Hôm nay,  

Sinh Lão Bệnh Tử

03/03/201700:00:00(Xem: 23298)

Tác giả: Anne Khánh Vân
Bài số 5058-18-30758-vb5023017

Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Với 600 nhân viên, Mount Vernon, mỗi năm đón hàng triệu du khách. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu 2017.

* * *

blank
Anne Khánh Vân nhận “bàn giao” giải Chung Kết VVNM 2007 từ Nguyễn Duy An.

Từ ngày có gia đình sang ở gần, tôi “phong phú” được thêm một số “đức tính” cùng một số kiến thức, nhất là kiến thức về bệnh tật.

Những kinh nghiệm và học hỏi có đủ loại: từ đau lặt vặt nơi con trẻ như sốt nửa đêm phải đi cấp cứu, hay té lăn quay trên cầu thang lăn xuống bươu đầu sứt trán… đến mổ hạch, mổ ruột thừa, cắt bao quy đầu. Nói là lặt vặt nhưng khi nhìn thấy cu Khang còn thuốc mê, nằm im không cục cựa trong phòng hồi sức với con chim sưng vù với hàng chục mũi kim khâu như cái vương miện dựng đứng… ai cũng thất kinh hồn vía?!

Những bệnh tình hoặc quá trình khám nghiệm cầu kỳ nơi người lớn có thể là soi ruột và soi bao tử (endoscopy) để khám phá ung thư bao tử, hay soi mạch tim, thông và nông mạch tim (angioplasty) để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim … mất thời giờ và phức tạp hơn từ phần chuẩn bị đến việc chữa trị.

Rồi gần đây nhất là các chứng ung thư, đặc biệt là tuyến tiền liệt (prostate cancer). Tên căn bệnh này thì tôi có hay nghe tới, nhưng biết được bao nhiêu thì lại là chuyện khác. Chị bạn nghe chuyện tía tôi mắc bệnh, hỏi thăm “ung thư tuyến tiền liệt là ung thư gì hở em? Tuyến tiền liệt nằm ở đâu?” Nếu căn bệnh này không gõ cửa nhà tôi mà tôi biết tuyến tiền liệt là cái thứ tuyến gì thì tôi… chết liền á. Người nhà mắc phải mà kẹt không khá tiếng Anh để có thể tự đi bác sĩ và cần mình đi theo nên tôi phải tìm hiểu về căn bệnh để làm cái cầu trung gian giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Ngoài những bộ phận chung mà cơ thể nào cũng có, phụ nữ thì có các chứng như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung... Đàn ông thì ung thư tuyến tiền liệt (prostate). Tuyến tiền liệt, hay còn gọi là nhiếp hộ tuyến, có kích thước cỡ trái óc chó (walnut), nằm phía dưới bọng đái (bladder) và phía trước trực tràng (rectum). Ống nhỏ dẫn nước tiểu và tinh dịch đi suốt chiều dài của dương vật (pennis) sẽ đi ngang qua tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt cung cấp chất liệu dung môi giúp tinh trùng tồn tại và di chuyển dễ dàng đến trứng trong lúc giao hợp. Tuyến tiền liệt phì đại lần thứ nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên trong điều độ của kích tố nam (male hormone). Thời kỳ phì đại lần thứ nhì diễn ra trong độ tuổi 45-60. Tuyến tiền liệt không cần thiết cho suốt quãng đời sống, nhưng nó quan trọng cho việc duy trì giống nòi.

Khi ung thư tuyến tiền liệt ngày càng phổ biến nơi nam giới, kiểm tra độ bình thường của tuyến tiền liệt (PSA - Prostate-Specific Antigen) đã trở thành bắt buộc trong những kỳ khám bệnh hàng năm với mục đích phát hiện ung thư sớm để chữa trị kịp thời. Chỉ số PSA dưới 4 sẽ là bình thường. Từ ngoài 4 đến 10 sẽ thuộc ung thư với nguy cơ thấp. Trong giữa 10 đến 20 sẽ thuộc nguy cơ trung bình. Từ 20 trở lên sẽ là cao. Và kết quả PSA của tía Hai Lúa của tôi là 37.9 có nghĩa rất cao. Phải làm sinh thiết (biopsy) để xác định chắc chắn độ ung thư.

Quá trình thực hiện sinh thiết (Biopsy procedure) này sẽ nhéo ra một số mẩu tế bào của nơi khả nghi có ung thư để xét nghiệm. Kết quả sinh thiết của tía Hai Lúa tôi: trong 12 mẩu tế bào tuyến tiền liệt được lấy ra và làm xét nghiệm thì 10 mẩu có kết quả ung thư cao.

Hẹn với bác sĩ kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Theo dõi và chữa trị cho một bệnh nhân ung thư đòi hỏi sự kết hợp của nhiều bác sĩ. Bác sĩ chuyên khoa gặp gỡ gia đình tôi cũng là người đã làm sinh thiết cho tía tôi. Bà đã hội ý với đồng nghiệp chuyên chữa trị căn bệnh và giải thích tường tận cho gia đình tôi các nguy cơ có thể xảy ra nếu ung thư phát triển nhanh, và từ đó, các bước cần làm tiếp theo, cũng như các phương cách chữa trị sẽ tùy thuộc vào kết quả của những xét nghiệm sắp đến.

Rời khỏi văn phòng bác sĩ, mặc dù đã tìm hiểu về căn bệnh mấy tháng qua, song tôi vẫn có cảm giác như mình vừa ra khỏi tiết học chuyên về bệnh ung thư tuyến liền liệt – tôi biết thêm được cả lô kiến thức quan trọng, hữu ích về căn bệnh ấy. Bên cạnh nỗi lo âu về căn bệnh của tía, tôi cảm thấy tía mình đã may mắn có được những bác sĩ giỏi, tận tình, quan tâm chữa trị.

Một khi đã được xác nhận thật sự bị ung thư và ở mức nguy hiểm nào, bệnh nhân sẽ được đề nghị chụp hình quang tuyến X (X-ray) và cắt lớp bằng điện tử (MRI) để xem ung thư có đã di căn đi đâu hay chưa.

Đây là giai đoạn hồi hộp và căng thẳng nhất. Nếu ung thư đã di căng đi nhiều nơi trong cơ thể thì coi như hơi bị… kẹt hy vọng. Một người bạn đồng nghiệp của tôi có vợ bị ung thư bao tử. Khi phát hiện thì ung thư đã vào tủy. Chị được chữa trị bằng hết tất cả các cách: giải phẫu cắt đi bướu ung thư, xạ trị (radiation) cho vùng tủy xương bị ung thư lan đến, và hóa trị (chemo) để mong đánh bại tất cả các tế bào ung thư đang có bất cứ đâu trong cơ thể. Chị được chữa trị khoảng một năm thì qua đời, để lại ba đứa con đều dưới 18 tuổi. Đi đám chị, nỗi buồn thấm thía trong tôi. Người ta vẫn thường nói, “sinh lão bệnh tử”… nhưng chị ấy còn chưa bước qua tuổi 50!

Tôi đưa tía mình đi chụp quang tuyến X để dò ung thư trong phần mềm (nội tạng, bắp thịt) của cơ thể. Kế đó là chụp MRI, để dò ung thư trong các phần cứng (xương cốt). X-ray và MRI là những phương pháp định dạng những cấu trúc bất thường của sinh mô bằng những tần số và những bước sóng khác nhau. Nhược điểm của X-ray so với MRI là nó chỉ cung cấp những định dạng phẳng của những sinh mô bất thường trong nội tạng của cơ thể, chẳng hạn có thể thấy vết nám trong phổi, hay sạn trong thận... MRI thì sử dụng hiện tượng cộng hưởng của vật lý để cung cấp được những định dạng ba chiều bằng phương pháp cắt lớp. MRI không làm hại cho những sinh mô lành. Trong khi X-ray thì có thể. Bạn có nhớ khi đi nha sĩ mà cần chụp hình răng, chúng ta phải được phủ lên người miếng áo khoác bằng chì để các tia X-ray không làm hại đến những sinh mô lành trong cơ thể.

Tổng cộng thời gian cho quá trình chụp từ đầu xuống chân bằng cả hai phương pháp X-ray và MRI kéo dài từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ vì bệnh nhân phải uống gần 2 lít dung dịch phát quang trong nội tạng. Tôi xin bác sĩ cho ngồi nhìn màn hình chung với họ. Khi thấy một hình dạng gì mà con mắt không chuyên môn y khoa của tôi hổng hiểu nổi, tôi nhờ bác sĩ giải thích. Thế là lại được hiểu thêm một vài điều mới. Quả thật, kiến thức nào cũng có cái giá của nó.

Trong phòng chụp hình có nhạc thư giãn giúp bệnh nhân quên đi lo âu. Không biết khi nằm trong cái máy chụp hình đó, tía tôi đã suy nghĩ những gì vì bản tính ông rất “vô tư”... Tôi nhớ lại lần ông ngoại bên nhà đột nhiên ngã bệnh. Tôi chạy về ở bên ông ba tuần. Đưa ông vào nhà thương để siêu âm, xếp hàng chen chúc và chờ thật lâu, khi vào được trong và tới phiên ông ngoại được siêu âm, ông được các nhân viên siêu âm khoảng năm phút… Các cục ung thư cái to bằng trái cam, cái to bằng quả trứng, đã đi cùng khắp. Ông ngoại là tất cả của tôi. Nhìn ông, lòng tôi bể ra từng mảnh vụn …nhưng không dám tỏ ra lo âu thương xót. Ông thì nhìn xung quanh, nhìn lượng người bệnh chen chúc và chỉ muốn một điều, “Về nhà đi cháu ạ! Ông không sao đâu.” Ông đã ngoài 80. Quyết định để tâm ông được “yên” và cơ thể ông được “lành lặn”, gia đình tôi đưa ông về nhà, chuẩn bị phần tinh thần cho ông.

Hôm nay, không biết ông tía của tôi sẽ ra sao! Kết quả của buổi chụp hình hôm nay sẽ ảnh hưởng nhiều thứ trong gia đình. Những người trong nhà, từ người nhỏ tới người lớn, từ trẻ con tới người già, hổng ai biết gì nhiều. Nhiều giả thiết và kế hoạch chạy tán loạn trong đầu tôi. Trong những hoàn cảnh thế này, tôi chỉ kêu đến một người, một người ở tuốt trên cao đó!

Phải đi lung tung tứ bề và nếm trải đủ thứ mùi vị trong cuộc sống… Còn hiện hữu và đi đến được chặng đường này của cuộc đời, chẳng phải vì tôi hay ho hơn ai mà có lẽ vì tôi đã siêng cầu nguyện. Tôi tin tưởng Thượng Đế luôn đồng hành với sự cố gắng và thành tâm của mỗi người mình. Tôi nói với tía Hai Lúa, “Nếu ba chưa bao giờ tin có Thượng Đế, hoặc chưa bao giờ cầu nguyện… thì có lẽ đã đến lúc ba hãy bắt đầu tin và cầu nguyện, vì Thượng Đế có thể làm những điều con người không thể làm.”

Trước năm 75 thì tôi còn bé nên không nhận biết ba mình là người như thế nào. Nhưng từ năm 75 về sau, qua những gì tôi sống và chứng kiến khi còn gần gũi với gia đình thì có vẻ tía tôi đã mất đức tin vào ngày mai, rồi đâm nghi ngờ có chăng Thượng Đế. Nhưng tôi đã không ngừng chứng minh cho tía thấy. “Nếu không có Thượng Đế thì con, ba, và gia đình mình khó mà còn tới giờ này, lại càng chẳng bao giờ đặt chân đến được Mỹ. Ba sẽ không bao giờ được nằm trong cái máy “hiện đại” đó, ở cái nhà thương hạng nhất của nước Mỹ đó, và đang được chữa trị… dù ba không phải là triệu phú, mà cũng chưa đóng góp được cho nước Mỹ bao nhiêu.”

Xong tiến trình chụp hình, tôi đưa ba về nhà, rồi đi làm. Bác sĩ gọi điện thoại cho tôi trấn an, “Qua quan sát sơ khởi, tôi không thấy có gì trầm trọng. Sẽ chuyển hình chụp đến cho thêm một số bác sĩ chuyên xem hình. Chúng tôi sẽ liên lạc với cô ngay sau khi có kết quả chính xác. Đây là số phone của tôi. Cô có lo lâu hay thắc mắc gì hãy tự nhiên gọi.”

Từ hôm được tin tía có ung thư, gia đình tôi thay đổi chế độ ăn uống với sự hướng dẫn của những người bạn có kinh nghiệm và hiểu biết về bệnh học và cũng như những kiến thức về dinh dưỡng. Như tất cả mọi thứ Thượng Đế đã tạo ra, cơ thể của chúng ta cũng vô cùng thông minh; nó luôn tìm cách “đối thoại” với chúng ta. Cái gì quá nhiều thì sớm muộn gì cũng phải đến lúc ngừng lại; cái gì còn thiếu thì phải tìm cách thêm vô. Tía tôi ngưng ăn thịt đỏ, ngưng hút thuốc, ngưng uống rượu bia, bớt đường, bớt bột, bớt cay… Bù vào đó, ông ăn thêm đậu-hủ, cà-chua, cà-rốt, măng-tây… Thèm vị đắng và cay của bia hay rượu thì sẽ uống nước nấu từ dây khổ-qua. Nó cũng đắng và ngon y như bia!

Tía tôi hút thuốc chắc gần 50 năm… Chẳng dễ gì thuyết phục được ông bỏ thuốc. Nhưng khi phát hiện bị ung thư, có đưa thuốc dụ ông hút, ổng cũng hổng dám.

Cơ thể người hút thuốc tiết ra một loại cường toan (acid) có khả năng bào mòn và xé rách màng bao của những tế bào (membrance) trong cơ thể, mở cửa cho vi trùng và vi khuẩn có sẵn trong người vào trong các tế bào. Các vi trùng và vi khuẩn này sẽ ăn dần những chất bổ dưỡng trong tế bào, để rồi từ tình trạng mạnh khỏe ban đầu, các tế bào này sẽ bị hoại thư. Mầm ung thư bắt đầu mọc lên. Hiện tại vẫn chưa được xác định lý do chính xác dẫn đến ung thư. Chỉ biết ung thư là do sự biến dạng của DNA trong các tế bào. Khi cơ thể có nhiều tế bào trong tình trạng hoại thư, nó sẽ là cơ hội để ung thư phát triển nhanh khi ung thư xuất hiện.

Cứ mỗi lần tía tôi phải trải qua một quá trình xét nghiệm, làm sinh thiết hay chữa trị thì tôi phải thay mặt tía trả lời hàng trăm câu hỏi về quá trình sống của tía. Đâu phải trả lời “có hút thuốc” là xong. Câu hỏi kế tiếp sẽ là “mỗi ngày bao nhiêu điếu?” và người y tá sẽ làm một bài toán ngay trên điện thoại khi nói chuyện với tôi. Cô ta tính ra số điếu thuốc hút trong 50 năm qua. Dù tía tôi bị ung thư tuyến tiền liệt chứ không phải ung thư phế quản, thanh quản, phổi hay bao tử nhưng với độ cao của PSA (có nghĩa thuộc nguy cơ cao), ung thư có thể lan sang những chỗ khác nhanh ra sao vì màng tế bào không còn mạnh như những người bình thường, không hút thuốc lá khác.

Những lúc lái xe lui tới nhà thương là những lúc tôi thường nói chuyện với tía má vì khi về nhà, tôi lại phải chạy đi làm, lo nhiều việc khác. Tôi nghĩ chắc tía má cũng có khi “ngán” tôi chở họ đi nhà thương vì tôi hay “làm việc tư tưởng” với họ! Nhưng sorry nha… vì tôi quan niệm có thể hơi khác người ta một chút. Đã gọi là đối thoại thì phải thành lời. Có những đối thoại người ta thích nghe, có những đối thoại người ta không thích nghe, nhưng nếu chỉ nhìn nhau và nghĩ người kia chắc đã hiểu đã biết, không cần nói ra, rồi đòi hỏi người kia sẽ làm đúng, hoặc làm như mình nghĩ, thì kết quả có thể một trời một vực. Tôi nghĩ bụng, “Chắc tía biết cầu nguyện, có ai trên đời này lại không biết cầu nguyện?” nhưng cũng hổng chắc lắm nên tôi “đối thoại” với tía, “Khi cầu nguyện, ba cầu nguyện làm sao? Ba nói gì với ông Trời?” Tía ngần ngừ… Có lẽ vì hồi nào giờ chưa ai hỏi tía câu đó!

Tôi bèn kể chuyện cho tía nghe. “Sáng ra, trước khi ra khỏi nhà, con thắp nhang, cảm ơn ông Trời cho mình có một ngày mới. Lái xe ra khỏi nhà, con đọc kinh cầu xin cho con lái xe đến chỗ làm an toàn. Khi đến nơi, con lại đọc kinh cầu nguyện cho con có một ngày làm việc có hiệu quả. Trong ngày làm việc, khi xuất hiện những khó khăn rắc rối, con lại cầu nguyện cho con có khả năng giải quyết những gì cần thiết để hữu ích với những người xung quanh và cho nơi mình làm việc. Cuối ngày trước khi ngủ, con ôn lại mọi thứ diễn ra trong ngày rồi cảm ơn Thượng Đế, cầu sự bình an cho mọi người.” Còn những lúc cái túi chịu đựng trong con “cọp” bị đầy và nó nổi khùng lên thì sao? Con cọp đó còn cầu nguyện dữ hơn! Nó cầu nguyện cho cái con cọp trong người mềm mại lại, hiền hòa lại, kiên nhẫn hơn, biết chấp nhận và yêu thương hơn.

Ngoài chuyện thay đổi chế độ ăn uống, tía tôi cũng đi nhà thờ thường hơn. Ông có điều để cầu và nguyện. Ông đã ngộ ra sức mạnh của sự cầu nguyện và quyền năng cao cả của Tạo Hóa, bất kể mình ở đạo nào. Còn khuya mà dám thách đố ông Trời!

Qua nhiều ngày hồi hộp chờ đợi, đến ngày có kết quả của chụp hình toàn thân: “Chưa! Ung thư chưa đi đâu xa!” Bác sĩ gọi điện thoại báo tin cho tôi biết. Mọi thông tin kết quả bệnh tình của tía cũng cùng lúc được cập nhật trong hồ sơ trong nhà thương mà tôi có thể lên internet và vào xem chi tiết. Tôi điện thoại, nhắn tin báo tin cho cả nhà biết. Tin mừng này chắc cũng vui như tin đi vượt biên đến nơi bình an! Những suy nghĩ, kế hoạch và tính toán trong cái đầu của tôi bây giờ sáng lên và rẻ qua một nhánh, biết rõ hơn những gì sẽ diễn ra và cần làm.

Có bệnh nhân ung thư cả hai bên nội ngoại, tôi đã có dịp chứng kiến tiến độ của một số loại ung thư - sự khác biệt giữa các cách chữa trị, và kết quả tốt cũng như sự hũy hoại của từng cách chữa trị khi nó thích hợp hoặc đối nghịch với cơ thể. Như trường hợp vợ của anh đồng nghiệp bị ung thư bao tử - cơ thể chị ta không thích hợp với bất kỳ kiểu chữa trị nào. Xạ trị thì xạ trị. Hoá trị thì hóa trị. Ung thư vẫn y nguyên trước và sau. Và khi ngồi nghĩ lại, người chồng đã tiếc, “Cho làm lại, tôi sẽ không để vợ mình phải trải qua các hóa trị. Các hóa chất cho chạy trong người không giết ung thư mà giết cô ấy nhanh hơn.” May phước, ung thư tuyến tiền liệt có tử suất tương đối thấp. Khám phá kịp và chữa trị thích hợp, tỷ lệ bệnh nhân đánh bại được ung thư và sống còn có thể lên đến 90%. Quan trọng hơn cả cũng vẫn là sức mạnh tinh thần. Những tác nhân xung quanh sẽ có thể giúp hoặc làm mọi thứ thậm tệ hơn. Sự khuyến khích giúp bệnh nhân vững lòng, hoặc trầm trọng hóa vấn đề không cần thiết khiến tinh thần bệnh nhân thêm xuống thấp, sẽ có tính quyết định cho kết quả. Giễu cợt với bạn bè ra sao khi trò chuyện thì giễu cợt… thâm sâu trong lòng, tía biết rõ tía đã may mắn hơn triệu người khác ra sao!

Trước hết, tía sẽ được trị kích tố nam (male hormone) – chích một lần mỗi ba tháng. Từ ngày đó, tía tôi được theo dõi độ tiến hay lui của độ ung thư PSA để xem những chữa trị ảnh hưởng đến chứng ung thư trong người tía ra sao. Ngay hôm bắt đầu được chữa kích tố nam, tía được thử độ ung thư PSA. Lại một phép lạ! Độ ung thư ban đầu là 37.9, và chỉ sau một vài tháng “ăn chay” đã giảm xuống 18.6.

Nếu người đàn ông đã cao tuổi, không còn nhu cầu sinh lý, mắc ung thư tuyến tiền liệt và ung thư chưa di căn, giải phẫu cắt bỏ tuyến tiền liệt sẽ có lẽ là giải pháp thích hợp nhất. Tía tôi chọn giữ lại tuyến tiền liệt và làm xạ trị – cũng là góp ý của các bác sĩ. Ba tháng sau khi được trị hormone, tía tôi được làm xạ trị - Tùy thuộc vào độ nặng nhẹ của ung thư, bác sĩ chuyên trị xạ trị sẽ tính toán và đề nghị số lần làm xạ trị. Tía tôi sẽ trải qua 44 lần xạ trị. Xạ trị này rất nhẹ nhàng. Tía chỉ nằm vào máy như hôm người ta chụp hình X-ray toàn thân, và thời gian chiếu tia vào tuyến tiền liệt để diệt ung thư mỗi lần vậy sẽ kéo dài khoảng 10 phút. Nhưng làm sao mà biết tuyến tiền liệt nằm chính xác ở đâu, phình to ra bao nhiêu,… để mà nhắm máy “radiation” chiếu vào? Và đây là lúc tôi lại được học thêm một tiết học lý thú.

Người ta đi trám răng hay bọc răng bằng vàng, chứ có ai biết tuyến tiền liệt cũng có thể được gắn vàng? Bác sĩ chuyên “đóng mộc” vàng vào tuyến tiền liệt sẽ đưa một thiết bị vào tuyến tiền liệt và đóng ba dấu bằng vàng vào tuyến tiền liệt. Ba miếng vàng đó sẽ giúp máy phóng xạ định vị tuyến tiền liệt. Ngoài ra, để giới hạn vùng được làm xạ trị một cách chính xác - chỉ trong khoảng giới hạn của tuyến tiền liệt, chứ không quá lan rộng ra những vùng xung quanh mà làm hại đến những vùng còn mạnh khỏe khác - các bộ phận xung quanh tuyến tiền liệt phải được xác định rõ vị trí cũng như kích thước. Và để đạt được kết quả cao nhất, y khoa đã tìm ra giái pháp vô cùng hữu hiệu: tía tôi đã được đưa vào một chế độ sinh hoạt thật điều độ để các bộ phận trong người ông, nhất là ở vùng cần được chữa bệnh, cũng nằm yên trong ấy thật điều độ. Nghe thì có vẻ mơ hồ và buồn cười, nhưng chính xác là vậy. Nếu bệnh ung thư tuyến tiền liệt này mà không gõ cửa nhà tôi thì tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi và thấy được sự tinh vi và hiện đại mỗi ngày của y khoa.

Trước ngày hẹn để "đóng mộc" vàng vào tuyến tiền liệt của tía Hai Lúa, tôi quyết định tổ chức một chuyến nghỉ hè cho đại gia đình để tía má lên tinh thần. Nhưng tuần đó rơi vào thời điểm Việt Báo tổ chức lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ. Thành ra dù đã hứa với chú Từ cô Nhã và nhiều bạn hữu Việt Bút, tôi đã không thể về dự lễ.

Vài tuần trước khi bắt đầu các kỳ xạ trị, tía tôi được uốn g thuốc điều hòa tiêu hóa. Có nghĩa ông sẽ ăn uống và tiêu tiểu đúng giờ đúng giấc hơn bất cứ khi nào trong đời ông. Sáng ra, ông sẽ đi tiêu toàn bộ để trực tràng sẽ hoàn toàn rỗng, song song, ông sẽ uống thật nhiều nước để bọng đái căng phồng ở mức tối đa. Nhớ lại là, trực tràng nằm ngay sau tuyến tiền liệt. Khi bọng đái ở phía trước căng phồng, nó sẽ đẩy tuyến tiền liệt nằm ngay phía dưới xuống phía trực tràng. Khi trực tràng trống và bọng đái căng phồng thì tuyến tiền liệt sẽ nằm yên ở vị trí đó, không thể di chuyển đi đâu. Và khi đến nhà thương mỗi sáng để được bắn tia phóng xạ vào tuyến tiền liệt, ba cái bộ phận kể trên sẽ phải nằm ở chính xác vị trí đó.

Một tuần trước khi bắt đầu làm xạ trị, tía tôi đến nhà thương để các chuyên viên và bác sĩ xạ trị làm cho ông một cái khuôn. Khuôn? Cái khuôn đó là cái giúp khi tía nằm vào máy xạ trị thì chân và hông của ông sẽ nằm yên ở chính xác vị trí đó. Hình X-ray chụp lại các bộ phận trong nguời tía trên cái khuôn vừa chế, cộng với 3 dấu vàng trên tuyến tiền liệt sẽ giúp giới hạn vùng tia phóng xạ sẽ được bắn vào. Tia phóng xạ sẽ chỉ trị các mô ung thư trên tuyến tiền liệt – không bắn xa sang những vùng lân cận.

*

Ung thư có chăng chỉ mang lại chết chóc, chia ly?! Thình lình một người quen có chồng lăn đùng ra chết một cách vô cớ. Mấy bà bạn đi đám tang nói thầm với nhau, “Thấy chồng người ta chết mà mắc ham! Chồng lựu đạn của mình cứ sống nhăn răng.” Khi hờn nhau, chắc chỉ nói vậy cho hả tức chứ thật ra mấy cái người ấy thương nhau hơn mình tưởng. Có những điều thế gian không thể hiểu kia mà!

Má tía tôi cũng là một ví dụ trong vô vàn cảnh tượng mà tôi đã thấy xung quanh mình. Cứ tưởng khi bà vợ hay ông chồng của mình bất ngờ khám phá bị ung thư thì người kia sẽ ôi thôi là mừng. Nhưng không! Tự dưng họ trở nên tình tứ thân thiện đến lạ thường. Con cháu bà con hàng xóm ai ai cũng nhận thấy và phải ngạc nhiên. Cũng may phước! Chứ nếu lỡ họ không phát hiện còn quá thương nhau mà lại dẫy nẩy không thèm đá động đến nhau (cho thấy bà luôn)… thì chỉ có bằng chết mấy đứa con như tôi. Phải đi làm, phải lo đủ thứ việc, mà còn phải giải quyết thêm những điều thế gian không thể hiểu thì chỉ có mà chết cả lô tía nhà tôi chứ không phải một ông!

Có một sáng, tôi chuẩn bị đi làm thì nghe má Hai Lúa cằn nhằn tía Hai Lúa, “Tại sao ông lại mặc cái áo ngủ đi nhà thương? Nó nhăn nhúm và đầy mồ hôi.” Tía tôi quát lại, “Mặc kệ tui!” Thấy ngứa tai gai mắt, tôi bèn “đối thoại” với tía: “Ba à, ba hãy mừng là má không dở điên, bỏ thí ba nằm lăn lóc như kẻ vô gia cư. Ba chọc má khùng lên, ngoài căn bệnh ba phải chịu đựng, ba còn phải đối phó với cái khùng điên của má (do cái khùng điên của ba tạo ra)… thì ba chỉ có nước tiêu tán đường đó ba.”

Chắc tía nghe cọp tôi gầm gừ, ông ấy hoảng, bèn xếp càng lại cho ngay thẳng, không ngang như cua nữa. Bác sĩ có báo trước rồi. Khi trị hormone, người đàn ông cũng sẽ chứng-đời y như khi người phụ nữ đến thời kỳ mãn kinh (menopause), nắng mưa thất thường, lúc nóng lúc lạnh, lúc vui lúc buồn, lúc đáng yêu ơi là đáng yêu, lúc đáng ghét ơi là đáng ghét… Không ai chịu nổi.

Có lúc tôi đã nghĩ… phát hiện bị ung thư phải chăng một tiếng còi “cảnh thức”?! Có thể họ đã nghĩ, “Ông ấy cũng sắp chết rồi, ghét làm chi nữa!” Hay là, “À không, hóa ra mình cũng không đến nỗi ghét hắn lắm! Tự nhiên nghĩ đến chia ly lại thấy sợ chia ly…” Như bà ngoại tôi là nữ hoàng giận lẫy. Bà giận ông tôi suốt cả đời. Nhưng khi ông tôi ngã bệnh sắp mất thì bà lại tỏ ra thương ông đến lạ thường. Lại những điều thế gian không thể hiểu!

Tôi lại ngẫm nghĩ, phải mà mình đừng đợi cho đến khi phát hiện có ung thư hay mắc một căn bệnh chết người nào đó để sửa chữa, yêu thương, hàn gắn, tha thứ cho nhau thì chính mình và bao nhiêu người xung quanh đã được hưởng biết bao hạnh phúc, không phải trải qua đắng cay chua xót nào cả, không hao phí một ngày sống vui nào cả!

Thành ra, căn bệnh ung thư, không chỉ mang đến những điều tiêu cực, xấu xa. Nó mang người ta lại gần nhau, nó còn giúp người ta nhận ra giá trị của hạnh phúc và sự sống,…Và khi ai đó may mắn ra khỏi căn ung thư và sống tiếp, họ sẽ hưởng bù lại những năm tháng hạnh phúc bị lãng quên.

Kết quả thử máu lần thứ 4 của tía tôi cho ra chỉ số PSA là 5.6 - gần như của người bình thường là dưới 4.

Tía má tôi lấy nhau… để đếm coi, từ năm 72… vậy là được 44 năm. Ôi trời, gõ xong dòng chữ này thì tôi cũng giựt mình. Không thể là tình cờ được! Ông tía Hai lúa của tôi trải qua 44 lần xạ trị… Sao cũng lại 44?? Thiệt ngộ! Chẳng lẽ 44 lần đưa nhau lui tới nhà thương đó là 44 dịp để họ nhớ lại những gì đã sống với nhau, đã đối xử với nhau, ròng rã suốt 44 năm qua? Những lần đầu đi làm xạ trị thì tôi có đi với tía má. Một khi chắc ăn mọi thứ đâu vào đó, và họ có thể tự túc, thì họ đã tự đi với nhau. Không biết trên đường đi, họ có (bắt chước tôi) làm việc tư tưởng với nhau không, nhưng hy vọng họ đã nối lại sợi tơ hồng và tìm cách sống hạnh phúc hơn mỗi ngày sau đó.

Như bao nhiêu chuyện cổ tích, chuyện gia đình Hai Lúa nhà tôi cũng có phần kết có hậu.

Cảm ơn Thượng Đế đã ban cho gia đình con những gì chúng con đang được nhận hưởng! Có những điều chúng con xin và được. Có những điều chúng con xin nhưng kết quả lại khác. Chúng con sẽ hiểu Thượng Đế có những sắp đặt riêng cho mỗi người chúng con, với ý nghĩa và giá trị riêng của nó.

Cầu mong năm mới bình an và hạnh phúc đến với từng bạn đọc xa gần.

Anne Khánh-Vân

Ý kiến bạn đọc
19/02/202100:53:55
Khách
hydroxychloroq <a href=https://hydroxychloroquinex.com/#>hctz hydrochlorothiazide</a> hydroxchloroquine
04/11/201712:45:50
Khách
Già tôi không có câu hỏi nào làm phiền các Y-tế gia đâu. Mà chỉ muốn có cơ hội chia xẻ với quý vị có cái bằng Giết Người Không Bị Tù có thêm cơ hội phát triển Tâm Từ của quý vị đi xa hơn. Chứ quý vị làm Thầy gì đâu mà không cứu chính mình được thì cứu ai? "Bản thân bất độ hà thân đô?" Như Phật đã dạy từ trên 2500 năm xưa rồi. Đó là Già có tập luyện được nhiều phương pháp giải bịnh trong đó có căn bịnh vô duyên của đàn ông mà lại không tự trị được, phải rao gởi kiếm tiền khắp nơi của giới người làm Y-tế mới thật là NamBắcTrung Kỳ quá!.
Nay thông báo ở đây, quý vị nào có tinh thần Hiếu Học thì xin liên lạc về Email phía dưới đây để Già chia xẻ Without Money nhé. Chào.
25/09/201705:26:59
Khách
Nhiều người nam bị ung thư NHT nên cắt bỏ. Còn người nử thắc mắc chồng tôi
cắt rồi , người khỏe. mạnh Bình thường nhưng có còn chuyện ân ái vợ chồng được không ?
25/09/201705:25:45
Khách
Nhiều người nam bị ung thư NHT nên cắt bỏ. Còn người nử thắc mắc chồng tôi
cắt rồi , người khỏe. mạnh Bình thường nhưng có còn chuyện ân ái vợ chồng được không ?
15/03/201720:34:05
Khách
Thưa cô Khánh Vân,
Đọc bài của cô tui rất vui vì những a dành anh già tỵ nạn rất cần những tài liệu, những hiễu biết căn bản về ung thư tuyến nhiếp hộ . Bởi vì bây giờ cứ 5 người có thể dính 1 hoặc nếu trong gia đình có người bị ung thư TNH thì có 1 sẽ bị . Xác xuất rất là cao .
Bác Hai Lúa đã chọn một cách trong những cách chửa trị ung thư TNH . Trị bằng hormone trước để cho tế bào ung thư thu nhỏ lại và không tăng trưởng , sau đó dùng xạ trị để giết tế bào ung thư . Cách nầy dùng để chửa những trường hợp tái phát . Tuy nhiên tui có lo lắng là với test MRI sẽ không biết được chắc chắn 100% ung thư đã lan ra hay chưa . Chỉ có CT scan hay MRI cộng với Bone scan mới có thể biết được khoảng 90% thôi . Vì phim ảnh không cho biết chính xác tế bào ung thư đã vào lymph nodes chưa hoặc không biết có nhảy ra các cơ quan gần đó mà không theo đường bạch huyết .
Nếu bác Hai Lúa trên 70 tuổi theo cách giải phẩu có nhiều rủi ro . Nhưng nếu giải phẩu bằng robotic thì có thể không bị gì cả . Robotic nhanh gọn và mau lành ,. Nhưng không phải bệnh viện nào cũng có . Máy gía khoảng 2 triệu rưởi đô la va cần BS biết cách sử dụng .
Nếu BS chẩn đoán là ung thư TNH chưa lan qua 3 tests Xray , CT scan (MRI) Bone scan và bệnh nhân dưới 70 tuổi thì giải phẩu cắt bỏ prostate là giải pháp tốt nhất . Nếu còn trẻ chưa có gia đình hay chưa có con thì nên giữ sperm trong nhà băng . Sau khi cắt prostate BS sẽ cắt luôn 2 lymph nodes and seminal vesicle (túi tinh dịch) và gửi đến BS bệnh lý sẽ phân tích lần nữa để xác định tế bào ung thư đã vào lymph nodes và seminal vesicle chưa . Nếu chưa thì chờ từ 6-8 tuần sẽ thử PSA lần nữa . Nếu xuống zero hay dưới .1 thì OK . 3 tháng hay 6 tháng hay 1 năm tùy BS sẽ thử PSA để chắc chắn rằng ung thư không tái phát . Nếu chỉ số PSA lớn hơn .2 thi` phải chích hormone , 3 tháng sau thử PSA nếu không xuống thì sẽ xạ trị Bởi vì có một số tế bào ung thư Prostate đã nhảy ra mà không theo đường máu . Sau giải phẩu bệnh nhân cần therapy để đi tiểu được bình thường không bị leak . Cùng lúc BS sẽ cho uống (liều nhẹ) Cialis 5 mg hay Viagra 20mg .
Trường hợp bác Hai Lúa không chắc chắn là ung thư free . Bởi chỉ số PSA khoảng 4 không có gì chắc chắn . Chỉ số nầy thay đổi theo tuổi tác và tùy thuộc vào trong gia đình có người đã bị ung thư hay không . Cho nên phải theo dỏi thường xuyên chỉ số PSA để coi ung thư có bị tái phát hay không .
Xin gửi lời chúc mừng đến Bác Hai Lúa và gia đình đã thành công bước đầu trong viện chửa trị căn bênh ung thư Nhiếp Hộ Tuyến .

PS Nếu Bác Hai Lúa vừa mới ngoài 60 thì Bác Hai Lúa chắc nhỏ tuổi hơn tui.
14/03/201722:47:17
Khách
(KV viết trả lời này... từ hơn tuần trước mà không thấy nó hiện lên nên viết lại, submit lại...)

Đọc những dòng chia sẻ của độc giả Nguyễn Saigon mà KV vừa hết hồn... vừa thật vui :)... Bài viết này có tương đối hơi dài... Vậy mà độc giả Nguyễn Saigon đã đọc... hình như hổng sót một chữ. :) KV xin được cảm ơn anh thật thật thật nhiều.
Dạ đúng là KV có không nhắc tới chi tiết Gleason và một số chi tiết khác cũng rất quan trọng và đáng được nói đến (Như khi KV đứng quan sát các chuyên viên làm cái khuôn cho tía Hai Lúa nằm vào mỗi khi đến làm radiation. KV chỉ biết nói "wow" khi họ hoàn tất mọi thứ trong vòng 30 phút. KV đã viết lại các chi tiết, kể cả tên hóa chất họ thổi vào cái bao, mà khi khô lại thì nó cứng như đá để có công dụng làm khuôn cho cơ thể đặt vào).
Từ lúc khám phá có ung thư đến lúc bắt đầu làm radiation, tía Hai Lúa và gia đình đã được gặp và làm việc với nhiều bác sĩ nhiều nhiều lần. KV đã rất muốn kể lại mọi chi tiết vì chi tiết nào cũng hay, là những kinh nghiệm đáng giá nên chia sẻ. Nhưng vì bài đã dài, và cũng vì không muốn bài viết như một bài chỉ chuyên về y khoa nên đã KV phải chọn cắt gì giữ gì.

KV mà biết anh Nguyễn Saigon hỏi vụ Gleason thì đã viết trong bài... :)
Chỉ số Gleason của tía Hai Lúa KV là trong khoảng 8-10, nhưng may là ung thư chưa lan đi đâu, và cũng vì sau khi được trị hormone thì chỉ số PSA đã hạ xuống gần như một nửa, nên cuối cùng tía Hai Lúa đã chọn cách trị Radiation thay vì cắt bỏ prostate. Nếu tía Hai Lúa đã ngoài 80t thì chắc ông cũng đã chọn cắt prostate như đa số bệnh nhân ở độ tuổi đó. Tía Hai Lúa KV chỉ mới ngoài 60.
Kết quả thử máu lần mới nhất cho thấy chỉ số PSA của tía KV đã hạ xuống như người bình thường.

KV xin cảm ơn anh Nguyễn Saigon lần nữa đã quan tâm và dành thời giờ chia sẻ với bạn đọc nhiều chi tiết hữu ích mà KV đã không có trong bài. Bài viết của KV cùng với những chi tiết anh bổ sung họp lại thành một bài hoàn hảo. :)
14/03/201720:50:35
Khách
Xạ trị:

Dùng năng lượng cao (high energy) để diệt tế bào ung thư Đây là cách chữa trị tại chỗ cho mọi thời kỳ của ung thư tuyến nhiếp hộ. Bệnh nhân trong thời kỳ đầu có thể dùng xạ trị thay cho giải phẫu. Xạ trị có thể được sử dụng trước, sau khi giải phẫu hoặc ngay cả khi không giải phẫu và dùng để giảm đau đớn. Có hai loại:

• Ngoại xạ trị (external radiation): Nguồn phóng xạ bên ngoài cơ thể, từ một máy phát quang, bệnh nhân thường được chữa 5 ngày mỗi tuần trong nhiều tuần lễ. Đôi khi bác sĩ sử dụng three-dimensional conformal radiation therapy, loại chữa trị này chính xác và bảo vệ được những tế bào bình thường nằm gần khối u.
• Nội xạ trị (internal radiation, implant radiation, brachytherapy): Nguồn phóng xạ đựng trong vật chứa nhỏ gọi là "hạt". Những hạt phóng xạ này được đặt vào khối u trong cơ thể qua kim chích. Hạt phóng xạ tiết ra quang tuyến trong nhiều tháng và không cần phải tháo bỏ khi hết chất phóng xạ.

Đôi khi bệnh nhân được chữa trị với cả hai loại xạ trị trị liệu kể trên.

Phản ứng phụ tùy thuộc vào lượng và loại xạ trị, thường biến mất một thời gian ngắn sau khi xạ trị. Trong thời gian chữa trị, bệnh nhân rất mệt mỏi nên nghỉ ngơi dưỡng sức là điều quan trọng nhưng vẫn nên vận động thân thể để chóng bình phục.

Nếu dùng ngoại xạ trị, phản ứng phụ thường thấy là tiêu chảy và tiểu rắt. Một số bệnh nhân nhân gặp trở ngại trong việc tiêu tiểu rất lâu sau khi chữa trị. Vùng da nơi chiếu phóng xạ thường đỏ rát và khô, lông rụng và có thể không mọc lại.

Nội xạ trị có thể gây mất kiểm soát bàng quang nhưng trở ngại này sẽ tiết giàm sau vài tháng.
Ngoại và nội xạ trị có thể gây liệt dương. Quý vị nên thảo luận với bác sĩ trước khi chữa trị.

Quý vị có thể đặt câu hỏi với bác sĩ trước khi bắt đầu cuộc xạ trị:
-Tại sao tôi cần loại chữa trị này?
-Bác sĩ chọn loại xạ trị nào cho tôi? Cả hai loại xạ trị có cần thiết không?
-Khi nào thì việc chữa trị bắt đầu? Khi nào thì xong? Chữa trị bao nhiêu lần?
-Tôi sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Tôi có cần vào bệnh viện không? Tôi cần làm gì để tự chăm sóc trong khi và sau khi chữa trị?
-Tôi có thể tự đến nơi chữa trị hay không?
-Làm thế nào để biết là xạ trị có hiệu quả hay không?
-Có phản ứng phụ nào lâu dài hay không?
-Khi nào thì tôi có thể trở lại sinh hoạt bình thường?
- Tôi có cần đi kham bệnh định kỳ thường xuyên không?

Note: Bản dịch tài liệu của Viện Ung thư Quốc Gia Hoa Kỳ
07/03/201702:10:54
Khách
Đọc bài viết của tác giả Anne Khánh - Vân có nhiều thắc mắc dù rằng tác giả đã trình bày hết sức rõ ràng và chi tiết . Thắc mắc vì tác giả không cho biết chỉ số Gleason . Tại sao BS lại đồng ý với Bác Hai Lúa không cắt Prostate ?
Bác Hai Lúc không muốn mỗ xẻ là điều dễ hiễu . Có tuổi , chuyện mỗ xẻ rất nguy hiễm có thể xãy ra những chuyện không ngờ . Chọn cách xạ trị dễ dàng
BS khi quyết định chọn một cách chửa trị cần biết :
1- Chỉ số Gleason để biết tốc độ tăng trưởng các tế bào ung thư nhanh hay chậm từ 8-10 rất nhanh cần giải quyết ngay . Khi làm biopsy BS bệnh lý (pathologist) sẽ cho biết chỉ số Gleason (có thể không chính xác nhưng sai số rất ít) và phạm vi tế bào ung thư của prostate . Trong 12 mũi kim thì hết 10 mũi (tissues) có tế bào ung thư . Điều nầy cho biết các tế bào ung thư sinh trưởng gần hết prostate . Rất đáng ngại .
2- Thời kỳ ung thư : Phải làm vài ba thử nghiệm . Chỉ mỗi thử nghiệm MRI không thể có kết luận ung thư đã lan hay chưa lan ra . Thử nghiệm Bone scan rất quan trọng . Vớii thử nghiệm nầy mới biết ung thư đã lan tới xương chưa . MRI không thể kết luận được (MRI và CT scan chỉ có thể nhìn thấy sự sưng trướng để đoán tế bào ung thư lan hay chưa (không chính xác) . Hơn 80% tế bào ung thư prostate lan ra xương . Phần còn lại có thể lan ra các cơ quan trong khoang bụng . Phần đông tế báo ung thư vào lymp node ( hạch bạch huyết) theo đường máu đi tới xương và các cơ quan . Nhưng có chuyện ngoại lệ tế báo ung thư có thể nhảy và lan tới các cơ quan không theo đường máu . Cho nên có trường hợp BS đã giải phẩu prostate, lấy luôn hai hạch bạch huyết gần prostate . BS Pathologist xác nhận không có tế bào ung thư ở hạch bạch huyết . Có nghĩa là tế bào ung thư chưa lan . Nhưng sau 6 tuần đến 8 tuần thử PSA vẫn còn 0.3 có nghĩa là còn tế bào ung thư đâu đó . Trường hợp nầy sẽ được chửa trị giống như bác Hai Lúa . Chích LH-RH để ngăn ngừa cơ thể tạo ra testosterone vì chính khích thích tố nam nầy làm tăng PSA . LH-RH cũng làm cho tế bào ung thư thu nhỏ và 3 tháng sau ngày chích dùng xạ trị để diệt . Có một trường hợp tái lại là sau 5 năm hay hơn PSA tăng lên và lúc đó cần làm xạ trị . Cái trở ngại là không biết tế bào ung ở đâu để xạ trị vi` prostate đã bị cắt đi . Có một nơi ở Arizona có thể tìm ra tế bào ung thư nhưng không nhận insurance . Phí tổn khoản $8,000 ( Nếu không làm thử nghiệm đó phải xạ trị hết khoang bụng ..
Còn tiếp
03/03/201723:16:20
Khách
Có nhiều cách chửa trị ung thư Nhiếp Hộ Tuyến (prostate) . Bài viết của tác giả chỉ ra một cách chửa trị .
Tác giả không cho biết BS sinh thiết (pathologist) ước tính chỉ số Gleason của bác Hai Lúa là bao nhiêu . Chỉ số G rất quan trong để ấn định thời kỳ ung thư
Thời kỳ I : Ung thư chỉ tìm thấy khi chửa trị BPH(Benign prostatic hyperplasia) bướu lành . Ung thư còn tại prostate Chỉ số Gleason 4 hoặc thấp hơn
Thời kỳ II: Tế bào ung thư đã khác tế bào thường nhiều hơn nhưng ung thư vẫn còn nằm tại prostate. BS có thể tìm thấy khi khám bệnh hoặc qua đo siêu âm
Thời ky`III: Ung thư đã lan ra ngoài prostate có thể tìm thấy ở tại túi inh dịch (seminal vesticles) nhưng chưa lan đến những hạch bạch huyết (lymp nodes) lân cận
Thời kỳ IV: Ung thư đã lan ra đến bàng quang , trực tràng , hoặc những hạch bạch huyết , xương.
Tác giả không cho biết chỉ số Gleason hoặc thời kỳ ung thư nên không có ý niệm về cách chửa trị . Chỉ số Gleason chỉ sự tăng trưởng nhanh hay chậm của ung thư prostate . G1-6 : chậm ; G8-10 rất nhanh
Trước khi chửa trị BS cần biết thời kỳ ung thư . Cách định thời kỳ ung thư dựa trên kích thước của bướu đã lan hay chưa , nếu đã lan thì lan tới đâu ? Để đinh thời kỳ ung thư có thể dùng một hoặc nhiều cách thử nghiệm:

Bone scan: BS chích một lượng hóa chất vào tỉnh mạch , chờ khoảng hai giờ để hóa chất chạy khắp cơ thể , dùng scanner để đo lượng xạ trị , rồi chiếu lại hình ảnh hay phim . Kết quả cho biết ung thư lan tới xương hay chưa . Nếu tới xương bệnh nhân chỉ có 3 năm để sống .
CT scan: Máy chụp hình khoang bụng dưới tìm dấu vết sưng trướng ở hạch bạch huyết gần prostate. BS dùng thưốc nhuộm chích vào tỉnh mạch hoặc bơm vào trực tràng
MRI : Chụp hình ca'c bộ phận trong cơ thể để có thể tìm thấy sự sưng trướng hoặc bất thường của của các bộ phận .

Thông thường BS cho chụp X-ray để tìm sự bất thường ở phổi , CT scan và Bone scan . Làm MRI lâu và ồn khó chịu . CT scan nhanh và dễ chịu hơn.
Có rất nhiều cách chửa trị . Watchful waiting , giải phẩu , xạ trị , nội tiết tố , và hóa chất trị liệuTrường hợp bác Hai lúa không biết chỉ số Gleason và thời kỳ ung thư nên không biết cách chửa trị nào thích hợp

Thí dụ Với Gleason dưới 4 (tăng trưởng chậm) và ung thư chưa lan ra, hoặc bệnh nhân lớn tuổi , mang nhiều chứng bệnh khác , không chịu đươc xạ trị hoặc hoá trị thì có thể chọn cách "watchful waiting " chờ xem . Ca'ch nầy có nhiều rủi ro .
Giải phẩu: Khi ung thư chưa lan ra các cơ quan khác và chỉ số Gleason từ 8-10 . Nếu đã lan ra các cơ quan khác thì BS sẽ chọn cách chửa trị khác .
Bây giờ bàn đến cách giải phẩu . Khi các thử nghiệm X-Ray , CT scan và bone scan cho biết ung thư chưa lan đến xương hoặc các cơ quan khác , cũng như chưa hiện diện ở hạch bạch huyết BS chọn cách giải phẩu . Cắt bỏ prostate . Nếu dùng phương pháp Robotic laparoscopicsurgery là tốt nhất . Chỉ nằm lại bệnh viện tối đa 2 ngày . Rất mau lành chỉ có cái bất tiện phải đeo túi nướ'c tiểu ở ngoài khoảng 1 tuần . Sau đó lấy túi và phải đi therapy từ khoảng 3 tháng hoặc lâu hơn để điều khiển nước tiểu bình thường (không còn leak).
Khoảng 6 tuần sẽ đi thử PSA . Nếu PSA zero thì hết ung thư . Nếu trên 0.1 thì phải chửa trị để đem chỉ số PSA xuống zero
Sẽ viết tiếp khi rảnh
03/03/201715:08:48
Khách
Mỗi lần vào viện dưỡng lão thấy những người già ăn uống, đi vê sinh phải có người đỡ là tôi hết ao ước sống lâu trăm tuổi. Chỉ cầu sinh như bố tôi sống tới 85 rồi không đau ốm ra đi trong một đêm ngủ. Tuy nhiên đọc Tạng Thư Sống Chết lại nói càng già càng ham sống vì sợ hãi không biết thế giới bên kia ra sao. Phåi chi có email của thượng đế hỏi thì đỡ biết mấy nhỉ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,802,573
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến