy chấp thuận, hơn 1 tháng rồi. Tôi chỉ còn nộp giấy cho chủ nhà mới nữa là xong. HACLA đã đến kiểm tra chỗ ở mới, đã OK.

Tôi nói:

- Đáng lẽ anh đừng trả nhà sớm. Nên nhớ sau khi nộp giấy anh còn phải đợi HACLA mặc cả tiền nhà với chủ nhà mới nữa.

- Trời đất! Vậy nữa sao!

Một ngày nọ tôi đang ngồi nhà uống cà phê thì Lão Cung đến, tay cầm một tờ giấy. Tôi nói:

- Có giấy tờ rồi hả? Chúc mừng!

Tôi ngạc nhiên, thấy mặt lão vẫn nhăn. Lão nói:

- Tụi tôi chỉ có quyền thuê căn hộ 1 phòng, nhưng chỗ này chỉ còn căn hộ 2 phòng.

Tôi nói:

- Anh muốn thuê căn nhà mấy phòng cũng được miễn là đừng quá số tiền HACLA đã quy định. Thí dụ nếu HACLA quy định anh chỉ thuê được căn nhà 1 phòng giá dưới 1300 đô, mà giá nhà ở Bunker Hill… 2 phòng cũng dưới giá đó thì không trở ngại gì cả. HACLA không căn cứ vào số phòng, mà căn cứ vào giá nhà.

Lão Cung về nhà và hôm sau lại đến, mặt vẫn nhăn:

- Hai phòng ở đó giá 1400 đô.

Tôi suy nghĩ nột lát rồi nói:

- Việc này có thể giải quyết.

- Sao?

- Anh điều đình với Manager, nói sẽ bù thêm mỗi tháng 100$.

- Hợp pháp không?

- Nguyên tắc thì không, nhưng hình như HACLA...giả lơ.

- Bây giờ kẹt quá tôi phải làm như anh nói. Đến khi có căn hộ 1 phòng tôi sẽ dọn đến. À, tôi cho thuê 1 phòng để đở bớt tiền nhà được không?.

- Không nên đâu. Việc này chắc chắn HACLA không giả lơ.

Mọi việc về nhà cửa của lão Cung đã xong xuôi. Lần đầu tiên tôi thấy lão đến nhà tôi với cái mặt không nhăn. Lão nói:

- Vừa rồi xuống văn phòng HACLA thiệt là vui. Nhân viên ai cũng cười, niềm nở, nhã nhặn…

Tôi cười nói:

- Bây giờ ở đâu cũng có gắn camera.

- Tôi không hiểu anh muốn nói chi.

- Hồi mới qua Mỹ, Florida, khi đến xin trợ cấp xã hội, tôi rất ngạc nhiên thấy cô worker đứng ngoài cửa, có vẻ như… cung kính mời chúng tôi vào phòng. Tôi nghĩ có lẽ các worker ở HACLA đã có chỉ thị phải lịch sự với người đến xin thụ hưởng. Camera là để dò xem các worker có… cười không.

Bẵng đi một dạo tôi không gặp lão Cung. Tôi gọi điện thoại cũng chẳng thấy lão trả lời. Tôi đến Bunker Hill Plaza Senior Apartment hỏi thì được biết lão Cung đã dọn xuống apartment 1 phòng. Tôi đến chỗ ở mới của lão. Người hàng xóm ra nói lão vừa đi vắng.

Mấy ngày sau lão Cung đến tìm tôi. Tôi chưa bao giờ thấy mặt lão nhăn như lần này. Lão vào nhà, ngồi phịch xuống sô-pha. Tôi nói:

- Đúng ước nguyện rồi nhé! Chắc chỉ trả vài ba trăm 1 tháng. Tiền già làm chi cho hết.

- Phải! Lại ở một mình rộng thênh thang.

- Sao?

- Bà ấy đi rồi! Ly dị. Bà ấy lấy cớ đủ chuyện: Tôi không chịu đi làm để mua nhà như người ta, chỉ lo hưởng trợ cấp. Ở chỗ chi mà đâu đâu cũng thấy người đi xe lăn, người chống gậy, nghe xe cứu thương hú điếc óc. Người gì mà lúc nào cũng nhăn nhó.

- Người nào? Bà ấy ám chỉ anh hả?

- Chớ ai nữa! Tui bực quá nói “Li dị đi”. Bà ấy nghe lời tôi liền. Chưa bao giờ bà ấy nhanh như vậy.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
22/06/201718:21:02
Khách
Tôi thì bênh ông Cung. Ông ta nhăn là vì cái tật của ông ta, chớ không phải ông ta khó tánh. Ông đã hết lòng lo cho vợ, đã nói trước khi qua Mỹ là ông nghèo và già. Bà vợ cũng đã nói không yêu cầu gì nhiều. Thế mà khi qua Mỹ rồi bà ta lấy cớ này cớ nọ. Chắc bà ta bị thằng chủ tiệm ăn dụ rồi. Chuyện hay nên đọc
22/06/201710:32:26
Khách
Bài viết mạch lạc, tình tiết bất ngờ. Truyện tình già kết thúc trong chia tay nhưng không ai oán trách than. Tác giả khéo léo trong vai người kể chuyện, trung lập không định kiến, dành quyền cho người đọc ‘chia phe’ theo ông hay bà mà phán ‘phải trái’. Ông Cung trong câu truyện được minh họa là ông già với tính tình nhăn nhó từ tập đầu đến hết chuyện. Tôi về phe nữ độc giả cho lành, nên bênh vực bà nhỏ đã theo bước bà lớn qua đò rút ván vì ai mà chịu nổi ông già nhăn nhó mãn tính này. Cửa này đóng thì có cánh khác mở. Mong ông Cung trong phim mới nên vào vai hài. Ăn nói cởi mở lạc quan nụ cười luôn trên miệng, chắc chắn sẽ làm vui lòng bà ba nào đó, cho ván mới đóng chặt vào thuyền. Đàn bà già trẻ gì cũng yêu bằng tai. Mà có thêm bông hạt xoàn vào đôi tai đó, bảo đảm cái kết tình ông sẽ rất ngọt ngào có hậu.
Mong các bài mới của tác giả. Trân trọng.
22/06/201703:46:34
Khách
Tôi có ông bà con trường hợp y hệt ông Cung. Về Việt Nam đem vợ trẻ qua, xin thuê nhà rẻ tiền, xin trợ cấp, xin cho vợ đi làm... Ông tưởng vậy là vợ an phận, không ngờ bà đó muốn bay nhay cao hơn, với ngay cha chủ của bà. Chuyện này chẳng lạ gì. Đọc thấy tội cho đàn ông. Hay!
22/06/201703:07:21
Khách
Chỗ này có một building nhưng không phải tên như trong truyện. Phải chi cho địa chỉ chính xác để tới apply cho bà thiếm. Truyện có hơi tóm tắt. Dù sao đọc truyện cũng đã. Lời văn mượt mà, vui, kết luận bất ngờ.
21/06/201720:19:39
Khách
-Có ghi trong văn bản của HACLA: “You have a 2-Bedroom Voucher.You have selected a 3-Bedroom unit. The 2-Bedroom Voucher Payment Standard (VPS) will be used to calculate your tenant portion of the rent. Nguồn: http://www.hacla.org/abouts8
Tạm dịch:
Bạn có Chứng từ -Voucher- cấp cho thuê đơn vị nhà ở 2 phòng ngủ. Nhưng bạn vừa chọn được một đơn vị nhà ở 3 phòng ngủ. Tiêu chuẩn thanh toán căn hộ 2 phòng ngủ sẽ được sử dụng để tính toán phần tiền thuê nhà của bạn.
-Việc “bù thêm” thì các công ty cho thuê nhà ở lớn ở ít khi làm, nhưng những chủ cho thuê lẻ tẻ có thể làm. Thí dụ mình chỉ được thuê 1 căn nhà không quá 1300 đồng nhưng thấy căn nhà vừa ý giá 1400 đồng thì có thể nói chủ ghi biên lai 1300$ còn hằng tháng bù thêm cho chủ 100 $.
21/06/201717:06:41
Khách
Nếu những information về xin thuê nhà mà đúng thì bài viết này rất có ích vì nó không được ghi rõ ràng trong những văn bản của chương trình gia cư là "Housing section 8". Nếu tác giả ghi chú thêm ... thì hay quá. Tôi thấy chỉ có khuyết điểm đó th đó thôi.Ngoài ra bút pháp gọn, chuyện dí dỏm, kết luận bất ngờ. Nói tóm lại, một trong những tác giả hay của Việt Báo, một tờ báo có uy tín
21/06/201713:45:07
Khách
Một câu truyện "Liêu Trai Chí Dị", tân thời, được tác giả trình bầy cho phù hợp với bối cảnh của cộng đồng NVTNCS tại HK.

Cốt truyện và cách hành văn tuy không hấp dẫn và lôi cuốn mạnh, nhưng cũng đủ để người đọc tán thưởng trí sáng tạo của tác giả cho dù không hề cảm thấy mình bị mê hoặc, ngẩn ngơ và tiếc nuối như khi đọc Pu Songling: Bồ Tùng Linh.
21/06/201705:38:12
Khách
Nạ nhẩy ?! Thế lày nà thế lào ?! Phuocs và Oanh mang hai danh tánh khác nhau mà lại có ý kiến na ná giống nhau và cùng đả kích người tên Thắng ?! Thắng là ai vậy cà ?! Chó sủa ma ?! Nộ dzồi !
21/06/201700:18:24
Khách
Đọc hết bài viết của tác giả mới đánh giá được tác giả như thế nào. Đọc ý kiến của ông Thắng mới biết kiến thức ông ta "rộng" như thế nào.
20/06/201723:16:00
Khách
Phuocs là người... óc ngắn chăng ? Mù chữ mà đọc được cả hai bài viết à ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,636,622
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến