Hôm nay,  

Thư Cho Con Gái

14/05/201700:00:00(Xem: 10267)

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung
Bài số 5117-18-30797-vb8051417

Tác giả là cư dân San Jose, đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Sinh năm 1972, cùng gia đình vượt biển khi 10 tuổi. N.T. Phương Dung tốt nghiệp Management Information System, từng có 14 năm làm việc cho CiscoSystem inc., hiện làm việc cho Yahoo! Bài mớpi của cô viết nhân Mùa Lễ Mẹ.

* * *

blank
Thảo My.

Con gái yêu của Mẹ,

Mẹ viết cho con vào những ngày Xuân nắng ấm chan hòa. Dọc theo con đường từ trường học của con về nhà, hoa anh đào đang nở rộ. Những củ tulip và iris con giúp mẹ trồng trước cửa nhà mấy mùa thu trước nay đang đâm chồi dâng hoa. Cây táo, cây mận, cây chanh... trong khu vườn nhỏ đã bắt đầu nhú lên những trái non. Cỏ cây, hoa lá đang vươn mình thức dậy sau một mùa đông dài ngủ vùi trong mưa bão.

Giữa cái không khí tràn trề sức sống của mùa Xuân, vào những sáng sớm cuối tuần khi cả nhà còn ngủ say, Mẹ chợt thấy mình ngồi thinh lặng thật lâu trên xích đu ở vườn sau, vừa ngắm nhìn cảnh vật vừa nghĩ về con, con gái yêu của Mẹ.

Thời gian trôi nhanh quá, mới ngày nào con cất tiếng khóc chào đời mà thoáng chốc đã mười tám năm. Mấy tuần nay nhìn con tíu tít bận rộn với những sinh hoạt của năm cuối trung học, lòng Mẹ dạt dào cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Con gái yêu của Mẹ không còn bé bỏng nữa. Mẹ mừng vì con sắp qua được một chặng đường, nhưng Mẹ lo vì những bước kế tiếp Mẹ không thể đi cùng con.

Sau mùa hè này con sẽ bước vào ngưỡng cửa đại học, có nghĩa là con bắt đầu sống đời tự lập xa nhà. Dù trường con chọn ở ngay trong California, nhưng đối với Mẹ xa nhà một dặm cũng đã là quá xa. Bao nhiêu năm nay, Mẹ đã quá quen tối tối đi qua đi lại, thò đầu vào phòng nhìn con học bài. Mẹ sẽ nhớ lắm khi không thể nhìn thấy và lo cho con mỗi ngày.

Có câu nói rằng: “Người ta không thật sự biết yêu cho đến khi có con.” Điều này thật đúng đối với Mẹ. Các con đã trở thành lẽ sống của Mẹ. Tất cả hạnh phúc khổ đau của đời Mẹ đều gắn liền với các con. Nhưng có lẽ vì con và “Bé Bánh” là con gái nên Mẹ để ý và lo lắng cho hai chị em nhiều hơn anh và em trai con, và chuyện con sắp lên đại học cũng ảnh hưởng tâm lý đến Mẹ nhiều hơn. Chúng ta đang sống ở một đất nước mà quyền lợi của con người được bảo vệ tối đa, nhưng Mẹ không quá ngây thơ để không nhận ra rằng: Cuộc đời vẫn còn quá nhiều bất công mà phụ nữ và trẻ em là những người bị thiệt thòi nhiều nhất. Vì vậy Mẹ luôn cảm thấy cần che chở bảo vệ con và nuôi dưỡng con thành một người mạnh mẽ, từ thể chất đến tinh thần và tình cảm.

Lúc nhỏ, con bé xíu và xinh xắn như một con búp bê. Mẹ hay mặc cho con những chiếc áo đầm màu ngọt lịm như những viên kẹo. Con có cái tên "Bé Kẹo" là vì vậy. Con nhút nhát mắc cỡ, lúc nào cũng ôm chặt chân hay rúc mặt vào cổ Mẹ mỗi khi ra ngoài. Không ai bế được con ngoài Bố Mẹ và bác T bạn thân của Bố. Mẹ lo lớn lên con sẽ cô đơn.

Ba tuổi, Mẹ cho con đi học preschool. Con đã khóc suốt ba tháng trời. Mỗi ngày đưa con đến trường là mỗi ngày tim Mẹ tan vỡ vì con khóc thút thít suốt đoạn đường từ nhà đến trường, miệng không ngừng nói: “Mẹ ơi, Mẹ đừng bỏ con.” Biết bao lần sau khi rứt tay con ra khỏi áo, Mẹ đã vội vã ra xe và ngồi khóc thật lâu. Những tấm hình cô giáo chụp con ngồi buồn so trong lớp làm Mẹ xót xa. Biết làm sao hơn vì Mẹ còn phải đi làm, và con cần đi học những gì Mẹ không thể dạy con ở nhà. Điều Mẹ có thể làm được là mỗi chiều đến đón con đều đặn và đúng giờ, để con tin tưởng rằng Mẹ luôn trở lại với con.

Năm tuổi, Mẹ đưa con đi học đàn dương cầm. Các nghiên cứu cho thấy âm nhạc giúp bộ óc trẻ em phát triển hơn về trí nhớ, tạo nên quân bình về tinh thần, và đem lại một giấc ngủ ngon. Âm nhạc cũng là niềm đam mê mà Mẹ bỏ dở dang vì nhiều lý do. Những gì Mẹ không có, những giấc mơ Mẹ không đạt được, bây giờ Mẹ dành cho con. Cô giáo âm nhạc người Nga kỷ luật bắt Mẹ ký giấy cam kết mỗi ngày phải cho con tập đàn ít nhất 30 phút, và mỗi năm tham dự biểu diễn âm nhạc vài lần.

Vậy là mỗi tối Mẹ ngồi bên con đếm từng trường canh, gõ từng nốt nhạc. Mẹ ngân nga hát theo những bản nhạc con đàn. Ngày con trình diễn, Mẹ nín thở nhìn ngón tay con run rẩy trên phím đàn. Mẹ biết con sợ nhưng Mẹ không thể lên ngồi bên con. Mẹ chỉ có thể cho con ánh mắt khuyến khích và tiếng vỗ tay thật lớn. Mẹ muốn con biết rằng cho dù con có đánh sai bao nhiêu nốt hay trật bấy nhiêu nhịp, Mẹ luôn luôn tự hào về con.

Vào mẫu giáo, con bắt đầu dạn dĩ hơn. Con khoe cô giáo thương con vì con ngoan. Khi cô dạy về một động vật hoặc thực vật nào đó, con giúp cô vẽ hình trên bảng. Các bạn khen con vẽ đẹp. Dù có thể đưa đón con ở trường mỗi ngày, Mẹ đã cho con đi xe buýt. Mẹ muốn con tập tự lập và biết tuân thủ theo quy luật của nhà trường và xã hội. Mẹ đưa đón con ở trạm xe đầu đường mỗi sáng trưa, lòng reo vui nhìn con cười chào với người tài xế. Mỗi khi Mẹ theo lớp con đi du ngoạn, con không còn bám lấy Mẹ mà chạy chơi cùng chúng bạn. Con đã hiểu con không cần nắm chặt tay Mẹ vì Mẹ vẫn luôn trông chừng không để con bị lạc mất.

Năm lớp sáu, Mẹ nhận ra những thay đổi ở tính tình và thể lý nơi con. Mẹ thương con quá vì trong mắt Mẹ con hãy còn quá nhỏ để qua giai đoạn vị thành niên. Mẹ càng lo vì thời gian này thỉnh thoảng Mẹ phải đi công tác xa. Mẹ sợ con thấy tháng lần đầu khi Mẹ vắng nhà. Hai mẹ con đi dạo tâm sự. Con nhắc là Mẹ đã ký giấy cho nhà trường dạy con về tâm sinh lý và trấn an Mẹ rằng con biết phải làm gì khi chuyện xẩy ra. Con còn cười hai mẹ con chỉ cách nhau một cú điện thoại, sao Mẹ hay lo xa quá.

blank
Mẹ và con.

Rồi con lớn dần theo thời gian và trở thành một thiếu nữ duyên dáng, yêu đời yêu người. Con sinh hoạt với những đoàn thể ở trường, nhà thờ và cộng đồng. Từ một con nhộng rụt rè trong kén, con đã biến thành một con bướm xinh đẹp đầy tự tin. Mẹ vẫn để tâm theo dõi nhưng không dám đến quá gần con. Con đang cần thời gian và không gian riêng để tự tìm chính mình. Mẹ hiểu có những lúc con không muốn bị ai làm phiền, nhất là Bố Mẹ. Mẹ tình nguyện vào những đoàn thể con sinh hoạt để có cơ hội đưa đón và gần gũi con và các bạn của con. Mẹ muốn con biết Mẹ luôn bên cạnh con khi con cần Mẹ. Mẹ nguyện làm cơn gió nâng cánh bướm con bay cao và bay xa.

Năm lớp mười, con bị bịnh phải nghỉ học mấy ngày. Con nằng nặc đòi vào nằm trên giường của Bố Mẹ dù con đã ở phòng riêng từ lúc một tuổi. Con mơ màng nhìn bức ảnh Mẹ chụp ngày cưới treo ở trên tường rồi nói: “Khi nào lấy chồng con sẽ mặc áo cưới của Mẹ.” Mẹ vuốt tóc con mà nghe lòng rưng rưng. Con 16 tuổi và chưa có bạn trai vì Mẹ dặn phải chờ xong trung học đã. Nhưng Mẹ hiểu cái ngày con biết yêu sớm muộn sẽ đến, vì đó là nhu cầu tự nhiên của con người. Mẹ chỉ mong con đợi đến khi con lớn đủ để biết con muốn gì, trông đợi gì ở người con yêu. Mẹ mong con chờ người trân quý con, người xứng đáng với tình yêu của con. Mẹ mong người đó có thể làm nổi bật lên những gì tốt đẹp nhất nơi con và làm cho con trở thành một người thiện hảo hơn. Mẹ mong người đó luôn ở bên con trong mọi hoàn cảnh, mang lại cho con nụ cười và là bờ vai cho con nương tựa khi mỏi mệt. Trên hết, Mẹ mong người đó xem con là ưu tiên hàng đầu của họ, vì con xứng đáng được đối xử như vậy.

Nhưng Mẹ biết đường đời không bằng phẳng và cuộc đời nhiều lúc không như ta ước mong. Bây giờ con đã lớn và bắt đầu sống tự lập. Thử thách khó khăn đang chờ con phía trước. Đường đời Mẹ không thể đi giùm con. Khổ đau nghiệt ngã Mẹ không thể gánh cho con. Cạm bẫy chông gai Mẹ không thể bồng bế con qua như khi còn bé thơ. Có những quyết định Mẹ chỉ có thể cố vấn nhưng không thể làm cho con, như khi con chọn trường và ngành học, như lúc con chọn người yêu... Cuộc đời và tương lai là của con, Mẹ không thể bắt con nghe theo ý Mẹ.

Mẹ chỉ biết cầu xin Ơn Trên soi sáng và che chở cho con. Và Mẹ hy vọng những hướng dẫn của Mẹ trong 18 năm qua phần nào chuẩn bị cho con vào đời. Mẹ mong con không bao giờ mất niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người. Mẹ mong con không ngừng học hỏi. Mẹ mong con luôn giữ được nụ cười trên môi, vì khi con mỉm cười với cuộc đời, cuộc đời sẽ mỉm cười lại với con. Và trên hết, Mẹ mong con ghi nhớ rằng: trong bất cứ tình huống nào, Mẹ luôn ở bên con. Mẹ sẽ vui với con khi con hạnh phúc. Mẹ sẽ khóc với con khi con đau buồn. Quan trọng hơn cả, Mẹ sẽ chạy đến nâng con đứng dậy khi con bị vấp ngã.

Vì, con là con gái yêu của Mẹ, và không có gì có thể thay đổi được điều đó!

Nguyễn Trần Phương Dung

Ý kiến bạn đọc
14/05/201715:26:30
Khách
Rời Việt nam vào năm lên 10 tuổi, thế mà tác giả viết được một bài với nội dung và lời văn Việt như thế này, thật đáng khen ngợi. Nếu không có vài chữ lẫn vô như tuân thủ, thể lý, thì tưởng như tác giả đã lớn lên trong nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa.

Một bài viết rất hay !
14/05/201715:21:32
Khách
Ngày lễ mẹ, người con trẻ chỉ biết mua cho mẹ mình những bó hoa và nói "I love you, mom". Khó mà trách được vì chính ngay như tôi giờ đây ngồi nghĩ tới mẹ cũng chỉ biết nghẹn nghào viết nên ba chữ "con nhớ mợ". Tình mẹ quá bao la, quá thắm thiết khiến người con chỉ biết cảm nhận chứ khó diễn tả bằng lời. Trong tinh thần bao dung của người mẹ, ta thường đọc những bài viết về con từ người mẹ như là một phần của người con muốn nói cho mẹ mình. Lời của hai mẹ con qua bài viết đẹp như tình cảm thiêng liêng giữa hai người.
Thân chúc tác giả có một ngày đẹp bên cạnh người thân.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,192,959
Năm nay, tháng Năm ngày 12, sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết mới là chuyện ngôi nhà đã mất sau tháng Tư 1975.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả: Thương kính viết tặng để tưởng nhớ Anh Tư - Cố Đại úy Pháo đội trưởng Trương Văn C., Tiểu đoàn 183, Sư đoàn 18 Pháo Binh.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài tác giả mới viết sau đám tang của Ó Đen Lý Tống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ tư.
Tác giả hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến