Hôm nay,  

Người Tị Nạn Theo “Diện Chồng Chết”

05/09/201600:00:00(Xem: 13434)

Tác giả: Năng Khiếu
Bài số 4906-18-30606-vb8090516

Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2015.

* * *

Cách đây một năm tôi từ Virginia trở về California dự đám cưới đứa cháu ở thành phố Westminster. Vào một sáng thứ bảy giữa tháng tám, mọi người trong nhà dậy rất sớm, để sửa soạn đi đón dâu đến nhà thờ dự lễ cưới đúng mười hai giờ trưa.

Nhưng quá bảy giờ sáng, mà tôi còn nằm chình ình trên sofa ngoài phòng khách. Chị Tư chủ nhà cứ tưởng tối trước tôi quá chén, nên còn “xỉn”, chị bước đến lay tôi dậy thì khám phá ra tôi bị stroke vì hai mắt mở thao láo, đầu còn biết mà bị á khẩu ú ớ không nói được, tôi cố gắng ngồi dậy nhưng bán thân bất toại bên trái. Chị la toáng lên và gọi con trai bấm 911, khoảng mươi phút sau xe Emergency chạy sau xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi, và các nhân viên cấp cứu đến nơi. Họ đo máu nghe tim, hỏi người nhà tôi uống thuốc cao máu loại nào? Nhưng khi vợ tôi lục valise không thấy thuốc cao máu, cao mỡ của tôi đâu, chỉ thấy một cây thuốc lá hiệu Camel, và bao thuốc đang hút dở, vì tôi quên mang theo thuốc uống đã mấy ngày. Họ cầm health insurance và chở tôi vào bệnh viện Fountain Valley.

May mà người nhà khám phá ra sớm, và nhờ phương pháp trị liệu tân tiến, thuốc men đầy đủ, nhờ bác sĩ, y tá và các nhân viên trong Bệnh Viện tận tâm cứu chữa kịp thời, nên từ phòng ICU ra, ngày hôm sau bác sĩ cho đi chụp hình đầu, thì thấy “cục mỡ” phình lên bằng hột đậu phộng kẹt ngay mạch máu ở cổ bên trái, nên bên phải chưa hề hấn gì.

Tôi không phải mổ đầu. Khoảng ba ngày thì chân trái của tôi nhúc nhích được. Sang ngày thứ sáu tôi có thể dậy tập đi. Ngày thứ mười thì tôi được chuyển sang bệnh viện Healthsouth Tustin Rehabilitation Hospital. Tại đây họ không cho người nhà ở lại nuôi ban đêm, lại có y tá túc trực 24/24 nên vợ tôi trở về Virginia để đi làm, không còn ai cằn nhằn mỗi khi tôi nằm ì ra chán đời, tôi phải tự túc.

Hai tuần thì tôi phục hồi nhiều, tuy còn ngồi xe lăn và nói ngọng. Nhìn qua cửa sổ phòng, mặt trời đã đứng bóng dưới ánh nắng chói chang của mùa hè Cali, bầu trời trong xanh cao vút không gợn một áng mây, đẹp tuyệt vời. Nhưng có lẽ bên ngoài nóng lắm, trong khuôn viên của bệnh viện, nhiệt độ luôn giữa mát mẻ.

Tôi thấy thời gian trôi đi chậm chạp của một ngày loay hoay với ba bữa ăn, rồi thuốc uống và các giờ tập luyện. Giữa phòng luôn treo một tấm bảng xanh lớn ghi schedule: Nào giờ tập thể dục, tập nói, tập mặc quần áo, tập vệ sinh cá nhân. Cứ thế mỗi buổi sáng sau bữa điểm tâm, anh y tá da màu to lớn chuyên tập vật lý trị liệu cho tôi, đến đúng giờ như một cái đồng hồ, đưa tôi lên phòng tập. Anh hay cười, tưởng dễ tánh, nhưng rất nghiêm khắc trong lúc tập luyện:

- Cứ làm theo tôi: Co chân trái lên hai mươi cái, rồi anh bắt đầu đếm một, hai, ba, bốn năm… cho đến khi tôi mỏi rã “được rồi”. Bây giờ nhón gót lên hai mươi cái nữa…. “good”. Lại đây tập leo lên bậc cửa, một, hai… Cứ thế tôi miễn cưỡng làm theo những động tác anh hướng dẫn. Nhờ vậy mà chân trái và tay trái của tôi nhẹ dần, không còn nặng như đeo đá lúc đầu.

Nhớ tuần đầu tiên trong nhà thương tôi đã chán nản tột cùng, cứ nằm dài ngắm trần nhà mà suy gẫm sự đời, bệnh hoạn nó đến như một tai họa của số phận, không phân biệt tuổi tác. Chao ôi! Con người mình tự nhiên thành tàn phế, vô dụng, phải nghỉ hưu non ư! Thầm nghĩ “thà chết còn hơn”.

Họ hàng anh em ai đến thăm cũng nhắc nhở, từ nay đi đâu phải nhớ mang theo thuốc, phải gặp bác sĩ định kỳ, siêng exercise. Một người bạn thân thì vừa an ủi vừa cảnh cáo: “Bây giờ ông phải tự cứu mình, bằng cách phải tập luyện thường xuyên, không chết là may cho ông rồi” nghe đầy cả lỗ tai. Nhưng chuyến này chắc tôi phải theo chính sách ba không: không bia, không rượu, không thuốc lá.

Càng ngày tôi càng thấy mình tiến bộ hơn. Tôi xin được đến ăn tại phòng ăn chung của Trung Tâm, không ăn trong phòng mình nữa. Vào một bữa ăn trưa tôi chọn được chỗ ngồi vừa ý, rồi đưa mắt quan sát mọi người chung quanh trong căn phòng khá rộng, thấy bệnh nhân mỗi người một vẻ, đủ mọi hoàn cảnh, người thì bị bệnh Alzheimer nhìn nét mặt ngơ ngơ. Kẻ thì chân tay run rẩy, đích thị là bị bệnh Parkinson. Phần nhiều di chuyển bằng xe lăn hoặc tựa vào loại gậy bốn chân như cái ghế có bánh xe, lê từng bước một cách chậm chạp. Tuy là Trung Tâm Hồi Sức, Dưỡng Lão, nhưng có lẽ cũng nhận thêm người già như một nursing home.

Bàn ăn ngay trước mặt tôi đã có hai bà già và một ông khoảng gần tám mươi, họ có vẻ thân nhau, loay hoay với những chiếc xe lăn quanh bàn ăn. Chợt tôi chăm chú nhìn một bà trông rất quen, như đã gặp ở đâu mà nhớ mãi không ra có lẽ vì ảnh hưởng cái đầu vừa trải qua cơn nguy biến.

Rồi một hôm tôi tò mò nhìn lên tấm bảng ghi tên trước cửa phòng bà ngay đầu lối, thấy tên bệnh nhân là Trang Hoàng, tôi chợt reo lên ngọng nghịu: “A! Đúng rồi bà Hoàng Thu Trang. Những kỷ niệm xưa từ từ hiện ra trong cái đầu u ám của tôi như môt cuốn phim quay chậm. Tôi nhớ mang máng trước kia tôi ở trong khu Apartment cùng với bà, tại thành phố Garden Grove. Tôi chỉ đi làm xa, khi hãng đổi qua Virginia.

Từ đó thỉnh thoảng tôi gặp bà ngồi trên chiếc wheel chair trong phòng sinh hoạt của Trung Tâm. Tôi mon men đến hỏi thăm xem bà có nhớ tôi không, nhưng cặp mắt mất thần của bà nhìn tôi lắc đầu.

Vào một chiều cuối tuần tôi đang cà nhắc ngoài hành lang với chiếc gậy, để nhìn những nét mặt thẫn thờ buồn bã trông ngóng người thân. Con gái bà Trang cùng chồng vào thăm tình cờ gặp tôi, cô nhận ra tôi trước, hỏi dồn dập: - Chú Cư còn nhớ cháu không, sao chú lại ở trong này? Rồi cô tự giới thiệu.

Một lúc lâu tôi mới nhận ra cô, vì trông cô khác quá với thời con gái. Bây giờ cô đã là mẹ hai đứa con. Quay qua chồng, cô giới thiệu. Tôi được biết anh là một người khá thành đạt trong thương trường. Chị cô nay là một Pharmacist làm cho hệ thống thuốc tây CVS, nên bận rộn lại ở rất xa. Mẹ cô bị bệnh Alzheimer nhẹ, hai chân bà yếu nên đi đứng khó khăn, nhưng đang hồi phục dần. Gặp con, bà Trang cứ khóc đòi về nhà như một đứa trẻ.

Tôi không hiểu sao các cô không sắp xếp để mẹ được ở bên cạnh các cô khi về già lúc đau ốm. Nếu bận rộn thì mướn người về nhà chăm sóc, phụ tiền trong chương trình của Chính Phủ cho mỗi ngày mấy tiếng, tùy theo bệnh nặng nhẹ. In Home Supportive Services (IHSS) có y tá đến nhà, vì cả đời bà đã hy sinh cho con. Tôi muốn nói chuyện với các cô thật nhiều, nhưng lúc đó khả năng không cho phép, dù biết rằng mỗi người đều có lý do và hoàn cảnh khác nhau. Người đời thường nói: “nước mắt chảy xuôi”. Cha mẹ nuôi con từ tấm bé, từ lúc “một bàn tay thì đầy, hai bàn tay thì vơi”. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, không khi nào dám nói bận với con, dành hết thời gian cho con, nếu không một đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn, sẽ không thể tồn tại trên cõi đời được. Còn con cái thì có hàng trăm lý do để nêu ra vì bận rộn, khi mẹ đang già yếu, bệnh tật lú lẫn. Như câu: “Đối với cha mẹ già, nếu tinh thần được vui vẻ sẽ như liều thuốc bổ, mà không có bác sĩ nào kê toa được”.

*

Sau một năm, trải qua cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh, tôi đã biết quý những viên thuốc, mến bác sĩ yêu thể dục hơn. Bệnh tình tôi thuyên giảm nhiều, tôi đã có thể ngồi mổ cò trên bàn phím, để ghi lại câu chuyện về một người mẹ âm thầm đau khổ, mà mỗi khi nhắc đến, lòng tôi vẫn xúc cảm bùi ngùi.

Khoảng đầu năm l996, khu apartnent cuối đường Locust khuất sau một gốc cây lớn, có chừng năm sáu gia đình người Việt Nam ở. Còn lại căn trên lầu hai phòng để trống từ lâu, nay mới thêm một gia đình dọn đến. Trước con mắt tò mò của những người chung quanh, có lẽ một gia đình đồng hương mới định cư. Đồ đạc vỏn vẹn chở không đầy hai chuyến xe Uhaul.

Đó là gia đinh bà Thu Trang, gồm một mẹ và hai cô con gái, trông trắng trẻo xinh xắn, tuổi độ trên dưới hai mươi. Thấy gia đình tròn một vế, tôi vội qua hỏi thăm. Tôi hay có thói quen giúp đỡ những người mới đến (xin đừng hiểu lầm “anh hùng giúp mỹ nhân”).


- Chào bác, bác đến Mỹ lâu chưa. đi theo diện gì mà đơn chiếc vậy?

Bà Thu Trang trầm ngâm một lúc, rồi lạnh lùng:

- “Diện chồng chết”

Tôi ngạc nhiên nhắc lại “diện chồng chết”. Rồi tự nhiên có một nỗi xúc động nào đó khiến cả hai cùng im lặng.

Tôi vốn là người bỏ nước ra đi đã lâu không hiểu nên nghĩ thầm, cũng lạ. Từ sau tháng 4/1975 đến nay, mình chỉ nghe bà con đến Mỹ theo chương trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program) viết tắt là ODP, được khởi sự từ tháng 1/1980. Rồi diện con lai, diện sở Mỹ, hoặc diện HO… Nay lại xuất hiện thêm một diện nghe lạ tai. Tôi đưa mắt ái ngại nhìn người đàn bà ngồi trước mặt, trộm đoán bà ta khoảng ngoài năm mươi. Nhưng những nét ưu tư sầu muộn hiện rõ trên khuôn mặt, khiến bà già trước đến mười tuổi.

Thấy có người đến hỏi thăm, bà Thu Trang mừng lắm. Nỗi buồn như vơi bớt phần nào. Qua Mỹ mới có mấy tháng mà bệnh tình của bà cũng đã lui được phân nửa. Bác sĩ bảo bà bị bệnh trầm cảm, thêm suy nhược thần kinh. Tay bà run run rót nước vào ly mời tôi, rồi như đoán được ý nghĩ của tôi, giọng bà nhão ra chực khóc, bà nói:

- Tôi chán lắm rồi, không muốn nói đến cái diện đau thương của mẹ con tôi, vì mỗi lần nhắc lại tôi tưởng nó mới xảy ra hôm qua.

Thật vây, đã hơn hai mươi năm mà bà Thu Trang vẫn nhớ rõ mồn một mọi sự việc của cái ngày sóng gió đời bà, nó đong đưa theo cơn giông tố của đất nước thân yêu cong queo hình chữ S, nằm bên bờ Thái Bình dương. Bà loạng choạng đứng dậy vào phòng lấy tấm hình trắng đen của ông, lồng trong một khung kính lớn bằng hai bàn tay, nói như khoe:

- Cậu xem, đây là hình nhà tôi chụp lúc 34 tuổi, đẹp trai lắm phải không. Ai cũng bảo tôi có phước, ông ấy hiền lành thương vợ, thương con lắm.

Tôi đưa tay đỡ tấm hình lại gần nhìn cho rõ. Một thanh niên ngoài 30, mày thanh mắt sáng, khuôn mặt vuông vức. Hình chụp bán thân, nổi nhất là hai bên cổ áo sáu cái hoa mai càng làm tăng vẻ oai phong. Tôi buột miệng:

- Đẹp thật, ông nhà mặc quân phục trông oai nghi lắm!

Ánh mắt bà Thu Trang xa vắng, giọng bà ngậm ngùi, khiến lòng tôi chạnh niềm thương cảm:

- Người còn sống tưởng chừng như đã chết, người đã chết mà còn sống mãi trong lòng.

Như có dịp trải lòng mình, bà tiếp: Nhiều lúc tôi muốn chết theo ổng, nhưng vì còn bổn phận với con cái nên tôi vẫn phải sống. Trước năm 1975, gia đình tôi đang sống êm ấm ở khu Lăng Cha Cả, gần phi trường Tân Sơn Nhất. Chúng tôi có một căn nhà ngoài mặt tiền của con đường nhỏ gần chợ, buôn bán tấp nập, cuộc sống cũng khá lắm.

Chồng tôi lúc đó đóng tại căn cứ Long Định BCH Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh. Ông ấy phải đi tác chiến hoài ít khi ở nhà nên tôi lo lắm. Nhưng khi làn sóng đỏ tràn vào nuốt trọn miền Nam, nhờ Trời, ổng bằng an chạy về đến nhà. Nỗi mừng chưa trọn thì họ kêu gọi tập trung tại Long Bình, bảo là mang theo đồ dùng để “Học tập cải tạo mười ngày”. Nhưng rồi hai ba tháng cũng chẳng thấy về. Tôi và ba má chồng, theo đoàn người đông đảo lên trước khu tập trung Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa, kẻ đứng người ngồi như ăn vạ, như biểu tình nhưng ai nấy đều im lặng chờ đợi, chỉ đưa mắt nhìn nhau. Chán rồi kéo nhau về.

Ai ngờ thời gian sau, nhận được thư từ ngoài Bắc gửi về vừa mừng vừa lo. Lúc đó tôi đang mang bầu cháu thứ hai, cầm lá thư trên tay, tôi khóc hết nước mắt, linh tính như có chuyện chẳng lành. Tội nghiệp lắm cậu ạ! Khi được phép cho gia đình gửi quà, ổng viết thư về không dám xin thịt xin sữa gì, chỉ xin muối tiêu, muối ớt và thuốc men. Vài lá thư sau cũng bảo tôi đừng buồn nhiều sẽ ảnh hưởng tới đứa con trong bụng. Tôi gửi quà cho ổng và viết thư dặn, khi viết thư về nhà đừng nói ở ngoài Bắc kẻo ba má buồn. Nhưng ổng trả lời, học tập ở đâu cũng vậy, Bắc hay Nam cũng giống nhau, ráng an ủi ba má. Ít lâu sau đó mất liên lạc luôn, tôi gửi thư đi thì bị trả lại. Bặt vô âm tín, tôi sợ quá. Khoảng nửa năm sau, tôi đến Tòa Án Nhân Dân Thành Phố khiếu nại, họ trả lời: “không biết”. Nhưng chẳng thà như thế! Cứ để mong đợi trong hy vọng còn hơn.

Giọng bà trùng xuống:

- Nhưng khốn khổ cho thân tôi, một tay hai đứa con thơ, buôn bán bấp bênh, lại chẳng có tin tức chồng, tôi đành bế con về quê cha mẹ ở Củ Chi. Ông bà nội các cháu cũng tốt, giúp đỡ hết lòng, chia cho mẹ con tôi một mảnh đất, sống tạm qua ngày.

Bà Thu Trang ngừng kể, uống ngụm nước như thấm giọng. Tiếng xe đổ rác ì ầm kéo thùng rác từ dưới gầm cửa sổ nhà bà, rồi tiếng nắp thùng đổ ập, tiếng xe cũng xa dần mà mùi hôi thối bay vào cửa sổ vẫn còn nồng nặc. Thấy tôi nhìn như lắng nghe, bà lại tiếp:

- Khi cháu thứ hai được hơn hai tuổi, tôi nhận được thư mời của Ủy Ban Quân Quản Huyện, vội vã hớt hải đi lên ngay. Họ đưa giấy báo tử của chồng tôi gửi về từ Hoàng Liên Sơn, tờ giấy mỏng manh vàng khè như tờ giấy bổi, tôi cầm đọc lướt qua. Họ báo tin chồng tôi chết vì bệnh Nhồi Máu Cơ Tim, mà trước kia ổng đâu có đau tim bao giờ !!! Lúc ấy trước mặt tôi trời đất tối sầm lại, tôi khóc vật vã thảm thiết như một người điên, rồi giận mất khôn, tôi chửi bới tùm lum, từ già Hồ đến bọn Cộng Sản khát máu: “Chồng tôi có tội tình gì mà bắt đi tù đày cho đến chết”.

Tên trưởng ban đập bàn quát lớn:

- Câm mồm! Bắt nhốt con mẹ “lày nại”!

Rồi hắn giơ nắm tay lên cao như muốn đấm vào mặt tôi. Tôi sợ quá im bặt, gạt nước mắt nuốt hận! Hắn đưa những di vật của chồng tôi được gói trong bọc nylon cẩn thận để làm tin. Những lá thư và vài tấm ảnh cũ, một sợi dây chuyền trắng có những hạt tròn nhỏ li ti bằng inox, loại để đeo thẻ bài, nhưng không có thẻ bài mà nhà tôi thay vào một tượng Phật nhỏ bằng cẩm thạch còn nguyên vẹn. Cầm những kỷ vật trên tay, đúng là của ổng mà lòng tôi đau đớn quá. Tôi tính từ ngày nhà tôi đi cho đến lúc đó khoảng 29 tháng. Cha mẹ chồng tôi nghe tin cũng chết đứng, hai ông bà cứ khóc lóc kể lể:

- Con ơi! Sao con không để cha mẹ chết thay con! Để con về với vợ dại con thơ!

Thật trên đời này không có cảnh khổ nào cho bằng tuổi già, ngồi khóc con.

Lá vàng còn ở trên cây.

Lá xanh rụng xuống Trời ơi hỡi Trời!

Rồi vì quá đau thương, chỉ vài năm sau ông bà lần lượt chết theo con.

Đứa con lớn của tôi lúc ấy được năm tuổi nên biết mặt cha. Nhưng em nó sanh sau, tôi nghiệp lắm! Cha con không biết mặt nhau, mà cho đến nay nó vẫn thương ba nó lắm. Mỗi lần nó hỏi ba con đâu, tôi lại chỉ lên hình nhà tôi, vậy mà mỗi khi đi học về, có gì quý cũng đem để trước hình cúng ba nó.

Tôi giữ kỹ tờ giấy báo tử, định ngày thuận tiện sẽ ra Bắc hốt cốt nhà tôi về, nên khi Mỹ cho đi định cư, tôi mới có giấy tờ làm thủ tục đưa các cháu đi. Rồi từ lúc ra dịch vụ đến khi lên máy bay, qua đến Mỹ, tôi đã phải trả lời không biết bao lần về cái diện khác người này. Có lúc tôi đã trả lời câu hỏi của những người hữu trách là tôi đi diện HO, nhưng người ta lại hỏi: - Trước kia bà là nữ quân nhân hả? Nhưng tôi có đi lính ngày nào đâu mà dám nhận, tôi lại mất công giải thích dài dòng là chồng tôi đã chết trong trại tù cải tạo, nên chỉ có ba mẹ con, cuối cùng tôi rút gọn câu nói lại cho tiện: “Tôi đi diện chồng chết!”

Âm thanh “diện chồng chết” như dội vào lòng bà một cung điệu ai oán, khiến người nghe càng cảm thương hơn.

Bà Thu Trang chép miệng:

- Vậy mà cho đến nay vẫn chưa hốt được cốt của ông ấy, tôi cứ đau yếu luôn, các cháu thì còn nhỏ, lại chẳng quen ai ở ngoài Bắc để chỉ dẫn đường đi nước bước. Đường xa ngàn dặm, không biết bao giờ mới đưa được ông ấy về!

Bà Thu Trang muốn nói nữa, nhưng dường như nghẹn lời không nói được, khiến khuôn mặt nhăn nhúm, như có tiếng khóc, tiếng nấc âm ỉ trong lòng mà không bật ra được, để trút hết nỗi khắc khoải, băn khoăn còn vướng vất.

Tôi vội lựa lời an ủi người đàn bà tội nghiệp mới quen:

- “Thôi bà đừng nghĩ ngợi nhiều, thêm bệnh. Đời này chỉ là phù vân, có rồi lại mất, cuộc sống là vô thường. Hãy nghĩ đến tương lai con cháu, hy sinh cho chúng và tha thứ cho cả những kẻ đã hại mình. Bà sẽ thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm hơn, để sống trót quãng đời còn lại”.

Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
12/09/201601:09:09
Khách
Tác giả thật là may mắn. May mà người nhà phát giác kịp ; không thì nguy hiểm đến tính mạng. Đọc bài, chúng ta thấy sự cừu cấp bịnh nhân của nước Mỹ thật là tuyệt vời! Hệ thống 911 đã cứu biết bao nhiêu người thoát lưỡi hái của tử thần. Nếu ở Việt nam hiện nay không biết tác giả sẽ ra sao!
Cảm ơn tác giả. Cảm ơn nước Mỹ. God Bless America.
08/09/201603:49:48
Khách
Thật tội nghiệp cho nguòi mẹ mà hai cô con gái sao vô tình với mẹ quá!
06/09/201614:42:59
Khách
Tác giả vừa thoát khỏi cơn đột quỵ, chưa bình phục hẳn, mà đã cố gắng viết bài thuật lại câu chuyện thương tâm của một người vợ tù "cải tạo", thật là đáng khen. Lời văn suông sẻ, dễ hiểu.

Chúc tác giả mau chóng bình phục.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến