Hôm nay,  

Màu Thời Gian

27/02/201700:00:00(Xem: 15019)

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 5055-18-30755-vb2022717

Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí Ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001, với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi.” Từ nhiều năm qua, bà đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết giải thưởng Việt Báo, và hiện là trưởng ban tuyển chọn từ 2017. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo năm Đinh Dậu.

* * *

blank
“Má tôi và hai con nhỏ năm xưa”.

Tết năm nay, 2017, má tôi 93 tuổi. Năm ngoái, trong ngày giỗ ba tôi, má nói với đám con tám đứa:

- Má lúc nầy sao cứ bị mệt hoài, chắc là gần tới ngày rồi.

Chị tôi, trên 70, gạt nhẹ:

- Trời, sao má nói gì vậy. Ai mà chín mươi mấy tuổi rồi còn minh mẫn như má, còn ra sân đào xới săn sóc đám rau mỗi ngày như má, chuyện gì cũng nhớ còn rõ hơn con nữa. Ai hổng mệt? Con cũng mệt hoài đây nè.

Và rồi đám chị em tôi, đứa nhỏ nhứt cũng trên 50, người một câu nói cho má yên lòng "ngày đó còn xa lắm má ơi, bây giờ người ta sống nhờ thuốc mà thuốc ở Mỹ thì tốt vô cùng, má mang máy trợ tim, hễ gần hết pin bác sĩ thay cái mới, lo gì." Nói xong cười hà hà hò hò cho má đỡ lo.

Má nheo nheo cặp mắt đã sụp mí, nói tiếp:

- Hồi đó ba tụi bây nói hoài, ước gì hết giặc ba đưa má đi chơi từ Bắc vô Nam, tuốt xuống mũi Cà Mau luôn. Má muốn về Việt Nam lần cuối, thực hiện ước muốn của ba tụi con, đi chung với hết tụi con.

Nghe tới đó "tụi con" im re, trong bụng dám chắc đứa nào cũng bùi ngùi và lo lắng. Ba chết năm 1968, gần nửa thế kỷ rồi, má còn nhớ ước nguyện của ba sao? Rồi tuổi già sức yếu, làm sao má đi cho nổi? Qua bển rủi bịnh bất tử thì sao? Y tế ở Mỹ là giỏi nhứt thế giới, về bển thì sao? Má đang mang trong mình cái máy trợ tim nữa kia, rủi có gì trục trặc hay máy hết pin? Về bển, nhà cửa chẳng còn, bạn bè tìm đâu ra, ta như người xa lạ. Ôi sao mà lo quá trời.

Lo thì lo nhưng cái ước muốn của má cứ ám ảnh cả đám chị em tôi. Cho dù ba má ở với nhau chỉ hăm mấy năm nhưng tình vợ chồng keo sơn nghĩa nặng thủy chung làm xúc động lòng đám con. Lần nào tụ họp ăn uống hay đi chơi mấy chỗ gần gần, đám con cũng to nhỏ bàn về vụ nầy. Đọc tin tức từ VN thấy toàn là - ra đường thì bị cướp giựt, trong gia đình thì án mạng chồng giết vợ con đâm cha. Nhưng, bất kể tin tức kèm hình ảnh rất là đáng sợ, dân tứ xứ cứ đổ về, Sài Gòn ngày càng đông thêm. Thì đó, người ta vẫn sống như t­hế. Chúng tôi quyết định, không nên nghĩ về chính trị hay thành kiến, đừng bị ảnh hưởng bởi chuyện thị phi bi quan, chỉ lo làm sao cho ước nguyện của má thành sự thật và lo về phần sức khỏe thôi tuy nhà cửa đã không còn, bạn bè lưu lạc phương nào, về bển giống như người xa lạ. Nói chi má, cả đám con cũng tuổi ngày một già hơn, sức ngày một yếu đi.

Bàn qua tính lại, sau cùng, nhỏ em thứ năm tên Kim Loan (KL) nói:

- Má muốn đi thì mình đưa má đi đại, theo đoàn du lịch chắc hổng đến nổi nào.

Tôi cùng chung ý nghĩ, ừ liền:

- Ừ tao cũng tính y chang. Đi theo đoàn có hướng dẫn viên theo, họ lo đầy đủ cho mình, an toàn. Vậy kiếm hãng nào tốt nhứt, mua luôn bảo hiểm sức khỏe, bây giờ má còn đi nổi chớ nếu không đưa má về thì mình ân hận suốt đời, với lại, đi cả đám mà sợ gì. Mua chiếc xe lăn loại thiệt là nhẹ, mình thay phiên nhau đẩy, má đâu phải đi bộ, tới đâu cũng tới mà.

Nói là làm. Tụi tôi đứa nào còn đang làm việc thì gởi thư xin nghỉ hè, nghỉ cả ba tuần, phải xin trước mới được. Vì tôi và KL làm chung, xin nghỉ một lượt có hơi khó khăn, nhưng chúng tôi nhứt quyết nói với ông xếp là “má tôi già rồi, đây là ước nguyện cuối cùng..." khơi chuyện tình cảm gia đình, rốt cuộc cũng được y chấp thuận cái rụp.

Khi cả đám cùng xin được ngày nghỉ rồi, nhỏ em kế là Ngọc Anh (NA) cũng mua vé từ Texas bay về đây đi chung. Tour sẽ đi từ Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long, Đồng Hới, chùa Bái Đính, đền Hoa Lư, Động Phong Nha Thiên Đường, La Vang, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Qui Nhơn, Nha Trang, Mũi Né và Sài Gòn.

Tám đứa con của má, hai đứa không đi được, thế vô con gái tôi Liz và Oanh, con gái của KL, thành nguyên nhóm 9 người. Theo lời quảng cáo của T. nhân viên bán vé du lịch nói -gần đủ một bàn ăn cung đình ở Huế rồi.

Trước ngày lên đường, nhỏ em thứ tám là Hoàng Thư (HT) và con gái tôi đưa má đi bác sĩ kiểm lại pin trong cái máy trợ tim coi còn được bao nhiêu?, bác sĩ nói "đừng lo, pin nầy còn xài trên năm năm nữa." Vì trái tim má tôi còn khỏe không xử dụng pin thường xuyên nên mới còn nhiều vậy, nghe nói ai nấy mừng húm. Rồi tụi nó nói để tiếp soạn va-li quần áo thì thấy má tôi đã xong, sẵn sàng để lên đường rồi. Hành trang có đầy đủ thuốc men quần áo giày dép gậy gộc, tụi nó chỉ cần kiểm qua cho chắc ăn thôi. Ai nấy cùng cười, thiệt tình, chuyến nầy chắc vui lắm đây vì thấy má khỏe hẳn ra, trông ngóng cho mau tới ngày đi, như con nít trông ngày tết vậy. Tụi tôi đứa nào cũng hiểu, từ khi ba tôi mất tới giờ, đi đâu má tôi cũng muốn cả "bầy heo con" (lời của ba tôi hay nói) đi cùng. Lần nầy má vui gấp đôi vì có thằng "hoàng tử" độc nhất của má, trước ậm ừ sau gật đầu chịu đi.

Tới Hà Nội, bữa cơm tối ăn món "Lươn Mẹt" khá ngon. Tưởng là món gì đặc biệt nhưng chỉ là con lươn nướng, để trên cái tràng, gọi theo tiếng miền Nam, miền Bắc thì là cái mẹt.

Nơi đầu tiên chúng tôi thăm viếng là Vịnh Hạ Long. Cảnh tiên chắc cũng chỉ đẹp như vầy mà thôi. Vào sáng sớm còn mù sương, xa xa thấp thoáng những cánh buồm màu nâu đỏ của mấy chiếc thuyền buồm xưa, họ buông neo cho thuyền ngiêng mình theo gió để làm cảnh. Những cái nhà đơn sơ dựng bằng vách tôn mái tôn nằm trên bè bằng thùng rỗng hay bánh xe cao su chèn lại với nhau, bềnh bồng trên sóng nước khi xưa của dân Vạn Chài vẫn còn đó nhưng cậu hướng dẫn viên tên D. nói là "chính phủ cho chùm nhum lại mỗi nơi vài ba cái sơn phết xanh xanh đỏ đỏ cho dân du lịch coi mà thôi còn người thì đã được đưa lên bờ hết rồi.

“Cũng tốt thôi”. nếu con cái được đi học chớ không phải như khi xưa, các em nhỏ xíu suốt ngày đeo theo hông tàu du lịch, bán buôn lẻ tẻ những con ốc biển, những miếng san hô, những rổ ốc rổ cua, giúp gia đình sống qua ngày... tuy lớn lên trên biển cả minh mông nhưng hẹp đường tương lai."

blank
Ba tôi và bàn thờ ngày Tết.

Ở Hạ Long được hai ngày một đêm. Tôi gợi chuyện, người quản lý của chiếc du thuyền cho biết anh làm trên tàu liên tục sáu tháng rồi, vợ con còn dưới quê. Các em hầu bàn, làm bếp lương tháng ba triệu, biết tiếng Anh thì ba triệu rưỡi tới bốn triệu đồng. Họ may mắn khi so với những người buôn gánh bán bưng ngoài đường có thể chỉ kiếm cỡ một trăm ngàn mỗi tháng. Lúc đó, một trăm mỹ kim đổi qua tiền Việt Nam thì được hai triệu hai trăm hai chục ngàn.

Cả đoàn nhân viên trên du thuyền, rất trẻ, đáng tuổi con cháu mình, chắc không có người nào trên bốn mươi. Họ làm đủ thứ việc, từ sáng tới khuya, dọn phòng nấu ăn giúp vui văn nghệ và đưa khách đi chơi. Em nào biết đàn ca múa hát thì kiêm luôn phần văn nghệ giúp vui trong bữa ăn tối. Có em nói tiếng Anh tiếng Nga như gió, chuyên pha rượu tiếp du khách ngoại quốc. Du khách trên tàu đa số là ngoại quốc các nước (?) nhưng không thấy người Mỹ nào hết.

Buổi sáng, D. nói sẽ đưa đoàn lên thăm động Thiên Cung trên một hòn đảo, leo từng bậc thang bằng đá núi, rất cao. Bởi vì cao, má và chị hai không đi nổi nên ở lại tàu, ngắm cảnh gió lặng sóng êm.

Vòng vo dốc núi, ráng kéo thân hình "phì lủ" lên những nấc đá, độ cao của núi gần như thẳng đứng, chúng tôi lên tới nơi. Ngoài trời, nắng, nóng, vô trong động thì ngộp, hầm.

Vừa hào hển ngắm nhìn trần động, vách động, đâu đâu cũng thạch nhũ, chỗ nầy thòng xuống chỗ kia dựng đứng lên, tôi nói trổng:

- Trong nầy mà hú lên hổng biết có tiếng vang hông nữa há.

Nhỏ em KL đốc liền:

- Thì hú thử coi, biết liền.

Tôi muốn biết liền nên ngước mặt lên trần thạch nhũ lấp lánh như kim cương, hú lên:

- À hú ú ú ú...

Nghe tiếng vang à húuuuuuuuhú...úhúuu ú ú.....

Tôi liền à hú ú ú ú ú... thêm tiếng nữa.

Đám em đang đi chung bật cười. Bà khùng nầy, thiệt tình!

Chị em tôi, dẫu có già đi nữa, hễ tụ họp nhau là phá phách y như "đàn heo con" của ba khi xưa.

Ra khỏi động, cửa động nhỏ vừa đủ lọt một người, hơi nóng táp vào mặt, tự nhiên tôi bị bủn rủn tay chân, phải lần lần dựa vô hàng rào an toàn, từ từ nhẹ nhàng ngồi xuống, mồ hôi xuất ra, gần xỉu! D. phải xé liền cái khăn giấy ướt đưa cho tôi lau mặt.

Thấy tôi tỉnh táo trở lại, đám em vừa lo vừa cười. Đáng đời, hú nữa đi.

Trở về tàu, sau khi ăn uống xong, đi lại trên boong tàu xả hơi hưởng làn gió biển trước khi tiếp tục trò chơi thứ hai, cứ hai người thì cùng chèo một chiếc kayak đi một vòng từ hòn nầy tới hòn kia. Đừng tưởng bở, thấy gần mà chèo cả tiếng đồng hồ, rã rời chân tay. Tay thò xuống khuấy khuấy nước, tôi bùi ngùi nhớ tro cốt ba tôi cùng hàng vạn vạn người đã bỏ xác ở biển Đông nầy.

Tối đến, thưởng thức bữa cơm chung như ăn tiệc cưới, có sự hiện diện của nguyên thủy thủ đòan kiêm luôn phần văn nghệ giúp vui. Một món ăn lạ làm chị em tôi có một trận cười ngả nghiêng. Mới đầu, nhìn thực đơn, "hoàng tử" Long hỏi trổng:

- Tôm Leo Ly là loại tôm gì ta? Chắc là đặc sản Hạ Long?

Chừng thức ăn dọn lên, cả bàn "ồ" lên một tiếng, đó là món khai vị, mấy con tôm bự cong móc lên thành cái ly. Một loáng, tôm leo ly leo hết vô bụng tụi tôi.

Ăn tối xong còn thêm mục câu mực giấc khuya... Một gia đình người Nhật có đứa con trai nhỏ, cả buổi chỉ câu được một con mực quèn, nhỏ bằng hai ngón tay mà em bé nhảy tưng tưng lên vỗ tay vui quá xá.

Di chuyển từ Hạ Long qua Phủ Lý Hà Tĩnh Ninh Bình rồi trở về Hà Nội. Chiếc xe đò 50 ghế, ngồi rộng rãi vì nguyên đoàn chỉ có 9 người chúng tôi thêm 5 người đi chung cùng cậu D. và tài xế.

Tại Hà Nội bị kẹt xe suốt đoạn đường.

Cầu Thê Húc màu đỏ, đền Ngọc Sơn triển lãm rùa ông, nhìn quanh hồ Hoàn Kiếm ngợp người xuôi ngược, nước hồ xanh rêu dơ đầy rác. Vì quá đông người, muốn viếng 36 phố phường, phải đợi chờ tới phiên, cả đoàn chúng tôi chia ra hai nhóm, lên chiếc xe như xe Lam hồi xưa, chở mỗi chuyến 7 người, chạy một vòng cỡ chục con phố rồi quành về chỗ cũ. Kiểu cỡi ngựa xem hoa nhưng đỡ mệt hơn là đi bộ mà mình thấy tận mắt những sinh hoạt buôn bán trên hàng phố cũng như giới nghèo buôn gánh bán bưng.

Thăm 36 phố phường thấy cảnh chen chúc tranh dành xe của du khách Trung Quốc mà hỡi ôi! Còn đâu nữa cảnh thanh lịch khi xưa từng nghe nói. Hàng Chiếu hình như chẳng còn chiếc chiếu nào, Hàng Than chỉ thấy treo toàn quần áo, D. nói "chắc chắn là made in China."

D. nói ở phố Hà Nội chắc vì gần chính quyền cho nên cũng ít cướp giựt vì nếu bị bắt sẽ bị phạt rất nặng, không như Sài Gòn xa mặt trời ít an ninh hơn và cướp giựt nhiều hơn.

Tôi vái thầm "ba ơi, ba biết Hà Nội rồi đó"

Từ Hà Nội tới Tràng An (Hạ Long cạn), đi thuyền hai chặng mới vô tới, đẹp mê ly với khu vực cổ xưa. Chỗ nầy cảnh trí như xa rời cảnh đời ô trọc của thế gian. Mới tháng trước có một đoàn quay phim của Mỹ đã trụ ở đây cả tháng, hình như quay lại phim King Kong gì đó. Cũng phải thôi, chỗ gì mà còn hoang sơ và đẹp mê hồn như thế nầy, phải giới thiệu cho thế giới biết chớ.

Từ Tràng An qua khu lăng mộ Vua Đinh Tiên Hoàng. D. nói "bây giờ thì vắng vẻ chứ sau chuyến đi của đoàn mình là tới ngày giỗ vua ĐTH, đông lắm, tràn ngập người tới lễ bái."

Điểm đặc sắc của tất cả những đền chùa mình đi qua, cửa vô nào cũng có cái ngạch. Khi bước qua ngạch cửa, mắt ngó xuống, thân hình của mình tự nhiên chúi về phía trước. D. nói, đó là ý nghĩa của cái ngạch cửa, làm cho ta như phải cúi đầu khi bước vô, tượng trung cho sự kính trọng.

Chỗ nầy có một ngôi chùa kiến trúc rất đẹp. Có 12 tấm bia đá khắc tên những vị tiến sĩ khi xưa. Tên của tiền bối là đây, còn hậu bối của những vị ấy bây giờ ở đâu? Nhìn rêu phong trên đá đậm màu thời gian mà bùi ngùi.

blank
Má tôi và các con về khu cư xá Phú Lâm A ngày nay.

Chúng tôi cần vô nhà vệ sinh. Đánh một vòng ra phía sau, thấy một chị đang ngồi canh. Chúng tôi muốn vô thì chị hỏi:

- Trong hay ngoài?

Tôi chưa kịp hiểu thì nhỏ em HT lanh miệng trả lời:

- Mới ở ngoài bây giờ vô trong.

Chị ta cười cười, giải thích:

- Tôi hỏi là người trong nước hay...

Chị chưa dứt câu, HT đã hiểu, nói liền:

- Ạ... ý chị hỏi là người trong nước hay ngoại quốc hả? Mà trong là sao ngoài là sao?

Chị ta cười hắc hắc:

- Trong nước thì giả trước, ngoài thì đi xong mới giả. Hai ngàn, tiền giấy.

À, thì ra là vậy. Trước sau trong ngoài gì cũng phải móc tiền ra trả cho rồi. Lấy tiền xong chị xé cho mỗi đứa hai tấm giấy vuông vuông bằng bàn tay!

Hỡi ôi, sự kỳ thị nầy của người với người sao nặng nề thế kia? Chỉ vài ngàn bạc mà cũng phải canh "trong, ngoài."

Khi trở lên xe chị em tôi nhái lại lập lại y chang cô canh cửa "trong hay ngoài?" Có lẽ hằng ngày từ sáng tới chiều hỏi cùng một câu nên cô ấy mới rút ngắn, chỉ còn ba chữ thôi cho gọn. Người ta hỏi theo kiểu tốc ký phải hiểu ngầm, mình thì hiểu một cách tình thiệt nên theo gì kịp trời!

Thêm lần nữa cũng vụ nầy. Khi xuống tới miền trung, cũng gặp một cô giữ cửa, hỏi trổng:

- Nặng hay nhẹ?

Cũng HT mau mắn trả lời:

- Chắc là nặng, mới ăn xong.

Cô ta cười xòa:

- Tôi hỏi nếu đi nặng thì cho thêm giấy.

Nhỏ HT nầy bình thường chậm chạp ít nói mà sao cả hai lần nó đều nhanh nhẩu trả lời, hai lần nghĩa bóng trả lời nghĩa đen, trật rơ hết trọi làm cả đám thêm một trận cười con nhỏ em thiệt thà nầy nữa.

Má, chị hai Lài và hoàng tử L. ngồi phía trước, nhỏ NA lo chụp hình, dán mắt vô máy ảnh, xỉa bên nầy xiên bên kia coi bộ giống ba lắm (nhờ vậy chúng tôi có bộ hình đầy đủ) đám còn lại thượng lên hàng ghế sau cùng, D. gọi là xóm nhà lá. Hàng ghế xóm nhà lá được nâng cao lên, có lợi thế, nhìn hình ảnh chạy theo hai bên đường rất rõ.

Quê hương mình đẹp biết bao nhiêu. Mùa nầy cây cối xanh tươi. Có một loại cây cao cỡ cây trứng cá, lá to xanh thẫm, trổ bông màu cam rực rỡ. Bông to có dạng như loa kèn mọc thành từng chùm trên ngọn. Hoa đang nở hướng về ánh mặt trời. Tiếc là không biết tên.

Những thắng cảnh ở Hà Nội, đâu đâu cũng kẹt xe, đâu đâu cũng đầy người. Quả là kinh doanh ngành du lịch quá sức phát triển. Nẻo nào cũng thấy người Trung Hoa, đa số hàng quán đều thêm hàng chữ Tàu to tướng. Nghe cậu D. nói, thế đấy, Trung Cộng đã tràn qua nước Việt Nam, ngày ngày càng luồn sâu trèo cao, thử hỏi, dân ta làm sao làm gì được đây? Họ ăn uống nhồm nhoàm, họ cười nói lớn tiếng, họ đi đứng ngang tàng vênh vang như đang đứng trên đất nước của họ, như ta là khách và họ là chủ. Sao tham thế? Khi xưa Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, làm bá chủ cả sáu nước chưa đủ sao? Còn lân la muốn tiến chiếm một quốc gia bé tí tẹo?

Dân họ giàu nước họ mạnh, đi du hí, còn ta, các thanh niên thiếu nữ ăn mặc đẹp đẽ thẳng thốn, mặt mày tươi cười kiên nhẫn đứng chờ phục vụ, bao nhiêu lương một tháng? Số lương ít ỏi ấy, nuôi bao nhiêu người?

Hỏi ông trời, thượng đế, sao bất công? Hỡi ơi, thượng đế quá cao, ông trời quá xa.

Sau ba ngày thăm thắng cảnh và di chuyển, sáng ngày thứ tư, cả đoàn ra phi trường bay xuống Đồng Hới. Một xe du lịch 50 chỗ ngồi khác tới đón chúng tôi. Đoạn nầy có cậu hướng dẫn viên mới tên H., một thanh niên lưu loát tiếng Anh, giới thiệu những thắng cảnh bằng hai thứ tiếng Việt, Anh rất giỏi.

Từ đất liền đi Phong Nha Kẻ Bàng qua động Thiên Đường, được đưa bằng ghe máy, 45 phút. Tới cửa động, thay qua thuyền chèo tay. Lạ thay, thăm động bằng thuyền trên con sông ngầm. Thật không hổ danh là một cái động đẹp khủng khiếp. Trong thuyền ngước lên nhìn trần động, nhìn vách động, có thiên hình vạn trạng thạch nhũ và màu sắc như một bức tranh khổng lồ, ánh đèn sáng chiếu lên tăng thêm phần kỳ quái lạ lùng huyền ảo, đôi chỗ đẹp quá, như muốn lấy mất hơi thở mình. Thạch nhũ kết tụ từ hàng trăm ngàn năm, đẹp thế đó, đẹp như không bút mực không lời nào tả xiết.

blank
Má tôi.

Thiên Đường là đây. Chắc chắn linh hồn ba tôi đã nói với má:

- Trời ơi coi coi đẹp quá trời quá đất. Cảnh tiên cũng vầy thôi.

Và ba tôi thế nào cũng dơ cái máy ảnh lúc nào cũng sẵn trên tay vừa xoay xoay ống kính chỉnh chỉnh cho rõ vừa ra lịnh:

- Mình xây lại tươi tươi một chút coi.

Họ chỉ cho du khách vô sâu cỡ nửa tiếng đồng hồ thôi. Những phần khác của Sơn Động mình nhìn thấy trong sách báo, là ở chỗ khác, chắc là dành cho những đoàn thám hiểm chọn lọc. Nghe nói động nầy dài cả 31 cây số mấy. Còn ta, chỉ nhìn thấy động nầy là đủ ăn tiền rồi. Có vài chỗ bị rào lại cấm vô, nghe nói đó là những nơi còn bút tích những chữ viết và hình vẽ của người xưa. Không biết người xưa vẽ viết điều gì nhưng chắc chắn là phải được bảo tồn.

Tiếp tục lên đường, ghé qua cây cầu lịch sử tại vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, dành cho người đi bộ, xe cộ thì chạy trên cây cầu mới, xây kề bên. Cây cầu lịch sử được sơn hai màu, bên vàng bên xanh, giữa cầu, dưới chân có lằn vạch màu trắng chia ranh giới. Ranh giới còn đây, hai bên đầu cầu còn triển lãm hai cái loa phát thanh tuyên truyền dành dân của hai miền Bắc Nam trong thời chiến tranh. Cái bên miền Bắc thì bự tổ chảng còn cái bên miền Nam thì nhỏ xíu khiêm nhường. Loa hai miền đã tắt tiếng còn đây mà lòng người Nam Bắc thì sao?

Đi tới đâu, tụi tôi cũng nhìn mặt má coi có gì thay đổi không? vẫn bình thường, coi mòi vui lắm. Yên tâm. Má ăn uống rất ngon lành, đặc sản vùng nào cũng ăn được. Bánh tráng gạo, nước mắm ngon hết xẩy.

Ghé ngang thánh địa La Vang. Tường vách nhà thờ một góc đổ nát vẫn còn vết đạn. Màu thời gian rêu phong trên vách làm cho cảnh trí u sầu thêm.

Tới Huế. “Mưa Trên Cây Sầu Đông*” đâu? Nào thấy. Chỉ thấy Huế tháng tư nóng hừng hực nóng cháy da nóng ngộp thở. Và Huế cũng đông người, đông du khách và hàng hóa Trung Quốc như ở Hà Nội.

Thăm lăng Khải Định kiến trúc kết hợp Đông Tây cầu kỳ trên ngọn đồi phải bước lên 109 bậc thang bằng đá cho nên má và chị hai cũng không đi theo được. Vì nóng quá, cuộc thăm viếng nầy không mấy hứng thú.

Đi thuyền rồng, rồng làm bằng giấy dán cặp theo hai bên lườn, trên sông nước chảy xiết, thăm chùa Linh Mụ. Con sông ngày xưa chỉ có thuyền rồng cho vua và hoàng hậu lướt từ từ ngự lãm phong cảnh, nay chỉ còn là con sông hẹp, hai bên đường xe cộ mù trời, hàng quán tuôn ra cả lề đường.

Chúng tôi đi tới Thành Nội bằng xe xích lô đạp.

Loại nầy H. nói -chỉ riêng biệt cho khách du lịch, ngoài ra không còn thông dụng ở chốn công cộng nữa. Xe xích lô đạp bằng chân hay bằng máy đã vắng rồi, đâu còn như trong một tấm hình xa xưa ba tôi chụp mấy chị em ngồi trong lòng chiếc xích lô máy.

Liz và Oanh có vẻ ái ngại khi ngồi lên chiếc xe xích lô đạp của một người đàn ông có vẻ lớn tuổi nhưng khó đoán độ bao nhiêu vì da mặt ông đen sạm vì nắng. Tôi giải thích với tụi nó người ta kiếm sống bằng nghề nầy, nghe nói không dễ gì lọt vô hội chạy xe xích lô đạp nầy đâu. Những người chèo ghe cũng vậy, họ phải làm xoay tua, cách 5 ngày mới tới tua, có chèo mới có tiền, lần chèo vậy mình trả 5 đô la Mỹ một ghe, một xe. Không hiểu họ được chia chát ra sao. Họ lấy sức lao động, đổ mồ hôi gồng bắp thịt mà chèo mà đạp.

Liz kể:

- Chú đạp xe chỉ cho con coi chỗ nầy chỗ nọ, chú nói gì cộ cộ con hông hiểu con hỏi "chú ơi cộ là gì chú?" Chú cười nói "cộ là xưa thiệt là xưa đó con." Nói vậy con mới hiểu cộ là cổ là xưa.

Trong khu hoàng cung những cổng cũng có vòm cong và cái bệ phải cẩn thận khi bước vô. Nhìn cung điện rất cộ, rêu phong, nghĩ tới những ông hoàng bà chúa, những đời cung nữ mà nhớ tới mấy câu thơ trong tập thơ "Cung Oán Ngâm Khúc"

Trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng,
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào.

Tiếp tục cuộc hành trình. Trên đường, còn đồi còn núi nhưng ruộng lúa thì rất là hiếm, nếu có cũng chỉ nhỏ xíu thôi. Không biết sâu bên trong xa còn ruộng nữa không?

Nhà cửa rất ngộ, bề ngang hẹp nhưng chiều dài thì sâu và cao lên bốn năm từng lầu, sơn xanh đỏ vàng nhưng chỉ sơn cái mặt tiền, còn hai bên vách thì màu xi măng loang lỗ thấm màu rêu phong. Xen lẫn là những căn nhà lá lụp xụp. Bãi rác kề bên vách tường, lề đường còn là đường đất lồi lõm đất bùn đỏ.

Bụi bặm mù trời.

Có điều lạ, từ đây dài xuống, để ý thấy nhà nào cũng có cái bàn thờ nhỏ. Nếu không thờ trong sân thì thờ ngoài lan can trên lầu. Thấy thì không giống bàn thờ ông Thiên như đa số trước sân nhà của miệt lục tỉnh đâu.

Tới chỗ dừng chân, một khu resort rộng lớn và khách sạn nằm ngay trên bãi biển, hai đứa nhỏ, Liz và Oanh chung phòng. Sáng hôm sau chị em tôi thức sớm đi bộ dọc bãi biển, thấy có con cá chết nằm trên cát, NA đã chụp một tấm hình. Oanh và Liz đã soạn sẵn va-li của tụi nó sẵn sàng lên đường. Thấy lạ KL hỏi:

- Ủa sao bữa nay thức sớm vậy hai đứa? Mọi khi phải đợi tụi bây cả buổi.

Oanh nói -trong phòng có ma. Tụi tôi xúm lại nghe Oanh kể:

- Cỡ nửa đêm, con giựt mình thức dậy vì có cảm tưởng như có ai mới bước vô phòng. Con tưởng Liz cũng thức nhưng nhìn kỹ thì thấy nó đang nhắm mắt ngủ. Con vẫn có cảm gác như có ai đang ngó con. Con thấy sợ, cố ngủ lại. Con giựt mình lần nữa, cảm giác như có ai đang đứng giữa hai cái giường, nhìn con ngủ. Con nhìn qua Liz thấy nó vẫn nhắm mắt. Con nhìn xung quanh chẳng thấy ai ngoài hai đứa con. Nhưng con có cảm giác như có ba người, ba hồn người, một đang đứng kế giường con, một đứng dưới chân con và một đứng gần cửa sổ. Con sợ quá nhắm mắt cố gắng ngủ lại nhưng vẫn còn cảm giác có ai trong phòng. Nhìn Liz có vẻ như nó đang ngủ suốt đêm. Cảm giác của con như có ba người lính Mỹ trong phòng (nghe như con khùng rồi) nhưng cảm giác rất là thật. Họ giống như chỉ là tò mò nhìn tụi con thôi. Cả đêm con chẳng thể ngủ lại vì sợ. Sáng hôm sau con nói với Liz con phải ra khỏi khách sạn nầy và Liz nói nó cũng hổng ngủ được. Liz nói cứ giựt mình thức dậy, cảm giác như thấy con đang thức mà nhìn qua thì thấy con đang ngủ.

Liz tiếp lời:

- Còn con thì nhớ khi bước vô khách sạn con có cảm giác bồn chồn lạ lắm. Khách sạn rất đẹp, sang, nhưng con có cảm giác kỳ kỳ, không phải là sợ nhưng kỳ kỳ. Tối đó con không ngủ ngon, cứ giựt mình dậy hoài nhưng con nằm yên và nhắm mắt. Con tưởng Oanh đang ngủ ngon nên không gây tiếng động sợ nó thức giấc. Sáng hôm sau thức dậy thấy Oanh đã hối hả dọn đồ của nó vô va-li, nói là muốn ra khỏi khách sạn liền. Con không biết tại sao vì mới hôm qua nó nói là nó rất thích chỗ nầy, đẹp quá. Rồi nó kể con nghe đêm qua nó cảm thấy như có ba người lính trong phòng. Đó là lần đầu tiên trong suốt hành trình, nó thức dậy trước con. Từ đó về sau ngủ ở khách sạn nào tụi con cũng để đèn sáng suốt đêm.

Ấy là những gì mà con và cháu tôi đã kể lại. Sáng hôm sau nhìn mặt cả hai đứa cùng có vẻ sợ, gặn hỏi miết tụi nó mới nói ra. Tôi chưa mấy gì tin vì khách sạn đó thật là đẹp quá. Kiến trúc phòng ốc hồ bơi bãi biển thật là lý tưởng, mới toanh, còn đang xây thêm nữa, làm gì có ma?

Thế nhưng khi lên xe tiếp tục xuôi nam, cậu H. nói rằng:

- Chúng ta đang đi trên Quốc Lộ 1, con đường khi xưa được gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng

Tôi giựt mình, ngó qua em tôi, mấy chị em nhìn nhau mà không thể thốt ra một lời nào. Hồi lâu, NA mới nói:

- Hèn chi!!! Hèn chi nhà nào cũng có bàn thờ. Không biết bao nhiêu người bỏ xác tại đây. Tội nghiệp quá, chết đã lâu, chẳng lẽ linh hồn còn phảng phất?

Khi về lại Mỹ tôi tìm trên internet thì đọc thấy như vầy:

"Đại lộ Kinh Hoàng là tên không chính thức cho một đoạn đường dài khoảng 9 km tại tỉnh Quảng Trị, nơi mà theo Việt Nam Cộng Hòa thì đoàn quân Việt Nam Cộng Hòa cùng dân chúng đang rút chạy về phía Nam trong Chiến dịch Xuân-Hè 1972 thời kỳ Chiến tranh Việt Nam đã bị trúng pháo kích của Việt Cộng, thường dân chết rất nhiều"

Đường xa lộ đa phần cũng êm êm. Vì là chuyến du lịch có hạng nên họ cho chúng tôi ở những khách sạn hay khu resort 4,5 sao. Thức ăn từ Hà Nội vào tới Sài Gòn đa phần là hải sản. Nhớ hôm ở Hà Nội, sau bữa ăn đầu tiên, về phòng, má và em tôi bị ói mửa. Nhưng cũng may, ói hết ra là thôi. Vậy mà hôm sau cậu D. cứ ân cần hỏi han trong đoàn ai có bị gì không, sau khi ăn. Tụi tôi cho biết có hai người bị ói, chắc tại ăn con hào sống. Cậu liên lạc với nhà hàng, sau đó cho biết chủ nhà hàng gởi lời thật tình xin lỗi. Sau khi trở về Mỹ, cuối tháng tư, mới bùng ra vụ cá chết hằng hà sa số đầy dưới đáy biển và tràn lan trên bãi biển suốt mấy tĩnh miền Trung. Thì ra, cá đã chết trước đó rồi nhưng họ không cho mình hay.

Nhìn hai bên đường vùng quê, đồi cao, thấy những tấm bảng quảng cáo "Gà Đồi" tôi hỏi chọc ghẹo:

- H. ơi, gà nuôi trên đồi leo núi chắc là ngon lắm phải hông?

Cậu H. nói:

- Thì gà họ nuôi như nuôi bình thường chừng gần bán được họ đưa lên đồi thành "gà đồi" nên bán giá đặc biệt hơn.

Nói xong cậu cười. Những quán nhỏ dọc đường hầu như cùng bán trái thơm. Mùa thơm hay sao? những trái thơm nhỏ nhỏ gọt sẵn để sẵn trong bọc nylon màu vàng. Ạ, màu vàng nhìn thấy như trái cây chín hơn, ngọt hơn và bắt mắt hơn.

Còn thấy con trâu đi cày và người dân quê, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" chân lấm tay bùn đang gieo mạ. Vào thành phố thì cửa hàng xa xí phẩm tràn ngập, quần là áo lượt, người ta buôn bán ê hề. Giữa nghèo và giàu giữa quê và tỉnh càng lộ rõ hơn bao giờ hết.

Đi ngang qua, mình chỉ nhìn thấy cái mặt tiền, còn sâu trong ruột?

Vẫn còn ao sen, vẫn còn hoa sen trong bùn nhưng con người thì sao?

Con đường thiên lý đi hoài mấy tiếng đồng hồ qua nhiều thành phố tỉnh lỵ với những cái tên khi xưa chỉ đọc trong báo chí và nghe trên radio bây giờ mới có dịp ngang qua hẳn hòi. Từ miền Bắc, chân bước trên đê Yên Phụ, qua Sông Hồng cầu Tam Biên Phủ Lý Nam Định, rồi vô Trung qua Sông Hương núi Ngự, cửa Thượng Tứ, Đèo Cả đèo Ngang đèo Hải Vân, Gio Linh, sông Thạnh Hãn Phá Tam Giang...

Tới Hội An. Chị em tôi rất thích Hội An vì cùng một điểm chung, đi mua sắm.

Vừa ăn buổi tối xong rủ nhau ra phố cổ. Đèn lồng vừa thắp sáng, những chiếc đèn lồng đủ màu đủ kiểu giăng ngang con phố nhỏ. Hai bên là hàng quán mời mọc. Quần áo rất lạ, đẹp đối với chúng tôi. Đang nóng mà ăn cây kem ống mùi dừa quá ngon.

Tay xách nách mang, về khách sạn bận thử mấy cái áo đầm thấy đẹp quá, tụi tôi rủ nhau sáng thức sớm trở ra phố mua thêm. Buổi sáng sớm nhìn khu phố rất lạ, một bộ mặt khác hẳn tối qua. Tối qua tất cả hàng quán mở cửa, mình chưa thấy gì ngoài ngôi chùa cổ có kiến trúc như chùa Tàu nên không để ý. Sáng hôm đó trở ra, phố còn chưa mở cửa thì lạ thay, tôi sững sờ, cả một thành phố trở thành giống như mình đang đi trong một ngôi làng bên Trung Quốc. Tất cả cánh cửa của các hàng quán tôi thấy, đều bằng gỗ, lối kiến trúc của một ngôi nhà Tàu. Nhìn chiếc Cầu Chùa bằng đá có mái của người Nhật vào thế kỷ trước để lại, rất hay họ còn giữ lại những gì đẹp đẽ và cổ kính. Thì ra Hội An không những chỉ đẹp nhờ vào đèn lồng treo cao và còn có những ngôi nhà những cánh cửa của mấy thế hệ xa xưa. Trên mái nhà của một cửa tiệm mà mấy chị em đã mua hầu hết mặt hàng, có một loài dây leo thả xuống những nhánh bông rất lạ. Bông thành chùm có ba màu, trắng tinh, hồng nhạt và hồng tím, hỏi thì chủ nhà cho biết tên là hoa Sử Quân Tử. Hoa ngộ mà tên cũng quá hay.

Khi chúng tôi từ giã Hội An, lòng còn luyến tiếc. Phải chi hãng du lịch cho du khách ở lại Hội An hai ngày. Mới phỉ.

Tiếp tục cuộc hành trình. Dọc theo con đường thiên lý thỉnh thoảng thấy từng chùm hoa bò cạp màu vàng óng. Mỏi mệt và nóng dù cho xe mở máy lạnh suốt đoạn đường dài.

Những vườn trồng cây thanh long dài dài theo Quốc lộ 1, khi trổ bông chắc là đẹp lắm.

Ở khoảng nầy không có nhà cửa quán xá gì nhiều, đa phần là bãi cát và cây cối hoang. Khi tới một chỗ xung quanh toàn là đồi cát vàng, xe dừng lại. Mấy đứa em mua bắp của chiếc xe bán dạo bên đường, nghe nói bắp ở đây ngon lắm. Trong quầy bán nước ngọt, xen lẫn với coca cola, bia Hà Nội, bia Sài Gòn, toàn bộ những lon khác mang nhãn hiệu bằng tiếng Trung Hoa. Tất cả những nơi có du khách là có người Hoa, cỡ 90%. Họ đi thành đoàn hay cả gia đình, già trẻ bé lớn ồn ào và đa số là không tôn trọng người khác. Thí dụ, mình vừa để cái khăn tắm lên ghế, đôi dép dưới chân ghế để xuống hồ bơi, trở lên thì đã có một trự chiếm ngự, đặt cái bàn tọa lên cái khăn tỉnh bơ, ngó quanh quất. Những cái ghế khác trống sao không ngồi? Chắc tại ghế nầy tôi có lót sẵn cái khăn, êm mông? Thiệt tình!

Tôi ngạc nhiên về cách trang trí.

Ngay trong một thành phố, sao người ta đem một con vật truyền thuyết ảo tưởng, sơn phết vàng khè, trân trọng "ngự" trên chiếc cầu xám ngắt, hào nhoáng giả tạo, chẳng hài hòa chút nào.

Trong sân một nhà hàng lớn, họ xây một cây cầu giả bằng đá. Chiếc cầu chỉ dài cỡ 20 bước chân, bề ngang đủ hai người ngược xuôi mà có tới hai con rồng lăn lộn hai bên thành cầu, hai cái đầu bạnh ra, lân không ra lân rồng chẳng ra rồng, kiến trúc trông lai căng ngổ ngáo mất thẩm mỹ. Uổng quá, uổng cho những chậu cây bonsai chưng đó đây, những gốc cây uốn cong rất mỹ thuật, tuổi đời có thể già cả trăm năm.

Một nhà hàng khác, trong sân treo đầy những chiếc lồng đèn đỏ, kiểu dáng của đèn lồng giấy Trung Hoa, không như những chiếc đèn lồng bọc lụa rất có mỹ thuật ở Phố Cổ Hội An. Tại sao? Muốn câu khách du lịch, sao không tạo nên một khung cảnh lấy nghệ thuật và những nét đẹp đặc trưng của người Việt, mà lại sao y bản chánh của "họ," những người dân hung hãn của phương bắc, lúc nào cũng lăm le tiến chiếm nước ta?

Ghé ngủ đêm ở Qui Nhơn, không đủ thì giờ thăm thắng cảnh vì sáng hôm sau phải lên đường sớm. Lầu ông Hoàng, mộ Hàn mặc Tử nơi mô?

Tới Nha Trang, mọi người túa xuống, vô chợ mua được mấy ký lô trái măng cụt, giá 60 ngàn một ký, ngon quá trời. Mấy chục năm mới ăn lại trái măng cụt tươi, làm sao không ngon!

Không còn nhìn thấy bãi biển hàng dừa nữa vì bị khách sạn mọc đầy.

Ở đảo VinPearl hai ngày nghỉ ngơi. Khu nghỉ mát nầy có cái hồ bơi rất lớn và rất ấm là nơi mấy chị em tôi túc trực. Sáng 6 giờ chúng tôi đi dọc theo bãi biển thấy 5, 6 nhân viên ngồi dọc trên bãi cát đùa đùa hốt hốt từng cọng rác từng vỏ sò sóng biển đã đẩy từ ngoài khơi vào. Chúng tôi đã nói với nhau "họ kỹ quá, sạch sẽ quá."

(Về Mỹ rồi, sau khi vụ cá chết "Vũng Áng" bùng nổ, mới hiểu ra, chắc là họ đã biết trước rồi, không muốn du khách thấy bất cứ con cá chết nào. Đã nói mà, chuyện gì dấu được thì họ dấu kỹ khỏi chê.)

Buổi tối, chị em tôi ra ngoài khách sạn đứng lớ ngớ thì có một cậu tài xế xe chuyên chở của khách sạn hỏi muốn đi đâu, tụi nầy nói muốn đi vòng vòng hóng gió biển, cậu ta kêu lên cậu chở đi. Lên xe xong cậu quay lại hỏi:

- Các chị có ai bị đau tiền đường không ?

Ngạc nhiên quá, thêm tiếng mới nữa, mới nghe lần đầu, cả đám hỏi:

- Đau tiền đường là đau bịnh gì?

Cậu cười, giọng trọ trẹ nhưng dễ nghe:

- Đau tiền đường là bị chóng mặt ấy, nếu có thì đừng ngồi quay mặt ra sau.

Tôi không thích chỗ nầy gì mấy, một sao bản của Disney Land, tuy khách sạn rất sang trọng nhân viên rất chu đáo nhưng du khách thì quá xa lạ vô cảm và ồn ào.

Hôm sau tiếp tục lên đường. Ngang qua đất của người Chàm xưa, vài cái tháp đứng lẻ loi, cô độc, rêu phong. Cả một dân tộc, bây giờ rải rác đâu đây?

Tôi chợt nhớ hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

"Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch liêu"

mà thấy buồn buồn trong lòng.

Vô tới Sài Gòn, ăn bữa cơm ngon quá trời. Chính hướng dẫn viên H. người Hà Nội, khen "ăn cơm canh chua cá kho kiểu Nam bộ ngon quá."

Vô chợ Bến Thành, điều làm tôi ngạc nhiên hết sức, rất nhiều nhân viên bán hàng nói được vài ngoại ngữ. Họ mời hàng rất nhiệt tình bằng tiếng Nga, Anh, Đại Hàn và Tàu, cả tiếng quan thoại lẫn Quảng Đông.

Con tôi nói:

- Vô Sài Gòn con đỡ nhức đầu. Giọng nói ba miền sao khác nhau quá. Hà nội thì con cố gắng lóng tai nghe giọng miền Bắc, rồi nói "hả? hả? em hổng hiểu gì hết", khi ngoài Bắc vừa mới nghe hơi quen quen câu hiểu câu không thì vô miền Trung, đổi giọng, vừa mới đoán câu được câu có thì vô Sài Gòn chuyển qua giọng Nam. Mà vô Sài Gòn thì yên tâm vì nói câu nào con cũng hiểu hết.

Thấy má tôi có vẻ lừ đừ mệt lắm rồi. Lo sợ, chúng tôi tức tốc đổi vé máy bay quay về Mỹ sớm hơn 7 ngày. Thế là chúng tôi đã không đưa má về tận Cà Mau được rồi. Nhưng, điều chính nhứt của chuyến đi, không phải là những danh lam thắng cảnh đã xem qua, mà là hai chuyến xe taxi chở cả nhà về thăm "mái nhà xưa" ở Cư Xá Phú Lâm A, quận 6, Chợ Lớn.

Chúng tôi có gặp và nói chuyện với người chủ nhà mới, còn trẻ, rất dễ mến. Căn nhà trệt một phòng ngủ một gác lửng đã xây lên thành 4 từng lầu bề thế. Lịch sử của một thế hệ đã lật qua trang khác. Thế nhưng, đứng bên ngoài nhìn căn nhà, tôi như thấy lại cảnh mấy đứa em nhỏ chiều chiều chơi trên cái sân xi-măng nhỏ, đợi ba đi làm về. Ba đẩy chiếc xe Vespa vô nhà xong, thay đồ rồi nằm đu đưa trên cái võng nghỉ ngơi một chút. Chiếc bàn tròn xếp gọn để trong góc, khi ăn kéo ra ngay trong bếp. Cái bếp tuy nhỏ nhưng thoải mái vì trên trần họ để hở ra một khoảnh, thấy bầu trời, gió Phú Lâm mát mẻ. Tôi nhớ cảnh gia đình đông con chộn rộn những bữa cơm quây quần bên nhau, vừa ăn vừa có thể nhìn lên bầu trời nhạt nắng. Và tôi nhớ cái bồn xây xi-măng để chứa nước, bếp là hai cái lò xài dầu lửa, hầu như mỗi ngày, nồi cơm nhắc xuống nồi chè bắc lên. Ôi tôi nhớ mùi thơm của những chén chè đậu xanh hột, bùi bùi quyện với vị ngọt ngào của đường thốt nốt.

Tôi nhớ trên cái gác lửng có trổ cửa sổ hướng về Sài Gòn. Tôi thường đứng đó ngó mông qua hướng có con đường tên Minh Phụng, ngay dưới dốc cầu Cây Gõ có nhà của M. mối tình đầu của tôi.

Chuyến về nầy tôi không gặp lại bất cứ đứa bạn nào trong bọn tứ cô nương thời Trung học. Chỉ gặp lại cô bạn rất thân tên trăng rằm và một người bạn nam hồi học chung lớp, Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ, ba năm 1964, 65 và 66. Gần 50 năm, gặp lại, nói chuyện tiếp tục như hôm qua mới vào lớp, một nhóm thanh niên thiếu nữ 16, 17, môi thanh mắt sáng, ồn ào đầy nhiệt huyết, hoài bão và hy vọng. Gặp lại nhau, sao như mới trưa hôm qua, "trăng rằm" của tôi đã kéo vĩ cầm tặng tôi bản Trở Về Mái Nhà Xưa, nhạc ngoại quốc, lời Phạm Duy:

- Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.
Về đây nhé ! Cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.

Nhìn những nếp nhăn trên đuôi mắt của bạn, nhìn những sợi tóc bạc len lén trên đầu, tôi biết, ta đã già như nhau. Cho dù ba đứa mình chẳng ai theo đuổi được giấc mơ nhưng đời các bạn cũng tạm ổn, còn tôi, thấy mình quá may mắn.

Chuyện đau lòng nhứt của tôi, gặp cô bạn hàng xóm, cô nắm tay tôi mừng rơn. Nhìn tôi hồi lâu với ánh nhìn soi thấu, cô hỏi:

- Có nghe tin tức gì của M. hông

Giựt mình. Đã lâu lắm rồi, không nghe ai nhắc tới tên, sao mà ngờ còn có người nhớ chuyện xưa của tôi. Thấy tôi lắc đầu, cô kể:

- Sau 75, M. có tới tìm bồ, hỏi mình có địa chỉ của bồ ở Mỹ không. M. buồn lắm, đứng đây mà cứ ngó qua nhà bồ. Sau lần đó thì không còn gặp lại nữa.

Ngày xưa có lần cúp cua, vô vườn Bách Thảo chơi. M. chỉ cho tôi coi một thứ cây mới trồng. M. mỉm cười, nheo mắt, nói:

- Cây nầy ngộ lắm X. Bây giờ lá xòe ra vậy chớ đêm xuống thì hai hàng lá xếp lại với nhau. M. đặt tên cho nó là lá "phu thê."

M. chỉ là chọc tôi thôi nhưng tôi chợt nghĩ tới "gì đó", hồng đôi má, ngó lên trời. Bây giờ, cây "lá phu thê" ấy, chắc đã thành cổ thụ buồn rầu.

*

Ngộ thiệt, sống gần hết đời người, tự do no ấm nơi đất khách, lòng nhớ quê hương canh cánh bên lòng. Nhưng, khi trở về rồi, lại muốn bay trở ra?

Dân tị nạn như chúng tôi về nước thì như người xa lạ, trở về mảnh đất dung thân thì như trở về quê hương. Tôi nhớ bản nhạc:

Phố cũ xa lạ quá, loanh quanh đi tìm mãi.**

Thì ra, cuộc đời đã hoán đổi. Nước Mỹ không còn là quê hương thứ hai nữa rồi. Bước chân xuống phi trường Los Angeles, lòng thấy nhẹ hẳn, khỏe ra. Đây mới chính thực là nhà mình.

Sau chuyến du lịch thấy má tôi tuy mệt nhưng vui lắm vì "ước muốn cuối cùng" của má đã làm xong, dù chỉ xong một nửa.

Bên kia trái đất. "Người đi qua đời tôi. Không nhớ gì sao người ***" đang ở đâu? Hẳn người còn nhớ đến ta? Chúng ta như những cánh diều bay cao. Diều bay cao nhưng sợi dây diều vẫn còn trong bàn tay của thượng đế.

Ngày nào sẽ buông?

Nhìn ra khung cửa sổ, làn gió nhẹ lướt qua nhành trúc quân tử, lao xao. Tôi ngộ ra. Mối tình đầu bồng bột, sôi nổi, phung phí thời gian vì những giận hờn vu vơ, chuyện gì cũng tưởng như trái đất sắp nổ tung. Tình đầu ngu ngơ đã tan như bong bóng xà phòng, ôi nhưng sao mỗi khi bạn bè nhắc đến vẫn còn làm trái tim ta cay đắng xót xa thế nầy. Tình nghĩa vợ chồng, mối tình cuối sẽ như bảy sắc cầu vồng. Khi thế gian nầy vẫn còn nắng mưa thì cầu vồng vẫn còn hiện hữu.

Sống trên đất Mỹ mà sao cứ viết về Việt Nam. Nhưng, có cũ mới có mới, có xưa mới có nay, có về "mái nhà xưa" mới thấy nhân tình thế thái vật đổi sao dời dâu biển ra sao; có trở về Mỹ mới nhận rõ "Chân, Thiện, Mỹ" là đâu.

Lại thêm một năm lặng lẽ trôi qua. Đời là "một giòng nước trong và đục, giữa đục và trong là một biên giới mơ hồ"

Thời thế, thế thời phải thế. Ta vẫn sống như thế đó, từ tóc đen cho tới bạc đầu, gần hết một đời người, giữa đục và trong.

Bây giờ là mùa Tết. Cây đào đang trổ nụ hồng, cây mai ngoài cửa vàng một màu hoa. Năm nay cây mai "trúng mùa", cả cây đầy hoa đầy nụ, điềm may mắn cho nguyên năm.

A a a... hoa mai nở, vàng màu thời gian./.

Ngôi nhà màu nâu, cuối năm 2016

Trương Ngọc Bảo Xuân

Chú thích:

*Mưa Trên Cây Sầu Đông của Nhã Ca

** Phố Cũ, nhạc và lời Trần Kim Bằng

***Người Đi Qua Đời Tôi, thơ Trần Dạ Từ

Ý kiến bạn đọc
16/09/201705:00:29
Khách
Hà Thị Thu Ba ơi,
Dữ hôn, bây giờ chị mới thấy nguyên tên họ của em. Chị luôn thích cái tên Thu Ba này hơn là biệt hiệu TTr. Nhìn tên họ của em, chi rất nhớ Thầy, và bác gái.
Về đây mà chị cứ nhớ ở bển Thu Ba ơi. Nhớ từng cảnh đời, nhứt là những người buôn gánh bán bưng, người già, trẻ em, sống bên lề đường. Hy vọng sớm gặp lại Thu Ba.
Thương.
16/09/201704:55:19
Khách
Chào HN Melbourner
Hôm nay tôi trở ngược lại để coi mình có trả lời sót thư nào của độc giả hông, y như rằng, mới thấy thư của HN Melbourner.
Bạn nói đúng quá. Tôi sống ở Mỹ 47 năm, làm việc với cơ sở Mỹ cũng hơn 40 chục năm. Hàng ngày giao tiếp nói tiếng Anh thì nhiều, thư thoảng mới được nói tiếng Việt, về nhà, nói chuyện với chồng cũng tiếng Anh nên chính tả từ ngữ Việt quên nhiều lắm. Mỗi ngày tôi vô Việt Báo đọc tin tức và bài VVNM. Mỗi lần viết bài là tôi phải tra tự điển, vậy mà cũng còn sót và còn trật đó bạn ơi.
Cảm ơn HN đã hiểu và thông cảm. Mong bạn vô thường xuyên, tôi sẽ cố gắng viết nhiều hơn nữa. Viết tiếng Việt là nỗi niềm nhớ quê hương sâu thẳm của tôi đó bạn ơi.
Trân quý,
TNBX
22/06/201704:14:19
Khách
Chào bà Trương Ngọc Bảo Xuân. Tôi thích đọc những bài bà viết vì các cốt chuyện rất thật và văn từ giản dị dễ đi vào lòng người. Tôi thích sự góp ý của bạn đọc Hiếu và cách trả lời của bà vì cả hai đều từ một chữ chân tình. Một người ủng hộ muốn người viết càng ngày càng hay và hoàn hảo và người kia đã từ tốn trả lời. Văn minh và lịch sự. Tôi giống như bà ở hải ngọai đả lâu , có chồng ngoại quốc, sống và làm việc với người ngoại quốc, dùng tiếng Anh hàng ngày, tiếng Việt chỉ năm khi mười hoạ, bảo sao không quên ít nhiều chính tả tiếng Việt. Bà ‘can đảm’ viết truyện và viết hay, quả là đáng khâm phục và hoan nghênh. Mong các bài viết sau của bà. Trân trọng.
15/03/201706:56:54
Khách
Chi oi, doc xong bai viet cua chi, long bui ngui qua. Chi noi dung, que huong minh dep lam nhung ngay mai biet co con duoc nhu hom nay khg, con nguoi ngay mot vo cam voi nhau va cung san sang giet nhau neu can.
10/03/201719:54:16
Khách
Xin chân thành xin lỗi về việc trả lời thư trễ, vì tôi đã đi xa tháng nầy, mới về.

LẠC DƯƠNG,
Đó là công ty AVTravel.
Hy vọng Lạc Dương có thì giờ để trở về một chuyến. Đi với gia đình thì vui lắm. Cám ơn Lạc Dương đã đọc bài và đồng cảm.
Dạ, má tôi cũng thường hay mệt nhưng ăn uống bình thường, rất mừng bạn ơi.
Thân ái chào bạn.

BON BON ơi,
Cái tên ngồ ngộ, làm tôi hình dung ra trái bòn bon bên mình, ngọt hơn trái dâu, dễ ăn.
Nhìn hai thái cực hai giai cấp sang giàu và nghèo khó, không thể nào không so sánh được. Xót thương lắm Bon Bon ơi.


BÉ CƯNG,
là bé cưng của ai đây há ???
Tôi nghiệm thấy như vầy, chuyện gì không nhớ thì quên không quên thì nhớ, cho nên, tôi tùy theo lòng. Nhớ được thì cứ nhớ, phải không Bé Cưng? Cảm ơn bạn, Má tôi cũng khỏe, theo kiểu người già.

HIẾU ơi,
Cho dù tôi có dò đi dò lại cả chục lần, mà bài nào khi lên báo cũng sót cũng sai vài chỗ. Cảm ơn Hiếu đã đọc kỹ và chỉ ra điểm sai.
Lần sau tôi sẽ cẩn thận hơn nữa để khỏi phụ lòng độc giả, bởi vì khi đọc lại thấy sai tôi cũng mắc cỡ lắm.
Thân ái.
27/02/201722:26:29
Khách
1. "Di chuyển từ Hạ Long qua Phủ Lý Hà Tĩnh Ninh Bình rồi trở về Hà Nội..." Phủ Lý thuộc Hà Nam, còn Hà Tĩnh ở tận Bắc Trung Bộ.
2. Bệnh đau "tiền đình" chớ không phải đau "tiền đường".
3. "chia chát" phải là "chia chác", mấy tĩnh" phải là "mấy tỉnh"....lỗi nhỏ nhưng cần chú ý hơn vì tác giả viết tốt nên sai không đáng sai, uổng.
27/02/201719:59:47
Khách
Chuyện hay quá chị Xuân ơi.
VN muôn thuở trong tim ta, dù cách xa nửa vòng trái đất, tình quê hương, tình yêu đầu đời làm sao quên được.
Chúc bác gái luôn vui khoẻ.
27/02/201716:05:29
Khách
Bài hay quá, hay ở chổ TG nhìn lại quê hương với cái nhìn của một người Việt tha phường nhưng tâm vẩn còn vấn vương với quê hương xứ sở, nhìn lại quê hương vừa thương vừa đau xót trong lòng.
27/02/201714:06:38
Khách
Bài viết thật hay đã níu kéo chân em để nghĩ đến một lần trở về như gia đình chị. Nếu được chị có thể cho em biết tên của công ty du lịch không? Cám ơn chị nhiều. Mong bác gái khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Bão tuyết cuối mùa đã đổ vào vùng Đông Bắc Mỹ. Mời đọc một truyện ngắn của Phạm Thành Châu, viết theo lời kể của Christine Lanna. Tác giả sinh quán tại Hội An,
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Nhạc sĩ Cung Tiến