Hôm nay,  

Mua Xe, Sửa Xe, Với Người Mình

16/01/201700:00:00(Xem: 13090)

Tác giả: Chu Tất Tiến
Bài số 5020-18-30720-vb2011617

Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, thêm một bài mới viết.

* * *

Nhớ ngày đầu tiên, lúc Sáu tui mới qua Mỹ, được gia đình và bà con đón từ phi trường Johnwayne về thành phố Westminster, đi ngang qua khu Bôn Sa, thấy hàng hàng lớp lớp bảng hiệu xanh đỏ, chớp sáng đầy chữ Việt, Sáu tui cảm động quá muốn khóc luôn. Bao nhiêu là dịch vụ, cơ sở, cái gì cũng có, thế là tha hồ sống như ở Saigon nhé. Cứ việc vào tiệm người mình để mua hàng, sửa xe, ăn nhậu đã đời. Ai dè, môt vài năm sau, mới biết rằng “thấy vậy mà không phải vậy!”

Đại đa số người mình thì vẫn còn duy trì tình đồng hương, vẫn nhiệt tình đóng góp tiền cho Thương Phế Binh, cho đồng bào nạn nhân bão lụt, nhưng với một số người mình làm thương mại ở xứ Mỹ này, không phải ai cũng có tình đồng hương...

Này nhé! Có ai trong quý vị đi sửa xe ở chỗ “người mình” nhiều lần mà không gặp vài lần tức cái... mình! Thay hộp số với giá chỉ rẻ hơn “điu lơ” có chút thôi mà phải trở lại cả chục lần, vì mấy ổng thay đồ “lô” cho rẻ tiền, mặc dù có thỏa thuận dùng đồ “điu lơ” đàng hoàng! Đến khi mệt mỏi quá thì thôi “thí cô hồn”, đem đại vào “điu lơ” cho nó xong! Gọi ông thợ đòi lại tiền, thì nghe thách thức “có giỏi thì cứ thưa gửi đi, đây chịu hết!”

Một anh chủ tiệm sửa xe chặt đẹp một ông khách $1.500.00 là sẽ thay cái máy xe Honda bằng một cái máy đã dùng rồi nhưng được “rì fớ bít” lại tương đương như mới, nhưng rồi cũng lắp lại một cái máy dỏm khác, chạy không được, sửa cả tháng trời rồi cũng phải “tâu” về nhà, nằm một đống! Gọi đến tiệm hoài, anh chủ kia trốn biệt, khách đành phải thưa ra tòa. Ông tòa phạt phải hoàn trả lại tiền khách hàng, cộng thêm tiền phạt về tội lừa đảo, nhưng rồi anh kia trốn biệt, không chịu trả. Khách hàng phải nhờ cảnh sát đến tận nhà đòi tiền, thì cô vợ trả lời: “Ông ấy đi sang tiểu bang khác rồi” mặc dù vẫn còn lù lù ở Oét Minh Tơ, thế là khách hàng mất toi cái xe.

Hồi Sáu tui còn lờ quờ, mang cái xe Toyota cù lũ sỉ đến một tiệm mà vẫn quảng cáo dữ dội trên đài phát thanh, nhờ tìm một chỗ hư làm xe chạy cà giựt. Ông Chủ xem xe một hồi rồi phán hơn 500 tì. Vì tin tưởng ông này nói nhiều trên đài, nên đồng ý để xe lại. Mấy ngày sau, đến tiệm, thấy cái xe vẫn còn nằm đấy, và một ông thợ vẫn loay hoay vọc nát cái máy ra tìm bệnh! Nhìn cái xe banh cà na ra mà dân Hát Ô đang đi làm Pạc-tai, đau lòng khôn xiết. Trở đi trở lại mấy lần, mất cả tuần lễ không có xe đi làm, phải đi bằng xe bít, rồi lội bộ ná thở, cuối cùng cũng lấy được xe về, nhưng rồi chiếc xe biến thành xe bị bệnh “run”, vừa chạy vừa kêu hừ hừ, đành phải bán tống bán tháo được vài trăm bạc. Sáu tui mua xe khác, nhưng xui xẻo, chạy chưa tới một năm, bị chẩy nhớt. Tui mang xe lại một ông chủ có tên tiệm rất kêu ở ngay Thủ Đô Tị nạn ta. Ổng cho đội xe lên, và chỉ “liếc” sơ vài cái, phán luôn: “Tiền sửa và pạc là 350 đô!”. Sáu tui hoảng quá, rút xe về, không sửa, thế là ổng “chạc” 45 đô về tiền “ét ti mết” tức là tiền “liếc qua chiếc xe”. Không có chọn lựa nào, tui đành phải nộp cho ổng 45 đô mà đứt cả ruột. Đến khi mang xe đi chỗ khác, ông kia còn vẽ bạo hơn, viết ra giấy dài lòng thòng đủ chuyện, tổng kết lại là hơn... một ngàn đô! Tui bèn lâm râm cầu nguyện Trời cho gặp người lương thiện, và lời cầu nguyện chân thành của thằng nghèo như Sáu tui được Trời đáp ứng, gặp ông thợ tốt, chỉ mất có 85 đô! Từ 85 đô, đến 300, đến 1000, đúng là “đồng hương” không bằng “đồng lương” thiệt!

Sáu tui còn có nhiều người bạn cũng dân Hát Ô, bỏ xe để làm máy xong, nếu nhớt vẫn chẩy ra đen thui chỗ pác-king của mình, có trở lại để cho sửa lại thì lập tức cái mặt ông chủ chầm bầm làm như khách hàng là con nợ vậy! Chưa kể cái tài “vẽ” của mấy ông thợ thì tài hoa lắm, vẽ loạn cả lên, khách hoa cả mắt, ríu ríu đưa tiền xong, về nhà, hỏi thăm người này người nọ, mới thấy mình ngu! Cho nên, người có kinh nghiệm sửa xe ở chỗ người mình thì phải hỏi trước: “Có chạc tiền ét-ti-mết (tiền công liếc vào chiếc xe) không? Nếu tui không có mang đủ tiền, tui có được mang xe về mà không phải trả tiền công ét-ti-mết không?” Phải chuẩn bị sẵn vài câu hỏi về tiền công, tiền đồ, bảo đảm.. rồi ráng nhớ và rồi kiếm cớ là không đủ tiền, để đi sang tiệm khác, khảo giá thêm. Nghe ngóng tay nào nói chuyện có lý thì mới để xe lại. Ngoài ra, nếu giỏi tiếng Anh tiếng U thì vào “điulơ”, mà ở đây, cũng phải trả giá như điên, “cò kè bớt một thêm hai..” sau đó mới sửa.

Còn mua xe mới thì sao?

Úi chà, cái vụ này lớn chuyện nhe, có lần nghe một ông “seo-lơ-men” quảng cáo trên đài “lấy vợ lầm không tức bằng mua xe lầm!”, thấy đúng lắm! Mấy ổng “seo-lơ-men” người mình, hễ thấy đồng hương bước vào là vồ lấy, như là thấy anh em ruột thịt lâu ngày không gặp vậy. Rồi đến lúc làm giấy tờ, mới biết chỉ là “khúc ruột xa ngàn dặm” mà thôi. Đầu tiên, nghe cậu “seo-lơ-men” quảng cáo trên đài, là “quý vị cứ gọi số này, chắc chắn sẽ được “đít cao” tối thiểu hai ngàn đô, thấp hơn giá các nơi khác cả ngàn đô...” Đến khi gọi điện cho cậu xưng là Phờ Lít Mê Nê Dơ đó, hỏi: “anh có thể bứt được giá của “điu lơ” ABC kia vài trăm không?” Cậu trả lời tỉnh bơ: “Thôi, anh cứ lại chỗ đó đi! Giá đó được đấy, ở đây “điu lơ” xịn, không có giá đó!”

Hồi Sáu tui dành dụm được tí tiền, tính đi mua cái xe mới, gặp ngay thằng em của một người bạn thân, tay này dựa hơi quen biết, nói lải nhải mãi, tui ớn quá, phải bỏ về nhà, tưởng xong chuyện. Ai dè, hắn lái xe chạy theo tui về nhà, ngồi lì ra tới hơn 12 giờ đêm, nói rã hơi, tui mệt quá, chịu hổng nổi, muốn tống đi cho rồi, bèn ký đại. Sáng ra mới biết mình hố to. Mỗi tháng cao hơn chỗ khác 25 tì, vị chi 60 tháng lỗ 1,800 đô! Chưa kể lúc vào ký giấy, tui đọc lại, thấy bị cộng “sai” thêm 10 tì nữa, cằn nhằn, thì tên làm giấy đề nghị: “thôi, cháu lỡ đánh máy rồi, bây giờ cháu đền cho cái alarm nhé!” Tui bực quá, nhưng thấy mặt cái thằng em người bạn đứng ở ngoài nhăn nhó giống như người đau bụng đẻ, tui đành ký cho xong. Tính ra, thì lại lỗ thêm cú nữa. Cái alarm ở ngoài có hơn 100 tít thôi, còn 10 tì x 60 tháng= 600 tít! Tổng cộng lại thì tui lỗ: 1800 + 600 – 100 = 2,300 đô!

Nghe nói nhiều cậu gian tham, còn lợi dụng người Việt mình thật thà lại không biết tiếng Anh, nên tính thêm một số tiền này nọ, tiền soạn hồ sơ, linh tinh không có trong thủ tục, mất thêm vài trăm! Ai không đọc kỹ giấy tờ là tức mình đến cả chục năm sau.

Tính toán lãi suất cũng dễ bị lừa! Quảng cáo thì nói là 0%, nhưng khi mua thì lại phải lấy “lôn” của hãng mà lại không được chọn mầu, nếu chọn mầu thì phải 4 hay 5%. Giá cả của “điu lơ” cũng khác nhau trầm trọng. Lạng quạng là lỗ to! Sáu tui học kinh nghiệm mua xe nhiều lần rồi nên mới vỡ lẽ ra rằng: muốn mua một xe vừa rẻ, vừa tốt, thì phải biết là “đi với ma, phải mặc áo giấy!” Hồi đó, nghe cái “điu lơ” ở gần nhà bán hạ giá một chiếc xe “Camry” rẻ hơn thường lệ gần $2,000.00, Sáu tui chạy tới thật sớm. Mới có hơn 7 giờ đã có mặt tại “điu lơ”. Một cậu Việt Nam chạy ra, mời chào. Tui mới đưa cho cậu xem tờ báo có quảng cáo là hôm đó đặc biệt “xeo” 2 cái xe với giá đó. Cậu ta vừa nhìn thấy tờ báo, đã nói ngay: “Ô, cái xe này bán rồi!” Sáu tui đột nhiên nổi cơn, văng tục liền và quát to bằng tiếng Anh: “F. du! Bán rồi hả! Mới vừa mở cửa mà đã bán hết 2 cái xe rồi sao? Giấy tờ bán xe đâu? Đưa tui coi! Không chứng minh được là đã bán rồi, thì tui kêu cảnh sát báo là cậu lừa gạt khách hàng!” Nghe thấy tui to tiếng, tay Manager ở bên trong, hãi quá, chạy vội ra: “Xo rì nhe! Cậu này mới làm, không rõ việc. Xe còn ở bên trong kia. Mời vô! Mời vô!” Thế là một tay Seolơ men khác đi ra và đưa tui vào chỗ tuốt bên trong kẹt, thấy cái xe nằm chình ình đấy! Và tui mua được cái xe rẻ gần 2,000 đô. Nếu hôm đó, Sáu tui không biết ….chửi văng mạng thì đã không được xe tốt và rẻ.

Đúng là đi mua xe với người mình mà lạng quạng thì lầm to. Và mua lầm xe thì đau không thua khi hát bài: “Anh đã lầm đưa em sang đây!”

Chu Tất Tiến

Ý kiến bạn đọc
17/01/201722:35:02
Khách
Tòa sọan Việt-Báo nên có mục "Xã xúp bắp" cho Dân " thấp cổ bé miệng " lên tiếng ... để đè bẹp sự ăn gian nói dối không đạo-đức , lừa-lọc những người không biết ... Dân có " Xã xú bắp " thì xã hội mới có thăng bằng , công bằng , đạo-đức , khai-phóng , có sự tôn trọng lẫn nhau ...
17/01/201713:06:00
Khách
Có một lần tôi xem show 60 minutes của đài CBS có làm phóng sự về sửa xe. Họ đưa cho một bà trên 60 tuổi lái một xe mới vào 10 chỗ sửa xe để sửa. Cái xe họ cố tình làm một tí trục trặc kêu to ở bánh lái. 9 chỗ sửa đều tính bà trên 1000 đô. Duy nhất một chỗ cho tí nhớt vào và không tính tiền.
17/01/201702:01:29
Khách
you got to know befor you go,it is your fault not their,so do not blame them ,blame yourself
17/01/201701:38:53
Khách
Xin có một chút ý kiến. Những gì Tác Giả viết không sai nhưng người đọc có thể nghĩ rằng các tiệm sửa xe Mỹ và các dealers bán xe mới của Mỹ không có những vấn đề này. Thực ra bản chất của ngành nghề này là như vậy, người Mỹ cũng vậy thôi. Chỉ có khác một điều là họ biết luật và sợ luật hơn nên có thể họ đỡ "húc càn" hơn thôi. Khách hàng nên khảo giá một vài nơi trước để có thể chọn lựa chỗ tốt hơn. Nếu có người đã biết qua services của tiệm nào và giới thiệu cho mình thì càng tốt.
17/01/201701:24:28
Khách
Bài viết rất đúng, tôi cũng từng là nạn nhân của 1 ngài nha sĩ làm răng implant với giá đồng hương, Ngài có bằng cấp thứ thiệt treo đầy trên tường, đòi phải trả hết một lúc, tui cũng trả, vậy mà làm cái răng cho tui không xong, rồi nói trả tiền lại, bèn trừ 1,000 đồng đô, mà tui không có được 1 miếng mẻ thừa dính lại hàm răng nữa, giống như đìu lơ lấy tiền ét ti mét đó. Thiệt xui cho tui đi không đúng nha sĩ có lương tâm nghề nghiệp. Cuối cùng tui an ủi theo kiểu VN là của đi thay người.

Khách
17/01/201700:19:01
Khách
Tôi mua 2 cái xe mới trong 5 năm qua trên truecar.com bớt được mỗi cái khoảng 3 ngàn Mỹ kim.
Giá cả được đồng ý trên website của Interner, đến dealer chỉ để nhìn & lái thử xe mình đã chọn,
rồi ký một mớ giấy tờ trong vòng 1 giờ là có thìa khoa lái xe về ngon ơ.
Chẳng cần phải thông thạo tiếng Anh, và không bị ai hối thúc lúc chọn xe.
16/01/201716:20:42
Khách
Chào ông,
Cảm ơn ông đã viết ra những sự thật về tình đồng hương trên đất Mỹ. Ta về ta tắm áo ta, dù trong dù đục tắm mà ....chết luôn. Ông nên về VN để mua nhà, mua của, làm ăn buôn bán để kể cho nghe thêm về tình đồng hương ở quốc nội...Hy vọng còn lý thú gấp một trăm lần.Ông viết hay làm cảm ơn ông nhiều.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,959
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.