Hôm nay,  

Học, Học, Và Học

23/03/201700:00:00(Xem: 29901)

Tác giả: Hoàng Đình Minh Long
Bài số 5076-18-30776-vb5032317

Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration; Đã tham gia VVNM từ 2003 với 4 bài viết tươi tắn, tinh tế và tử tế. Mong Hoàng Đình Minh Long tiếp tục nhịp viết mới.

* * *

blank
Tác giả, sân trường Rio Hondo hè 1992.

Có lẽ vì yêu môi trường an bình và trong sáng của trường học mà tôi đã đi học khá nhiều trường khi qua Mỹ. Chính xác là tôi đã học tất cả 6 trường (3 đại học cộng đồng và 3 trường đại học 4 năm) trong vòng hơn 10 năm. Tuy đi học không làm ra tiền như đi làm nhưng nó có những niềm vui mà mình chỉ có được nơi trường học. Nhờ đi học nhiều trường mà tôi gặp được nhiều nhân vật nổi tiếng (ca sĩ La Sương Sương, ca sĩ Loan Châu, nhạc sĩ Nam Lộc...) và nhiều cảm nghiệm vui buồn để hôm nay có dịp kể lại cho quí vị. Trước khi kể về kinh nghiệm đi học đại học tại Mỹ, tôi xin đưa quí vị trở về Việt Nam hơn 25 năm trước.

Vào tháng 9 năm 1988, tôi bắt đầu bước vào chương trình trung học tại trường Phú nhuận, trước 1975 là trường thánh Tô ma của nhà dòng Đa minh Ba chuông, bị CSVN tịch thu và đổi tên thành PTTH Phú nhuận. Hầu hết các bạn bè trong khu Kiến thiết của tôi vào lớp A7 trong khi tôi thì lại lọt vào lớp A2. Cách lớp A2 của tôi hai phòng học là lớp A5 của ca sĩ La Sương Sương, tên thật là Trang. Dù lúc đó chưa nổi tiếng bằng khi qua Mỹ sau này, Trang đã đi hát tại một vài tụ điểm ca nhạc tại Sài gòn. Hôm văn nghệ mừng kết thúc học kỳ một vào tháng 12 năm 1990, Trang hát bài "Tà áo em" của nhạc sĩ Thanh Tùng khá hay. Tuy học cùng khối nhưng vì không cùng lớp và lớp học cách nhau khá xa (hai lớp A3 và A4 ở giữa) cho nên dù gặp nhau mỗi ngày, tôi ít tiếp xúc với Trang. Sau này qua Mỹ, Trang nổi tiếng với cái tên sân khấu La Sương Sương.

Sau năm lớp 10 kết thúc, hè năm 1989 tôi và Dũng, một người bạn cùng xóm nhưng học lớp A7, ghi danh học thêm lớp hè tại nhà của thầy Nguyễn Trường Sinh, gần rạp hát Minh châu. Thầy Sinh là giáo viên toán của trường Marie Curie. Hầu hết các học sinh trong lớp học thêm của thầy là từ Marie Curie. Chỉ có Dũng, tôi và một bạn gái khác là từ trường Phú nhuận.

Dù là lớp học thêm, thầy Sinh khá nghiêm khắc khi bắt học trò phải ngồi theo sự sắp xếp của thầy. Lớp học có 4 dãy bàn và mỗi bàn chứa được khỏang từ 4 đến 5 học sinh. Thầy bắt mấy bạn nhỏ con ngồi các bàn phía trước và các bạn cao to ngồi bán phía sau. Dũng và tôi ngồi cái bàn sau cùng sát vách tường với Hoàng, Khải, Phú, Hải và ca sĩ Loan Châu. Vì không đủ bàn cho nên 7 đứa chúng tôi ngồi co cụm tại chiếc bàn cuối phòng học. Loan Châu là nữ sinh duy nhất trong bàn chúng tôi.

Trường Marie Curie hình như rất thích văn nghệ vì hầu như tuần nào các bạn và thầy Sinh cũng bàn thảo và bình luận về các chương trình văn nghệ của trường. Bạn Hải ngồi cùng bàn chúng tôi hay ôm ghi ta và bàn luận văn nghệ rất hăng say. Tuy vậy tôi không biêt là Loan Châu có tài ca hát như sau này vì lý do sau đây.

Vào thời kỳ đổi mới (sau 1986), các bác bán kẹo kéo cũng đổi mới cho theo kịp thời đại. Hồi thời kỳ bao cấp thì người bán kẹo kéo chỉ có cái xe đạp và cây kẹo kéo. Người bán kẹo nếu siêng năng thì rao kẹo bằng miệng còn lười thì cứ đạp xe vào xóm là con nít bu lại mua.

Thời mở cửa, các bác bán kẹo kéo sắm sửa rất dữ dội: ngoài cây kẹo, chiếc xe đạp có một máy CD và một giàn loa cực mạnh. Để có năng lượng cho máy CD và giàn loa, phía sau là một bình ắc qui. Xe kẹo nào sang hơn nữa thì còn có cả một giàn đèn sáng choang. Đi tới đâu, các bác bán kẹo cũng mở cái loa tối đa. Nhiều khi tiếng nhạc quá lớn làm rung rinh nhà cửa.

Cứ học khoảng nửa tiếng là chúng tôi được một xe bán kẹo kéo thời đổi mới phía ngoài sân cho nghe mấy bản nhạc bolero như "Đời tôi cô đơn", "Phố đêm" do các ca sĩ Tuấn Vũ hay Hương Lan hát. Nhạc kẹo kéo lớn át cả tiếng của thầy Sinh đang giảng bài. Mỗi khi như thế, thầy Sinh phải ngừng giảng để chờ cho xe kẹo kéo đi qua.

Trong lúc "giải lao" vì xe kẹo kéo thì hầu hết các bạn trong lớp đều xôn xao bàn tán về mấy bản nhạc bolero và ca sĩ Tuấn Vũ, Hương Lan. Các bạn và thầy Sinh là người hâm mộ của loại nhạc bolero và hai ca sĩ này. Riêng tôi, vào thời gian ấy chỉ thích nghe nhạc ngọai quốc vì các bản nhạc bolero này không hợp với cái gu nghe nhạc của tôi. Tôi để ý thấy Loan Châu chỉ ngồi cười tủm tỉm khi thầy và các bạn khác mê mẩn với nhạc bolero. Sau này, qua Mỹ thấy Loan Châu hát trên Asia và Thúy Nga hát nhạc sang, tôi mới hiểu cái ngụ ý sau nụ cười tủm tỉm kia.

Một hôm, vào ngày học đầu tuần, khi vừa ngồi vào bàn, Loan Châu nhìn tôi hỏi:

"Hôm qua Long đạp xe chở ai đi ngang qua hồ Con rùa?"

"Sao Châu biết?" - tôi ngạc nhiên

"Thì Châu chạy phía sau thấy!"

Ngoài Loan Châu ra, tôi cũng thỉnh thoảng gặp các bạn học thêm với thầy Sinh tại nơi khác trong thành phố và sau này cả tại Mỹ. Khi tôi đi học tại UCLA (sẽ viết chi tiết phần dưới), một hôm tôi đang lang thang trong công viên trường thì gặp lại Phú, một người ngồi chung bàn với tôi khi chúng tôi học thêm tại nhà thầy Sinh năm nào. Cả hai đều bất ngờ khi gặp lại sau nhiều năm.

Cuối tháng 1 năm 1992, tôi chính thức sống cuộc đời sinh viên tại Mỹ khi đi học tại đại học cộng đồng Rio Hondo. Vào năm 1992, ghi danh lớp học là một cực hình vì lúc đó công nghệ chưa phát triển như hiện nay. Sinh viên chúng tôi phải lấy một mẫu đơn ghi danh va điền vào trong đó các lớp học mình muốn. Phía dưới là các lớp dự bị để trong trường hợp các lớp mình muốn đã đầy chỗ. Chúng tôi phải xếp hàng thật lâu để đến được cái cửa sổ ghi danh. Nhân viên nhà trường cầm giấy ghi danh và đánh các chi tiết vào máy tính.

Sau hai mùa học thì kỹ thuật điện thoại phát triển cho phép sinh viên ghi danh lớp qua điện thoại. Để tránh cho đường dây điện thoại không bị quá tải, mỗi sinh viên được trường cho khoảng 15 phút vào một thời điểm nhất định. Nếu bấm điện thoại không kịp trong 15 phút này thì phải đợi vài ngày sau mới được dùng điện thoại để ghi danh lớp. Nhà trường nhắc đi nhắc lại là trước khi gác điện thoại, nhớ bấm số 1 để lưu các lớp mình muốn. Nếu không kịp bấm số 1 thì hệ thống ghi danh sẽ không lưu lại những gì mà sinh viên đã nhấn vào. Rât nhiều bạn của tôi không làm điều này và kết quả là khi tới ngày tựu trường, tên các bạn không có trong danh sách điểm danh của giáo sư. Dù ghi danh qua điện thoại không tân tiến bằng qua internet như hiện nay nhưng nó đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc cho cả nhà trường lẫn sinh viên.

Vì trường Rio Hondo không có lớp hóa hữu cơ, đầu năm 1993, tôi chạy qua trường East LA College lấy lớp hóa hữu cơ bên đó. Tôi vẫn học toàn thời gian ở Rio Hondo và học lớp hóa hữu cơ 2 tiếng một tuần ở East LA. Tại East LA college, trong lớp hóa hữu cơ có rất nhiều người Việt nam. Tôi kết bạn với vài anh em và sau đó trở thành bạn thân trong một thời gian dài, ngay cả sau khi tôi học xong lớp hóa hữu cơ. Như vậy, East LA college là trường đại học cộng đồng thứ hai tôi theo học.

Vào hè năm 1994, tôi lại chạy qua trường Pasadena City College (PCC) để học lớp vật lý vì trường Rio Hondo chỉ có lớp này vào mùa xuân. Cả 3 mùa xuân học tại Rio Hondo tôi đều không lấy được lớp vật lý vì lớp đã đầy học sinh khi tới lượt tôi ghi danh.

Vì là mùa hè, trường PCC tổ chức cuộc gây quỹ thường niên rất đặc biệt mà tôi không thấy các trường khác hay bất cứ nơi nào có. Giáo sư mặc quần áo tắm ra ngồi trên khán đài bên bờ hồ bơi. Đám học sinh ngồi bên khán đài đối diện. Học sinh bỏ ra $2 trả cho ban tổ chức và chọn tên một giáo sư. Giáo sư “được” học trò mua phải nhảy xuống hồ bơi một vòng trước khi trở về chỗ ngồi. Những vị giáo sư nào chấm điểm khó trong năm học luôn là “món hàng” được các học trò ưa chuộng và “mua” nhiều nhất. Đúng là nhất quỉ, nhì ma thứ ba học trò. Vị giáo sư dạy môn điện ảnh được các học trò chiếu cố rất tận tình. Các học trò, khoảng trên 20 đứa, kết hợp với nhau để thay phiên “mua” vị giáo sư nọ. Ông vừa leo ra khỏi hồ, lấy cái khăn lông đi về chỗ ngồi. Chưa kịp ngồi xuống thì đứa tiếp theo lại “mua” ông. Cứ như thế ông phải nhảy xuống hồ khoảng 20 lần liên tục trong buổi gây quĩ năm đó.

Nước Mỹ là nước dân chủ hàng đầu thế giới là vì mọi việc họ làm đều với một đầu óc cởi mở. Cách gây quĩ của trường PCC kể trên là một ví dụ. Một ví dụ khác là cuối mùa học, các sinh viên có dịp để cho điểm ngược lại cho các giáo sư. Điều này giúp các giáo sư phải đối xử công bằng và có trách nhiệm với sinh viên. Nếu giáo sư cho bài quá khó, quá nhiều bài hoặc giảng dạy không tốt thì cuối năm các học sinh sẽ đánh giá họ thấp.

Sau gần ba năm học tại 3 đại học cộng đồng (Rio Hondo, PCC và East LA college), tôi nộp đơn vào các trường đại học 4 năm tại miền nam California. Tiểu bang California có hai hệ thống đại học 4 năm: Cal State và UC. Tại các trường thuộc Cal State, các giáo sư tập trung nhiều vào vấn đề giảng dạy và bằng cao nhất họ cấp cho sinh viên là cao học. Các giáo sư bên hệ thống UC thì chú trọng về nghiên cứu nhiều hơn là giảng dạy và các trường UC cấp cho sinh viên là bằng tiến sỹ. Đương nhiên là tiêu chuẩn để được nhận vào trường thuộc hệ thống UC cao và gắt gao hơn là hệ thống Cal State.

blank
Hồ nước trường PCC,1993.

Hệ thống UC [1] chỉ có 9 trường đại học là:

- Bắc Cali: UC San Franciso, UC Davis, UC Santa Cruz, UC Merced,

- Trung Cali: UC Santa Barbara

- Nam Cali: UCLA, UC Riverside, UC Irvine và UC San Diego.

Tôi nộp đơn vào 4 trường UC miền nam Cali và trường UC Santa Barbara miền trung Cali. Để chắc ăn, trong trường hợp không trường UC nào thèm nhận, tôi cũng nộp đơn vào hai trường Cal State gần nhà.

Hệ thống Cal State [2] thì có tới 23 trường trải khắp tiểu bang California. Tiêu chuẩn vào các trường này tương đối dễ. Cả hai trường Cal State mà tôi nộp đơn đều gởi thư trả lời nhận tôi rất sớm. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa trả lời họ ngay vì muốn chờ xem các trường UC có nhận tôi không.

Trường UC đầu tiên trả lời là họ nhận và mời tôi tham quan trường vào tháng 12 năm 1994 là UC Santa Barbara. UC Santa Barbara nằm tại miền trung California tương đối yên tĩnh và rất đẹp. Tuy nhiên, tôi cũng chưa vội trả lời ngay vì trường này khá xa nhà cho nên cuối tuần muốn về nhà cũng hơi khó. Vả lại, khi học tiếng Anh qua cuốn Streamline lúc còn ở VN, tôi nhớ có nghe cuộc đối thọai của hai bà mẹ trong đó một bà tự hào khoe rằng con bà sẽ vào UCLA học. Cuốn Steamline giải thích rằng UCLA là chữ viết tắt của University of California at Los Angeles. Từ hôm đó tôi đã ôm mộng học UCLA.

Sau khi tất cả các trường kia trả lời họ nhận tôi, UCLA là trường cuối cùng gởi thư. Hồi hộp mở thư, tôi vui mừng vì họ cũng nhận tôi và mời đi tham quan trường vào tháng 2 năm 1995. Thư của UCLA cho biết là tôi cần có mặt tại trường lúc 8 giờ sáng đầu tháng 2 năm 1995 để tham quan trường.

Nhà tôi cách trung tâm thành phố (downtown) khoảng 10 dặm về phía đông trong khi UCLA nằm cách downtown khoảng 15 dặm về phía tây. Nếu không kẹt xe thì tôi chỉ tốn 30 phút lái xe từ nhà đến UCLA. Tuy nhiên, vì giao thông tắc nghẽn tại downtown vào buổi sáng, tôi phải tốn gần 90 phút lái xe. Vì vậy, tôi phải thức dậy lúc 5:30 để đến trường cho kịp tham gia đoàn sinh viên tham quan.

Trời California tháng 2 lúc 5:30 sáng còn tối om. Tôi mắt nhắm mắt mở thay đồ, chụp vội vài cái bánh lạt rồi ra xe để "ra đi khi trời còn tối" cho kịp giờ tới UCLA. Lúc ngồi lái xe, tôi mở radio lớn để bớt buồn ngủ. Ngoài ra, tôi quay kiếng xe xuống cho gió lạnh lùa vào cho tỉnh ngủ. Tuy nhiên, vì đang tuổi ăn ngủ cho nên tất cả các phươhg thức trên đều không hiệu nghiệm. Khi vừa vào bãi đậu xe UCLA, tay nhân viên nhoẻn miệng đòi $15 tiền đậu xe. Cơn buồn ngủ bất trị nãy giờ bỗng dưng tan biến. Tôi tỉnh hẳn người khi đau khổ và tức học máu móc ra $15 trả tiền đậu xe. Thế đấy, cái giá (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) phải trả cho việc đi học một trường danh tiếng khá đắt.

Đám sinh viên tương lai chúng tôi, khoảng 10 người, được một sinh viên năm thứ 3 người Mỹ đen hướng dẫn đi tham quan trường. Cô sinh viên thứ 3 kể rằng khi mới vào UCLA, cô muốn học ngành tiếng Anh để sau này trở thành một đại văn hào viết thật nhiều sách. Tuy nhiên sau năm đầu, cô vỡ mộng khi nhận ra giấc mơ của cô không dễ trở thành hiện thực. Hiện tại cô đã đổi qua học về tâm lý. Cô kể cho chúng tôi điều đó để nhắc nhở chúng tôi là hãy chuẩn bị tinh thần cho những ngày tháng sắp tới và rằng chúng tôi nên có phương án phụ nếu phương án chính bị thất bại.

UCLA một trường đại học lớn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì khuôn viên nhà trường quá rộng lớn, nhà trường phải có cả một đội xe bus chạy quay trường để chở học sinh từ khu này qua khu khác. UCLA vào thời điểm 1995 có khỏang hơn 30,000 sinh viên theo học.

Dù rằng một số lớn các sinh viên ở nội trú hay mướn các căn hộ gần đó, số sinh viên lái xe tới trường mỗi ngày như tôi vẫn rất đông. Tuy có tới vài chục bãi đậu xe, UCLA vẫn không có đủ chỗ đậu xe cho mọi người. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết là giá mua một thẻ đậu xe là $128 cho một mùa học dài 10 tuần lễ. Một năm có 3 mùa học cho nên một sinh viên phải trả tổng cộng gần $400 cho thẻ đậu xe.

Đám lính mới chúng tôi đang than vãn về việc thẻ đậu xe quá mắc mỏ thì hướng dẫn viên bồi thêm một cú làm chúng tôi đo ván luôn. Dù giá thẻ đậu xe mắc như thế, không có nghĩa ai muốn mua cũng được. Vì số người muốn mua quá đông và các bãi đậu xe không đủ sức chứa, nhà trường phải sử dụng phương thức bốc thăm.

Việc bốc thăm có hai vòng. Vòng một phân định xem ai được mua thẻ đậu xe. Vòng hai là xem coi bãi đậu xe nào mình được mua. Dù $400 là số tiền rất lớn cho một sinh viên nghèo, chúng tôi phải bỏ tiền ra và hy vọng mình được may mắn trong việc bốc thăm. Số tôi rất may mắn khi vượt qua được vòng một. Trong vòng hai, tôi được chọn mua thẻ đậu xe cho bãi số 6. Đây là bãi đậu ngay cổng chính của UCLA và là bãi đậu gần nhất.

Sau bãi đậu xe là tới việc ghi danh lớp học. Tôi ghi danh cho ba lớp. Lớp hóa hữu cơ vào lúc 10 giờ sáng thứ ba và thứ năm. Lớp vi sinh vật vào lúc 13 giờ thứ hai và thức tư. Cuối cùng là lớp xã hội học Việt nam vào lúc 19 giờ chiều thứ năm. Lớp xã hội học do giáo sư Phạm Cao Dương giảng dạy và hơn 99% sinh viên là Việt nam. Tuy cả thầy và trò đều là VN, sách vở cũng như bài giảng là tiếng Anh. Lớp này giúp sinh viên tìm hiểu về người Mỹ gốc Việt.

Để giúp cho lớp học thêm thú vị, giáo sư Dương mời hai vị khách tới để nói về người Mỹ gốc Việt. Người thứ nhất là nhạc sĩ Nam Lộc và người thứ hai là nhà báo Lê Đình Điểu. Hôm nhạc sĩ Nam Lộc đến nói chuyện, các sinh viên Việt nam (dù hầu hết là lớn lên tại Mỹ và tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt) đặt rất nhiều câu hỏi cho ông. Hầu hết các câu hỏi liên quan đến chính trị, xã hội và văn hóa. Vì thời gian có hạn mà người đặt câu hỏi quá nhiều, giáo sư Dương đành phải giới hạn số câu hỏi khi lớp sắp hết giờ. Tôi may mắn được giáo sư Dương chỉ mặt và báo cho biết tôi là người đặt câu hỏi cuối cùng vì nhạc sĩ Nam Lộc có việc phải đi trong vòng một phút. Khi tôi hỏi là nhạc sĩ Nam Lộc đã viết được bao nhiêu bài hát thì tất cả mọi người cười ồ vì câu hỏi của tôi hơi "khác người".

Nhạc sĩ Nam Lộc hăng say kể về các sáng tác của mình. Thú vị nhất là khi ông kể về bài "Mây lang thang". Câu chuyện này tôi đã được nghe nhạc sĩ Nam Lộc kể trong buổi thu hình của Hollywood By Night tại Knotts Berry Farm vào tháng 9 năm 1993. Đêm đó ban tổ chức có mời ca nhạc sĩ Lobo mà người VN rất quen thuộc qua các bài "How can I tell her about you", "I'd love you to want me". Tuy đã nghe nhạc sĩ Nam Lộc kể giai thoại thú vị về bài "Mây lang thang" tại Knotts Berry Farm, tôi vẫn thích thú nghe ông kể lại tại lớp học ở UCLA vì lần này ông kể bằng tiếng Anh. Nhạc sĩ Nam Lộc kể rằng bài "Mây lang thang", sau khi trở nên thông dụng tại VN, đã vượt biên giới và trở thành nổi tiếng tại Hồng kông. Giới trẻ Hồng kông thích bài này quá liền dịch bài hát sang tiếng Anh và tiếng Pháp mà không biết rằng bài này là nhạc Pháp do nhạc sĩ Nam Lộc dịch sang tiếng Việt.

Tuy lúc trước khi trả lời câu hỏi của tôi, giáo sư Dương cho biết là nhạc sĩ Nam Lộc có việc phải đi cho nên câu hỏi cuối cùng chỉ có một phút cho ông trả lời, sau khi câu chuyện về các sáng tác của mình, nhạc sĩ Nam Lộc đã tốn gần 15 phút. Ông ở lại lâu hơn dự tính ban đầu có lẽ vì được hỏi đúng vào sở thích của mình. Khác với không khí hơi khô khan khi trả lời các câu hỏi về chính trị và xã hội lúc đầu, cả phòng học tràn đầy tiếng cười khi nhạc sĩ Nam Lộc kể chuyện văn nghệ rất dí dỏm. Tất cả mọi người ra về với nụ cười thoải mái trên môi sau buổi học tối hôm đó.

Chương trình học của UCLA rất nặng. Sau giờ học tại lớp học, sinh viên vào các thư viện để học bài. UCLA có rất nhiều thư viện và hầu như lúc nào thư viện cũng không còn chỗ trống. Mùa học mùa xuân năm 1995 thư viện chính của nhà trường đóng cửa để trùng tu. Một thư viện tạm thời được dựng lên để có chỗ cho sinh viên học bài và nghiên cứu. Tôi hay vào thư viện tạm này sau khi ăn trưa để...ngủ trước khi học bài. Có một hôm tôi đang gục đầu xuống bàn học để ngủ thì một tiếng động nhẹ đánh thức tôi dậy. Mở mắt ra thì thấy một tờ giấy trước mặt. Tờ giấy có dòng chữ "Your secret admirer". Không biết ai là người bí mật ngưỡng mộ tôi lúc đó, nhưng sự kiện đó làm tôi cảm thấy vui vui cho đến ngày hôm nay.


blank
Lễ ra trường UCLA hè 1997.

Để tránh kẹt xe, tôi thường ở lại thư viện học bài đến 19 giờ mới lái xe về nhà. Vì ở trường cả ngày, tôi phải đem theo đồ ăn và thức uống. Tuy nhiên, vì phải mang theo nhiều sách vở cho nên số nước và đồ ăn đem theo bị giới hạn. Vì thế, nhiều khi đến sau giờ ăn trưa là đã hết nước uống. Sau khi học được vài tuần, tôi khám phá ra một căn tin của trường có cái máy bán nước ngọt. Tại máy này, sinh viên có thể lấy đá và nước lã miễn phí. Ai có tiền thì ra đây lấy nước ngọt như Coke, Sprite hay Dr. Pepper. Căn tin này còn bán đồ ăn giống như tại các shopping mall. Tại các bàn cho sinh viên ngồi ăn, tôi thấy có các bịch đường, muối và tiêu miễn phí. Thế là một sáng kiến nảy ra trong đầu tôi. Mỗi ngày tôi ra vườn hái một trái chanh mang theo. Khi uống cạn chai nước trong cặp, tôi vào căn tin lấy một cái ly rồi đổ đá và nước vào đó. Sau đó tôi ra bàn lấy vài bịch đường đổ vào ly nước đá. Cuối cúng thì tôi lấy con dao nhựa cắt trái chanh rồi vắt vào ly nước đá đường. Lúc đó tôi có thể ung dung thưởng thức ly nước chanh thật mát và ngọt.

Vì các giáo sư UCLA là những người rất giỏi [3] và để giữ danh tiếng cho trường, chương trình học của UCLA rất căng thẳng. Sinh viên phải học ngày học đêm để có được điểm tốt. Vì quá căng thẳng với việc học hành, để giảm bớt căng thẳng, vào đúng nửa đêm Chúa nhật trước tuần thi cuối mỗi mùa học, các sinh viên nội trúđồng loạt la hét một cách điên dại [4]. Một số sinh viên cảm thấy la hét chưa đủ, họ còn chạy lên chạy xuống các cầu thang trong chung cư. Vài sinh viên, kể cả nữ, còn cởi cả áo trong lúc vừa hét vừa chạy lên chạy xuống cầu thang. Rất tiếc tôi không ở trong chung cư nên không được tận mắt chứng kiến cảnh các bạn sinh viên la hét xả stress.

UCLA là một đại học có truyền thống thể thao rất mạnh, nhất là hai môn bóng rổ và bóng chuyền. Trong mười năm từ 1965 đến 1975, UCLA đoạt cúp vôđịch quốc gia giải các trường đại học (NCAA) 10 lần [5]. UCLA đãđào tạo ra những cầu thủ bóng rổ khét tiếng như Kareem Abdul Jabbar, Bill Walton, Reggie Miller, Russel Westbrook. UCLA đoạt cúp vôđịch lần cuối là vào năm 1995, vài tuần trước khi tôi nhập học. Vì truyền thống giàu thành tích này, mỗi khi đội bóng rổ của UCLA thi đấu tại sân nhà, rất nhiều cựu học sinh của trường, những người đã ra tốt nghiệp và thành đạt, cũng như họ hàng và bạn bè mua vé vào coi. Giá vé coi bóng rổ rất mắc và không phải ai có tiền cũng mua được. Sinh viên nghèo như tôi thì chỉ có thể đứng bên ngoài nhà thi đấu để cảm nghiệm cái không khí náo nhiệt của trận đấu chứ không có tiền mua vé vào coi. Tuy nhiên, tôi may mắn được học chung lớp sinh vật với Ed OBannon, một cầu thủ trụ cột của đội bóng rổ UCLA. Tôi với chiều cao 1.7m chỉ đứng tới ngực của Ed vì anh ta quá cao.

Bóng chuyền UCLA còn giàu truyền thống hơn bóng rổ rất nhiều. Trong lịch sử, UCLA đãđoạt cúp NCAA tới 19 lần [6]. Tuy giàu thành tích hơn bóng rổ, nhưng vì dân Mỹít thích bóng chuyền, mỗi khi đội nhà thi đấu, nhà trường phát vé miễn phí cho sinh viên vào coi đểủng hộ. Vốn mê thể thao mà lại được coi miễn phí, tôi lấy vé vào coi. Hai đội bóng chuyền và bóng rổ thi đấu tại cùng nhà thi đấu cạnh bãi đậu xe số 6. Khi đội bóng rổ thi đấu thì bãi đậu xe cũng như nhà thi đấu chật cứng. Ngược lại, thi đội bóng chuyền thi đấu thì nhà thi đấu chỉ có vài chục khán giả vào xem.

Môn thể thao thứ ba là bóng bầu dục. Dù UCLA không phải là trường nổi tiếng về bóng bầu dục, nhưng mỗi năm vào cuối tháng 10 khi UCLA đấu với trường bên cạnh là USC, cả trường háo hức chờ đợi trận đấu. UCLA và USC là hai kỳ phùng địch thủ. Sinh viên hai trường không ưa nhau. Vào đầu tháng 10 năm 1995, khi đi ra bãi đậu xe số 6 ngay cổng chính nhà trường, tôi đểý thấy tượng gấu Bruin, biểu tượng của UCLA, được bao trùm kính bởi một cái bao nylon. Sau khi tìm tôi mới biết đây là biện pháp phòng ngừa bị “đặc công” của USC làm nhục. Số là trong quá khứ, khi hai đội bóng bầu dục UCLA và USC thi đấu, sinh viên của hai trường lén gởi đặc công mang sơn qua xịt lên biểu tượng của đối thủ. Vì vậy mỗi năm nhà trường trùm tượng gấu lại vài tuần trước khi thi đấu bầu dục với USC.

Vào cuối mùa học của năm đầu tiên, hôm đó tôi đến bại đậu xe số 6 hơi trễ vì kẹt xe. Tuy nhiên, tôi vẫn cẩn thận bỏ đồ che nắng (sunshade) lên kiếng xe trước khi chạy vội vào lớp. Đến chiều ra xe thì thấy một giấy phạt gắn trên kiếng xe với giá phạt là $45. Giấy phạt ghi rằng tôi đậu xe không có giấy phép. Khi vào trong xe tôi thấy cái thẻ đậu xe nằm dưới sàn xe thay vì trên cái kiếng chiếu hậu. Thì ra lúc buổi sáng khi bỏ cái đồ che nắng lên, vì vội vã, tôi hất cái thẻ đậu xe rớt xuống sàn. Thế là tôi cầm cái thẻ đậu xe cùng cái giấy phạt ra phòng kiẻm soát đậu xe để giải thich. Người nhân viên, sau khi nghe tôi giải bày, ra vẻ thông cảm:

“OK, vì bạn có thẻ đậu xe, tôi sẽ xóa bỏ giấy phạt này”

Tôi đang hớn hở thì cô ta bồi cho một câu xanh rờn:

“Nhưng, bạn phải trả $15 lệ phí in giấy phạt”

Trời đất quỉ thần ơi, không biết họ xử dụng giấy mực quí hiếm cỡ nào để in giấy phạt mà lệ phí những $15. Tôi rất ấm ức chuyện này vì dù mình đã phải trả những $128 cho thẻ đậu xe, nay lại bị đóng phạt $15 thì quá là phi lý. Dù tức học máu, tôi không còn lựa chọn nào ngoài việc trả tiền phạt.

Năm thứ nhì cũng là năm cuối, tôi không được may mắn trong vấn đề mua thẻ đậu xe như năm đầu. Trong cuộc bốc thăm, tên tôi được chọn. Tuy nhiên, trong vòng bốc thăm thứ nhì tôi chỉ được mua thẻ đậu xe cho bãi đậu xe số 32. Bãi đậu xe số 32 nằm trên đại lộ Wilshire, rất xa trường. Từ bãi 32, người đậu xe phải đón xe bus miẽn phí đểđi vào trường vì bãi đậu xe này cách trường khoảng 3 dặm. Dù vậy, giá cho thẻ đậu xe của bãi 32 cũng không rẻ hơn các bãi gần trường. Tôi quyết định không bỏ ra gần $400 để mua thẻ đậu xe cho một bãi đậu quá xa. Thế là năm học cuối, tôi phải đậu xe trong các con hẻm phía bên kia đường Wilshire rồi đi bộ tới bãi 32 đểđón xe bus đi vào khuôn viên trường.

Chung quanh UCLA là những ngôi chung cư rất đông dân cư mà hầu hết dân cư là sinh viên UCLA. Các chung cư này giá mướn rẻ hơn các chung cư nắm bên trong khuôn viên trường. Rất nhiều bạn bè của tôi sau khi ở chung cư của trường năm đầu, kéo nhau ra các chung cư quanh trường này để tiết kiệm tiền. Nhiều khi 5 hay 6 đứa nhét vào một phòng, dĩ nhiên là làm lén không cho chủ biết, chật ních để tiết kiệm tiền. Vì lý do này mà các con hẻm quanh UCLA lúc nào cũng đầy xe đậu hai bên đường. Nhiều hôm tôi phải chạy loanh quanh cả hơn 30 phút mới kiếm ra chỗ đậu xe. Từ các con hẻm này, tôi phải đi bộ khoảng 15 phút hay hơn nữa đểđến bãi đậu xe 32. Tại đây, trung bình tôi phải đợi khoảng 15 phút để lên xe bus. Xe bus phải tốn thêm 15 phút mới chở chúng tôi vào tới các lớp học.

Lúc tối học xong ra về thì tình trạng còn thê thảm hơn. Nhiều khi ra lớp trễ quá, xe bus hết chạy, tôi đành phải đi bộ hơn 3 dặm để ra xe. Cũng may là UCLA tọa lạc tại Westwood, một thành phố thuộc loại cao cấp cho nên an toàn. Dù phải đi bộ khá xa nhưng khi đi qua các cửa tiệm cao cấp, ngắm nhìn các món hàng mắc tiền vui mắt làm tôi quên bớt mệt nhọc.

Tại con đướng bên hông trái trước cổng chính của trường, mỗi tối thứ năm có chợ trời nông nghiệp rất vui. Cảnh sát chận hai đầu con đường không cho xe cộ ra vào để cho khách bộ hành thoải mái đi mua sắm. Các nông dân đem nông sản như rau củ và trái cây ra bày bán. Thích nhất là các gian hàng bán thức ăn nóng như tamale, tacos, burritos, burger, hotdog. Hầu như tuần nào tôi cũng lang thang chợ trời này để thư giãn đầu óc sau một tuần học hành căng thẳng.

Vì UCLA có cảnh trí rất đẹp, rất nhiều đoàn quay phim đã đến đây quay phim. Có một lần khi tôi vừa bước ra khỏi lớp học thì thấy các chuyên viên âm thanh, ánh sáng, trang điểm cũng như diễn viên đang làm việc hối hả để chuân bị quay phim. Hai anh, có lẽ bên VN gọi là làm nghề kéo màn sân khấu, đứng hai đầu của khu vực quay phim dặn dò những sinh viên UCLA chúng tôi là cứ tự nhiên đi qua chỗ quay phim; càng tự nhiên càng tốt vìđạo diễn muốn thâu một cảnh có nhiều sinh viên thật tự nhiên. Tuy chẳng có năng khiếu diễn xuất và cũng chẳng ai mời, tôi làm bộ như không biết, đi qua đi lại chỗ quay phim mấy lần để hy vọng được lọt vào ống kính màn bạc Hollywood

Thấp thoáng mà hai năm học đã qua đi. Tôi chuẩn bị thi lần cuối trước khi ra trường. Buổi thi diễn ra lúc 8:00 sáng. Để cho chắc ăn và phòng hờ bị kẹt xe, tôi rời nhà từ 5:30 sáng. Khi tới downtown nơi xa lộ 10 giao với xe lộ 110 và xa lộ 5 thì đã là 6:30, trễ hơn tôi dự tính 30 phút.

blank
Nhận bằng cao học điện toán của NSU năm 2007.

Khi xe tôi vào đoạn cầu chuyển đổi xa lộ thì coi như là giao thông đứng yên một chỗ. Ngồi trong xe khoảng 15 phút mà chẳng di chuyển được một phân. Sốt ruột quá, tôi mở radio lên nghe. Tin tức giao thông trên radio cho biết là có một xe vận tải 18 bánh bị lật ngay phía trước, cách chỗ tôi khoảng nửa dặm, và hóa chất trên xe đổ tràn đầy xa lộ. Vì xe tải bị lật thuộc loại vận tải lớn, cảnh sát phải gọi xe cần cẩu loại đặc biệt đến để cẩu xe bị lật lên. Lúc này tôi trong thế tiến thoái lưỡng nan vì đoạn xe lộ 10 này không có lối ra. Tin tức trên radio báo là loại xe cần cẩu lớn này rất hiếm cho nên phải lâu lắm xe bị lât mới được cẩu lên. Thế là tôi tắt máy xe và mang sách ra để ôn lại bài.

Học bài chán chê mà vẫn chưa thấy phía trước rục rịch gì cả. Khi rời nhà trời còn tối mà bây giờ mặt trời đã lên khá cao. Đến lúc thấy các xe phía trước nổ máy, nhìn đồng hồ, tôi quá thất vọng vì đã 8:30. Như vậy là buổi thi cuối năm đã diễn ra được 30 phút. Tôi hy vọng mình sẽ đến phòng thi lúc 9:00 và sẽ có 30 phút để làm bài được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tuy nhiên, vì tai nạn quá lớn, giao thông từ downtown đến UCLA rât chậm. Tôi đến đại lộ Wilshire vào lúc 9:30. Như đã kể phía trên, tôi phải kiếm chỗ đậu xe tại các con hẻm rồi chạy thật nhanh vào bãi 32 đểđón xe bus. Từ bãi 32, xe bus đưa tôi vào đến khuôn viên trường khoảng 15 phút. Lúc xuống xe bus, đồng hồ đeo tay đã chỉ 10:15. Vậy là buổi thi đã kết thúc và mọi người đã rời phòng thi.

Lúc này tôi thực sự lo lắng vì nếu không làm bài thi cuối năm, tôi sẽ không được ra trường và điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu khác. Sau khi ra trường 4 năm, tôi dư định nộp đơn xin vào các trưòng nha khoa vào mùa thu. Nếu tôi không ra trường mùa xuân thì tôi sẽ phải trở lại vào mùa thu để học lại; điều này có nghĩa là tôi sẽ bị trễ lại một năm vì các trưòng nha khoa chỉ nhận sinh viên vào mùa thu.

Với bao nhiêu lo âu về tương lai, tôi bước vào phòng của vị giáo sư. Khi thấy người phụ giáo đang ngồi tại bàn phía trước phòng, tôi trình bày lý do tại sao tôi đến trường trễ. Chưa kịp giải thích hết câu chuyện thì người phụ giáo vừa đưa tôi bộ đề thi vừa cười:

“Bạn vào trong kia làm bài thi đi. Trong đó có khoảng 10 bạn khác cũng vừa đến từ phía nhà bạn và cũng bị kẹt xe vì cái tai nạn lớn kia. Hồi nãy tôi có nghe tin tức trên radio và có nghe về vụ này”

Thế là tôi có toàn thời gian 90 phút để làm bài thi và có đu điểm để ra trường vào mùa hè năm 1997. Trong lúc chờ kết quả nộp đơn xin nhập học từ các trường nha khoa, mùa hè năm 1997, tôi quyết định ghi danh học lớp lập trình phần mềm tại trường Cal Poly University ở Pomona. Trường này thuộc hệ thống Cal State để ke ở trên.

Trường cách nhà tôi khoảng 15 phút về phía đông. Phải nói là thế giới máy vi tính đã hoàn toàn chinh phục tôi mùa hè năm ấy. Tôi mê vi tính đến nỗi khi nhận thư cùa trường West Virginia mời qua miền đông bắc để trường nha khoa phỏng vấn, tôi phân vân không biết có nên đi hay không. Nghĩ lại hai năm học cực khổ tại UCLA, tôi đành mua vé máy bay đe đi phỏng vấn với trường nha khoa West Virginia.

Tiểu bang Virginia, so với nam Cali, là một vùng quê hẻo lánh với những rừng cây thông bát ngát. Khi lái xe ngang qua khu phố Đức (German town), tự nhiên tôi thấy mình lạc loài sao ấy. Lúc đứng đổ xăng, những người gốc Đức họ nhìn mình với một ánh mắt rất lạnh lùng. Tôi vội lên xe và chạy thật nhanh ra khỏi cây xăng. Tuy nhiên, những con người tại trường West Virginia thì ngược lại. Mọi người đều rất thân thiện và vui vẻ.

Trong lúc ngồi chờ đến giờ phỏng vấn, tất cả các ứng viên ngồi làm quen với nhau. Chúng tôi tới từ mọi miền của nước Mỹ. Sau một ngày dài phỏng vấn, tôi ra bãi đậu xe khi trời đã chập tối. Xa lộ bên Virginia không có đèn như Cali. Xung quanh là một màu đen của rừng thông. Xa lộ rất ít xe.

Khi về lại Cali, nghĩ tới cảnh buồn nhà quê của Virginia và niềm say mê vi tính mới tìm thấy tại Cal Poly, tôi quyết định là nếu trường nha khoa West Virginia có nhận, tôi cũng sẽ không theo học bên đó. Hôm nhận được thư báo là trường nha khoa West Virginia nhận tôi vào chương trình đào tạo nha sĩ của họ, tôi đã thức trắng đêm hôm đó vì bị dằng co giữa tình (vì tôi quá yêu thế giới điện toán) và tiền (vì biết rằng sau này nghề nha sĩ sẽ nhiều tiền hơn nghề điện toán). Sau một đêm cân nhắc, tôi đi theo tiếng gọi của con tim. Thế là tôi chìm vào đam mê máy vi tính và quyết định lấy bằng cử nhân thứ nhì (bằng thứ nhất là sinh vật học tại UCLA) về điện toán tại Cal Poly.

Trường Cal Poly ngược hẳn với UCLA. Bãi đậu xe của Cal Poly rộng thênh thang và giá đậu xe thì chỉ có trên $100 cho cả năm học. Số sinh viên trong các lớp học cũng ít hơn. Một lớp có khoảng từ 25 đến 30 sinh viên. Vì sinh viên ít, cơ hội để sinh viên được gặp giáo sư rất dẽ dàng.

Chính vì sự đam mê vi tính mạnh mẽ mà mỗi mùa học tôi học hơn 16 chứng chỉ (12 chứng chỉ là toàn thời gian), tương đương 4 hay 5 lớp, mỗi mùa học. Dù học nhiều lớp, điểm tôi vẫn cao và được Raytheon nhận vào làm thực tập có lương chỉ sau hơn một năm rưỡi.

Sau 6 năm đi làm như là một lập trình viên, tôi xin Raytheon cho đi học cao học. Raytheon trả toàn bộ học phí cho tôi học cao học. Vì lập gia đình và có con nhỏ, tôi quyết định ghi danh học chương trình cao học qua mạng của trường Nova South Eastern University (NSU) bên Florida. Học chương trình này, tôi không phải tới lớp. Thầy giảng bài qua mạng lưới toàn cầu. Trò nộp bài cũng qua mạng. Lúc đó, con gái tôi mới sinh ra. Khi làm bài, tôi một tay bế con, một tay đánh máy tính. Người thân thấy vậy cứ chọc tôi là khi ra trường, nhớ yêu cầu nhà trường cấp cho con gái bằng cao học luôn.

Sau hai năm vừa học, vừa làm và vừa bế con, tôi ra trường với bằng cao học hạng ưu. Hôm ra trường, ngoài vợ và con gái, ba má tôi cũng bay theo qua Ft. Lauderdale bên Florida để trước là dự lễ ra trường, sau là du lịch một vòng Florida.

Có lẽ ít có người đi học nhiều trường như tôi. Hầu hết các em Việt nam thế hệ thứ hai trở đi khi ra trường trung học là vào thẳng đại học 4 năm chứ không phải học đại học cộng đồng như những người thuộc thế hệ của tôi. Khi tôi qua Mỹ xin vào trung học thì không được (vì đã 18 tuổi) và muốn vào đại học 4 năm thì không xong (vì chưa có điểm gì cả, muốn vào đại học 4 năm thì phải co điểm từ trung học hay đại học cộng đồng).

Việc tôi có hai bằng cử nhân từ hai hệ thống UC và Cal State cho tôi một kinh nghiệm quí giá để chia sẻ với quý vị hôm nay. Nếu ai muốn học cao hơn cử nhân (học bằng tiến sĩ, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ) thì nên theo học chương trình cử nhân tại các trường UC vì điều đó sẽ giúp quý vị tiến xa trên con đường học vấn. Còn nếu quý vị chỉ muốn học để lấy bằng cử nhân thì theo thiển ý của tôi không có hệ thông nào tốt hơn hệ thống nào vì những lý do sau đây.

Đúng là khi ra trường UC thì bằng cử nhân của bạn nhìn tốt hơn cử nhân từ trường Cal state. Tuy nhiên, nếu điểm học của bạn bên Cal State cao hơn thì khi xin việc cơ hội được việc của bạn cũng tốt như bằng cử nhân UC với điểm thấp hơn. Học phí bên Cal state rẻ hơn rất nhiều so với học phí bên UC.

Nếu bạn là người tự giác cao độ thì học trên mạng rất thích hợp cho bạn. Học trên mạng giúp bạn tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Bạn không phải lo kiếm chỗ đậu xe. Bạn không lo bị kẹt xe trên xa lộ và tiết kiệm tiền xăng nhớt. Tuy nhiên, nhược điểm của học trên mạng là bạn không được đối diện với giáo sư. Vì vậy, bạn phải tự giác thúc đẩy chính mình trong vấn đề học hành.

Ở Mỹ, học vấn luôn được xã hội khuyến khích. Chính phủ lúc nào cũng giúp đỡ sinh viên bằng các khoản trợ giúp tài chính. Những ai có chí thì cánh cửa giáo dục luôn mở rộng đón tiếp. Tôi, nay đã có gia đình và khá lớn tuổi, vẫn hy vọng một ngày nào đó được quay lại trường để lấy thêm cái bằng PhD (tiến sỹ) mà bạn học khi xưa hay đùa là cái bằng đi giao bánh pizza (Pizza hut Delivery).

Tháng 12 năm 2016

Hoàng Đình Minh Long

Nguồn tham khảo:

[1] https://www.universityofcalifornia.edu/uc-system/parts-of-uc

[2] https://www.calstate.edu/search_ find/campus.shtml

[3] https://www.ucla.edu/about/ awards-and-honors/

[4] https://dailybruin.com/1997/03 /09/finals-week-midnight-yell-appr/

[5] https://en.wikipedia.org/wiki/ List_of_NCAA_Men's_Division_I_Basketball_champions

[6] https://en.wikipedia.org/wiki/ NCAA_Men's_National_Collegiate_Volleyball_Championship

Ý kiến bạn đọc
23/03/201710:59:25
Khách
Hoan hô Long, cô hãnh diện có " chú" học trò giỏi & ngoan như tác giả " Học,học,học".
Cảm động khi nhớ về nơi mình ở ngày xưa: khu cư xá kiến thiết, vì của công ty xổ số kiến thiết bán cho dân( có Trần văn Trạch hát bài xổ số kiến thiết Quốc gia giúp đồng bài ta làm nên cửa nhà).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,321,473
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.