Hôm nay,  

Món Quà Giáng Sinh Đặc Biệt

28/12/201600:00:00(Xem: 16009)

Tác giả: Triều Phong (TPN)
Bài số 5004-18-30704-vb4122816

Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Tác giả cho biết bài viết ngày Giáng Sinh của ông lấy cảm hứng khi đọc “breaking news: Stranger pays for woman's Christmas gifts after her credit card was declined” trên Inside edition.

* * *

blank
Cây Noel và quà.

Đó là những gì người đưa thư viết trong tấm thiệp gửi lại cho chúng tôi. Theo lệ thường hằng năm ngoài các món quà và thiệp chúc mừng Giáng Sinh mà chúng tôi gửi tặng bạn bè, những thầy cô giáo của con trai tôi thì chúng tôi cũng còn gửi cả cho người phát thư, nhân viên đổ rác và người đi thu hồi rác tái chế nữa.

Thưở nhỏ tôi học ở Taberd, Saigon; một trường đạo công giáo rất nổi tiếng của dòng Lasan do mấy frères người Pháp thành lập nên tôi hiểu Giáng Sinh là gì. Trong ý nghĩa Ngôi Hai xuống thế cứu chuộc nhân loại, mang tình yêu đến cho mọi người ấy, người ta thường tặng quà, tăng thiệp cho nhau như một thông điệp san sẻ thương yêu. Thấm nhuần tư tưởng đó nên giờ đây dù giàu sang hay nghèo hèn tôi vẫn luôn mong muốn chia sẻ những gì tôi may mắn được Chúa ban cho đến với những người xung quanh hay những người đã âm thầm phục vụ cho chúng tôi suốt cả năm trường này bởi “its the season of giving!” như bài báo đã viết! Ngoài ra mùa lễ Giáng Sinh cũng còn gợi lại cho tôi kỷ niệm khó quên trong thời gian khốn khổ ở các trại tù, trại tị nạn năm xưa.

Vào những ngày cuối năm 1988, lúc bị nhốt ở trại giam mới của Công An Tỉnh Tiền Giang; nằm phía bên kia Cầu Quay đường hướng về Gò Công bởi tội vượt biên thì tôi còn nhớ thời gian này sáng sớm mỗi ngày chúng tôi bị dắt bộ sang lò đường gần Hai Giếng Nước để làm lao động.

Trong hơi sương lành lạnh của buổi đầu đông, đám tù năm sáu chục người chúng tôi co ro đi trong gió rét, dưới họng súng đen ngòm, lạnh lùng của mấy khẩu AK47 mà những tên công an áp tải mang kè kè trên vai. Sau khi xuống khỏi chân cầu, băng ngang qua Vườn Hoa Lạc Hồng đoàn tù men theo con đường nhỏ dưới hàng dương cao to, râm bóng mát. Trước khi tới lò đường thì chúng tôi phải đi qua một ngôi biệt thự mà bọn cán bộ cho biết đó là nhà của Bà Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Miền Nam Việt Nam hồi trước, đang nằm buồn bả, im lìm lặng lẽ như số phận của đất nước sau 1975!

Lò đường này là cơ sở sản xuất của công an tỉnh và tại đây chúng tôi phải vác mía từ trên xe tải vô lò đường suốt từ sáng sớm đến chiều tối. Lúc này gia đình tôi chưa hay tin tôi bị bắt giam ở đây thành thử ra tôi chưa có đươc thăm nuôi do đó tôi luôn luôn đói và rất ốm yếu vì vậy mà mỗi khi bó mía được đặt lên vai tôi là mắt tôi hoa lên, đôi chân run rẫy cơ hồ muốn khụy xuống nhưng tôi phải cố cắn chặt lấy hai hàm răng, gồng người lên để bước đi cho khỏi ngã. Bởi tôi biết nếu mà té ngã thì chỉ có ốm đòn với những thằng công an này thôi. Cứ thế mà chúng tôi làm quần quật, ngày qua ngày cho đến hôm hai mươi bốn tháng mười hai năm đó.

blank
Thiệp giáng sinh của người đưa thư.

Sáng hôm ấy chúng tôi đi giữa rừng người tấp nập lên xuống. Nhìn người ta hối hả, chạy đua với thời gian để chuẩn bị mừng Chúa Hài Đồng ra đời chúng tôi không khỏi bùi ngùi với cảnh tù tội của mình.

Ngày lao động rồi cũng xong, trên đường về vào buổi chiều trong ánh hoàng hôn nhá nhem nọ, anh Vũ Xuân Phượng; xạ thủ M79, em ruột của Trung Tá Vũ Xuân Thông, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Biệt Kích 81, đã nhặt được một nhánh tùng rơi trên mặt đường. Anh nói với tôi rằng đêm nay anh sẽ dùng nhánh cây này làm biểu tượng của cây thông để đón Giáng Sinh trong phòng.

Tối đến sau khi tắm rửa ăn uống xong, chúng tôi mua bốn cây nước đá bẹ cũng do cơ sở nước đá của trại sản xuất theo tinh thần “ba lợi ích” để kiếm thêm thu nhập, rồi bỏ chúng vào mấy cái thau đặt chung quanh cái hủ nước dùng thay thế bình bông để đựng nhánh tùng. Trong khi đó, một số anh em khác lo bày biện một ít bánh ngọt, kẹo dừa, khuấy bột đậu xanh với nước lã xong thì cả bọn kéo nhau đến ngồi tụ tập kể chuyện, hát thánh ca mừng Chúa ra đời!


Càng về khuya, không khí càng lắng dần thì nỗi sầu càng tăng thêm trong mỗi người chúng tôi. Một vài kẻ không buồn ca hát hay nói năng gì nữa mà im lặng suy tư, thả hồn về chốn xa xăm riêng hoặc chìm đắm trong khung trời kỷ niệm nào đó. Bất ngờ đúng lúc ấy hai tên quản giáo trại giam xuất hiện ngoài cửa. Ngó vào trong thấy chúng tôi đang ca hát chúng nổi nóng, mở cửa ra, một thằng đứng ngoài canh còn một thằng bước vào trong quát tháo om sòm:

- Vô đây rồi mà còn Chúa với Phật nữa hả?

Lời vừa dứt thì hắn đã giơ chân đá nhánh tùng văng tít vào góc phòng rồi thuận thế hắn đá luôn cả mấy thau đựng nước đá làm nước chảy lênh láng. Mọi người sợ hãi, ngồi dạt vào vách tường im thin thít. Không ai dám hó hé tiếng nào. Sau khi chửi bới một hồi nữa, hắn bước ra đóng sầm cửa lại. Tiếng đóng cửa vang lên chát chúa giữa đêm trường chấm dứt buổi mừng Giáng Sinh năm ấy của chúng tôi trong ngục tù một cách tức tưởi!

*

blank
Người gom rác chế biến.

Đúng một năm sau, tôi cũng lại đón Giáng Sinh ở trại nhưng lần này không phải là trại giam mà là trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp.) Bởi tháng Ba năm 1989 lúc được thả về là tôi lo tìm đường đi tiếp nhưng mãi tới tháng Sáu khi tôi đến được Phi thì trại đã đóng cửa (cut-off date) rồi. Ngày ấy lúc thấy mọi người hối hả ra phố mua sắm, trang hoàng nhà cửa khiến cho không khí trở nên tưng bừng hẳn lên, báo hiệu mùa Giáng Sinh sắp tới thì lòng người cũng bắt đầu rộn ràng reo vang.

Riêng tôi, nhiều hôm ngồi thơ thẩn trên căn gác hiu quạnh đưa mắt nhìn qua cửa sổ trông thiên hạ nô nức lên xuống, quần là áo lượt tất bật đi qua đi lại dưới đường trong niềm vui của tiếng nhạc Giáng Sinh vang lừng khắp trại thì tôi lại buồn cho số phận của kẻ tha hương không có thân nhân ở hải ngoại giúp đỡ của mình. Dù đời tôi đã trải qua lắm gian lao và lòng luôn tự nhủ vững tin để bước qua mọi nghịch cảnh nhưng đôi lúc cũng không khỏi chạnh lòng tủi thân khi thấy các người ở xung quanh thường tổ chức “party” ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, hưởng thụ thú vui tự do trần tục thì tôi lại chỉ mơ ước có được một điếu thuốc với ly cà-phê để đốt cho vơi đi nỗi phiền muộn của đời lưu vong không nhà mà vẫn chẳng kiếm đâu ra.

Rồi đến gần nửa đêm “Lễ Vọng,” hai mươi bốn tháng mười hai năm 1989, trong khi tôi đang nằm trên căn gác đìu hiu nghe “Bài Thánh Ca Buồn” thì có tiếng ồn ào lẫn trong tiếng hát vang vang “Come, they told me… A newborn King to see…shall I pray for you…come, they told me…I have no gift to bring…me and my drum…me and my drum…!” bên dưới.

Tôi leo vội xuống gác và bước ra ngoài cửa. Trước mắt tôi, một ông già Nô En (Santa Claus) đang đứng sừng sững, vai vác một ba lô to lớn đựng đầy quà, bên cạnh ông là một đôi thanh niên nam nữ tay cầm cái Tambourine lắc lắc và vài em nhỏ thì đeo trống trước ngực vừa đánh vừa hát vang bản nhạc Noel kinh điển “Little Drummer Boy.” Tất cả đểu mặc áo đỏ, đầu đội nón đỏ, sau họ là một đám con nít Việt Nam trong trại đi theo vì tò mò hiếu kỳ!

Trong không khí vui nhộn đó, họ lên tiếng chào và giới thiệu rằng họ là người Phi trong ca đoàn của một nhà thờ công giáo ngoài phố. Đêm nay họ mang theo yêu thương của Chúa giáng trần đến trại thăm chúng tôi nhằm chia sẻ nỗi nhọc nhằn và đồng hành cùng chúng tôi trên con đường tị nạn cuối mùa nhiều gian lao trắc trở hiện tại bởi vì “Jesus is a refugee, too!” Trước khi chia tay sang nhà khác họ không quên chúc Merry Xmas đoạn phát cho tôi một gói quà. Món quà ấy tuy nhỏ nhưng đối với tôi là một món quà Giáng Sinh đặc biệt bởi ý nghĩa vô cùng to lớn thắm đậm tình người trên đường tị nạn tìm tự do.

Ngày nay dù đi đâu nhưng hình ảnh đất nước Phi Luật Tân với 95% dân số là người công giáo vẫn luôn mãi ở trong tôi sau quê hương Việt Nam. Có thể nói số phận của tôi đã gắn liền với mảnh đất tuy nhỏ bé nhưng đã cho tôi tránh nắng trú mưa trong các năm tháng hoạn nạn ấy. Mảnh đất nghèo nàn nhưng đầy tình nhân bản với người dân thật thà hiếu khách nằm bên kia bờ Thái Bình Dương giờ đây khiến tôi luôn quan tâm, lo lắng nhớ về như quê Mẹ thứ hai cũng như nhớ mãi món quà Giáng Sinh đặc biệt năm nào!

Thank you for your special Xmas gift!
Merry Xmas and Happy New Year!

Ohio, 25 tháng 12 năm 2016

Triều Phong (TPN)

Ý kiến bạn đọc
29/12/201611:41:47
Khách
Chị Annie,
Triều Phong vẫn nhớ chị mãi đó nghe vì hôm đó hai chị em mình ngồi gần nhau mà.
Happy Holidays chị và gia đình!
TP
29/12/201603:43:27
Khách
Triều Phong, em khỏe và viết đều há?
Chị Annie nè. Nhớ hôm chị em mình lãnh giải thưởng hôn?
Chúc TP mùa Giáng sinh vui với nhiều kỷ niệm xa xưa.
28/12/201612:59:08
Khách
Kính nhờ Ban Biên Tập chỉnh lại dùm lỗi chính tả trong phần dẫn nhập một chút. Chữ womans Christmas gifts phải viết đúng là "woman's Christmas gifts."
Cám ơn BBT nhiều.
Triều Phong (TPN)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp viết văn bằng tiếng Việt và với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", ông đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông phổ biến ngày 18 -12-2012, kể chuyện tình giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt ở Biên Hòa năm 1973. Trở về Mỹ, ông bà an cư ở Ohio, có 7 người con, tất cả đều đã trưởng thành.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông, chuyện mùa xuân và chuyện mùa hè.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên Âu (EU) để hoàn thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ở Argosy, San Diego, và là một Phó Giám Đôc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, làm việc tại Á Châu.
Tác giả đã có bài viết về nước Mỹ đầu tiên phổ biến từ 2016. Năm nay, khi quyết định tiếp tục viết ông chọn bút hiệu mới cho bài kề về lễ tốt ngiệp kỹ sjư ngành computer của người cháu torng gia đình. Bài đăng 2 kỳ. Mong Mr. Hi tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thụy, 49 tuổi, theo ba mẹ đi H.O.8., tốt nghiệp Computer Enginee-ring. Sau 6 năm làm thuê, đã thành lập và điều hành công ty Newteck - PCB Inc tại City Tustin. Bài viết đầu tiên của ông mang tên “35 Năm, Một Ước Mong” kêu gọi thủ đô tị nạn của người Việt hải ngoại cần có một đền thờ 5 vị tướng anh hùng tử tiết của miền Nam Tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác Giả Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa Saigon nhưng dang dỡ. Có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc. Hiện đã nghĩ hưu, nhưng vẫn làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên báo địa phương. Hiện cư ngụ tại thành phố Sacramento, Cali. Đây là bài đầu tiên tham dự VVNM.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến