Hôm nay,  

Đồng Tịch Đồng Sàng

11/02/201700:00:00(Xem: 15276)

Tác giả: Lệ Hoa Wilson
Bài số 5042-18-30742-vb7021117

Ngày 14 tháng Hai sẽ là Velentine 2017. Mời đọc bài viết mới và lời chúc “Happy Valentine” của Lệ Hoa Wilson. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Bài viết mới là tự sự về công việc của một văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.

* * *

blank
Năm 1970 khi mới gặp nhau.

Sau bảy năm làm việc trong ban kế toán của một hảng Mỹ, năm 1985 tôi xuống Long Beach mở một văn phòng di trú và thuế vụ cho riêng tôi. Năm đầu tiên tôi tự biên tự diễn, một mình làm hết mọi chuyện, chủ nhân, thơ ký, quét dọn, trả lời điện thoại, đi nộp đơn, đánh máy, điền đơn, copy, đánh fax…và thu tiền, thượng vàng hạ cám…

Thời đó chưa có computer, internet nên luật lệ di trú rất gắt gao. Muốn bảo lãnh thân nhân, muốn xin nhập tịch, muốn xin giấy xuất ngoại tạm thời v.v., bạn phải đem đơn và quốc tịch hoặc thẻ xanh đến tận văn phòng di trú, nhân viên nơi đó sẽ so sánh những chi tiết trên đơn với giấy tờ bản chánh. Nếu mọi chuyện đều đúng thì họ sẽ đóng dấu đỏ lên đơn, ký tên xác nhận và bạn có thể về ký check hoặc mua money order rồi gởi đi. Nếu trật, họ trả lại. Bạn ra về, điều chỉnh lại giấy tờ và trở lại ngày hôm sau.

Mọi chuyện lại bắt đầu: có mặt tại sân của sở di trú lúc 4 hoặc 5 giờ sáng, đứng sắp hàng, không nên bỏ hàng khi trời mưa vì sẽ mất chỗ. Bảy giờ họ bắt đầu phát số, phát đủ hai trăm số thì ngưng. Nếu bạn xui xẻo đứng thứ 201, xin trở về và ngày mai lại sắp hàng.

Bạn ơi, bạn không biết được đồng tiền chúng tôi làm ra từ nghề di trú ở những năm đó cực khổ đến cở nào đâu. Mùa hè còn đở. Qua mùa mưa, tôi trùm đầu cổ kín mít, đứng lạnh run, giày dép ướt nhẹp nhưng không dám bỏ hàng. Vì văn phòng tôi ở Long Beach thuộc về quận Los Angeles nên tôi phải nộp đơn tại Los Angeles. Những tháng đầu, tôi không biết rành khu vực đó nên cứ bị lạc (âu có GPS như ngày nay). Vài lần tôi phải dừng xe, lúc 4 giờ sáng, nơi những hè phố đầy người vô gia cư đang ngủ để hỏi thăm đường. Tôi hạ thấp cửa kiếng vừa đủ để nói, chân thì sẵn sàng nhấn ga để vọt xe đi ngay nếu có dấu hiệu bị tấn công, miệng hỏi mà tim thì đập nhanh như lực sĩ chạy đua đường bộ. Sau một năm thì sở di trú cho phép cư dân quận Los được nộp đơn tại quận Orange nên cuộc đời tôi đỡ khổ hơn.

Đỡ khổ không có nghĩa là hết khổ! Vẫn phải sắp hàng từ 5 giờ sáng, vẫn đứng chịu trận dưới những cơn mưa lạnh lẽo vô tình. May mắn lúc đó tôi có một cô vừa là bạn vừa là người chỉ dẫn cho tôi vào nghề di trú nên chúng tôi thay phiên nhau sắp hàng. Dù cực khổ như vậy nhưng chúng tôi chưa bao giờ cằn nhằn than vản vì nghỉ tới đồng bào thân nhân nơi quê nhà còn phải đau khổ tới đâu nữa mới có miếng ăn. Thư từ VN gởi qua xin tiền như hoa rụng bướm bay!

Qua năm 1986, khách hàng tăng lên đông đảo nên ông xã tôi phải bỏ sở làm về cộng tác với tôi. Anh đã hưu trí khỏi hải quân Mỹ từ năm 1979.

Bên Mỹ nầy, có rất nhiều cơ sở không nhận vợ chồng làm cùng hảng hay cùng văn phòng hay cùng một phân bộ. Và rất nhiều cặp vợ chồng cũng không muốn cùng làm chung vì sợ mất tự do và sợ nhàm chán.

Tiểu biệt thắng tân hôn! vợ chồng xa nhau một thời gian ngắn, khi gặp lại nhau thì sẽ mặn nồng hơn là ngày động phòng! Nếu cứ ngày đêm, đêm ngày kề cận nhau, sáng cùng chung xe đi làm, trưa cùng ăn trưa, tám tiếng cùng ngồi chung không gian nhỏ hẹp, chiều cùng chung xe về, lại cùng ăn tối…thì chán biết là bao.

Nếu làm ở hai cơ sở khác nhau, chiều về chúng ta sẽ đía một chút, thêm mắm dậm muối một chút, mình được chủ khen một thì sẽ nói hai, bị người chê bai hai thì bớt lại một. Sẽ kể lại những câu chuyện vui vẽ, hấp dẩn trong ngày nơi sở làm và lắng nghe người kia kể những chuyện khác. Ôi đời như thế mới đầy đủ màu sắc và thú vị.

Khổ thay, chúng tôi lại làm chung một chỗ. May thay chúng tôi nói hai thứ tiếng khác nhau, tao ngộ khác nhau, nên cũng có một không gian riêng biệt. Và chúng tôi đồng ý là mỗi người tự do quyết định vận mạng của mình nên cũng có nhiều chuyện vui.

Một hôm anh làm sổ sách và ngưng lại hỏi tôi:

“Sao cái case bảo lãnh nầy cái receipt chỉ có hai trăm thôi mà em viết là paid in full?” (vào thời đó, đúng ra là phải ba trăm).

“Người bảo lãnh tên gì vậy anh?”

“Nguyễn văn Luân, lãnh mẹ.”

“À, tại thằng nhỏ đó có hiếu với má no.”

Anh ngẩn ngơ nhìn tôi:

“Nó có hiếu với má nó thì ăn thua gì tới em mà em bớt tiền cho nó ”

Tôi nheo mắt nhìn anh:

“Honey à, một người con có hiếu thì không làm điều xằng bậy phạm pháp khiến cho cha mẹ buồn. Mà không làm điều phạm pháp thì không bị tù tội. Mà không bị tù tội thì mình khỏi phải đóng thuế để nuôi họ. Vì vậy em bớt tiền để khuyến khích nó hiếu thảo hơn”

Anh nhìn tôi không biết có phải mình cưới nhằm một người vợ có chứng bịnh tâm thần không? Lý luận kiểu vậy mà cũng hãnh diện ngẩng đầu lên đối diện với chồng! Nhưng cũng không biết nói sao. Hai đứa đã đồng ý rồi. Miễn là không làm điều phạm pháp, miễn là không lường gạt khách hàng, miễn là không trái với lương tâm nghề nghiệp thì hai đứa có không gian tự do mà hành động.

Một ngày kia tới phiên tôi làm sổ sách. Tôi thấy anh ghi một cái receipt 50 đô với hàng chữ:

“Có hiếu. Thêm 50 đô.” (Pious! fifty dollars more)

Tôi hỏi anh:

“Honey ơi, cái hồ sơ nầy đã trả tiền đủ hết rồi, sao anh lại tính thêm cho cổ 50 đô nữa vậy?”.

Anh nheo mắt nhìn tôi:

“À tại vì cô nầy có hiếu với mẹ của cổ!”

A ha, chơi trò gậy ông đập lưng ông há! Nhưng mà đầu óc anh có bịnh không? American syndrome hả Có hiếu thì phải bớt cho người ta, đằng nầy anh tính thêm mà lại dám bắt chước đề là thêm 50 đô. Có hiếu.

Chiến tranh Việt Mỹ sắp nổ bùng rồi đây. Chắc anh thấy cái khí độ ma vương sắp phát ra nên vội vàng giải thích:

“À, em ơi, mẹ cô nầy đi phỏng vấn bị rớt. Cổ nhờ anh viết thơ giải thích và fax lại cho tòa đại sứ. Anh đã làm free cho cổ và mẹ cổ đậu hai ngày sau đó. Cổ mừng quá chạy lại đây tặng anh một trăm. Anh từ chối không được nên anh chỉ nhận 50 thôi, bắt chước em gọi là có hiếu!”.

Hòa bình tái lập.

Các cơ sở thương mãi ở Bolsa phần nhiều phục vụ cho khách hàng Việt Nam, nhưng văn phòng chúng tôi nằm giữa khu nhiểu nhương nên khách nước nào cũng có: Việt, Miên, Lào, Mễ, Nam Mỹ, Phi Châu và ngay cả Âu Châu. Khi họ thấy có một ông Mỹ ngồi ở bàn đầu thì họ tin tưởng hơn. Có chút kỳ thị há.

Người Mỹ phần đông nhẫn nại và tử tế với khách hàng hơn người Việt dù đó là tiệm ăn, dù đó là văn phòng. Đó là thực tế, các bạn đừng giận tôi nha. Chúng ta nên học để gia nhập vào dòng chính của xã hội nầy. Anh sẽ giải thích hai lần, ba lần hay cho tới khi khách hàng hiểu rõ vấn đề. Còn tôi thì nhẫn nại tới lần thứ hai. Lần thứ ba hả? Tôi liền quăng cái củ khoai lang nóng kia ra xa. Ông bà làm ơn qua bàn của ông Mỹ kia đi, có thể ổng biết cái gì hơn tôi đó.

Nếu tôi tỏ vẻ không vui thì anh liền khuyên là em ơi nếu người ta hiểu rõ luật lệ di trú và thuế vụ như bọn mình thì ai thèm tới văn phòng nhờ mình làm giấy tờ nữa. Họ không biết tự làm sao? Rồi tiền đâu trả học phí cho con, trả tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm v.v..? Hãy biết ơn khách hàng nghe em. Dần dần tôi học được tánh kiên nhẫn và kính trọng khách hàng của anh nên tôi được thương hơn.

blank
Năm 2016, chùa Thiên Ân, Lucerne Valley, CA

Bạn có tin là có một số ông bà già Việt và Miên chuyền tai nhau, chỉ muốn làm việc với anh về vấn đề Jury Duty không? Văn phòng chúng tôi có chánh sách là làm free cho các cụ cao niên khi các cụ nhận được giấy gọi đi làm bồi thẩm đoàn.

Ở những năm 80 đó cộng đồng Việt và Miên chưa phát triển lớn mạnh như bây giờ, chuyện được giúp đỡ do các hội thiện nguyện còn ít và vì luật lệ làm bồi thẩm đoàn còn quá mới đối với người tị nạn nên khi các cụ nhận được giấy của tòa án gọi thì sợ hết hồn. Khi bước chân vô văn phòng nhờ anh coi dùm thì sắc mặt băn khoăn lo lắng. Nhưng sau khi anh gọi lên cơ quan liên hệ, giải thích tình trạng của các cụ thì việc bị ra tòa được bãi bỏ. Các cụ ra khỏi văn phòng hớn hở nhẹ nhàng. Sự lo sợ đã bay theo mây khói. Tôi giải thích cho anh đó là Vô Úy Thí.

Sở dĩ họ thích anh vì nghĩ là Mỹ kêu cho Mỹ thì sẽ được nể hơn, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Thêm nữa tôi đã dạy cho anh là khi đưa giấy tờ cho người lớn tuổi thì phải kính trọng cầm giấy bằng hai tay nên lúc nào làm xong chuyện thì anh đều đứng dậy giao hồ sơ cho khách hàng bằng hai tay dù đó là làm free. Mấy ông bà già thích lắm khen chú Mỹ nầy biết lễ độ quá. (ha ha ha, nhờ vợ dạy đấy các cụ ạ. Xin quý ông nhớ nghe lời vợ nha. Thành công lắm đó).

Tuy nhiên tôi phải thú nhận tôi không phải là một người toàn thiện. Cái gì tốt thì tôi dành, còn xấu thì tôi thảy qua cho anh. Làm đàn ông phải đứng mũi chịu sào, ông bà ta đã căn dặn như vậy mà! Phải không quý ông?

Có thời kỳ có một nhà tu tự xưng là vô thượng và có đệ tử trung thành khắp nơi. Vị nầy diễn thuyết ở hội trường và đệ tử đi tới các cơ sở thương mãi để dán quảng cáo lên cửa kiến. Họ vào xin tôi. Tôi luôn chủ trương nếu đó là show để quyên tiền giúp thương phế binh Việt Nam, giúp nạn nhân bão lụt, giúp đem lại lợi ích cho bất cứ sắc dân nào thì OK, nhưng nếu có gì dính dáng đến cá nhân, đến tôn giáo thì tôi xin giữ phận trung dung không nhận bên nào hết.

Thế là tôi liền chỉ qua ông chủ vì cô chỉ là người làm công thôi cháu ơi. Ở một khía cạnh nào đó, ông xã tôi đúng là ông chủ mà. Ông chủ dĩ nhiên là từ chối vì người xin dán giấy nói Anh văn lập bập nên ông chủ không hiểu. Mà dù có hiểu chăng nữa thì cũng không dám nói OK vì biết rõ chủ trương của bà chủ ngồi sau lưng. Họ đi ra càu nhàu nói cô thư ký sao mà hiền hậu dễ thương quá (!) còn cha chủ Mỹ thì vô minh, không biết Phật pháp!

Có lần khi tôi đang tiếp một cụ cao niên thì một cậu thanh niên bước vào văn phòng xin tiền. Khi tôi nói là văn phòng không có tiền mặt vì chỉ nhận check của khách hàng mà thôi thì gã nói là cháu mới vừa ở trỏng ra đây cô. Cô nể mặt cháu một chút đi. A ha ha! Hù dọa à? Bà khách già nghe gã nói mới ở trỏng ra thì mặt xanh dờn. Theo luật giang hồ, nếu họ tự xưng là Ở trỏng mới ra thì phải lật đật cho họ tiền và cứ như vậy thành tiền lệ tiếp tục hằng tháng.

À được rồi. Tuy cô không có tiền mặt nhưng để cô giới thiệu cháu với một người nhé. Cháu có biết ông Mỹ ngồi ở bàn đầu kia không? Ông chủ của cô đó. Cô khổ lắm cháu ơi. Cũng ở trỏng mới ra đó. Cháu nhìn coi đã có khi nào đụng mặt y ở trỏng không? không biết y à? Vậy ở trỏng của cháu là state hay là county? Là county cô ơi. Giựt bóp dưới Bolsa và đập bể cửa kính nhà hàng vì chủ kẹo quá! Hèn chi cháu không quen với y. Y ở federal. Tội chém cụt cánh tay của một nhân viên FBI vì người nầy đụng y mà không chịu xin lỗi. Y tưởng tên nầy muốn móc túi y chớ. Cháu biết mà, mấy ông nội cựu thủy quân lục chiến và cái đám bạn cựu người ếch nhái hoặc xiu (S.E.A.L.) xiếc gì đó toàn là dân điên không hà. Đi cháu. Qua đây, không chừng y có tiền mặt đó. Sẵn dịp cô nói ổng cho cháu coi con dao. Nó sắc bén và lạ lắm. Ổng tịch thâu của tụi hải khấu Somalia khi tàu ổng chặn bắt tụi nó đó. Thằng nhỏ chạy ra khỏi văn phòng nhanh như khói.

Bà già thì run run:

“Trời ơi, mấy người ở Long Beach nói ông Mỹ chồng cô hiền lành tử tế lắm, ai ngờ ổng cũng… hung dữ quá vậy hả?”.

Tôi mỉm cười an ủi:

“Dì ơi, cháu kể chuyện tiểu thuyết ba xu đó mà, ai ngờ cậu ấy lại tin! Ảnh ở trong hải quân những năm sáu mươi, bảy mươi thì làm gì có hải khấu Somalia. Ảnh mà chém ai, chém gió thì có!”

Bà già thở dài nhẹ nhõm. Thần tượng vẫn còn sống! Không biết nói dóc như vậy có tội không ta? Ông chủ không biết bà chủ vừa tạo ra cho mình hình tượng Anh Hùng Xạ Điêu hay Cái Thế Ma Vương hay Nhạc Bất Quần, Bất Áo gì gì đó nên vẫn mỉm cười thương yêu nhìn người vợ …yêu nữ.

Tất cả các bạn tôi đều nói là ông xã tôi hiền quá, tôi có phước quá và ăn hiếp chồng quá.

Bạn ơi, trong vũ trụ nầy có nhân thì có quả, bất kể bạn là ai, bất kể bạn có đạo hay vô thần, bất kể bạn tin hay không tin. Nếu ở đời mình gây ra nhân tốt mà không hưởng được quả lành, vậy thì mất công gây nhân tốt để làm gì hả bạn? Bạn có biết không, cái nhân tôi đã vô thức gieo ra từ mấy chục năm về trước và cái quả thì đã tự nó chín mùi tôi không cầu xin cũng không làm sao ngăn cản được. Lúc đó anh ở trong hải quân Mỹ và tôi là một nhà thầu cho quân đội Mỹ cung cấp các dịch vụ hớt tóc, giặt ủi và gian hàng bán đồ kỷ niệm. Tiền thâu vô khá dồi dào.

Các quân nhân Mỹ chỉ được quyền phục vụ tại Việt Nam một năm thôi. Khi mãn hạn thì phải đổi qua nước khác hoặc trở về Mỹ một năm, sau đó sẽ trở lại Việt Nam nếu muốn. Khi anh ngỏ ý muốn thành hôn, tôi thành thật khuyên anh nên trở về Mỹ một năm để kiểm chứng lại tình cảm của mình. Tôi nói:

“Anh nên trở về quê hương nơi có những cô gái mà anh đã từng quen biết, những cô gái lớn lên trong cùng một văn hóa, được dạy dỗ trong cùng một xã hội, thấm nhuần cùng một phong tục tập quán. Anh hãy cùng họ đi xem phim, xem ca nhạc, đi biển, đi night club, đi hẹn hò, đi chơi cuối tuần v..v.. có thể anh sẽ nhận ra rằng tình yêu anh dành cho người đàn bà Việt Nam nầy chỉ là một thoáng mong manh trong lúc xa nhà, cô đơn và bất định…”

Ba tháng sau anh gởi thơ cho tôi biết là anh đã làm tất cả những điều tôi khuyên nhưng lòng vẫn hướng về Việt Nam ngàn dặm. Anh gom góp tất cả số tiền dành dụm để hùn hạp với một người quen, mở một nhà in. Anh hy vọng sẽ thành công và khi tôi qua Mỹ thì sẽ có cơ sở vững chắc để bắt đầu.

Sáu tháng sau anh viết cho tôi:

“Anh rất buồn cho em biết là công việc làm ăn đã thất bại. Anh đã bị bạn anh gạt nên mất tất cả vốn liếng và hiện tại chỉ còn lại đồng lương hàng tháng mà thôi.

Nói tóm lại anh hiện là một sỉ quan bình thường với số lương đủ sống một cuộc đời cũng bình thường. Giấc mộng thành đạt đã đổ vỡ. Em có còn muốn cho anh trở lại VN để chúng ta tiếp tục xây dựng gia đình không?”

Tôi nổi cơn thịnh nộ. Thơ trả lời không bắt đầu bằng hai chữ Honey và không có chấm dứt bằng hai chữ Love you mà chỉ vẻn vẹn có hai đoạn:

“Nếu anh tin cảm nhận của tim anh, nếu anh tin phán đoán của lý trí anh rằng em xứng đáng làm mẹ các con của anh trong tương lai, rằng em sẽ cùng anh đi trọn quãng đường đời dù thành công hay thất bại, dù nghèo hay giàu, thì xin anh trở lại. Em chờ anh.

Nếu anh tin những điều anh nghe từ nhân viên của anh khi anh còn ở Việt Nam rằng đàn bà con gái Việt Nam lấy Mỹ chỉ vì tiền tài chức vụ, rằng cái nhóm đàn bà nầy chỉ là hạng người thấp kém trong xã hội, không đạo đức, không lương tâm, không tình yêu, không xứng đáng ban cho cái danh dự vợ hiền mẹ thảo thì Good Bye, đừng bao giờ trở lại!”.

Thế là một chị Việt Nam nhà thầu trong túi có rủng rỉnh chút tiền thành hôn với một sĩ quan Mỹ rỗng túi. Cái nhân đã gieo ra.

Tuy nhiên hình như ông Trời binh anh vì anh quá hiền hay sao đó nên khi tôi qua Mỹ cùng anh đoàn tụ năm 75 thì tất cả cái gì tôi có đều nằm lại Việt Nam. Khi hai đứa gặp lại nhau với… bốn bàn tay trắng nhách, tôi bỗng cảm khái nhớ lại hai câu thơ con cóc, tôi bèn thêm vào hai câu con cóc nữa để thành bài thơ kỷ niệm:

Mặt nhìn mặt hai người hai mặt.
Tay cầm tay hai kẻ bốn tay
Tiền tài gió thoảng mây bay
Hai đứa gặp lại thành hai kẻ nghèo!

Giống như bao gia đình khác chúng tôi bắt đầu bằng số không. Nhưng bạn đừng quên là tôi đã vô tình gieo cái nhân rồi vì vậy trong suốt bốn mươi ba năm qua, cái quả là anh chỉ cắm cúi làm việc mà không bao giờ để ý tới tiền thu chi trong văn phòng, không biết trong saving account có bao nhiêu tiền, không biết trong hộp nữ trang của vợ có món gì, không biết vợ invest tiền vô hãng nào. Vợ “báo cáo” thế nào thì gật đầu thế đó. Thế là tôi thảnh thơi gởi tiền về VN giúp từ bên nội sang bên ngoại, từ bà con gần trong gang tấc đến xa ngàn dặm quan san. Kết quả là tiền bạc cạn dần mà lòng biết ơn của người nhận cũng cạn theo. Tôi buồn quá nhưng chắc tôi không phải là người duy nhứt hả bạn?

Năm 1991 Tổng thống Bush (cha) phát động chiến tranh với Afghanistan. Thằng con vừa hết trung học hừng chí muốn đi lính để chiến đấu cho quê hương. Tôi khóc lóc nhưng nó vẫn cương quyết. Sau cùng tôi phải cầu viện tới anh lấy quyền làm cha đàn áp nó. Anh ngạc nhiên hỏi tôi:

“Tại sao em không muốn cho nó đi lính?”

“Tại vì em muốn nó lên đại học và hiện giờ có chiến tranh, đi lính có thể bị gởi qua Afghanistan và… bị giết !”

“Đại học có thể chờ, nó sẽ không đi lính suốt đời. Hơn nữa không phải ai đi lính cũng chết. Nếu ai cũng nghĩ như em thì lấy ai bảo vệ quê hương. Em không muốn con em chết, nhưng con người khác chết trên chiến trường mà em ở hậu phương vẫn thong dong hưởng được phúc lợi thì.., OK, phải không? Em đau lòng vì con vậy những bà mẹ khác không biết đau lòng vì con của họ sao? Nếu con muốn đi lính, anh ủng hộ quyết định của nó. Đó là một danh dự!”

Ai nha, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh chống lại tôi và giữ vững lập trường. Thì ra bấy lâu nay anh nhịn vì những chuyện vật chất đó tầm thường, đàn bà không qua ngọn cỏ. Ngày hôm nay tôi động đến nguyên tắc làm người của anh, đến lòng yêu nước thiêng liêng của anh. Tôi chào thua. Thằng con đi thủy quân lục chiến.

Vợ chồng tôi quả thật là đồng tịch đồng sàng nhưng không phải lúc nào cũng đồng tâm đồng tánh.

Tôi khiến anh yêu mến nước Việt Nam vì những mất mát đớn đau mà chúng ta gánh chịu. Tôi khóc từ năm 75 khi phải xa quê hương cho đến nay vẫn khóc khi nhìn hàng trăm ngàn cá chết trên bãi biển. Tôi khiến anh kính trọng người Việt Nam vì những cố gắng vươn lên phi thường của một dòng người đã từng mất đi tất cả.

Anh chuyển hóa lòng tôi từ cái tình cảm coi nước Mỹ chỉ là chỗ tạm dung, chỉ là chỗ để lợi dụng lòng nhân đạo của họ cho những phúc lợi của riêng mình tới tấm lòng gắn bó thiết tha vào mảnh đất, tuy không phải là chỗ chôn nhao cắt rún, nhưng sẽ là chỗ chấp nhận hơi thở cuối cùng, tuy không phải cùng một dòng máu tiên rồng nhưng sẽ cùng khóc khi thấy chiếc quan tài phủ lá cờ với các ngôi sao trắng và các lằn sọc ngang đỏ.

Bài học lớn nhất mà hai chúng tôi trao đổi cho nhau là cùng biết ơn và thương yêu hai tổ quốc đã tạo ra chúng tôi.

Anh trân trọng đứng nghiêm trước lá cờ vàng ba sọc đỏ mỗi khi chúng tôi có dịp tham dự các cuộc họp mặt vì anh biết màu cờ đó, hình ảnh đó vẫn làm tim tôi rướm máu và mắt tôi ươn ướt.

Tôi để tay mặt lên ngực, cảm nhận nhịp đập của trái tim và hãnh diện là một phần tử trong cái gọi là home of the brave.

Trong đời, tôi đã làm nhiều sự chọn lựa lầm lẫn, đáng trách móc, đáng chê cười. Duy chỉ có bốn mươi mấy năm về trước, tôi đã quay lưng lại với tiền tài và chức phận để chọn lựa một người bạn đời ít tiền kém chức nhưng có đạo đức và đầy thủy chung. Đó là lần duy nhứt tôi hãnh diện về sự chọn lựa của mình và cám ơn Thượng Đế đã ban sự sáng suốt đó cho tôi.

Happy Valentine Day, Everybody!

Lệ Hoa Wilson

Ý kiến bạn đọc
24/05/201703:13:48
Khách
Chào Chị Lệ Hoa .
Thật chẳng phụ công , tôi đã " tìm " thấy chị rồi ....
Lần đầu " gặp " chị ở Người Phương Nam , trong bài viết " Không phải chỉ tạm dung " , tôi biết mình đã ... say .. chị rồi , dẫu tôi cũng là nữ như chị thôi .
Hỏi thăm , rồi lần theo dấu vết ..., bây giờ thì nhất định tôi không để mất dấu chị đâu . Dẫu rằng hiện tôi vẫn đang cách chị đến nửa vòng trái đất , tôi vẫn ở V.N , nơi tỉnh lẻ mặc dù ngày xưa tôi cũng một thời áo trắng Trưng Vương ...
Tôi thương Chị qua cảnh tre khóc măng ,( vì cùng cảnh ngộ .) Tôi quý Chị vì tâm tình kết thúc đầy nhân hậu nhưng cũng đầy dứt khoát khi vun trồng cây đại thụ , nhưng chỉ CHIẾT một nhánh mang về quê hương khi cần , chứ không là bứng nguyên gốc rễ , dẫu quê xa vẫn làm chị nhớ thương đau đáu ....Nhưng vì tâm tình không phải TẠM DUNG ,
Tôi có thể làm quen với Chị không ? Dẫu tôi vẫn đang " thấy " Chị ( vì văn tức người mà ) . Nhưng nếu được xem như bạn , thì hạnh phúc hơn nhiều ....
Biện thị Thanh Khiết , 1953 . ( [email protected] )
02/03/201708:14:05
Khách
Bài nào chị viết cũng thiệt là hay ... và tình yêu của anh chị đẹp quá ... chúc anh chị nhiều hạnh phúc - an lành.
22/02/201720:24:50
Khách
Em gui chi dia chi Email cua em
[email protected]
21/02/201703:14:34
Khách
Chị Lệ Hoa , bài viết hay lắm , vợ chồng chị thật đẹp đôi , chàng đẹp trai và nàng đẹp gái rất phúc hậu . Mừng son của chị join USMC , tôi vẫn support ÚSMC Museum . Rẩt welcome vợ chồng chị ghé Seattle .Chúc vợ chồng chị vui khỏe bình an .
16/02/201708:37:49
Khách
Chị Lệ Hoa mến,
Thật cảm phục chị, chữ nghĩa của chị đã nói những gì chị đã sống qua.
Cảm ơn chị, bài của chị lúc nào cũng có "một chút gì để nhớ" về chị.
15/02/201723:38:37
Khách
Thật ngưởng-mộ cô Lệ-Hoa....Mong gia-đình cô luôn an vui, hạnh-phúc vì cô đã gieo quả lành...
Phước-Đạo
14/02/201706:01:39
Khách
Em Thi, xin em kêu cho cô Hằng ở tòa soạn và nhờ cổ forward email của em cho chị, khi nhận được chị sẽ gởi bài cho em.
Cháu Ánh ơi, cô đạo Phật cháu à. Trời Phật hay Thượng Đế đều đáng để cho chúng ta biết ơn cháu hả ? Mọi hình thức cúng dường lễ lạy cầu nguyện đều là phương tiện phải không cháu. Mọi chuyện đều do tâm.
Xin cám ơn tất cả các bạn đã đọc bài và có lời chúc tốt đẹp. Phần thưởng quý báu nhứt của người viết không phải là lên sân khấu lảnh thưởng mà là đã làm cho ít nhất một người enjoy cuộc sống trong 10 phút.
13/02/201712:32:03
Khách
chi Le Hoa men,
Em muon doc lai nhung bai cu cua chi ma khong con nua. Nha bao khong con dang nhung bai cu, tiec qua. Chi co cach nao khong?
Thi Cantho
13/02/201701:07:25
Khách
Happy Valentines, gởi tặng tác giả " tình yêu thì vĩnh cửu, hạnh phúc và sức khỏe là vô giá , niềm tin và sự tín nhiệm thì không thể mua bán được.
12/02/201711:40:19
Khách
Lối văn phong , tình tiết câu chuyện cuốn hút lòng người . Chị lại thêm một lần lãnh giải nữa rồi ! Đệ trình , bình bầu đó nha !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến