Hôm nay,  

Sự Tổn Thương Của Ethan

05/06/201600:00:00(Xem: 17246)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số 3836-17-30336-vb7060416

Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Tammy cô giáo phụ trách nói nhỏ với tôi khi tới gần Ethan:

– Chị nhớ đừng có đụng đến đứa trẻ này nghe. Đó là một “trouble maker”, quậy kinh khủng, nên chúng tôi phải cách ly để theo dõi.

Vừa gật đầu tôi vừa quan sát Ethan. Thân hình ốm tong nhưng cao và rắn chắc. Áo ngắn tay màu ruốc quần sọt xanh lam nhem nhuốc phẩm màu. Nếu cô không nói thằng bé họ Nguyễn, tôi sẽ chẳng biết đó là một đứa trẻ gốc Việt. Tóc hoe hoe đỏ, mũi cao, mắt nâu, da lốm đốm tàn nhang. Nhìn kỹ, tôi bỗng nhói tim khi thấy nhiều vết sẹo trên mặt, trên cái đầu tóc ngắn, hai tay, và cả trên cặp chân tái xanh mang đôi giày cũ mốc thếch. Những vết sẹo cũ có mới có. Đây quả là một đứa bé không được chăm sóc tử tế.

- Trời ơi! Tôi kêu lên nho nhỏ: - Sao người thằng bé lại đầy sẹo thế kia?

- Nó tự làm bị thương đó chị ơi! Tammy nói.–Mẹ Ethan kể, nó leo lên chiếc bàn cao rồi phóng xuống, nhưng lại đâm đầu vào tấm kiếng lớn, tấm kiếng bể nát cắt nó te tua. Các sẹo mới là nó gây ra sau này.

Cô cho biết, chuyên gia tâm lý đã đến trường làm việc nhiều lần. Ethan đang được theo dõi, báo cáo cho trung tâm để nếu cần sẽ chuyển nó tới một lớp đặc biệt.

Hôm đó là ngày đầu tôi tới nhận việc, làm cái job phụ giáo (Teacher Aide) tại một trường mẫu giáo của Head Start Programs, để tôi thu gom thêm kinh nghiệm và hình ảnh cho cái dự án (project) tốt nghiệp. Biết mình không còn trẻ sẽ rất khó xin việc, tôi chọn đi làm cho Head Start Programs vì đây là chương trình giáo dục được tài trợ bỡi chính phủ Hoa kỳ giúp những người dân thu nhập thấp. Hy vọng nhờ có kinh nghiệm làm việc nơi đây tôi sẽ dễ dàng được nhận vào trường công sau khi tốt nghiệp.

Tammy đưa tôi đi một vòng, giới thiệu tôi với một phụ giáo nữa tên Ellen, vài phụ huynh, sinh viên thiện nguyện, và sau cùng là đám học trò nhỏ. Lớp có 19 học sinh, nhiều nhất là các trẻ Mễ, còn lại da trắng, da đen, người Hoa, Cam Bốt. Duy chỉ có mình Ethan là người Việt Nam.

Tan buổi học, tôi ra về mà lòng nặng trĩu vì nghĩ tới hình ảnh thằng bé Ethan người đầy sẹo lủi thủi chơi một mình trong góc phòng.

Làm việc được ít ngày, Ellen cho tôi biết Ethan vào học từ mùa thu năm trước, khi nó lên bốn tuổi. Lúc đầu thằng bé lạ lẫm, sợ hãi, nhưng càng về sau thái độ nó càng tệ thêm. Cả ngày nó lầm lì không nói, rồi đi giành giật đồ chơi, thậm chí còn đánh bạn, và không bao giờ làm theo lời cô giáo. Sinh viên college đến thực tập, phụ huynh làm thiện nguyện đều “ngán” phải trông chừng Ethan. Lâu ngày biết tiếng, nhiều giáo viên dạy thế (Substitute Teacher) từ chối dạy lớp này. Vài phụ huynh sau khi ghi danh, họ chứng kiến Ethan phá bạn liền rút tên, dắt con đi trường khác.

Bây giờ thì Ethan không được phép nhập bọn với đám bạn, mà phải ngồi chơi trong góc phòng, được ngăn ra bằng ba cái bàn nhỏ. Nhưng nó tỏ vẻ bất cần, chỉ nghịch phá với những thứ xung quanh, và cũng chả thèm nhìn mỗi khi có người lại coi chừng nó.

Tôi được chỉ định ngồi tại cái bàn bên trong, dạy cho một nhóm trẻ tập viết. Sau đó vô bếp phụ với thiện nguyện viên chuẩn bị bữa trưa cho các em. Vì bận rộn nên tôi không bao giờ ra cửa chào đón khi phụ huynh đưa con em tới. Do vậy mà làm việc gần hai tuần tôi chưa gặp mẹ của Ethan lần nào.

Nhưng tôi luôn để ý đến Ethan, và tôi biết tại sao thằng bé gầy nhom. Toa ăn trường cung cấp cho bữa trưa rất đầy đủ dinh dưỡng. Bánh mì nướng, thịt băm barbecue hay bít tết, cà chua, sốt táo, sữa, trái cây, và bánh ngọt. Nhưng Ethan chỉ ăn chút ít, hoặc không đụng tới tí nào. Suốt bữa nó ngồi cúi gằm mặt, mắt gườm gườm, dùng muổng vằm tới trộn lui các loại thức ăn một cách hằn học như thể đang “đánh nhau” với chúng. Cuối cùng nó bưng nguyên khay thức ăn đổ ập vô thùng rác. Đổ luôn cả ly sữa, trong khi các bé khác đem đổ chất lỏng vào sink trước khi vất thức ăn thừa vào thùng rác theo lời cô giáo dặn. Cô Tammy và mấy người lớn dường như chẳng quan tâm tới việc Ethan ăn hay không, có lẽ họ đã quá mệt mỏi với nó.

Sợ Ethan đói, một lần tôi lại giúp khui hộp sữa giấy rót ra ly đưa nó, nói ngọt ngào:

- Ethan, uống sữa đi! Con không ăn nên ốm quá, phải ăn thì mới lớn được chứ!

Thằng bé đang ngồi gằm mặt bỗng vung tay đánh mạnh vào tay tôi, hét lớn:

- No!

Ly sữa văng ra xa, đổ tung tóe trên bàn ăn, bắn vào mình các trẻ ngồi đầu bàn.

- “I told you!” -Tôi đã nói với chị rồi! Đừng đụng đến thằng bé! Tammy nói vẻ khiển trách. -Nó không ăn có lẽ vì đã ăn ở nhà rồi.

Tôi nói xin lỗi và đi lấy giấy lau cho các bé bị vấy sữa. Tôi biết tuy nói là đang theo dõi, nhưng thật ra Tammy đâu có thì giờ để mắt đến Ethan. Hôm nào nó chịu ngồi chơi một mình không phá phách là “yên thân” cho cô lắm rồi.

Tuy gầy ốm nhưng Ethan lại có sức mạnh phi thường. Một hôm cô Tammy nghỉ bệnh, trường gọi cô giáo dạy thế tới. Cô này lần đầu đến dạy nên không biết đề phòng Ethan. Trong khi cô đang ngồi vung tay đánh nhịp cho cả lớp hát, tôi nhìn qua chợt thấy cái kệ đầy sách sau lưng cô nhúc nhích rồi ngã chúi tới trước. Tôi lật đật phóng tới giữ cái kệ lại, thì thấy Ethan từ phía sau đang dùng hết sức bình sinh xô cái kệ về phía cô giáo. Cô bị một phen sợ mất vía, từ đó không đến dạy thế nữa.

Thấy Ethan lúc nào cũng bừng bừng muốn nổi loạn nhưng lại không nói chuyện, tôi tình nguyện xin Tammy để tôi giúp nó. Tôi sẽ dùng tiếng Việt kèm tiếng Anh dạy thằng bé may ra nó dễ hòa đồng hơn. Ở trường, thầy cô biết đa ngôn ngữ được khuyến khích nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ với các em xen lẫn tiếng Anh. Cô Tammy rành tiếng Tây Ban Nha nên cô cũng thường nói với đám học trò Mễ mỗi khi cô nói tiếng Anh mà tụi nhỏ không hiểu.

Mỗi khi làm xong chuyện được giao tôi đến chỗ Ethan nói chuyện bằng tiếng Việt với nó dù nó chẳng bao giờ nhìn hay trả lời tôi. Tôi quan sát, ghi lại tất cả hành động hàng ngày của Ethan, từ những trò chơi nó tự mày mò, thái độ, những lời lầm bầm khi nó bộc phát sự giận dữ.

Sau một thời gian ghi chép, tôi về nhà lục lại các bài học về “Trẻ cần chăm sóc đặc biệt”

(Children with Special Needs) từ những lớp tôi đã học qua. Và tôi “biết rõ mười mươi” là Ethan đang mắc bệnh tự kỷ (Autism).

Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển của hệ thống não bộ trẻ em. Triệu chứng của bệnh Autism rất đa dạng nhưng thường thấy nhất là: Đứa trẻ không thích giao tiếp với người chung quanh. Không nói hay chỉ lẩm bẩm một mình. Không chú ý và chẳng bao giờ nhìn vào mắt người đối diện. Thường lập đi lập lại cùng một hành động như người vô thức, phá phách, ngang ngược vô lối. Bệnh thường bắt đầu xuất hiện rõ nét trong khoảng thời gian đứa bé được từ hai, ba tuổi trở lên. Và Ethan có hầu hết những triệu chứng này.

Theo những gì tôi đã học, thì bệnh tự kỷ cũng không phải là “bất trị” nếu phụ huynh, thầy cô chịu khó theo dõi và chăm sóc kỹ đứa trẻ. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, phần lớn trẻ mắc bệnh tự kỷ rất thông minh, khoảng bốn mươi phần trăm trẻ em mắc bệnh này có chỉ số thông minh trên mức trung bình, và khoảng sáu mươi hai phần trăm trẻ tự kỷ không hề bị “tàn tật” ở phần trí tuệ. Ngoài những hành động “khác người” ra, trẻ cũng có những tài năng đặc biệt mà nếu cha mẹ, thầy cô biết tận dụng giúp đỡ thì về sau đứa bé sẽ có thể trở thành một thiên tài.

Trường hợp Tiến Sĩ Temple Grandin, giáo sư ngành động vật học tại đại học Colorado State University, là một ví dụ. Trên trang nhà của Grandin, bà kể lại bà vốn bị bệnh Autism, từ nhỏ bà không hề biết nói cho đến khi lên ba tuổi rưỡi. Thay vì nói ra lời, bà biểu hiện những cảm xúc buồn vui bằng la hét, ậm ừ trong cổ họng, hoặc là rít lên. Bà cũng từng quậy phá, đánh bạn đến nỗi bị buộc thôi học. May mắn thay, Grandin được mẹ chăm sóc kỹ lưỡng, kiên nhẫn bỏ nhiều thời gian dạy con tập nói, tập đọc. Dù tốn hàng giờ bé chỉ đọc được một chữ bà mẹ cũng mừng. Nhưng may nhất là Grandin gặp được những thầy cô thông thái, có tâm, nhìn ra được tài năng thiên phú của đứa trẻ, đã tạo điều kiện giúp thay đổi đời bà.

Nhờ hưởng được sự giáo dục đúng đắn và đầy tình cảm đó, Grandin lớn lên trở thành nhà giáo dục, nhà khoa học nổi tiếng, là chuyên gia tâm lý chuyên nghiên cứu về bệnh tự kỷ và tâm lý đời sống động vật. Temple Grandin còn thiết kế hệ thống chế biến sản phẩm từ gia súc rất độc đáo, giúp chấm dứt nhanh sự đau đớn hoảng loạn của súc vật mà nhiều cơ sở chế biến thịt trên nước Mỹ hiện đang sử dụng. Bà cũng là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị, nổi tiếng khắp thế giới về bệnh Autism.

Tiến Sĩ Grandin còn xuất hiện thường xuyên –là một diễn giả xuất chúng diễn thuyết về bệnh tự kỷ, giới thiệu nhiều phương pháp giúp trẻ em bị bệnh này để biến chúng thành người hữu dụng –trong nhiều chương trình Radio, TV, như The Today Show, Larry King Live, tạp chí nổi tiếng như Time magazine, People magazine, and New York Times. Quyển sách đầu tay của bà về tự kỷ, “Emergence: Labeled Autistic” xuất bản năm 1986 đã từng làm giật mình các nhà nghiên cứu, cũng như thầy cô và cha mẹ có con bệnh tự kỷ. Theo những gì trong quyển sách này, thì không phải ai bị bác sĩ định bệnh tự kỷ là sẽ bị tự kỷ suốt cả đời, là lãnh “án tử” cho sự phát triển và thành công. Tiến Sĩ Grandin khẳng định, bệnh tự kỷ có thể kềm chế và thay đổi được, nếu phụ huynh và thầy cô tận tâm giúp đỡ.

Và tôi quyết định giúp Ethan.

Một hôm cả lớp đang thực hành môn nghệ thuật, vẽ sơn những con bướm đủ màu trên giấy bìa cứng thì Ethan lò dò ra ngoài. Như con chim sổ lồng, Ethan chạy bay đến hùng hổ giật lấy những tờ giấy vẽ trên tay các bạn. Đứa nào thả thì thằng bé ném đi, đứa nào giành lại nó cố sức lấy cho bằng được. Giật được một tờ giấy trắng, Ethan vơ những cậy cọ chập lại thành một nắm, chấm vào một lúc hai ba lọ sơn màu, rồi quẹt thật nhanh lên tờ giấy. Nó vẽ nguệch ngoạc, quệt lia lịa, với một vẻ hằn học tức giận như muốn đâm thủng cả tờ giấy.

Tammy vội chạy đến, giằng lấy những thứ trên tay Ethan và kêu Ellen dắt nó về “lãnh địa”. Không ngờ thằng bé bỗng trở nên hung dữ chưa từng thấy. Nó giật khỏi tay Ellen. Mặt mày ửng đỏ, nó quay lại dùng hai tay đấm liên tục vào tường, miệng gào lên những câu chưởi tiếng Việt:

- Choa mi! Choa mi! Hu hu…Sao mi lấy của tau!

Tôi hết hồn. Và vô cùng kinh ngạc. Từ khi vô làm đến giờ, đó là lần đầu tôi nghe Ethan nói nhiều hơn vài chữ, mà lại nói tiếng Việt. Thường thì nó hay lẩm bẩm một vài chữ tiếng Anh vô nghĩa và hét lên “No” mỗi khi không vừa ý. Hầu hết thời gian “sổng” ra ngoài khuôn viên, nó chỉ lang thang phá phách. Chẳng lẽ vì dạo gần đây tôi thường nói tiếng Việt với thằng bé nên đã tác động vào cái “huyệt nói” của nó. Như vậy có nghĩa là Ethan vẫn có thể nói được. Nhưng tại sao nó lại tuôn ra những lời chưởi ghê rợn thế. May mà ngoài tôi ra không ai hiểu tiếng Việt.

Tôi bước lại ngồi xuống ngang tầm với Ethan, cố gắng dỗ dành xoa dịu nó:

- Ethan nè! Đừng nói những lời như thế, không hay…

Tôi chưa nói hết câu, bất ngờ thằng bé đập mạnh cái đầu ngược ra sau, đánh vào miệng tôi kêu cái bốp, đau…thấy chín ông trời. Nó còn quay ra xô mạnh một phát làm tôi té chỏng gọng. Cô giáo và hai người nữa chạy lại hè nhau khênh thằng bé bỏ vào trong góc phòng rồi mở nhạc lên. Nó la hét đến át cả tiếng nhạc, chói cả tai.

Nhìn Ethan vật vã và nhớ lại lúc nó vẽ sơn một cách hằn học, tôi lại lục thùng rác lấy tờ giấy bìa Tammy vất vào đó ra xem. Dù đó là những vệt ngoằn ngoèo không chủ đích, nhưng nhìn giống như một bức tranh lập thể với đủ sắc màu. Nói đúng hơn, nó giống như một bức tranh bão xoáy dưới ánh ráng chiều. Có lẽ thằng bé này thích vẽ, nhưng vì nó quậy nên không ai cho tham gia nó mới trở nên hung dữ như thế.

Cả ngày hôm đó tâm trí tôi cứ nghĩ đến bức vẽ của Ethan và những lời chưởi rủa của thằng bé. Tôi nghĩ mình phải gặp mẹ nó để tìm hiểu. Sáng hôm sau tôi đi làm sớm hơn thường ngày. Tammy vừa đến là tôi vội chuẩn bị các thứ trước khi phụ huynh đưa con em đến. Tôi xin phép cô cho tôi tiếp xúc với mẹ Ethan để hỏi chuyện về thằng bé xem có thể giúp gì cho nó.

Làm xong việc, tôi ra đứng ngoài cửa sau chờ mẹ Ethan đến. Chị khoảng ngoài bốn mươi, già dặn nhưng rất xinh vì lai Mỹ Trắng. Sau khi giao nó cho cô giáo chị ra về. Tôi đi theo.

- Chào chị Thanh, hay Thành? Tôi làm phụ giáo ở đây. Tôi muốn nói chuyện một chút về bé Ethan có được không ạ?

Chị ta trừng mắt nhìn tôi, vẻ mặt không mấy thiện cảm:

- Tôi tên Thảnh! Lại “mắng vốn” về việc thằng bé quậy nữa chứ gì? Ở nhà tôi cũng muốn điên lên với nó rồi! Nó muốn quậy là nó quậy, tôi không làm gì được đâu!

- Nhưng chị Thảnh ơi! Tôi thấy bé đáng thương lắm. Nó cần được sự giúp đỡ không những của cô giáo ở trường, mà còn của cha mẹ ở nhà nữa.

- Ôi thôi thôi! Chị ta xua tay, nói một hơi:

- Tôi cả ngày lo đi làm kiếm sống, đâu có thì giờ! Bác sĩ và nhiều người nữa nói với tôi, có thể là nó bị bệnh “tự kỷ tự đại” gì gì đó! Giọng chị bỗng cao lên, nghe như uất hận: -Nhưng tôi không tin đâu! Trước kia nó đâu có như vậy! Từ khi nó theo ở với tôi, xa cha nó thì nổi điên. Cái đồ phản phúc! Nó quậy cũng vì nó giống thằng cha nó đó, hết phương cứu chữa rồi! Cha nào con nấy mà!

Giờ thì tôi hiểu. Tội nghiệp cho thằng bé, nó chỉ là một đứa bé con mà vướng vào cuộc chiến giữa cha mẹ thế này thì bảo sao mà không bị tổn thương trầm trọng.

- À thì ra thế! Khổ thân chị! Tôi vờ “theo phe” chị ta, lựa lời nói để có thể gần gũi và tìm hiểu thêm. –Chị Thảnh này, vậy ra chồng chị bỏ mẹ con chị mà đi à? Chị xinh thế này mà…

Chị ta trợn mắt cướp lời:

- Tôi mà thèm để cho “thằng chả” bỏ à! Còn khuya! Khi biết được hắn ta lăng nhăng với con bạn tôi là tôi li dị ngay, mặc kệ thằng chả theo năn nỉ! Sức làm sức chịu, đừng hòng tôi bỏ qua cho!

Cái giọng Sài Gòn của chị kéo dài chữ “thằng chả” làm tôi sém bật cười. Còn giận là còn thương. Có lẽ chị ta vẫn còn nghĩ tới ông chồng cũ.

- Tôi cũng nghĩ thế! Tôi nói vuốt đuôi cho chị ta dịu xuống. –Nhưng chị nói anh ấy năn nỉ có nghĩa là anh ấy đâu có muốn chia tay? Biết đâu anh ta bị hàm oan thì sao?

Chị ta im lặng. Nét mặt có vẻ dịu xuống, chắc vì thấy tôi cùng phe. Ánh mắt chị trông xa xăm, buồn bã. Bây giờ trước mặt tôi không còn là khuôn mặt của người đàn bà ngang ngược dữ dằn nữa, mà nó hiện rõ sự khổ đau, hình như có chút dằn vặt. Rồi chị nói như thì thầm với chính chị:

- Có lẽ cô giáo nói đúng! Tôi đã làm quá và tôi lãnh hậu quả. Thằng Ethan đổi khác một trời một vực từ khi xa cha nó.

- Cũng chưa muộn đâu chị ạ. Tôi cầm lấy tay chị, nói thật lòng. –Tôi sẽ giúp chị chăm sóc cháu ở trường, nhưng về nhà chị cũng phải để ý đến cháu nhiều hơn mới được. Và thằng bé cũng cần có sự quan tâm chăm sóc của cha nữa đấy. Chợt nhớ lại những câu tiếng Việt Ethan gào lên hôm nọ, tôi hỏi: -Sao chị nói tiếng Sài Gòn mà Ethan lại nói tiếng Quảng? Tôi kể lại những lời thằng bé chửi rủa trong lớp.

- Đó là nó bắt chước mẹ tôi, bà nói tiếng Quảng. Bà ấy ghét cha nó nên không thân thiện mấy với thằng bé và thường chưởi là nó giống cha. Nhưng tôi vẫn phải gửi bà trông dùm Ethan khi tôi đi làm. Nó bắt chước nhanh lắm. Khi trước ở với bà nội thì nó nói toàn tiếng Huế.

Vậy đúng rồi, gần mực thì đen. Thằng bé bị cú sốc cha mẹ chia lìa, lại thêm sống với bà ngoại là người lỗ mãng như thế bảo sao nó không thay đổi tính nết. Thảnh cho biết Ethan là đứa con muộn. Khi chị ba mươi bảy tuổi, con gái lớn được mười lăm, thì chị sinh Ethan vì “ráng kiếm thêm đứa con trai”. Chị nói từ nhỏ cho tới gần bốn tuổi, Ethan là một đứa trẻ bình thường, rất dễ thương. Khi ấy vợ chồng chị còn ở với nhau, ba thằng bé cưng nó lắm. Và Ethan cũng rất gần gũi với ba –Nó chỉ bắt đầu quậy từ khi chúng tôi dọn về đây. Chị nói.

Qua những lần gặp chị Thảnh, nghe tôi giải thích về bệnh tình Ethan, chị có vẻ hối hận. Chị tâm sự nhiều điều và tôi biết chị vẫn còn thương ông chồng mà chị bốc đồng ly dị. Tôi chia sẻ những lời khuyên hãy vì đứa con mà xem lại chuyện tình cảm hai người. Và tôi cũng xin số điện thoại cha Ethan. Sau đó tôi gọi anh ta khuyên hãy hợp tác với vợ cũ để giúp thay đổi thằng bé.

Tôi đã biết Ethan thích vẽ nên đem bỏ thêm vào khu vực chơi của thằng bé giấy và nhiều bút chì màu, bút mỡ. Tammy không cho đưa sơn và mực màu sợ nó làm dơ bàn ghế và sàn nhà. Tôi đã đoán đúng. Ethan bắt đầu nghịch bằng cách vẽ nhiều hơn là phá các loại đồ chơi khác. Nhưng có lẽ vì dụng cụ cho nó không nhiều như các bạn bên ngoài nên khi nào “rảnh tay” là nó mon men ra ngoài với vẻ thèm muốn được nhập bọn cùng cả lớp.

Hai tuần sau đó, Ethan lại sổng ra ngoài trong giờ “Circle Time” hoạt động cả lớp. Khi một phụ huynh đến dắt nó về chỗ thì nó lăn ra nằm vạ, rồi liên tục đập đầu xuống sàn nhà, khóc rống lên nhưng không có tí nước mắt. Cô giáo chạy lại kéo Ethan dậy, nhưng kéo không nổi, và cô cũng chẳng thể nào ngăn nó đập đầu. Tôi chạy lại nói với cô, để tôi thử giúp nó.

Cô giáo tỏ vẻ mừng giao nó cho tôi rồi bỏ đi lo cho giờ sinh hoạt đang dở dang.

Tôi sợ Ethan bị chảy máu nên ngồi xuống ôm lấy nó rồi dùng bàn tay trái lót chặn cái trán nó. Không ngờ thằng bé càng gào to, đập mạnh trán xuống bàn tay tôi đau điếng. Tôi vờ kêu thét lên:

- Á…á…á… đau quá! Hu Hu…

Liếc thấy Tammy nhìn, tôi nháy mắt cho cô biết tôi đang giả bộ khóc. Tiếng hét của tôi hình như làm cho Ethan bất ngờ sực tỉnh. Nó dừng lại nhưng vẫn không ngẩng lên nhìn. Tôi cúi xuống:

- Hu hu…Ethan làm đau cô rồi nè thấy hông? Tay cô sắp chảy máu rồi nè!

Không ngờ tiếng “khóc” của tôi đã có hiệu quả, đã đánh động được sự chú ý của thằng bé nên nó ngừng không đập đầu nữa. Tôi liền nói:

- Ethan ngoan, bây giờ qua đây với cô, chúng ta sẽ chơi trò vẽ cắt nhé!

Hình như thằng bé đã có chút phản ứng đến những gì tôi nói, việc mà từ trước giờ chưa xảy ra. Và Ethan ngồi lên, lẳng lặng để tôi dắt tay đi về khu vực “khoanh vùng” của nó. Tôi mừng quá lật đật chạy lại nơi chứa dụng cụ vơ đại một xấp giấy bìa cứng đủ màu, kéo, và đủ loại mực, bút màu, sơn nước, stickers đem lại nói với thằng bé:

- Cô biết Ethan vẽ đẹp lắm, nên cô sẽ dạy Ethan tự làm một cái mũ dìm thật đẹp cho con đội nha.

Thấy nó không phản ứng, tôi trải tờ giấy bìa màu vàng ra, dùng bút chì vẽ phát họa cái sườn của một chiếc mũ, phía trước có cái dìm ba múi cong cong hình quả núi, rồi kêu Ethan cắt theo đường bút chì. Thằng bé ngồi im gằm mặt xuống không nói lời nào, nhưng rồi bất thình lình nó chộp lấy cái kéo và bắt đầu cắt, cắt rẹt rẹt một cách rất nhanh nhẹn. Cắt một hơi xong nó vất cây kéo xuống bàn, vẫn không nhìn tôi.

- Wow! Ethan giỏi quá! Tôi kêu lên trầm trồ khen, rồi đẩy đống bút lông và sơn màu các thứ lại cho thằng bé: -Bây giờ con vẽ trang trí cho cái mũ đi. Cứ vẽ theo ý thích của con, vẽ bất cứ thứ gì con muốn, vẽ cho đẹp vào nhé!

Ethan ngập ngừng một chút, nhưng rồi cầm bút lên và bắt đầu vẽ một cách rất chăm chú. Môi bặm chặt, mắt mở to. Thằng bé buông cây bút màu này xuống thì chụp cây cọ kia lên, kéo hộp màu vô, đẩy lọ sơn ra, vẽ, tô, tẩy, xóa liên lục. Cuối cùng nó gỡ sticker ra dán. Tôi vừa mừng vừa xúc động, hồi hộp ngồi nhìn từ phía đối diện. Như vậy là Ethan đã chú ý và hiểu những gì tôi nói. Không biết thằng bé vẽ thứ chi mà nhiều thế, mà mãi mê đến thế.

Loay hoay một lúc, Ethan vẽ xong và dán sticker kín hết cái dìm mũ từ bên này giáp qua bên kia. Nó buông bút xuống rồi đẩy cái mũ vô giữa bàn, cũng chẳng thèm nhìn vào tác phẩm. Tôi cầm lên xem và ngạc nhiên đến không tin ở mắt mình. Tác phẩm của Ethan đầy màu sắc, rực rỡ trên chiếc mũ nền màu vàng tươi. Thằng bé vẽ một ngôi nhà có nhiều cây xanh, vườn hoa trước cửa. Nó dán thêm cái sticker ông mặt trời đỏ như màu lửa trên đầu ngọn cây và mấy cái ticker có đám mây bạc lấp lánh xung quanh. Những nhân vật trong bức vẽ là cặp vợ chồng trẻ dắt tay đứa bé trai, đứng bên cạnh một bà lớn tuổi mặc chiếc áo tím giống như áo dài. Còn có con chó nhỏ màu nâu đứng dưới chân thằng bé.

Tôi đã biết, trẻ tự kỷ nhiều đứa rất có tài, đặc biệt là hội họa. Tôi cũng từng đi dạy thực tập trong một lớp dành cho học sinh Autism, và được xem nhiều bức vẽ rất đẹp của chúng mà thầy cô cho lộng khuôn treo trong lớp. Nhưng đây quả là một “kiệt tác” từ tay thằng bé chưa đầy năm tuổi.

- Wow! Wow! Ethan vẽ đẹp quá! Tôi kêu lên, vỗ tay trầm trồ: -Bravo Ethan!

Thường sau khi học sinh vẽ tự do theo ý thích, chúng tôi hỏi các em về ý nghĩa tác phẩm của chúng rồi giúp ghi chú vào bản vẽ, cho các em ký tên để chúng đem cất trong tủ cá nhân, cuối ngày thì đem về khoe cha mẹ. Tôi hỏi: – Ethan vẽ ai đây? Nói cho cô nghe đi, để cô ghi vào.

Ethan làm thinh cầm cây bút liền tay khoanh vòng tròn trên một rẻo giấy cắt ra từ chiếc mũ.

- Nói cô nghe đi, con vẽ ai đây? Tôi lập lại, năn nỉ. -Cô sẽ giúp con ghi vô đây rồi đem cho cô Tammy xem. Tôi vừa nói vừa dí dí cái mũ tới trước mặt thằng bé. Nó bổng nhìn chăm chú vào những hình vẽ một lúc, và bất chợt cất lên tiếng nói. Nó nói một hơi dài. Lần này thì tôi không thể tin nổi tai mình, khi nghe lần thứ hai Ethan nói tiếng Việt. Lần trước thằng bé nói tiếng Quảng, nhưng lần này nó vừa dùng ngón tay trỏ run run chỉ vào từng hình vẽ vừa thuyết minh thật nhanh bằng một cái giọng “rặt” Huế:

- Đây là ba, đây là mạ, đây là Ethan, đây là “bà nồi” (bà nội), đây là “con chọ chạc son” (con chó Jackson), đây là “nhà nồi”(nhà nội), đây là “ôn mặt trời”…

Càng nói nét mặt Ethan càng giãn ra, tươi lên, hớn hở. Tôi cũng run run dùng bút chì ghi chú thật nhanh những gì Ethan thuyết minh bên dưới mỗi hình vẽ bằng tiếng Anh và ghi tiếng Việt trong ngoặc đơn. Ghi xong tôi cầm mũ lên đo vòng đầu của Ethan và lấy cây bấm đóng sách đưa cho nó. Tôi chập hai đầu mối lại và chỉ Ethan bấm vào với nhau, đóng lại thành chiếc mũ dìm.

Ethan làm xong, tôi đội chiếc mũ lên đầu thằng bé, chỉnh sửa cho cái dìm nằm chính khuôn mặt như chiếc vương miện của các cô hoa hậu, rồi dắt tay nó bước lại trước tấm gương lớn ở phòng bên. Nó ngoan ngoan đi theo tôi.

- Ethan xem nè!

Tôi nói và bước tránh sang một bên quan sát. Chiếc mũ vàng chỉ là một vòng tròn quanh đầu, trống phần trên, nhưng cái dìm đứng hình chóp núi cao lên phía trước như chiếc vương miện với những hình vẽ, trang trí rực rỡ làm cho mặt mũi thằng bé trông sáng sủa, dễ thương vô cùng.

Thoạt đầu Ethan đứng bất động, mở to mắt nhìn sững sờ vào đứa nhỏ trong gương. Rồi đôi môi nó nhúc nhích, nhúc nhích. Cái miệng há ra, tròn lại hình chữ O. Đôi mày nhướng lên. Và đôi mắt. Ôi! Đôi mắt sáng rực, long lanh như hai viên bi thủy tinh. Nhìn một lúc, Ethan chớp chớp đôi mi và bất thình lình cái miệng chữ O bỗng xẹp xuống rồi banh ra thành một nụ cười. Nụ cười thật tươi, thật hạnh phúc. Và rộng đến tận…mang tai. Nó cười tít cả mắt.

Đó là lần đâu tiên Ethan biết nhìn thẳng vào mắt người…đối diện là nó, thằng bé trong gương. Tôi cũng đứng sững sờ. Toàn toàn thân chấn động đến run rẩy.

Ethan đã có được phản ứng của một đứa trẻ bình thường. Tôi chợt rùng mình, nổi da gà, khi nhớ tới lời của Tiến Sĩ Grandin từng nói, “Nếu chúng ta cứ mãi dùng cách giáo dục cứng nhắc theo khuôn khổ, lập luận hoàn toàn lý thuyết về trẻ tự kỷ, có thể đem đến kết quả là, hủy hoại một bộ óc mà mặc dù bây giờ nó vật vã với ngôn ngữ, nhưng có một ngày bộ óc đó sẽ đưa nhân loại đến tận những vì sao xa xôi không chừng”.

Cái miệng vẫn còn cười rộng hoang, Ethan cuối cùng chợt bật lên tiếng nói:

- “Thank you teacher Linda!” Cám ơn cô giáo Linda!

Tôi chảy nước mắt, khi nghe Ethan nói lời cám ơn bằng tiếng Anh, những lời cám ơn mà từ trước đến nay không một ai kể cả cô giáo Tammy buộc nó nói được. Điều kỳ diệu là Ethan gọi đúng tên tôi dù cho nó chưa bao giờ để ý nhìn tôi hay nói chuyện với tôi hoặc bất cứ ai trong lớp. Nói xong thằng bé quay ngoắt lại ôm lấy chân tôi, đầu nó nép vào đùi tôi một cách trìu mến.

Xúc động đến nghẹn ngào, tôi ngồi xuống định ôm lấy Ethan thì nó vụt bỏ chạy một mạch lại chỗ lớp đang hoạt động “Circle Time”, chụp lấy tay cô giáo, tay kia chỉ vào cái mũ miệng tíu tít:

- “Teacher Tammy! Look! Look!” -Cô giáo Tammy! Nhìn nè! Nhìn nè! Rồi quay sang từng đứa bạn, nó vừa vỗ vai vừa chỉ vào chiếc mũ, cũng liền miệng nói “Look! Look!” để khoe cái thành tích nó vừa hoàn thành. Nhìn thằng bé hớn hở chạy loăng quoăng, lập đi lập lại hành động và lời nói đó với tất cả mọi người, tôi và Tammy nhìn nhau, mặt mày ràn rụa nước mắt. Tác phẩm đầy tình cảm, tâm huyết của Ethan đã đánh thức được bản thân nó, và thằng bé đã mở miệng!

Ngày hôm sau tôi đến sớm, nhưng Tammy còn đến sớm hơn tôi. Cô mang theo cho Ethan một giỏ đầy các thứ đồ chơi cô mới mua trên đường đến trường.

- Suốt đêm hôm qua tôi không tài nào chợp mắt. Tammy nói. -Cám ơn chị nhiều lắm! Tôi cảm thấy thật có lỗi với Ethan, phải chi tôi để ý tới nó sớm hơn, nhiều hơn một chút thì có lẽ thằng bé đã khá hơn rồi. Tôi đã gọi cho trung tâm, hôm nay chuyên gia tâm lý sẽ đến đây gặp chị để bàn về việc giúp Ethan những bước kế tiếp.

Đến trưa bà chuyên gia tâm lý Kathy đến và mời tôi vô phòng trong nói chuyện. Tôi trình bày cho bà hoàn cảnh và tình trạng của Ethan, đưa bà xem sổ ghi chép về thằng bé mà tôi theo dõi trong những ngày qua cùng các việc làm của tôi. Sau cùng, chúng tôi đồng ý với kết luận thằng bé vốn bị bệnh tự kỷ ở mức độ nhẹ, nhưng khi bị tổn thương vì thay đổi hoàn cảnh và môi trường, tất cả những thứ ấy đã ảnh hưởng đến tâm lý nó, nên bệnh bộc phát nặng thêm.

- “Good job!” Chị làm khá lắm! Bà Kathy nói giọng xúc động. –Chị đã giúp thằng bé có vấn đề này khôi phục lại được phần nào. Nhưng nó vẫn còn cần phải được tiếp tục theo dõi để giúp đỡ.

Và bà đề nghị cô Tammy “đặc trách” cho tôi từ nay chỉ giúp mỗi mình thằng bé Ethan, những việc khác để người khác lo. -Không cần phải chuyển nó đi đâu hết. Bà nói.

Về nhà tôi gọi cha Ethan, cho anh ta biết tình trạng thằng bé và khuyên anh ta nên góp sức với vợ cũ để giúp nó. Tôi kể rõ sự đổi thay của bé sau khi vẽ xong bức tranh gia đình với ba mẹ bà nội và con chó nhỏ trên chiếc mũ, và gửi qua tin nhắn cho anh ta tấm hình mũ của Ethan mà tôi chụp để làm tài liệu.

Xem hình xong anh ta lập tức gọi lại cho tôi, nói trong tiếng khóc:

- Cô giáo ơi! Ethan đã vẽ rất giống tấm hình gia đình tôi đang treo trong phòng khách.

- Trời! Tôi kêu lên thảng thốt. -Không ngờ Ethan nhớ ba, nhớ bà nội đến có thể vẽ ra!

- Tôi biết mình phải làm sao rồi. Cám ơn cô giáo! Anh ta nói trong nghẹn ngào và lật đật gác máy.

Từ đó, Ethan theo tôi sát nút mỗi ngày khi đến lớp. Nó đã bớt quậy nên được phép đến ngồi bên tôi trong giờ sinh hoạt lớp. Giờ thực hành về nghệ thuật (art), tôi ngồi cạnh Ethan xem và khuyến khích nó vẽ, sơn, và cắt dán những con vật, hình tượng và bao giờ nó cũng làm xong trước các bạn, mà làm rất đẹp chuyên nghiệp vô cùng. Nhiều bức vẽ của Ethan được chúng trôi treo trên tường. Mỗi lần có người từ ban quản trị đến Tammy đều khoe với họ những tác phẩm của Ethan.

Tôi gặp lại chị Thảnh nhiều lần sau đó. Chị cũng tỏ vẻ mừng vì dạo này Ethan bớt phá. Tôi giải thích kỹ, góp ý, và dịch ra tiếng Việt rồi in cho chị những phương pháp giúp cha mẹ của trẻ tự kỷ. Kiên định với ý nghĩ sẽ thay đổi được Ethan, giúp nó trở lại một đứa trẻ bình thường. Khen ngợi hay thưởng quà mỗi khi thằng bé làm tốt việc gì đó. Chú ý tới nó nhiều hơn, và tạo những cuộc vui để nó tham gia. Tập cho nó biết tự chăm sóc bản thân như tắm rửa, mặc quần áo. Và đặc biệt, để nó tự do chơi và khuyến khích cho thực hành môn nghệ thuật mà nó thích là hội họa.

Dần dần Ethan biết nghe lời tôi và cô giáo, ăn xong đem đổ thức ăn có nước vào sink rồi mới đem thức ăn thừa đổ vào thùng rác. Một lần nó bưng ly sữa và làm đổ một ít xuống sàn nhà. Nó tự nói “Sorry” rồi chạy đi lấy giấy lau thật khô trước khi đem ly sữa lại bàn ngồi uống. Nó cũng ăn nhiều, nói chuyện thường hơn, biết nhìn vào mặt người đối diện mỗi khi cần hỏi điều gì.

Đặc biệt nhất, trong một lần “Circle Time” cô giáo kêu tên từng em đứng lên kể cho lớp nghe ngày hôm trước ở nhà các em đã làm gì. Khi cô giáo kêu Ethan, thằng bé nhanh chóng đứng lên và nói bằng tiếng Anh với nụ cười tươi rói:

- Ngày hôm qua daddy của Ethan về nhà, đi chơi park với Ethan và mommy. Ethan được ăn phở nè, ăn chè nữa nè…

Cô Tammy và tôi trao nhau một nụ cười xúc động. Riêng tôi thấy lòng vui khôn tả, vì biết rằng nhờ chuyện Ethan mà họ đã gương vỡ lại lành.

Ngày cuối niên khóa, các lớp mẫu giáo của toàn trường làm lễ tốt nghiệp để mùa sau chuyển lên lớp “Kindergarten”. Áo thụng mũ vuông xanh, cổ choàng dải băng lụa màu vàng, tay cầm cuộn giấy trắng cột nơ đỏ tượng trưng cho bằng tốt nghiệp, Ethan cười tươi như hoa dắt tay ba mẹ và bà nội trong chiếc áo dài tím Huế, bước lên bục chụp hình. Thằng bé nheo mắt, nghiêng đầu, tạo đủ kiểu dáng để ông thợ tha hồ chụp, trong khi nhiều đứa trẻ khác vì sợ nên khóc la, cha mẹ phải dỗ dành cả buổi mới dám bước lên bục chụp hình.

Cuối buổi lễ, bà nội Ethan đến cầm tay tôi nói lời cảm ơn vì đã giúp cháu Ethan, bà nói nhờ đó mà hôn nhân con trai bà cũng được hàn gắn.

Từ chuyện Ethan, thỉnh thoảng tôi nhớ lại những lời tuyên bố của bà Tiến Sĩ tự kỷ Temple Grandin mà không khỏi mỉm cười, “Phần đông những người thông minh đều có chút tự kỷ, và Steve Jobs người sáng lập hảng Apple cũng thế”. Bà Tiến Sĩ còn…tới luôn, cho rằng “Có lẽ một nửa số người ở thung lũng điện tử San Jose là mắc bệnh Autism” và “Nếu người ta chữa hết bệnh tự kỷ thì trong tương lai sẽ không còn ai sửa chữa máy computer”!

Khi tôi tốt nghiệp và nộp đơn xin đi dạy, cô Tammy đã viết cho tôi một thư giới thiệu thật nhiệt tình, trong đó cô nhắc đến những thành quả tôi đạt được khi làm phụ giáo, việc tôi đã tận tâm giúp đỡ làm thay đổi tính tình của một học sinh từng bị nghi ngờ mắc bệnh tự kỷ Autism.

Nhưng điều làm cho tôi nhớ nhất về cái lớp này không phải những lời giới thiệu giá trị ấy, mà là ánh mắt long lanh cùng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của Ethan ngày nó làm xong chiếc mũ dìm. Thằng bé đã bị cuộc ly dị của cha mẹ làm tổn thương nặng nề, sém chút nữa thì hỏng cả cuộc đời nó.

Đồng thời, tôi cũng không thể nào quên vẻ áy náy của Tammy lúc cô mang đến giỏ đồ chơi cho Ethan, cùng lời tâm sự “mất ngủ suốt đêm vì hối hận” đã không chú ý để giúp Ethan sớm hơn. Đây là bài học đầu tiên cho nghề nghiệp mà tôi khắc ghi. Tôi đã tự hứa, trên bước đường dạy học tôi nhất định sẽ cố gắng theo dõi, khám phá kịp thời và dạy dỗ đúng cách các học sinh bị bệnh tự kỷ. Không phải để “chữa” bệnh mà là giúp các em phát triển những năng khiếu đặc biệt thiên phú để khi trưởng thành họ có thể tạo ra những kỳ tích cho xã hội, như Tiến Sĩ Temple Grandin.

Phương Hoa

Những phụ huynh có con tự kỷ có thể tham khảo thêm từ những trang web sau đây:

<https://www.autismspeaks.org/what-autism> <http://www.templegrandin.com/> http://www.helpguide.org/articles/autism/helping-children-with-autism.htm

Ý kiến bạn đọc
11/06/201621:22:56
Khách
Cô Phương Hoa thân mến!
Con mới đọc xong bài cô viết. Con xúc động quá, có chỗ làm con nghẹn luôn. Những vấn đề hóc búa cô đưa ra về cách nuôi dạy trẻ trong vết thương gia đình đổ vỡ thì con nhìn thấy khá nhiều nơi, nhưng cách giải quyết như cô thì không mấy ai làm được. Bản chất thiện tâm ở nhiều người giáo khác cũng thúc giục người ta phải hành động nhưng thiếu yếu tố khéo léo có thể đã dẫn đến thất bại và quyết đinh bỏ cuộc. Ở đây con thấy cô không những thực thi tiếng gọi của lòng nhân từ, nhiệm vụ của nhà giáo mà còn có sự dũng cảm và trí thông minh. Khâm phục cô. 😊👍 Con mong rằng câu chuyệnlà động lực cho những nhà giáo nói riêng và mọi người nói chung đang mong muốn giúp đỡ người khác sẽ biến ý nghĩ thành hành động thực tế và kiên trì không bỏ cuộc.
09/06/201600:32:50
Khách
Bài viết quá hay. Mong cho cha mẹ em đọc được bài viết và liên lạc với chị để xem cháu Ethan giờ tiến bộ thế nào... Biết đâu sau này Ethan sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng và công đầu là chị Phương Hoa.
Cám ơn tác giả.
08/06/201618:28:11
Khách
Cám ơn chị Phương Hoa về các bài viết rất công phu về thông tin và khảo cứu trong nhiều đề mục khác nhau. Toi hơi thất vọng khi không thấy tên chị trong danh sách các tác giả được vinh danh nam nay! Toi cũng biết chị đã từng nhận giải cao nhất cách đây vài năm. Hy vọng năm sau thấy tên chị!
08/06/201604:28:16
Khách
Chào bạn Tien,
Bạn quả thật là một người cha tốt và rất có lòng đối với trẻ em tự kỷ. PH đã vô địa chỉ trang web bạn cho và xem mấy cái clip thực hành massage do bạn hướng dẫn. Nhìn cũng có vẻ rất là chuyên nghiệp. PH thực sự xúc động và cám ơn tấm lòng của bạn khi nghe bạn có ý muốn tặng một bộ dụng cụ massage để PH có thể giúp cho những đứa học trò tự kỷ. Tuy nhiên PH xin mạn phép được từ chối dù hiện trong học kỳ này lớp PH cũng có một em tự kỷ. Em hay ôm đầu và thường chảy nước mắt, vì thẳng bé người Mỹ và mình chi là co giao chu không phải là một chuyên viên vật lý trị liệu nén không dám tự tiện điều trị. Bạn hãy dành tặng cho các bậc phụ huynh người Việt nhé.
Cám ơn bạn thật nhiều một lần nữa và chúc may mắn cho gia đình cung con của bạn.
Thân mến
Phương Hoa
08/06/201602:50:13
Khách
Chị Phương Hoa, Còn họp mặt tháng 8 thì chưa biết được. Dạo này sức khỏe tôi không tốt mấy . Những người khác trong giá đình khỏe. Cảm ơn chị hỏi.
08/06/201601:14:04
Khách
Chào bạn H.N.Tân,
Thật vui vì được bạn bỏ thời gian đọc bài viết và cho cảm nghĩ.
Cám ơn bạn và chúc luôn vui vẻ hạnh phúc.
Phương Hoa
07/06/201619:32:53
Khách
Hi chi Phuong Hoa,
Chi viet bai hay lam. Toi co con bi benh tu ky va da giup cho con toi bang phuong phap massage. Neu chi muon, toi co the tang chi mot bo dung cu massage de chi giup cac chau co benh nay. Hy vong se giup duoc cac chau.
Toi co lam website www.911autism.com de chia se kinh nghiem.
Than men
Tien
07/06/201618:39:46
Khách
Xin cám ơn Chị Phương Hoa đã có một bài viết về trẻ em bị bệnh Tự Kỷ thật cảm động.
Mến chúc Chị nhiều niềm vui mỗi ngày.

H.N.Tân
06/06/201613:22:47
Khách
Chào anh Sáu Steve,
Cám ơn anh đã luôn theo dõi đọc bài viết của PH. Anh chị và gia ddinh khỏe không? Tháng Tám này anh có đi Nam Cali không? Cố gắng đưa chị về "Thủ đô" của VVMN họp mặt
năm này cho vui nhé. Đang chờ đọc bài mới của anh đó.
Chúc anh chị luôn vui khỏe
PHoa
06/06/201604:20:25
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Bài viết này của chị rất cảm động. Chắc chị phải có kiên nhẫn nhiều mới giải quyết vấn đề của thằng bé Ethan như thế được. Việc chị tình nguyện làm việc trong lớp học như thế cũng là điều đáng kể . Chúc mừng về sự thành công ấy.

Chúc anh chị mọi sự thật tốt đẹp.

Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,858,272