Hôm nay,  

Vòng Tay Của “Thế Hệ Te Tua”

23/09/201600:00:00(Xem: 13206)

Tác giả: Bùi Hồng Thúy Anh
Bài số 4925-18-30625-vb5092216

Tác giả vượt biên từ Rạch Giá đến Mã Lai, Pháp 1979, Mỹ 1987. Tốt Nghiệp Electrical Engineering 1990 tại University of Illinois at Urbana, Champaign, Illinois; Tốt Nghiệp Radiation Therapy 2015 tại University of Texas at MD Anderson, Houston, Texas. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Ngã Ba Đường”. Sau đây, thêm một bài viết mới .

* * *

Với Thu, kỷ niệm và cả những đau thương một thời ùa về sau ngày đại hội Sương Nguyệt Anh tại Los Angeles, California.

Phương Thu và Thu Phương là cặp bài trùng trong lớp A3, trường trung học phổ thông Sương Nguyệt Anh. Thu người Bắc, Phương dân Nam. Dáng Thu hao gầy; Phương tròn trịa. Thu ít bạn, thuộc loại người “thâm căn, củng đế” có nghĩa là nói ít mà chắc, trong khi Phương thì nhanh nhẹn, nói gì cũng xuôi tai - tào lao, bá xàm dễ dàng - và có nhiều người yêu mến. Nhà Thu bình thường, chỉ có mẹ, vất vả lo cho con no đủ; nhà Phương xuất nhập cảng xe đạp, khá giả, bố mẹ, anh Đức và Phương, tôi tớ đầy một nhà.

Hai đứa khác nhau nhiều lắm. Nhưng hai cái tên, đọc ngược xuôi đều có nghĩa, riêng và chung, trước và sau, tiền vận và hậu vận. Hai cái tên bắt đầu cho tình bạn của họ.

Phương Thu vừa chuyển trường về Sương Nguyệt Anh. Cô Nga chủ nhiệm bảo trưởng lớp Chí Tín dẫn Thu về chỗ ngồi bên cạnh Phương.

- Thu Phương, bồ nhận “Nửa Hồn Thương Đau” của bồ nè: Phương Thu. Chí Tín dõng dạc nói. Cả lớp cười ồ! “Nửa Hồn Thương Đau” là tựa đề một ca khúc cũ của Phạm Đình Chương, nay đã bị chế độ mới kết tôi là nhạc vàng mỹ ngụy.

Đám con gái xì xào trước cô học trò mặt gầy, da trắng xanh, tóc thề chấm vai, mắt nâu tròn, to, sáng bóng như hột nhãn. Thu cảm thấy bối rối trước 30 cặp mắt chăm chú nhìn mình. Phương nhoẻn miệng cười tươi, nhích vào nhường chỗ cho Thu:

- Thu ngồi đây. Cứ nghe cô Nga giảng đi, rồi Phương cho mượn bài vở bồ thiếu.

*

Thu và Phương lớn lên trong chiến tranh, không sống trọn thơ ngây, lâu lâu được nghe đại bác ru đêm - rền từ cõi xa xăm nào đó.

Đặc công cộng sản khủng bố bằng cách cho nổ mìn tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, Vũ trường Tự Do tại Saigon và quán Đỏ ở thị xã Bạc Liêu vào năm 1965, làm chết chục người và cả trăm người khác bị thương. Pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy. Thảm sát trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 ở Huế. Mùa hè đỏ lửa 1972 và Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quốc Lộ 1.

Từ nhỏ, Thu biết gia đình mình không trọn vẹn. Thỉnh thoảng, có tiếng mẹ thở hắt buồn đêm khuya. Mẹ Thu can đảm khước từ cuộc sống xa hoa trong đại gia đình của bố, với hai ba dòng thê tử, bồ bịch lăng nhăng chưa kể. Bố có hai mắt, hai tay, hai chân thì tốt, nhưng có những thứ mẹ không thể chấp nhận chung chạ, khi bố không có một. Nhờ có bằng tú tài Pháp, và biết nói tiếng Anh, mẹ được nhận làm thư ký cho hãng Shell của Mỹ ngay trên đường Thống Nhất.

Mẹ dạy dỗ Thu rất nghiêm khắc và theo sát nàng. Mẹ cho Thu học tiếng Pháp từ nhỏ ở trường dòng Saint Paul, nơi mẹ từng học nội trú. Ngôi trường tọa lạc trên đường Cường Để, gần các dòng tu kín khác, xa hẳn những quán cà phê Nguyễn Du lùm xùm, với những ánh đèn màu bí hiểm. Đường đi bộ đến trường, có những trái dầu đỏ trong tàng lá xanh, xoay xoay trong gió, có lá me bay, có trái me chín rớt trên đường (mà Thu giấu mẹ lượm ăn).

Sân trường Saint Paul có đầy những trái bồ hòn rơi rụng, có tròn, có méo, Thu thích lấy về làm xà bông nghịch. Lớp của Thu có cháu của ông Hoàng Đức Nhã (bí thư của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu), con tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tướng Lam Sơn. Thu ít nói vì gia cảnh của mình.

Mẹ không giàu, đủ ăn thôi, nhưng tầm với rất cao, nhất là cho con. Thu thuộc hộ nghèo trong lớp, có lúc tủi thân, ngắm nhìn đám bạn nhà giàu nhai nho táo giòn tan, trong khi mình chẳng có gì ăn trong giờ ra chơi, và họ hay khoe về bố mình! Tụi nó đi học tư thêm nên rất thân thiết với các cô giáo. Càng nói ít, càng nghe được nhiều. Thu không muốn nói điều bất mãn trong lòng, rất sợ làm mẹ buồn và phải lo thêm. Đời lắm bất công, không thay đổi được.

Nàng chỉ có thể sửa đổi chính mình để sống cho thích hợp. Học tiểu học ở Saint Paul khá vất vả (nếu học đàng hoàng) vì học sinh phải học suốt sáu buổi sáng tiếng Pháp và ba buổi chiều tiếng Việt trong một tuần. Mấy bà sơ thích cho học trò học từ chương, phải nhớ hết một bài thơ Pháp và một bài thơ Việt Nam thuộc lòng mỗi tối để trả bài sáng mai. Thu không có bạn gần nhà, chỉ có con chó cưng. Lúc rảnh, nàng thích đi chung quanh hãng Shell bắt bướm; đụng cây mắc cỡ để thấy lá e ấp khép kín; đi đập ruồi, rồi đem cho kiến càng ăn. Kiến càng với ngực to, mông nở tròn lẳn, kéo ra đầy gốc cây mận, mừng đón quân vương của chúng là Thu.

Mẹ Phương là chánh thất nhà giàu, không “lặn lội, gieo neo” kiếm tiền nhưng đã biết bao lần phải đánh ghen vì ông chồng bay bướm, trùm xuất nhập cảng xe đạp ở quận năm, Chợ Lớn. Bố Phương là đại gia “chuyên săn cá lạ”, thích đi mèo chuột phụ nữ “chim sa, cá lặn”. Phương hay ví von ba là Từ Hải trong truyện Kiều, “Râu hùm, hàm én, mày ngài” (3). Con hổ đực “Một cây gây dựng cơ đồ”(3), hổ cái ở nhà xác xơ chờ đợi, và cũng phải đi kiếm mồi nuôi con nữa. Ba là chim én, bay ngang dọc trong bầu trời tình ái, là bướm vờn hoa. Ba đã chọn lọc để biến hóa tự nhiên mà sinh tồn như Charles Darwin mô tả: loài động vật có vú, loài có cánh và loài côn trùng. (Kể ra, Phương cũng thuộc bài sinh vật của cô Bích Liên đó chứ).

Mẹ Phương quá mệt mỏi theo dõi ông chồng rồi, mở hai ba tụ, sòng bài tại nhà, vừa nghe ngóng tin tức, vừa có thêm tiền xâu, chẳng còn hơi sức nào mà để ý đến con nữa. Phương ở trong Chợ Lớn từ bé, đi học tiểu học ở trường Tàu Trí Dũng (tiếng Quảng phát âm là Tchi Dùng) gần nhà cho tiện.

Phương lớn lên với bà Bảy nấu Bếp, chị Mười vú em và anh Tài chuyên chở anh chị em nàng đi học bằng xe hơi. Nhà lúc nào cũng có khách khứa lui tới áp phe, đánh bài mạt chược và tam cúc. Phương đã quen tiếp xúc với đủ loại hạng người nên giao thiệp rất cởi mở. Nàng gặp ai cũng thưa bác, xưng con, trò truyện ngọt xớt, không thật lòng nhưng cho người nghe cảm giác thân thương. Phương có tính đại tỉ, bảo bọc che chở người khác; ăn to, nói lớn giống như tía của nàng. Anh Tài chở nàng đi học đàn tranh ở trung tâm Đắc Lộ, đường Yên Đổ, mỗi tuần một lần. Có tài xế, nên Phương rành đi chơi quanh Saigon, Chợ Lớn, Nhà Bè, Thủ Đức và ăn hàng từ bé.

Trường Nữ Trung Học Tổng Hợp Sương Nguyệt Anh (SNA) thành lập năm 1971, là ngôi trường nữ đầu tiên tại VN thử nghiệm lối giáo dục theo phương pháp tổng hợp, theo mô hình của các nước tiên tiến thời bấy giờ. Song song với việc giảng dạy như các trường công lập khác, trường còn dạy thêm Kinh tế Gia đình tức là nữ công gia chánh, may vá nấu ăn, môn doanh thương tức kế toán, đánh máy, âm nhạc gồm đàn tranh, piano, hội hoạ, nghệ thuật cắm hoa, và cả môn võ Aikido, Vovinam (4).

Nữ sinh Sương Nguyệt Anh là thế hệ tiền phong, văn võ song toàn; là người “tổ quốc mong cho mai sau”(5); là phái đẹp “vượng phu, ích tử”, biết tao luyện chồng con bằng võ thuật và nội trợ - đánh mà như múa; mắng mà như hát, đàn; đánh và mắng xong thì cho ăn ngon. Các nường không ngại quần con té rách đầu gối hoặc thủng đít, vì sẽ biết chỉ bảo cho trẻ hoặc chồng may vá. Các mợ làm kế toán rất kỹ, không để tiền bạc của gia đình thất thoát, nhất là về tay một bóng hồng khác. Phụ nữ SNA ngu dại chi mà làm hết; chồng con sẽ hư, và không gần, đó là “hình phu, khắc tử”.

Ngay sau 1975, Phương vừa xong tiểu học, vào trung học ở Sương Nguyệt Anh. Mẹ Thu đã hết làm hãng Shell nên chuyển về căn nhà nhỏ góc đường Nguyễn Trãi, Ngô Quyền sát bên cạnh nhà Phương. Tiếc là đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, đổi đời, nên trường hết tiền, học sinh nghèo, bố mẹ không cứu trợ, chính phủ bỏ quên. Thu và Phương không được học đàn, vẽ, cắm hoa và võ, không được học cả hai sinh ngữ Anh Pháp từ lớp sáu. Hai đứa cùng học ban Anh Văn lớp A3.

Thu và Phương ngồi gần nhau trong lớp, không hẹn nhưng lại có duyên ở sát nhà nhau; quen không bao lâu, nhưng thân ngay; vì đứa này là ước mơ không trọn vẹn của đứa kia.

Thu ước được bặt thiệp như Phương, mê cái lối nói chuyện cà rỡn, cà kê, dê ngỗng, cái tướng cà nghinh, cà ngang của cô bạn gái, trước thời biết đánh hơi trai. Phương mong được học “chì” như Thu. Phương tuy thông minh, “học một biết mười”, nhưng “học mười thì quên hết”, vì nàng không ngồi yên được.

Đối với Phương, học mà không quên thì là thầy cô giáo, không bao giờ ra được khỏi trường. Học lịch sử với cô Đinh Lê Ảnh chỉ là đơn thuần nhân vật vua quan sống chết năm nào. Vật lý của ông thầy Hiếu, thầy Quang làm cho người ta hết dám nằm dưới cây táo và đi xe lửa, sau khi biết Newton bị táo rớt trúng đầu rồi nghĩ ra sức hút của trái đất; tính mãi động tử ngược chiều, thuận chiều rồi hãi.

Thu thích sự hiếu khách của đại gia đình Phương, của người Nam; dễ dãi, nuông chiều và nói chuyện với con cháu ngọt xớt. Mẹ Thu người Bắc khắt khe, tuy thương, nhưng ít khi khen con, đã từng bắt nhặt nàng nhiều lần.

Gia đình Phương không nghĩ bằng cấp là cách duy nhất kiếm ra tiền, như mẹ của Thu. Phương thích lui tới căn nhà nhỏ vắng lạnh của Thu, nơi hai đứa có thể lên gác lửng trò chuyện mà không sợ ai nghe lóm.

Sau 1975, hãng Shell giải tán, mẹ Thu buôn bán mãi tối mới về. Hai đứa là tình Bắc, duyên Nam. Thu than “gầy” thì Phương bảo “ốm”. Thu cáo “ốm”, thì Phương khai “bệnh”. “Khoác lác, xạo ke”, “muốn ói, buồn nôn”, “ruốc, chà bông”, “quất, tắc”, “mền, chăn”… từ từ, hiểu rồi thì cũng không cần ai phải giải thích nữa.

Ở tuổi mộng mơ, Phương có thể nói với Thu mọi thứ vì Thu hiểu biết, không phải là đứa nhiều chuyện và nhiều bạn, nhất là Thu mê Phương như điếu đổ, thích nghe Phương nói. Thu tâm sự với Phương tất cả vì Phương là người bạn thân đầu tiên.

Anh em nhà Phương dư dả nhưng lúc nào cũng nghĩ đến cách làm thêm tiền. Ngoài dịch vụ buôn bán phụ tùng xe đạp, thu hụi, đánh bài chui, nhà Phương còn mở cửa hàng đan len, đồ may đo mẫu, cho khách đi ngoại quốc. Anh Đức của Phương còn vác thêm nghề sửa radio, hoặc đồ điện tử trên cái bàn nhỏ trong góc. Rảnh rỗi, Phương và Thu chia bài kiếm “bo”, đan móc đồ len, cũng đủ tiền đi ăn quà.

Đêm Giáng Sinh 1977, cũng là sinh nhật thứ 14 của Phương, Phương mời Thu đi nghe mình trình diễn đàn tranh lần đầu ở trung tâm Đắc Lộ, Đêm đó, Phương rất đẹp. Lần đầu tiên Phương mặc áo dài lụa xanh, tha thướt, nhẹ nhàng như mây trời, trông ra vẻ thiếu nữ lắm - tóc còn dài xõa kín lưng thon; mắt ngây thơ, chưa đỏ, chưa chua xót và lợn cợn bụi đời. Tim Thu nức nở theo tiếng đàn của Phương trong khúc Nam Ai, Bài Hát Ru Con. Đêm đó, Thu thao thức vẽ lại người đẹp trong tranh từ tiềm thức. Viết thêm mấy dòng mừng sinh nhật bạn.

Sáng hôm sau, bức chân dung vẽ Phương bằng bút chì được Thu mang tặng bạn. Phương lấy tập nhạc dày cộm và chiếc đàn tranh cũ tặng lại Thu, dặn dò là đàn tranh rất dễ chơi, nhưng lại khó chơi hay, nếu không có tâm hồn. Phương nghĩ là tính Thu siêng năng. Thu tập dợt nhiều, sẽ đàn rất hay.

Qua tuổi 14, Phương trổ mã, có thể là đứa con gái đầu tiên trong lớp, bắt đầu để ý đến con trai. Anh Đức của Phương học Chu Văn An. Đám con trai trường đó, cứ rảnh rỗi là đạp xe qua nhà hai đứa. Thu không dám bắt chuyện, nhưng Phương đưa đẩy rất hoạt bát và tự nhiên. Sau này, Phương cho vài anh chàng leo cây đau khổ. Nàng hẹn người ta ở một gốc cây rồi lên xe xế hộp sáng bóng với anh chàng khác.

Nhưng rồi dần dà Thu thấy Phương thẫn thờ không nói. Lớp A3, cũng không còn có Phương chơi “u” với Ngà đô và Linh ròm. Bích Hồng tha hồ rủ rê, đám con gái vừa lớn không đứa nào chịu bê cửa làm kiệu cho Hồng nữa. Liễu chân ống trúc căng dây đôi thật sát, mời mọc mãi, chẳng ai muốn tham dự cuộc chơi. Ba bốn nhỏ ngồi chùm hum, một số bắt đầu thì thầm chuyện vượt biển, chiến tranh Cam Pu Chia vừa bắt đầu.

*

Năm 1977, chiến tranh với Khmer Đỏ phía Nam, rồi Trung Quốc tấn công ở phía Bắc. Anh Đức của Phương bị động viên đi bộ đội đầu năm 1978. Đời sống khó khăn hơn. Đồ đạc trong nhà, thứ gì bán được, lần hồi bán đi, để kiếm chén cơm: chén bát, soong chảo, lò ga, tủ lạnh, đồng hồ đeo tay, đồ nữ trang…

Trước cổng trường Sương Nguyệt Anh, học sinh chỉ có thể mua lõi dứa để ăn vặt vì phần dứa ngon đem đóng hộp để xuất khẩu. Thu và Phương cũng hết thú ăn quà và đạp xe rong chơi. Tô phở ăn dở vừa đặt xuống, đã có người ăn xin đến vồ, húp lấy, húp để. Ruồi, muỗi không biết ở đâu ra đậu thành những bệt dài cạnh rác rưởi trên đường phố. Rồi lũ lụt, thiên tai, thất mùa, người dân ngày càng đói và rách hơn!

Thu và Phương đang học lớp chín, còn mấy năm nữa là lớn rồi, sẽ phải đi thanh niên xung phong, bộ đội, cán bộ hoặc gì gì đó rất “dao to, búa lớn”.

Gia đình Phương cũng bắt đầu phải lo lắng, bất an. Tin tức của anh Đức gửi từ chiến trường biên giới Tây Nam ngày càng thưa dần.

Trong một lá thư đưa tay từ Bến Sỏi, Tây Ninh, anh Đức kể là, thường sau khi ngâm bùn trong những cuộc giao tranh, áo quần của anh để khô có thể đứng trên đất một mình được. Anh khỏe, dù chỉ ăn bo bo và sắn. Anh chỉ mới được luyện tập quân sự được một tháng thôi, nhưng sẽ “được” cầm súng bảo vệ tổ quốc, đánh từ Tây Ninh, vượt qua tỉnh Kampong Cham đến sông Mê Kông và vùng lãnh thổ đông bắc Campuchia.

Rồi anh Đức không viết nữa. Tin cuối cùng gia đình Phương biết được là anh đã tử trận tại Kampong Cham, không tìm thấy xác. Anh chẳng có “danh gì với núi sông” ở tuổi 19, bỏ lại hoài bão được vào trường Đại học Bách khoa sau cuộc chiến Cam Pu Chia, như đã được hứa hẹn. Mẹ Phương ngã quỵ bệnh.

Đợt đánh Tư Sản Mại Bản X2 được Hà Nội tiến hành từ tháng Ba năm 1978, nhắm vào tư thương, tiểu tư sản, các thành phần sản xuất nhỏ. Không còn nền công nghiệp nhẹ sản xuất đồ lô: nồi nhôm hiệu Ba Cây Dừa, xà-bông hiệu cô Ba, xe hơi hiệu La Đalat, hiệu đèn trang trí Nguyễn Văn Mạnh…. Chỉ thị 43 của Bộ Chính Trị đã quốc hữu hóa toàn bộ đất đai của nông dân miền Nam vào tay nhà nước thông qua hình thức “Tập Đoàn Sản Xuất” dẫn đến nạn đói năm 1979 ngay liền sau đó, vì lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp bị sút giảm toàn diện tại miền Nam.

Đợt X3 đánh Tư Sản Mại Bản chủ yếu đập vào Sài Gòn. Chỉ sau một đêm, nhờ quốc hữu hóa, cả chục ngàn tiệm bị đóng cửa, một viên thuốc cũng không có mà mua. Song song với việc tịch thu nhà cửa, của cải, chính phủ tiến hành đổi tiền lần thứ hai 03/05/1978, mỗi hộ chỉ được 200 đồng.

“Họa vô đơn chí”, tai họa nữa lại ập vào sau khi anh Đức mất và mẹ Phương ngã bệnh. Công an, bộ đội vào nhà Phương ban đêm, tịch thu của cải, niêm phong nhà cửa: “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Gia đình Phương lãnh đủ trận đánh tư sản đợt X3.

Gia đình Thu nhỏ bé, nghèo nhất trên đường Nguyễn Trãi, Ngô Quyền trong Chợ Lớn. Nhà có hai tầng, bên cạnh những ngôi nhà 5, 7 tầng, buôn bán phát đạt. Mẹ đơn thân, Thu không cha, lại dưới tuổi vị thành niên 18. Mẹ Thu khôn khéo vào tổ hợp đan tre, lao động chăm chỉ. Nếu mẹ còn tiếc nuối ở lại khu nhà ở hãng Shell, bên cạnh xóm lao động, thì chắc cũng được liệt vào thành phần tư sản. Ở đây, người ta không biết gia đình Thu là ai trước 1975. Nhà Thu cũng nghèo đi nhiều, cơm chỉ còn rau dưa, nhưng vẫn còn mẹ con sớm tối có nhau.

Trong khi ấy thì gia sđình Phương đã mất nhà mất cửa, bố Phương như người điên, thẩn thờ bên cạnh bà vợ bệnh hoạn, nương náu tạm bợ với họ hàng xa. Cảm thông được cảnh sẩy đàn, tan nghé của gia đình Phương, mẹ Thu chấp nhận cho Phương vào nhà ở cùng với Thu. Phương là đứa biết điều, lễ phép, biết làm lụng siêng năng.

Bố Thu đã định cư bên Pháp. Từ năm 1979, ông gửi tiền về liên tục, thúc giục vợ và con gái tìm đường vượt biên.

Mẹ từng kiếm mối cho Thu và Phương đi vượt biên chung ở Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc. Hai đứa đi chui chung, biết bao lần trong đêm tối, mặc đồ đen - dầm nước, chờ tàu, lên tàu, vào tù, ra khám - mà chẳng bao giờ thoát cả. Ông thầy bói Vĩnh mù, giàu to ở Sài Gòn, chỉ nhờ biết phỏng đoán là người ta có số xuất ngoại hay không. Chạy chọt, móc nối, hối lộ. Mỗi lần người vượt biên được hứa hẹn cho đi, là tốn từ 2 cho đến 15 cây vàng. Thật có, lừa có! Nhiều gia đình khá giả của miền Nam đã hoàn toàn phá sản, lâm vào cảnh cùng đinh, sau những đợt đổi tiền, kiểm kê tài sản, và vượt biên.

Mẹ Thu chẳng bao giờ muốn xuất ngoại. Bà khôn ngoan nghĩ đến chuyện ở lại Chợ Lớn giữ nhà trong khi Thu và Phương ra đi. Nếu có gì trục trặc, hai đứa trở lại thành phố thì còn có nhà để ở. Bà lo, phải gặp lại chồng cũ ở nước ngoài, bố của Thu - Tuy mẹ Thu cũng cảm động khi thấy bố của Thu thật sự lo lắng cho mình và con, nhưng bố đã yên ấm trong một gia đình khác rồi, còn gì nữa mà trông ngóng.

Lần cuối cùng, Thu vượt biên thoát, đi bán chính thức, có công an Việt Nam hộ tống lên tàu đàng hoàng, tại cù lao Tắc Cậu ở Rạch Giá, là lúc Phương phải về Saigon đột xuất, để trông nom cho bố mẹ của mình. Mẹ Thu đã phải lên tàu trám chỗ của Phương vì tiền đã đặt trước rồi.

Tàu đi lênh đênh 6 ngày, 7 đêm, lẩn quẩn trong vịnh Thái Lan. Cướp ùa đến, 10 tên Thái Lan thôi, chỉ có giáo mác mà cũng đủ khống trị con tàu 15 thước với 350 người đầy kín, đang đói lả. Hai tên cướp hau háu kéo Thu lên boong từ dưới hầm. Mẹ đã chồm lên, để giằng lại Thu, rồi ngã gục xuống dưới cái mác của lũ cướp man rợ. Thu ngất rồi tỉnh dậy… Người trên tàu kể lại rằng sự can đảm của mẹ liều chết, để bảo vệ Thu làm thức tỉnh bản năng sinh tồn của đám người vượt biển. Đằng nào cũng chết thì chết cho đáng, hơn là sống nhục và nhìn người thân yêu bị hãm hại. Trai tráng trên tàu, trên dưới trăm người chứ ít gì, đã cùng xáp la cà với đám cướp không chuyên nghiệp, như trong phim bộ. Cuối cùng, bọn cướp phải rút chạy. Thu không hề bị xâm phạm nhưng có nghĩa gì đâu. Mẹ đã chết và đem theo nhiều thứ.

Sau đó, Thu không liên lạc với ai, kể cả bố của mình và Phương.

Rồi nhiều năm đi qua. Phương ở lại Việt Nam, lấy Thịnh, anh chàng cán bộ cao cấp đau khổ, đã bị nàng cho leo cây me năm nào. Đời sống của Phương bây giờ rất khá giả. Gia đình rất đa dạng và đầy đủ lắm: trai, gái, bê đê, lesbian, gay, con chung, riêng (Theo lời Phương than vãn, đùa với bạn bè). Thu lang bang khắp nơi ở 50 tiểu bang Mỹ, làm đủ nghề, học đủ trường. Thời thế đã tạo nên con người và ngược lại. Phương trở nên thâm trầm và ít nói như Thu, sau bao nhiêu giông tố của cuộc đời tại Việt Nam. Mỉm cười là cách giải quyết nhiều vấn đề, im lặng là cách tránh những vấn đề rắc rối xảy ra. Thu trở nên ngang bướng và thẳng thắn như Phương trước khi chiến tranh ảnh hưởng đến con người, tại xứ Mỹ này.

Chỉ có cái khác là Thu đã sống trọn vẹn với nỗi cô đơn, chứ không có nhiều bạn bè như Phương. Thu không sống “trong miệng” hoặc “trong mắt” của người khác. Thu chỉ thấy cô đơn là cô đơn thôi mà không mong thoát ra khỏi nó, không cầu có thân nhân, tri kỷ, không muốn thiết lập mối quan hệ, không cần bất kỳ ai để nương tựa. Phương và mẹ, hai người thân yêu nhất đã biến mất khỏi cuộc sống của Thu rồi. Nàng hiểu rất rõ tại sao nàng ế và không chồng con. Thu chán mối quan hệ giả dối, phức tạp ở đời. Thu chỉ muốn sống một mình trong sự tương giao với thiên nhiên cây cỏ, làm bạn với gió nội, mây ngàn và súc vật.

Nhưng đại hội Sương Nguyêt Anh lần thứ 10 này, có Phương từ Việt Nam bay sang họp bạn. Có một cái gì đó thôi thúc. Không thể không gặp lại Phương. Thế hệ của Thu và Phương là thế hệ te tua, sinh lầm thế kỷ, "nghĩ đến tương lai trào nước mắt, nhìn về quá khứ toát mồ hôi,” như kiểu than thở Thu từng thấy khi đọc trên internet."

*

Kìa, Double tree hotel.

Đêm hôm nay, gia đình SNA học cách buông bỏ mọi gánh nặng trong tư tưởng, suy nghĩ. Các mợ SNA ai nấy chắc đang tưng bừng trưng diện, gặp gỡ.

Thu đậu xe, hồi hộp bước vào phòng Ballroom Renaissance của khách sạn Double Tree. Phương chạy ra, đón, ôm chầm Thu, khẽ nói:

- Thu ngồi đây. Cứ theo dõi chương trình đi, rồi Phương sẽ sơ lược lại hơn 30 năm, mà hai đứa đã thiếu vắng nhau.

Round Rock,TX 8/6/2016

Bùi Hồng Thúy Anh

Ý kiến bạn đọc
06/10/201605:45:36
Khách
anh Louis,
Phương và Thu vẫn nói chuyện qua Viber va Fb. Thời đại tân tiến mà. Sẽ gặp lại qua đại hội Sương Nguyệt Anh 2017 ỏ Torronto
05/10/201615:29:38
Khách
Thế hệ te tua hay là thế hệ nửa ngừời nửa đừời ươi, cũng có thể là thế hệ nứớc mắm hamburger ?!

Tác giả BHTA, qua câu chuyện hai ngừời bạn gái trừờng SNA xa xưa, với những dòng văn đơn giản, từ vựng mộc mạc đã làm gây cảm xúc, khơi dậy được những tâm tư của những ai thuộc vào thế hệ này. Một thế hệ đã từng có nhiều vui buồn với những kỷ niệm học trò trong khoảng thời gian chinh biến này, những ai đã từng nếm mùi bobo, những ai đã bị đánh tư sản, cưỡng bức đi kinh tế mới, thanh niên xung phong ...

Con đường Cường Để, hãng Shell, xe Ladalat ... tác giả BHTA nghiên cứu tỉ mỉ từng chi tiết khiến cho câu chuyện tiểu thuyết trở nên như hiện thực. Mỗi khoảng khắc, mỗi địa danh, mỗi biến cố làm người đọc có cảm tưởng như đang sống với những nhân vật của câu chuyện.

Tò mò tự hỏi sau buổi hội ngộ, hai ban Thu và Phương, tình bạn ngày xưa sẽ diễn biến như thế nào ?
28/09/201615:54:25
Khách
Bài viết hay. Hy vọng sẽ được đọc thêm những sáng tác khác của tác giả.
25/09/201602:39:25
Khách
Một tuyệt tác!
25/09/201601:34:10
Khách
Có vài sự tiềm ẩn rất phũ phàng. Trong khi Nam-Việt bị đẩy vào tình trạng đọa đày, dân Nam-Việt sống trong nghèo đói, tủi nhục, và chết chóc, thì có vài người theo CS trở thành 'rất khá giả' và cưới được cô vợ như đã 'mộng mơ'.
24/09/201604:43:04
Khách
Một câu chuyện về "tình bạn trong cảnh vong gia thất quốc" hay. Tương lai khó ai mà đoán biết trước được. Trước tháng Tư năm 75, người dân miền Nam đâu có ai ngờ có ngày cờ Đỏ cắm đầy trong miền Nam, lũ khỉ Trường sơn- hang Pắc Bó tràn ngập các thành phố, thị thành miền Nam, dòng sử Việt ghi thêm một ngày Quốc Hận....!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,346,912
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.
Giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm gồm các bài phổ biến từ ngày 1 tháng Bẩy năm trước tới 30 tháng Sáu năm sau. Hôm nay, Chủ Nhật 30 tháng Sáu 2019, ngày khóa sổ Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, xin mời đọc bài viết vui của Ngọc Hạnh, vị tác giả niên trưởng trong năm. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Hai 2019, khi tuổi đã kề ngưỡng cửu tuần (90. ) Với bài viết về Washington D,C. mùa lễ chiến sĩ trận vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, và hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Kính chúc Bà vui khỏe.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.