Hôm nay,  

Sinh Tử và Hậu Sự

27/03/201700:00:00(Xem: 19198)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 5082-18-30782-vb2032717

Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Bài mới được tác giả ghi chú “Viết cho những người thân của nhóm bạn Việt Bút vừa ra đi”.

* * *

Ngôn ngữ văn chương ví cuộc đời con người như một chuyến tàu. Sáu mươi năm là cái mốc vừa đủ cho một đời người. Những con số sau đó là phần thưởng (bonus). Con tàu ấy sẽ bắt đầu lên đường từ ba chữ “sinh, lão, bệnh... Nó sẽ chạy mãi để rồi chấm dứt ở nhà ga cuối cùng là “tử”, cái chết.

Việt Bút là một nhóm văn chương gồm các bạn đa số đều được lãnh giải thưởng từ mục “Viết Về Nước Mỹ”. Đầu năm con gà, một số các bạn trong nhóm phải đối diện với sự ra đi của những người thân. Đầu tiên là người chị gái của họ Phùng. Tiếp đó là mẹ của chị “huyền thoại TH”. Gần đây là hai bà má ruột và má vợ của giám khảo Nguyễn Viết Tân. Cùng một ngày, má chồng chị bảy Song Lam vừa mất ở Việt Nam.

Trong số những người ra đi có người đã gần “thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ như thế đã là hiếm nhưng chị ra đi nhanh và bất ngờ quá khiến người em vẫn còn ngơ ngẩn, bàng hoàng. Có bà mẹ già thọ hơn trăm tuổi, con cháu đã chuẩn bị hậu sự và tâm lý để chờ đợi cụ về với Chúa, thế mà khi cụ về, người con trai ngày thường vẫn mang nụ cười đến cho mọi người đã phải nghẹn ngào khóc lên “Má ơi, con đây nè má”. Người con gái ở xa, ray rứt mãi vì lý do sức khỏe không về dự đám tang mẹ, nàng ôm nỗi đau khóc mẹ âm thầm. Có người ra vào bệnh viện chứng kiến từng ngày cơn bệnh và cái chết của bà má.

Hóa ra bài thuyết pháp đầu tiên của ông Phật ở vườn Nai cho năm người đệ tử đầu tiên là bài nói về “Khổ”(Tứ Diệu Đế). Một trong tám cái khổ “ái biệt ly khổ” thương mà phải xa nhau hay “ sinh ly tử biệt” sống phải xa nhau, khi chết phải lìa nhau là những kinh nghiệm về “khổ” mà đời người ai cũng trải qua.

Đạo Phật bình thản đối diện với nổi “khổ” và cái chết, ví cái chết như thay chiếc áo cũ, mặc một chiếc áo mới và tái sinh vào một cảnh giới mới theo vòng luân hồi sinh tử. Trong kinh kể chuyện hồi Phật còn tại thế, các thầy tỳ kheo ra nghĩa địa nhìn và quán tưởng những xác chết thối rữa để thấy sự vô thường và lìa bỏ sự tham đắm. Các thiền sư Phật giáo thực hành và quán chiếu chữ “tử” khắc trên trán mỗi ngày để ra đi không sợ hãi. “Sinh tử trọng đại” trong Nho giáo coi cái chết là chuyện lớn và quan trọng cũng như sự sống của đời người. Quan niệm dân gian “sinh ký tử quy”, “sống gửi thác về” gần giống với đạo Phật.

Văn hóa Việt nam ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa từ ngàn xưa. Đời Lê có vị tiến sĩ tên là Hồ Sỹ Tân, hiệu là Thọ Mai soạn sách “Thọ Mai Gia Lễ” dựa vào quyển “Chu Công Gia Lễ” của Trung Hoa nhưng có sửa đổi ít nhiều cho hợp với phong tục cổ truyền của người Việt. Các nghi lễ tang ma phức tạp về hình thức đã được đơn giản hóa như tục lệ để tang, coi ngày tốt xấu... Một số tục lệ dân gian vẫn còn giữ như đập niêu đất khi quan tài ra khỏi nhà, mở cửa mả ở mộ sau ba ngày chôn cất, đốt vàng mã... Ngoài ra có các hủ tục đã lược bỏ nhiều như tục khóc lóc, khóc mướn, lăn đường, chống gậy, kêu hồn người chết trên mái nhà, kết hình người bằng vải trắng gọi là lễ thiết hồn, cưới chạy tang, ăn uống linh đình, “rả nợ miệng”, vay nợ làm đám tang cho “hoành tráng”, quàn người chết trong nhà quá lâu, kiêng cữ nghiêm khắc quá đáng đi đến chỗ mất vệ sinh trong thời gian cư tang như không tắm rửa, đi chân đất, mang giầy cỏ, mặc áo xô gai...

Từ khi tượng hình trong bào thai mẹ, con người sinh ra có thể biết được thời gian chào đời vào khoảng chín tháng mười ngày. Nhưng cái chết không ai có thể đoán biết được. Vì thế có nhiều người khi còn sống đã chuẩn bị cho mình hình thức mai táng sau khi chết. Thông dụng nhất là thiêu còn gọi là hỏa táng và chôn cất gọi là địa táng. Người chọn hỏa táng vì sạch sẽ, bảo vệ môi trường, phí tổn rẻ, không phải mua đất chôn, không muốn linh hồn vướng mắc với thân xác đã thối rữa, không có thân nhân thăm viếng mộ phần. Người chọn địa táng muốn chôn cất vì quan niệm “mồ yên mả đẹp”, “sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ”, “lá rụng về cội”, con cháu có dịp thăm viếng vào các ngày lễ tảo mộ như “Thanh Minh trong tiết tháng ba”, rằm tháng bảy, ngày lễ Cha hoặc lễ Mẹ. Ngày xưa có tục xem phong thủy. Gia đình tìm thầy địa lý và địa thế tốt để chôn, hy vọng sau này con cháu làm ăn khấm khá.

Điểu táng hay thiên táng chỉ còn tồn tại ở xứ Tây Tạng. Xác chết nằm phơi ngoài trời trên núi đá làm thức ăn cho bầy kên kên. Thủy táng là chôn trên cánh đồng, mùa nước lũ biến thành biển nước mênh mông như trong phim “Mùa Len Trâu”. Thủy táng cũng là nghi thức chôn đặc biệt cho trùm khủng bố Bin Laden từ chiến hạm USS Card Vinson. Ngoài ra còn có “huyền táng” hay táng treo. Tục lệ này rất hiếm. Người ta tìm thấy những quan tài đặt trên những vách đá cheo leo khi đi thuyền qua sông Dương Tử hoặc treo lơ lửng trong hang động sâu ở Trung Quốc. Lịch sử kể hai vị sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường thị tịch trong tư thế thiền định còn gọi là Thiền táng. Nhục thân của hai vị vẫn còn thờ trong chùa Đậu.

Trong Nam hầu hết tang ma được cử hành ở tư gia, nhà thờ hoặc chùa. Ở thôn quê, nhà nào cũng đất rộng nên có tục lệ chôn thân nhân vĩnh viễn ở vườn sau nhà cho gần gũi và ấm cúng gia đình. Ngoài Bắc nhà cửa chật hẹp nên không chôn cất ở nhà. Thân nhân quàn người chết ở các nhà quàn lớn như Hội Hợp Thiện, Nhà Tang Lễ Thành Phố...Chôn ở nghĩa trang Văn Điển là nghĩa trang lớn ở Hà Nội cũng chỉ ba năm, thân nhân sẽ làm lễ bốc mộ, đem hài cốt đến một nơi khác để chôn như đất tư nhân, nghĩa trang gia đình hay nghĩa trang của làng. Vì thế chôn người chết lần thứ hai ở một địa điểm khác gọi là cải táng.

Thế giới ngày nay có tục lệ hiến xác.Ở Mỹ có chương trình nguyện vọng hiến xác (Willed Body Programs). Người sống tuy chưa chết nhưng có tấm lòng nghĩ đến người bệnh còn sống đang trong danh sách chờ đợi nội tạng thay thế có khi kéo dài hàng năm. Với tình người, họ hiến tặng các bộ phận cơ thể cho bệnh viện để cấy, ghép như giác mạc, tim, gan, thận, phổi, da... Xác của họ có khi được các chuyên gia y tế dùng trong các mục đích khoa học như con tàu vũ trụ Orion chở người vào không gian. Cơ quan hàng không vũ trụ Nasa đã sử dụng ba tử thi của người để kiểm nghiệm mẫu trang phục du hành, thiết kế ghế ngồi và sự hạ cánh an toàn.

Muốn được hiến xác, người cho phải là người khỏe mạnh và không bị bệnh nan y. Phải có công ty tiếp nhận tử thi được hội đồng giải phẫu của tiểu bang cho phép để tránh các công ty bất hợp pháp bán xác cho các phòng thí nghiệm hay những người giàu mắc bệnh tìm mua nội tạng. Vì thế, theo kinh nghiệm của người Mỹ, hiến xác cho các trường đại học y khoa là tốt nhất.

Văn học dân gian thường nhắc đến các từ ngữ “ba hồn bảy vía” hay “ ba hồn chín vía”. Quan niệm xưa cho rằng con người ta có phần hồn và phần xác. Phần “hồn” là phần không thấy, không sờ mó mà chỉ cảm nhận được. Có ba hồn là “tinh” còn gọi là nhận thức, “khí” còn gọi là năng lượng và “thần” là thần thái của sự sống. Phần xác còn gọi là vía. Đàn ông có bảy vía là bảy lỗ thông thoát ra từ cơ thể như nước mắt, nước mũi, tai, miệng, mồ hôi, đường tiểu tiện, đại tiện. Đàn bà có thêm hai thành chín vía vì làm mẹ có sữa cho con bú và hành kinh. Vì thế vía của đàn bà được coi là nặng hơn đàn ông.

Đạo Phật quan niệm con người có hai phần là “danh” hay tâm và “sắc” hay thân. Cái vòng “sinh lão bệnh tử”, từ khi “sinh” ra cho đến khi “già” hoặc “bệnh”, cơ thể con người còn gọi là thân “tứ đại” gồm “đất” là những chất cứng như tế bào, “nước” chiếm bảy mươi phần trăm trong lượng cơ thể, “gió” là hơi thở, “lửa” là hơi ấm. “Tứ đại” này theo tiến trình “sinh, trụ hoại, diệt” sẽ dần tan rã đưa đến “tử” là giai đoạn cuối cùng. Lúc ấy linh hồn hay thần thức của người chết sẽ ra đi theo “nghiệp lực”. Có nhiều loại “nghiệp”. “Cận tử nghiệp” là nghiệp dẫn dắt đi thọ sanh.

Tư tưởng hay suy nghĩ cuối cùng của người hấp hối trong giây phút lâm chung sẽ quyết định sự tái sanh của họ. Khi còn sống, nếu làm những điều lành, thiện, khi chết sẽ thanh thản, bình an. Vì thế các nước theo đạo Phật khuyến khích tín đồ làm lành tránh ác, tạo những nghiệp lành trước giờ phút lâm chung như đọc kinh, niệm Phật, bố thí...để ra đi thọ sanh ở những cảnh giới lành.

Vào thời chưa có các phương tiện y khoa, đa số người hấp hối chết già hay bệnh đều được tẩm liệm ở nhà. Người nhà theo dõi lời trăn trối hay di chúc của họ, đặt nằm đầu quay về hướng đông, xem các dấu hiệu như bắt mạch, sờ chân tay đã lạnh hay còn ấm, xem hơi thở bằng cách đặt miếng bông gòn ở lỗ mũi. Nếu biết chắc đã chết thật rồi, khi làm lễ khâm liệm, họ xem giờ để tránh trùng tang hoặc xem tuổi kỵ của người chết với thân nhân để tránh mặt. Họ làm lễ mộc dục là lau hoặc tắm khô cho người chết bằng rượu hay nước ngũ vị hương, sau đó chải tóc, thay quần áo mới. Áo phải cắt hết nút. Người tu theo đạo Phật thì mặc thêm bộ áo hải hội màu vàng. Tiếp đó họ làm lễ phạn hàm, cho vào miệng người chết ít vàng, bạc, nhúm gạo gọi là có tiền đi đường tránh tà ma ác quỷ và không bị đói.

Ngày xưa chưa có dịch vụ mai táng như bây giờ. Thi thể người chết đặt trên giường phủ một miếng vải liệm trắng, lớn sao cho quấn đủ thân người. Họ xé vải trắng buộc ngang vai, hai bên hông, hai đầu gối, hai ngón chân cái. Hai tay đặt trên bụng, phủ vải trắng trên mặt. Có nơi dằn trên bụng người chết một nải chuối xanh. Đầu giường người chết họ đặt một bát cơm úp, quả trứng, đôi đũa, bát nhang.

Ngày nay người ta đã bỏ lễ thiết hồn tức là kết vải trắng thành hình người có hai tay và hai chân đặt lên ngực người chết và thay vào đó là bức ảnh. Họ chọn giờ tốt làm lễ khâm liệm, rải trà khô chung quanh, khiêng xác cho vào hòm, dán kỹ bằng keo rồi đóng đinh. Có nơi họ cho cỗ bài tổ tôm vào hòm để ngừa ma quỷ và một ít đồ vật dụng ưa thích của người chết khi còn sống. Sau lễ khâm liệm là lễ thành phục, gia đình sẽ mặc đồ tang và làm lễ cúng cơm ngày ba lần, mời người chết về ăn cơm như lúc còn sống.

Lễ phúng viếng người chết bằng vòng hoa, vòng cườm, trái cây, nhang đèn,tiền, liễn, triệu, trướng, câu đối vẫn còn được áp dụng. Người đi phúng lạy người chết bốn lạy. Thân nhân người chết đáp lễ phân nửa hai lạy. Nếu người phúng lạy ba lạy, thân nhân đáp lễ một lạy kèm theo lời chia buồn. Tục lệ mướn phường bát âm còn gọi là dàn nhạc ta có tiếng đàn cò ò- í- e, tiếng trống tùng tùng, tiếng sáo hay dàn nhạc tây có tiếng kèn đồng “trombone”, tiếng chập chỏa lèng xèng vẫn còn là những âm thanh quen thuộc thường có trong đam ma. Họ cho rằng không có văn nghệ, thiếu ban nhạc, đám ma…buồn. Thực tế có đám ma nào vui?

Ở Việt Nam, thôn quê cũng như thành phố, hiện nay có phong trào chơi nhạc sống “live show” trong các đám ma của giới đồng tính. Nếu gia chủ đồng ý, họ tình nguyện kéo đến ca hát, nhảy múa “giúp vui” mặc dù tang ma đang trong lúc bối rối.

Tại Mỹ hoặc các nước Tây Phương, tang lễ thường tổ chức vào những ngày cuối tuần để con cháu đi làm hay ở xa có dịp về tham dự. Tang lễ thường được tổ chức ở nhà quàn trang nghiêm và yên tĩnh. Có dịch vụ trọn gói từ a đến z cho thân nhân người chết tự do chọn lựa. Tùy theo quan tài tốt hay thường, các dịch vụ mai táng sang trọng hay trung bình, chôn hay thiêu, đất đai ở lô nào mà giá cả có chênh lệch và khác nhau.

Đám tang ở xứ Mỹ lại càng thiêng liêng, trang trọng và yên tĩnh. Những người đến chia buồn ăn mặc lịch sự và tươm tất. Phụ nữ Mỹ đi dự đám tang trang điểm đẹp chứ không bèo nhèo, nhếch nhác. Có những người thuộc giai cấp thượng lưu mặc những chiếc áo tang sang trọng, đội những chiếc mũ lông thời trang hay che những chiếc mạng đắt tiền. Tất cả là một màu đen. Cung cách của họ rất nghiêm trang, chuyện trò chừng mực khi đến chia buồn với tang gia.

Chuyện hậu sự của người chết cũng phản ánh được phần nào sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Mỹ, Việt.

Người Việt thích dịch vụ của những nhà quàn có người Việt làm quản lý để dễ thương lượng và có sự cảm thông. Trung bình chôn một người chết, giá rẻ nhất cũng từ năm đến sáu ngàn. Có những chi phí lên tới hai chục ngàn tùy theo lô đất và mộ bia nằm. Mộ bia đứng là hai mươi lăm ngàn. Nếu ít tiền, thân nhân có thể chọn nghĩa trang xa hơn trung tâm Little Saigon mất nửa tiếng lái xe, lô đất chỉ có khoảng hai ngàn, chi phí trọn gói khoảng bảy ngàn. Dịch vụ hỏa thiêu, quan tài, giấy tờ, linh tinh cũng vào khoảng bảy ngàn. Dù sao các nhà quàn trong cộng đồng người Việt ở Mỹ vẫn là nơi được người đồng hương yên tâm và tin tưởng giao phó “chuyện hậu sự” cho họ.

Ở Mỹ, đa số người Mỹ cho rằng chết là dịch vụ tốn tiền nhất bằng mua một chiếc xe hơi hay đám cưới. Cơ quan quản lý tang lễ tiểu bang Cali CFA ước lượng giá chôn cất ở các tiểu bang như Washington hay thành phố Atlanta cao hơn ở quận Cam có lẽ vì các tiểu bang đó không bị cạnh tranh nhiều như ở Cali. Luật sáu trăm năm mươi tám ra đời năm hai ngàn mười ba buộc các nhà cung cấp dịch vụ tang lễ phải ghi rõ chi tiết giá cả trên trang mạng cho người tiêu thụ chọn lựa như giá quan tài, thuê nhà quàn, trang điểm cho người chết, đào mộ, bia mộ, giá đất, thuê xe Limousine, hoa… Tính ra giá chôn cất rẻ nhất từ năm cho đến hai chục ngàn, giá thiêu từ ba ngàn rưỡi đến chín ngàn tùy theo chất lượng dịch vụ.

Trong các nghi lễ, nghi lễ quan trọng nhất trong tang ma đó là lễ động quan hay di quan. Tục lệ ngày xưa nếu ở thôn quê, thân nhân sẽ đi bộ đưa người chết ra nghĩa trang trong làng. Quan tài sẽ đặt trên chiếc xe kéo gọi là linh xa. Ở thành phố, các gia đình khá giả tiến hành lễ di quan rất phức tạp. Trước bảy lăm, trong Chợ Lớn, người Hoa còn giữ tục lệ này. Đám ma của họ rất dài, đông và ồn ào làm tắc nghẽn lưu thông. Họ có người đi đầu cầm ảnh hai vị thần mặt mày dữ dằn gọi là Phương Tướng dẫn đường. Một người cầm một bức hoành bằng vải trắng ghi bằng chữ Hán “ Hổ Sơn Vân Ám” nếu cha mất và “Dĩ Lĩnh Vân Mê” nếu mẹ mất. Qua đó, người đi đường có thể biết được người chết là đàn ông hay đàn bà. Tiếp đó là có người cầm hai đèn lồng trắng và cái minh tinh bằng vải đỏ ghi tên tuổi, chức tước, công trạng của người chết. Sau nữa là hai người khiêng hương án có nhang đèn, ngũ quả và bộ tam sơn gồm thịt quay, bánh, trái. Nếu có các nhà sư, họ sẽ vừa đi vừa tụng niệm.

Đám tang người Việt cũng như người Hoa ở Việt Nam thường có phường bát âm hay còn gọi là dàn nhạc ta. Khá giả hơn, tang chủ mời thêm dàn nhạc tây với kèn, trống, phèng la, chập chỏa vang lên om sòm đường phố. Con trai hay con gái của người chết ôm bức ảnh, bát nhang, chén cơm đi thành hàng. Một dãy những người mang các câu đối, liễn, trướng. triệu của những người phúng viếng tuần tự theo sau. Thân nhân đi sau xe tang một đoạn đường rồi mọi người mới lên xe buýt đến nghĩa trang làm lễ hạ huyệt hoặc đến lò thiêu. Dọc đường họ rải giấy tiền vàng bạc để “hối lộ” (lại hối lộ) cho ma quỷ đừng kéo quan tài chậm khó đi hay gây trở ngại dọc đường.

Đám tang của người chết theo đạo Phật thường mời các sư hay các thầy cúng đến làm lễ cầu siêu. Các chùa cũng có những nhà quàn cho người chết được làm lễ khâm liệm, phúng viếng và động quan. Nếu thiêu, chùa có gian thờ các vong. Thiêu xong, hũ cốt đặt ở chùa để vong hồn người chết có dịp nghe kinh. Nhà chùa sẽ cúng cơm và làm lễ cầu siêu trong vòng bảy tuần. Biết đâu nhờ “nghiệp” nhẹ mà các vong hồn siêu thoát được và đi đầu thai kiếp khác.

Nghi thức trong dân gian hiện nay vẫn còn “thất thất lai tuần” là nghi lễ cúng bảy tuần tính từ ngày chết. Sau bốn mươi chín ngày là cúng một trăm ngày. Sau một năm sẽ có ngày giỗ đầu gọi là tiểu tường, hai năm gọi là đại tường. Thân nhân thọ tang tùy quan hệ với người chết. Con cái thọ đại tang cha mẹ là ba năm. Vợ, chồng, anh, chị, em ruột là một năm. Do công ăn việc làm và kiêng cữ, thân nhân có thể làm lễ xả tang ngay khi hạ huyệt.

Đối với các tôn giáo khác như đạo Tin Lành có các mục sư làm lễ cầu nguyện ở nhà thờ. Các mục sư đọc kinh bình an cho người hấp hối, làm lễ Xức Dầu ký thác linh hồn cho Chúa để người chết an lòng ra đi hoặc đọc Kinh Thánh, dẫn những lời Chúa dạy để an ủi tang quyến và nhắc nhở người sống về ngày qua đời sắp tới của mình phải đối diện trước Chúa.

Đạo Công giáo có các vị linh mục làm lễ Xức Dầu là lễ quan trọng với người chết. Tang lễ được tiến hành theo ba giai đoạn. Canh Thức là giai đoạn đọc kinh cầu nguyện ở nhà, nhà quàn hay nhà thờ. Giai đoạn Thánh Lễ An Táng là giai đoạn các vị linh mục làm phép xác, rảy nước thánh, xông hương ở nhà thờ. Giai đoạn Nghi Thức Phó Dâng là nghi thức các linh mục, các vị phó tế và giáo dân cử hành ở mộ, lăng hay nhà nguyện. Nói chung, hình thức nghi lễ của đạo Công giáo đơn giản và trang nghiêm, tập trung vào sự cầu nguyện cho linh hồn được về nước Chúa hay lên cõi Thiên đàng. Những bài thánh ca là “lời cầu nguyện được hát lên” làm cho tang lễ ở nhà thờ thêm phần thiêng liêng mà không bi lụy.

“Nghĩa tử là nghĩa tận”. Tại xứ Mỹ, có những cụ ông, cụ bà lớn tuổi thường có nguyện vọng chôn cất ở quê nhà vì các cụ có tiền, còn con cháu đông ở Việt nam, con cháu ở Mỹ bận rộn không có thì giờ chăm sóc mồ mả cho các cụ. Vì thế mới có dịch vụ chết ở Mỹ nhưng chôn cất ở Việt nam.

Hiện nay “chuyện hậu sự” này có những nhà quàn như Peek Funeral, Thiên An Môn, An Lạc làm rất chuyên nghiệp. Tùy theo loại hòm tốt hay loại thường mà giá cả thay đổi. Một “package” trọn gói từ lúc lo giấy tờ hợp pháp ở Mỹ và Việt nam, khâm liệm, cúng kiếng theo nghi thức người Việt và tôn giáo, liên lạc với Việt nam và giao quan tài đến tận nhà, giá cả trung bình khoảng mười hai ngàn đến mười lăm ngàn trong thời gian một tuần. Nếu nhà quàn chỉ lo giấy tờ ở Mỹ và mang thi hài về, thân nhân ở Việt nam ra đón và lo việc chuyên chở quan tài từ phi trường về nhà, giá cả rẻ hơn vào khoảng từ bảy đến chín ngàn trong vòng hai tuần. Thai Airways Cargo là hãng chuyên chở đủ loại hàng hóa trong đó có quan tài của người Việt từ Mỹ về Việt nam.

Ngoài ra còn có dịch vụ gửi tro cốt về Việt nam chỉ có một trăm đô cho những đứa con ở Mỹ tôn trọng ý nguyện của cha mẹ muốn chôn cất ở Việt nam nhưng vì dịch vụ chuyên chở thi hài quá tốn kém đành phải đem thiêu. Tro cốt được cho vào hũ rồi gửi về Việt nam theo đường bưu điện. Giá cả như thế sẽ rẻ lại an toàn. Tóm lại, “Chuyện hậu sự” là chuyện lo liệu của người sống đối với người thân đã qua đời. Từ xưa cho đến nay, dù tổ chức dưới hình thức nghi lễ nào, tôn giáo nào, hoàn cảnh nào, người nằm xuống khi nhắm mắt, xuôi tay đều mong ước được “ngậm cười nơi chín suối”, hưởng nhan thánh Chúa”, “về miền Tịnh Độ”..v..v hay còn gọi là một cái chết bình an về một cảnh giới thiện lành.

“Sống hạnh phúc”. (1) là sống biết đủ, biết cho đi, làm nhiều việc thiện và biết buông bỏ để có được cái chết bình an. “Chết bình an” (1) vì người ra đi không luyến tiếc đời, vướng mắc người, chuẩn bị một chuyến đi xa cuối cùng sau khi đã làm tròn nghĩa vụ với bản thân, gia đình và xã hội.

Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu sẽ phôi pha những niềm đau nỗi khổ. Chuyện “sinh tử” mãi mãi vẫn là những câu hỏi có nhiều đáp án và “chuyện hậu sự” vẫn luôn luôn là chuyện dài nhân sinh hệ lụy của kiếp người.

Phùng Annie Kim

Chú thích: (1) “Sống hạnh phúc. Chết bình an”. Sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ý kiến bạn đọc
27/03/201712:16:08
Khách
Năm xưa tôi làm cho cơ quan không gian NASA thông qua ba hãng Lockheed, Boeing và Spacehab ở Houston gần 15 năm. Lúc đó có một tỷ phú Mỹ đã bỏ ra 400 triệu đô la tính làm một chiếc phi thuyền loại bỏ túi để bán vé cho những “dư nhân” muốn lên không gian dạo chơi. Ông ta nghĩ sẽ kiếm được cả ngàn khách hàng trên thế giới và bán mỗi vé 1 triệu đô thì ông sẽ kiếm về sơ sơ 600 triệu đô.
Ông sếp lớn của tôi bỏ Boeing qua làm và có gọi tôi qua vì hãng rất chịu chi. Ông khoe hãng sẽ bán được nhiều vé hơn dự tính vì nhiều vị khách hàng còn muốn mua vé để mang xác họ vào không gian sau khi chết. Họ tin rằng xác sẽ không bị phân hủy và du hành trong tới một vũ trụ khác rối biết đâu gặp một loại người thông minh hơn làm họ sống dậy hưởng “lạc thú” mới.
Tôi từ chối qua làm sau khi ông khoe cái ý tưởng “không táng” với lý do tôi là một chuyên viên kỹ thuật chứ không phải là một người lo việc hậu sự.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,496