Hôm nay,  

Gà Chọi

03/02/201700:00:00(Xem: 13327)

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 5035-18-30735-vb5020217

Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài viết mới của tác giả là chuyện về người trưởng nam tuổi Tân Dậu, gia đình ở Pháp mà làm việc bên Mỹ.

* * *

Cu Bi sinh gần cuối tháng tám 1981, năm Tân Dậu, con trai tuổi gà hình như không bảnh như mấy cậu tuổi Thìn, tuổi Dần... oai ra phết.

Con giáp nào không quan trọng, với tôi phải là thằng cu, hồi nhỏ tôi từng chờ một thằng em để bảo vệ chị em tôi mỗi lần xích mích với đám con nít hàng xóm, thế mà bố mẹ tôi nỡ tuyên bố “chấm dứt cuộc chơi đêm“, khiến chị em tôi thất vọng não nề.

Hơn một phần tư thế kỷ sau, tôi mang thai đứa con đầu lòng, dạo đó Sài Gòn chưa có máy siêu âm, các cụ đoán già đoán non, cái bầu tròn vo hay nhọn sẽ là con...

Bên nội nôn nao chờ đợi cháu trai đầu tiên, tôi ước mơ thằng cu cho riêng tôi, đúng là cái bầu của tôi đầy tâm sự tới mức cái thai trong bụng cảm nhận “nỗi lòng” của tôi nên im re, rất ngoan.

Đúng ngày đủ tháng thằng cu khóc vài tiếng báo hiệu, nhân vật quan trọng vừa chào đời, ông bà nội, ngoại hài lòng lắm, tôi mãn nguyện vì mình thành công ngay “mẻ đầu tiên”.

Chàng đến bên chiếc nôi nhìn thằng cu, lắc đầu chịu thua không biết nó giống ai vì cái mặt ngái ngủ, da đỏ hỏn, thỉnh thoảng ré lên làm thiên hạ lao xao.

Mấy tháng sau thằng cu hạp sữa mẹ, “bông sữa” nổi lên khắp người, thấy vậy dì út đặt tên “cu bông”.

Tôi phản đối,

- Con trai sao gọi là bông hoa, gọi em là Cu Bi đi, cặp mắt người ta tròn xoe như hai hòn bi kìa.

Cu Bi được ông bà nội cưng nhất vì là cháu nội trai đầu tiên dù nó không là cháu đích tôn, ông bà lấy lá số cho nó, tử vi đoán tương lai con gà này khá lắm cỡ “gà chọi“ đấy.

Mấy năm sau bà nội hớn hở khoe,

- Ai bảo tuổi Gà không ngon lành, cháu bà năm nào cũng có giấy khen học sinh giỏi, con gà chọi của bà mà.

Nghe bà khen mà tôi buồn thầm, tờ giấy khen của chế độ CS dỏm nhưng giấy vàng mã, ngon cái nỗi gì, giữa đám mù thằng chột tự động lên ngôi thế thôi.

*

Gà con theo bố mẹ qua Tây năm 11 tuổi, bạn bè tôi ai cũng ái ngại cho nó, tiếng tây không đầy cái lá mít, chắc chắn sẽ ở lại lớp dài dài, các bác làm tôi mất ăn mất ngủ, tuy cu Bi có học tiếng Pháp hai năm trước khi rời VN.

Nhập học được vài tháng thì bãi trường, suốt mùa hè thằng nhỏ gối đầu giường quyển sách Pháp văn cô giáo cho mượn về nhà tự học.

Năm sau nhờ giỏi toán, ông thầy phụ trách lớp gò thêm cho nó các môn khác, nhờ thầy “gắn cựa” con gà của tôi hăng tiết vịt dùi mài kinh sử ngày đêm suốt năm lớp 6 (đệ thất).

Sang năm lớp 7, sau ba tháng nhập học, thầy phụ trách lớp gọi nó lên văn phòng thông tri,

- Thầy cho em nhảy lớp, tuần tới em sẽ lên lớp 8, về nhà em bàn với bố mẹ rồi cho thầy biết ý kiến gia đình.

Chiều hôm đó tôi nuốt cơm không trôi, hết đói, no ngang, vậy mà cả nhà ăn cơm ngon lành.

Ông tía, tía lia,

- Bà nội nói đâu có sai, “gà chọi” chứ đâu phải “gà mờ”.

Tôi e ngại,

- Giỏi ở lớp 7, nhảy lên lớp 8 có khi bò lăn bò càng đó con, bố mi lạc quan đến phát khiếp.

Cu Bi trấn an tôi,

- Mẹ đừng lo, con có nói với thầy nếu theo lớp 8 không nổi, con trở xuống lớp 7.

Ông tía dẫy nẩy,

- Vậy là con không chắc mình theo kịp lớp 8?

Cu Bi chắc mẩm,

- Phải nói vậy cho thầy yên tâm chứ con đã học trước chương trình lớp 8 rồi.

Tôi với chàng trố mắt, đồng thanh,

- Hồi nào ?

Cu Bi cười cười,

- Hồi hè chứ hồi nào, mà bố mẹ lo làm gì, học là việc của con mà.

Ông tía vớt thêm một câu cho chắc bụng,

- Ừ thì việc của con nhưng bố mẹ cũng phải để tâm chứ.

Từ năm vào lớp 8 ngang xương Cu Bi học hết bậc trung học khá trơn tru, cả nhà mừng con gà chạy bộ giỏi như gà rừng, bà nội bên VN vui lắm, thằng cháu lớn nhất của bà không phụ lòng tin của bà.

Năm 17 tuổi Cu Bi đậu tú tài ban S (Baccalauréat Scientifique) hạng ưu, tương đương với Ban Toán của VNCH ngày xưa, đến đây bố mẹ thở phào lấy sức để đi tiếp đoạn đường chông gai sắp tới.

Giai đoạn này con gà phải là “gà chọi”, gian nan lắm, học hai năm dự bị toán, lý, hóa, (Classes préparatoires) để dự cuộc thi tuyển toàn quốc vào các Đại Học Lớn (Grandes Ecoles) chuyên về khoa học kỹ thuật.

Học sinh lớp này đứa nào cũng giỏi, hoặc xuất sắc về Toán, Lý, Hóa, nhưng môn sinh ngữ dù không quan trọng lại là môn “chiến lược” giúp học sinh lọt vào đại học lớn, qua mặt đối phương ngọt sớt.

Pháp văn hoặc Anh văn là số điểm quyết định ai thắng ai thua trong cuộc chạy đua vào ĐH Lớn vì mỗi trường chỉ nhận trên dưới hai trăm sinh viên trên cả ngàn thí sinh dự tuyển.

Ở lớp dự bị, điểm Toán, Lý, Hóa của học sinh xê xích nhau từ 8-9 đến 10/10, chỉ cần Pháp, Anh Văn đạt từ 7 điểm trở lên là ăn đứt đối thủ.

Cu Bi ngày đầu sang đây đã phải vật lộn với tiếng Tây cho đủ sở hụi phòng thân khi va chạm đám tây con coi thường thằng Mít chân ướt chưa ráo với cái tên gọi trẹo bản họng, Duy Hải.

Trong hai năm học lớp dự bị, Cu Bi cắm cổ luyện Anh văn, tiếng Pháp lúc này đầy một bụng để làm bài luận văn, dư sức cự cãi với đám bạn học.

Nhờ điểm Anh văn cao, (tụi Tây chúa sợ tiếng Anh) Cu Bi đậu vào Ecole Centrale, cả nhà như trút đi gánh nặng suốt hai năm chờ đợi ngày con gà chọi đi vào hệ thống ĐH Lớn của Pháp.

Phải học thêm 4 năm mới có bằng KS, tuy nhiên đã đậu vào đây việc học không còn căng thẳng như ở lớp Dự Bị nên Cu Bi chơi một cú làm bố mẹ thót tim.

Mấy tuần đầu nhập học, Cu Bi phụ trách trang Trombinoscope (viết tắt Trombi) lập danh sách sinh viên niên khóa mới, nó nhờ các bạn cùng khóa chụp hình, ghi lý lịch, sở thích... từng người rồi tổng hợp và xếp tên họ sinh viên theo thứ tự từ A đến Z và theo ban như Lý, Hóa, Tin Học...

Sau khi hoàn tất, Trombi 2001 được đưa vào trang mạng của trường để Sinh viên liên lạc, làm quen với nhau, trong cư xá SV bạn bè bầu Cu Bi làm trưởng nhóm “vui chơi cuối tuần”.

Mỗi nhóm phụ trách thực đơn và tiết mục ăn chơi, con gà của tôi bữa ni trở thành con gà lôi, gà tây (Dindon) rú họng gáy điếc tai, bạn bè gõ chén gõ ly chơi xả láng, cứ thế mà tụi trẻ vui đùa dài dài.

Mỗi tháng có buổi dạ vũ, gặp gỡ với các ĐH Y, Dược, Kinh Tế, Luật..., hãng rượu ủng hộ cả kết rượu bia, ngân hàng tặng năm, bảy chục euros cho SV nào mở chương mục lần đầu, hãng nước hoa tặng hàng mẫu, thuốc lá phát miễn phí...

Con gà chọi dùi mài kinh sử mấy mùa thi, bi chừ tự động “nghỉ phép” dài hạn ăn chơi cho biết đời sinh viên vui như thế nào, hậu quả biết liền.

Dựa vào kết quả tam cá nguyệt đầu tiên, thầy trưởng khoa gọi nó lên văn phòng, không như lúc ở trung học, Cu Bi biết chuyến này mình sẽ bị thầy quở tơi bời, một chút ăn năn nhưng tuổi trẻ tự tin khiến cu cậu hiên ngang đến gặp thầy.

Ông thầy vòng vo,

- Cậu làm trang Trombi hay lắm, hoạt bát tổ chức ăn chơi cũng giỏi, có đúng không ?

Con gà im re, thầy nghiêm giọng,

- Tiếc thay điểm thi của cậu làm tôi thất vọng, cứ cái đà này, học kỳ tới cậu biết cậu sẽ đi về đâu chứ?

Con gà gẩy cựa thấp giọng,

- Thưa thầy con hứa sẽ học hành đàng hoàng.

Ông thầy chưa tha,

- Cậu khỏi hứa, một là tiếp tục học, hai là cuốn gói về nhà.

Con gà thất kinh hồn vía, thề thốt,

- Thưa thầy làm sao con có thể quay về nhà trong lúc này được, con chỉ trở về sau khi tốt nghiệp, con xin hứa.

Ông thầy cười mỉm,

- Được lắm, tôi chờ điểm kiểm tra tuần tới đấy.

Chương trình học ở đây tuần nào cũng có bài kiểm tra viết và vấn đáp, sinh viên làm bài như đang thi tuyển, khá căng thẳng, Cu Bi đã quen chạy đua từ trung học nên không xa lạ với cách học này.

Từ đó nó chúi mũi học, chơi ít học nhiều cho chắc ăn, học một lèo cho đến lúc ra trường, qua bên Luân Đôn lấy thêm bằng Master of Science và chuẩn lên đường tìm việc.

*

Năm 23 tuổi, thủ cái bằng KS và Master, Cu Bi gửi CV (lý lịch) đến các công ty Tin Học, qua vài lần phỏng vấn, chủ hãng nhận mà nó lắc đầu chưa ưng ý, hai tháng đi phỏng vấn vẫn chưa ra việc.

Ông tía sót ruột chất vấn,

- Người ta nhận cớ sao mi lại từ chối, thời nay có việc là mừng rồi, mi chạy suốt hai tháng nay chưa mỏi gìo hả con?

Cu Bi phân trần,

- Công việc đầu đời quan trọng lắm, đâu phải việc nào mình cũng nhận sau này khó nhảy sở đi tìm việc mới.

Nghe đến đây ông tía xanh mặt,

- Việc chưa có đã tính chuyện viễn vông, đừng có ảo tưởng mà vỡ mặt đấy.

Sợ tía lo, cu Bi bật mí,

- Con đã chấm một chỗ rồi, vì đang ngã giá mức lương với một hãng khác nên con chưa gật đầu đó thôi, bố đừng lo nữa, con sẽ đi làm nay mai mà.

Nói vậy chứ chàng biết tính thằng nhóc biết lo liệu cho mình từ bé, có đi theo nó cũng thừa, chả giúp được gì còn làm nó vướng víu thêm.

Tháng sau Cu Bi xách cặp đi làm, chiều hôm đó cả nhà xúm lại tra khảo, ông tía mở màn,

- Ngày đầu như thế nào, công việc thích hợp chứ ?

Cu Bi từ tốn,

- Xếp dẫn con giới thiệu với các phòng ban trong sở, con ngồi chung với đám trẻ cùng ngành, công việc thì mai bắt đầu, bữa nay ra mắt mọi người và cưỡi ngựa xem hoa thôi.

Tôi trợn mắt,

- Sao không làm ngay mà đợi đến mai ?

Cu Bi cười,

- Mẹ cứ làm như nấu cơm, vo gạo rồi phải nấu ngay, ngày đầu tìm hiểu rõ ràng từ A đến Z, ngày mai làm việc tối mặt đấy, mẹ tưởng người ta trả lương cho mình ngồi chơi xơi nước à.

Làm được một năm cu Bi đổi sở, ông tía run thay thằng con, nhăn nhó,

- Khổ thật, mới làm chưa nóng đít lại bỏ việc, bộ làm không nổi à, mi không sợ chủ mới có ác cảm sao?

Cu Bi tỉnh bơ,

- Trăng sao gì bố, chủ mới biết con bỏ sở nhưng vẫn nhận, họ đâu có chê con.

Ông tía chưa an tâm,

- Vậy lý do mi nhảy sở vì cái gì ?

Cu Bi ôn tồn,

- Vì lương cao hơn chỗ cũ, đi một đàng học một sàng khôn, làm nhiều chỗ khác nhau mới học được nhiều thứ, trong lãnh vực này mình phải liên tiếp cập nhật chuyên môn nếu không muốn bị đào thải.

Hôm đó thằng nhỏ làm cả nhà im re, dù chàng rối bời tâm can, mấy năm sau nó tiếp tục đổi sở, lương tăng theo mỗi lần chuyển qua hãng mới, màn nhảy sở của nó bây giờ không làm ai hoảng vía như lần đầu tiên.

*

Bốn năm sau khi ra trường cu Bi đổi bốn sở làm, gom đủ vốn liếng chuyên môn, nó quyết định “ra riêng”, làm Freelance mở hãng mình ên.

Ông tía lại trở bệnh hoang mang, lên lớp thằng nhỏ,

- Lần này mi liều thật, tiền bạc không có bao nhiêu, mối lái, khách hàng đào đâu ra mà dám làm ăn kiểu này.

Cu Bi nín cười,

- Bốn năm làm việc với bốn sở khác nhau con có danh sách khách hàng dài thòng, bố khéo lo.

Tôi giải hòa,

- Kệ tía nó đi, hồi nào giờ có thấy nó thất nghiệp đâu mà bố nó quýnh quáng.

Chàng vẫn chưa yên lòng,

- Không lo sao được, làm việc ở sở, lỡ mất việc còn có tiền thất nghiệp, tự làm chủ kiểu này, không có khách hàng là húp cháo, mẹ con bà tự tin quá đáng.

Lúc này cu Bi đã có vợ con, chàng lo như rứa cũng phải, mà tính chàng như “gà mẹ luôn ấp ủ đàn con” (Tây gọi là “Maman poule”) cả đời chạy theo hai thằng con nên tụi nhỏ đặt cho chàng biệt danh “Papa poule”.

Suốt hai năm Cu Bi làm ăn riêng lúc nào chàng cũng canh cánh bên lòng sợ mai này thằng nhỏ sập tiệm mà không dám nói.

Mấy tháng đầu thằng nhỏ làm Freelance, ông tía chỉ có một điệp khúc ca hoài không chán,

- Lúc này làm ăn được không con ?

Cu Bi đáp lễ,

- Vũ như cẩn, tiền vô đều đều.

Tôi phải trấn an chàng,

- Bố nó lo con bò trắng răng, cu Bi là gà chọi, lên võ đài hoài, dù có bị trầy xướt, cựa vẫn cứng như sắt mà.

*

Một hôm Cu Bi mang vợ con đến nhà chơi như thông lệ, cơm nước xong, đợi vợ nó đưa con lên lầu ngủ trưa, chờ tôi mang cà phê ra bàn, nó tuyên bố đóng cửa tiệm, giải nghệ Freelance.

Ông tía tái mặt, giọng thểu não,

- Làm ăn thất bại không đủ tiền trả thuế phải không con, bố đã nói rồi...

Không để chàng dứt lời, nó nói ngay cho tía nó hết sợ,

- Hãng của con vẫn khấm khá, chỉ tại phải đóng thuế 33% trên tiền lời hằng năm của hãng, cộng thêm thuế thu nhập của hai đứa con cao quá nên con quyết định trở về nghiệp nhân viên công ty tư.

Ông tía mừng rên, hỏi ngay,

- Đã có hãng nào nhận con chưa ?

Cu Bi ởm ờ,

- Con đang do dự giữa 2 đề nghị.

Ông tía muốn lên “tăng xông”,

- Giời ạ, đến nước này mà còn do với dự là sao.

Cu Bi kể lể,

- Bố còn nhớ chuyến đi San Francisco của con vừa rồi chứ, sau khi con trình bày “Cassandra...”, tụi Data... liên lạc với con đề nghị thu nhận con. Nghe tin này vợ con nhảy tưng tưng, bố còn lạ gì dân Tây kỵ láng giềng Anh, không ưa chú Sam Mỹ, chỉ nước Pháp muôn năm thôi.

Ông tía sốt ruột,

- Rồi sao nữa ?

Cu Bi gãi đầu,

- Kẹt nỗi có hãng Tây muốn nhận con nhưng con không thích mà vợ con chịu chỗ này mới ác.

Ông tía bực bội,

- Không lẽ mi sợ vợ đến mức phải làm việc với Tây dù mi không thích.

Cu Bi lắc đầu,

- Con mà sợ vợ, cái khó là Tây trả lương mỗi năm cao hơn Mỹ đến mười ngàn euros nên con điều đình lại với Mỹ. Sau hai lần « sát hạch » qua Skype với trụ sở ở San Francisco, làm việc lần cuối với chi nhánh Châu Âu bên Luân Đôn, chuyện ngã giá đã xong, họ chịu trả bằng lương hãng Tây và thêm “stock options” cuối năm.

Tôi cười cười,

- Thế là em đầm của mi “bó tay” rồi.

Cu Bi cười khoái trá,

- Dĩ nhiên là nó phải chịu thua con rồi, con không thích làm với Tây phải trực thuộc xếp thương mại, dân bắt “áp phe” đâu rành kỹ thuật, họ lấy giá rẻ để giành mối, tụi kỹ thuật làm việc trối chết mệt lắm.

Tôi hỏi,

- Hãng Mỹ thì sao ?

Cu Bi đắc ý,

- Con hỏi xếp của Data..., hắn lớn hơn con vài tuổi, xếp trực tiếp của con là ai, hắn bảo, tôi đây chứ ai, chỉ có dân “Cassandra” như tụi mình nói chuyện với nhau mới hạp. Đó là đặc điểm con thích làm với Mỹ, thực tế, hiệu quả.

Đến đây thì ông tía lặng thinh an lòng, con gà chọi của bà nội bi giờ đang đá sân xa, giá còn sống chắc bà sẽ nở mũi vì đứa cháu trai lớn nhất trong đàng cháu nội ngoại của bà, chuyến này đá cho đội Mỹ.

Tôi tò mò,

- Cassandra là cái chi mà mi mang ra ngã giá với Data... ?

Cu Bi tròn mắt,

- Mẹ thắc mắc thật chứ, con sẽ nói đại khái chứ không vào chi tiết hơi khó hiểu với mẹ, Apache Cassandra là “đặc sản” Tin Học viết từ ngôn ngữ Java, để thiên hạ sử dụng miễn phí, Facebook, Twitter, Netflix... cũng dùng cái này.

Hồi nhỏ con khoái cờ tướng làm sao bây giờ con mê Cassanda như vậy, lúc còn làm Freelance ngoài giờ làm việc con tạo vài ứng dụng mới từ Cassandra rồi đưa lên Forum của con cho thiên hạ tham khảo, áp dụng.

Dân rành Cassandra thích cái màn này lắm, có đám khách thường xuyên vào quán ảo của con chuyện trò rôm rã, chia sẻ kinh nghiệm đủ thứ, có đứa hẹn con ra quán cà phê nói chuyện mà con từ chối vì quá bận.

Rồi có một gã vào “quán của con” (Forum) hỏi tùm lum, như tại sao con nghiên cứu cái này, với mục đích gì...

Câu hỏi vớ vẩn, tuy nhiên con vẫn lịch sự trả lời, có lẽ bạn là “ma mới” nên hỏi lằng nhằng, thôi cứ vào đây chơi, rồi bạn sẽ hết thắc mắc về mục đích chi đó, tuy nhiên nếu bạn thắc mắc về Cassandra cứ hỏi, tôi sẳn sàng trả lời.

Sau đó hắn biến mất, con nghĩ hắn là đứa tò mò, chả tìm ra lý do gì để chuyện trò tiếp nên lặn luôn, nào ngờ hắn tái xuất hiện tự xưng là thành viên bự của Data...rủ con cộng tác với họ.

Hắn cho biết, sau chuyến đi San Francisco của con với tư cách Freelance, hắn đề nghị hãng thu nhận con để quảng bá Cassandra ở Châu Âu..., đoạn kết mẹ đã rõ rồi.

*

Sau khi ký hợp đồng làm việc, Cu Bi qua San Francisco ra mắt hãng và tham gia khóa đào tạo một tuần, học cách thể hiện nhân viên của Data... mỗi khi làm việc với khách hàng.

Data... phát cho nó cái sweat-shirt với hàng chữ “Evangelist for Apache Cassandra” trên lưng áo để nó mặc mỗi lần đi “thuyết pháp” cho hãng.

Làm với Data... Cu Bi thường xuyên đi công tác Âu Châu, tùy nơi, năm ba ngày đến một tuần, có lần qua đảo Réunion, nó mua rượu mùi (liqueur) tặng mẹ, rượu Rhum cho bố.

Mỗi lần về trụ sở chính bên SF, ghé qua San José, nó đi ăn hàng, phở, bánh cuốn, bột lọc..., uống nước mía, mua tặng bố một lố dầu gió xanh con Ó để bố “xông mũi” mùa đông.

Thời gian còn lại làm việc tại Pháp, mỗi tuần đến sở một hoặc hai ngày, những ngày khác làm việc tại nhà và họp mỗi tuần qua sky với trụ sở bên Mỹ.

Những ngày làm việc ở nhà, cu Bi đưa đón hai đứa nhỏ, xi bô thay tả điêu luyện như vú em, bù đắp những lúc vắng nhà, em đầm vừa đi làm vừa một nách hai con mà không than vào đâu được.

Lúc này chàng yên chí thằng con cặp bến an toàn, hai năm nó làm Freelance, chàng thấp thỏm sợ thằng nhỏ chống chọi không nổi thị trường Tin Học tiến bộ nhanh như vận tốc ánh sáng.

Bữa trước Cu Bi mang vợ con đến nhà ăn cơm, ông tía sảng khoái mở lời,

- Bây giờ làm cho hãng, tối ngủ yên giấc chứ con.

Cu Bi cười,

- Vũ như cẩn bố ơi, hồi làm Freelance con đánh thuê dài hạn cho vài ngân hàng Tây, hợp đồng ký đầu năm, cuối năm ngân hàng sẽ ký tiếp cho năm sau nếu mình làm được việc.

Muốn được như vậy con phải học thêm về Cassandra...để bắt kịp người ta, làm Freelance hay làm thuê cho chủ, mình phải tiến, dậm chân tại chỗ có nghĩa là thụt lùi, thời buổi này không cập nhật chuyên môn là bị đào thải ngay.

Ông tía hỏi dò,

- Bận rộn như vậy còn đâu thời gian lo cho vợ con?

Cu Bi diễu cợt,

- Bố không thấy thời gian làm việc ở nhà, con làm nội trợ nhiều hơn là làm việc hãng đó sao, bố khéo lo, con có cách của con.

Chàng chắc bụng lần này thằng con sẽ làm việc lâu dài với hãng này, thời nay tìm được việc làm đúng sở thích của mình là quá tuyệt vời rồi.

Ấy thế mà mấy hôm sau, chàng lại bâng khuâng nói với tôi,

- Hồi sáng Cu Bi gọi điện thoại kể, hãng của nó có đứa bỏ việc, vì đi công tác xa nhà, bị vợ con cằn nhằn, xếp Châu Âu run, tìm chưa ra người thay thế nên chìu nó lắm. Đúng lúc đó có một Start Up chiêu dụ nó với mức lương cao hơn sở cũ nhưng nó lắc đầu mới lạ.

Tôi không ngạc nhiên,

- Nó từ chối chắc phải có lý do của nó.

Chàng gật gù,

- Nó nói sở mới tuy lương cao hơn nhưng mỗi ngày phải vào sở làm việc, nó ngán lắm, nó là đứa thích đi ta bà, công việc lại không hấp dẫn, nó bảo đang được tự do ở nhà, tự do đến sở chỉ 2 ngày một tuần trừ khi đi công tác, cho tiền bảo nó vào rọ nó cũng không ham.

Con gà của tôi, nòi “gà chọi” từ nhỏ, quen đấu đá từ trong sân trường tiểu học cho đến đại học, dù đã có vợ con, chân cẳng quen đi ta bà, bảo ngồi tám tiếng ở sở đối diện với máy là làm khó nó đấy.

Bản tính “lang bạt” nó thừa hưởng từ bà nội, bà giao tiếp rộng, bạn bè tứ phương nên nhà lúc nào cũng có khách, chứ tôi với chàng, tuy cũng bạn bè vui chơi nhưng không tụ tập đàn đúm liền tù tì như nó.

Em đầm từng thắc mắc, cu Bi cứ liền chân nhảy sở mà không mỏi mệt, bi giờ lại đá trên sân Mỹ, làm em đầm hết hồn sợ mai này Cu Bi quên tiếng Tây.

Con gà dẻo mồm trấn an vợ, cưng đừng lo, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, tiếng Tây dùng để tâm tình với vợ con, tiếng Anh để kiếm tiền nuôi gia đình, đó cũng là ngôn ngữ của tương lai vì Tin Học sẽ thay đổi bộ mặt xã hội tiên tiến nay mai.

Em đầm nghe bùi tai, Vừa rồi đến nhà chơi, lúc ra về, cu Lai hôn bà nội và nói,

- Au revoir bà nội, see you later.

Tôi véo nhẹ tai nó,

- Cha mi, tiếng Việt không rành bày đặt “xi du”, chuyến này bà nội mi ngọng luôn.

Tuổi gà trong tử vi của Ta không oai, nhưng con gà trống trong đám “gà đi bộ” của Tây là vua trại gà, Le coq Gaulois, con gà trống xứ Gaule là loại gà chiến nên đội túc cầu Pháp chọn làm phù hiệu chính thức.

Tết Đinh Dậu năm nay, con gà của tôi tròn 37 cái xuân xanh, hai mươi sáu năm sống trên đất Pháp, hội nhập giỏi đến độ sắm một em đầm giữ tiền lương, nhưng vẫn là con gà chọi VN, bởi vì Tây làm gì có môn “đá gà”.

Năm nay “năm tuổi”, tử vi Ta ái ngại, Tây tỉnh queo, Mỹ càng không sợ, con gà chọi gốc Mít, sống bên Tây, làm việc cho Mỹ, nên năm Đinh Dậu hay chi đó, năm nào cũng có hên xui, gà đã gắn cựa phải ra sân để chọi thôi.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
13/02/201704:53:13
Khách
Đầu năm gà, toàn chuyện hay về gà, nhưng SG em thích nhất con gà Gaulois của chị. Hãnh diện về những con gà tre VN, tuy nhỏ nhưng có võ giỏi nên đã đem lại niềm vinh dự cho bố mẹ khi đi chọi nơi xứ người. Chúc mừng con gà chọi của chị.
04/02/201709:40:03
Khách
Cảm ơn anh Lê Như Đức thương "con gà chọi" mà khen, thằng bé chạy giặc với bố mẹ, biết phận tha hương nên phải học gấp đôi dân địa phương mới hội nhập vào dòng chính được.

Cảm ơn chị Hằng khen cu gà nhà em, hắn quen chạy giặc nên qua đây phải chạy vắt giò mới về đến đích được.
03/02/201717:27:25
Khách
Bài nào Đoàn Thị viết cũng đều hào hứng và hài hước. Lời đối thoại thật hóm hỉnh và dễ thương khiến người đọc cảm thấy vui lây với tác giả về con "gà chọi" đã dương đông kích tây để đạt được điều mình muốn. Cám ơn tác giả đã cho chúng ta những truyện ngắn thật hay.
03/02/201716:24:24
Khách
Bài viết rất sống động kèm theo sự nhí nhảnh pha lẫn niềm tự hào về sự thành đạt của người con trai. Tôi biết có nhiều người ra trường đi làm là ngồi luôn không bao giờ muốn đổi việc cho tới lúc bị cắt không chịu thay đổi như cậu con trai của tác giả. Mỗi hãng có một cái hay riêng, không những nhẩy hãng được ít nhất là 10% thêm lương mà còn học được thêm cái hay của hãng đó và biết thêm được nhiều người. Gà chọi này tuyệt lắm đó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,029,724
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến