Hôm nay,  

Phượng Đỏ Mùa Xuân

13/02/201700:00:00(Xem: 12941)

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 5043-18-30743-vb8021217

Ngày 14 tháng Hai sẽ là Velentine 2017. Mời đọc một truyện ngắn về người tình Việt kiều của Bồ Tùng Ma, trích từ báo xuân Việt Báo 2017. Tác giả tên thật là Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH. Sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Ông từng nhận các giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2001, giải Việt Bút 2008, và từ 8 năm qua, là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Giải Viết Về Nước Mỹ.

* * *

Qua Mỹ 6 năm ông Thành mới về Việt Nam. Vợ ông không cùng đi với ông vì bà không muốn cả hai vắng nhà để đứa con gái nhỏ sinh sau muộn màng ở lại Mỹ dù đã nhờ người trông coi. Có người nửa đùa nửa thiệt nói: “Bộ chị không sợ anh về Việt Nam cặp bồ sao?” Bà vợ cười nói: “Cặp cả trăm con cũng được, miễn đừng lấy tiền của tui cho gái”. Ai cũng tưởng bà nói đùa, nhưng không phải. Bà nói thiệt. Bà nghĩ một người 58 tuổi như ông, chẳng còn bao nhiêu “xíu quách”, tiền nong cũng chẳng có nhiều, thì sau mỗi lần từ Việt Nam về Mỹ còn có tiền taxi đến nhà, còn bước chân được vào nhà, ngủ bù luôn 3 ngày ba đêm, để đứa con gái nhỏ không lo lắng là được rồi.

Đứa con gái rất thương cha. Ngay từ khi nó mới lọt lòng, mẹ phải đi làm bếp ở tiệm ăn một tuần 7 ngày. Nó gần cha nhiều hơn vì cha làm toàn những nghề “không biên chế”. Trong những nghề này có một nghề nghe “oai” nhất là giáo sư… dạy lái xe, nhưng tiền kiếm được ba đồng ba cọc, đôi khi cả tuần không có ai học. Có ai học chưa chắc đã đậu để trả số tiền bao đậu 300 đô. Có người bày ông Thành để 50 đô trong cái hộc cánh cửa xe chỗ giám khảo ngồi, làm như bỏ quên. Giám khảo sẽ lấy số tiền đó và cho đậu. Ông Thành đã hối lộ ba lần như vậy nhưng lần nào tờ 50 đô cũng nằm y chỗ cũ; còn học viên thì cả ba đều rớt.

Có lần không gởi được đứa bé vì bà giữ trẻ bịnh, ông để nó ngồi trong ghế “baby car seat” phía sau, vừa giữ con vừa dạy lái xe. Con bé rất tinh nghịch, chui ra khỏi ghế, đẩy cần số về phía trước, xe kêu mấy tiếng éc éc rồi dừng, suýt bị xe sau tông. Con bé khoe thành tích này với mẹ nó. Bà cấm hẳn việc ông dạy lái xe:

- Thôi ông ở nhà lo việc… nội trợ. Miễn nhà cửa, con cái sạch sẽ là OK. Mình tui đi làm cũng được.

Một lát sau bà lại đổi ý:

- Hay là ông phụ tôi làm bếp. Tôi nói với thằng chủ 1 tiếng là nó nhận ông ngay.

Vậy là ông đi làm bếp với bà. Đứa con gái cũng đi theo. Lúc đầu ông Thành chỉ rửa chén bát, làm vệ sinh…; sau phụ bà nấu bún bò Huế, làm nước chấm.

Một hôm ông nói với bà:

- Cái vá chi mà lớn quá vậy? Còn nước chấm, làm một thứ không được sao. Làm chi mà tới ba, bốn thứ.

- Ông không biết chi cả. Múc một vá lớn đổ vào tô, bún nóng và ngon hơn. Có ai lại đổ từng vá nhỏ bao giờ! Nước chấm hả? Nước chấm bánh nậm khác, nước chấm bánh bột lọc khác. Thôi, không muốn làm thì…

Bà cho ông lay-off.

Ông Thành xin làm một chân thư ký trong văn phòng của người quen chuyên gởi hàng về Việt Nam. Loại “thầy” này ở Mỹ lương ít hơn “thợ” rất nhiều.Trong khi đó vợ ông lên chức đầu bếp, nấu ăn giỏi, điều khiển nhân viên giỏi, hầu như cái gì cũng giỏi cả, đến nỗi chủ tiệm chỉ sợ bà xin thôi việc. Ông Thành lại cảm thấy hình như bị vợ coi thường. Đàn bà mà, hễ thấy mình “trên cơ” chồng một chút là kênh kênh cái mặt.

Trước năm 1975 ông Thành là giáo sư Trung học, đã tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Sử Địa. Sau năm 1975 ông không được dạy nữa, mà ông cũng chẳng muốn dạy vì lương giáo sư của ông thua hẳn lương anh quét rác có biên chế. Ở Việt Nam đã “trật nghề”, qua Mỹ ông Thành cũng “trật nghề” nữa. Hồi mới qua đây ông định đi học thêm như ông bạn đồng nghiệp của ông trước kia nay là giáo sư High school, nhưng thấy vợ chật vật làm ra tiền ông không nỡ để bà như vậy.

Vượt biên qua Mỹ 3 năm sau ông Thành mới lấy vợ. Ông lấy vợ trễ vì ông chờ đợi tin tức của Tuyết, người yêu và cũng là người cùng ông lên thuyền nhưng vì mẹ cô ốm nặng, cô phải ở lại. Trên thuyền khi được tin Tuyết ở lại ông Thành chỉ muốn nhảy xuống nước bơi vào bờ nhưng nhìn chung quanh chỉ toàn là nước, không thấy bờ đâu cả. Ở Mỹ ông Thành dò hỏi tin Tuyết suốt 3 năm nhưng không ai biết cả. Cô không còn ở Đà Nẵng nữa.

Ông Thành về Việt Nam lần đầu tiên năm 1995 nhân Tết Ất Hợi theo lời yêu cầu của bà cụ thân sinh sau khi thu xếp với người chị ruột nhờ trông coi đứa con. Hồi ấy nghe nói về Việt Nam ông rất sợ, nhưng đại gia đình và bạn bè ở bên đó nói không sao cả.

Ông đến Tân Sơn Nhất trước Tết một tuần. Mặc dù đã có visa, nhưng ông vẫn hồi hộp bước xuống cầu thang máy bay. Ông càng hồi hộp hơn khi bước chân vào cái phòng có hai viên công an đứng hai bên cửa.

- Ông vào trong làm giấy tờ- Một viên công an nói.

Ông Thành đang ngạc nhiên thì nghe anh ta tiếp:

- Giấy nhập cảnh.

Ông nghĩ: “Quái! Đã có visa rồi, sao còn xin giấy nhập cảnh”. Nghĩ vậy nhưng ông vẫn bước vào một góc phòng có mấy người ngồi và một người đeo cái máy ảnh “instant photo”. Họ chụp hình ông, bảo ông khai đủ thứ chuyện, rồi nói:

- Đóng 5 đô lệ phí.

Ông Thành lục trong túi không có 5 đô nên đưa họ tờ 10 đô. Người thu ngân loay hoay cả phút vẫn không tìm ra tiền thối. Ông bỏ đi. Nhưng rồi ông nghĩ: “Mình bỏ đi như vậy có vẻ bất lịch sự. Phải nói một cái gì chớ!” Ông quay lui, đến bên bàn thu ngân, nhưng ấp úng không biết nói gì. Người thu ngân, rõ ràng thấy ông, nhưng làm như ông là người tàng hình. Anh ta “nhìn xuyên” qua ông về nơi vô định. Ông Thành thừa thông minh để hiểu rằng không nên nói gì thêm.

Sau khi làm thủ tục hải quan, với số tiền “trà nước” nhẹ nhàng vì ông chẳng mang thứ gì mà hồi đó ở Việt Nam hiếm quý như máy móc, ông đẩy xe chở hành lý ra cửa. Rất nhiều người đứng bên ngoài đón thân nhân hay đến…xem thân nhân của người khác. Họ nhìn ông Thành như nhìn một nghệ sĩ trình diễn vừa bước ra sân khấu. Ông thoáng nghe một người đứng gần đó nói:

- Đây là Việt Kiều thiệt đó.

- Không biết Mỹ hay Pháp.

- Chắc Mỹ.

Hai vợ chồng người bạn từ đám đông đi nhanh ra đón ông. Họ khen ông trẻ và mập hơn trước.

- Không ai nói anh 58 tuổi đâu! Chỉ mới 6 năm mà trông anh khác trước rất nhiều-Anh bạn nói.

- Thôi, tìm cái gì ăn. Tôi đói rồi. Trên máy bay ngủ quên, không ăn.

Ông ở lại Sài Gòn một đêm rồi ra Đà Nẵng.

Đã lâu rồi ông Thành mới được ăn một cái Tết ý nghĩa, đậm đà tình quê hương, tình gia đình. Trước Tết đi mua sắm. Ngày Tết đi thăm mồ mả ông bà tổ tiên và bà con xa gần.

Không thể tưởng tượng được! Hôm từ trong tiệm cà phê bước ra ông Thành gặp Tuyết. Ông đã hỏi thăm tin tức cô cả tuần nay nhưng không ai biết. Ông nhận ngay ra Tuyết vì cô không thay đổi bao nhiêu. Ông hỏi cô một cách tự nhiên như hai người chưa từng xa nhau 6 năm trời:

- Em khỏe chứ! Rảnh không?

- Em không rảnh lắm. Nói chuyện một chút thì được.

Hai người vào lại trong tiệm cà phê.

Không phải nói chuyện một chút mà hai người nói chuyện hàng giờ, rồi hẹn gặp nhau.

Tuyết cho biết cô đã lập gia đình, đã có một đứa con trai ngang tuổi con gái ông, nhưng đã li dị.

- Em không còn cách nào hơn là lấy chồng. Sau 4 năm chung sống em cũng không biết cách nào hơn là li dị-Tuyết nói.

Những ngày sau đó hai người cùng nhau đến những nơi mà trước đây họ thường đến: căn nhà ọp ẹp của cô ở đường Lê Đình Dương, tiệm thịt rừng dưới chân núi Bà Nà, cái hồ chung quanh có con đường trồng nhiều hoa... Rồi hai người cùng nhau đi chơi xa: Hội An, Huế…Những lúc ở trong khách sạn, nửa đêm thức dậy, nửa mê nửa tĩnh, ông Thành ôm Tuyết, bàn tay chạm phải thân hình cô ở những chỗ nhạy cảm nhất, ông sung sướng như ở cõi tiên. Đã lâu rồi ông không có được cảm giác này.

Tuyết rất nồng ấm và quý mến ông. Họ gần như công khai đi chơi với nhau, giới thiệu bạn bè của nhau cho nhau. Tuyết có vẻ hãnh diện có một người tình như ông. Tuyết làm ở một công ty liên doanh. Một hôm ông Thành đến đây tìm cô, gặp anh bảo vệ thắc mắc hỏi tới hỏi lui có vẻ không được nhã nhặn. Không hiểu sao Tuyết biết việc này và đã “phản ánh” trong một buổi họp. Sau đó anh bảo vệ đã rất lịch sự khi gặp ông, và ông cũng không quên đáp lại cái lịch sự này bằng một số quà cáp mang từ Mỹ về mà hồi đó ở Việt Nam ai cũng ưa chuộng như áo T shirt có in hình, thuốc lá đầu lọc, bánh kẹo…

Tuyết giới thiệu hai người với nhau:

- Anh Dũng, Thiếu tá bộ đội phục viên. Anh Thành, Việt Kiều yêu nước… Mỹ.

Anh bảo vệ trố mắt hỏi:

- Là răng?

- Là Việt Kiều yêu nước ở Mỹ- Cô cười trả lời.

Tuyết trở nên thích đùa giỡn, trái với vẻ thâm trầm xa vắng trước đây.

Anh bảo vệ cười ngây ngô, ngồi chồm hổm xuống đất, lấy một điếu thuốc gắn lên môi, phì phèo.

Một hôm Tuyết nói với ông:

- Anh nhớ ông anh họ em không?

- Không nhớ.

- Cái ông từng nhiều lần rủ tụi mình đi vượt biên.

- À, anh Tri.

- Anh Tri đang ở Tiên Lãnh.

- Bộ em nói ảnh bị tù sao?

- Phải.

- Anh cứ tưởng Tri đi lọt.

- Ra ghe cùng đêm với anh, bị bắt. Vượt thêm 2 lần nữa, lại bị bắt. Mai tụi mình đi thăm.

- Thôi.

- Sao vậy.

- Anh…anh…sợ.

- Không sao cả. Em bảo đảm không sao cả. Việt Kiều vượt biên về thăm Việt Kiều…hụt nhiều lắm.

Ông Thành định lấy một cớ nào đó từ chối nhưng sợ phật lòng Tuyết.

Sáng sớm hôm sau hai người mua một số đồ ăn và vật dụng rồi đáp xe đò đi Tiên Lãnh. Gần trưa họ mới đến một túp lều lợp tôn có ghi 2 chữ “Nhà Khách”. Họ đợi chừng nửa giờ thì gặp Tri. Ông Thành không thể tưởng tượng Tri lại thay đổi đến thế. Tri già và ốm hơn trước rất nhiều, lại có vẻ ngớ ngẩn nữa. Tri ngồi bên kia bàn, một cái bàn bề ngang rộng cũng đến 2 thước. Tri vừa nhìn Tuyết và ông Thành, vừa nhìn mớ quà cáp để trên bàn. Một lúc lâu Tri mới mở miệng:

- Cám ơn cô với dượng lên thăm tui.

Tuyết cười như nắc nẻ:

- Anh Hai nhầm rồi. Em có chồng hồi mô!

- À, à, tui cứ tưởng…

- Không sao! Anh gọi rứa cũng được mà. - Tuyết nói.

- À, à…Mời…ăn bánh.

Tri vừa nói vừa đưa tay định mở gói quà hai người vừa mới mang lên. Chợt anh ta giật mình vì tiếng viên công an:

- Anh gì đó, quà chưa kiểm tra!

Tri lí nhí câu gì đó trong miệng rồi im bặt. Anh ta nhìn hai người như nhìn hai kẻ lạ từ hành tinh nào bay xuống.

Chuyện vãn đầu Ngô mình Sở chừng 15 phút hai người chia tay Tri. Lúc ông Thành đứng dậy, Tri rụt rè nói:

- Dượng cho…cho tui cái áo được không?

- Áo nào? -Tuyết hỏi.

- Cái áo dượng đang mặc.

- Anh xin rồi áo đâu ảnh mặc. Đường dài trời lạnh mà.


- Không sao! Không lạnh lắm đâu. Mình ngồi trong xe mà- Ông Thành nói.

Ông cởi cái áo bỏ trên mớ quà cáp rồi chào Tri ra về. Ông không quên tới chào viên công an ngồi ở góc phòng. Viên công an đứng dậy bắt tay anh, nói mấy câu gì đó liên quan đến chánh sách khoan hồng nhân đạo. Trên xe thỉnh thoảng ông Thành lại xoay mặt qua nhìn Tuyết, cố tìm trên nét mặt cô, trong đôi mắt cô những ý nghĩ thầm kín của cô về ông, nhưng không tìm ra được.

Tuyết là học sinh của ông Thành khi ông còn dạy trung học. Lúc đó cô 18 tuổi và ông đã 36 nhưng vẫn còn độc thân. Có lẽ cô yêu ông qua tánh tình hiền hậu, trung thực và sự uyên bác. Cô chưa từng đòi hỏi nơi ông một điều gì quá sức ông. Ngày về ông biếu Tuyết mấy món quà trị giá chẳng đáng bao nhiêu. Ông không có khả năng biếu nhiều hơn dù biết cô cũng đang chật vật. Tiền lương của ông và vợ ông lúc ấy ở Mỹ chỉ vừa đủ chi tiêu và trả tiền nhà. Ông phải dành dụm mới có tiền về Việt Nam.

Ông không phải là người giỏi giắn để trong môi trường nào ở Mỹ cũng có thể kiếm ra tiền, làm thợ cũng được mà làm thầy cũng hay. Có lẽ Tuyết cũng hiểu điều đó, còn ông thì không muốn nói rõ ra. Nói thật thì “quê”, chứng tỏ mình thua xa những Việt Kiều khác, mà hồi đó ở Việt Nam ít ai biết là “thùng rỗng kêu to”. Nói dóc tức dợt le, nói mình dư ăn dư để, ở Mỹ làm ông này ông nọ, thì đào đâu ra đô-la để “chứng thực”, không lẽ bảo vợ gởi tiền về cho mượn.

Hôm ông rời Việt Nam Tuyết không đưa ông ra sân bay. Tuyết nói cô không muốn mọi người thấy cô khóc. Tuyết nói trong điện thoại từ công ty cô làm với giọng tức tưởi, nghẹn ngào. Ông Thành cũng ở trong phòng điện thoại sân bay một hồi lâu sau cuộc gọi để mọi người không thấy đôi mắt đỏ hoe của mình.

Sau khi ông Thành về Mỹ hai người thường gọi điện thoại cho nhau. Hồi đó gọi điện thoại về Việt Nam rất đắt, có tháng phải trả đến 300 đô. Sau đó hai người thường liên lạc hay gọi cho nhau qua các dịch vụ, rồi đến những phương tiện mới mẻ hơn như email.

Ông Thành đã dự tính Tết Bính Tý 1996 lại về Việt Nam nữa nhưng vợ ông bàn:

- Cái nhà mình đang ở theo phong thủy không tốt, cửa restroom quay ra đường; con đường bên kia đâm thẳng vào nhà. Tôi định thêm tiền đổi nhà khác. Anh về Việt Nam, tiền vé, tiền tiêu vặt, tiền quà cáp cũng tốn ít nhất 3,000 đô. Anh nhịn về 3 lần dư được 9,000. Tôi có sẵn 20, 000…

- Bày đặt mê tín- Ông Thành nói như quát.

Bà vợ quát lại:

- Này! Tôi làm quần quật 7 ngày một tuần; 30, 31 ngày một tháng lo cho gia đình. Còn ông…

- Tui không đi làm sao. Năm sáu năm nay mới xin nghỉ về Việt Nam.

- Ông nghỉ, tui đâu có nghỉ.

- Tại bà không muốn nghỉ.

“Bà có mục chi đâu mà nghỉ”. Ông Thành lẩm bẩm và bật cười. Bà không hiểu ông cười về việc gì nhưng cũng cười theo. Ông thấy tội nghiệp cho vợ. Ông nghĩ mình nên…tin phong thủy.

Ông Thành lại hẹn với Tuyết “sẽ về Tết năm tới”. Ông hẹn đến …6 lần như vậy mới về thật. Sáu năm không gặp nhau ông Thành và Tuyết vẫn “thấy” mặt nhau qua internet. Khoa học kỹ thuật kỳ diệu đã khiến họ gần nhau trong không gian không có thật khi xa nhau trong không gian có thật. Internet làm cho họ khắn khít với nhau, không xa mặt cách lòng. Có chuyện gì dù nhỏ nhặt hay lớn lao đến đâu họ cũng nói với nhau. “Anh ơi! Con đường vòng quanh hồ bây giờ trồng mấy cây gì có hoa tím đẹp lắm”. Tuyết chụp hình con đường vòng quanh hồ gởi qua email cho ông. Ông trả lời: “Anh về, tụi mình dắt nhau đi trên đường hoa tím nghe!”.

Đám trẻ đôi mươi khó tin được đây là email qua lại giữa hai ông bà mà mà chúng có thể gọi bằng ông bà nội.

Năm 2001 ông Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất trước Tết Tân Tị 8 ngày. Ông ở lại Sài gòn 1 ngày rồi ra Đà Nẵng. Ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng như Đà Nẵng ông không phải làm thêm giấy nhập cảnh nữa.

Đến Đà Nẵng ông về nhà ở một đêm rồi gọi điện thoại cho Tuyết, hẹn gặp nhau. Ông rất ngạc nhiên nghe Tuyết nói tức tưởi như đang khóc:

- Em không gặp anh được đâu!

- Sao vậy? Có việc gì vậy? Cách đây 3 ngày em còn chat với anh, nói đủ thứ chuyện vui khi gặp nhau mà.

- Bây giờ khác rồi.

- Khác cái gì! Em có điên không. Chỉ mới có 3 ngày…

- Nhưng mà…

- Anh xuống nhà em ngay bây giờ.

- Anh có xuống cũng không gặp em.

- Anh đem về cho em nhiều quà lắm. Có cả quà cho anh Tri và cái anh gì làm bảo vệ nữa.

- Không! Anh gởi đâu đó, em nhờ người đi nhận.

- A lô! A lô!

Bên kia đầu giây không có tiếng trả lời.

Ông Thành nghi hoặc. Bộ Tuyết đùa chăng? Đã cự tuyệt mà còn bảo “Anh gởi quà đâu đó, em nhờ người đến nhận”.

Ông tức tốc đi xe ôm xuống nhà Tuyết. Cửa đóng kín mít. Ông đến một quán cà phê gần đó ngồi chừng 10 phút thì thấy cậu con trai của Tuyết đi học về. Cậu ta đi vòng ra phía sau để vào nhà. Ông Thành đi theo. Trong một góc phòng Tuyết đang ngồi, 2 tay ôm mặt, đầu đội mũ sụp xuống tận mắt.

- Em sao vậy?

- Mẹ con đi sửa sắc đẹp, bị… - Cậu con trai nói.

- Im miệng! - Tuyết mắng cậu con.

Ông Thành chợt hiểu. Ông đến bên Tuyết lấy cái mũ trên đầu cô ra:

- Đâu có sao! Cặp lông mày em bị…sơ thôi.

Tuyết ôm ông Thành khóc thút thít:

- Em đi phun xăm lông mày, bây giờ phía trên mắt sưng húp. Hết ăn Tết.

Thành nói:

- Còn 1 tuần nữa mới Tết. Ngày mai anh và em đi Sài Gòn. Anh đem em đến bác sĩ thẩm mỹ quen.

- Tốn tiền, anh ơi!

- Không sao! Xem như đây là món quà Tết của anh.

Vậy là Tuyết và ông Thành đi Sài Gòn. Cả hai không ăn Tết Đà Nẵng mà ăn Tết trong một khách sạn. Vì vùng lông mày của Tuyết bị sung húp hai người không đi đâu xa. Ông Thành nói dối thân nhân ở Đà Nẵng ông bị ốm nặng. Ai cũng bán tín bán nghi, rồi trách móc. Ngày 20 tháng Giêng Âm Lịch ông và Tuyết mới về đến Đà Nẵng. Ai cũng khen Tuyết trông trẻ đẹp hẳn ra. Lúc bấy giờ Tuyết đã 46 tuổi, còn ông Thành 64. Nhưng trông hai người không cách biệt tuổi tác bao nhiêu.

Trong vòng 7 năm sau đó ông Thành về Việt Nam 3 lần. Giữa ông và Tuyết mọi việc vẫn diễn tiến như cũ, vẫn tình cảm dạt dào, vẫn những món quà Xuân gần như không thay đổi.

Cuối năm 2008 trong 1 email Tuyết cho biết cô đã nghỉ việc tại công ty liên doanh. Cô nói thành phố đã làm một con đường lớn ngang qua nhà cô. Ngôi nhà ọp ẹp của cô đã được đền bù xứng đáng. Cái hồ nước, nơi ông cùng cô hay đến chơi trước đây không còn những cây hoa tím nữa, mà được thay thế bằng phượng vĩ. Cô đang kinh doanh bất động sản.

Tuy Tuyết ít nói đến chuyện tình cảm giữa ông và cô như những lần trước nhưng ông cũng rất vui vì nghĩ tâm trí cô đang bị chi phối bởi chuyện làm ăn. Đã lâu ông không về Việt Nam nên ông nói với bà ông sẽ về Việt Nam sau Tết, sẽ đi Châu Đốc thăm gia đình bên vợ rồi ra Đà Nẵng. Bà bằng lòng và dặn ông đủ điều mà ông cũng chẳng nhớ được bao nhiêu.

Ồng Thành đến Sài Gòn tháng 4 năm năm 2009. Ông xuống Châu Đốc thăm gia đình bên vợ 2 ngày rồi đi Đà Nẵng. Ông hẹn gặp Tuyết ở đâu đó cũng được. Tuyết cho địa chỉ nơi cô làm việc. Ông gọi taxi đi ngay, không đợi bữa cơm bà chị dâu đang sửa soạn. Đến nơi ông khệ nệ ôm một mớ quà Tết, gồm những món cô ưa thích như nước hoa, Mỹ phẩm, beef Jerky... Tuyết đang ngồi họp, thấy ông, vội đi nhanh đến đỡ gói quà. Cô không mở quà ra như mọi khi mà để nó trên cái bàn nhỏ, cạnh cây hoa lớn như được trồng giữa mớ sỏi.

- Ông Thành, Việt kiều-Tuyết giới thiệu.

Mọi người đứng lên chào ông, không quên kèm theo tiếng “Dạ” trước tiếng “Chào”:

- Dạ chào bác! Dạ chào chú!

Ông Thành ngạc nhiên sao hôm nay ai cũng lễ phép với ông như thế. Một lúc lâu ông mới nhận ra những người này cùng trang lứa với Tuyết, xem ông như cha chú.

Vừa lúc đó có con mèo mướp to lớn từ đâu rón rén bước lên chỗ cây hoa. Nó há miệng kéo gói quà. Thịt bò khô, nước hoa, mỹ phẩm… rơi tung tóe trên sàn nhà. Tuyết đứng dậy đến ôm con mèo lên, rồi dồn mớ quà cáp vào gốc cây đào. Ông Thành bẽ bàng nhìn mớ quà. Tất cả chẳng khác gì những viên sỏi vô duyên nằm cạnh đó.

Ông đến ngồi trên chiếc ghế sô-pha, thiu thiu ngủ vì mệt mỏi sau một chuyến hành trình dài. Những tiếng cười nói ồn ào làm ông tỉnh giấc. Ông mở mắt thấy đám người hội họp

đang uống bia. Ở Việt Nam người ta giao tế, bàn chuyện kinh doanh… bên bàn nhậu là thường. Ông Thành chẳng ngạc nhiên gì về chuyện này. Ông chỉ ngạc nhiên khi thấy Tuyết đang cầm ly bia của anh chàng ngồi bên cạnh đưa lên miệng, và anh chàng này lấy khăn giấy chùi bọt bia dính trên miệng cô. Cô liếc nhanh về phía ông Thành rồi nói nhỏ gì đó vào tai anh chàng. Ông Thành nhớ lại có lần ông hôn nhẹ lên má Tuyết, cô cũng liếc nhanh về phía cậu con trai đang ngồi học và nói nhỏ vào tai ông: “Coi chừng thằng bé thấy. Đợi tối rồi tha hồ…”

Càng lúc đám người càng nói chuyện ồn ào hơn. Một người lè nhè:

- Bác có vẻ mệt.

- Ngủ gà ngủ gật cả 24 tiếng không mệt sao được. Bọn mình cũng mệt nữa là mấy ông bà già.

- Có hãng máy bay không cho mấy ông bà già ngồi gần cửa lên xuống.

- Phải, tui mua vé cho ông cụ, tui chọn số 1 mà người ta “lôi” ông cụ xuống số 3. Ông cụ cự nự, họ nói sợ bị giẫm đạp khi có “sự cố”.

Ông Thành định ngồi đợi Tuyết họp xong để hỏi chuyện, nhưng rồi buồn bã đứng lên:

- Thôi, về rồi liên lạc sau nghe.

- Ở chơi chút đi!

- Cả nhà đang đợi bữa ăn.

- Tuyết gọi taxi nghe!

Ông Thành làm như không nghe, bước ra ngoài. Một người đến bên ông định dìu ông bước xuống mấy bậc thềm nhưng ông đưa tay ngăn lại.

Anh taxi vẫn còn đợi dù ông đã bảo không cần.

- Dạ, đi mô bác?

- Đi vòng vòng chơi. À, đi xuống cái hồ nước.

- Dạ, hồ nước nào?

- Hồ nước có…hoa tím…à hoa phượng.

- Dạ… cái hồ chung quanh có nhiều ghế đá phải không ạ?

Ông Thành nói như gắt:

- Chắc vậy! Cứ đi đi!

Ông đâm ra bực mình với những ai quá lễ phép với ông.

Đúng đây là nơi mà ông và Tuyết thường hay đến. Nhưng những cây hoa tím không còn nữa. Trên con đường vòng quanh hồ rực rỡ một màu đỏ chói. Năm nay phượng vĩ ra hoa sớm. Ông Thành chợt nhớ đến mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử:

“Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.”

Ông nhìn mặt hồ lung linh, trong veo, đựng cả một bầu trời xanh dưới đáy. Phía bên trái hồ chói chang ánh nắng; phía bên phải một hàng phượng đỏ mùa xuân đang nghiêng mình xuống mặt nước. Ông định bảo anh taxi chở ông trở lại văn phòng của Tuyết nhưng rồi ông bỏ ý định. Ông lẩm bẩm: Anh không còn khả năng gì để níu kéo em lại được. Thôi,

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
16/02/201704:05:14
Khách
Vỏ quĩt dãy cỏ móng tay nhọn
16/02/201703:51:46
Khách
Doc Cau chuyen
Toi Nghiep dan Ong
15/02/201718:49:29
Khách
Tác giả có viết nhiều trong ĐS Lướt Sóng của Hải Quân VNCH sau 1975 và trước. Trước ông có bút hiệu khác (?). Hình như truyện này có một phần sự thât về tác giả nhưng kết thúc...có hậu.
14/02/201719:15:41
Khách
Truyện của tác giả thường đượm chất lãng mạn, ngay cả khi viết về những hoàn cảnh khó khăn như tù tội, thí dụ "Nhớ tết trong trại tù tàn binh"...Tôi rất ái mộ...
13/02/201717:01:30
Khách
....
Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa...
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
...
Những Giọt Lệ (Hàn Mặc Tử)
13/02/201714:02:37
Khách
Năm ngoái khoảng giờ này tôi làm ở vùng Dallas và Arlington. Vì làm contract ngắn hạn nên tôi mướn một căn phòng nhỏ của người Việt gần bên hãng. Anh ta hơn 60 và cũng về VN bảo lãnh một em “thương” chưa tới 30 qua làm nail. Vì làm contract nên tôi thường đi làm từ sáng sớm và về tối khuya. Một buổi tối về trễ thấy anh ngồi trước cửa hút thuốc nên dừng lại tán gẫu với anh. Anh đề nghị: “ Sao em đi làm cực khổ quá vậy. Về VN cưới con nhỏ cho nó qua đi làm, mình ở nhà đi gym tập thể thao cho nó trẻ trung giống ẻm”. Anh khôn lắm, anh khoe với tôi đã đi bác sĩ cột rồi nên không có khả năng có con mà ẻm chả biết mô tê cứ tìm đủ mọi cách để có con. Năm nay anh gọi tôi hỏi làm cách nào giữ được căn nhà khi ly dị.
Khi tôi làm ở Wichita cũng biết một cặp vợ chồng thường hay về VN giúp đỡ làng xóm xây trường, đào giếng… Bà vợ cũng khôn nên cứ theo sát bên chồng làm việc thiện. Vậy mà cuối cùng người chồng cũng có “em nuôi” riêng. Anh này cũng khôn nên không chịu về Mỹ còn ẻm thì cứ đòi qua đây nên cuối cùng anh trốn lại về Mỹ ở với…bà cả. Bạn tôi kể y về VN với vợ và bốn người con. Khi vào khách sạn lấy phòng, một thanh niên thừa lúc vợ bạn tôi vào restroom, tới đưa bạn tôi tờ giấy có hình mấy em thương rồi nói: anh muốn thư giãn lên phòng số … có nhiều cho anh lựa. Số anh Thành còn may nên cô Tuyết chưa chịu bắt anh bảo lãnh qua Mỹ.
Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng nói xã hội VN giờ đã vượt quá phạm trù đạo đức rồi. Có nghĩa là phần lớn người ở VN làm bậy không còn biết ngượng hay biết mắc cở là gì.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến