Hôm nay,  

Yêu Thương

27/09/201600:00:00(Xem: 14031)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 4928-18-30628-vb2092616

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Công việc hàng ngày của tác giả là chăm sóc ông chồng sĩ quan cựu tù bị tâm thần suy nhược. Sau đây, thêm viết mới.

* * *

Sáng nay khi thức dậy, mặt trời đã lên cao. Nhìn giường bên cạnh, không thấy bà xã tôi đâu. Chắc bả đã dậy và đang lo bữa sáng cho tôi dưới bếp.

Tôi cần đi tiểu vì đêm qua ngủ say tôi không đi tiểu đêm như mọi bữa. Đưa tay tìm cái máy gọi. Nó đây rồi. Bà xã tôi đã gài nó ngay bên gối chỉ cần đưa tay là gặp. Tôi lần mò ngay nút bấm. "Đính.. đoong..., đính...đoong" tiếng kêu nghe vắng vẳng dưới nhà.

Chỉ một phút sau bà xã tôi đã mở cửa phòng bước vào:

- "Dậy rồi hả ông?...Gì đây? Mắc tiểu phải không?

Tôi ậm ừ trả lời vì nước miếng đã đầy trong miệng. Nhưng bà xã tôi biết tôi nói gì rồi. Bả đã quen với những ậm ừ hay tiếng nói lùng bùng của tôi.

Bà lại bên giường, bóp bóp chân tôi cho mềm lại. Xong tay trái luồn dưới khuỷu chân tôi, tay phải dưới cái cổ và thật nhanh bà xoay người tôi ngồi dậy. Đã là một thói quen với cách đở như vậy mỗi khi bà khỏe, lưng và vai không đau. Chắc là bà vừa tập thể dục buổi sáng xong, tay chân còn ngon lành.

Thường vào buổi chiều hay những lúc mệt. Bả lôi hai chân tôi trước bỏ qua một bên rồi dùng cả hai tay đan lại dưới cổ tôi rồi lôi và xoay người tôi ngồi dậy.

Chưa xong đâu, bà ôm lấy đầu tôi rồi xoa lưng cho tôi giãn gân cốt. Bởi qua một đêm lưng tôi cứng đờ, đau nhức lắm. Xong bà ngồi xuống lấy vội đôi dép tròng vào chân tôi rồi dùng thế kéo tôi đứng dậy. Bà phải làm liền sau khi xong phần xoa bóp vai, vì nếu không tôi sẽ bật người nằm ngang trên giường mà không sao gượng nỗi.

Cái lưng của tôi nó thật oái oăm. Khi nằm vừa ngồi dây có cứng đơ cứ trơ ra như thế. Nhưng khi đứng lên hay bước đi thì nó lại cong xuống. Muốn kéo nó đứng thẳng lên thì không thể nào. Có hôm chân tôi không gượng đứng lên được, lại té ngồi trở lại giường. Có hôm cả hai vợ chồng liêu xiêu cùng muốn té.

Bà xã tôi kẹp một bên nách cho tôi đứng thật yên rồi dìu tôi đi tiểu. Tôi không thể kể phần tiếp theo vì mấy cái việc đó chi li, nói ra thêm buồn cho sức khỏe của tôi bây giờ. Nói chung tôi chỉ việc tiểu còn mọi thứ bà xã tôi làm tất.

Sau phần vệ sinh buổi sáng, Bả dìu tôi xuống nhà và phần ăn sáng đã nằm sẳn trên bàn. Chêm thêm một cái gối dưới ghế cho tôi khỏi đau hai cái mông ốm nhách, trơ xương. Rê cái ghế cho đúng tầm của tôi, bả kêu tôi ngồi xuống. Giọng của bả cũng như mọi khi:

- Ông xuống sữa hay uống cà phê ?.

Tôi chọn sữa. Một lon sữa Insure plus, hai lát bánh mì kẹp trứng gà và một trái chuối là tiêu chuẩn bửa sáng hôm nay. Một cái khăn choàng được bả may sẳn và lót ở đùi tôi. Ngồi một bên bả vừa nói chuyện vừa phục vụ.

Ăn xong, là tới màn uống thuốc. Loại thuốc đau bao tử được bả tháo ra cho vào một cái ly thật nhỏ hòa nước. Vậy mà tôi uống đến 2 lần mới xong. Các thuốc khác từng viên nhỏ đươc bả bỏ vào miệng cho tôi uống.

Cái ly uống nước của tôi mới là đặc biệt nghen. Đó là cái ly của đứa cháu nội về thăm bỏ quên lại. Cái ly có ống hút dính liền nhau thật tiện lợi cho bà xã khỏi đi lấy ống hút phiền hà. Sữa, cà phê hay nước cứ thế mà dùng. Khỏi phải lôi thôi cầm cái ly uống mà tôi không cách nào ngữa cổ được.

Kéo cái ghế và dìu tôi đứng dậy, bả vỗ vỗ lưng tôi mấy cái rồi bảo tôi exersice. Đã tới giờ tôi tập đi bộ.

...

Mùa hè Cali mới hơn 9 giờ mà nắng đã oi bức chói chang. Con gái tôi đi làm buổi sáng nên garage trống biến thành sân tập thể dục cho tôi. Bà xã tôi đã mở cửa thông xuống nhà xe và sẳn sàng chiếc xe đẩy. Thường thì tôi ngồi lên để bả đẩy đi nhưng giờ này là giờ tôi phải đẩy nó. Tôi đẩy nó đi lòng vòng trong nhà xe trống trải để tập cho đôi chân của mình linh hoạt một chút.

Hai cái chân của tôi bây giờ nó cũng phản bội lại tôi. Mà không, nói như vậy cũng tội cho nó. Bao nhiêu năm lên rừng xuống núi nó đã tận tụy phục vụ cho tôi tối đa. Có nhiều lần quá mệt mõi, tôi đã để cho nó quỵ giữa đường vì sức nặng của bó tre nứa chặt trên rừng. Nó cũng bị thương đôi bận khi tôi bắt nó làm việc quá sức hay vô tình chặt trúng. Có một lần đạp gai tre, bàn chân sưng to nhức nhối. Một dạo tôi bị phù thủng cả người và đôi chân sưng như chân voi. Tưởng đâu tôi đã phơi thây ngoài rừng vắng. Vậy mà mọi việc cũng qua như có ơn trên giúp đở.

Nó và tôi đôi bạn thâm niên trên cùng cơ thể. Nhưng bây giờ nó đã không còn nghe tôi điều khiển. Khi tôi muốn bước tới thì nó dán chặt xuống nền nhà. Khi tôi muốn nhấc nó lên thì nó dính chặt trên giường. Nó và tôi cần phải hợp tác với nhau để vợ con tôi đỡ vất vả. Đó là lý do mỗi ngày tôi bắt nó phải cùng tôi đi dạo loanh quanh trong cái nhà xe này.

Nói đi dạo thì cũng tôi cho tôi, bởi có gì mà xem ngoài hai cái máy giặt máy xấy và đồ đạc lỉnh kỉnh được xếp gọn gàng trên kệ. Còn nữa chớ, còn hai cái máy may kiếm cơm ngày xưa của bà vợ. Và còn con chó Lucy đang nằm ngủ ngon lành một bên góc cửa ra vào. Con chó được bả cho vào đây trốn cái nắng hè oi nồng chảy mỡ ngoài kia.

Đi được một lúc thì cái lưng của tôi quá mỏi. Nó cong xuống, cong xuống đau đớn. Nước miếng tôi chảy tràn ra ngoài cái khẩu trang bả đã lót khăn giấy bên trong. Tay tôi bíu chặt tay vịn xe đẩy. Mọi thứ như có nam châm hít cứng. Tôi nghe trong tôi có tiếng nói:

- Ngẩng lên, ngẩng lên. Ráng lên một chút

Nhưng lưng, đầu tôi không tôi ngẩng lên được. Nó cứ cong xuống, cong xuống tê cứng, đau đớn, mệt thở không ra hơi. Cái đầu truyền lệnh xuống cái tay tôi:

- Ê ! Tới phiên mày làm việc đi chứ. Bấm ngay, bấm ngay.

Cái tay tôi lần mò trong túi quần. Trời ơi sao mà lâu quá vậy, nhanh lên nhanh lên không thôi cái lưng nó gãy, chân nó quỵ bây giờ. Đính đoong...đính..đoong. Tiếng kêu vẵng lên từ phòng ăn và bà xã tôi xuất hiện. Ôi! Em đẹp nhất giờ này, em đẹp nhất trong cuộc đời của tôi.

Bà xã tôi gở tôi ra khỏi tay nắm bíu chặt và dìu tôi đi. Cái chân nặng nề của tôi nhấc khỏi nền gạch. Lưng được bả kéo lên và vỗ mấy cái cho máu lưu thông. Một sự co giản thoải mái giúp tôi thở ra một hơi dài. Như được lôi ra khỏi thỏi nam châm hít cứng, chân tôi đã có cảm giác và tôi bước theo vợ. Từng bước bả dìu tôi lại ghế. Đặt tôi yên vị, bả bấm máy cho ghế bật thẳng ra, cho máy massage hoạt động. Tôi nhắm mắt lại chịu đựng và để mặc cho bả làm gì thì làm. Tôi mệt lắm rồi.

Tôi thiếp đi trong mơ màng và mệt mỏi. Có tiếng kêu của bạn bè gọi đi học. Tiếng thằng Tiêu, thằng Hiến, thằng Đoan vang lên trong đầu tôi. Chúng tôi mấy đứa trong làng được đi học Nguyễn Hoàng. Một trường Trung học công lập ở tỉnh Quảng Trị. Ba đứa tôi như ba chàng ngự lâm pháo thủ sáng sáng áo quần tề chỉnh đến trường. Hết trường làng ra trường tỉnh. Những chuyến xe đò đi về hàng tuần. Tôi ở trọ nhà Dì Dượng Nuôi đi học, dạy mấy đứa con của dì và mỗi tháng mạ tôi đóng cho dì 60 lon gạo. Tôi thấy mình giúp dượng Nuôi thụt ống bể lò rèn. Phì, phọp, phì phọp, lên xuống, lên xuống. Những cục than đỏ hồng, những hoa lửa tóe lên đẹp mắt...

“Hải.. i... ơi, Hải. Đi bơi hè!”

Tiếng thằng Đoan gọi đi tắm sông vang lên bên hàng rào tre tàu ngăn đôi nhà tôi với nhà dì Hiếu. Chúng tôi cởi trần lội từ bên này bờ sông Ô Lâu, lội qua bên Mỹ Xuyên rồi lội về lại Câu Nhi. Mấy đứa lội không biết mệt, cười đùa không mệt. Những đêm hè đàn hát thật vui,những buổi tối xây đụng rơm vui tở mở. Bây giờ tụi nó ở đâu hết rồi, tụi nó có như tôi không? ôi sao tay chân tôi cứng ngắt thế này. Làm sao bơi đây.Làm sao... làm sao... hình như tụi nó nhào tới, nắm tay tôi kéo lên... kéo lên.

- Trưa ngủ mà cũng mớ. Cái ông ngoại này thiệt tình.

Bà xã đang nắm tay tôi lắc lắc và bấm máy cho cái ghế nâng tôi cao lên một chút.

- Bộ ông mơ cái gì nữa hả?

- Tui đang mơ tắm sông với thằng Đoan, thằng Tiêu.

- Với chị Liên nữa phải không? Người đẹp của lòng ông mà.

Bà xã tôi nói xong lại cười chọc quê. Cô Liên con Mụ Hộ bên nhà, mạ tôi tính rước về làm dâu đã bị bà xã tui chiếm mất chỗ. Rồi bả lại cười cười:

- Lúc đi tắm ông mặc quần hay cởi truồng?

- Hỏi chi bá láp vậy?

- Chứ không phải vậy sao? tui bị gặp một lần tởn tới già. ha ha.

Bả lại nhớ cái thuở về làm dâu quê tôi. Một lần bả đi giặt đồ dưới bến sông. Dượng Trà bên nhà xuống tắm. Ông ta tắm truồng làm bả gom đồ chạy về nhà không kịp.

Quê tôi với con sông Ô Lâu nước trong vắt, nhìn xuống thấy cả đáy sông. Những con cá lội yên bình. Những lũy tre trồng dài dọc bờ sông. theo những lối đi thẳng tấp mát rượi.Tiếng ghe chài gõ đều đặn vây cá quăng lưới. Có tiếng hò văng vẵng dưới sông. Có đò máy ghé vào bến chợ. Cái chợ làng quê thân quen nhóm ngày hai buổi. Bên trong chợ có mấy quán hàng quen thuộc của mụ Khóa, Mụ Đội, chị Thảnh, cô Tuất. Bên ngoài dưới tàn mấy cây bàng râm mát, những trẹt hàng rau quả tươi ngon hái từ vườn nhà. Gần bờ sông các người dưới vạn lên bán cá tôm còn nhảy soi sói.

Chú Đinh đem bán cho mạ con cá diết thật to. Mạ rửa sạch và thả vào nồi cháo đang sôi. Con cá vẫy lên một cái rồi năm im. Tội quá mạ ơi!.

Đò máy ghé vào bến nhà. A! Mạ đi chợ Mỹ Xuyên về., Mạ về....

- Ông lại buồn ngủ nữa hả? Nằm ngay ngắn lại không thôi máu chạy không đều lại bị mớ.

Cái ghế lại được bấm cho ngã ra. Bà xã tôi sửa tay chân tôi cho đúng thế nằm. Cảm giác ấm áp thân quen. Như mạ tôi, ờ như mạ tôi từng chăm chút tôi như vậy.

Mạ tôi vận cái áo dài màu cánh ván đi ăn kỵ. Mạ cười, hàm răng đều đặn, đen nhánh. Tôi không muốn mạ bước thêm bước nữa. Tôi ghét mấy ông hay đến nhà vờ mua vài xấp thuốc Cẩm Lệ rồi ngồi uống trà, nói dông nói dài với mạ. Tôi nói với mạ: "Con không muốn mạ lấy dôn. Mạ là của con "Mạ bước tới, tôi bước tới. Mạ bước lui tôi chạy lui. Tôi là con trai cưng của mạ. Mạ ôm lấy tôi và em gái:"Mạ không lấy dôn. Mạ chỉ thương các con thôi".

Và rồi tôi bỏ mạ đi học xa. Mạ lại lo cho tôi từ Quảng Trị đến Huế. Từ trường Nguyễn Hoàng đến trường Quốc Học. Tôi vào Sài gòn học Đại học mạ lại thỉnh thoảng vào thăm. Tôi bị động viên vào Thủ Đức mạ vào ở trọ nhà dì Sen ở Gò Vấp để đi thăm tôi mỗi tuần....

...

- Hải ơi Hải! Sao con ốm vậy con!

Mạ tôi đứng lên đón tôi trong láng trại. Tay khệ nệ mang đồ thăm nuôi đem tới cái bàn có người cán bộ đứng sẳn. Mạ ốm và đen. Mạ lặn lội gồng gánh nuôi con ở tù. Mạ lôi ra nào bánh đường, nào ruốc, nào muối, thịt kho xả ớt., cá bóng kho tiêu....

Mạ hỏi tôi "Có khỏe không con?". Tôi nuốt nước mắt vào lòng để cười với mạ. "Con khỏe, học tập tốt, lao động tốt. Con sẽ về sớm, mạ đừng lo"

Rồi tên cán bộ la to "Hết giờ thăm nuôi" Tôi xách bị đệm tiếp tế theo lệnh đi vào. Ngoái lại thấy mạ còn đứng đó nhìn theo. Chắc mạ về đường xa mệt lắm. Giá có một người bên cạnh săn sóc, giúp đỡ cho mạ bây giờ. Con ích kỷ quá. Con ngu khờ quá Mạ ơi!

...

Tôi đưa mạ đi lọc máu. Máy chạy xè xè, xè. Mạ nằm đó người xanh mướt mệt nhọc. Bệnh tiểu đường đã phá hủy cơ thể mạ. Một ngón chân đã bị cắt để khỏi nhiễm trùng. Con người mạ còn da bọc xương. Mạ khóc, hai giọt nước mắt lăn dài nhìn tôi nấm nuối.

Mạ ơi! con cũng mệt lắm rồi. Chân con cũng nhức, tay con cũng mõi Nó không nghe lời con. Nó kéo ghì người con xuống, nó làm con mệt thở không ra hơi. Nó làm con không tha thiết gì hết. Mạ ơi! con muốn nói mà không sao thốt ra lời. Con đau đớn yếu đuối lắm mạ ơi, mạ ơi...

- Ông! Ông! tỉnh lại. Lại mớ nữa rồi. Chi mà kêu mệ dữ vậy.

Tôi mở mắt. Thì ra đang nằm trên ghế. Bà xã hiện ra trước mặt.

- Mệt quá, ông cứ mê mê mớ hoài. Thôi dậy đi ông.

Cái ghế được bấm bật lên và bà xã tôi dìu tôi đứng dậy:

- Tui muốn coi hình mệ.

- Ông phải hứa với tui là không được khóc, tui mới lấy cho coi.

- Ờ! Khóc gì. Mệ chết lâu rồi mà.

- Giỏi! Nhớ nghen. Mệ chết lâu rồi. Coi thôi, chớ không khóc.

Tôi được đưa tới bàn, được lót gối cho êm hơn và bà xã tôi đi lấy quyển album.

Chúng tôi qua Mỹ theo diện HO cũng đã hai chục năm hơn. Hồi mới qua cả nhà đi Nha sĩ, ông nha sĩ bà con trong gia đình. Ổng nói phải clean răng. Hàm răng từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ chưa bao giờ được tẩy rửa chùi sạch như vậy. Những mảnh vôi bắn ra nghe rõ ràng trong miệng. Hàm răng cáu thuốc vàng khè mấy chục năm của tôi, được chùi rữa sạch sẽ trắng bóng như chưa bao giờ được như thế.

Còn mạ tôi. Nè cái hình bà đi nha sĩ về. Bà đưa tay chỉ vào hàm răng được nha sĩ cà cho bớt đen. Bà tiếc hùi hụi màu đen nhuộm thật đẹp thời con gái. Bà có tiếng đẹp trong làng và hàm răng là điểm bà hảnh diện nhất. Vậy mà giờ này bà phải chịu cho nha sĩ mài tới mài lui cho bớt đen.

Mạ cười đứng bên con cháu. Hình này là sinh nhật của bà. Hôm đó nhóm thằng Nam, thằng Sự tới thăm và tụi nó gợi ý làm sinh nhật sớm cho mệ. Mấy đứa bạn hồi học chung ESL kết làm anh em rất là tình nghĩa. Và Mệ cũng nhận tụi nó làm con nuôi luôn. Thế là Sự chở mấy bà đi chợ và tiệc tùng được làm liền. Mệ mặc áo dài màu đỏ gụ điểm hoa đứng chụp hình quá đẹp. Mấy đứa con từng gia đình đến chụp hình với mệ.

 Đây là gia đình thằng Sự, thằng Nam, thằng Đạm. Tội nghiệp thằng Nam, nó chết bỏ lại bầy con 6 đứa còn nhỏ.

Tôi ngồi lật từng trang album. Những tấm hình đi qua đi qua. Hình Mạ, hình tôi, hình con hình cháu. Và chúng tên gì, sao nhìn mặt quen quen. Cái lưng tôi lại than đau. Nó muốn nghỉ ngơi, nó không muốn ngồi nữa. Tôi ngã theo nó và mệt quá chừng.

- Ông! Thẳng lên.

Bà xã tôi lại chạy tới đẩy cho người tôi thẳng lại. Nước miếng tôi chảy dài ướt cả cái khăn lót.

- Thôi! Lên phòng nghỉ đi ông! Chút nữa rồi ăn cơm.

Và tôi được nằm dài trên giường, giường được bấm cho đầu cao lên, chân đúng tầm và tôi lênh đênh trong cơn mê ngủ chập chờn.

Mạ ơi! Mạ ơi! Con mệt quá.

...

Chị ngồi trước bàn máy computer. Màn ảnh đã đóng lại. Chị đang lắng nghe chồng nói.

Anh đang cố gắng nói về tuổi thơ của mình. Giọng anh lùng bùng không rõ. Nhưng đó là tất cả sự cố gắng của anh. Khúc phim đời một lúc nào đó trở về. Anh kể về một thằng bé 12 tuổi theo chuyến xe đò đi về Quảng Trị để học. Thằng bé mồ côi cha lém lỉnh. Bám theo các mụ bán hàng để anh lơ xe tưởng là con cháu họ để không lấy tiền. Có khi nó ngồi xuống sàn xe bên cạnh mấy giỏ đồ, để tiết kiệm mấy đồng má cho để mua sách. Thằng bé đó giờ là chồng chị đang nằm đây. Giọng anh run run yếu đuối. Đầy cảm xúc anh kể cho chị nghe một thời tuổi nhỏ.

Thỉnh thoảng chị chêm vào một câu hỏi, kích thích não anh hoạt động và xem thử anh còn nhớ được bao nhiêu. Bất ngờ anh hỏi chị:

- Mẹ mày đang viết về tui hả?

Chị bất ngờ khi nghe chồng hỏi. Chị không phải là nhà văn, chị cũng không có tài để làm câu chuyện trở nên hấp dẫn. Chị không có ý định viết về tâm trạng của người bệnh, một người chồng mà chị yêu thương và tôn trọng. Nhưng câu hỏi của anh cho chị nghĩ lại. Chị thông cảm với chồng những lúc đau đớn và thất vọng. Chị cũng như hòa mình với chồng những lúc cơ thể bị hoành hoành. Những lúc tâm trạng anh bực bội cùng cực. Và chị thay đổi ý định.

Chị bật máy và bắt đầu viết.

Mỗi một người đều có những bi ai. Cái bi ai lớn nhất là đối diện lâu dài với bệnh tật. Không thể thoát ra mà cũng không muốn chịu đựng.

Chồng chị là một người như thế. Nhìn anh ấy cong người xuống với những cơn đau, chị thấy lưng mình như cũng mỏi.

Anh ấy luôn nhớ về mẹ, người mẹ già một nắng hai sương lo cho con hết cả đời mình. Mẹ chồng chị ở góa khi còn rất trẻ. Cha chồng chị chết vì bệnh thương hàn khi tuổi trung niên. Ông là con một của một gia đình hiếm hoi. Chồng chị lúc ấy mới chừng 4 tuổi. Thằng bé bốn tuổi chưa biết buồn về sự mất mát của người cha.

Con còn nhỏ, bà buôn bán nuôi con ăn học. Khi con trưởng thành bà đã theo con từ làng quê ra tỉnh lỵ. Từ Quảng Trị vô Sài Gòn. Từ Sài gòn xuống Biên Hòa. Từ Biên Hòa ra Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng về Quảng Trị. Khi chồng chị hết tù CS, bà cũng bỏ làng quê, theo con vào Nam. Cuối cùng cả gia đình được xét duyệt đi Mỹ theo dạng HO. Nhiều ngày đêm suy nghĩ cuối cùng bà cũng bỏ tất cả để xuất ngoại cùng con. Dù biết đó là một chuyến đi không trở lại. Chưa được một lần về thăm quê, mẹ chồng chị đã chết nơi xứ người. Đó là nỗi bi ai khiến chồng chị trụy tim suýt chết và suy sụp cho đến bây giờ

Cuộc đời anh thăng trầm và buồn nhiều hơn vui. Những kỷ niệm khi nhớ khi quên chấp vá lẫn lộn trong đầu. Có khi nhớ thật kỹ về một chuyện thật xa xưa. Nhưng cũng có khi dường như quên tất cả.

Chiều nay ngồi xem hình cũ anh ấy lại nhớ mẹ và nhớ mấy đứa con. Người mẹ thì không thể nào tìm lại còn con thì sẽ có ngày về thăm. Những đứa con trai ông cưng như ngọc như vàng. Nhưng cũng nghiêm khắc và độc đoán trong vấn đề giáo dục. Chúng là một phần trong đời sống của ông vậy mà bây giờ đôi khi ông lẫn lộn không nhớ tên hay quên bẳng đi chúng đã có con và con chúng tên gì.

Giờ đây cả hai thằng con đều không ở bên cạnh. Chúng cũng như ông đi theo những quyết định riêng mình. Những người con trưởng thành như chim đã đủ lông, đủ cánh bay xa. Bỏ lại cha già với ngàn trùng thương nhớ.

...

Buổi tối, không gian im ắng. Các con, cháu đều đã rút vào phòng sau một ngày làm việc và học hành. Căn phòng anh chị chỉ có tiếng máy quạt quay rè rè. Chị ngồi trước máy và đối diện với chính mình.

Chị nhìn chồng ngủ bên cạnh trong tiếng ậm ừ khò khè của nước miếng vướng cổ, chị lại chạnh lòng. Một thời ngang dọc, hành quân đánh trận liên miên. Cuộc đời anh ít khi được sum họp gia đình. Ngày tàn chiến cuộc lại bị giam thân tù nơi rừng thiêng nước độc. Anh nhiều phen gần như chạm vào lưỡi hái của thần chết. Tất cả đã vuợt qua, nhưng những hậu chấn của nó bây giờ thành hình, phát tán khi cơ thể đã cạn nguồn năng lựợng. Nó như virus âm ỉ nằm trong ngũ tạng, lục phủ chỉ chờ có dịp là vùng dậy. Mẹ chồng chị đau bệnh triền miên, ra vào bệnh viện nhiều lần. Tất cả những lo âu, hốt hoảng, bất an nơi anh,là cơ hội để chúng vùng dậy chiếm cứ mọi phòng tuyến và đánh ngã anh ấy.

Ngày mẹ mất, anh gục xuống thảm thương. Mọi việc chị phải gánh vác. Thầy làm lễ phát tang, người ta phải giúp anh mặc áo và dìu anh quỳ xuống. Thằng con lớn thay anh dâng cơm cúng bà. Chưa hết 49 ngày tang chế chị phải gọi 911 đưa anh đi cấp cứu. Bác sĩ nói tim anh đã ngưng đập một lúc và rồi đập lại. Mọi việc vẫn tiếp tục như thời gian đi qua. Sức khỏe của anh cũng tàn rụi theo nó. Mỗi ngày anh đối diện với trùng trùng u uất. Anh như đứa trẻ thiếu mẹ là thiếu tất cả. Vợ con, bạn bè không xóa được nỗi hối hận của anh. Nói gì cũng mặc, khuyên thế nào cũng không được. Anh dìm người trong quá khứ và anh suy sụp nhanh chóng.

Từ anh, chị rút ra một triết lý sống để có thể đứng vững mà lo cho chồng. Hãy nhẹ nhàng với tất cả mọi việc. Ngày mai chưa tới, ngày trước đã đi qua. Hãy vui mỗi ngày và đối diện với khó khăn để an bình và tự tại. Anh ôm đồm nhiều quá. Anh tin tưởng nhiều quá, thương yêu nhiều quá để rồi anh thất vọng và chán chường bằng gấp đôi sự tin tưởng anh đã bỏ ra. Cuối cùng anh đã ngã gục.

Người mẹ yêu kính nhất không thể giữ hoài bên mình. Mẹ ra đi là điều không thể tránh. Sao lại ôm mãi nhớ thương để tự hũy hoại mình. Bạn bè chiến đấu và cả những người bạn tù dù có hoài niệm cũng chỉ là quá khứ. Hãy quên đi để sống và để làm một điều gì đó cho họ hợp lý hơn. Căm ghét kẻ thù là hãy sống vui, sống mạnh, vạch mặt chúng ra cho thế giới biết, cho mọi người cùng biết.

Đã muộn quá rồi. Bây giờ anh muốn kể cũng không thể nhớ. Anh muốn làm một cái gì đó cho riêng mình cũng không thể được.

Chị nắm tay chồng. Những ngón tay xương xẩu, xanh xao. Bàn tay mạnh mẽ, cánh tay vững chắc đã từng âu yếm dìu chị đi. Bây giờ hàng ngày chị phải lau rửa, nắm lấy để cùng anh đi hết quảng đường đời.

Chị tự nhủ mình: Hãy bình tỉnh và chịu đựng. Chăm lo, yêu thương chồng không phải suy luận một chiều. Không phải chỉ nhìn chăm chăm vào đó mà quên tất cả xung quanh. Hãy sống cho chồng, lo cho con và những người yêu thương bên cạnh mình. Hãy dành cho mình một niềm vui nhỏ để bám víu.

Gia đình, con cái, bạn bè và viết. Viết những khi mình vui, những lúc mình buồn và nói ra những gì mình nghĩ. Những con chữ trên màn hình là phương thuốc tốt nhất để chị quên đi tiếng rên đau đớn của chồng. Những khó chịu, trở tính và cả những hành động không mấy đẹp khi anh bực bội. Tất cả đều là nghiệp mạng của anh và của chị.

Đối diện và yêu thương là phương pháp tốt nhất để chị luôn nở nụ cười.

Mây trôi về núi mù xa.
Thương chồng đau yếu lời ca nghẹn ngào
Trăng thề vàng võ xanh xao.
Ngẩn ngơ bám víu bạc màu thời gian.
Đường trần vạn nẻo gian nan
Lạc loài tâm thức bạt ngàn nẻo xa.
Định tâm tìm một lối ra
Biết đâu là bến, là nhà phù du
Trầm luân bởi vụng đường tu
An nhiên tự tại thiên thu chốn về.

Tháng 8/2016

Nguyễn thị Thêm

Ý kiến bạn đọc
09/10/201603:16:47
Khách
Tôi thích lối viết của chị.Trong một khuôn giấy, chị đã thả xuống những thăng trầm của đời quân nhân, tình mẹ con, tình yêu vợ chồng và tình quê hương man mác. Chắc chị phải yêu anh ấy nhiều lắm. Câu chuyện tự sự thật lôi cuốn và cảm động bởi chị đã đẩy hết tình cảm vào con chữ, chân thành và sâu lắng một cách tuyệt vời...Chúc tác giả an mạnh và mong sẽ được đọc thêm những bài viết sắp đến. Kính.
06/10/201620:24:35
Khách
Trân trọng cám ơn tác giả. Xin cầu chúc cho Anh nhà bình an và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của Chị.
Văn là cuộc đời. Nếu ai chỉ muốn văn diễn tả lá vàng, thu tím mộng mơ... thì... hơi tiếc cho họ.
29/09/201600:27:33
Khách
Hay quá ! Tình mẫu tử, tình vợ chồng, và kiếp con người trôi nổi theo vận nước được diễn tả qua ngòi bút của một người đã được giải thưởng danh dự .
28/09/201615:02:39
Khách
Gởi Tuan Tran
Rất tiếc là bạn không hài lòng về bài viết. Nhưng đây là thực tế cuộc sống ở Mỹ mà phần lớn mọi người đều sẽ trải qua. Nếu có bài viết nào do chính tay bạn viết ra để chia sẻ thì mong được bạn gởi đến VVNM nhé!
28/09/201614:34:25
Khách
Ông Tuấn Trần,
Đọc mà không hiểu thì ngậm luôn, thà đừng nói ra người ta nghĩ mình ngu, chớ nói ra làm người ta biết mình ngu thiệt.....là ngu....hì...hì....
27/09/201620:04:44
Khách
Chị Thêm là điển hình cho mẫu phụ nữ:
Cô gái Việt Nam ơi !
Nếu chữ "hy sinh" có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
( thơ Hồ Dzếnh )
27/09/201620:00:35
Khách
Hết đề tài rồi hay sao mà viết nội dung toàn là tào lao, đọc xong bài này thấy nội dung thì vô vị, chả có nội dung ý nghỉa gì hết, toàn là những chuyện gì đâu đem ra viết không mang theo thông điệp gì hết. Câu chuyện vệ sinh cho chồng cũng đem lên báo thì thơ văn hay là VVNM chả ra trò trống ý nghĩa gì nửa. Kỳ sau hi vọng có bài nào hay thì nên đăng còn không dẹp luôn VVNM luôn đi.
27/09/201619:05:54
Khách
Con cũng có Cha bệnh tật vì tù CS 10 năm. Con rất trân trọng tình cảm và sự chăm sóc của Bác gái dành cho Bác Trai. Kính chúc Bác được vui vẻ và sức khoẻ để lo lắng Bác Trai từng ngày.
27/09/201618:35:54
Khách
Chị quả là một người vợ hiếm có, đáng được khen ngợi, nhưng mỗi lần xem bài viết của Chị khiến cho người đọc phải suy nghĩ và rất lo sợ về những tai ương bệnh họan của tuổi già.
27/09/201618:25:18
Khách
Bài viết thật cảm động làm người đọc cũng phải nhỏ lệ thầm và cảm phục trước tấm lòng hy sinh cao cả, vô bờ bến của tác giả đối với người bạn đời đã từng có một thời oanh liệt và hào hùng.

Chúc tác giả được nhiều sức khỏe và bình an để đi hết đoạn đường khó khăn và nhiều thử thách này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,798,096
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", cô nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Sinh năm 1972.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ, nhận giải từ năm 2000. Liên tục 16 năm qua, ông góp nhiều bài viết giá trị và vừa nhận thêm giải Danh Dự 2015.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả vừa đoạt giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm 2016 ngay năm đầu tiên tham gia viết bài cho Việt báo. Anh là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam,
Tác giả vượt biên từ Rạch Giá đến Mã Lai, Pháp 1979, Mỹ 1987. Tốt Nghiệp Electrical Engineering 1990 tại University of Illinois at Urbana, Champaign, Illinois;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại Học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Nhạc sĩ Cung Tiến