Hôm nay,  

Tạ Ơn Những Bài Học Hội Nhập

26/11/201600:00:00(Xem: 20262)

Tác giả: Phương Hoa
Bài số 4978-18-30678-v7112616

Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif.

* * *

Cuộc sống trên đất Mỹ làm người ta luôn bận rộn. Chuyện con cái viếng thăm cha mẹ thường xuyên là điều không dễ dàng. Lễ Tạ Ơn năm nay mấy đứa con hứa sẽ đưa lũ nhóc tì của tụi nó về chung vui cùng ông bà nội làm chúng tôi mừng hết biết. Sáng nay tôi đi chợ mua con gà tây hai chục pound về để thứ Năm nướng cho cả nhà ăn lễ. Cũng đã mấy năm vì quá bận rộn, trong những ngày Lễ Tạ Ơn tôi không nướng gà tây như trước, mà chỉ làm những món truyền thống Việt Nam. Tôi đã quên đi nhiều chi tiết về cách nướng con gà to tướng này. Đem gà về tôi phải đi lục lại cách làm để “cân đo đong đếm” cho chính xác.

Trong quyển sổ ghi số điện thoại bạn bè và những thông tin linh tinh, tôi tìm ra tờ giấy viết tay của bà Pat hàng xóm cũ mà tôi đã bấm dính vào trang cuối cách đây hai mươi mấy năm.

Nhìn những dòng chữ nghiêng nghiêng trên tờ giấy vở đã ngã màu vàng ố, tôi nghe lòng xúc động vô biên. Bút tích còn đây mà người xưa giờ không biết còn mất ra sao. Bà Mỹ này là người thầy đầu tiên trên quê hương mới, đã dạy tôi nhiều bài học quý giá. Vậy mà mãi đến nay tôi mới nhớ về bà. Trước ngày Lễ Tạ Ơn, những kỷ niệm cũ với các ân nhân, những bài học hội nhập mà tôi đã từng trải qua bỗng ào ạt hiện về.

Bà hàng xóm đầu tiên của chúng tôi tên Pat, viết rút gọn của chữ Patricia. Khi mới qua Mỹ, chúng tôi thuê căn duplex ba phòng cho hai vợ chồng và ba thằng nhóc. Bên kia hàng rào chung với phía chúng tôi là nhà riêng của vợ chồng bà Pat hiền lành ấy. Bà làm việc ở ngân hàng, còn chồng bà là giám đốc một cơ sở tư nhân sản xuất chai đựng rượu. Nhà bà có trồng dây su su bò lên hàng rào, trái sai líu đíu thòng qua cả bên phía nhà tôi nhưng bà không biết ăn. Nghe tôi trầm trồ, bà nói nếu cô thích cứ hái nấu ăn thoải mái. Và từ đó những bữa ăn trong nhà tôi, hết món canh su nấu tôm khô thì đến mực xào su tôm thịt, rồi su xắt lát mỏng cuộn thịt bằm với hành tiêu, cột bằng cọng hành lá đem hấp hoặc chiên vàng. Có khi tôi còn “lấy của làng làm ơn cho xã” hái tặng bạn bè khi họ đến chơi.

Bài học đầu tiên bà Pat dạy mà tôi nhớ mãi đến giờ là cách núp động đất. Lần đó tôi ngồi trên ghế salon coi TV, đang ráng nhướng mắt đánh vần chữ được chữ mất để học những câu phụ đề tiếng Anh trong một đoạn phim. Thình lình vách phòng khách nhà tôi, phía gần hàng rào nhà bà Pat, rung lên rầm rầm. Chén đĩa lọ hoa, tranh ảnh chưng trên kệ tủ ngã nhào lổn ngổn xuống đất. Vì từ Việt Nam mới qua chả biết động đất là cái gì, tôi “điếc không sợ súng” nghĩ là ai bên phía nhà bà Pat đang lái chiếc xe truck chạy quá sát vách nhà tôi nên đã đụng vào làm rung rinh và ngã đổ đồ đạt. Tôi đứng dậy tỉnh bơ lại bên cửa sổ nhìn qua nhà bà xem thử. Không thấy có ai ở đó hết. May mà động đất nhỏ.

Lát sau bà Pat từ nên kia hàng rào gọi tôi ra, nói phía bên kia thành phố vừa mới xảy ra động đất 5.9 độ, và hỏi tôi khi nãy có tìm chỗ núp xuống hay không. Tôi nghe bà nói mới biết vừa động đất nên sợ hết hồn. Bà còn cho biết, sau mỗi lần động đất thế nào cũng sẽ có một vài cơn dư chấn tiếp theo nên hãy cẩn thận, chuẩn bị núp kỹ nếu có lần sau. Và bà dạy tôi cách tìm chỗ núp. Theo bà Pat, chỉ cần nhớ ba điều căn bản như “một câu kinh” thì sẽ giúp được an toàn khi động đất xảy ra:

– “Nằm xuống, che đầu, và giữ chặt” (Drop, cover, and hold). Khi có động đất, nằm xuống tại chỗ ngay lập tức và che đầu lại, rồi bò tới nằm cạnh một “góc tam giác cứu mạng” nào trong nhà, như bên cạnh sofa, giường nệm, hay bàn tủ gỗ thấp và vững chắc. Tìm mền gối hoặc vật mềm che đầu lại và giữ chặt lấy chân giường, chân bàn để khỏi bị di chuyển đi chỗ khác. Sau này ở trường tôi cũng học được những điều như thế, nhưng bài học đầu tiên của bà Pat tôi đã khắc ghi trong tim. Theo nhiều nhà nghiên cứu, những góc tam giác này sẽ là nơi an toàn nhất. Họ đã khám phá ra, khi động đất tường nhà sập xuống sẽ tựa lên những đồ vật trong nhà, nên những vị trí này luôn luôn có khoảng trống tam giác đủ an toàn cho người ta ẩn núp, chờ được cứu ra.

Đặc biệt, tôi còn học được cách nướng gà tây rất độc đáo của bà Pat mà kết quả ngon vô cùng. Thường thì người Việt ít thích ăn thịt gà tây vì hơi khô khan. Nhưng tôi nướng theo cách này là con gà dù lớn cở nào cũng được cả nhà chén sạch. Đó là một cách nướng gia truyền từ bà ngoại của bà Pat.

Vì kết quả ngon lành như thế nên tôi luôn làm đúng theo chỉ dẫn bà Pat ghi cho. Cách làm rất đơn giản:

“Gà rửa sạch rồi ngâm trong nước với muối, đường, và rượu, để vô tủ lạnh cho thấm qua một đêm thịt sẽ rất đậm đà. Tim và mề gà (bỏ gan cho khỏi tanh) xắt sợi, xào với hành tiêu cho thơm, đem ra trộn chung gói hổn hợp kèm theo gà, cho thêm bánh mì sấy, thịt xay, trứng và hành hương. Dùng lá thơm “Rosemary” tươi lót trong bụng gà trước khi nhồi nhét số nhân đó vào. Đặt gà vô khay nướng, bụng lên trên, và sắp dày kín, che phủ hết con gà bằng những lát mỏng thịt ba chỉ muối (mua ở chợ Mỹ). Rải thêm lá Rosemary trong khay xung quanh con gà để cho nước thơm thấmvào thịt, và đặt vô lò nướng”.

Gà nướng xong thơm lừng lựng, ngon vô cùng vì nhờ lá thơm rosemary và nước mỡ từ thịt ba chỉ thấm xuyên vào thịt. Gà chín lấy ra, lớp thịt ba chỉ gắp để riêng trong đĩa, nhai giòn rụm rất khoái khẩu mấy anh chàng nhậu. Da con gà tây cũng vàng lườm và giòn. Khi cắt lát ra, miếng thịt gà trông mềm mướt (moisture) chứ không hề bị khô, và ăn vào có vị ngọt thơm rất mặn mòi.

Nhớ đến bà Pat khi chuẩn bị các thứ để nướng con gà tây, tôi lại lan man nhớ về một trong những bài học lái xe mà ông thầy tên Don dạy khi tôi đến Mỹ được bốn tháng. Bài học này cũng đã theo tôi từng năm tháng và từng “cứu mạng” tôi và ông chồng. Trong mấy tháng đầu tiên đến Mỹ, hai thằng con tôi đã được ba và anh tụi nó tập lái xe và đậu bằng lái ngay lần thi đầu tiên. Nhưng vì thấy tôi nhát gan – ở Việt Nam tôi chạy Honda rất yếu, đi đâu xa phải có người chở – nên không ai “xâm mình” tập cho tôi lái. Mỗi lần tôi cần đi đâu xa phải chờ khi có người rảnh mới chở đi. Đến trường người lớn học tiếng Anh và đi chợ mua thức ăn tôi phải đi bộ hàng ngày. Đi bộ riết tôi đâm ra bực, đợi cả nhà đi hết tôi đánh liều gọi đại một trường dạy lái xe địa phương trong quyển PhoneBook.

Tiếng Anh của tôi thật là tệ. Ở Việt Nam tôi đã “tụng đi tụng lại” từng trang trong quyển “Streamline English” dạy những câu tiếng Anh đàm thoại hàng ngày. Nhưng khi nói chuyện với người Mỹ trên phone, họ chả hiểu tôi nói cái chi và tôi cũng chẳng biết họ nói gì. Thầy Don là người trả lời điện thoại và cũng là người nhận dạy tôi. Ông thật kiên nhẫn, không khó chịu vì tôi làm mất thời gian, mà còn chịu khó hỏi đi hỏi lại từng chữ, để cuối cùng biết được địa chỉ nhà tôi và đến chở tôi đi tập lái.

Thầy Don dễ mà khó. Mỗi lần tôi mắc lỗi, ông bắt tấp vào lề và “giũa te tua” một chặp, đến chừng nào tôi trả lời được tôi hiểu vì sao sai thì ông mới cho chạy tiếp. Bài học khó nhớ nhất và tôi bị thầy la lâu nhất là bài “Quẹo phải khi đèn đỏ”. Theo luật của Cali, tài xế được phép quẹo phải khi đèn đỏ nếu không có bảng “Cấm quẹo phải đèn đỏ” và sau khi thực hành đủ các bước cần thiết, để giữ an toàn cho khách bộ hành và cho chính bản thân. Các bước đó gồm có: Chạy lằn đường trong cùng bên phải và bắt đầu mở đèn quẹo phải khi còn cách 100 feet; dừng hẳn lại đàng sau lằn vạch dành cho người đi bộ băng ngang qua đường; nhìn qua bên phải xem chừng người chạy xe đạp và đi bộ; chạy chậm trờ tới góc đường nhìn bên trái quan sát dòng xe từ bên trái qua; khi hết xe, an toàn, quay đầu nhìn lại bên phải lần nữa cho chắc chắn không có khách bộ hành bước xuống đường rồi mới quẹo.


Chỉ có vậy, mà tôi phải khó khăn lắm mới thực hiện đủ hết các bước. Tôi thường bị lỗi là sau khi nhìn bên trái thấy an toàn, hay thấy đèn xanh trước mặt hiện lên, là tôi bẻ vô lăng quẹo cái rẹt, quên đi bước quan trọng cuối cùng là ngoái đầu nhìn lại bên phải lần nữa xem chừng bộ hành. Lần phạm lỗi sau cùng, tôi vừa nhìn bên trái xong, thấy đèn xanh phía tôi đổi là tôi quẹo ngay mà không nhìn lại bên phải. Thầy Don bắt tôi tấp vô lề, giận dữ hét lên thật lớn:

– Nguy hiểm quá! Chị không biết là nếu khi nãy có khách bộ hành, họ thấy đèn xanh sẽ bước xuống đường để băng qua là chị đã đụng họ rồi sao?

Và ông ngồi giảng giải một hơi, bắt tôi lập đi lập lại cho đầy đủ những bước cần thiết khi quẹo đèn đỏ. Cho đến khi tôi thuộc hết, thì cũng đã mất gần hai chục phút cho buổi tập trả tiền một tiếng đồng hồ.

Nhưng bài học này thật là quý giá. Về sau, khi nghe tin đứa con gái một người bạn tôi chạy xe quẹo đèn đỏ và thấy đèn xanh bật lên, nó liền bẻ tay lái quẹo mà không nhìn lại bên phải nên đã đụng một người qua đường đèn xanh, hất tung anh ta lên trên mui xe của nó rồi văng xuống đất. Con bé đã bị cái chết đó ám ảnh cả đời. Tôi nhớ lại buổi học bị thầy Don giũa mà vô cùng biết ơn thầy. Lái xe quẹo đèn đỏ nghe qua tưởng dễ nhưng lại nguy hiểm vô cùng, nếu không thực hành đúng sẽ rất dễ dàng gây tai nạn. Một lần tôi đi bộ với nhà tôi, chờ đèn xanh để băng qua đường. Khi thấy đèn xanh bật lên, tôi bước xuống đường thì một chiếc xe quẹo phải đèn đỏ trờ tới thật nhanh. Cũng là một tay tài xế bất cẩn. Sém chút nữa thôi, nếu nhà tôi không nhanh tay kéo lại kịp, tôi đã không còn ngồi đây mà viết bài. Hắn ta cũng sợ đến xanh mặt, ngồi ôm lấy ngực một lúc mới quẹo đi. Cho đến giờ, mỗi lần nghĩ lại tôi đều hú hồn ớn lạnh.

Từ chuyện lái xe, tôi lại nhớ đến một bài học từ ông thầy dạy tiếng Anh của tôi ở trường Adult. Khi đó tôi mới có bằng lái nên rất khoái chạy xe. Tôi dành thủ chiếc xe của ông xã, để khi ổng đi làm cả ngày ở nhà tôi có mà lái chạy lung tung. Buổi sáng tôi đưa chàng đến sở chiều rước về. Một lần sau khi bỏ ông ấy xuống chỗ làm, trên đường về đến một ngả tư có đèn thì đường bị đóng vì có tai nạn gần đó. Một ông cảnh sát “đầu đen” đang đứng giữa đường, phía đối diện, ra hiệu cho xe cộ quẹo trái thay vì chạy thẳng tới. Có một chiếc truck thật dài choáng chỗ trước mặt nên tôi không thấy những gì đang xảy ra.

Khi chiếc truck qua khỏi, tôi mới thấy mình chạy hơi lố một chút về phía ông cảnh sát. Và ông ta ra dấu ngoắc tay như muốn cho tôi chạy tới cái lane gần ông ta. Là tài xế tay mơ” tôi láo ngáo bò dần tới gần ông cảnh sát và dừng lại trên một phần cái khung “only” của bên ngược chiều. Sau lưng tôi, một anh chàng Mỹ đen cũng bị chiếc truck che nên đã lò dò chạy theo tôi đến gần ông cảnh sát mới dừng lại. Tôi đậu phía thuận đường, còn anh ta vượt qua phía trái tôi và dừng lại song song với tôi, nhưng thuộc về bên lằn vàng của đường ngược chiều. Người cảnh sát bước lại nói chuyện với ông Mỹ đen trước. Tôi nghe tiếng ông ta la hét thật to, khoa tay múa chân, cãi vã om sòm với ông cảnh sát. Được một lúc thì ông nhân viên công lực…đầu hàng, ra dấu cho anh ta quẹo trái chạy đi vì đã đậu cản đường những xe ngược chiều quá lâu.

Người cảnh sát sau đó quay qua tôi và cho tôi cái ticket, với lý do đậu trên lằn vàng của cái “only”, dù tôi cố gắng giải thích với ông ta bằng cái thứ tiếng Anh gãy gọng kèm theo múa máy tay chân, là chính ông đã ra hiệu kêu tôi chạy tới, là tại sao ông người da đen kia đậu bên trái tôi, trọn bên lằn ngược chiều mà ông lại cho ông ấy đi, còn tôi thì cho ticket. – Thật là không công bằng! Tôi nói, nhưng ông ta vẫn chẳng đổi ý.

Tôi uất ức đến phát khóc, biết mình đã bị kỳ thị. Thứ nhất, người cảnh sát là dân châu Á, có lẽ là người gốc Hoa, nên đã cãi không lại hay không dám làm lớn chuyện với tay tài xế người Mỹ đen; thứ hai, vì tôi là “Mỹ vàng”, nói tiếng Anh ngọng nghịu, nên ông ta trả đũa để trút sự bực dọc lên tôi vì ông bị người Mỹ kia la hét. Tôi về nhà kể lại mọi chuyện và ai cũng đồng ý với tôi như thế.

Vẫn còn tức tối, tôi vô trường Adult kể lại cho lớp nghe trong phần thực tập speaking. Thầy Alex và cả lớp nghe xong ai cũng cảm thấy bất công cho tôi. Thầy còn nói đây là một đề tài mà những người mới nhập cư kém tiếng Anh đáng bàn luận. Rồi thầy bày cho tôi và cả lớp một “chiêu”:

– Khi nào giá tiền phạt gửi về, chị nên ra tòa để cãi với họ. Ở tòa án luôn có luật sư miễn phí sẽ giúp chị trình bày vấn đề cho quan tòa nghe.

Theo thầy, tôi còn có một điều lợi là cảnh sát luôn bận rộn, những vụ án nhỏ xíu về giấy phạt giao thông thường không quan trọng. Nếu tôi đến đó mà ông cảnh sát vì bận không có mặt thì tôi cãi vô tội sẽ được trắng án. Còn nếu ông ta đến, tôi một mực kêu oan, nói mình không có tội và nhờ người thông dịch (cũng miễn phí) giải thích với ông tòa mọi chuyện. Tòa sẽ hẹn xử lại lần sau, và vài lần nữa nếu cần, đến khi nào ông ta bận không đến thì tôi sẽ thắng.

Trời ạ! Cái ông cảnh sát gốc Hoa này làm việc rất là chăm chỉ. Tôi cố gắng đến tòa rất sớm, nhưng ông ta còn đến sớm hơn tôi. Tôi ngồi ghi lại bản tường trình để nhờ người thông dịch nói chuyện với quan tòa, anh ta cũng ngồi cặm cụi viết tường thuật dài đến mấy trang giấy! Hôm ấy tôi không nhận tội, và tòa làm hẹn lần sau.

Đến lần thứ hai bước vào tòa án, tôi đã thấy ông ta ngồi thu lu một góc ghi ghi chép chép. Nãn chí, tôi nghĩ chắc hôm nay phải bỏ cuộc cho rồi. Ở trường mấy người bạn học của tôi đã nói tôi bị xui, vì ông ta gốc thiểu số nên muốn làm tốt công việc để được khen thưởng. Nếu là người Mỹ chánh gốc, họ sẽ không thèm quan tâm đến mấy chuyện nhỏ nhặt này đâu.

Hên cho tôi, khi phát ngôn viên tuyên bố mọi người im lặng vì chánh án đang vào, thì cũng là lúc “ông cảnh sát của tôi” rút điện thoại ra và đứng dậy bước tới phía hành lang. Chắc là có công tác gấp cần ông ấy. Cho đến phiên xử chuyện của tôi, ông ta vẫn không trở lại.

Thế là tôi đã thắng… một cách rất ngoạn mục! Hôm sau đến trường tôi hớn hở khoe, và cả lớp đều vỗ tay chúc mừng.

Năm năm sau, khi tôi học thi quốc tịch Mỹ, tôi đã vật vã với việc nhớ tên 13 tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ. Tôi mua cuộn băng thi quốc tịch bỏ trong xe, mỗi ngày chạy đi làm tôi đều mở lên nghe. Ngày nghỉ ở nhà thì tôi lấy vô mở lên nghe, vang cả xóm nếu ai bất ngờ mở cửa vào. Nhưng vẫn không thể nhớ hết. Bà bạn Mỹ ở chỗ làm tên Shara tình cờ nghe được, bà nói:

– Học vẹt như mày làm sao nhớ nổi!

Rồi bà dạy tôi cách học dễ nhớ hơn. Bà đưa tôi danh sách 13 tiểu bang đầu tiên bà đã sắp xếp theo vần. Tên có vần “A” cuối thì bà sắp: Georgia/Virginia/North Carolina/ South Carolina/Pennsylvania… Tên có chữ “N” đầu bà sắp: New York/ New Jersey/ New Hampshire…và từ đó sắp thêm những tên có âm tương tự.

Tôi đã học thuộc một cách dễ dàng. Và tôi đậu quốc tịch ngay trong lần thi đầu tiên. Nhưng sự thật thì ông giám khảo chỉ hỏi tôi tên hai trong số 13 tiểu bang đó.

Còn rất nhiều, nhiều lắm “những bài học vỡ lòng”, nhưng giá trị có thể dùng cả đời, trong thời gian đầu tôi tập tò hội nhập vào nước Mỹ. Nay gần hai mươi lăm năm sau ngồi nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn, diễm phúc biết bao.

Ôn lại những chuyện cũ hồi còn chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ trong mùa Tạ Ơn này, tôi xin gửi trọn tấm lòng đáp tạ ân tình tới tất cả những ân nhân, thầy cô, bạn bè, và hàng xóm cũ mới, những người đã góp phần để tôi và gia đình có được cuộc sống ổn định trên quê hương thứ hai.

Cuối cùng, xin tạ ơn chương trình Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo đã cho tôi cơ hội chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn của kiếp sống tha hương.

Mùa Tạ Ơn 2016

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
13/12/201617:08:55
Khách
Bài này lâu rồi, ít ai quay lại đọc, mà tác giả vẫn cứ bấm sô cho tăng sô người đọc lên hoài...Không nên.
10/12/201607:56:26
Khách
Cô ơi! Chỉ là một số điện thoại với một vài kí ức mà cô đã viết một bài ngon lành. Đúng là cô đang giữ "hai bồ chữ" :) Hên là con đã đọc bài này để biết cô có bí kíp nấu gà tây. Cảm ơn cô đã chia sẻ.

Con cũng có chung cảm nghĩ như cô là mình phải biết ơn những ân nhân đã giúp đỡ mình trong những thời gian khó khăn ban đầu khi đến quê hương thứ hai này. Không phải người Mỹ nào cũng chào đón và tận tình giúp đỡ mình. Còn tệ hơn nữa là mình bị kì thị và bị ăn hiếp.

Con cũng là một trong những người may mắn có một người bạn già người Mỹ tên Andrea, một người cảnh sát, sau đó làm việc tại toà án và đã về hưu. Bà nhỏ nhắn, trông dễ thương và tốt bụng như cô vậy. Con gái bà là nhà viết kịch nổi tiếng o New York với vở "Mr. Burns, A Post - Electric Play" đó cô. Con có cơ hội được biết bà và được bà tutor tiếng Anh miễn phí 2 tiếng một tuần ngày con mới qua Mỹ. Con đã đọc cuốn Pride and Prejudice với bà từng trang một. Bà giúp con hiểu những điểm ngữ pháp trong đó cùng với câu nói nổi tiếng và cách người ta trêu nhau trong tiếng Anh thời 1800s. Nhớ lại ngày đó, con có cơ duyên gặp bà 2 lần khác nhau một cách tình cờ. Lần đầu tiên tại trường English Center, con thấy bà già nhìn quanh quất tìm phòng. Thấy ba tội, con chẳng những chỉ đường tới phòng mà còn dẫn tới tận nơi. Bà cảm ơn. Thật không ngờ con gặp bà lần thứ hai tại Alameda Adult School khi bà là dự giảng trong một lớp con học. Con đã nhận ra bà và tới say Hi. Thế là một cuộc nói chuyện thật vui vẻ với vốn tiếng Anh lọng cọng đã diễn ra. Tới cuối buổi học bà gọi con lại và đưa con danh thiếp của bà với phone number và email cùng với lời offer làm tutor cho con. Tạ ơn Trời đã cho con gặp quý nhân. Bài học "Give and Take" với con luôn luôn đúng. Nó được chứng minh cùng với trải nghiệm của bản thân. Mình giúp người và người giúp mình. Con mong muốn nhiều người thực hiện. Con vẫn liên lạc và gặp bà mỗi năm một đến hai lần. Trước mùa lễ tạ ơn vài ngày con có gửi email hỏi thăm sức khoẻ và chúc mừng ngày lễ Ta On bà ấy. Biết bà khỏe con cũng mừng.

Con cảm ơn cô vì những bài văn mộc mạc mà mang nhiều tình cảm. Mặc dù lễ Tạ Ơn đã qua, nhưng cô là một trong những người con cũng như những người yêu tiếng Việt phải nhớ đến mỗi dịp ngày lễ đến. Mong cô mãi khỏe và viết nhiều bài hay cho thế hệ Việt sau này trên quê hương thứ hai, Hoa Kỳ.
29/11/201602:06:23
Khách
Đây là những bài học rất hay và bổ ích.Mang ý nghĩa cho người đọc.Cảm ơn tác giả <3
28/11/201621:27:04
Khách
Xin cám ơn bạn đọc Trần Vinh đã đọc bài và gửi những lời comment làm ấm lòng tác giả. Sẽ cố gắng viết thêm để chia sẻ.

Cám ơn anh Sao Nam đã đọc bài. Vậy là anh vừa mới bị ticket? Xin chia sẻ với anh nỗi ... ấm ách này.
Chúc anh Sao Nam và bạn Trần Vinh được nhiều may mắn và hãy gắng giữ gìn sức khỏe.
Thân mến,
Phương Hoa
27/11/201605:48:02
Khách
Người đến được đất Mỹ trước viết lại những kinh nghiệm đã trải qua trong đời sống hàng ngày truyền lại cho những người tới sau, để cho cộng đồng chúng ta đồng tiến. Thật là đáng quý.
27/11/201601:47:10
Khách
Một bài viết hay trong số những bài viết hay.
26/11/201619:02:36
Khách
Chuyện chị kể rất hay. Nếu chị cho đăng bài này hồi đầu năm thì tôi sẽ theo và sẽ không bị phạt.Mến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,254,386
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến