Hôm nay,  

Đi Coi Ciné, Phim Mới Về "Tarzan"

08/10/201600:00:00(Xem: 11874)

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc
Bài số 4936-18-30636-vb7100816

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số vừa thành sách "Xin Em Tấm Hình". Có thể coi thêm nhiều hình ảnh và các bài viết của tác giả trên http://saigono-cean.com/ trang NTN.

Hình ảnh do tác giả:

Rạp Đại Đồng, Sep-2016
Tải từ phim: "The Legend of Tarzan" Người viết tại khu phố Tarzana, tưởng niệm cha đẻ Tarzan.

* * *

blank
Thứ ba vừa rồi tôi đi xem ciné. Đã lâu lắm rồi tôi không vào rạp hát. Lần cuối cùng tôi đi xem ciné có lẽ là khi vua Bảo Đại lấy vợ rồi phong luôn cho vợ là Nam Phương Hoàng Hậu, làm nhân gian xì xào vì vợ vua khi còn sống chỉ mang được tước Hoàng Phi, vua ngủm củ tỏi thì mới được mang chức Hoàng Hậu, hay có lẽ là lúc vợ của vua Trần Nhân Tôn vào nhà thương Từ Dũ sinh Huyền Trân Công Chúa.

Ngày xưa còn bé ở Sài Gòn tôi mê ciné như điếu đổ. Không có tiền đi xem những rạp hát sang trọng nhưng tháng nào tôi cũng xoay sở kiếm vài đồng vào rạp Đại Đồng trên đường Cao Thắng. Chỉ có những người nghèo nhất thế giới mới vào rạp Đại Đồng hay Thăng Long vì giá vé rất rẻ, mà lại xem được đến hai phim! Tôi nghĩ rạp Đại Đồng còn nghèo hơn Thăng Long vì thỉnh thoảng có những đứa ngày xưa học Tiểu Học ngủ quên khi Thầy Cô dạy Công Dân Giáo Dục nên tiểu bậy ngay trong rạp. Những đứa như thế cần thiến của quý để nó khỏi sinh đẻ con cháu tàn phá xã hội, nhưng chẳng lẽ mỗi lần đi ciné tôi lại mang con dao dấu vào túi quần, rồi tai nạn xẩy ra, thay vì thiến nó mà của mình đứt lìa thân thể?

Tôi ghiền ciné đến nỗi thỉnh thoảng không có tiền mua vé tôi cũng đạp xe đến rạp đứng mê mẩn ngắm xem hình chụp của những phim sắp chiếu, và không quên lấy tờ chương trình của phim đang chiếu đem về nhà đọc.

Bên hông rạp Đại Đồng là một phần đất trải xi-măng rộng khoảng 4 thước, để hai, ba phông vải trắng to lớn. Mới đây, tôi đã có dịp trở lại nhìn cái rạp ciné cũ. Ở đây, một họa sĩ dùng sơn dầu vẽ cảnh tượng từ một bức ảnh của phim sẽ chiếu và viết tựa đề của phim. Rạp ciné sau đó trưng bày phông vẽ khổng lồ trước rạp để khách xem biết rạp chiếu phim gì: "Yêu Em Cụ Thể", "Sao Em Bức Xúc?", hay "Tình Mình Ùn Tắc".

Tôi nhớ đứng mê mẩn xem tài vẽ của anh họa sĩ. Cái phông vải trắng nhàm chán dưới cọ sơn tài tình của người họa sĩ biến thành một bức tranh sắc thái muôn mầu. Gương mặt của tài tử chính và cảnh trí vẽ thật sống động, thu hút tâm hồn khách xem làm họ nôn náo muốn mua vé ngay lập tức để bước vào thế giới của phim ảnh.

Một người có biệt tài hội họa như anh họa sĩ ở rạp Đại Đồng có lẽ sống một cuộc đời phong phú ở Hoa Kỳ, nhưng ở trong môi trường nghèo túng trong xã hội lầm than chiến tranh lúc bấy giờ, anh họa sĩ bươn chải nhọc nhằn tìm miếng sống. Cởi trần với cái quần xà-lỏn phai mầu, anh để lộ thân hình đen đuốc ốm yếu. Tóc đen bù xù không chải gọn, chân mang đôi dép lẹp xẹp, thỉnh thoảng rít một hơi thuốc lá. Anh cũng như tôi thời xa xưa, không biết thế giới bên ngoài là gì, không biết đời sống thượng lưu ra sao, ngoại trừ cuộc sống chật vật ngay trước mắt.

Thời ấy tôi mê xem ciné vì tôi bước vào một thế giới ảo tưởng không bao giờ tôi có dịp đặt chân đến, cho dù thế giới ấy đã xẩy ra trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Hình ảnh và người trong phim đều xa lạ, hút hồn mỗi khi tôi ngồi xem trong rạp: chiếc nón có một hàng lông chim dựng đứng và áo giáp bằng thiếc kêu rổn rảng của binh lính La-Mã; cái mũ rộng vành và dây thắt lưng đầy đạn với khẩu súng lục ngang hông của những anh cao-bồi ngồi chững chạc trên lưng ngựa; bộ quân phục nghiêm chỉnh, thẳng tắp như do các nhà thiết kế vẽ kiểu của quân đội Đức Quốc Xã; các cao thủ võ lâm phi thân, bắn phi tiêu trong chớp mắt của phim kiếm hiệp Trung Hoa; nhà lầu xe hơi nườm nượp khắp nơi trong phố xá Âu Mỹ sạch sẽ; người da trắng cao lớn tóc vàng nói một thứ tiếng thật lạ với nhiều âm "sh, sh"rất êm tai tôi không hiểu, phải đọc phụ đề Việt Ngữ.

41 năm tha hương, cái xa lạ trong phim ảnh một ngày nào không còn là một thế giới nằm trong mộng tưởng với tôi nữa vì tôi sống ngay trên đất Mỹ. Nhà tôi chỉ cách 35 phút lái xe đến Hollywood, kinh đô ánh sáng thế giới.

Cái mơ tưởng ngày xưa sống ở trong xã hội người da trắng mà tôi mường tượng là một hành tinh xa lạ không bao giờ có dịp đặt chân đến nay đã trở thành sự thật. Cái kỳ lạ ngày xưa tôi thấy trong phim ảnh bây giờ trở nên thông thường. Cái trầm trồ ngày xưa bây giờ thấy rất thường tình. Cái khâm phục ngày xưa bây giờ trở thành nhàm chán.

Ngày xưa còn bé xem phim không biết họ làm cách nào, không hiểu tài tử đóng phim ra sao nên tôi trầm trồ kinh ngạc. Thế nhưng bây giờ biết kỹ thuật của ciné, mục kích tận mắt cảnh đóng phim các tài tử phải lập đi lập lại mẩu đối thoại nhiều lần cho hoàn hảo, rất nhiều địa danh đóng phim tôi đã đến du lịch, và biết rằng hầu hết phim bây giờ dùng CGI (computer-generated imagery) tạo ra cảnh trí, tôi bây giờ không còn hứng thú mấy đi xem ciné.

Các tài tử trên màn ảnh khổng lồ của rạp ciné tạo cảm giác họ to lớn hơn người bình thường rất nhiều, thế nhưng vì chiều cao bây giờ của tôi là trung bình của đàn ông Mỹ nên khi thấy nam tài tử nổi tiếng Tom Cruise với chiều cao 1m70 thấp hơn tôi một tấc, những tài tử ciné không còn phủ lên một màn huyền bí larger than life, gây ấn tượng cho tôi nữa.

Hết hứng đày đọa thân xác mình lái xe đi xem ciné, bây giờ tôi chỉ xem phim ở nhà. TV ở nhà khá to, âm thanh ầm ầm không sợ làm phiền lòng hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi nên một năm tôi bước chân vào rạp hát một hay hai lần là nhiều lắm.

blank
Cách đây ba tháng, phim "The Legend of Tarzan" ra mắt trình chiếu. Lúc còn bé tôi mê Tarzan, Batman, cao-bồi... nên bây giờ có phim Tarzan mới, tôi tò mò muốn xem nó có khơi lại kỷ niệm xưa kia của thời thơ ấu như khơi lại mối tình Lan và Điệp của tôi và cô Phượng kế bên nhà khi tôi vừa được mười bốn trăng tròn.

Rạp ciné khá gần nhà tôi, lái xe không đầy mười phút. Giá vé vào cửa là 13 dollars nhưng đại hạ giá Thứ Ba chỉ còn $6.25 dollars. Đúng là ở chế độ tư bản doanh thương cạnh tranh mang lợi cho người tiêu thụ: ngày xưa Simi Valley chỉ có một chuỗi rạp hát 16 rạp ở phía Đông thành phố (gần nhà tôi), nên tha hồ thao túng thị trường, giá vé lúc nào cũng là $13 dollars. Cách đây một năm một chuỗi rạp hát khác 12 rạp mở cạnh tranh ở phía Tây thành phố, chẳng những đặc biệt Thứ Ba bán hạ giá $6 dollars mà ghế ngồi rộng gấp rưỡi, chỗ để chân mênh mông, khoảng cách giữa hai hàng ghế rộng gấp hai lần bình thường nên thu hút khách khá đông.

Vì thế, chuỗi rạp hát gần nhà tôi phải hạ giá theo vào ngày Thứ Ba vì không muốn mất khách cho rạp ciné mới. Tôi bây giờ là tỷ phú thời gian, ngày nào đi xem ciné chẳng được nên tôi không ngu dại gì đi vào những ngày khác giá vé đắt hơn gấp đôi. Đi xem ngày Thứ Ba giá vé rẻ, tiền tiết kiệm được để xông vào quỹ mua nhẫn hột xoàn 20 cà-ra tặng vợ.

Tôi thích thành phố ít dân, ngày tôi đến mua vé thì hàng đứng đợi mua vé chỉ có sáu người. Có lẽ đây là lý do tại sao doanh thương ở Simi Valley dần dần sập tiệm.

Ngày xưa ở Sài Gòn tôi không hiểu tại sao rất nhiều người ngu dại đi xem ciné trong ba ngày Tết: người đông như kiến, vạch người mới thấy đất. Không có chuyện sắp hàng ở Việt Nam nên cả trăm người chen chúc, tranh lấn, đổ xô vào một lỗ hổng cửa sổ duy nhất nhỏ xíu 1 tấc x 5 tấc tranh nhau mua vé. Chung quanh tứ phía thân thể con kiến chui qua không thể nào lọt được vì áo chạm áo, quần chạm quần, da chạm da, thịt chạm thịt, người chạm người, ép sát vào nhau hơn cá hộp. Cả trăm miệng ơi ới hét inh ỏi muốn mua vé. Cả chục cánh tay cầm tiền tranh giành duỗi ra phía trước một cánh tay đưa lên hàng nghìn cánh tay đưa lên quyết thọt vào cái lỗ nhỏ xíu bán vé. Xem ciné là để được giải trí. Xem mà phải nhọc nhằn chiến đấu thanh toán tả hữu trên con đường hành trình vào trong rạp thì xem làm gì.

Trình vé cho cô nhân viên đứng ở cửa, cô gái chỉ tôi qua phía bên phải, nơi chiếu phim Tarzan là rạp số 14. Có đến 16 rạp trong đây, 8 bên trái, 8 bên phải. Một người không có gì việc làm, muốn xem ciné cả ngày thì chỉ cần mang theo mì gói ăn tối rồi xem phim liên tục từ rạp này sang rạp khác từ 12 giờ trưa đến 1 giờ đêm: chẳng một nhân viên nào soát vé một khi khách đã qua cửa chính của rạp.

Rạp hát vắng hoe, chỉ có bẩy người. Bước vào trong rạp, thoáng nhìn hàng ghế là tôi ngạc nhiên ngay. Chuỗi rạp cạnh tranh mới mở năm ngoái ở phía Tây ghế ngồi to tướng nên chuỗi rạp ciné này ở phía Đông đã tái thiết kế lại ghế ngồi. Họ dỡ bỏ tất cả ghế ngồi nhỏ san sát cũ mà thay vào đó là ghế bành to tổ bố, nệm êm, chân duỗi thẳng vẫn còn cách ghế trước một dòng sông Bến Hải. Khoảng cách của mỗi hàng ghế rộng mênh mông, gấp ba lần khoảng cách hàng ghế cũ. Rạp này ngày xưa tôi đoán số ghế ngồi phải là 120, bây giờ chỉ còn 52 ghế.

blank
Ngồi vào ghế, bật phần để chân ra, duỗi chân thẳng tắp xem phim, tôi có cảm tưởng như nằm duỗi chân ngủ trên hàng ghế máy bay hạng Thương gia của Boeing 787. Trong phút chốc, rạp chiếu phim "The Legend of Tarzan", "Huyền Thoại Tarzan", Việt Nam dịch là "Huyền Thoại Người Rừng". Tôi không thích dịch Tarzan là "Người Rừng" vì bên Mỹ có nhiều "Người Rừng" khác nhau; Tarzan thì chỉ có một. Do đó, dịch "Huyền Thoại Tarzan" mới chính xác hơn.

Với phí tổn đóng phim là $180 triệu dollars, tính đến ngày 15-Sep-2016, "The Legend of Tarzan" thu vào gần $357 triệu dollars. Số tiền bán vé thu vào ở nước Mỹ là $126.6 triệu, ở ngoại quốc là $229.3 triệu. Hầu hết tất cả phim với phí tổn vĩ đại nếu chỉ chiếu trong nước Mỹ thì thường lỗ hay huề vốn. Phải chiếu ở ngoại quốc mới có lời.

Khi còn bé tôi nhớ Tarzan đẹp giai, cởi trần trông rất lực lưỡng. Cô bạn Tarzan tóc vàng đẹp ơi là đẹp. Trong phim mới này, Tarzan (Alexander Skarsgrd) và cô bồ Jane Porter (Margot Robbie) - trong chuyện phim đã thành vợ chồng-,cũng không làm khán giả thất vọng về nhan sắc: cả hai cùng đẹp giai đẹp gái.

Đại khái chuyện phim xẩy ra vào năm 1890. Tarzan cùng cô bồ rời bỏ rừng núi về Anh Quốc thành hôn và chung sống. Tarzan trở thành John Clayton III, sống yên ổn cùng vợ mười năm trong túp lều lý tưởng với hai quả tim vàng. Túp lều lý tưởng này mấy mươi năm sau bán lại cho Hùng Cường và Mai Lệ Huyền. Hai vợ chồng nhận lời mời của một người Bỉ xảo quyệt, Captain Leon Rom (Christoph Waltz), về Congo với tư cách đại diện ngoại giao cho quốc gia Anh. Nhưng khi đến Congo thì Captain Leon Rom nham hiểm muốn bắt Tarzan nên bắt cóc Jane Porter, nhử mồi cho Tarzan phải đến giải cứu vợ mình.

Chuyện phim này chỉ xẩy ra ở Tây Phương, chứ nếu là vợ chồng Việt Nam thì làm gì mà chồng đi cứu vợ để có chuyện đánh đấm xẩy ra. Chồng Việt nghe tin vợ bị bắt cóc sẽ lén liên lạc với kẻ bắt cóc, cho thêm tiền để nó dẫn vợ đi luôn để mình rảnh tay lấy bồ nhí. Vợ mất tích vĩnh viễn không bao giờ trở về nhà là thượng sách, làm gì có chuyện chồng phải huy động muông thú khắp nơi trong rừng đi giải cứu vợ.

Giống như những phim bạo động hào hứng* bây giờ, kỹ thuật C.G.I (Computer-generated imagery) dùng khá nhiều trong những pha đánh đấm, bắn súng, khi cả nghìn muông thú đến trợ giúp Tarzan. Nếu ai vào Youtube tìm "The making of The Legend of Tarzan" thì sẽ thấy khối đoạn video cho thấy cách thức họ đóng phim này. Xem xong sẽ thấy là nếu không có C.G.I. thì phim rất nhàm chán. Đây là một clip video thí dụ:


(*Ghi chú: chữ "action", nói về thể loại phim, bây giờ ở Việt Nam dịch là "hành động". Tôi không thích chữ dịch này. Tiếng Việt chữ "hành động" chỉ có một nghĩa là "(việc) làm": Thí dụ: "Anh đó có một hành động dũng cảm"."Hành động xấu xí của người mình".

Chữ "action" tiếng Anh có đến năm, sáu nghĩa. Ngoài nghĩa "(việc) làm", trong thể loại phim ciné thì "action" nghĩa là nhiều bạo động dồn dập, hào hứng xẩy ra. Vì thế, không thể nào dịch "action" là "hành động", mà phải dịch là "bạo động hào hứng", hay là "dồn dập kịch liệt").

*

blank
Lái xe ra về, phim Tarzan mang lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm thuở ấu thơ. Ngày xưa xem nhiều phim ciné, tôi quên hầu hết tựa đề phim, nhưng không hiểu sao vài phim tôi vẫn còn nhớ vanh vách. Phim đánh võ tôi còn nhớ "Mãnh Long Quá Giang", "Long Tranh Hổ Đấu" với Lý Tiểu Long. Phim chiến tranh tôi còn nhớ "Khẩu súng thành Navarone". Phim hào hứng gay cấn tôi còn nhớ "Tình thù rực nắng"với Olivia Hussey, "Trên đường phiêu lưu đến Rio" với Jean Paul Belmondo. Phim gián điệp tôi còn nhớ"Súng Colt là giấy thông hành". Phim cowboy tôi còn nhớ "Mon nom est Pécos", và phim Tarzan thì tôi còn nhớ "Tarzan được con". Tôi không nhớ phim tình cảm nào vì ngày xưa và cho đến bây giờ tôi không thích xem phim tình cảm. Ai cho tiền tôi cũng chẳng bao giờ xem "Mùa Thu lá bay" hay "Chuyện tình cô Ba gánh nước".

Tarzan là một nhân vật huyền bí, dũng cảm, anh hùng, tài giỏi, được gái đẹp mê, không một đứa bé nào mà không thích. Rừng núi là nơi rừng thiêng nước độc, đủ thú vật giết người như cọp, sư tử, rắn, trâu rừng, voi.. thế mà tất cả đều thần phục Tarzan, chúa tể rừng xanh. Trong trí óc bé bỏng của tôi, Tarzan ở một nơi heo hút không một bóng người, cây cối um tùm, tôi không bao giờ được đặt chân đến, cũng như không bao giờ được diện kiến Tarzan. Vì thế, những năm trước đây, tôi ngạc nhiên khám phá người sáng tạo và viết chuyện Tarzan ngày xưa ở sát bên tôi ở, một thành phố tên là Tarzana, cách Simi Valley 20 phút lái xe.

Tác giả của chuyện Tarzan là một người Mỹ, Edgar Rice Burroughs (1875-1950), sinh năm 1875 ở Chicago, Illinois. Ông gia nhập quân đội nhưng được giải ngũ vì lý do sức khỏe vào năm 1897. Sau nhiều năm làm việc vất vả với lương ba cọc ba đồng bẩy năm cuối cùng làm nghề bán máy chuốt viết chì, năm 1911 ông nghỉ làm và bắt đầu viết tiểu thuyết. Một trong những tiểu thuyết ông viết là Tarzan. Khi Tarzan được chuyển từ tiểu thuyết sang phim ảnh thì danh tiếng của Edgar Burroughs nổi như cồn.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, tháng 2 năm 1919 ông Burroughs dọn về California và tháng sau mua một miếng đất lớn có một nông trại mà Burroughs gọi là Tarzana Ranch để kỷ niệm nhân vật Tarzan mình viết. Vùng này sau đó đổi tên thành Tarzana. Tarzana bây giờ có 40,000 dân, với tỷ lệ người da trắng rất cao, 70.7%.

Chẳng có gì hấp dẫn ở Tarzana nên du khách đến thăm miền Nam California chẳng cần ghé vào xem. Không có cảnh trí nổi bật. Không có phong cảnh đặc biệt. Cũng chẳng có một nhà hàng Việt Nam nào, Phở Số Một hay Chè Ba Lẹ. Tarzana như là phim ciné tôi xem khi còn bé, hay như là các cô cậu trong mục Tìm Bạn Bốn Phương. Xem phim, hay liên lạc thư từ thì rất có ấn tượng, nhưng khi gặp thì sự thật phũ phàng.

Nguyễn Tài Ngọc

http://saigonocean.com/

Tài liệu tham khảo:

http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=tarzan2016.htm

http://www.imdb.com/title/tt0918940/

Edgar Rice Burroughs - Wikipedia, the free encyclopedia

Edgar Rice Burroughs - Wikipedia, the free encyclopedia

Ý kiến bạn đọc
12/10/201613:34:33
Khách
" Lần cuối cùng tôi đi xem ciné có lẽ là khi vua Bảo Đại lấy vợ rồi phong luôn cho vợ là Nam Phương Hoàng Hậu, làm nhân gian xì xà vì vợ vua khi còn sống chỉ mang được tước Hoàng Phi, vua ngủm củ tỏi thì mới được mang chức Hoàng Hậu, hay có lẽ là lúc vợ của vua Trần Nhân Tôn vào nhà thương Từ Dũ sinh Huyền Trân Công Chúa."?. Tôi không phải là người yêu thích chế độ bảo hoàng thời phong kiến, nhưng tôi tôn trọng lịch sử VN. Thiết nghĩ dù tg cố tình viết văn theo lối ...diểu dở đi nữa, cũng nên dùng lời lẽ có giáo dục hơn.
09/10/201606:47:59
Khách
1. "Ngày xưa ở Sài Gòn tôi không hiểu tại sao rất nhiều người ngu dại đi xem ciné trong ba ngày Tết".
Một câu nói vô .......... (xin tự hiểu) như vậy mà cũng viết lên được.
2. " muốn xem ciné cả ngày thì chỉ cần mang theo mì gói ăn tối rồi xem phim liên tục từ rạp này sang rạp khác từ 12 giờ trưa đến 1 giờ đêm: chẳng một nhân viên nào soát vé một khi khách đã qua cửa chính của rạp.".
Nếu tác giả ngụ ý làm như vậy mới là người "khôn ngoan" thì tôi xin nói đó là hành động của kẻ vô ......... (xin tự hiểu). Con người văn minh & có lòng tự trọng không ai làm như thế. Rạp hát ở Mỹ hầu hết họ không gác cửa khám vé từng rạp nhỏ vì hầu hết khán giả tôn trọng luật của rạp, nếu ai muốn xem thêm phim khác thì họ đi ra mua vé của phim đó mà coi tiếp (rạp hát nào cũng post rõ như thế), còn ai muốn coi lậu thì tự vấn lương tâm mình.

Thật tiếc cho thời gian bỏ ra để đọc bài này.
08/10/201613:52:19
Khách
Đọc xong bài viết của ông tôi rất xúc động. Xin nói rõ xúc động vì ông nhắc lại chuyện coi xi nê mà thời thơ ấu ở Huế, lũ con nít chúng tôi ai cũng mê.
Từ trường tiểu học Hương Trả tan học đi về nhà, đi ngang qua bến xe đò Bao Vinh thấy căng tấm màn trắng trên cuối bãi đậu xe là thằng nào cũng hớn hở la to, chiếu phim, chiếu phim tụi bây ơi. Thời đó khoảng năm 1960 , lâu lâu ty thông tin có tổ chức chiếu phim ở các bãi đất trống trong làng.
Khoảng nửa tiếng sau là cả lũ tập hợp đầy đủ tại bến xe bàn tán xôn xao. Tối nầy tao nghĩ là chiếu phim cao bồi. Tại sao mi biết. Tao nhìn qua cửa xe chiếu phim thấy một tấm ảnh vẽ hai thằng cao bồi....đánh kiếm. Không biết bây giờ Holywood đã sản xuất loại phim đó chưa ?
Ở quê ngoại Bao Vinh thì lũ con nít có gì đâu mà coi. Lâu lâu thì xuống Địa Linh, làng kế Bao Vinh, coi hát bội mà lâu lâu mới có.Đứa nào cũng mê coi vua râu dài ngồi bên hoàng hậu đẹp như tiên ra lệnh chém đầu đứa nầy đứa khác. Nhưng có một lần đi về Địa Linh ngang qua rạp hát, thấy một khuôn mặt quen quen đang ngồi chò hỏ ăn bún bò.Nhìn kỹ lại thì đó là vua mà mình coi tuồng tối hôm qua. Từ đó không mê coi nữa vì thấy vua mà bụi đời quá không oai phong gi hết ,mất vui.
Lớn lên học luật khoa Huế thì máu mê xi nê vẫn còn. Đi học về đi ngang qua rạp chiếu bóng LiDo hay Châu Tỉnh thấy có phim mới qua bảng vẽ quảng cáo trước rạp thì một hai ngày sau cũng ráng đì coi Vương Vũ, Khương Đại Vệ đánh nhau.
Đánh dưới đất rồi nhảy lên nóc nhà đánh, đánh đủ kiểu....Mấy thằng đánh nhau từ sáng tối chiều không biết mệt không mà mình coi quá mệt và đói bụng quá..
Sau 1975 thì coi phim xã hội chủ nghĩa. Bây giờ thì không cần đọc phụ đề Việt Ngữ mà nghe thuyết mình do một cô lật giấy đọc những lời đối thoại của nhân vật trong phim. Có một lần người đọc lời đối thoại của ba bốn nhân vật trong phim như sau, thưa các bạn lúc này là các diễn viên đang cãi nhau.Thật là rõ ràng và minh bạch. Một lần khác trên màn ảnh nàng và chàng đang dẫn nhau đi chơi mà thuyết mình thì toàn là những lời gây lộn ầm ĩ.Sau đó thì người thuyết mình cho biết là đọc .....lộn trang.
Thời bây giờ thì coi tivi, coi phim bộ..người mình yêu bây giờ trở thành vợ rồi đâu còn thú dẫn nhau đi coi xi nê như thuở nào.
08/10/201611:59:52
Khách
" tiền tiết kiệm được để xông vào quỹ mua nhẫn hột xoàn 20 cà-ra tặng vợ"
sung vào quỹ ???
"Sau Đệ Nhị Thế Chiến, tháng 2 năm 1919"
Sau Đệ Nhất Thế Chiến, tháng 2 năm 1919 ???
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,994,411
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến