Hôm nay,  

Sửa Văn

14/10/201600:00:00(Xem: 14260)

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 4940-18-30640-vb6101416

Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003. Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm. Bài mới của tác giả là chuyện về chữ nghĩa của cô học trò Sài gòn viết văn sau đổi đời, lưu vong.

* * *

Thầy dạy Việt Văn trả bài làm cho từng học sinh. Ly nhận lại bài của mình, không thấy có chỗ nào được sửa. Không biết đó là Ly may mắn hay bài của mình chỉ được Thầy đọc lướt qua? Ly đâu dám tự nhận là mình giỏi. Giỏi đến đâu thì Thầy cũng tìm thấy lỗi trong bài chứ, nhất là môn Việt Văn. Thầy sẽ ghi bằng bút đỏ ngay chỗ sửa. Ít ít thì vui, mà nhiều chữ đỏ quá thì… học trò lại buồn. Và rồi Ly đâm ra “ganh tị” với các bạn có bài được Thầy sửa. Chà, có ai như mình không nhỉ? Thật là rắc rối.

Trên trang nhất của tờ giấy làm bài, bao giờ cũng có một cái khung đặc biệt, học trò phải tự kẻ: đó là cái khung hình chữ nhật có chia thành hai phần không đều nhau: bên trái nhỏ, để Thầy ghi số điểm; bên phải lớn, để Thầy ghi lời phê. Bao giờ Ly cũng được Thầy cho điểm cao, với lời phê “Giỏi.”

Rồi đến một hôm, Ly rụt rè đến bên Thầy Việt Văn, đánh bạo thưa với Thầy:

“Thưa Thầy, vì sao… không bao giờ… Thầy sửa bài của con ạ?”

Thầy tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, rồi dường như do cái tinh tế của một nhà giáo đầy kinh nghiệm, Thầy cười xòa:

“Thế… trò muốn Thầy sửa bài ư?”

“Dạ.”

“Nhưng Thầy thấy không có gì để sửa.”

“Thưa Thầy, con không tự thấy bài của mình hoàn hảo.”

“Không hoàn hảo? Đúng vậy! Nhưng đây là môn Việt Văn, và bài làm là một bài luận. Trò đã làm đúng bố cục của một bài luận, là mở bài, thân bài, và kết luận, còn lại là văn của trò. Trò viết đúng chính tả, đặt câu nghiêm chỉnh, hành văn gọn gàng thì Thầy không có gì để sửa. Còn ý văn có sáng tạo, độc đáo, Thầy lại càng không sửa. Như hôm nay, trò đã nhập đề trực khởi cho bài bình luận thơ và con người của Nguyễn Công Trứ, trò vào ngay phần mở bài bằng câu nói dõng dạc của ông khi bị giáng chức làm lính – “Lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào thì có nghĩa vụ đối với địa vị ấy”. Mới xem thì Thầy giật mình, đọc cho cả lớp nghe thì các bạn cũng giật mình. Nhưng khi định thần biết đó là câu của cụ Nguyễn Công Trứ, Thầy cảm thấy thú vị vô cùng. Thầy còn phải sửa cái gì ở đây?”

Thế là con bé ngẩn tò te.

Khi Ly bắt đầu viết văn gửi báo, thấy rõ ràng viết văn rất khác với làm luận. Dù cũng phải viết cho đúng chính tả, câu chữ đàng hoàng, điều đương nhiên, nhưng phải có tính sáng tạo, không nhại văn, không lặp lại ý của người khác. Khi Ly làm cộng tác viên viết bài cho báo học trò, bác chủ bút cũng chưa bao giờ sửa văn cho con bé. Khi Ly xin lại bản thảo, thấy cũng như những bài luận ngày trước, không có một chỗ nào được đề nghị sửa. Và dĩ nhiên có một điều rất khác: không có số điểm, và không có lời phê. Ngày xưa, bài được viết tay hoặc đánh máy với cái “máy đánh chữ.” Ly chọn cách viết tay. Và bao giờ cũng suy nghĩ chín chắn trước khi đặt bút viết, cho nên ít khi phải sửa lại cho mình. Đôi khi muốn sửa một chữ cho ưng ý, Ly phải dùng “cục gôm”, xóa thật nhẹ nhàng rồi viết lên. Như vậy thôi!

Ngày xưa có lúc Ly làm “cô cò”… Từ chữ nói gọn “correcteur” là “thầy cò” chuyên sửa cho các bản in, Ly chế ra chữ “cô cò”, vì mình là con gái. Làm công việc này cần có đôi mắt tốt và tự mình phải viết đúng chính tả trước đã. Eo ơi, khi làm Ly mới thấy có những bạn viết văn hay mà lỗi chính tả không ít. Đó là về phần tác giả, còn về phía nhà in, mỗi một trang báo được sắp chữ thành hình là cả một kỳ công từ những người thợ sắp chữ. Họ làm việc cần mẫn trong những xưởng in ngập tiếng ồn của máy. Họ để tờ giấy viết tay hay đánh máy của tác giả trước mặt và theo đó mà sắp từng chữ.

“Sắp chữ” là động tác lấy những mẫu chữ cái bé tí xíu trong từng hộc riêng biệt đặt vào những khuôn chữ cũng bé tí xíu tạo thành chữ, rồi thành câu. Và mỗi con chữ nguyên âm lại còn có dấu, vì là chữ Việt mà! A, á, à, ả, ã, ạ… đâu đó phải phân minh. Công việc phức tạp như vậy không tránh được sai sót. Họ in một bản thử ra giấy, đưa cho “cô cò”. Khi “cô cò” sửa xong bản thử và đưa lại cho nhà in, những người thợ dựa theo đó mà thay chữ lại cho đúng. Mỗi khi sửa xong một bản nháp, nhìn lại thấy toàn chữ đỏ do mình ghi bằng bút Bic, Ly bật cười, nói đó là “bệnh sởi”. Sửa đi sửa lại đôi ba lần đến khi hết lỗi mới đưa đi “in thật” thành cả ngàn trang. Sự thân ái gắn bó với xưởng in cũng từ đấy.

Đó chỉ là sửa chữ. Làm “thầy cò” chỉ sửa chữ, không dám sửa văn của ai.

Không ai dạy viết văn. Trong lớp học, Thầy dạy hành văn đúng để thành một bài luận thì có. Ngoài đời, dạy viết văn: không có. Vì viết văn là từ tư tưởng, từ tim óc, từ thực tế sống, không ai có thể truyền cho ai ngoài mình.

Đó là chuyện của ngày xưa. Xưa lắm! Chuyện của tuổi học trò.

*

Chuyện viết văn của Ly là một câu chuyện đứt đoạn. Đứt đoạn từ lúc Ly thấy tên các tác phẩm của mình nằm trong một danh sách cấm. “Đáng nể” hơn nữa, đó là “Danh sách những tác phẩm phản động và đồi trụy”. Hai tĩnh từ này đứng chung với nhau. Cái “ngày đổi đời” ấy đã khép lại ước mơ viết văn của một cây bút ở lứa tuổi đôi mươi. Dĩ nhiên cũng có những người gọi là “thức thời” và đi theo một đường lối mới. Nhưng Ly đủ lớn để hiểu mình là ai. Ly có một ngòi bút không thể bẻ cong. Và thế là Ly dừng lại tất cả. Ly gom hết những bản thảo thành một gói, niêm kín lại. Đó là những quyển bản thảo viết tay, đã in thành sách được độc giả tuổi học trò đón nhận. Ly không dám mở ra, không dám đọc lại. Nhưng đêm đêm, những con chữ như bước ra từ trong đó, tâm tình cùng với Ly. Ly cũng thì thầm với chúng. Các em nhé, hãy ở yên đó! Chị sẽ không bao giờ sửa các em đâu! Không sửa một chữ! Không bao giờ!

Một hôm tình cờ có người bà con ở Mỹ “méc” Ly rằng người ta in truyện của Ly, bán ở các tiệm sách. Nghe mà vui buồn lẫn lộn. Ít ra, còn có người nhớ tới mình. Người bà con gửi cho Ly những quyển sách ấy. Trang bìa được “chế” từ tranh vẽ gốc, một điều dễ giải thích. Nhưng trong “ruột” thì y nguyên văn, không sai một chữ. Ly hú hồn, thầm cám ơn họ (!!!)

*

Dòng đời vẫn chảy. Ly sang Mỹ do anh chị bảo lãnh. Ly hầu như đã quên hết chuyện viết văn. Lo bắt đầu cuộc sống mới, không còn thì giờ nghĩ tới văn chương, ý tứ cũng khô cạn. Nhưng đúng là định mệnh, một người bạn biết Ly đang ở Mỹ, mời Ly viết bài cho một tập san cựu học sinh. Ly như cái cây khô tưởng chết bỗng được tưới nước. A, bây giờ lại có thể viết bài bằng cách mới, không cần giấy bút nữa. Computer! Bàn phím! Quá gọn gàng. Mà lại tha hồ viết sai (thật ra là gõ sai), sửa cũng dễ dàng, chỉ cần đánh dấu chữ nào sai, nhấn “delete” và gõ chữ mới vào đó, không cần đến “cục gôm”. Việc in sách báo cũng đã khác xưa. Bây giờ tác giả gõ bài rồi gửi bài bằng đường internet. Nhà in thì không có những người thợ sắp chữ cần cù như xưa nữa, họ sử dụng chính bài tác giả gửi để in ra. Tác giả không lo chuyện lỗi từ người thợ sắp chữ, mà chỉ lo mình gõ sai. Nhưng không sao, đã có những “thầy cò”, “cô cò” đời mới, sửa giùm nếu tác giả sơ ý gõ sai chính tả. Delete, và gõ chữ mới vào đó. Đơn giản.

Thế nhưng khi tập san đã in xong, nhận được cuốn báo biếu, Ly đọc lại và thấy có vài chữ mình dùng đã bị thay đổi. Ban biên tập không hiểu ý mình ư? Sao họ lại phải thay? Ly than phiền. Họ xin lỗi. Ly cười, và dặn: “Lần sau nếu các bạn định sửa chữ nào, câu nào, xin vui lòng báo cho Ly biết, Ly không ngại đâu, nhưng để Ly có dịp giải thích vì sao Ly viết như vậy. Còn nếu không được nữa, thì… cho Ly xin lại bài.”

Và cũng là định mệnh, Ly viết bài cho các báo giấy, báo “ảo”. Ý tứ đã đầy. Mỗi lần muốn viết bài chỉ việc ngồi vào máy computer, gõ… và gõ. Chỉ cần có chút thì giờ. Và có lẽ vì gõ nhiều, viết ít, Ly mắc phải “chứng bệnh thời đại”: chữ viết xấu đi nhiều. Thế nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch mà từ nhỏ Ly bắt mình tuân thủ: đó là viết cho đúng chính tả. Sửa chữ bằng bàn phím computer quá dễ dàng. Ly làm “cô cò” cho chính mình. Và Ly sẵn sàng làm “cô cò” miễn phí cho những bạn yêu tiếng Việt. Vì mình cũng yêu tiếng Việt. Nhiều khi Ly đang làm việc bỗng có một bức email gửi đến: “Chị Ly ơi, suôn sẻ hay suông sẻ?” rồi “Chị Ly ơi, bươn chải hay bương chải?” “Tàn cây hay tàng cây?” Đọc mà giật mình vì phải mở tự điển Việt ra kiểm lại trí nhớ trước khi trả lời; hoặc “Chị Ly ơi, sao em thấy tờ báo kia in chữ khuếch trương thành khuyếch trương?” hoặc “Chị Ly ơi, tờ báo nọ in ngành thành nghành kìa chị!”, v.v… và v.v… Thường xuyên nghe “méc moi”! Nghĩ cũng vui.

Trời cũng bù trừ cho Ly, làm “cô cò” nhiều rồi nên có khi cũng nhờ người khác làm “cô cò” cho mình. Ly có cô em bạn văn ở xa, cô muốn “giành” làm người đầu tiên xem bài của Ly. Ly đồng ý, vả lại cũng thích có người hiểu mình góp ý cho mình. Thường thì cô em chỉ “bắt sâu” giùm nếu chẳng may có chữ nào Ly ngủ gật đánh máy sai. Chữ “bắt sâu” nghe thật dễ thương. Và nếu muốn biết mình có “bị bệnh sởi” nặng hay không thì nhờ cô em ghi mấy con sâu bằng mực màu đỏ, đương nhiên là “mực ảo”, không tốn tiền mua.

*

Dòng đời vẫn chảy. Đúng vậy! Ngày xưa có người “méc” truyện của mình được in ở Mỹ, bây giờ sang Mỹ rồi có người “méc” truyện mình được in ở Việt Nam. Nhưng lần này đúng là đáng ngạc nhiên. Người trong nước vẫn còn tha thiết với dòng văn học ngày xưa hay sao? Người “méc” đó cũng sốt sắng mua hai quyển sách gửi qua cho Ly. Lại hình bìa khác, nhưng khác hoàn toàn, không phải “chế”. Không sao! Mở ra xem bên trong. Mừng quá, hầu như văn được giữ nguyên. Nhưng đây rồi, có một vài câu, có lẽ đối với họ là “nhạy cảm”, đã được khéo léo cắt bỏ. Chỉ có tác giả mới biết câu nào đã bị cắt bỏ. Người đọc, nhất là người đọc mới, dĩ nhiên không thể biết. Qua bạn bè, Ly biết nhà xuất bản trong nước muốn liên lạc với Ly để bàn bạc sao đó. Nhưng thôi, Ly thấy chưa phải lúc. Dù biết họ cũng có lòng quý mến mình, nhưng Ly không muốn bài của mình bị cắt xén.

Có một vài lần hiếm hoi, khi gõ lại những bài đã đăng báo giấy ngày xưa để lưu trữ trong website, Ly đã phải sửa văn của mình. Bạn đọc nhận ra ngay vì họ đã đọc bài “gốc”, hỏi tại sao. Ly nói phải sửa thôi, vì nguyên tác có những chỗ không còn hợp ý mình nữa. Thí dụ trong một truyện ngắn, Ly tả cảnh cô giáo lớp Ba của mình bắt các bạn ngồi ở bàn đầu dẹp hết sách vở, dành mặt bàn cho cô bắt một bạn trai nằm lên, và cô đánh bạn bằng một cái cây dài. Đó là một cảnh có thật trong lớp học của Ly. Thầy cô giáo phạt học trò ư? Chuyện quá thường tình trong trường học ngày xưa. Nhưng đối với Ly đó là một cảnh khủng khiếp. Ly không muốn các bạn nhỏ bây giờ đọc và sợ hãi. Điều đó sẽ dẫn đến một hiệu ứng xấu. Thôi thì vẫn là phạt, nhưng tác giả đã… cho hình phạt nhẹ đi, đó là cô giáo bắt bạn trai xòe bàn tay ra, cô dùng thước đánh vào lòng bàn tay bạn, ngày xưa gọi là “khẻ tay”. Eo ơi! Nghĩ đến đó đã thấy đau quắn thịt, nhưng còn đỡ hơn biện pháp kia thật là vô nhân đạo. Ở xứ Mỹ không ai chấp nhận chuyện thầy cô giáo đánh học trò đâu! Sau khi nghe Ly giải thích, bạn đọc đồng ý, nhưng trách nhẹ một câu: “Chị làm em… hết hồn, tưởng trí nhớ của em “có vấn đề”, hóa ra là chị tự sửa văn của chị!”

*

Một ngày đẹp trời, Ly nhận được một email từ trong nước. Một nhà xuất bản đề nghị in lại vài tác phẩm của Ly. Lần này thật khó xử, vì họ viết thư trực tiếp cho mình. Làm sao đây? Đọc thư, thấy họ có thiện chí muốn giới thiệu đến độc giả những tác phẩm “ngày xưa”, và với phương tiện dễ dàng hiện giờ, còn có thể làm dưới dạng “ebook”. Và họ cũng đàng hoàng, chỉ thực hiện khi được sự đồng ý của tác giả. Họ còn viết: “Chúng tôi sẽ lo phần sửa morasse trước khi in.”

Sửa morasse! Đây là công việc quá quen thuộc của mình ngày xưa. Chính là sửa bản in thử, gọi là “bản vỗ”, là bản “proof”. Sửa dăm ba lần, cho đến khi nào đúng chính tả thì thôi. Nghe lại chữ này cảm động quá! Muốn cám ơn họ quá!

Nhưng rồi Ly gõ vài dòng trả lời thư họ.

“Mến gửi quý anh chị,

Thật cảm động khi biết được thiện ý của quý anh chị muốn tái bản các tác phẩm của tôi ngày xưa. Nhưng khi “sửa morasse” thì chắc chắn là quý anh chị phải sửa cho đúng với từ ngữ và cách hành văn mới. Bởi thế hệ của chúng tôi thuộc về quá khứ, văn của chúng tôi có thể bây giờ nhiều người đọc không hiểu. Nhưng rất may mắn là đã có những người sưu tầm và thưởng thức. Họ hiểu. Và họ quý. Chúng tôi muốn họ thưởng thức nguyên mẫu như vậy. Khi sống ở hải ngoại, ngoài việc hòa mình trong dòng sống của người bản xứ, chúng tôi còn ra sức bảo vệ tiếng Việt và chữ Việt. Tôi muốn nói ở đây là tiếng Việt và chữ Việt trong sáng. Và khi những chữ mà tôi dùng trong văn của tôi (vâng, tôi vốn đã chăm chút từng nét, từng lời) bị sửa khác đi, thí dụ “kỷ niệm” sẽ thành “kỉ niệm”, “bác sĩ” lại thành “bác sỹ”, “bảo đảm” thành “đảm bảo”, “đơn giản” thành “giản đơn”, “khai triển” thành “triển khai” v.v… thì chắc là tôi sẽ chịu không nổi. Nếu những lời tôi viết đây có làm quý anh chị phiền lòng, tôi chân thành xin lỗi. Nhưng tôi xin quý anh chị hiểu cho rằng, tiếng Việt, chữ Việt mà chúng tôi đã được học, là thứ tiếng Việt và chữ Việt đẹp nhất đối với chúng tôi. Không những thế, chúng tôi phải giữ gìn, phải bảo vệ, phải chia sẻ với thế hệ sau này, chứ không để ai sửa thành một thứ tiếng Việt, chữ Việt khác.

Trân trọng.”

Rồi Ly ký tên, dĩ nhiên là “gõ” tên, và bấm nút “send”.

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
25/10/201621:09:41
Khách
Lành cưng thương ,

Đọc cái tên là biết cưng nhà quê nhà mùa 72 phần dầu nhá . Vảnh tai lên nghe qua đi một đường lả lướt cho cưng nghe chơi không mất tiền

1- Sai chánh tả bét nhè : có khóc nhè bây giờ có bét nhè . Chữ mới nhá . Cưng cứ sống mãi trong quần chúng ta như bác hồ nên không biết trước đây có nữ sĩ Mina và quan giám khảo Tân ngố bắt lỗi chánh tả sai be bét của qua (be bét chứ không phải bét nhè) Qua đã có một đường cơ sai chánh tả cho quý vị đó . Bây giờ nhắc lại . Viết còm không cần đúng chánh tả Thí dụ rồi thành rùi , biết thành bít ... chủ yếu tếu vui . Viết văn dự thi mới cần đúng chánh tả nhưng Ban Giám Khảo cũng đâu có ke .Trật chánh tả vẫn thắng giải như thường . Nếu cần, dùng sofware để check chánh tả dễ như ăn cơm sườn không xương nhá

2- Dùng toàn những lời vu khống mạ lỵ : Cưng nói chung chung qua không biết lời nào vu khống và mạ lỵ để rửa cái đầu của cưng cho thông cho thoáng . Tuy nhiên , để qua gửi một lời "cảnh báo" (chữ VC đấy ) cho cưng rõ . Ý là cưng muốn nói thần giữ cửa Admin cổ xúy cho những lời vu khống hay mạ lỵ xuất hiện trong phần Ý Kiến Đọc Giả ? Như vậy là cưng chửi xéo thần Admin chứ không phải chửi qua đâu nhá . Những lời lẻ qua viết trong còm được thần Admin kiểm duyệt và chấp nhận đăng lên .

3- Đặc biệt là các tác giả nữ có uy tín: Cưng lại nhỏng đít nói chung chung . Ai là các tác giả nữ có uy tín ? Uy tín gì , Uy tín ở đâu ? Không biết làm sao trả lời . Cưng có muốn bưng bô hay nịnh đầm các nữ tác giả thì cứ việc việc qua không phản đối nhá
4- Vổ ngực xưng tên .Bôi nhọ QLVNCH:. Ý cưng muốn nói QLVNCH tùy thuộc vào tư cách một mình qua . Hể qua good thì QLVNCH good . Còn qua bad là QLVNCH bị bôi nhọ Cưng khùng cũng để cho qua khùng với . Dành hết cái khùng là không có phe nhá QLVNCH có một triệu tay súng . Có người giỏi thì cũng có người dở . Có người liêm khiết thì cũng có người không . Có người có tư cách thì cũng có người xà bát . Nhưng uy danh và tâm niệm của QLVNCH " Vì Dân Chiến Đấu, Vì Nước Hy Sinh theo ba tín niệm Tổ Quốc - Danh Dự- Trách nhiêm. Không ai có thể làm mất uy tín, danh dự của QLVNCH được nhá . Chuyện Phật Giáo cũng thế

5- Dùng lời lẽ ganh ghét với đàn bà : lại nói chung chung , trống không . Biết trả lời sao ?Lời lẽ nào ganh ghét dzậy cưng ? Không biết nên không có tự sỉ nhục nhá

Qua là một thính giả của đài TNT . Nghe sao thì tường thuật y chang dzậy . Không thêm bớt, khen chê . Mấy quý lão tướng thính giả đài TNT tôn vinh XNV Mỹ Thanh là ANH THƯ . Nghe thế qua cười mém chút là hui nhị tì . Qua đâu có xỏ lá vì qua biết mấy lão Tướng đó không hiễu nghĩa của chữ Anh Thư . Nhưng Khoa Học gia Mỹ Thanh thì chắc chắn là hiễu mà không phản đối . Im lặng và chấp nhận làm Anh Thư . Xưa có Anh Thư Hai Bà Trưng . Nay có Anh Thư Mỹ Thanh . Quá đã

Đài TNT có một XNV tên Nhật Khang phụ trách chương trình nhạc chế mục đích diễu cợt cái chế độ và đảng viên VC . Rất nhiều người thích trong đó có bần tăng . Mỹ Thanh với cương vị là Phó Giám Đốc đã phản đối và hũy bỏ chương trình Nhạc Chế vì làm mất giá trị của bản nhạc và tác giả . Nhưng trong cuộc phỏng vấn Nhạc sĩ Lam Phương ông nghĩ gì về chuyện người dân đã dùng những bản nhạc của ông để đặt lại lời chế diễu bọn VC . Ông trả lời "No Star Where" vì người ta có thích nhạc mình người ta mới làm thế điều đó cũng nói lên bản nhạc được yêu thích và phổ biến rộng rãi .

Cưng Lành , Nếu cưng lấy tên TÈO thì hợp với cưng hơn . Cưng nên bỏ tiền ra mua một cái radio do VT bán để nghe đài TNT thì cưng sẽ thấy đâu là sự thật và đâu là vu khống và mạ lỵ .
Thương cưng nhiều
24/10/201622:25:45
Khách
Hầu hết các ý kiến đóng góp cho mục Viết Về Nước Mỹ đều mang tính cách xây dựng, khích lệ.
Riêng độc giả Nguyễn Sài Gòn, lỗi chính tả sai bét nhè, dùng toàn những lời vu khống, mạ lỵ đến các tác giả, đặc biệt là các tác giả nữ có uy tín.
Vỗ ngực tự giới thiệu mình là quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, đôi khi tự xưng là bần tăng, Nguyễn Sài Gòn đã bôi nhọ danh dự của Quân Lực VNCH và giới Phật Giáo. Là một người dùng lời lẽ ganh ghét với đàn bà như vậy, Nguyễn Sài Gòn đã tự sỉ nhục chính mình.
24/10/201618:58:55
Khách
1- Tự khoe mình là nhà nghiên cứu Khoa Học tức là Khoa học gia . Tức là lúc nào cũng phải giữ tính trung thực . Dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét( biến thực thành láo) . Không phải mình tui nghe tác giả kêu goi "forgive o chbọn VC"mà rất nhiều thính giả già của đài Tiếng Nước Tôi nghe . Tác giả còn khuyên thính giả TNT nên goi mấy xì thẩu là người Hoa hay người Trung Quốc đừng gọi người Tàu không lịch sự . Khà khà khà . Chắc là chối nữa .

2- Mới đây báo Washington Post đi một bài : "Bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước vì nói thật " thì ở đây tui cũng bị tội VU KHỐNG vì nói sự thật . Chữ Vu Khống rất "popular" ở những cửa miệng của Nam Lộc, Trúc Hồ, Trinh Hội và các anh nhớn Việt Tân ma như Hoàng cơ Định , Đổ Hoàng Điêm.. khi bị hỏi thăm súc khỏe quyên tiền rồi bỏ túi xài chơi . Cũng không lạ khi một xướng ngôn viên có thời là Phó Giám đốc đài TNT của Việt Tân nói y chang như các anh nhớn

3- Nói đến Tuổi Hoa, Tuổi NGọc Tuổi Hồn Nhiên , Tuổi Ô Mai, Tuổi Biết Buồn ... thì nói đến Duyên Anh, Quyên Di, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường ...chứ Cam Li hay Li Cam Nguyễn thị Mỹ Thanh thì ... kho đạn Long Bình phát nổ
Mấy thằng VC chuyên môn chôm chỉa in sách đổi tên tác giả như Vỏ Phiến thì để là Tràng Thiên mà Cam Li Li Cam được bọn VC điều đình in sách . Chuyện lọa rứa . Có quan hệ gì không ?
Lời khuyên cho Mỹ Thanh : đừng nói những gì trái tai thì không cần phải đính ch'nh hay chối biến
19/10/201621:40:26
Khách
Cam Li xin chân thành cám ơn quý độc giả đã có sự thông cảm khi đọc bài "Sửa Văn" và có những ý kiến rất xây dựng.
Về bút hiệu "Cam Li", bút hiệu này đã có từ những ngày đầu viết văn của Cam Li, cuối thập niên 1960; và vì không muốn trùng với tên thác Cam Ly của Đà Lạt nên Cam Li đặt với chữ "i" (ngắn).
Riêng với ý kiến của Độc giả Nguyễn SG, Cam Li xin trả lời ngắn gọn như sau:
- Viết cho "Viết Về Nước Mỹ" là viết tặng, không phải để "kiếm tiền", cũng như tất cả các cây bút khác đóng góp cho mục này.
- Cam Li cũng chưa bao giờ sống bằng "nghề" viết văn.
- Sau này nếu có muốn xuất bản sách, Cam Li sẽ tự mình xuất bản, không cần phải hợp đồng với "nhà xuất bản của VC" làm chi. Bây giờ thì bài vở của Cam Li đầy trên internet, độc giả xem miễn phí vui hơn ạ!
- Còn những lời lẽ nặng tính vu khống của Độc giả Nguyễn SG, Cam Li xin trả lại cho người nói. Mời quý độc giả tìm hiểu sự thật. Địa chỉ thì Độc giả Nguyễn SG đã cung cấp đầy đủ.
Xin kính chúc quý độc giả những ngày tốt lành.
Trân trọng,
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
18/10/201622:36:29
Khách
Tác giả Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh " Nói dzậy mà không phải dzậy" Khi viết bài trong mục VVNM để kiếm tiền thì tác gỉa rất tránh dùng Quái Ngữ . Nhưng khi là xướng ngôn viên củai đài Tiếng Nước Tôi ( đài radio của VT ma) thì quái ngữ tùm lum tà la . Thậm chí tác giả còn kêu gọi thính giả đài TNT nên "forgive" bọn VC vì chúng nó rất tội nghiệp . Đã thiệt là đã

Chú thích : Bà cụ tôi không đi được nên mỗi ngày nghe radio đài Tiếng Nước Tôi và xem TV đài Sinh Bắc Tử Nam (SBTN) cho nên tôi thường xuyên nghe .. ké . Tác giả có tên là Mỹ Thanh khi làm xướng ngôn viên của đài TNT .Mời quý vị nghe thử sẽ biết

Nếu có thể, tác giả hé lộ (chữ của tác giả khi nói trên đài TNT) những thư từ về hợp đồng xuất bản của những nhà xuất bản VC với tác giả . Rất cám ơn
18/10/201605:34:04
Khách
Tôi cũng có đồng ý kiến với các bạn đọc bốn phương ghi trong phần Ý Kiến Bạn Đọc. Tuy nhiên, không hiểu biệt hiệu Cam Li của tác giả có ý nghĩa gì mà lại dùng chữ i ngắn, thay vì chữ y dài - như trong bài hát Đà Lạt Hoàng Hôn của hai tác giả Minh Kỳ và Dạ Cầm :

"Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly
khóc tình đầu dang dở...
17/10/201602:22:25
Khách
Xin cảm ơn tác giả đã dẫn tôi trở lại một thời ấu thơ ở VN sau 75 với những điều kiện sống hết sức khó khăn. Bài viết quá hay, trình tự giãi bày quan điểm và sự trân trọng của tác giả về văn chương miền Nam trước 75.
15/10/201613:41:40
Khách
Đính chính, xin sửa lại tên tác giả là Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh.Xin cáo lỗi với tác giả bài Sửa Văn.Tran Hubert
15/10/201613:27:39
Khách
Đọc bài Sửa Văn của tác giả Cam Ly Nguyễn Thị Mỹ Thanh tôi học hỏi được nhiều điều hữu ích.Chúng tôi thì không phải nhà văn nhà thơ chị lâu lâu đi xa viết thơ về nhà cho người tình trăm năm nên cũng ráng viết cho đàng hoàng để người ở lại đọc cho trôi chảy chứ thư tình viết trên giấy màu xanh ,bà đọc rồi bức thư tình nổi lên mấy cục đỏ như lên sởi thì con chỉ là romantic .. Tác giả viết lâu lâu có người gởi e-mail nhờ tác giả làm cô cò để viết cho đúng chính tả chữ này chữ kia còn tôi thì không quen ai nên áp đúng lời khuyên của ông Trần Thiện Phi Hùng viết trong bài "Tương Lai Của Già" là cái gì không biết thì "trăm năm trong cõi người ta, cái gì không biết hỏi thằng cha goolge". Như không biết chữ khúc khủy là viết khúc khủy hay khúc khuỷu nên cứ vô goolge mà hỏi ,rồi nhiều khi trích mấy câu thơ để mình họa tình cảm tha thiết của mình với người ở lại như câu "vầng trăng ai xẻ làm đôi nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường" mà không biết là của ai thì thằng gooolge nó nói cho là của Nguyễn Du nếu không bà vợ mình tưởng đâu của chồng mình và hắn văn thơ ghê gớm lắm và kín đáo vì ở với nhau hơn mấy chục năm mà không biết.
Nhưng thằng cha này nhiều khi cũng lầm lẫn. Hỏi ông ta núi Thương Sơn ở đâu thì ông chỉ qua bên Tàu trong khi ở Huế cũng có núi Thương Sơn ( có người viết đứng ở tầng cấp trước chúa Thiên Mụ nhìn thẳng ra đằng trước, xa xa thấy đỉnh núi đó là Thương Sơn và đó là tên hiệu của nhà thơ Tùng Thiện Vương),,. rồi hỏi ông ta hai câu thơ của Bùi giáng « Dạ thưa xứ Huế bây chừ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương" trích từ đâu ra ông này chỉ liệt kê mấy chục câu khi thì dạ thưa xứ Huế bây giờ, khi thì dạ thưa xứ Huế bây chừ ( theo tôi thì là bây chừ mới đúng ngôn ngữ xứ huế và tác giả là người miền trung)
Và hỏi trích từ đâu thì ông Goolge này bí tịt.
15/10/201604:19:51
Khách
Việt cộng đã dốt vì kém học lại còn ưa chơi nổi, hay sửa chữ để học tập theo cha già ngu ngơ của chúng. Đọc tờ di chúc của họ Hồ, ngay phần mở đầu đã thấy buồn..nôn rồi:
Việt nam zân chũ cộng hòa
độc lập, tự zo, hạnh fuc
”Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu oc vẫn rât sáng suôt, tuy sưc khỏe có kém so với vài năm trươc đây.”
Bỏ qua những cách bỏ dấu sai sót của y, không có người Việt nào có thể chấp nhận được những từ y thay đổi ngớ ngẩn như “dân chủ” thành “zân chủ”, “tự do” thành “tự zo” và “hạnh phúc” thành “hạnh fuc”. Cũng may là y không chêm thêm chữ k vào cuối chữ fuc.
Rất nhìều người nghi ngờ y là Hồ Tập Chương cải trang thành HCM khi đọc những chữ y viết như: “fãi fuc vụ, fân fối, fong cãnh, fụ nữ”. Riêng tôi chắc chắn không có người Việt nào có lối viết nửa giọng Việt, nửa giọng Tàu như y. Vậy mà đảng ta suy tôn là
“văn kiện lịch sử vô giá của Đảng, nhà nước và nhân dân VN, một hiện tượng văn hóa kỳ diệu, ánh sáng của trí tuệ và niềm tin”.
Đọc xong muốn chửi thề!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,718,033
Nhạc sĩ Cung Tiến