Hôm nay,  

Canh Chua Cá Bông Lau Bông Sua Đữa

14/01/201700:00:00(Xem: 12857)

Tác giả: Chú Chín Cali
Bài số 5018-18-30718-vb7011417

Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về sự khó khăn để hội nhập vào xã hội Mỹ của những người Việt lớn tuổi. Tác Giả sinh trưỡng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ trước năm 1975, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County.

* * *

- Cái tuổi thất tuần “ ba cao hai thấp”, khó ai tránh khỏi.

- Cái gì cao? Cái gì thấp hả ông Hai?

- Thì cao máu, cao mở, cao đường”.

- Còn thấp?

- Phong thấp và thấp khớp!” Ha! Ha! ha!

Ông cười ha hả. Cái miệng móm sọm, trông vừa buồn cười vừa dễ thương. Ở tuổi 70 mà ông khỏe như thanh niên trai tráng. Tánh tình vui tươi, cởi mở như trẻ con.

Ông Hai làm vườn cho Hạnh được mấy tháng nay. Ông làm giỏi, có lương tâm, tín cẩn, lại tính giá rẻ.

Hạnh rất vừa ý về ông nên đề nghị:

- Ông Hai có muốn làm thêm việc để kiếm thêm ít tiền không?

- Mèn ơi, được “dậy” tui “dui” lắm chớ!

Thấy ông Hai lớn tuổi hơn cả cha mẹ mình nên Hạnh cũng thấy ngại mở lời nhờ ông lau chùi mấy cái nhà tắm cầu tiêu, nên nhờ ông xã nói hộ. Chồng Hạnh lưỡng lự hoài không dám “sai” ông Hai bèn nghĩ đến đứa con gái nhanh nhẩu nhất trong nhà, con bé nó đâu có biết ngại. Hạnh nháy mắt ra hiệu con bé.

- Ông Hai ơi ông Hai.

Con bé réo ông Hai đang tưới cây ngoài sau vườn.

- Ơi, cái “dì” “dậy” hả cháu?

- Má con nhờ ông chùi giùm mấy cái....gì đó, ông nói chuyện với mẹ con nè.

Con Linda vừa nói, mắt vẫn không rời cái máy chơi game.

- Ờ, ờ, ông “dô” liền.

Ông kéo tay áo thun quẹt mồ hôi trán, vuốt vuốt cái miệng móm lưa thưa mấy chòm râu lún phún.

- Cái nào đâu cô chủ?

Hạnh chỉ ông ba cái nhà tắm phải làm. Ông vừa chăm chú nghe vừa gục gặc rồi lại lắc đầu, có vẻ đăm chiêu.

Ông Hai lúc nào cũng sốt sắng với việc làm, bất cứ nhờ điều gì ông đều không nệ hà. Hạnh nghĩ có lẽ vì ông chỉ quen làm việc ngoài vườn nên ngại không muốn vào trong nhà.

Thấy ông Tư có vẻ ngập ngừng như muốn nói điều gì, Hạnh bèn trấn an ông trước:

- Bác đừng ngại chuyện vào nhà. Nhà cháu như nhà bác vậy mà.

- Dạ, tui đâu có ngại, chỉ sợ hổng biết làm, làm dơ thêm cái nhà tắm của cô thôi. Cô chủ nói “dậy” thì tui thử nhen, miễn là cô chỉ cho tui.

Hạnh xăng tay áo vừa làm vừa chỉ ông Hai cách sử dụng từng loại thuốc.

- Tưởng chuyện “dì” khó chứ mấy thứ nầy dễ ợt, tui làm cái một, cô chủ coi nè.

Ông già lui cui làm việc, nhưng nét mặt buồn xo khác hẳn với bản chất của ông, lúc nào cũng vui tươi, vô tư như đứa trẻ. Hạnh len lén nhìn qua cái cửa hé mở, ái náy trong lòng nghĩ là ông buồn vì tủi thân đã già rồi mà phải đi chùi nhà tắm cầu tiêu. Thấy hối hận trong lòng Hạnh đến kéo tay ông không cho làm tiếp nữa rồi thưa:

- Xin lỗi bác, cháu đâu có ý định làm bác buồn, thôi bác để cháu lau cho. Bác ra làm vườn tiếp đi.

Ông Hai chưng hửng, trố mắt nhìn Hạnh, ngạc nhiên cái thái độ lạ lùng của Hạnh, vừa biểu làm, rồi lại biểu thôi.

- Ủa, sao “dậy” hả cô chủ? Bộ tui làm “dì” “chật” hả cô chủ?

- Sao mà mặt bác lại buồn xo như đưa đám vậy?

Ông Hai nhìn Hạnh dò xét, thấy Hạnh có vẻ chân thành, mới trả lời:

- Nào nói thiệt với cô, cái chuyện nhỏ nầy có nhầm nhò “dì” đối “dới” tui. Tui đang nghĩ nếu con gái tui mà nó biết tui “mần diệc” cho cô chủ chắc nó sẽ buồn lắm.

- Ủa, sao vậy hả bác?

- Tui có đề nghị làm vườn, lau nhà chùi nhà tắm cầu tiêu cho nó đỡ tốn tiền, nhưng nó nhứt định không cho. Nếu nó biết tui làm cho cô chắc nó sẽ tủi thân “chách” mình không làm “chòn” bổn phận làm con đến nỗi để cha già phải đi làm công làm mướn kiếm sống, tội nó lắm.

Rồi ông bùi ngùi vừa làm việc vừa thổ lộ với Hạnh tâm tư của ông, như hai người người bạn:

- Tui qua đây được hai năm, con gái nó bảo lãnh. Nó mồ côi mẹ khi còn nhỏ được tôi ôm nuôi đến lớn, cho ăn học đàng hoàng. “Gồi” nó làm sở Mỹ, lấy chồng người Mỹ, xếp nó. Tui cản nó mà có được đâu cô! Cưới xong tụi nó kéo nhau “dề” Mỹ. Tui già “gồi”, sống nay chết mai có sá gì, miễn là con nó có hạnh phúc thì tốt “gồi”. Nhưng vợ chồng nó đâu có chịu, nhứt định mang tui sang Mỹ để được phụng dưỡng tuổi già. Tui chỉ có nó là con, cũng muốn theo nó cho có con có cháu đồng thời coi cho biết cái xứ Mỹ nó ra làm sao.

Ngừng giây phút, ông nói tiếp:

- Qua đến Mỹ vợ chồng nó lo cho tui quá đầy đủ đến nỗi tui thấy ái ngại trong lòng, nhiều khi thấy bực mình. Nó chăm sóc tui như chăm sóc hai đứa con của nó! Tui suốt ngày ăn “gồi” ngồi không, buồn muốn chết. Dân lao động mà cô, ở không nó sinh bịnh! Tui đề nghị giúp nó làm vườn, nó không cho còn nói: “ Ba già rồi nghỉ cho khỏe”. Tui đề nghị lau nhà bếp, chùi cầu tiêu giúp nó, nó cười tui, “Bộ ba muốn người ta cười con à”? Nó mua thẻ cho tui đi tập thể thao, còn nói “ba ráng tập đừng để bị bịnh thì chết con!”. Nó làm như tui lười biếng ăn không ngồi “gồi”. Tui suốt đời hoạt động, một mình ên làm 5 công ruộng như chơi chứ phải đâu cô, cô coi nè. Ông xòe rộng cho Hạnh xem hai bàn tay gân guốc, năm ngón tay vừa to vừa dày, rắn chắc.

Hạnh nắm tay ông, thông cảm từng lời nói ông Hai kể. Hạnh thấy thương ông quá, xiết chặc hai bàn tay gân guốc của ông như của một người cha đáng kính. Ông nói tiếp:

- Tui không muốn nhờ “dả” ở con hoặc xin xỏ nó điều gì, nhứt là khi nó đã lập gia đình, có chồng có con. Tui “chốn” nó đi làm định dành dụm đủ tiền để mua vé máy bay về lại Việt Nam. Cô hứa đừng cho con tui nó biết, nó sẽ giận tui. Nó tốn kém mang tui sang đây tui lại đòi “dìa” thì coi làm sao được!

Động tính tò mò Hạnh hỏi thử:

- Thế con gái bác là ai, ở gần đây không?

- Nó tên Linda. Nhà nó cách đây hai con đường.

- Bác nói sao, con gái của bác là chị Linda à? Chị Linda làm nhà băng Wells Fargo phải không bác?

- Thì nó đó chứ còn ai. Chồng nó là thằng Don.

- Dạ con biết Don Smith là Branch Manager.

- Ủa, sao cô biết “gáo” “chọi” “dậy”?

- Dạ chị Linda là bạn của con. Don là xếp.

Ông Tư hoảng hốt:

- Chết chưa! cô làm ơn đừng có nói bậy là tui mần “diệc” cho cô, cô làm ơn nghe cô. Ông Hai van xin.

Linda là bạn thân của Hạnh trong sở làm. Trong câu chuyện hàn huyên lúc ăn trưa, Linda có lần kể cho Hạnh nghe về chuyện bảo trợ cha mình sang Mỹ. Thấy ông cụ càng lúc càng buồn, Linda sinh lo không biết phải làm sao cho cha vui nên tâm sự với Hạnh:

- Ba em rất hiền từ, dễ tánh. Ông an phận thủ thường, không đòi hỏi ở con cái điều gì. Em cho tiền ông không nhận, ông nói “Ba có đi đâu mà cần tiền”. Chở ông đi chơi đây đó ông than “Đi xe ba bị nhức đầu”. Đi shopping ông không thích mua đồ còn bảo “Ba đã dư đồ xài rồi mua chi cho tốn kém”. Đưa ông đi ăn món ngon vật lạ ông không vui mà còn cằn nhằn “Ăn chi cho tốn kém quá vậy con, ba cả đời ăn kho khô kho quẹt quen rồi, mấy cái nầy ba ăn không quen”. Em mua quần áo cho ba, ông hít hà xót ruột, chỉ thích mặc mấy bộ đồ bà ba ông mang sang. Em cưng chiều hai đứa con, ông cằn nhằn “Mầy làm tụi nó hư”. Ba thấy Don rửa chén, ông rầy rà em “Mầy làm vợ cái kiểu “dì dậy”, bắt chồng rửa chén?”

Ngôn ngữ bất đồng, ông không gần gũi được 2 cháu và Don, tuy ai cũng thương ba, cố gắng được thân thiện với ông nhưng cái “gap” quá to khó mà hàn gắn được.


Linda lại là đứa con có hiếu nên tìm mọi cách để làm cho cha vui. Biết cha thích “nhậu”, Hạnh làm ít đồ nhấm bày rượu mời ông và Don ra nhậu. Hạnh pha trò cho vui nhưng Don không hiểu tiếng Việt nên cứ lộ mắt ra nhìn rồi cũng cười họa theo lảng xẹt. Hai cha con không nói chuyện được, cứ rót rượu mời nhau. “OK” rồi “dô”.Chẳng được bao lâu, chai rượu Chivas hết sạch. Chàng rể cùng cha vợ phòng ai nấy về, quên luôn chào hỏi “good night” vì cả hai đều “xỉn”. Những lần sau ông Hai nhậu một mình. Don nằm trên phòng coi TV vui hơn “dô” với ông già rồi xỉn, nhứt đầu muốn chết.

Thú vui của ông là đọc báo tiếng Việt. Sáng nào ông cũng cầm tờ báo ra sân uống trà hút thuốc, đọc cho hết từ trang đầu đến trang cuối. Ông giết thì giờ để đợi ăn trưa. Hai đứa cháu bị mẹ biểu ra vườn chơi với ông. Chúng đứng xa xa ngoài sân cỏ chơi banh, thỉnh thoảng dùng bàn tay quạt mùi thuốc lá. Chúng nhăn mặt: “grand pa its sting!”. Ông già nhiều lần bị chạm tự ái giận quá bỏ hút thuốc luôn sau mấy chục năm vấn thuốc rê, Thèm muốn chết! Ông đợi lúc ở nhà một mình ra sân hút lén. Ông chửi thầm trong bụng:

“Tổ cha tụi bây, hút thuốc lá mà phải lén như đi ăn “chộm” gà!”

Trưa ông ăn đồ nguội, cái thứ bánh mì dai nhách nhai không được vì ông không còn răng! Ước gì có nắm cơm với ít cá bóng kho tiêu!

Linda biết ý mua “cơm chỉ” cá kho tộ cho ông, nhưng khuyên ông nên ăn lạnh vì hâm lên hôi cả nhà “Don nó cằn nhằn”. Trời đất ơi! cá kho mà ăn lạnh ngắt, đóng mở trắng phếu thì nuốt sao cho nổi! Phải chi có nắm rau Cải Trời luộc chấm mấm kho! Ông nghĩ mà thèm.

Chiều về vợ chồng con cái quay quần, ông ngồi một mình coi TV, coi hình cho vui chứ có hiểu mô tê gì đâu! Có khi đang xem, mấy đứa cháu từ trên lầu chạy ù xuống, không hỏi ai, đổi đài xem cartoon. Ông tức ứa gan nhưng không dám nói, ấm ức bỏ vào phòng. Ồng cảm thấy mình không là thành viên của gia đình nầy. Ông thấy thật cô đơn.

May mắn thay ông Hai gặp Hạnh. Từ lúc qua Mỹ đến giờ ông mới có người chịu ngồi lắng nghe ông tâm sự. Ông Hai có dịp thổ lộ hết những bí ẩn của mình cho Hạnh nghe.

Tội nghiệp cho ông Hai quá. Ông không muốn con buồn khi biết tâm tư của ông đang bị dằn vặt trong cô đơn. Ông nhớ quê hương, nhớ mảnh vườn, thửa ruộng, nhớ cái nhà ngói đỏ mà suốt đời ông cặm cụi mới tạo dưng nên. Ông nhớ da diết con rạch sâu, cái thuyền câu nho nhỏ mà ông nhờ nó đi bắt từ con tôm con cá như cái cò lặn lội nuôi con. Ông nhớ mấy người bạn già, chiều chiều đốt rơm nướng con cá lóc mới câu, khề khà xị rựơu đế.

Ông nhớ Bà Tư, người bạn già đã chia ngọt xẻ bùi cùng ông mười mấy năm trường. Bà Tư ở lại thui thủi một mình trong căn nhà ông Hai để lại. Ông Hai ra đi nhưng trong lòng tan nát. Ông hứa mỗi năm sẽ về thăm bà. Nhưng hai năm qua rồi ông vẫn biệt tin. Bây giờ ông mới biết rằng ông không thể sống thiếu bà.

Sau mấy hôm suy tính, Hạnh quyết đinh kể tất cả những gì đã biết về ông Tư. Linda lắng nghe, đổi từ ngạc nhiên sang xúc động khi hiểu tấm chân tình của Hạnh và thương người cha già cô đơn.

Linda biết rằng mình đã làm sai, đã vô tình mang đến cho cha bao phiền nảo. Hai chị em quyết định phải làm gì cho ông Tư.

Trời đã sang mùa Thu khá lạnh đối với ông Hai. Sợ ông bịnh, Hạnh bắt ông làm việc trong nhà. Hết chuyện làm Hạnh nhờ ông Tư lau đi lau lại mấy cái cửa sổ.

- Mà nó sạch bon “gồi” lau chi hoài “dậy” cô chủ? Ông thắc mắc.

- Thì bác cứ lau đại cho con.

Ông Tư lau hoài mấy cái cửa thấy kì kì, lương tăm khó chịu. Một hôm ông không đến nữa. Mỗi tuần ông sang một lần để lau chùi nhà tắm cầu tiêu như thường lệ và một lần để dọn dẹp sân vườn. Ông chỉ nhận tiền lương một nửa.

Ông bảo:

- Cô hai tăng lương cao quá, lại không có gì làm sao tui ngại quá!

- Nhưng bác lảnh lương tháng, hổng làm con cũng phải trả lương.

- Đâu có được cô Hai. Tại “dậy” mà tui thấy ngại đó.

Hạnh đâu ngờ ông già có phản ứng kì cục như vậy! Ai đời làm việc ít mà lảnh lương nhiều ông lại cự nự đòi nghỉ việc!

Kế hoạch nầy không ổn, Hạnh gọi Linda để bàn kế hoạch khác cho ông già có tiền mà không phải làm việc vất vả. Hai người định cho ông trúng số giả hoặc nhặt được tiền đánh rơi, nhưng sợ không ổn. Dàn cảnh nhặt được tiền, ông đem nộp cảnh sát thì mất toi! Cả hai vẫn chưa nghĩ ra cách nào khác hơn.

*

Mùa đông đến, ông già cúm rúm trong cái áo lạnh dầy cui, đầu bịt kín mít, co ro vì lạnh. Linda đề nghị tăng sưởi trong nhà thì bị mấy đứa con cằn nhằn than nóng. Linda thương cha nên rất khó xử.

Một hôm thấy ông vui, Linda lấy hết can đảm ngỏ lời đại cùng ông Tư, không biết ông sẽ phản ứng ra sao:

- Ba à, còn tháng nữa đến Tết rồi, ba có nhớ nhà không?

Ông Tư ngạc nhiên trố mắt nhìn Linda, rồi chầm chậm nói:

- Sao lại không, ba nhớ đứt ruột đây nè!

- Con muốn ba về Việt Nam ăn Tết, ba chịu không?

Ông Tư càng ngạc nhiên hơn, mắt sáng rở, nhìn Linda trân trân:

- Nhưng tốn kém lắm con à.

- Con đã chuẩn bị đâu vào đó rồi, cho Ba về ăn tết với Má Tư.

Nghe tiếng “Má Tư” Ông Tư giật mình, chưng hửng:

- “Má Tư”? Bộ mầy giỡn với ba hả Linda? Làm sao con biết được chuyện “Má Tư”?

Linda vừa thấy thương, vừa buồn cười cho ông già bị đánh trúng tim đen nên giỡn tới, ghẹo ông:

- Sao lại không biết. Con thương “Má Tư” đứt ruột đây nè.

Từ ngạc nhiên nầy sang ngạc nhiên khác, Ông trố mắt, há hốc mồm nhìn Linda. Tuy đã “tằng tịu” mười mấy năm nay nhưng chuyện “lẹo tẹo” giửa ông và Bà Tư ông dấu rất kín. Bà chỉ về sống với ông mấy năm nay sau khi Linda đi Mỹ. Ông còn nói dối Bà Tư là người quản gia, giữ nhà hộ cho ông lúc ông đi Mỹ. “Không biết làm sao mà con Linda nó biết ráo trọi?”

- Con xin lỗi ba, Linda nói tiếp, chị Hạnh vì thương ba nên đã kể hết cho con nghe rồi, nhưng vì chị Hạnh có hứa với ba không tiết lộ chuyện nầy nên tụi con giữ kín cho tới hôm nay.

Mèn đét ơi! cô chủ à? Tụi bây đồng lõa với nhau phải hông?

Linda xấu hổ cười bẽn lẽn, ôm vai ông rồi nói.

- Hổng phải vậy đâu ba, tụi con chỉ muốn ba vui.

Ông Tư vò đầu Linda như thuở Linda còn nhỏ, rồi hỏi:

- “Dzậy” đứa nào xúi cô chủ trả lương cho ba gấp đôi?

- Dạ con.

- Đứa nào toa rập với cô chủ tăng giờ làm việc cho Ba?

- Dạ con.

- Đứa nào bắt tao lau chùi hoài mấy cái cửa sổ?

- Dạ con.

- Chèn ơi, mầy quá lắm rồi cái con khỉ, giám gạt cả ba?

- Thì tại ba gạt con trước chứ!

Hai cha con cười ngất. Chưa bao giờ ông cảm thấy hạnh phúc và thấy thương con gái hơn lúc nầy. Lần đầu tiên cha con hiểu nhau, từ lúc Linda lớn khôn đến bây giờ. Lần đầu tiên ông không thấy xấu hổ với Linda về chuyện Bà Tư.

Ông hình dung giờ phút gặp lại Bà Tư sau hai năm trường xa cách. Tháng nầy là mùa gió chướng, gió thổi mạnh, đong đưa hàng Sua Đũa trước sân nhà, có lẽ đã trổ bông trắng xóa. Dàn đậu rồng chắc đã nở hoa kết trái trên dàn, báo hiệu mùa câu cá Bông Lau. Ông thấy mình bơi chiếc xuồng câu lên dàm Nước Trong rồi thả mồi câu cá Bông Lau, thả hồn theo sông nước.

Ông chợt nghĩ đến nồi canh chua cá Bông Lau nấu với bông Sua Đũa do bà Tư nấu thơm phưng phức mùi rau Om mà thèm.

Ông Tư như con chim sắp được sổ lồng, tâm hồn phơi phới, hạnh phúc vô biên.

Chú Chín Cali

Ý kiến bạn đọc
18/01/201723:53:35
Khách
Người già thường sống với quá khứ, đối với họ không nơi nào đẹp bằng Quê hương VN, giống như truyện ngắn "Thiên Đàng Còn Xa" khoảng 3 năm trước:
http://vvnm.vietbao.com/a186258/thien-dang-con-xa
17/01/201709:11:56
Khách
Cám ơn các ĐG đã ưu ái bỏ qua cho các lổi lầm. Cái tuổi "bảy bó " nầy nó đã bắt đầu ...lẩm cẩm rồi! Xin lổi, xin lổi!
16/01/201720:02:09
Khách
Chào chú Chín
Tôi rất thích những bài viết của chú Chín.
Tuy nhiên, bài này có lẽ chú viết hơi vội nên có vài lôĩ. Ông Hai mà có lúc chú gọi là ông Tư, đang viết về cô Linda chú gọi bằng tên cô Hạnh (trong đoạn nhậu)
Mai mốt coi lại để khỏi bị sạn, uổng bài đang hay chú nghen!
16/01/201701:29:50
Khách
Chú Chín viết những đề tài này khó mà được giải thưởng.
14/01/201719:19:38
Khách
Quá hay và cảm động, con chim có tổ, có nguồn. Nên chiều ý các cụ già, đời còn bao lâu, MAKE THEM HAPPY, Please
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,745,874
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến