Hôm nay,  

Từ Độ Mang Ơn

20/11/201600:00:00(Xem: 17360)

Tác giả: Lê Nguyễn Hằng
Bài số 4973-18-30673-vb8112016

Tháng 11 là mùa Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Mùa Lễ Tạ Ơn 2014, bà có bài “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời,” viết về người bảo trợ. Lễ Tạ Ơn năm nay, Lê Nguyễn Hằng có bài viết tiếp theo, tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook kỳ thú. Bạn đọc Vietbao online, chỉ cần click chuột vào tên tác giả dưới tựa đề, sẽ tìm thấy bài viết của tác giả hai năm trước.

* * *

Viết cho Carol và John.

Dường như mới ăn Tết đâu đây, mà quanh đi quẩn lại sắp đến Thanksgiving rồi. Chợt nghĩ đến Carol và John Steele, hai vợ chồng người bảo trợ đầy ơn nghĩa, đã bảo lãnh gia đình tôi từ trại tỵ nạn Fort Chaffee ở tiểu bang Arkansas ra chung sống với họ ở Virgnia và tận tình giúp đỡ gia đình tôi thật chu đáo trong những ngày đầu bỡ ngỡ nơi đất lạ, tiếp tục yêu thương chúng tôi cho tới ngày nay. Ân tình này chúng tôi luôn khắc ghi trong lòng và họ đã trở thành một phần quan trọng của gia đình chúng tôi.

Hầu như năm nào hai vợ chồng John và Carol cũng từ Oregon xuống San Jose thăm chúng tôi, thế mà đã mười năm rồi chúng tôi chưa đi gặp đáp lễ, thật không phải chút nào! Nghĩ thế, tôi quyết định và lập tức đặt vé máy bay cho chuyến viếng thăm muộn màng này.

Rồi tôi đi mua những vật liệu để làm vài món ăn mà Carol và John thích để mang theo. Sau khi làm xong 200 cái chả giò và nấu một nồi nước phở to tướng, tôi bỏ tất cả vào ngăn đá cho đông lạnh để hôm đi gửi theo hành lý vì họ không cho xách theo chất lỏng lên máy bay.

Đêm hôm đó, tôi trằn trọc khó ngủ chắc vì cả hai ngày bận rộn nấu nướng chuẩn bị cho chuyến đi. Tôi nằm nghĩ miên man, nhớ đến những biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời.

...

Một ngày mùa thu năm 1954, bố mẹ và 7 anh em chúng tôi lên chiếc máy bay Dakota của Pháp ở phi trường Gia Lâm, rời xa Hà Nội và bà con nội ngoại để vào Nam. Tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu hình ảnh đau buồn của bố mẹ tôi khi phải dứt áo ra đi bỏ lại căn nhà mà gia đình tôi đã ở chung với các dì và những người anh chị em họ cả mấy chục năm. Cuối cùng thì bố đã được chính phủ chỉ định đến làm việc tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bố tôi là công chức phục vụ tai Ty Ngân Khố trong tỉnh, anh em chúng tôi đều được ăn học, tuy không sung túc nhưng cũng no đủ.

Năm 21 tuổi, tôi lập gia đình với người tôi yêu thương. Anh cũng là công chức. Sau khi có đứa con đầu tiên, chồng tôi được cơ quan cho phép vào Saigon theo lớp cao học. Dịp Tết năm 1968, tôi đem con theo chồng về Đà Nẵng thăm bên nội, cuộc tấn công Tết Mậu Thân của VC đã làm gia đình ba người của tôi phải ở ba nơi, chồng tôi về Saigon đi học lại, tôi về Tuy Hòa tiếp tục làm việc và đứa con gái duy nhất mới một tuổi thì gửi lại ở Đà Nẵng cho bà chị chồng nuôi hộ vì thời điểm đó Tuy Hòa không được an ninh lắm. Sáu tháng sau, sở làm cho phép tôi thuyên chuyển vào Saigon, gia đình tôi xum họp và sống ở trong Nam cho đến ngày mất nước.

Biến cố 30 tháng Tư năm 1975, gia đình nhỏ bé của tôi lại bỏ Saigon trốn chạy Cộng Sản giống như bố mẹ tôi 21 năm trước nhưng lần này tôi đi xa thật xa, đến tận nước Mỹ.

Ngày thứ sáu, 13 tháng 6 năm 1975, Carol và John đón 7 người gồm hai vợ chồng tôi, 3 đứa con nhỏ và 2 đứa em của tôi đến ở với họ tại thành phố McLean, tiểu bang Virginia. Hai người thay phiên nhau vất vả dẫn cả gia đình chúng tôi đi làm tất cả mọi thủ tục để hội nhập vào nước Mỹ như đi xin thẻ an sinh xã hội, khám sức khỏe, đi xin học và còn phải chỉ dẫn tường tận cách đi xe buýt, tập lái xe hơi, sử dụng những đồ dùng trong nhà… Mỗi tối, John dạy ba đứa nhỏ học, còn Carol lo thực tập tiếng Mỹ cho bốn người lớn.

John và Carol bảo chúng tôi cứ ở đây với họ, để dành tiền mua một mái nhà nho nhỏ. Họ đã chuẩn bị lo cho chúng tôi ít nhất một năm dù có phải mượn nợ trong căn nhà chúng tôi đang ở. Tuy vậy, sống chung với Carol và John được gần 4 tháng, chúng tôi nhờ hai người đứng tên thuê một appartment cho gia đình tôi ra ở riêng vì hai vợ chồng tôi đều đã có việc làm.

Rồi John và Carol lại nhận nhiệm sở mới ở ngoại quốc và di chuyển đến nhiều quốc gia như Kenya, Jordan, Swaziland và El Salvador.

Chúng tôi ở Virginia được ba năm thì quyết định dời qua thành phố San Jose, tiểu bang California, nơi có khí hậu ấm áp và các hãng điện tử đang nở rộ như mưa trổ nấm. Nơi đây vợ chồng tôi được việc làm tốt và con cái ăn học ngoan ngoãn.

Sau bao năm mất liên lạc với Carol và John vì cả hai gia đình đều lo chuyện cơm áo, chúng tôi đã tìm lại được với nhau và từ đó càng ngày càng thêm thân thiết.

Suy nghĩ lan man, tôi phải dậy uống một ly sữa nóng và cố dỗ giấc ngủ.

Sáng hôm sau, trước khi đi, tôi đóng gói tất cả thức ăn vào một cái va li. Từ San Jose chỉ bay một tiếng rưỡi đến phi trường Portland, Oregon, nhưng rồi chúng tôi phải lái xe thêm hơn 2 tiếng đồng hồ nữa mới tới được thị trấn Manzanita. Sau bao năm làm việc ở nhiều nơi xa xôi trên thế giới, vợ chồng John và Carol đã chọn thị trấn hiền hòa, êm ả nhỏ xíu này với dân số khoảng 600 người để dưỡng già.

Khi chúng tôi bước chân vào cửa, Carol vui mừng la lên: “Seven of you? Its 1975 all over again”. (Lại cũng bẩy người hả? Sao y hệt như năm 1975 thế này!)

Thật vậy, tháng Sáu năm 1975, gia đình tôi bốn người lớn và ba đứa con nít, từ trại tị nạn được đón đến tá túc tại nhà của vợ chồng họ. Bây giờ, bốn mươi mốt năm sau cũng bẩy người, chỉ khác là 3 đứa nhỏ ngày xưa là con, bây giờ là ba đứa cháu ngoại, thật là một sự trùng hợp hi hữu!

Tối hôm đầu tiên, John nấu thức ăn Mỹ, thịt sườn ăn với măng tây, ớt màu, khoai tây, tất cả đều nướng, mọi người ăn uống ngon lành, trò chuyện rôm rả.

Căn nhà của vợ chồng Steeles ở trên một mảnh đất rất cao trên núi Neahkahnie cách mặt nước biển khoảng 500 feet. Khi xây nhà, họ đã vẽ kiểu để từ phòng khách, phòng ngủ, phòng đọc sách, phòng gia đình, nhà bếp đều nhìn thấy biển, nên sáng hôm sau tôi dậy sớm hơn thường lệ để đứng trong phòng khách ngắm bình minh.

Nhìn mặt trời lấp ló sau rặng núi trồi dần ra ở phía đông, thỉnh thoảng vài tia nắng sớm xuyên qua mấy đám mây đang lơ lửng trôi làm sáng lấp lánh những cụm mây thật huyền ảo đầy màu sắc. Xa xa những làn sóng nhẹ tạt vào bờ. Bãi biển cát trắng không một bóng người vì còn quá lạnh. Sophie, đứa cháu gái 14 tuổi đã đứng bên cạnh tôi từ lúc nào, cô bé nhìn ngoại cảnh như bị thôi miên và thốt lên: “Bà ngoại, this is so spectacular! I love it, love it here!”

Sau khi ăn sáng, chúng tôi đến thăm xưởng làm phó mát Tillamook Cheese Factory. Nhờ khí hậu ôn hòa, ẩm ướt của những ngày mưa liên tục, cộng với nguồn nước từ 5 dòng sông và phụ lưu đổ vào vịnh Tillamook, một trong 5 vịnh nhỏ ở vùng Manzanita bên bờ biển Thái Bình Dương là nguồn thiên nhiên hoàn hảo khiến cây cối ở đây luôn tươi tốt. Cỏ lá rợp xanh thích hợp để nuôi bò lấy sữa cung cấp cho sản xuất phó mát.

Năm 1894, Peter MacIntosh, nhà sản xuất cheese nổi tiếng đã đem truyền bá nghệ thuật tinh thông về làm cheddar cheese đến cho dân địa phương của thành phố Tillamook. Bây giờ cả 120 năm sau, xưởng Tillamook vẫn dùng công thức làm cheese từ ngày đó. Đến năm 1947, xưởng này sản xuất những hũ kem (ice cream) đầu tiên. Chúng tôi đi xem từng công đoạn làm phó mát, nếm mấy chục loại cheese và kem rồi ăn trưa ở tiệm ăn ngay trong khuôn viên của xưởng, mãi đến chiều mới rời nơi đây.

Bữa tối, tôi trổ tài nội trợ với món phở. Không những tôi đem theo bánh phở, mọi thứ rau như hành lá, ngò, húng quế, giá, chanh mà còn cả thịt bò tái, chín, gân sách...lẫn tương đen và tương ớt sriracha nữa, bởi vì ở một thị trấn có 600 người dân, phần lớn là người da trắng đến đây nghỉ hưu cho yên tĩnh thì đào đâu ra những thứ thịt đặc biệt và những loại rau cho món phở.

Đang hâm nồi nước dùng đã nghe John xuýt xoa:

- Mùi phở thơm nức mũi. Tôi cam đoan là Hằng nấu với xương đuôi bò, phải không?

Tôi gật đầu:

- Sao mà biết rành thế! Tôi chịu thua luôn.

Trong khi đó, Thụy Hằng con gái tôi sắp rau, giá và hành tím dầm dấm lên bàn rồi trụng bánh phở bỏ vào tô. Carol phụ xếp những lát gân, sách, thịt bò chín và tái trên mặt bánh phở. Khi nước dùng đã sôi, tôi múc vào tô rồi rải lên một ít hành ngò và vài củ hành lá trần.

Ngồi vào bàn, John và Carol vừa ngắt mấy lá húng quế bỏ vào tô vừa hít hà:

- Thế này thì chắc chắn ăn đứt cả spaghetti của Ý rồi! Một tô phở thơm lừng nóng hổi ăn trong một buổi tối lành lạnh như thế này thì đúng là một món ăn của Trời.

Cả nhà Mỹ Việt ngồi thưởng thức món ăn tiêu biểu của Việt Nam mà trong lòng chan hòa hạnh phúc. John bưng tô lên húp sạch nước rồi đòi ăn tô thứ hai khiến tôi thật hài lòng, bõ công mình nấu cực khổ và khuân lên tận trên núi này.

John còn bảo rằng:

- Mặc kệ ai nói ăn phở Bắc đúng cách chỉ có hành ngò thôi. Tôi vẫn cứ cho tương đen và ớt sriracha vào, nó đậm đà, cay cay làm cho vị phở thêm nồng nàn.

Sáng hôm sau các con và cháu tôi theo John đi câu, tôi ở nhà trò chuyện với Carol. Lúc sau, Carol lấy ra một chai nước mắm 3 con cua, cô bảo rằng:

- Biết Hằng lên đây chơi thế nào cũng đem theo chả giò nên tụi tôi đã lái xe đi Portland mua chai nước mắm này.

Thế là Carol nấu nước lã với đường rồi nhanh nhẹn lột vỏ chanh, băm tỏi, ớt, rồi đong nước mắm và dấm đổ vào nước đường vừa nấu, rồi cho chanh, tỏi và ớt băm vào. Tôi nếm thử và gật gù khen ngon. Carol nói một câu chắc nịch: “Tôi làm đúng công thức Hằng cho đấy, không bao giờ phải thử cả.”

*

Tháng 11, mặt trời đi ngủ sớm, mới chưa tới 5 giờ đã thấy chiều tà. Tôi muốn được ngắm hoàng hôn trên bãi biển. Ở trong phòng gia đình từ trên cao nhìn xuống tôi thấy bầu trời xám ngả thành màu hồng rổi đỏ au ngay chỗ ráp ranh với mặt nước biển, nơi mặt trời từ từ lặn xuống trốn gần một nửa dưới sâu. Mặt biển mênh mông huyền ảo, một vài con sóng bạc nhè nhẹ vỗ vào bờ, tôi lắng nghe tiếng sóng nhưng cũng chỉ tưởng tượng thấy tiếng rì rào nho nhỏ. Hàng cây trước cửa sổ bắt đầu trở thành những bóng đen thẫm nhô cao như muốn chọc thủng bầu trời. Ngắm thế giới bao la tuyệt mỹ bên ngoài qua khung cửa sổ rộng bỗng thấy mình nhỏ bé làm sao! Tiếc là Sophie đi câu chưa về để nhìn cảnh đẹp tuyệt vời này. Chỉ sợ nó thấy bức tranh sơn thủy thiên nhiên tuyệt tác như vầy thì sẽ đòi ở lại luôn.

Tiếng ồn ào như cái chợ vỡ của nhóm đi câu về lôi tôi ra khỏi trạng thái mơ mộng. Các cháu tôi đưa ra khoe những vỏ ốc, vỏ sò lượm được ngoài bãi biển. Tôi được biết là họ chỉ bắt được mấy con cua an ủi vì không câu được con cá hồi nào. Nhớ lại trong chuyến gia đình tôi ghé nơi này mười năm trước dây, cậu con rể lớn đã câu được hai con cá hồi thật to, nó liền gửi hình về sở khoe với bạn.

Chiều hôm đó chúng tôi ăn cua tươi hấp thật là ngon ngọt. Món tiếp theo là chả giò, vừa cắn miếng đầu tiên John đã bảo:

- Bà có làm gì khác không mà chả giò lần này dòn, xốp và ngon hơn những lần trước vậy?

Tôi đáp:

- Trời đất ơi sao mà sành ăn thế! Trước kia tôi vẫn dùng bánh tráng của Thái Lan hoặc Phi Luật Tân, lần này tôi mua được bánh tráng làm tại Mỹ, có cờ Hoa Kỳ đàng hoàng đó nghe.

Nhìn Carol vói tới đĩa butter lettuce giống như rau xà lách Đà Lạt của mình, lá tròn, cong vòng và mềm vì cuống lá không cứng như những rau khác, lấy một lá rau, cuốn với vài cọng ngò, mấy lá rau thơm và cái chả giò nằm chính giữa, bàn tay thành thạo điệu nghệ này đã cuốn không biết bao nhiêu cái chả giò tôi làm cho họ.

Carol bảo:

- Không cần biết Hằng đem lên cung cấp bao nhiêu cái chả giò, John giới hạn mỗi lần, mỗi đứa tôi chỉ được thưởng thức 5 cái thôi, xin xỏ hay năn nỉ gì cũng bị bác cả, không phải là sợ cholesterol mà chỉ sợ hết không còn chả giò thôi.

Như vậy họ sẽ ăn lai rai trong năm cho đến lần tiếp tế mới. Sau bữa ăn tối, mọi người quây quần nói chuyện, hết chuyện xưa rồi đến chuyện nay.

Carol kể rằng, cô làm tự nguyện cho thư viện địa phương. Với vai trò một President, Carol rất bận rộn với những kế hoạch phát triển, điều hành, tổ chức những buổi sinh hoạt cộng đồng để dân chúng biết về những hoạt động và lợi ích thư viện có thể cống hiến khiến họ thích đến thư viện. Ngoài ra Carol còn tích cực với hoạt động xã hội như nhà thờ, book club, community club...Cô vẫn thường nói những công việc đòi hỏi sự chú tâm và suy tính này đã giúp cô duy trì trí nhớ tốt và giữ cho đầu óc mình minh mẫn.

John không chỉ là một người giàu lòng bác ái mà còn rất can đảm. Từ khi về hưu năm 1997, John đã tình nguyện làm lính chữa lửa cho một trạm cứu hỏa ở một thành phố nhỏ của giải duyên hải Oregon. Sáu dặm chiều dài đã phân chia ba thị trấn nhỏ và mỗi thị trấn có một trạm cứu hỏa riêng. John thấy rõ ràng như vậy là hoạt động không hữu hiệu và tốn kém. Cuối cùng đến năm 2008, John cùng với một một số dân trong thành phố khởi động một chiến dịch để sát nhập ba trạm cứu hỏa làm thành một quận cứu hỏa. Quận sẽ dưới quyền điều khiển của một trưởng ban toàn thời gian (có ăn lương) và hai phụ tá để huấn luyện và giám sát những tự nguyện viên. John đã phải hoạch định phương sách và vận động ráo riết lấy được sự ủng hộ của dân địa phương để hoàn thành những việc này, vì không ai muốn phải đóng thêm thuế, hơn nữa một số người không muốn bỏ trạm cứu hỏa của họ.

Cuối cùng cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm 2008 đã được chấp thuận và họ bầu John làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Trong lúc kể chuyện, tôi thấy rõ sự hãnh diện ngời lên trong mắt John vì bây giờ quận chữa lửa của John được xem là một trong những cơ quan đứng đầu quốc gia về tổ chức, huấn luyện và trang bị.

Những hành động cương quyết tranh đấu mang lại lợi ích cho dân chúng của John và những bạn đồng sự đã khiến tôi cảm phục. Thêm nữa, John cho biết rằng nhiệm vụ của fire fighters không còn chỉ là chữa lửa như 40 năm trước đây. Ngày nay, họ còn giải cứu những người bị tai nạn dưới nước trên suốt bẩy dặm bãi biển, hay bị rơi xuống từ những triền dốc cao xuống vực thẳm, cả những người bị tai nạn xe cộ đã trở thành một phần lớn trong công việc cứu người của họ. Hơn nữa, việc đáp ứng nhu cầu y tế khẩn cấp (medical emergency) đã tăng lên rất nhiều khiến họ mặc dù là tình nguyện viên, vẫn phải hiện diện lập tức bất cứ giờ nào trong ngày, suốt năm khi được gọi đến.

John và những cộng sự viên đã vào sinh ra tử, có khi 1, 2 giờ đêm bị gọi và làm việc cho đến sáng. Nhiều người chỉ kịp về nhà thay quần áo và đi làm công việc kiếm ăn thường nhật của mình. Họ làm lính chữa lửa vào ra trong hiểm nguy đến tính mạng, không lãnh một đồng lương nhưng sự biết ơn chân thành và ưu ái của các nạn nhân đã mang lại hạnh phúc và hãnh diện cho họ không thể mua được bằng tiền.

Khi John kể chuyện anh làm lính chữa lửa tự nguyện, tôi nghĩ ngay đến sự dũng cảm của những người lính chữa lửa trong ngày đau thương của đất nước 11 tháng 9 năm 2001, trong đó có Welles Crowther, 24 tuổi, người lính chữa lửa tự nguyện, đeo băng đỏ đã trải qua những giây phút đen tối nhất của lịch sử Hoa Kỳ, cứu mạng sống của những người hoàn toàn xa lạ.

Welles đang là một nhân viên sáng giá và thành công của hãng Sandler ONeil and Partners, làm việc trên tầng lầu thứ 104 của tòa nhà World Trade Center. Trước đây, Welles đã từng là một lính chữa lửa tình nguyện ở tại thành phố anh cư ngụ Nyack, New York, nên anh là một người có khả năng và kinh nghiệm đương đầu với tình trạng nguy cấp. Ngay khi chiếc máy bay United Airlines số 175 vừa phóng vào tòa nhà đôi lúc 9:03 sáng ngày định mệnh đó, anh ta lập tức trở lại vai trò cũ. Giữa đám khói mù mịt, gạch vụn đổ nát và hỗn loạn, Welles đã xuống lầu thứ 78, nơi có thang máy đặc biệt tốc hành xuống tầng dưới cùng, vì anh làm việc ở tòa nhà này đã lâu nên biết rõ từng ngõ ngách. Anh đã dùng giọng nói dõng dạc, mạnh bạo và đầy quyền uy của mình để hướng dẫn những người còn sống sót đi xuống cầu thang và khuyến khích họ giúp những người khác trong khi anh cõng một người đàn bà bị thương trên lưng. Sau khi cõng bà ấy qua 15 tầng lầu xuống tới chỗ an toàn, anh lại chạy ngược trở lên để cứu thêm những người khác.

Welles tuy anh hùng nhưng vẫn có những tình yêu bình thường như mọi người trong chúng ta, anh cũng rất yêu thương mẹ của mình nên trong lúc thập phần hiểm nguy anh cũng điện thoại cho mẹ yên tâm và để lại lời nhắn: “Mom, this is Welles, I want you to know that I am OK.” Thế rồi anh băng mình vào chỗ chết.

Nghĩ đến việc trong khi ai cũng dùng mọi cách và phương tiện chạy ra khỏi tòa nhà để thoát thân đến nơi an toàn thì những người lính chữa lửa anh hùng lại liều mình chạy ngược trở vào vùng nguy hiểm, hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ mạng sống cho người khác, những con người này phải có thân hình và khối óc bẳng thép nhưng lại có trái tim bồ tát mới có thể nhảy vào nơi lửa đạn dẫu biết rằng mình có thể bị thương tích trầm trọng hay mất mạng sống. Còn sự can đảm, anh hùng nào đáng kính trọng, ca ngợi và biết ơn hơn!

Cuối cùng người ta tìm thấy xác Welles cùng với một số lính chữa lửa đã chết khi họ cố gắng chạy trở lên cứu thêm người nữa trong lúc tòa nhà sập xuống.

Welles đã ra đi nhưng không bao giờ bị quên lãng. Hành động anh hùng đã khiến anh trở thành biểu tượng của sự kiên trì, can đảm và hy vọng sau ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Vì vậy chúng ta chẳng ngạc nhiên khi thấy phần lớn những đứa trẻ ở Mỹ đều nói khi lớn lên muốn làm cảnh sát và lính chữa lửa.

Ngày Lễ Tạ Ơn nào tôi cũng cám ơn cha mẹ, đã sinh ra và nuôi tôi khôn lớn với một sức khỏe tốt; cám ơn chồng, các con, các cháu cũng như anh chị em đã cho tôi một gia đình hạnh phúc; cám ơn các bạn hữu đã cùng chia sẻ ngọt bùi; cám ơn những anh hùng như Welles Crowther đã xả thân cho người khác và đặc biệt nhất là cám ơn Carol và John đã dang đôi cánh ra che chở, ấp ủ gia đình tôi lúc phải bỏ xứ sở ra đi trong hoảng loạn đau buồn.

Cuối cùng tôi xin cám ơn nước Mỹ đã cưu mang và cho người Việt ly hương chúng tôi một quê hương thứ hai đầy bao dung và nhân ái.

Mùa Lễ Tạ Ơn 2016

Lê Nguyễn Hằng

Ý kiến bạn đọc
25/11/201600:54:44
Khách
Cám ơn Hồng Điệp đã gửi lời khuyến khich, điều này làm cho người viết phấn khởi để sáng tác thêm.
Cấu chúc gia đình bạn những ngày lễ hạnh phúc.
LN Hằng
24/11/201604:42:25
Khách
Hằng ơi,
Bài viết nào của bạn cũng rất cảm động và đầy tính nhân bản .
Ân tình của Jhon và Carol thiêt là khót trả Hằng nhỉ?
Nhân mùa lễ Tạ ơn , cũng như Hằng ,minh xin đa tạ nước Mỹ đã bao dung và cho chúng ta một đời sống muôn vàn hạnh phúc ..
22/11/201603:47:37
Khách
Anh Sao Nam,
Chắc là kiếp trước tôi có tu thật nên mới may mắn có được bảo trợ tốt như thế. Carol còn tìm cách giúp tôi kiếm được việc làm đầu tiên trên đất Mỹ, nếu anh đọc bài Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời anh sẽ thấy. Cám ơn ý kiến của anh.
Chúc gia đình anh một mùa lễ bình an và dồi dào sức khỏe.
21/11/201601:04:34
Khách
Chị Hằng mến
Có lẽ chị tu nhiều kiếp nên kiếp này chị thật sự có được hạnh phúc thật trọn vẹn.Thăm chị và gia đình.Mến
21/11/201600:51:52
Khách
Có những ân tình đã được khắc ghi, được đền đáp và tỏ được nên lời thật đậm sâu, thật chu đáo chắc hẳn đã đem cho chị sự bình an và vô cùng toại nguyện. Nhưng cũng có những ân tình trong cuộc sống mà mình đã thọ hưởng chỉ có thể đong đầy ngấn lệ trên khóe mắt mỗi khi nghĩ đến mà chẳng được tỏ bày cũng như chẳng biết lấy gì mà đền đáp nhưng may thay cũng đã được điển hình bằng mùa lễ Tạ Ơn hàng năm chị ạ.
21/11/201600:09:48
Khách
Thành thật cám ơn những ý kiến và lời khích lệ của Oregon, Trần Vinh, Saigonmylove và Tammy.
Chúc toàn thể bạn đọc một mùa Lễ Tạ Ơn tràn đầy hạnh phúc bên người thân.
20/11/201621:25:46
Khách
bạn Hằng ơi,
Đọc bài cuả bạn làm mình cảm động quá, cũng nghĩ đến những ân nhân đã lo
cho mình trong nhũng ngày đầu chân ướt, chân ráo ngô nghê trên xứ lạ. Cảm
ơn đời đã cho chúng ta may mắn, Ít ai có một tình bạn Mỹ Việt khắn khít như vậy qua mấy chục năm. Chúc bạn mạnh khoẻ để cầm bút dài dài.
20/11/201620:23:25
Khách
Những bài viết của tác giả bao giờ cũng đầy những tình cảm gia đình thân thương. Bài viết mới nhất này tác giả đã vơi bớt nỗi buồn mất con & những thương yêu trìu mến trải dài suốt câu truyện như tâm tư của tác giả đã dành cho tấm lòng nhân ái của vị ân nhân. Vâng, tôi cũng như tác giả, nhân mùa lễ Tạ Ơn sắp đến, xin cám ơn nước Mỹ, xin cám ơn người Mỹ, tạ ơn đời, tạ ơn người. Happy Holidays.
20/11/201620:14:32
Khách
Và cũng tạ ơn những người đầy lòng nhân ái của các nước trên thế giới đã cứu giúp chúng ta thoát chết khi còn đang lênh đênh trên biển cả trên đường vượt thoát khỏi tay Quỷ Đỏ Cộng sản.

Một bài viết hay trong mùa Lễ Tạ Ơn.
20/11/201619:29:44
Khách
Chị Hằng ơi,
Yêu quá cuộc đời này khi đọc bài viết của chị. Chị nhắc thành phố biển hiền hoà nơi có John và Carol ân nhân bảo trợ , giờ chị có dịp đáp đền .
Các bạn của em nói giỡn " Nếu ai chưa ăn Cheddar Cheese ở Tillamook , thī chưa phải là người ở Tiểu bang Oregon.." Tiểu bang may mắn có mưa nhiều , nhờ vậy cây cối xanh tươi mát mắt khi mùa hè , mùa đông nhờ Lễ Tạ Ơn về ấm áp tình người như chị Hằng đã nhớ ơn Carol và John , như những ngọn đèn thắp sáng mùa Giáng Sinh gợi nhớ tình người ban ơn và được trả ơn . Cám ơn chị Hằng bài viết hay và cảm động khi nhớ điều Ơn Nghĩa mùa Thanksgiving tháng mười một.
Người sống ở tiểu bang Oregon.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Người viết định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau nhiều năm ngưng viết, mừng cô viết trở lại. Mong mạnh dạn tiếp tục.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới của ông là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là một du ký mới của bà.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết phăng phăng bằng giọng yêu đời và yêu người thuộc đủ loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Bài viết gần nhất của tác giả “Có Những Tấm Lòng” mới phổ biến tuần trước, ngày 24 tháng Bẩy. Vì bài mới nhất liên quan tới thời sự, nên xin đặc biệt phổ biến sớm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài viết mới nhất của tác giả cho thấy bút pháp cho thấy tác giả đã tự vượt chính mình thêm một đoạn dài. Mong ông tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến