Hôm nay,  

Con Gà Cục Tác Lá Chanh

16/02/201700:00:00(Xem: 32827)

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 5045-18-30745-vb5021617

Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu, 2017.

* * *

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, người ta hồi cư, về lại quê, nhà của mình, với khuôn mặt nặng trĩu ưu tư. Tụi con nít cũng cảm nhận được đổi thay quá lớn, nỗi lo lắng của cha mẹ mình, chợt ngoan hơn. Đứa lớn chăm đứa nhỏ, chơi với nhau bằng lá cây, hộp lon, bằng trái trứng cá, trái ổi non… bằng bất cứ cái gì lượm được quanh mình, không dám đòi hỏi một điều gì ở cha mẹ như ngày trước.

Bây giờ thì không còn xe lửa chạy pin, búp bê biết chớp mắt... Những thứ đó đã theo nhau ra chợ trời đổi lấy những ký gạo màu đã ngả vàng, chắc không phải đến từ các vựa lúa của miền Tây gạo trắng nước trong. Đến thức ăn tinh thần cũng không còn, những quyển truyện tranh vô tội có mấy anh chàng “xì trum” da xanh (cả một họ hàng nhà Tí đã đi vào lòng của hầu hết con nít ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975) cũng bị tịch thu. Dĩ nhiên mấy bộ Thiếu nhi, Tuổi hoa đóng bộ thì “tội” lớn hơn nhiều nên bị nhân viên phường, khóm mang băng đỏ đến lấy hết. Đồ chơi không còn, món ăn tinh thần cũng bị lấy mất, món ăn vật chất không đủ lấp đầy cái bao tử đang sức lớn, tụi con nít thẩn thơ, ngơ ngác đến tội nghiệp!

Trường học mở cửa lại vào giữa tháng 8, mùa Trung Thu đầu tiên trẻ con miền Nam không có lồng đèn, không có bánh dẻo, bánh nướng. Mà cũng không sao, các em bé miền Nam tự dưng mất cha - khi gần một triệu người đàn ông vào trại cải tạo - phải chịu quá nhiều mất mát, quên đi mùa Trăng Rằm năm 1975 không còn gì hết, không có cả chị Hằng, không biết vì bị mây che, hay đang nấp sau mây mù vì không nở nhìn trẻ con miền Nam đang trưởng thành một cách tội tình như một trái non chín sớm.

Trường lớp cũng thay đổi đến lạ, bạn bè một nửa biến mất, không biết di tản, mất tích, hay đi “kinh tế mới”, chỗ trống đó được điền vào bằng những khuôn mặt lạ, từ ngoài Bắc vô, từ các trường khác chuyển về. Như câu ngạn ngữ “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, những khuôn mặt cũ của lớp ngồi dạt về bốn bàn cuối lớp, càng xa tầm nhìn của mấy thầy cô mới đổi về từ miến Bắc càng tốt. Nhóm học trò con em của “bên thắng cuộc” ngồi ở mấy bàn đầu, hăng hái phát biểu, mỗi lần muốn nói, giơ cả bàn tay, chứ không phải chỉ một ngón tay trỏ như học trò trong Nam. Ở giữa lớp có một, hai cái bàn bỏ trống như một khoảng cách không thể lấp đầy.

Vài hôm sau, thầy giáo san bằng khoảng cách đó bằng cách cho xếp chỗ lại, ngồi xen kẻ với nhau để dễ hòa đồng, đoàn kết. Nhưng đó chỉ là bị bắt buộc, giờ ra chơi, học trò miền Nam tụ họp dưới gốc cây dương phía sân sau, học trò miền Bắc quay quần dưới gốc cây bàng ở sân trước. Khoảng cách không gian rộng hơn, không phải chỉ là mấy cái bàn bỏ trống mà là một phòng học trống trơn, như cái đầu trắng xóa của học trò miền Nam khi nghĩ đến thân nhân đang ở trong lao tù cải tạo.

Sân trường bây giờ không còn trắng màu học trò nữa vì học trò cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90, không còn mặc đồng phục, không có phù hiệu. Ngay cả các cô giáo cũng không còn đi dạy với tà áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Học trò miền Nam có quá nhiều cái để nhớ, nhất là màu trắng tinh khôi của học đường.

Tóc thề con gái cũng không được xõa dài để bay theo gió. Bà hiệu trưởng mới, một cán bộ giáo dục từ ngoài Bắc vô, bắt buộc nữ sinh trong trường cột tóc (hình như để những bím tóc của nữ sinh miền Bắc mới chuyển vô Nam khỏi lạc lõng?)

Mỗi đầu giờ học, sau giờ đọc báo Nhân Dân (thường là một đoàn viên Thanh niên CS đọc), cả lớp ngồi im lặng, âm thanh vô từ lỗ tai này, bay qua lỗ tai kia, tan vào hư không. Cả lớp lặng lẽ ngồi ôn bài, hay thả hồn lang thang ngoài cửa lớp. Sau đó còn có mục hát tập thể trước khi học giờ đầu tiên (đã bị đổi thành tiết đầu tiên), vừa quái dị, vừa lạ lẫm với học trò miền Nam. Học trò miền Nam đã tinh quái đổi lời dù chỉ đổi trong tư tưởng của mình, không dám hát lớn.

Chẳng hạn “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” thành “Không có cái gì sau ngày ta bại mất”.

Vậy mà các đoàn viên thanh niên CS trong lớp đã “báo cáo” với các Thầy Cô:

“Các bạn miền Nam giờ sinh hoạt không hát thành lời, chỉ ư ư trong miệng, và mắt thì nhìn nhau, cười tinh quái, thiếu tôn kính khi hát các bài về “Bác” và các anh hùng cách mạng”.

Thầy Cô miền Nam được “lưu dung” thì nhỏ nhẹ khuyên răn:

- Đừng có dại các em ơi, làm như vậy là làm khổ cha mẹ các em đó. Cha mẹ các em đang khổ nhiều, đừng làm họ khổ thêm.

Thầy Cô ngoài Bắc vô thì hùng hồn mắng mỏ:

- Cứ còn giữ cái thói tiểu tư sản (?) thì chả bao giờ tiến bộ được! Dưới nhà trường XHCN thì phải “hồng thắm” trước rồi mới đến “chuyên sâu”. Phải lo mà phấn đấu!

Có một giờ Văn (từ niên học 75-76 trở đi môn Quốc Văn cũng bị đổi tên thành một chữ “Văn” ngắn gọn), ông thầy miền Bắc gọi một đứa học trò miền Nam lên trả bài.

Thầy hỏi:

- Em hãy cho biết về tác phẩm “Con Trâu”, tác giả và nội dung?

Học trò miền Nam vẫn còn giữ chữ nghĩa của Tự Lực Văn Đoàn trong đầu nên trả lời hồn nhiên:

- Thưa thầy “Con Trâu” là truyện dài của Trần Tiêu, một truyện về nông dân miền Bắc thời tiền chiến.

Ông thầy miền Bắc cau mặt:

- Chỉ đúng một nửa, “Con Trâu” là tiểu thuyết về một nông dân miền Bắc giác ngộ cách mạng của nhà văn cách mạng Nguyễn Văn Bổng.

Cứ như vậy, những niên học thời sau 1975, Thầy giảng như môt cái máy phát thanh vừa cũ, vừa rè không hấp dẫn, giọng đều đều, mặt vô cảm (không giống như lời giảng “có lửa” và đôi mắt long lanh theo từng bước thăng trầm trong Việt Sử của các thầy cô miền Nam thời trước tháng 4 năm 1975). Học trò bị chia trí đủ thứ, tuổi đang lớn không được ăn no, chỉ tập trung học các môn tự nhiên, các môn xã hội thì người ở trong lớp nhưng tâm trí thì dõi theo bước chân tù đày của Ba, theo nỗi cơ cực của Mẹ. Nên cứ xảy ra tình trạng “thầy hỏi gà, học trò trả lời vịt”.

Bi kịch học đường lên đến cao điểm khi học trò tình cờ đi ngang phòng giáo viên, nghe tiếng các “kỹ sư tâm hồn”, từ ngoài Bắc vô, cãi nhau chí chóe vì một miếng thịt nhỏ. Các thầy cô miền Nam “được lưu dung” mặt mày buồn thiu ngồi chịu đựng ở một góc phòng như vừa đang coi hài kịch, vừa bị tra tấn. Cả thầy trò miền Nam đều chợt nhận ra hoạt cảnh “miếng ăn là miếng nhục” được trình diễn mỗi lần phân phối “thức ăn tem phiếu” cho các thầy cô. Cứ như vậy nên kể từ niên học 1975-1976 trở về sau, trường lớp chẳng còn để lại trong đầu chúng tôi một kỷ niệm đẹp nào. Thầy cô giảng dạy không hay như hồi trước, mắt cứ đăm đăm nhìn vào giáo án, không dám nói thêm một chữ nào. Thương nhất là mấy thầy cô dạy Sử được “lưu dung” của miền Nam, dạy Sử mà mắt cứ nhìn vách tường, hay nhìn xa xăm ngoài cửa sổ, không dám nhìn vào mặt học trò vì bị buộc phải nói ngược lại những điều mình suy nghĩ. Các giờ Sử dài vô tận, cả thầy trò cùng khổ tâm.

Môn học mới toanh được du nhập từ miền Bắc XHCN là môn chính trị mới là môn hãi hùng nhất. Có mỗi một ý mà bị học suốt mấy năm Trung học. Học trò ngồi ở dưới gật gù không phải vì đồng ý mà vì ngủ gục. Giờ chính trị chỉ có mỗi một mình bí thư đoàn TNCS là mở to mắt theo dõi, ghi tên những đứa ngủ gục trong giờ chính trị.

Tưởng là học trò miền Nam... dễ bị dụ, cả ông thầy dạy môn chính trị lẫn bí thư đoàn xa gần nhắc nhở, dặn dò chúng tôi về nhà để ý hành động và tư tưởng của cha mẹ, vô báo cáo lại trong giờ sinh hoạt lớp. Nhưng học trò miền Nam được dạy Công dân giáo dục kỹ càng nên không hề giống một ông cán bộ cao cấp đã đi lên bằng con đường đấu tố chính người sinh thành ra mình. Mà ngược lại, càng học môn chính trị, càng bị nhồi sọ triết học Marxism–Leninism, chúng tôi càng thương cha mẹ mình hơn. Còn nhớ một người bạn cùng lớp bị chỉ định đứng lên phát biểu trong giờ sinh hoạt lớp, đã cho cả lớp một trận cười hiếm có dưới nhà trường XHCN bằng câu nói nửa đùa nửa thật:

- Như lời Thầy và bí thư đoàn nhắc nhở, em có về để ý nghe ngóng cha mẹ em, nhưng họ nói rất nhỏ, mà em thì dạo này bị lãng tai nên không nghe được một câu nào.

Đó là một trong những niềm vui hiếm hoi thời học trò của chúng tôi, ngoài chuyện tự đặt nick name cho nhau theo tuổi Dậu của mình.

Duy cao nhất lớp, ốm nhom ốm nhách (vì không được ăn uống đầy đủ với chiều cao và số tuổi đang lớn), giỏi Anh văn nên được gọi là “gà Mỹ”. Hòa vẽ rất đẹp, mỗi quyển vở của Hòa có một bụi tre rất đẹp ở góc dưới bên trái nên thành “gà tre”. Tuấn thích dùng chữ “đục” trong ngôn ngữ của mình được gọi là gà “chọi”. Phong cả đời “đầu đội trời chân đạp đất” lại thích biển nên đen thui, dù hiền như đất vẫn bị mang tên “gà ác”.

Năm lớp 11, cả lớp bị "bí thư Đoàn TNCS" ở trường lùa đi lao động phát rẫy ở một vùng kinh tế mới hoang vu ở Nha Trang, Đính rất tháo vát, đốn cây rừng rất có kỹ thuật, nhanh hơn các nam sinh cùng lớp, được đặt luôn tên gà rừng. Tuân hiền lành, ít nói, nước da hơi xanh, “bạn bè đặt đâu ngồi đó” vẫn không được tha, phải lãnh cái tên vừa dài vừa…hãi hùng: “gà nuốt dây thun”. Bình mơ ước học y khoa, nối nghiệp cả cha và mẹ đều là bác sĩ, dĩ nhiên là “gà nòi”. Hạc có vẻ khấm khá nhất lớp, là đứa duy nhất trong lớp được ăn điểm tâm trước khi đi học, lâu lâu còn đem vô lớp đãi bạn mấy nắm bắp rang, được phong là “gà đẻ trứng vàng”. Mai chuyên môn thúc cùi chỏ vào lưng Thông ngồi bên cạnh mỗi khi cả hai bất đồng ý kiến, nên đương nhiên Mai thành gà mái, và Thông là gà cồ. Danh cao như cây tre miễu, mặt mày hiền… hơn ma soeur, ngây thơ cụ, nhưng bụng để ngoài da nên được tặng luôn tên “gà tồ”. Chỉ tội nghiệp cho Huyền, người đẹp nhất trong lớp vẫn ấm ức khi bị gọi là “gà tơ”…

Cả lớp gà của chúng tôi bắt đầu đi học sau năm 1975 nên không có được thời hồn nhiên thơ mộng của đời sống học trò thời Việt Nam Cộng Hòa. Không có tiền ăn chè, ăn bò bía ở gần trường. Nhưng vì không có đồ chơi, chỉ chuyên ngồi “hóng chuyện của người lớn” nên cả gà tre, gà Mỹ, gà chọi, gà tơ, gà ác, gà rừng... đều biết khá nhiều chuyện học trò thời trước 1975. Cả gà trống lẫn gà mái của bầy gà Kỷ Dậu đều có một thời đi học khác thường, suốt thời đi học không được mặc đồng phục áo trắng học trò. Niềm vui của chúng tôi rất đơn giản, chẳng hạn như cả lớp cùng “hợp ca” bài hát “cục ta cục tác” vào buổi trưa hay bài “ò ó o” vào buổi sáng rồi phá lên cười để quên cái bụng đang sôi lên vì đói.

*

Đầu thế kỷ 21, hơn hai mươi năm sau ngày xong trung học chúng tôi gặp lại nhau, trên Email, trên phone nhiều hơn là được ngồi bên nhau như thời thơ dại. Và vì trưởng thành nên chúng tôi thấy được ý nghĩ, cá tính của nhau qua những dòng chữ trên iPhone, iPad, PC, những Email mở đầu bằng chữ “Ò ó o”, và kết thúc bằng “cục ta cục tác” rất đỗi... gà tồ, nhưng đó cũng là biểu hiện của tình bạn thời mới lớn “hột bắp rang cũng chia đôi”.

1. Đính- gà rừng

Đã nhiều lần tôi được hỏi “Tại sao không ăn thịt gà?”, tôi chỉ trả lời đơn giản là không thích. Thật ra câu trả lời đầy đủ dài hơn nhiều có thể viết thành một truyện ngắn. Tôi không ăn gà không phải vì kén ăn, phải đòi cho được gà đi bộ như nhiều người ở Mỹ. Trong lòng tôi vẫn có một chỗ đặc biệt cho thời Trung học ở Việt Nam với các bạn cùng tuổi con gà. Ai lại đi ăn thịt đồng loại bao giờ?! Mỗi lần nghĩ đến câu “Con gà cục tác lá chanh” tôi không liên tưởng đến dĩa thịt gà luộc với lá chanh thường nằm trên bàn ăn các gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết, hay kỵ giỗ, mà nghĩ đến bầy gà mái Mẹ tôi nuôi để lấy trứng đem bán, lấy tiền mua gạo nuôi chúng tôi, nuôi Ba đang bị đọa đày trong các trại tù cải tạo.


Khi mấy con gà mái dầu ngả bệnh, theo sự hướng dẫn của Mẹ, tôi lấy thuốc aspirin tán mỏng, nghiền ra thành bột rồi hòa tan với nước ấm, đổ vào miệng gà đề gà mau lành, tiếp tục đẻ ra mỗi ngày một cái trứng góp phần giúp chén cơm của chúng tôi vun hơn, gói quà đi thăm nuôi Ba đầy hơn.

Nhớ ơn “ân nhân gà” đã nuôi mình suốt một thời thơ dại khốn khó ở Việt Nam, tôi in hình những con gà, dán lên quanh office. Đồng nghiệp người Mỹ đã chọc tôi “Mans best friend is dog, Dinhs best friend is chicken”. Dù gì đi nữa, tôi cũng nhất định không ăn thịt gà.

Mỗi lần bắt tay với bất cứ đồng nghiệp nào, có người tròn mắt nhìn tôi, có người hỏi thẳng:

- Tại sao bàn tay của anh cứng vậy, anh có làm công việc công nhân xây dựng trong quá khứ?

Tôi lại phải dông dài giải thích từ chuyện nhà trường xã hội chủ nghĩa bắt học trò đi lao động vời mấy con dao phát rẩy cùn đến độ không còn có thể cùn hơn nữa! Nên bàn tay của học trò trung học trói gà không chặt trở thành bàn tay của công nhân xây dựng.

Nhưng bàn tay chai cứng không làm chúng tôi buồn bằng tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi bị chai lì từ ngày còn học lớp 10 khi hạnh phúc gia đình của chúng tôi được” giải phóng” bởi “bên thắng cuộc”.

2. Bình- gà nòi

Bố Mẹ tôi đều là Bác sĩ Y khoa. Đáng lẽ tôi phải học Y khoa như bố mẹ mong muốn, như các bạn đã gọi tôi là gà nòi. Nhưng đâu có ai ngờ tôi học chưa xong Trung học đã phải vượt biển một mình. Qua Mỹ tôi được gia đình một người Mỹ ở Massachusetts bảo trợ. Ông bà đều là kỹ sư, là cựu sinh viên của MIT, nên từ gà nòi y khoa, bỗng dưng tôi thành gà nòi kỹ thuật. Mê khuôn viên của MIT (Massachusetts Institute of Technology), và cũng “nặng tình” với những con số, tôi dồn sức học, xin được học bổng toàn phần của ngôi trường đại học tư lẫy lừng khắp thế giới.

Văn phòng làm việc yên tĩnh của một kỹ sư, với riêng tôi, có sức quyến rũ hơn bệnh viện đầy mùi ethanol. Từ cái office yên tĩnh, chỉ có sách vở, tôi có thể nhìn qua khung cửa kính tưởng tượng ra mình đang được ở trên quê hương Việt Nam có tự do, dân chủ, có những thầy dạy Sử (như trước năm 1975) truyền lại cho học trò lời dạy của tiền nhân “Tay dơ rửa bằng nước; Nước dơ rửa bằng máu”.

Cùng các bạn thời Trung học, chúng tôi làm hết sức để biến ước muốn thành hiện thực. Chúng tôi tin “thà bật một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”, tin là đường dù xa nhưng cứ vững bước đi, rồi có ngày sẽ đến đích.

3. Huyền- gà tơ

Ngày xưa tôi không được vui khi bị gán cho tên "gà tơ". Tôi thích cái tên gà gắn liền với tuổi Dậu của chúng tôi, nhưng tại sao không gọi tôi là “gà con”, hay “gà giò” nghe dễ thương, êm tai hơn nhiều? Bây giờ ở tuổi nửa đời người, tụi bạn còn chọc:

“Xét khiếu nại của Huyền hồi đi học, nếu Huyền muốn, tụi này sẽ gọi Huyền là gà mái dầu thay vì gà tơ”.

Có một lần chúng tôi kéo nhau đi thăm trại gà ở Compton, miền Nam CA, đa số là gà công nghiệp, lông trắng, mào đỏ. Những ả gà mái không thon thả như gà mái ở quê nhà, những anh gà trống không đẹp mã như gà trống Việt Nam, được nuôi đầy đủ nhưng đúng là gà ở “chung cư”, mập tròn, ngơ ngác như “gà gáy trong chuồng”.

Tự dưng tôi lại liên tưởng đến thế hệ mới lớn của các em trong nước bây giờ, do không được học Việt Sử và Công Dân giáo dục nên cũng lơ ngơ như gà công nghiệp.

4. Duy - gà Mỹ

Như cái nick name “gà Mỹ”, tôi được sống đời tự do ở Mỹ, mặc dù muộn màng hơn các bạn cùng lớp. Biết thân “trâu chậm uống nước đục”, tôi lao vào học. Nhờ chăm học Anh văn lúc ngồi ở ghế trường trung học, tôi không bị trở ngại nhiều. Đến Mỹ đã ngoài hai mươi, tiếng Anh của tôi accent nặng nề âm hưởng tiếng mẹ đẻ, không lưu loát như Bình, hay nhẹ nhàng như Đính. Bù lại, tôi viết tiếng Anh trội hơn hẳn bầy gà cùng lớp ngày xưa đang sống đời lưu vong ở Mỹ, nên được các bạn cho làm “quản trị viên” của một trang web từ thiện. Chúng tôi không có thì giờ, và cũng không dám đi xin tiền ủng hộ của bất cứ ai ngoài bạn bè. Vả lại đứa nào cũng nặng gánh áo cơm, bills vẫn về, và vẫn phải trả đúng hạn mỗi tháng, đành phải lập một trang web để làm nơi thông báo cho bạn bè biết tiền đóng góp của cả nhóm được các bạn còn sống trong nước, chung tay “kẻ góp công, người góp của” giúp các em nhà nghèo hiếu học, giúp những người già neo đơn sống đầy đủ hơn những ngày cuối đời.

Không còn có dịp “hợp gáy” ò ó o mỗi sáng, hay “cục ta cục tác” mỗi chiều, chúng tôi vẫn liên lạc đều đặn bằng email, có nhau trong mỗi vui buồn. Email viết ngắn nên không có khoảng cách giữa “bên ngoài” và “bên trong", nhưng lúc về thăm quê nhà, gặp bạn, ngồi lại bên nhau, nghe bạn nói, nhiều khi chợt thấy hụt hẫng, vì bạn nói bằng ngôn ngữ trong nước bây giờ, chúng tôi nghe, phải định thần mới hiểu được.

“Bên ngoài” không trách “bên trong”, nhưng lòng buồn tê tái vì hiều là “sông đã chia thành hai nhánh”.

5. Hạc- gà đẻ trứng vàng

Thời thơ dại, chỉ có mấy hột bắp rang ngào đường, mấy cọng mứt dừa “xanh xanh, đỏ đỏ trẻ nhỏ nó ưa” tôi được các bạn phong là "”gà đẻ trứng vàng”. Bây giờ thỉnh thoảng gặp nhau, đãi bạn bằng đủ thứ món trên đời (trừ gà vì tôn trọng “lời nguyền” của Đính mãi mãi không bao giờ ăn gà), tôi vẫn không được “phong” thêm một nick name nào cao quý hơn.

Huyền còn khẳng định “chưa có món nào ngon hơn món bắp rang” ngày xưa, cái thời mà mỗi ngày bụng chúng tôi sôi lên ít nhất một lần mỗi ngày vì đói trong lúc ở tuổi đang lớn. Có lẽ vì vậy trừ một vài bạn trong lớp có gene “cây sào” thừa hưởng từ cha mẹ, đa số chúng tôi thấp hơn các em bây giờ một chút.

Tết sắp tới là Tết con gà. Với riêng chúng tôi rất đặc biệt, nên đã có lịch trình họp mặt sau Tết khoảng hai tuần, để khỏi trở ngại với chương trình đón Tết với gia đình, để tránh thời gian bận rộn ở sở, chúng tôi sẽ ăn Tết Quang Trung, ăn Tết muộn hơn. “Mùng một Tết Mẹ, mùng hai Tết Cha, mùng Ba Tết Thầy”, bạn bè thì để ăn Tết muộn, chúng tôi chỉ ăn Tết với nhau hai ngày, một ngày để chúc Tết các Thầy Cô ở Việt Nam, ở khắp nơi trên thế giới qua speaker phone; một ngày để ôn lại chuyện thời đi học, chuyện “cũ như trái đất” nhưng chưa bao giờ thấy chán.

Dù là tiệc “Tết Quang Trung” được tổ chức ở nhà ai cũng linh đình những món truyền thống của Việt Nam, bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ (thật ra là thịt ba chỉ), dưa hành…

Khác hơn những tiệc Tết khác của ngưởi Việt ở Mỹ, chúng tôi luôn có một ít bắp rang ngào đường, một dĩa rau muống luộc, một trái cà chua chín và một ít muối bỏ vào nước luộc rau, một dĩa cà pháo, một dĩa dưa cải chua. Đó là món ngon quen thuộc của một thời mới lớn cơ cực sau năm 1975.

6. Phong- gà ác

Tôi đã book vé máy bay về California nắng ấm của miền Tây nước Mỹ để ăn Tết Quang Trung với nhóm bạn thời trung học. Có thể khi chúng tôi về ăn Tết muộn, chợ Tết đã dẹp, hoa đào đã tàn, hoa mai đã rụng, nhưng có hề gì, gặp lại những người bạn “thời nối khố” thì vui còn hơn Tết. Chúng tôi vẫn có lệ lì xì cho nhau. Nói ra không ai tin, nhưng lúc chúng tôi còn ở tuổi khoanh tay mừng tuổi người lớn để nhận được phong bao màu đỏ có một hay hai tờ giấy bạc mới còn thơm mùi giấy, thì không ai có tiền mừng tuổi cho con nít. Nên lớn lên, ở tuổi hơn nửa đời người, làm ra tiền, chúng tôi “make up” thời nhỏ dại bằng cách tự lì xì lẫn nhau. Những năm gần đây, Viện Việt Học ở Nam CA phát hành loại phong bì mừng tuổi với hình ảnh hoàn toàn diễn tả văn hóa Việt Nam, tôi thích phong bì hơn là mấy tờ hai đồng mới toanh nằm bên trong.

Lúc đầu chúng tôi chỉ lì xì nhau một tờ $2.00, Nhưng từ sau ngày Duy (một “tín đồ ngoan đạo Starbucks”) phàn nàn:

- Hey, hai đồng chỉ đủ mua cà phê thường thôi, không đủ để tui mua latte nóng nghe quý vị!

Ruột của cái phong bao lì xì màu đỏ có đến hai tờ $2.00 và một tờ $1.00. Từ đó mọi người happy vì vừa có đủ tiền đi uống latte nóng, vừa có đủ màu xanh (của tờ dollars xanh), màu đỏ (của phong bao lì xì). Mỗi năm, một đứa trong nhóm thay phiên nhau làm người lì xì, ngồi chễm chệ trên ghế, cả bọn lần lượt đứng dậy chúc Tết người phát phong bao đỏ của năm đó để được nhận tiền lì xì.

Không biết có phải vì “phú quý sinh lễ nghĩa” hay vì muốn dựng lại hình ảnh ngày Tết truyền thống VN ở Mỹ, sau một chuyến về thăm nhà vài năm trước, Bình “gà nòi” mua một loại áo dài quốc phục của nam giới và một số áo dài nữ giới bằng vải thun loại one size fit all mang qua Mỹ. Phe “gà trống” thì vui vẻ nhận quà không đợi mà đến từ “gà nòi”, nhưng mấy cô gà mái chê màu sắc sặc sở. Tuy vậy để không phụ lòng Bình, mỗi năm gặp nhau vào dịp Tết âm lịch, chúng tôi mặc áo dài để dựng lại một góc quê nhà ở Mỹ, để nhớ chúng tôi là thế hệ con cháu của vua Quang Trung.

*

Tết âm lịch bao giờ cũng rơi vào giữa mùa Đông ở Mỹ, nên chúng tôi luôn luôn ăn Tết ở miền Nam California nắng ấm. Thật ra ăn thì ít mà nhớ thì nhiều. Không đứa nào quên được những ngày đi học không được ăn điểm tâm, cứ khoảng 10 giờ sáng là được nghe “trường ca của bao tử”, bụng sôi lên vì đói.

Vì lẽ đó chúng tôi cùng chung tay mỗi năm hai lần gởi tiền về Việt Nam giúp các em bé nghèo ở những vùng xa xôi được ăn sáng, không đi học buổi sáng với cái bụng rỗng như “bầy gà Kỷ Dậu” của năm nào.

Điều làm chúng tôi rất vui là mình sinh đúng vào năm Kỷ Dậu, cùng năm với chiến thắng Đống Đa (Kỷ Dậu 1789) lẫy lừng của Vua Quang Trung với đoàn quân Việt Nam một lòng giữ nước chưa đến 100 ngàn (10 vạn), đuổi 29 vạn (290 ngàn) quân Thanh chạy dài, giữ yên bờ cõi, dạy cho nước Tàu một bài học nhớ đời. Và cũng vì sinh năm Kỷ Dậu, chúng tôi được các Thầy dạy Sử dạy rất kỹ về chiến thắng Đống Đa, niềm tự hào của dân tộc, giúp nhiều thế hệ sau vững vàng hơn trong việc đối phó với người láng giềng phương Bắc, nước Tàu quỷ quyệt, gian tham.

Sinh vào năm Kỷ Dậu, 180 năm sau chiến thắng Đống Đa lẫy lừng bảo vệ non sông, chúng tôi tự hứa với lòng từ lúc đủ trí khôn, mình phải xứng đáng với tiền nhân, với bao xương máu đã đổ để chúng tôi có được ngày hôm nay.

Trong trường Đại học ở Mỹ, chúng tôi đã học được từ giờ Sử cận đại câu nói nổi tiếng của Tiến sĩ, Mục Sư Martin Luther King Jr. từng phát biểu 50 năm về trước: “Nếu bạn không thể bay, hãy chạy. Nếu bạn không thể chạy, hãy đi bộ. Nếu bạn không thể đi bộ, hãy bò, hãy trườn, hay bất cứ cách nào, nhưng hãy đảm bảo là bạn luôn tiến về phía trước”

Ở Mỹ, một đất nước giàu có, văn minh, đời sống cao, như tất cả mọi người Mỹ, chúng tôi cũng đóng góp cho xã hội theo trình độ, khả năng chuyên môn của mỗi đứa, nhưng những con gà Kỷ Dậu Việt Nam luôn sống với tinh thần chiến thắng Kỷ Dậu 1789.

Vó ngựa kiêu hùng thần tốc như bay của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đưa nhà vua và quan quân Việt Nam có chiến thắng lẫy lừng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789.

Tết Đinh Dậu 2017, ở xa quê nhà nửa vòng trái đất, chúng tôi cũng ăn Tết vào mùng 5, và luôn noi gương vua Quang Trung. Không có vó ngựa thần tốc của anh hùng đất Tây Sơn, Bình Định, chúng tôi đã và đang có lúc đi bộ, có lúc trườn, có lúc bò hướng về phía trước, nơi mà Việt Nam có dân chủ, tự do, trở về lại được vị trí minh châu trời Đông. Những con gà Kỷ Dậu sinh sau 180 năm vẫn không ngừng cất cao tiếng gáy Việt Nam, tiếng “cục ta cục tác” không phải để đòi lá chanh, mà để đòi tự do dân chủ cho đất nước, để đòi lại một thế hệ trẻ mang hào khí Quang Trung, ý chí Nguyễn Thái Học, tinh thần Lê Quý Đôn hiểu bổn phận của mình với đất nước, và hiểu tiền bạc là điều thứ yếu sau tự do, danh dự, trách nhiệm.

Cuối tháng 11/ 2016

Nguyễn Trần Diệu Hương

Ý kiến bạn đọc
17/02/201715:22:41
Khách
Xúc động khi đọc bài này. Bài viết phản ảnh lòng yêu nước của một người con dân nước Việt Nam Cộng Hòa.
17/02/201705:32:34
Khách
" Văn tức là người". Mừng cho tác giả đã thoát được ra nước ngoài, chớ một người có lòng yêu nước trĩu nặng như tác giả chắc khó mà được sống yên ổn trong tay bọn ngụy quyền Hà nội.

Nội dung và lời văn của bài này thật xứng đáng để sẽ được trúng giải thêm lần thứ ba.

Mong rằng tác giả sẽ góp thêm những bài viết trong tương lai.
17/02/201705:31:31
Khách
" Văn tức là người". Mừng cho tác giả đã thoát được ra nước ngoài, chớ một người có lòng yêu nước trĩu nặng như tác giả chắc khó mà được sống yên ổn trong tay bọn ngụy quyền Hà nội.

Nội dung và lời văn của bài này thật xứng đáng để sẽ được trúng giải thêm lần thứ ba.

Mong rằng tác giả sẽ góp thêm những bài viết trong tương lai.
16/02/201719:00:50
Khách
Kính thưa Quý Vị,
Trong "Việt Sử Khảo Luân" trang 821, tác giả Hoàng Cơ Thụy viết: " . . . thêm 10 ngày dưỡng sức và ăn Tết. . . . Vua [Quang Trung] cho toàn quân nghỉ 10 ngày để ăn Tết, tức là cho ăn Tết trước ngày mồng một Tết năm Kỷ Dậu." (Trích nguyên văn).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến