Hôm nay,  

Tre Khóc Măng

13/05/201700:00:00(Xem: 12893)

Tác giả: Lệ Hoa Wilson
Bài số 5116-18-30796-vb6051317

Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Năm 2016, bà nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Bài mới là một tự sự nhân Ngày Lễ Mẹ đang tới.

* * *

Tôi và Jimmy là hai mẹ con mà thân nhau như hai người bạn. Ông xã tôi tánh tình hiền hậu nhưng cục mịch ít nói nên các con cứ theo mẹ mà tâm sự.

Jimmy không dấu diếm tôi điều gì, từ những vui buồn trong trường cho tới những phiền lụy do bạn gái gây ra. Chúng tôi nói về tương lai, về các môn học, về thầy giáo, về sự cách biệt trong hai nền giáo dục Việt Mỹ, về mấy ông chánh khách dõm, về âm nhạc, về thời trang, về tình yêu puppy love v.v.. Khi hai mẹ con ngồi tâm sự, đôi khi tôi tưởng chừng như có thể sờ mó đuợc tình thân giữa hai người. Nó dầy đặc và bao quanh chúng tôi như một mảnh lụa êm mướt nhưng chặt chịa, không thoát.

Tôi hay lo sợ vẫn vơ vì thấy tuy gia đình không giàu sang nhưng được nhiều hạnh phúc. Chồng tôi thuộc loại cũi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài. Các con đều thương yêu nhau và hiếu thảo. Hạnh phúc tầm thường nhưng đáng yêu. Tôi bằng lòng với những điều dung dị mà tôi được hưởng.

Ngày Jimmy báo tin là cháu được bầu làm hội trưởng hội sinh viên trong trường, nổi lo sợ vẫn vơ lại dấy đục tâm hồn tôi. Luật thăng bằng của tạo hoá, có gì lên mãi mà không xuống và ngược lại ?

Jimmy học toàn chữ A, Jimmy chơi trong đội varsity của basket và foot ball, Jimmy là hội trường của ASB. Jimmy hiếu thảo và hiền hoà, Jimmy được cả trường thương mến. Cô giáo chánh của Jimmy thường hay nói với vợ chồng tôi: “Jimmy là một đứa con trai mà bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng đều mơ ước !”.

Tất cả với Jimmy đều tốt đẹp, đều vẹn vẽ, đều vui tươi, vậy thì cái điểm khởi đầu cho nấc thang tụt xuống nằm ở đâu? Tôi thường hay suy nghĩ và biết chắc rằng nếu phải đánh đổi cả cuộc đời của tôi để cho các con được sống toàn vẹn, tôi rất sẵn sàng.

Có một người phật tử ngày đầu năm đi chùa lễ Phật và xin sư ông cho một câu đối để treo nhà. Sư Ông cầm bút lông lên và viết: “ Sơ chết, cố chết, ông chết, cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết !...”. Bà Phật tử giựt mình thưa thầy rằng “con xin thầy câu đối để treo trong nhà ba ngày tết cầu phước mà thầy phán một hơi bao nhiêu cái chết thì làm sao con dám treo lên?”.

Thật may mắn thay cho ai thấy câu đối đó là vô nghiã và vứt bỏ nó đi. Riêng vợ chồng tôi và một số cha mẹ khác sẵn sàng đánh đổi tất cả từ tiền tài tới sanh mạng để mang câu đối đó về treo trong nhà và cầu nguyện cho cái trật tự đó là cái đã xảy ra cho gia đình mình.

Đau đớn thay, Jimmy mất đi năm cháu 17 tuổi và vợ chồng tôi vẫn sống để chịu cảnh Tre Khóc Măng!.

Khi được tin cháu mất trong một tai nạn xe hơi do bạn cháu cầm tay lái, tôi đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Tôi đã lăn lộn gào khóc và luôn miệng trách móc là Trời Phật bất công. Và lúc đó tôi đã thật sự nghĩ rằng không có Trời Phật hay ít ra là đấng thiêng liêng mà tôi vẫn tin tưởng và tôn kính. Ngài đã để cho cái tai nạn thảm khóc đó xảy đến cho con tôi.

Bạn bè chúng tôi thuộc đủ thứ tôn giáo, từ Thiên Chúa tới Phật giáo, từ Tin Lành tới Jehovah Witness, từ Hòa Hảo tới Cao Đài. Ai cũng ngỏ lời an ủi tôi rằng Jimmy hiện đang ở nước thiên đàng, đang phục vụ Chúa, đang chơi giởn với thiên thần hoặc đang kề cận đức Phật A Di Đà để học pháp, nghe kinh v..v…và v..v..

Thật là dễ dàng khi mình thốt ra những lời an ủi trừu tượng đầy tính chất tôn giáo, đầy những hình ảnh thiêng liêng ở một cõi trời xa xăm nào đó cho một người mẹ đang khóc con. Nhưng tôi là một cội tre già đang oằn mình xuống khóc cụm măng non thì những lời an ủi đó đều vô ích.

Tôi không muốn cho con tôi sống nhởn nhơ ở cõi niết bàn, thoát khỏi mọi điều trần ai, khổ lụy. Tôi cũng không muốn cho con tôi vui hưởng cảnh an lạc nơi chốn thiên đường, vui đùa cùng thiên thần cánh trắng.

Phải, nếu ai trách tôi là một người mẹ ích kỷ, ngu đần, vô tôn giáo, vô đạo đức thì tôi xin nhận chịu không oán trách vì tôi chưa từng thấy ai thật sự đã ở cõi thiên đàng, chưa từng gặp ai có kinh nhgiệm về cuộc đời nơi thượng giới. Có gì làm chắc là con tôi hiện đang hưởng mọi điều vui thú đó hay đây chỉ là sãn phẩm của tôn giáo dùng để làm dịu bớt nổi đau trần thế ?

Mà hiện giờ thì tôi không tin vào bất cứ một tôn giáo nào hết vì nếu thật sự có một đấng thiêng liêng nào đó sắp đặt cho mọi sự ở cuộc đời nầy thì sự sắp đặt đó không công bình và tôi không chấp nhận nó.

Mà thí dụ như thiên giới có thật thì tôi là một bà mẹ ở cõi trần ai nầy, tôi cũng muốn cho con tôi sống ở cõi trần ai nầy với tôi.Tôi muốn nó cùng khóc và cùng cười với tôi. Tôi muốn nó say mê dán mắt vào TV xem những trận đá banh, muốn nó thưởng thức món ăn do tôi nấu, muốn nó thổi tắt những ngọn nến nhỏ xíu cắm quanh ổ bánh sinh nhựt của nó, muốn nó hớn hở mở gói quà ngày giáng sinh, muốn nó ngồi đối diện với tôi ở bàn ăn trong buổi cơm chiều, muốn nó lái xe đi học, muốn nó mời bạn gái đi prom, muốn nó lo lắng cho từng bài thi, từng điểm xấu, muốn nó buồn rầu khi gặp chuyện bất ưng, muốn nó vui cười khi có điều toại ý.

Phải, tôi muốn con tôi sống như một Con Người ở cõi Trần Gian nầy chớ không phải như một Thiên Thần nơi Thượng Giới, một Bồ Tát nơi Niết Bàn.

Và vợ chồng tôi càng ngày càng xa cách.

Tôi chê trách quyết định của Chúa. Tôi không cúi đầu nghe theo phán quyết của Ngài như anh thường khuyên tôi. Tôi muốn có một lý do chánh đáng, một lời giải thích hữu lý. Tại sao Ngài lại chọn Jimmy mà không chọn những thanh niên ăn chơi sa đọa, những tên giết người hung ác, những kẻ tàn nhẫn lọc lừa? Nếu Ngài thương con chiên của Ngài, muốn cứu rổi họ thì sao Ngài không chọn họ về ở gần Ngài để được Ngài chuyển hóa và giúp đởđể thế gian bớt nổi khổ đau? Ngài gởi Jimmy xuống trần gian với thông minh, đạo đức, thương yêu, hiếu thảo với kỳ vọng là nó sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc cho con dân của Ngài rồi không có lời giải thích Ngài lạnh lùng lấy lại.

Anh thì nghi ngờ cái thuyết nhân quả của tôi. Jimmy đã làm gì nên tội để nhận một cái chết thương đau như thế? Kiếp trước à? Ai thấy được kiếp trước? Hãy chứng minh với bằng cớ chắc chắn là Jimmy đã phạm vào tội gì? Hay cũng là những phỏng đoán mơ hồ, vịn vào cái hiện tại mà dựng lên chuyện dĩ vãng. Nếu Jimmy đã từng phạm tội, đã từng gây nhân xấu ở kiếp trước thì kiếp nầy phải đào thai thành cùi đui sứt mẽ, lì lợm lưu manh chớ sao lại thành người thông minh hiếu đạo? Nếu nói là nhân của cha mẹ gây nên bây giờ con cái phải gánh chịu thì cái lời dạy “ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng, ai làm nấy chịu để ở đâu?

Vợ chồng tôi như hai kẻ lạc hướng, mù mờ đi trên con đường chông gai hiểm trở, sẵn sàng ngã xuống hố sâu của đau khổ, của thù hận, của vô minh.

Hằng đêm tôi nằm trên giường ngủ, mắt hướng ra cửa phòng mong đợi một hình bóng thân yêu, một xác thân mà tôi mang nặng đẻ đau, bước vào và đến bên giường hôn lên trán mẹ một nụ hôn “chúc mẹ ngủ ngon”. Nhưng Jimmy đã không đến và tôi nghe như có tiếng dương cầm ngoài phòng khách.

Tôi ngồi dậy và lần bước ra ngoài. Tôi đến bên chiếc đàn, vuốt ve vào khoảng trống mà nếu Jimmy ngồi ở đây thì chắc hẳn sẽ là cái lưng trần của nó. Tôi nhìn lên tấm hình của Jimmy đặt ở góc đàn. Nụ cười và ánh mắt của Jimmy hình như muốn nói với tôi điều gì.

Tôi thầm thì: “Con đang có ở đây không? Con có thấy nổi đau khổ của mẹ không? Con có muốn tâm sự với mẹ như mẹ con mình từng làm không?

Mắt tôi mờ đi vì những giọt lệ khóc thương con.

Và trong lúc cực kỳ đau khổ đó, tôi bỗng nghe một tiếng nói nhẹ nhàng, giọng nói thân thương của đứa con đã mất:

“Mẹ ơi, xin mẹ hãy can đảm lên. Trong mười bảy năm trời gần mẹ, lòng can đảm của mẹ đã làm con kính phục. Con tuy vắng mặt nhưng chưa phải là mất hẳn. Trong các anh chị em con quanh mẹ, một phần của con đã hiện diện nơi đó. Nụ cười rạng rở của đứa em út, cái tật hay làm bể ly chén nơi nó, cái say mê basket ball của anh ba con, cái hiếu hạnh của anh cả, cái tánh tự lập nơi chị hai, cái óc thông minh, cái lòng thương người, cái tính nói nhiều, cái ý thích bạn gái, cái tính bề bộn, cái tật chờ đến phút cuối cùng mới chịu chạy đi làm bài v.v..tất cả những cái đó có nơi con cũng như có nơi anh chị em con. Vậy thì con của mẹ đâu có mất. Trong những dòng máu luân chảy trong anh chị em con có một hột giống của con. Trong những suy nghĩ cạn cùng của anh chị em con có một tư tưởng của con. Trong những hành động tốt xấu của anh chị em con, có một gia nhập của con. Vậy xin mẹ hãy tiếp tục THƯƠNG và THẤY con qua những con người thân yêu đó.

Nếu mẹ đi thăm một người bạn bịnh nằm nhà thương, đứa con của người bạn đó ngồi cạnh bên giường ân cần chăm sóc, ánh mắt thương yêu ve vuốt mẹ già, đó là hình ảnh của con đó. Nếu mẹ nghe có ai đánh lên tiếng đàn thánh thót, mẹ để tâm hồn đọng lại lắng nghe, không xao lãng, không giận hờn, không tranh cãi, không phán xét, đó là ý thích của con đó. Nếu mẹ thấy một ngưòi lành mạnh đưa tay nâng đở một kẻ khốn cùng, đó là hình ảnh của con đó. Vậy thì quanh mẹ, ở cái thế giới của mẹ, mẹ đã, đang và sẽ thấy sự hiện diện của con dù rằng con vắng mặt.

Xin mẹ hãy đem cái tình thương mà mẹ dành duy nhứt cho con mà san sẽ cho những chúng sanh quanh mẹ, dù đó chỉ là một con sóc nhỏ cần những bước chân cẩn thận của mẹ khi dạo quanh công viên nhạt nắng, dù đó chỉ là nhóm chim sẽ nhỏ nhoi cần những hạt cơm thừa của mẹ, hay đó là một người già bịnh cô đơn cần những lời an ủi yêu thương của mẹ, hay đó là những đứa trẻ bịnh hoạn, ốm yếu nằm xanh xao trên gạch cát vô tình. Mẹ hãy tình nguyện làm một người đẩy xe lăn trong nhà thương, một người lái xe đưa đón các bà nội trợ đi cầu nguyện, một người xếp sách vở trong thư viện và hơn hết xin mẹ hãy làm một người mẹ mà con đã từng thương yêu và gần gũi.

Ở những việc làm bình thường đó, trong cuộc sống rắc rối nầy, con vẫn hiện diện trong tim mẹ. Con không đang ở niết bàn cũng chẳng sa vào địa ngục. Nếu mẹ làm điều lành, tâm hồn mẹ an tịnh, trái tim mẹ rộng mở thì con đang ở niết bàn với mẹ.Nếu mẹ tham sân si, tim chất chứa hận thù, óc tính điều lợi mình hại người thì con đang ở điạ ngục với mẹ. Mẹ có biết không? Mẹ..Mẹ..”

Tôi nhìn lên nụ cười của Jimmy. Nước mắt lại tràn đầy:

“Jimmy ơi, mẹ cám ơn con đã cho mẹ 17 năm hạnh phúc. Cho mẹ biết thế nào là nổi vui mừng khi nhìn con chập chững bước đầu tiên, cho mẹ biết thế nào là lo âu khi nhìn con nằm mê mang nóng sốt, cho mẹ biết sự hãnh diện khi cầm bảng học bạ đầy chữ A., cho mẹ biết cúi đầu khi con làm điều lầm lỗi, cho tim mẹ bừng sáng khi con thảy trái banh vào rỗ, cho lòng mẹ héo xào khi con thua trận quá xa, cho nước mắt dâng mi khi quay lưng gởi con vào nhà trẻ, cho nụ cười rạng rở khi chiều đến rước con về, cho mẹ phân vân trước một quyết định học hành, cho mẹ ngóng trông khi con về trễ muộn, cho mẹ âu yếm trao con món quà ngày sinh nhựt, cho mẹ cuối đầu hôn con buổi tối lên giường.

Ôi, trong 17 năm trời đó, mẹ đã nhận của con biết bao nhiêu bài học làm cho mẹ thành một người can đảm hơn, đúng đắng hơn, lớn khôn hơn, nhẫn nại hơn. Hai mẹ con mình đã nương nhau và cùng lớn lên trong cuộc đời nầy và mẹ cám ơn con đã cho mẹ bài học cuối cùng.

Phải rồi Jimmy ơi, con đã chẳng lên thiên đàng hay niết bàn mà cũng không xuống địa ngục. Con đang ở ngay trong tim mẹ, trong hồn mẹ và trong hành động mỗi ngày của mẹ và ngay đây, trong cảnh giới trần gian khổ ải nầy.

Giờ thì mẹ tin có Phật, không phải ông Phật tượng đá trong chùa mà mẹ con mình vái lạy ngày tết, mà là ông Phật con đã cấy vào tim mẹ. Giờ thì mẹ tin có Chúa, cũng không phải ông Chúa bằng xi măng trong nhà thờ mà là một sức mạnh của đấng dẫn dắt linh hồn đem lại sự tin tưởng để ba con vượt thoát khổ đau.

Mẹ sẽ cố gắng làm tất cả những gì mà mẹ có thể làm để đem lại một chút an vui cho những người mà mẹ gặp gở. Chỉ một chút thôi con nhé, vì đại dương có phải là đã được tạo nên bởi muôn nghìn vạn ức những giọt nước nhỏ không? Và mẹ biết ở ngoài kia hiện đang có rất nhiều ông cha, bà mẹ cũng muốn góp vào cái biển từ bi kia một một giọt nước nhỏ của họ.”

Đó cũng chỉ là luật tuần hoàn của vũ trụ. Vợ chồng tôi đi đến tận cùng của đau khổ rồi chúng tôi cố gắng vươn lên. Có một vị thầy đã nói với tôi rằng bài học lớn nhất mà chúng sanh cần phải học và vượt thoát là bài học chia ly! Chúng tôi diệt được cái NGÃ đáng sợ, nhận ra cái sai trái hẹp hòi của mình trong quan niệm tôn giáo nên vợ chồng lại từ từ hòa hợp.

Anh theo tôi cùng sư cô, đại đức, phật tử đi phát cơm quà cho người vô gia cư, cho người bệnh tâm thần, cho người già cả lú lẩn. Nếu trong chùa có chuyện gì cần mà tôi làm không nổi thì tôi viện tới anh, tới sự chuyên môn hoặc sức mạnh của anh.

Chúng tôi ở ngang nhà thờ St Paul Of The Cross, tỉnh La Mirada nên tôi thường qua lại tặng quà cho những ngày lễ lớn, tìm kiếm những con chiên nghèo khổ mà nhà thờ giới thiệu cho tôi để tôi giúp đở họ. Tôi đứng trong sân nhà nhìn qua bên kia đường nơi đức Mẹ Maria hiền từ nhìn xuống. Tiếng kinh cầu làm lòng tôi thanh thản.

Tôi xin chia xẽ với tất cả các ông cha bà mẹ đã phải chịu cảnh Tre Khóc Măng, vì bất cứ lý do gì. Vượt biên, tai nạn, chiến tranh, khủng bố, bịnh hoạn, nghèo đói, tự tử v..v., tôi muốn các bạn biết rằng ngọn Măng Non kia chưa bao giờ chết. Nó vẫn sống mãi cùng chúng ta, những cội Tre Già.

Yêu thương các bạn trong Ngày Lễ Mẹ.

Lệ Hoa Wilson

Ý kiến bạn đọc
17/08/201804:44:40
Khách
Cô làm cháu xúc động quá. Sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi. Cháu tin rằng Jimmy của cô đang ở một nơi nào đó rất gần với cô. Ừ, cũng có thể là bóng là hình đang quẩn quanh bên người mẹ mà Jimmy thương yêu.
15/05/201705:23:20
Khách
Câu chuyện rút ruột của chị khiến người đọc phải bồi hồi rung động...khi đau khổ nhất chúng ta thường chọn một thái độ tiêu cực mười trên mười. Bài viết chân thành chỉ ra một đoạn đường rất dài, có lẽ hết cả đời người- để chuyển hoá tình thương từ một bản ngã yếu đuối thành một sức mạnh đi tiếp cuộc hành trình CHO THA NHÂN. Chúc mừng chị đã tìm ra cháu Jimmy qua những khuôn mặt và cảnh ngộ của người khác. Tôi tin rằng cháu Jimmy rất hạnh phúc trong việc làm hàng ngày của chị ! Chúc anh chị luôn an mạnh...
14/05/201714:14:45
Khách
Đêm hôm trước khi vượt biên, tôi vào ngủ với bố tôi. Nằm mãi, bố tôi không nói gì cuối cùng gần sáng mới thở khẽ ra: “lo cho con mà nát cả lòng”. Đó là câu cuối cùng bố tôi nói cho tôi nghe trong cuộc đời này. Khi có con, tôi mới hiểu thấu ra ba chữ “nát cả lòng” của bố tôi.
Từng câu viết của chị về sự mất mát của người con trai thân thương là từng tan nát bi thảm của cuộc đời. Nhưng tôi cũng đọc được từng bước hồi sinh qua đau khổ. Thời gian là viên thuốc giảm đau màu nhiệm, tôn giáo là cứu cánh của linh hồn, rồi cánh cửa sẽ mở ra để giải thoát cho sự đau khổ, hàn gắn vết thương cũ để đón nhận hạnh phúc mới.
Chúc chị có được một ngày cuối tuần bình an bên cạnh những người thân yêu.
14/05/201706:25:16
Khách
Tôi cũng bẩm sinh là một phật tử và tin tưởng vào triết lý sống của Đạo Phật để sống cho đỡ khổ và đời sống có ý nghĩa hơn. Tôi cũng có nhiều bạn và đồng nghiệp theo đạo Thiên Chủa hay Tin Lành. Nhũng người bạn sau này nói với tôi là con người sinh ra và sống đều có ý nghĩa cả. Tôi chắc là tác giả của bài viết này cũng đã biết nhiều hơn tôi về điều nay. Tuy nhiên vì mất đi một người con quá đau thương mà tác giả đã đặt ra những câu hỏi về tôn giáo và chọn một lối sống rất thực tế hơn, đó là trực tiếp bắt tay vào làm việc từ thiện như là con đường đi để giảm đi những mất mát đau đớn này và có thể "nói" được với con của mình. Mong tác giả tìm được con đường an lạc nhất này để giải thoát được nỗi đau này và làm cho xã hội tốt hơn.
14/05/201703:23:42
Khách
Bài viết rất hay cả về lời văn lẫn nội dung về nỗi lòng đau đớn của một người mẹ khi mất đi đứa con yêu quý " thân nhau như hai người bạn... tình thân giữa hai mẹ con nó dầy đặc và bao quanh hai mẹ con như một mảnh lụa êm mướt nhưng chặt chịa, không thoát".
14/05/201703:15:38
Khách
Trên đời có 4 điều không tồn tại vĩnh cửu: Hai vợ chồng nọ có cô con gái khoảng 14, 15 tuổi đoan chính, thông minh lại có tài ăn nói hiếm người sánh kịp. Nhưng đột nhiên cô bé bị mắc trọng bệnh và không lâu sau thì qua đời.

Hai vợ chồng vô cùng yêu thương cô con gái duy nhất này. Thường ngày, hễ gặp chuyện ưu phiền gì đi nữa, chỉ cần nhìn thấy con gái là mọi nỗi phiền muộn trong lòng họ đều lập tức biến mất. Khi phải đối mặt với cái chết của con gái, họ vô cùng thống khổ, mỗi ngày họ đều khóc nỉ non. Cuối cùng, người chồng vì đau buồn quá mà phát điên, cả ngày đi lung tung khắp nơi.

Một lần trong lúc đi lang thang, người chồng đi tới chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni...
http://www.daikynguyenvn.com/van-hoa/truyen-co-nha-phat-tren-doi-co-4-dieu-khong-ton-tai-vinh-cuu.html
( Xin copy và paste vào Google để đọc tiếp)
14/05/201703:09:13
Khách
Trận chiến An Lộc năm 1972- Phan Nhật Nam: Chết ở An Lộc là hiện tượng tất nhiên. Gia đình bẩy người, hai vợ chồng năm người con cùng trú trong một cái hầm. Hầm đào dưới nền nhà trên lót vài tấm ván và một lớp bao cát. Tội nghiệp, dân đâu biết được cường độ công phá của đạn 130 ly. Nên, ầm một tiếng ngắn ngủi, cái nắp hầm tội nghiệp đó tung lên vỡ tan từng mảnh nhỏ như những hạt nước tóe lên khi hòn đá nặng rơi xuống... Chết! Sáu xác chết được một người còn sống chắp nhặt, vá víu để xác người mẹ không có tay người con, để thằng anh không lẫn chân thằng em. Người cha chậm rãi, từ tốn bình thản đi chọn lựa từng phần thân thể một của mỗi người thân yêu, còn gì trong đầu óc khô cứng đó. Không còn gì, chẳng nên gọi đó là óc não con người...
13/05/201716:49:28
Khách
Xin cám ơn bài viết hay và cảm động của tác giả. Cha mẹ khóc con luôn luôn đau đớn hơn trường hợp ngược lại, vì người con chưa chắc nhớ được những kỷ niệm trong những năm đầu đời, trong khi cha mẹ không bao giờ quên được những chi tiết từ lúc người mẹ mang thai, cho đến lúc con chào đời, cho con bú, tập cho con đi,... Đau đớn lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,169,190
Nhạc sĩ Cung Tiến