Hôm nay,  

Tui Mê Bóng Đá

07/08/201600:00:00(Xem: 10868)
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 4886-18-30586-v86080716

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Công việc hàng ngày của tác giả là chăm sóc ông chồng sĩ quan cựu tù bị tâm thần suy nhược. Bài viết mới của tác giả là chuyện Mùa Euro 2016.

* * *

blank
Hình ảnh và tựa đề từ bản thảo của tác giả.

Mỗi năm cứ tới tháng Sáu là có đá banh. Có lẽ là một sự trùng hợp cho tháng hè thuận lợi về tổ chức bóng đá. Mà cũng có lẽ tháng 6 là tháng lễ cha, các ông bố đa phần là mê đá banh. Nhiều khi nhóm bạn già tui còn nói lái lại là "đánh ba" mới tức cười.

Ngày tui đến Mỹ môn đá banh ít có dịp tường thuật trên TV vì người Mỹ không thích môn này. Người Mỹ thích những gì nhanh gọn, nhiều điểm, thật sôi động, ồn ào như Foofball, Basketball, Baseball... Họ không thích ngồi nhìn trái banh lăn trên sân, mấy chục người giành mà chẳng dám đụng tay vào trừ thủ môn. Cả trận kéo dài lê thê 90 phút mà chỉ cómột lần nghỉ giải lao. Chạy qua chạy lại mệt xì khói mà tỷ số nhiều lắm 4 trái là cùng. Có khi gần cả hai tiếng đồng hồ rượt đuổi lại huề nhau 0-0.

Cho nên dân VN ghiền bóng đá, nhớ quá những ngày ngồi nghe radio hay xem TV ở VN. Theo dõi trân đấu với lối tường thuật hấp dẫn, lôi cuốn của Huyền Vũ. Những tiếng hô Sút Sút..., Banh đã lọt lưới, phá vở khung thành... nghe nó đã làm sao..

Từng bước trên xứ Cờ Hoa này đã có nhiều thay đổi. Dân đầu đen mình đến Mỹ khá đông rồi sinh con đẻ cháu. Dân Mễ lại ghiền bóng đá, mà chỗ nào trên nước Mỹ lại không có mấy anh này. Phong trào chơi đá banh càng ngày càng phát triển, người Mỹ trắng chắc không thích mấy, nhưng dân nhập cư thì quá xá mê.

Những đài VN mở ra như nấm, Để đáp ứng thị hiếu khán giả đài nào cũng có phần "Bình luận bóng đá sôi nổi" Có đài còn đưa ra giải thưởng cho khán thính giả gọi vào đoán ai sẽ thắng cuộc. Nhất là đài SBTN với Luân Vũ, Trúc Hồ, Sĩ Đan bình luận mỗ xẻ tận tình.

Tại hội trường vài nhà báo chiếu live tại chỗ với màn hình TV lớn, làm thỏa mãn nhu cầu cánh mê bóng đá của người Việt mình. Gì thì gì chứ coi thể thao, nhất là đá banh càng đông càng vui. La hét, phấn kích tận tình cũng là một cách tăng thêm năng lượng cho cuộc sống.

Mỗi buổi chiều tui dẫn ông chồng đi bộ ra cái park gần nhà. Ở đó lúc nào cũng có người Mễ ra chơi đá banh.Các cháu nhỏ có đội nam, đội nữ được tập luyện tận tình. Mấy chị Mễ chở con ra công viên chơi cầu tuột, xích đu. Theo chương trình đăng ký sẳn, tới giờ các chị rũ nhau vào hội trường. Họ mở máy, loa phát to vang trời rồi cùng nhau tập nhảy những động tác thể dục. Tới lui, giơ chân, xoay bụng nhịp nhàng vui lắm. Vừa enjoy văn nghệ, lại vừa kích thích cho mấy cục mỡ xẹp bớt để còn tiếp tục ăn đậu, ăn cheese mà không sợ bị béo phì.

Cuối tuần các đội banh lớn nhỏ bày trận đấu với nhau cũng gay cấn lắm. Mấy anh Mễ bán đồ ăn cũng tới buôn bán rộn ràng như ngày hội. Nhạc Mễ xập xình inh ỏi.Sân chơi được phân ranh vì nhiều toán cùng đến. Khung thành dã chiến được thành hình bằng một lằn vạch hay mấy cái cây đóng xuống làm dấu. Vôi được rãi xung quanh để làm biên cho sân.

Cảnh này làm tui nhớ hình ảnh quê nhà, Một sân banh nhỏ ngay sau trường học, mấy anh tui quần xà lỏn, ở trần quần quật với trái banh được quấn bằng mũ cao su. Tui nhảy tưng tưng la lên khi banh xuống sát khung thành. Chạy tới chạy lui mệt đã đời, nhóm con trai rũ nhau đi tắm ở cái phông tên nước đầu xóm. Có khi dẫn nhau đi tắm ở con suối cuối làng.. Nhóm con gái không dám xuống nước, dẫn nhau chơi nhảy lò cò hay chơi ô quan, hoặc tha thẩn bẻ hoa bắt bướm ở bờ suối.

Thuở ấy con trai con gái chưa biết mắc cở. Mấy cậu cứ cởi truồng tồng ngồng tắm thỏa thích, la hét ỏm tỏi. Tắm xong khỏi cần lau lọt chi cho tốn khăn. Cứ thế bận quần vào rồi đi về. Gió thổi lồng lộng, cái gì cũng khô.

Quê tui cũng có sân vận động lớn bên cạnh nhà máy chế biến mũ cao su. Ba tui với bộ đồ thể thao làm trọng tài thiệt oai hết sức. Đội banh người lớn đa số là mấy anh người chà gác cổng hay làm khuân vác rất khỏe mạnh. Họ ở riêng một khu vực cuối làng. Họ hay nuôi dê và tuyệt đối không ăn thịt heo. Họ theo đạo Hồi, nên mỗi lần có tiệc tùng mời họ dự, thì họ cử người đến tận nơi để cắt cổ gà hay vịt. Có như vậy họ mới dám ăn vì họ vừa đọc kinh vừa cắt cổ.

Tui và mấy anh được phân công đứng giữ đồ và phục vụ nước chanh đường cho cầu thủ nhà. Chiều về, ba tui quăng cho má một đống quần áo cầu thủ đã dơ. Được lịnh bố già, anh em tui quây quần ngồi nhổ cỏ chỉ găm vào vớ chi chít. Vừa làm việc vừa bàn cãi ì xèo cũng vui.

Thế là má tui vừa phải giặt đồ, vừa phục vụ nước uống mệt phờ luôn chả được trả công gì hết.

Oai lực của đàn ông là ở chỗ đó. Má tui chưa hề bước ra sân cỏ, chưa từng được một tiếng cám ơn. Chưa từng nghĩ có một ngày phụ nữ không phải chỉ biết có giặt đồ đá banh. Mà họ sẽ bước ra sân cỏ trong hàng ngàn tiếng vỗ tay. Họ sẽ đoạt huy chương vàng cho quốc gia họ. Họ sẽ chạy như bay, đá thật đẹp trước cả chục ngàn người hăm mộ.

Giá mà má tui còn sống! Mà biết đâu theo triết lý nhà Phật, má tui đã trở thành một cầu thủ nổi danh hiện nay, vì kiếp trước bà đã tận tình phục vụ cho ngành bóng đá.

...

Mỗi chiều cuối tuần tui hay dẫn ông xã đi ra park, mang theo cái ghế dựa và hai chai nước. Thế là có màn coi đá banh free vừa tăng thêm thi vị của mối tình già, vừa đi bộ tới lui cho giãn xương giãn cốt.Thỉnh thoảng tui mua cho ổng cái hot dog hay cây kem để gọi là tham gia phát triển công đồng bạn.

Đó là những ngày còn ở nhà cũ gần công viên. Từ ngày vợ chồng tui bỏ hết giang sơn về ở với con gái, tui nhớ vô cùng cái sân vận động gần nhà.

Nhà mới chỉ cái công viên nhỏ xíu, đi bộ một vòng chưa mỏi chân là hết. Chỉ vài cầu tuột cho trẻ con. Cây nhiều, lá rụng đầy công viên. Mùa thu mùa hè gì cũng vắng bóng người. Ông xã tui cũng không được khỏe cứ im ỉm ở nhà. hết nằm lại ngồi, người mỗi ngày mỗi yếu.

Năm nay tháng 6 lại về. Mùa giải bóng đá Châu Âu đi kèm với giải Copa America rồi thêm hai trận bóng đá nữ. Một trận Đội nữ Mỹ đá giao hữu với đội Nhật và mới đây đội nữ USA đá với đội South Africa làm tui theo dõi say mê. Mặc dù con mắt chưa trở lại quân bình.

Thiệt tình mà nói, tui thấy mình cũng không giống ai. Già rồi mà còn mê bóng đá. Mà đâu phải coi ăn theo ông chồng đâu. Tui mê rồi ngồi coi mình ên mới chết. Thỉnh thoảng gặp bửa con rễ tui không đi làm, nó cùng tui ngồi coi. Mà chán lắm bà con ơi! Tưởng đâu nó cùng hưởng ứng cho bà má vợ la ầm xì theo cho vui. Ai dè nó ngồi yên cười mỉm chi không hà. Tui la Dô, Dô.. sút, sút... Quay lại thấy thằng rễ ngồi im không biểu lộ gì hết trơn làm tui quê một cục.

Chắc trong bụng nó nghĩ thầm:

"Bà già vợ này chắc hồi còn trẻ quậy dữ trời lắm nghe"

Mà thiệt ra tui hiền khô có quậy phá gì đâu. Chỉ có điều coi đá banh mà không có biểu hiện gì thì chán chết lại buồn ngủ nữa. Chẳng hạn một trái banh đang được lừa tới lừa lui. Một cầu thủ được banh, thật nhanh đem xuống, đem xuống, lách qua hàng phòng vệ. Đưa xuống thật gấp và...sút. Trái banh vượt khỏi tầm tay thủ môn và lao thẳng vào khung thành một cách tuyệt vời. Dô... Dô.

Hỏi các bạn đường banh như vậy mà mình ngồi một đống, hai tay để trên đùi, chẳng biểu lộ gì hết có phải chán mớ đời không?

Ông chồng tui hồi chưa bệnh nặng, lúc đó mấy đài TV chưa tường thuật bóng đá đầy đủ như bây giờ. Ông rất mê Baketball. Ông là fan ruột của đội Laker. Ông thuộc từng tên, từng lối chơi của các cầu thủ. Mỗi khi sinh nhật hay lễ lớn quà tặng dành cho ông là những chiếc áo, mền hay những gì có dính dáng tới đội Laker. Nhất là Kobe Bryant ổng có mấy cái áo với số của cầu thủ nỗi tiếng này.

Thế rồi đội Laker xuống dốc, sức khỏe chàng của tui cũng tuôt nhanh không thắng lại được. Mỗi năm vào mùa giải NBA tui mở TV rồi kêu ổng ngồi coi. Nhưng người tình trăn năm của tui lơ tơ mơ chả tha thiết gì, chỉ thích đi nằm.

Năm nay chương trình đá banh các giải quá hay không thể bỏ lỡ cơ hội. Tui dụ dỗ chàng theo tui trên từng đường banh lăn trên sân cỏ.

Mà đâu phải muốn coi là coi đâu. Làm đàn bà khổ hơn cánh đàn ông ở chỗ này. Phe quý ông tới giờ là phóc lên ghế salon ngồi coi. Có thể rũ thêm vài người bạn. Này bia, này nước ngọt hay cà phê cà pháo. Để tăng thêm kích thích còn có khô bò, đậu phọng, bắp rang hay vài món đồ nhậu.

Hết mồi mấy anh chỉ kêu: "Em ơi...em mang cho anh..." rồi cười tình một cái là bà xã xăng xái bưng lên. Trong bụng bả sung sướng nghĩ thầm: "Gì chớ ổng mê đá banh thì hạnh phúc số một. Khỏi mê gà móng đỏ hay mèo chân dài. Ổng ngồi ở nhà nhậu thì còn an toàn toàn hơn khỏi phải hồi hộp đường về bị cảnh sát chận lại."

Còn phe đàn bà của tụi tui đâu phải được hưởng thụ như vậy. Này nhé, tui phải biết trước mấy giờ đá banh để lo trước cho chồng đâu ra đó. Lo cho chàng ăn sáng xong thì phải chuẩn bị bửa trưa cho sẵn sàng.

Hể nghe chàng bấm máy gọi Đính.. đoong, đính...đoong... là tui phải chạy ngay để có mặt. Chạy như cầu thủ rượt theo trái banh da. Phải khưng lại ngay trước mặt chàng như bị trọng tài biên giơ cờ thổi việt vị. Tui không tìm cách lừa qua lừa lại để câu giờ như một số cầu thủ trong trận đấu. Bởi vì nếu chàng bấm máy gọi mà tui không tới kịp thì hậu quả khôn lường, tui phải dọn dẹp vệ sinh còn thê thảm hơn nhiều.

Năm nay các trận đấu thường bắt đầu vào khoảng 11:30 phút trưa. Cho nên tui thường phục vụ cho chàng của tui ăn trưa trong giờ nghỉ giữa trận để còn ngồi xem hiệp hai cho thoải mái.

Cũng buồn vì xem TV một mình, có hôm tui đưa chàng lên ngồi chung. Tấn chàng trong tư thế an toàn và thoải mái. Tui với chàng ngồi xem đá banh.

Nhìn thì tình điệu lắm. Hai vợ chồng già ngồi bên nhau vai liền vai mùi tận mạng. Tui còn lột cam rồi cắt hai cho vừa một lần ăn, hay pha cà phê cho chàng uống để lấy cảm hứng nữa chớ. Thỉnh thoảng tui quay qua đút cho chàng một nửa múi cam rồi dán mắt lên màn ảnh.

Ồ kìa! Trái banh đưa xuống khung thành, áo đỏ, áo xanh tranh nhau thật khốc liệt và nguy hiểm. Một cú đội đầu...Dô... Dô...Tui la lên và quay lại chàng để tìm một người đồng hành trong cảm giác thích thú này.

Chàng của tui đã nghẹo đầu một bên, môi trễ xuống, nước miếng chảy ướt một bên áo.Chàng đã ngủ say.

Mất hứng hết trơn, thì ra chàng của tui đã bị liệt vị hai mắt mở không lên, hết đường nhúc nhích.

Thấy mình cũng không đúng, mê đá banh hơn mê chồng. Để chàng quẹo đầu ngủ như vậy rất mỏi cổ, tui đở chàng nằm xuống salon và tiếp tục coi một mình.

Có hôm tui nói với chàng: "Hôm nay Mỹ đá với Argentina gay cấn lắm. Tui mở TV cho ông coi nghen" Tui đở chàng nằm trên giường, Bấm máy cho đầu lên cao, đeo kiếng cho chàng thấy rõ. Tui mở TV trong phòng ngủ hai đứa coi chung. Tui giải thích cho chàng áo màu nào là của đội nào. Thỉnh thoảng còn tìm cách nói chuyện về trận đấu để kích thích não chàng của tôi làm việc. Mà rồi gay cấn quá, Đội Mỹ bị đội Argentian tấn công liên tục, tui say mê lẫn lo lắng, hồi hộp theo dõi quên hết mọi sự.

Khi quay trở lại nhìn chồng thì anh ấy đã ngủ say chả tha thiết gì tới trái banh. Mỹ thắng hay thua, chả nhằm nhò gì. Ngủ là trên hết.

Tui cũng có những người bạn cùng theo dõi các trận đá banh với tui một cách tích cực, đó là vợ chồng anh Mai văn Nhãn. Anh ở Texas. Biết tui bận việc nhà nên cứ khoảng còn hơn nửa giờ khai trận là anh gọi phone nhắc nhở. Anh chị phải gọi trước để tui chuẩn bị lo cho chàng của tui trước khi trận đấu bắt đầu.

Sau khi kết thúc, chúng tui cũng gọi phone bình loạn với nhau sôi nổi. Quyền phán đoán, nhận xét cầu thủ là của mỗi người, có chết ai đâu mà sợ. Anh ấy có cái nhìn rất sắc bén về các đội và các cầu thủ. Còn tui, tui là dân coi đá banh a ma tơ. Tui không cuồng nhiệt hay thần tượng một đội nào hay siêu sao nào. Những lần trọng tài phạt thẻ vàng, thẻ đỏ không công bằng là tui mặc sức tố khổ. Những trò giả đò té đau hay đóng kịch lăn lộn là tui ghét lắm. Đá banh là phải chơi đẹp. Chơi gian manh không xứng đáng làm danh thủ.

Tui cũng có nhỏ bạn cũng mê đá banh không khác tui, Không dám nói tên, cô nàng lại viết truyện chọc quê tui thì chết. Cô ta tuyên bố không thèm mua những đài thể thao tốn tiền vô ích. Cứ tới giờ là ta lên ngồi chểm chệ trên ghế salon, đồng vợ đồng chồng mở coi... đài Mễ. Đài Mễ thì không trận nào không thu hình. Lý luận cô ta cũng rất logic:' Coi đài Mỹ làm chi, họ nói nhanh quá mình cũng chẳng hiểu kịp. Đài Mễ không tốn tiền mà còn nghe nó la đã cái lỗ tai. Mình la theo hứng khởi hơn."

Tui cũng tâm niệm điều đó. Một lần trận đấu giải Copa mấy đài thể thao Mỹ tui và anh Nhãn mò hoài không ra. Thế là mở đài Mễ để coi. Y chang ! nhỏ bạn tui nói đúng phóc. Họ tường thuật sôi động, la hét hấp dẫn đã cái lỗ tai, nhưng tui lại càng chả hiểu gì hết trơn.

Giải Copa bây giờ đã kết thúc. Mỹ vào được Semi Final cũng là ngon và tiến bộ lắm rồi. Làm sao đội nhà USA mới mẻ với môn thể thao này có thể tranh kịp với Argentina. Một đội banh sừng sỏ, lừa banh hay, giữ banh chặc, chạy như gió và chiến thuật mánh mung, đốn ngã không nương tay chút nào. Hy vọng kỳ tới đội nhà sẽ vào sâu hơn, đoạt chức vô địch cho thiên hạ lé mắt chơi.

Thế nhưng vào trận đấu chung kết Argentina đã bị thua một cách cay đắng trước đội Chile. Mà người làm nên thất bại đó lại là danh thủ Messy. Một cầu thủ được nhiều người yêu mến và ái mộ. Sau trận đấu chính, hai trận đấu phụ bất phân thắng bại. Ở loạt đá luân lưu 11m. Messy đã đá vượt xà ngang không lọt lưới. Cú đá Penalty này đã khiến Argentina bị thua Chile với tỷ số 2-4 và Chile đã đoạt chiếc cúp vàng Copa America.

Nếu hỏi sau giải này tui nhớ điều gì nhất. Tui xin thưa đó là gương mặt của Messy.Anh ta ngồi gục mặt xuống, buồn và thất vọng. Thật đúng với câu" Càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan". Giá một cầu thủ tầm thường nào đó thì không đau, nhưng Messy lại khác. Anh ta có cảm giác thất bại đến tuyệt vọng. Anh ta từng tuyên bố sẽ rời bỏ đội tuyển Quốc gia Argentina ngay sau trận đấu kết thúc. Mong rằng đó chỉ là phát ngôn tạm thời khi sự nổi đau bại trận chua chát tràn về. Một Messy rời sân cỏ sẽ làm đau lòng biết bao triệu người mê bóng đá. Trong đó có tui.

Nhiều người, ngay cả tôi cũng mến Messy hơn Ronaldo bởi Messy đầm tính, đá chân thật hơn và không hợm mình. Nhưng thôi! Đá banh có những cái bất ngờ, và bởi vì vậy môn thể thao này mới khiến cả thế giới lên cơn sốt.

Quay về trận Euro 2016. Portugal đã thắng Pháp và đoạt huy chương vàng cũng như cúp vàng. Tui có cô em đang sinh sống bên Pháp. Cô ta đang bệnh và cô ta tuyên bố" Nếu Pháp thắng trong trận này em sẽ lành bệnh ngay."

Những ngày trước đó, Khi Pháp hạ được Đức ở tỷ số 2-0 đầy vinh quang, cả nước Pháp như sống lại sau những kinh hoàng do khủng bố gây ra giết hại trên 100 người dân Pháp vô tội.

Ngọn lửa "Bóng đá" đã vực người dân Pháp tươi tỉnh và hăng say hơn bao giờ hết. Đội tuyển Đức thua Pháp là một việc ít ai ngờ, bởi lẽ Đức luôn trên cơ Pháp về tấn công cũng như cách đá. Nhưng khi Đức bị thua ở trái phạt đền Penalty để Pháp mở tỷ số 1-0 thì trên khán đài và mọi nơi trên nước Pháp người dân dừng lại, nín thở để chờ đợi giây phút cuối cùng đầy vinh quang.

Và như những chiếc pháo bông được bắn lên trời. Người dân xứ Gà Lôi thấy mình quên đi bao nhiêu biến cố để sống lại, để vui mừng. Tỷ số 2-0 trước đội Đức đã mở đường cho đội Pháp vào chung kết.

Thế nhưng, mặc dù siêu sao Ronaldo phải giả từ sân cỏ vì chấn thương tại đầu gối trái. Pháp cũng không thể nào đá lọt lưới đội tuyển Portugal. Với sức dẽo dai và hàng phòng phủ chắc chắn hết 90 phút giao đấu hai đội vẫn huề nhau 0-0.

Tới phút thứ 109 của hiệp nhì đá phụ trội. Một đường banh thần tốc của tiền đạo Eder đã mở tỷ số 1-0 cho Portugal đánh tan giấc mộng đoạt cúp vàng giải Euro 2016 của nước Pháp.

Thú thật, suốt mùa giải, tàn cuộc chiến bằng chân của những người đàn ông thích đá, tôi nhớ nhiều đến sự hụt hẩng của Messy và nét mặt hân hoan của Ronaldo khi lên nhận huy chương.Hai hình ảnh trái ngược tượng trưng cho những bất giờ và rất đời thường trong cuộc đời. Vinh, nhục đến rồi đi, không có gì là trường cữu.

Đá banh quả thật có nhiều ma lực. Nó có thể làm cho một bà già bận bịu như tôi ngồi suốt buổi để xem không mệt mõi.

Nói thật, gì thì gì tôi vẫn thích đội tuyển nữ của Mỹ. Các cô gái xinh đẹp, đá thật đẹp và không bao giờ thất bại. Các cô quả thật đang bị sự đối đãi bất công trong vấn đề lương bỗng, khi tiền lương quá thấp so với các vận động viên nam.

Nhưng khi vào sân cỏ, những đôi chân vàng đó vẫn chạy như bay, tấn công liên tục và lừa banh rất đẹp. Khi xem đội nữ USA trên sân tôi ngồi coi thoải mái, say mê theo dõi và không hề lo sợ. Tôi tin tưởng các cô gái đó sẽ ngăn cản được mọi pha tấn công dù hóc hiểm tới đâu. Tôi tin họ sẽ chiếng thắng dù địch thủ là Nhật, Đức, Úc, Pháp hay bất cứ quốc gia nào.

Họ đồng lòng tiến thoái. Họ bền bĩ và gan dạ. Họ tươi cười và thân thiện trên sân cỏ. Họ rất yêu bóng đá và làm chủ được đường banh. Tôi tin sắp tới đây họ sẽ đem về chiếc huy chương vàng trong Thế Vận Hội mùa hè Rio de Janeiro 2016 tại Brasil.

Cũng có thể tui hơi thiên vị họ. Nhưng bóng đá mà, mình có quyền chọn đội nào mà mình yêu thích. Mình cứ đổ thừa là tại trái tim. Có sao đâu, phải không các bạn?.

Tháng Sáu đã qua, người cha trong gia đình tôi vẫn một ngày như mọi ngày. Tui bên chàng nhiều hơn vì mùa bóng đá đã hết. Có đôi khi xoa bóp tay chàng, những ngón tay cứng và co bóp khó khăn tui lại nghĩ đến cuộc đời. Cuộc đời này như trò chơi bóng đá, con người như những trái banh lăn trên sân cỏ. Con người từ lúc bé, lớn lên rồi trưởng thành cũng tuần tự chuyển từ giai đoạn này qua giai đoạn khác. Rồi cũng phải làm việc, phải tranh đấu phải lăn lộn, bị bầm dập tả tơi. Trái banh được chuyền từ chân người này qua chân người khác. Nó không tự chủ được nó và khi nó vào lưới thì kẻ vui người buồn. Rốt cuộc nó cũng chỉ là một trái banh chả được gì hết, chẳng thay đổi được gì hết. Khi đã cũ hay hư thì người ta vất đi thay trái khác.

Con người trong xã hội cũng vậy" Không mợ thì chợ vẫn đông" Có bon chen, giành giựt cách mấy rồi cũng chẳng là gì cả, phút cuối cùng cũng trở về con số không. Trước khi đi vào hũy diệt phải chịu sự dày vò, đau đớn lăn lộn mãi không ngừng.

Bóng đá còn thể hiện một triết lý sống và hàn gắn mọi dị biệt. Bóng đá giúp một quốc gia dù nghèo đến đâu, dù cực khổ xa xôi cách mấy cũng có thể ngang hàng thi đấu nếu có thực lực.

Cho nên tui thích coi đá banh và thích nhìn nét mặt và cách đá của các cầu thủ trên sân cỏ. Có người đá đẹp, có người đá xấu, có người đá rất lưu manh hay đóng kịch. Tất cả chỉ là một cuộc chơi trong vòng 90 phút. Và nhìn rộng ra thắng hay thua, siêu sao hay cầu thủ mới vào nghề đều là trò chơi của tạo hóa. Tất cả cũng sẽ kết thúc. Hãy trong sạch lúc chơi, hãy làm đúng lương tâm và coi đá banh như một nghệ thuật. Đó mới là tinh thần thể thao đích thực để đi vào lòng người và sống mãi về sau.

Nguyễn Thị Thêm

Ý kiến bạn đọc
17/08/201613:52:49
Khách
Chị viết rất hay và vui nữa. Chúc chị luôn sức khoẻ!
10/08/201608:07:30
Khách
Chị Thêm nên vào YOU TUBE xem đôi Nữ Bóng Đá Hoa Kỳ, type in "USWSNT." (US Women Soccer National Team). Các hảo thủ nữ US chơi rất hay, và đang là Nữ Vô dịch Thế giới, với nhiều nữ danh thủ xuất sắc, với thủ môn Hope Solo, tiền đạo Carli Lloyd, Alex Morgan, Mallory Pugh mới 19 tuổi sắp vào đại học UCLA. Họ đang đấu ở Olympic Rio 2016 (xem Channel 4 NBC ve Olympic Games cả ngày, ban đêm thì bơi lợi và gymnatics). Xem đi..rất hào hứng hơn đội nam US soccer.
10/08/201603:52:25
Khách
Một người phụ nữ thích coi đá banh. Một người vợ biết chăm sóc chồng . Tạo nên một bài viết hay và vui.
08/08/201623:46:43
Khách
Chị Thêm ơi! Không ngờ chị mê đá banh mức siêu sao như vầy đó! Bài này văn phong của chị rất sôi động, thêm chút trào phúng duyên dáng! Hoan hô bà vợ đám đang, bà mẹ can trường và fan bóng đá năng nổ! Mình phục chị quá chừng ! Tháng Tám năm ngoái mình có chụp với chị mấy tấm hình mà vì không có email của chị nên...đành chờ tháng tám năm nay để ...giao tận tay cho chị. Cám ơn chị đã cho đọc một bài viết rất dễ thương, của một phụ nữ me bóng đá!

Thịnh Hương
08/08/201619:19:55
Khách
Mua da banh cua tuoi te My tu Thang 8 den thang 12, roi tu thang hai toi thang 6- Day la website http://www.calsouth.com/ cho southern CA league.
Day la website for premier league http://www.nationalpremierleague.com/- Da gioi moi duoc vao
Toi da tung la coach cho doi con nit My- Va con toi da banh gan nhu quanh nam. Chac di hoc bac si ma van da nhu thuong- Ban cua no da trong hoi tuyen My
07/08/201622:54:38
Khách
Cám ơn chị Thêm về bài viết hay, sinh động, chân thật. Phải chi hàng năm đều có "đánh ba" thì người người vui khoẻ, nhất là được đọc thêm những cảm nghĩ của một nữ cảm tình viên môn thể thao hấp dẫn "nhất hành tinh".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,224,447
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến