Hôm nay,  

VB Ký Sự: Quờ Quạng, Gay Cấn, Từ Xa

04/09/201600:00:00(Xem: 10662)

Tác giả: Quách Cường, Tân Ngố, Đoàn Thị, Phùng Annie Kim, Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 4905-18-30605-vb70903416

Đây là chuyện bên lề họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2016. do các “Thành Viên Của Nhóm Việt Bút” cùng viết. Riêng kỳ này, thêm 8 tác gia, 8 cách nhớ và viết. Nguyễn Viết Tân ráp nối và giới thiệu:

Tác giả VVNM kỳ cựu Trương Ngọc Bảo Xuân, hoa hậu thời 2001, đã từng viết: “Những người Việt tan tác khắp nơi, chưa gặp, chưa quen... Lạ thay, khi không bỗng thấy nhau thân thiết. Thân tới mức mang cả chuyện nhà của mình ra kể cho nhau nghe..”

Ngày ấy xa lắc xa lơ, đó là những năm đầu tiên chương trình Viết Về Nước Mỹ mới khai sinh, mà tác giả Bảo Xuân đã viết một câu rất chí lý, rất đáng…để đời. Vì hiện tại hơn 16 năm sau, cuộc tiền họp mặt VVNM 2016 của nhóm Việt Bút đã cho thấy rõ điều đó. Mời bạn hãy cùng đọc dưới đây, những lời tâm tình ghi vội của các tác giả VVNM khắp nơi về cái ngày này.

* * *

14. Quách Cường:

WoWang / Quờ Quạng.

Sáng thứ Bảy 13 tháng 8 tôi thức dậy, vội vàng pha ly cà phê sữa rồi mang ra vườn vừa nhâm nhi, vừa thưởng thức tiếng chim hót mừng vui ngày mới.

Tôi ở nhà một mình, vì vợ và nhạc mẫu đều đã du lịch qua Nữu Ước để chung vui sinh nhật của đứa con gái lớn. Tôi cảm thấy hồi hộp và nôn nao thật nhiều, nghĩ đến buổi tiệc chiều nay tôi sẽ được đi dự, và từ đó tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới trong nhóm Việt Bút. Như thế thì thử hỏi ai mà không nôn nao, bồn chồn sao được phải không mấy anh chị em? Cho nên:

Nhìn nắng sáng, cuối hạ vàng
Ngồi nghe chim hót, lòng đang bồn chồn
Chiều nay tắt nắng hoàng hôn
Lần đầu gặp gỡ không nôn sao đành...

Để làm tan đi cái sự bồn chồn, nôn nao trong lòng, tôi bỗng nghĩ ngay đến người bạn đồng hương NhaTrang mà tôi chưa một lần gặp mặt, đã bay từ tiểu bang Nghìn Hồ đến quận Cam tối hôm qua. Nhìn lên đồng hồ tường sau nhà, tôi thấy cũng đã gần 12 giờ trưa, nên lấy điện thoại gọi cho cô bạn.

Sau hai hồi chuông reo thì cô bạn này lên tiếng:

- Hello, Vân Thanh (Tác giả chính hiệu là Thanh Mai) đây, xin lỗi ai bên kia đầu dây vậy?

Nghe giọng nói của cô bạn đồng hương tôi nghĩ thầm trong bụng, thôi chết rồi chắc cô này phải nhỏ tuổi hơn mình, vì giọng nói nghe còn “nhí” quá! Vậy mà hồi giờ mình cứ kêu bằng chị, nhưng lỡ phóng lao rồi biết làm sao đây, nên tôi trả lời lại, vẫn gọi bằng chị:

- Ô hello chị Vân Thanh, đây là Quờ Quạng, người đồng hương với chị đây. Chị đang làm gì đó? Có rảnh không mời chị đến nhà chơi và uống nước chanh dây do Quờ Quạng pha như đã hứa với chị trong Facebook?

Thật tình và không khách sáo, Vân Thanh cho biết:

- Vân Thanh và người bạn đang đổ xăng ở Costco, và đang rảnh đây. Tụi này sẽ ghé thăm vườn nhà anh Quờ Quạng sau khi đổ xăng xong. Vậy anh Quờ Quạng text cho Vân Thanh cái địa chỉ nhà anh đi nhen.

- OK chị Vân Thanh, sau khi cúp điện thoại, Quờ Quạng sẽ text cho chị cái địa chỉ nhà liền, và từ chỗ Costco đến đây gần lắm, khoảng 10 phút là tới.

Sau khi gởi đia chỉ qua điện thoại xong, tôi ra sân trước vừa ngắm cây cảnh, vừa chờ Vân Thanh đến.

Khoảng chừng 20 phút sau, tôi nhìn thấy có một chiếc xe loại SUV màu trắng đang chạy chầm chậm ngoài đường. Tôi vẫy tay, nhưng người lái xe chắc do quá chăm chú tìm số nhà, nên đã chẳng thấy tôi mà đã chạy vút qua khỏi nhà tôi luôn. Tôi gọi cho Vân Thanh và bảo hãy quay đầu xe lại. Tôi lại còn chơi cái màn liều mạng, là ra đứng giữa đường ngoắc tay cho bạn Vân Thanh thấy. May mà hôm đó thứ Bảy vắng xe, nên tôi… còn mạng để mà viết lại thưa chuyện cùng anh chị em.

Sau khi tay bắt mặt mừng chào hỏi nhau xong, tôi mới biết là mình bị hố nặng. Cả hai cô vừa mới đến đều trông còn trẻ măng, vậy mà trước giờ tôi cứ một thưa chị, hai cũng thưa chị, thế mới chết chứ! Chắc là làm tổn thọ cho người bị gọi là chị rồi đây! Tôi nghĩ thôi thì thấy sai mình nên sửa, nên tôi cười theo kiểu cầu tài:

- Ây da! Trời ơi, nhìn đồng hương Vân Thanh và cô bạn đây còn trẻ quá, chắc chắn là nhỏ tuổi hơn Quờ Quạng rồi, nên thôi không gọi Vân Thanh và Trang bằng chị nữa nhen, không thôi hai người sẽ bị tổn thọ!

Vân Thanh nghe xong, và đúng như tiếng tăm "Nữ Hoàng Quậy" dễ gì chịu thua, nên đã cười cười và đáp trả:

- Chưa chắc ai trẻ hơn ai nhen, coi trẻ vậy chứ Vân Thanh cũng…bộn rồi đó.

Nói xong cô "Nữ Hoàng Quậy" lại còn nheo mắt đá với cô bạn đi cùng nữa chớ. Tôi nghe Vân Thanh nói thì lại bắt đầu… quờ quạng. Tôi nhớ những cái cấm kỵ lớn mà tôi được biết trong đó có cái…rất kỵ là không bao giờ hỏi tuổi phái nữ. Thế thì tôi biết tính sao đây! Nhưng cũng may cho tôi, tuy là hay quờ quạng, nhưng bù lại Trời ban cho cái đặc ân đó là "tùy cơ ứng biến", nên tôi nói:

- Ô chưa chắc đâu Vân Thanh ơi, vì năm 1975 Quờ Quạng đã xong phần trung học và lên đại học rồi. Còn Vân Thanh và bạn Trang này chắc hãy còn chưa xong phần trung học đúng không?

Thế là hai nàng này đành chấp nhận nhỏ hơn tôi. Nhưng nghĩ lại hơn thua “lớn nhỏ” mà làm chi nhỉ? Nếu mà gặp đang lúc trời tối, thì…nhà ngói cũng như nhà tranh thôi mà (đùa chút cho vui, làm ơn tha quờ quạng tụi nhé). Cái tôi rất thích nơi Vân Thanh ngoài cái quậy của cô nàng ra, là tính tình cởi mở, rất thật tình và không khách sáo. Nên ba chúng tôi tuy mới gặp lần đầu, mà cả ba đều cảm thấy như là đã quen nhau từ xa xưa.

Rồi thời gian trôi qua hình như quá nhanh hay sao đó, nên sau khi thăm vườn, chụp hình, uống nước chanh dây, và hàn huyên những chuyện xưa nay, chúng tôi nhìn lên đồng hồ thì đã thấy gần 2 giờ trưa. Vậy là đến cái màn chia tay tạm biệt cho "Nữ Hoàng Quậy" đi mua sắm áo đầm cho buổi tiệc chiều nay. Chúng tôi hẹn sẽ gặp lại nhau vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày ở nhà anh chị Hoa Hậu Annie.

Sau khi tắm rửa xong nhìn đồng hồ cũng đã gần 4:50 chiều, tôi liền mặc vội quần áo vào, và ra xe để lái đi “nhập hội”. Vừa đến nhà anh chị Annie tôi gặp ngay Vân Thanh ra mở cửa. Vào trong tôi nhìn quanh và bắt gặp một cô gái nhìn hãy còn rất trẻ và dễ thương, tôi chưa kịp lên tiếng chào mọi người, thì cô gái trẻ này đã lễ phép lên tiếng chào hỏi tôi trước:

- Dạ em là Donna còn có nick là Donut, hân hạnh chào anh, và anh có phải là anh wowang hay Quờ Quạng gì đó không?

Nghe cô em này chào xong, tôi chợt cảm thấy bớt đi nỗi bơ vơ của lần đầu tiên đi đến nhà người lạ, ra mắt gặp nhau cho việc trở thành bạn bè sau này. Tôi hăng hái:

- Wow, sao Donna này hay quá, mới nhìn sơ thôi mà đã biết ngay tôi chính là Quờ Quạng.

Tôi cũng chào hỏi các anh chị khác, lúc họ đang bận rộn ký tên lên những quyển sách VVNM mà mọi người đang dự tính mua. Ai cũng đều thân mật giới thiệu tên của họ với tôi, nhưng tiếc quá vì mới lần đầu gặp nhau nên tôi không tài nào nhớ hết (thành thật xin lỗi cùng mấy chị hôm đó). Tôi còn nhớ hôm đó đã gặp được vợ chồng anh Sao Nam, vợ chồng anh Yên Sơn, chàng cao bồi Texas tóc dài tên Phan, Chị Tường Vân; Donna v.v... Nhưng sao không thấy anh chị chủ nhà Annie, nên tôi lên tiếng hỏi:

- Ủa còn chị Annie và anh Phóng Dao đâu sao không thấy?

Tôi chờ sự trả lởi, và nhớ hình như là không có ai trả lời câu hỏi của tôi, chắc là do tôi đã sơ ý đặt câu hỏi mà không nhắm vào một ai, nên không ai trả lời. Tôi sau đó đã lập lại câu hỏi với "Nữ Hoàng Quậy", thì được cho biềt là chị chủ nhà Annie đang đi làm đẹp.

Vì tôi đến đúng 5 giờ chiều, nên hình như hãy còn quá sớm! Tôi lại quên mất người Việt Nam mình, trên tay hình như vẫn còn thích đeo cái đồng hồ nhựa, nên sợi dây thiều được chạy bằng dây thung, nên thời gian cứ theo đó mà co giãn tùy thích (cái này là nói giỡn thôi nhen xin đừng giận WW), nên tôi ra ngoài sân sau ngồi trò chuyện với anh chàng cao bồi Phan. Thật tình mà nói, chàng Phan này tuy tuổi hãy còn trẻ, nhưng lại có tài cao, thành ra biết nhiều và ăn nói thật là hay, rất là có lý, nên tôi ngồi nghe mê luôn, và học thêm được nhiều điều hay từ anh cao bồi này.

Rồi thì thời gian trôi qua, mọi người kéo đến đông dần và buổi tiệc trở nên ồn ào và vui nhộn hơn. Tôi được gặp lại những người mà tôi quen vì đã có gặp qua một lần như vợ chổng dượng Tưng, vợ chồng anh Phi Bảo Trân, vợ chồng anh chị Tân Khoa, vợ chồng ns Cao Minh Hưng và hai cháu, cũng như anh Sỹ. Kế đến thì nhóm Việt Bút Bắc Cali, ban đầu thì có bạn Cao Thái (SJ) đến trước, rồi khoảng 1 tiếng đồng hồ sau thì nhóm do chị tài xế lái xe đường dài M&M cũng đã đến, nên buổi tiệc càng đông, càng vui nhộn hơn lúc ban đầu.

Có trốn đi làm đẹp cho lắm, rồi cũng phải trở về nhà thôi, nên sau rồi thì anh chị chủ nhà Annie, cũng có mặt để tôi được phép ra mắt chào hỏi anh chị. Sau màn chào hỏi nhau, lúc đó tôi mới được biết thêm là cô gái thật trẻ tuổi, luôn làm việc thật siêng năng ở nhà bếp, lại chính là ai nữ Natalie của anh chị Annie. Cháu Natalie, thật ngoan, giỏi. Anh chàng nào có phước từ ba đời trở lên mới lấy được cháu này làm vợ đó chứ không phải giỡn đâu qúy anh chị em.

Sau đó thì có một cháu trai vừa cao to, vừa trẻ trung đẹp trai tên Quân đến chào chú Quờ Quạng, làm tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng sau sự chào hỏi qua lại, tôi biết được cháu chính là quý tử của hai anh chị chủ nhà Annie. Cháu thật là lễ phép và trò chuyện bằng tiếng Việt Nam rất sành sỏi. Tôi nghe mà rất thích thú và pha lẫn nhiều sự ngưỡng mộ trong đó. Cháu đã cố gắng dùng toàn tiếng Việt để trò chuyện cùng tôi. Thật là một điều đáng quý mến, và tôi đã khen để khích lệ thêm cho cháu.


Trong lúc trò chuyện cùng cháu Quân, thì lại có thêm màn hấp dẫn của hôm đó, đó là chàng nấu phở tài ba Sài Gòn Dzú đã bỏ công khó nhọc, để mang đến một nồi phở thật to, làm cho ai ai cũng cảm thấy đói, vì nồi phở thơ.

Quách Cường

15. Tân Ngố:

Gay Cấn!

Đây là vài tình tiết “gay cấn” khi nhóm Việt Bút đóng màn kịch “Ngọa Triều Thiên Tử”.

Lúc ông Tân Ngố đóng vai Lê Ngoạ Triều (Lê Long Đĩnh), thấy xung quanh quây quần một bầy cung phi, nhân vật chính nhập vai (tiếng chuyên môn giờ gọi là diễn sâu) nên cười tít mắt.

Bỗng có tiếng la:

- Thanh Mai - Nữ hoàng quậy đâu rồi? "Thơm" Bệ Hạ mau lên!

Nam diễn viên đang nhắm mắt bỗng thấy một cặp môi nóng bỏng ịn vào má.

Trời ơi, thiệt là đê mê quá mạng.

Nhưng lạ, sao lại có nước nhễu nhão rớt xuống mặt thế này?

“Vua Lê” la lên chới với:

- Úi trời, sao qúi phi làm gì tùm lum tà la xuống ướt mặt quả nhơn vầy nè!

Bỗng nghe tiếng cười inh lên như tiếng một bầy chim bồ chao vỡ tổ.

Mở vội mắt ra thì lại thấy cái gì cà vào mặt rát như bàn chải?

Trời đất thiên địa ơi! Thanh Mai nào đâu thấy, mà đó là cái mặt của SaiGonmylove Vũ.

Y ta đã lừa cơ hội, lòn vào giữa đám phi tần mà "thơm" má Hoàng Đế.

Thiệt là mất phê!

Gặp hồi còn thịnh thời, có lẽ vua đã ra lệnh cho đám quần thần xử trảm tên Thái Giám Vi Tiểu Bảo này rồi.

Tân Ngố

16. Đoàn Thị:

Từ Paris

Nhìn về quận Cam – Nghe Phan phán một câu xanh rờn, “Về quận Cam như về lại nhà khi trái tim đã để lại quê nhà”, lời tâm tình chắc nịch của dân U Ếch Ay, làm tui đây tủi phận kẻ ở miền xa, mãi bên trời Âu.

Đi Cali tui đi mấy bận rồi, đâu phải lần đầu ghé chơi như năm 1998, đi dâu cũng thấy Mít mình đầy đường vì em tui ở ngay Westminster, sát nách chợ Sàigòn Nhỏ. Năm đó mừng như về đến Sàigòn xưa, rồi tiếc cho Sàigòn cũ sau 75 tìm mãi không thấy “hồn thu thảo”.

Tôi cũng có cái nhìn như Phan, đờn bà con gái ở đây từ nhà lồng chợ Phước Lộc Thọ cho đến phố xá bên ngoài, nhìn ai cũng thấy “họ hàng” với bà Hạnh Phước, có nét thanh lịch từ đầu đến chân, chị em được người bên nhà gọi là “Việt Kiều Mỹ” để phân biệt với nữ VK ở lục địa khác, da vàng mũi tẹc sần sùi.

Hàng ngày “mâm bờ” tui đây (hội viên) của Việt Bút đọc hết ráo meo của nhóm, vui nhộn thân tình, ai nhức răng đau cổ họng có trạm thông tin tại chỗ gõ mõ làng, sau đó tùy tình hình vui buồn mà chia xẻ, đôi khi có cả hình ảnh phụ đề tuy “không ăn ảnh” vẫn ăn tiền. Nhưng sôi động nhất là cả tháng trước ngày phát giải thưởng VVNM, Bắc Nam Cali hò hẹn tùm lum làm thành viên ở tiểu bang xa nhốn nháo, kẻ hứa người hẹn “Mình sẽ đi Cali”. Hội viên tui đây bên trời Âu sáng ra “bắt meo” bên nớ, đu theo thời cuộc, lúc này tôi thấy mình y chang ông bố những tháng sau 30 tháng Tư 75 ôm cứng cái radio nghe BBC, VOA để phải khóc thầm mình vẫn “dậm chân tại chỗ” trong lúc bạn bè của bố đã đặt chân lên đất Mỹ.

Thương lắm chị Song Lam (biệt hiệu Bảy Xe Lam) một lần đến với Việt Bút coi như vĩnh viễn nhớ thương, chị khóc như mưa vì hạnh phúc dù có muộn màng, (có còn hơn không) chớp được đám bạn mới toanh mà chân tình như tri kỷ. Tình cảm ấm áp đó do cô em “đầu têu” Donna Bắc Cali bày trò họp mặt văn bút vài năm trước nhân mùa phát giải VVNM, đến bây giờ gia sản của cô em cũng khấm khá lắm đấy.

Bắc xướng Nam phụ họa, chú em Sàigòn Dzú cho VB mượn văn phòng “mần ăn” khai mạc lần đầu “tiền họp mặt” cho đến bi giờ cũng mấy mùa lá rụng nhưng vẫn “đắt sô”, tuy sau này địa điểm vui chơi được dời đi nơi khác. Nam Cali có Dzú Sàigòn, Dzú phở, DZú chủ xị, Dzú phó nhòm, chú em tuy là hội viên không chịu viết nhưng chịu chơi tới bến nên được hoa hậu, á hậu, nam vương đoạt giải “mến mo” chú như bạn chí cốt, mà nếu ai cũng cặm cụi viết còn ai nấu phở, chụp hình phục vụ tụi mình.

Nói tới Dzú không thể thiếu vợ chồng “Phóng Dao”. Nghe tên gọi giang hồ chi đâu, nhưng anh chị là dân lương thiện thứ thiệt, lại yêu người yêu đời vô bờ bến nên tiền, hậu họp mặt VB, họp mặt ngang xương trong năm anh chị đều mở rộng cõi lòng và cửa nhà đón tiếp mọi người. Sàigòn với Phóng Dao lo nơi ăn chốn ở cho khách phương xa, thông tin tuyên truyền cổ vũ có chị Tiểu Long Nữ Bảo Xuân cộng tác chặt chẻ với các bác Tân, Thời, Ma, chú Cao…, nguồn máy VB chạy re re ngon lành (chạy chứ không phải chảy re re nhe).

Bắc Cali ngoài cô em Donna ruột để ngoài da, mếch lòng trước được lòng sau, đến giờ này chỉ có người thương chứ chưa thấy ai ghét “con nhỏ lanh chanh vì đại sự». Trên ni âm thịnh dương suy, một bầy “nữ hoàng”, từ nữ hoàng thương xá (chị T.Hương), nữ hoàng đoạt giải, nữ hoàng...nhìn mà thương cho mấy anh hùng lẻ loi tháp tùng phe ta xuôi Nam tìm “bạn tâm giao”.

Sau mấy mùa họp mặt VB, mâm bờ bi giờ bộn sổ, lai rai chú em Cao nắm tay từng người dắt vô nhà VB, ông kẹ này nhổ răng giỏi mà “dụ dỗ» cũng hay, ra ngõ ngoắc ai là người đó gật đầu gia nhập VB liền.

Mới đây có hội viên mang tên WW lạ hoắc, đừng nói hắn làm cho tụi internet chi đó nên tên tuổi bắt đầu bằng chữ “đắp bồ vi», ông thần này tự nhận “wờ wạng» nghe thất kinh hồn vía, nhưng thùng rổng khua nhiều chứ lành như bụt. Người anh em không hề “wờ” mà rõ như ban ngày, dị ứng mấy chữ tối thui của vixi như, “ý đồ, kiên trì, bức xúc», đanh thép với “địch» nhưng “hiền như ma sơ», ai nhờ gì chú cũng gật, hổng nhờ chú em buồn.

Nam Bắc Cali tui đều có “bạn hiền”, nhưng vì tui đây là “thợ lặn” chính hiệu, nhận meo, đọc meo nhưng không bao giờ lên tiếng vì gió biển Manche đánh bạt tăm hơi từ lâu nên tự động “tàng hình». Mong bạn hiền hiểu cho tâm tình kẻ ở miền xa, riêng “thầy Phan” tui hiên ngang “bắt bồ” vì biết tính thầy “ta bà tứ hải gia huynh đệ”, bất kể ngăn sông cách núi. Mặt khác tui “lặm” mấy bài viết của thầy, đọc rồi, đọc lại sao thấy ấm lạnh tâm can, thương Việt Kiều ngố không phải tu hú nuôi con họa mi, mà lầm lủi cày bừa như trâu gửi về quê mẹ nuôi ai.

Vài hàng tiếp lời ngang xương với Phan dù không được yêu cầu, chắc thầy thông cảm, tui đây bị méo mó nghề nghiệp, tức cảnh bèn hạ bút như ri, viết rồi run, sợ thầy hỏi “Ai vậy?” là toi mạng. Thôi đành đầu thú, tạ tội đây, mâm bờ này được kết nạp Việt Bút group mấy niên rồi, dạo đó chưa có màn tiền họp mặt chi cả nên trong buổi phát giải, tuy có trao nhau chữ ký, một chút ân tình trong buổi lễ rồi sau đó nhà ai nấy về dù nỗi niềm chưa nói hết.

Lần này tuy không đến Cali nhưng nhờ nhóm VB báo cáo, tường trình đầy đủ, kẻ ở miền xa nhìn quận Cam nhộn nhịp, cầm lòng không đặng bèn sổ lòng, góp lời coi như mình vừa bay sang đó vui chơi với mọi người. Năm nay lại lỡ hẹn với một chị bắc Cali, hai chị Nam Cali, không hẹn mà tự động làm quen được với thầy Phan mới hay, cu bồi Texas chịu chơi nên cho tui đây (Tây đui) thiếu chịu thư làm quen chưa viết kịp nhe.

Đoàn Thị

17. Phùng Annie Kim:

Vài dòng

Sau hai ngày vui chơi ăn uống, ca hát, tâm tình với các bạn VB từ khắp nơi về đây và một buổi lễ lên ngôi Hoa Hậu hết sức là "hoành tráng", em xin có vài nhời thưa chuyện với các bác và Anh Chị Em:

- Em nhớ các bác và các anh chị em lắm. Sân vườn sau và sân trước nhà em bây giờ chỉ còn nghe tiếng chim hót chứ không còn tiếng cười và tiếng chuyện trò rôm rả của các bác và Anh Chị Em nữa. Sân vườn sau nhà em thoảng mùi hoa nhài và hoa ngâu. Không còn mùi thơm của hồi và quế trong những tô phở của phở Dzú nữa. Bàn ghế đã vô garage. Khăn bàn đã phơi. Mùng mền chiếu gối đã cuộn cho lên nóc garage. Chén bát và đồ dùng nhà bếp đã cho vào tủ. Tủ lạnh đã trống rồi. Tô phở Dzú cuối cùng của Dzú Donna đã xơi trước khi lên đường (Vẫn ngon như thường) Còn tô bún riêu cuối cùng Annie đã xơi sáng nay (Vẫn ngon như thường).

Sáng hôm qua, anh giám khảo NXN mời VB đi ăn trưa ở Huế Ơi!. VB có bác Tân, cặp Bảo Trân, Cặp Thy - Phương Dung, cặp Phóng Dao - Annie và anh Phan. Trưa nay bác Tân làm càng cua luộc đãi VB. Annnie và Phóng Dao đến ăn ké.

Ủa, sao mình cứ đi ra rồi lại đi vào. Những miếng giấy màu cắt hình chữ “Chào Mừng Việt Bút Hội Ngộ 2016" Phóng Dao bóc ra từ hôm qua. Bức tường trắng quá. Trống vắng quá. Chỗ này là nơi "đắc địa" để bà con VB chụp hình. Ai đó, chị Xuân, Tím...có còn nhớ?

Vài dòng tản mạn Gửi các bác các ACE đọc chơi để "Còn một chút gì để nhớ để thương".

Phùng Annie Kim

18. Trương Ngọc Bảo Xuân:

Viết hoài!

Như trái banh tuyết càng lăn càng to, giải thưởng Viết Về Nước Mỹ càng ngày càng truyền bá rộng rãi, không chỉ ở nước Mỹ mà còn vang xa khắp thế giới.

Nhìn lại tấm hình họp mặt tác giả Viết Về Nước Mỹ năm đầu tiên 2001, chỉ có mình ên tui ngồi chung với Ban Giám Khảo mới toanh và nhóm Việt Bút còn ngoài chân mây.

Năm nay 2016, đã có hàng ngàn ngàn tác giả không ngừng “đem chuyện nhà và chuyện đời ra kể cho nhau nghe”, những người chưa gặp chưa quen.

Mừng Việt Báo, mừng nhóm Việt Bút có những buổi tiền hội ngộ cho những cựu và tân Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau và mừng cho Viết Về Nước Mỹ, viết hoài viết mãi, để đời.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ghi chú của Nguyễn Viết Tân, người cắt ráp Việt Bút Ký Sự: Chị Bảo Xuân, hoa hậu Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm đầu tiên 2001, bao năm qua vẫn gắn bó với VVNM và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết giải thưởng VVNM.. Theo thông báo tại lễ phát giải năm nay, chị Bảo Xuân bắt đầu là Trưởng Ban Tuyển Chọn Chung Kết thay thế nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, từ năm 2017.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,252,069
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Nhạc sĩ Cung Tiến