Hôm nay,  

Thấy Như Mình Có Lỗi!

19/05/201600:00:00(Xem: 12967)

Tác giả: Tim Lê
Bài số: 3821-17-30321-vb5051916

Tác giả sinh năm 1942, hiện là cư dân Santa Ana. Ông định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO đầu thập niên 90, nơi đến là Boston. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện “Tôi Yêu Bà Bảo Trợ” đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ hai.

* * *

1.

Không còn bao lâu nữa, tôi sẽ theo Ba mẹ và các anh, chị lên đường đi định cư tại Hoa Kỳ. Mấy thằng bạn học cùng lớp, tôi đã chào tạm biệt; còn bạn gái thì... kể như không! Chỉ có cô Trinh là người duy nhất, nhưng tôi e dè... không dám đến nhà.

Sáng hôm ấy, trên đường đến chợ huyện mua ít thứ lặt vặt, để chuẩn bị cho chuyến đi. Đột nhiên, gặp cô Trinh đạp xe ngược chiều; không ai bảo ai, chúng tôi dừng lại bên lề đường, dưới bóng cây me của nhà bên cạnh.

Vì gặp bất ngờ, nên tôi không biết mở lời như thế nào. Qua giây phút lúng túng, tôi mạnh dạn hỏi Trinh một câu trổng không:

- Đi chợ về hả?

Trinh khẽ "dạ" và nhìn tôi:

- Chừng nào Anh đi?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao cô biết?

Không lộ vẻ gì, Trinh thản nhiên đáp:

- Sao... không biết.

Qua câu trả lời ngắn của Trinh, trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ: À, thì ra... người ta cũng quan tâm đến mình dữ ha. Đến đây, tôi lấy lại được sự bình tĩnh; nhưng con tim vẫn còn đập thình thịch, giọng run run nói:

- Ba hôm nữa... chúng tôi lên đường. Chúc cô ở lại mạnh khỏe.

Sau giây phút im lặng, Trinh liếc nhanh qua tôi, rồi cúi nhìn xuống đất như để che giấu sự cảm xúc...:

- Anh đi bình an và có định... chừng nào về thăm lại quê hương?

Tôi chưa biết nên trả lời thế nào, vì thời gian tới mọi việc đều ngoài sự hiểu biết...

- Trước mắt là tôi phải học, còn việc về thăm thì... chưa biết chừng nào. Ngừng một chút tôi tiếp: "Tôi sẽ về thăm cô... khi có điều kiện".

Nghe tôi nói thế, Trinh đưa mắt nhìn bâng quơ... một tay giữ ghi-đông xe, tay kia vê vê tà áo. Đây là lần đầu tiên, tôi có dịp gần Trinh và được nhìn nàng kỹ hơn...

Việt Nam, sau mấy năm đổi mới kinh tế, nhiều cô gái cùng trang lứa đua nhau trang điểm, thay hình đổi dạng. Còn Trinh... thì vẫn như ngày nào, không son phấn, quần áo vẫn bằng vải thường, đơn sơ và giản dị...

Nàng như con chim bé nhỏ, hiền lành; gần cô, tôi có cảm giác bình an và thân thiện. Trinh không đẹp lắm, nhưng không thấy chỗ nào thô kịch. Toàn thân nàng như ẩn dưới nét đẹp thầm kín nào đó... mà tôi chưa nhận ra.

Tôi đang miên mang về hình dáng của Trinh, thì từ xa một chiếc xe của Hợp Tác Xã nông nghiệp chất đầy rơm, lù lù tiến tới. Tôi vội vã chào tạm biệt Trinh, nàng đứng nép vào bờ rào. Chiếc xe chạy qua, bụi đường tung lên bao phủ một vùng trời. Tôi nhìn lại... không thấy bóng dáng Trinh đâu nữa!

Hôm nay, phi trường Tân Sơn Nhất có vẻ nhộn nhịp, vì có một số đông gia đình như chúng tôi ra đi. Trong phòng chờ đợi tiếng nói-cười ồn ào hẳn lên. Đó đây, những cặp trai gái triều mến bên nhau trước giờ tạm biệt. Nhưng, không ít cơn mưa nước mắt, cùng tiếng nấc nghẹn ngào nghe não ruột; chắc chắn họ đang đau đớn nhiều lắm! Chia tay mà chưa biết ngày nào gặp lại và biết đâu... lần chia tay này sẽ là lần chia tay vĩnh viễn!

Tôi biết vậy, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn ao ước giờ này có Trinh bên cạnh...

Việc gì đến rồi cũng đến, tôi đã ngồi yên trên chiếc máy bay mà trước đây tôi hằng mơ ước, mỗi khi thấy nó bay ngang qua nhà.

Sau một hồi chuyển động mạnh, nó từ từ cất cánh. Qua ô cửa kính, tôi nhìn xuống thành phố Sài gòn; đường phố và mọi vật nhỏ dần rồi mất hút... Lòng tôi như se lại, cảm giác lìa xa quê hương dần dần chìm sâu vào lòng...

Bất giác, hai dòng nước mắt tuôn ra, tôi lấy khăn lau vội và cố ghìm lòng để khỏi tuôn ra nữa! Nhưng, không được! Hình ảnh Trinh lại hiện ra trước mắt...

Nhớ những ngày, hai đứa cùng học chung trường trung học, nhưng khác lớp. Chúng tôi ở cùng làng, tôi ở xóm trong, Trinh ở xóm ngoài; giữa làng là con hương lộ, qua khỏi chiếc cầu nhỏ, có hai ngã rẽ dẫn về hai xóm.

Mặc dầu không hẹn trước, nhưng sáng nào chúng tôi cũng gặp nhau nơi đầu ngõ; những lần đầu, hai đứa chỉ "dương đôi mắt ếch" nhìn nhau, rồi theo con hương lộ lầm lũi đến trường. Trên đường đi cách nhau chừng mấy thước, nhưng không đứa nào dám nói với nhau lời nào, chỉ len lén nhìn mà còn sợ bạn bè trông thấy.

Lúc đó, tôi không biết cô Trinh nghĩ gì... Riêng tôi, cảm thấy vui vui và mỉm cười một mình. Không biết ai đặt ra câu: "Tri nhơn, tri diện, bất tri tâm" (biết người, biết mặt, không biết lòng) sao rất tâm đắc với tôi. Những lần gặp sau đó, tự nhiên chúng tôi mỉm cười, rồi mỗi đứa nhìn về một hướng. Hôm nào, đến đầu ngõ mà không gặp Trinh thì tôi chậm bước để chờ đợi. Chờ mãi mà không thấy nàng, tôi buồn bã đến trường, trong lòng nôn nao, mong sớm đến giờ tan học, chạy nhanh ra cổng đón. Nếu thấy Trinh, thì tôi như người bệnh được khỏe lại, còn không... tôi như người mất của, thất thểu trên đường về!

Một hôm, sau nhiều lần đắn đo, tôi quyết định mặc bộ quần áo mới mà Ba mẹ mua cho hôm Tết. Khi gặp nhau, sau cái nhìn như mọi ngày. Trinh vụt nói:

- Hôm nay mặt trời mọc.

Tôi hiểu ý, nhanh nhẩu đáp:

- Mọc lâu rồi.

Chỉ có thế, mà tôi nhớ mãi...

Những người làm cha mẹ, thường quan tâm lo lắng, sợ con cái yêu đương sớm, sẽ xao lãng việc học, không đem lại kết quả tốt. Nhưng, đối với tôi thì trái lại... Từ ngày, bắt gặp đôi mắt của Trinh, tôi càng siêng năng, cố gắng, chăm chỉ học hành nhiều hơn; sợ ở lại lớp, sẽ bị xấu hổ và sợ... mất nàng. Tôi không muốn nghỉ học bất cứ ngày nào, dầu nhức đầu hay cảm-sốt; thậm chí, nhà có cúng, giỗ Mẹ bảo ở nhà tôi cũng không muốn.

Tôi đang vẩn vơ về những kỷ niệm đã qua, thì nghe tiếng vang lên của người tiếp viên hàng không. Tôi không hiểu họ nói gì, nhưng thấy những người ngồi xung quanh thắt vội dây nịt an toàn (seat belt); tôi làm theo và nghĩ rằng: có lẽ sắp đến Bangkok (Thái Lan). Chúng tôi ở lại đó vài ngày, để cơ quan IOM hoàn tất hồ sơ rồi lên đường đến Hoa Kỳ.

Phi Trường Seattle của Tiểu Bang Washington, là nơi chúng tôi đặt bước chân đầu tiên trên nước Mỹ; nhìn qua bức tường bằng kính, khung cảnh bên ngoài tạo cho tôi ấn tượng, như vừa đặt chân vào "cõi" nào khác! Cái đầu và đôi mắt tôi, như được mở rộng ra.

Qua thời gian ngắn làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi được chuyển sang chiếc máy bay khác, để đến định cư tại Tiểu Bang Massachusetts.

Lúc này, bên ngoài trời đã xẩm tối, nhưng tôi không biết mấy giờ, vì chiếc đồng hồ xã hội chủ nghĩa của Ba tôi, chưa chịu hòa nhập vào chế độ tư bản. Ngồi trên máy bay nhìn xuống, nước Mỹ như một tấm thảm hoa rực rở trải dài vô tận. Nước Mỹ là thiên đàng, là giấc mơ của nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ... Tuy vậy, nhưng tôi vẫn lo lắng... Vì không biết mình có được ở trong chốn thiên đàng này hay không? Hay một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó... như Khu kinh tế mới ở Việt Nam!

Nhớ lại lời nói của Ba tôi: Khi bước chân lên máy bay thì cả gia đình chúng ta là con số không... kể cả một dollar cũng không có. Chúng ta chấp nhận ở đâu cũng được... miễn sao thoát khỏi chế độ này.

Những ngày đầu trên đất Mỹ, tôi không ngủ được vì giờ giấc thay đổi và trong đầu ngổn ngang trăm mối... Những chuyện ở quê nhà, dầu không muốn ai cũng phải tạm quên!

Đến giờ này, mọi ý nghĩ, mọi sự tưởng tượng trước ngày lên đường hầu như... sai tất cả! Trước mắt, là một xã hội hoàn toàn mới lạ. Chúng tôi rất vui mừng vì được sống trong không khí tự do, thoải mái và đầy đủ tiện nghi. Không phải lo lắng, chăm chút từng cái ăn, cái mặc; không bị đưa đến nơi đèo heo hút gió, mà được sống chung với mọi người trong thành phố rộng lớn.

Ai cũng chăm lo học Anh ngữ, học lái xe, tìm việc làm và học hỏi những phong tục tập quán... để hòa nhập vào cộng đồng.

2.

Thấm thoát, chúng tôi đã sống 14 năm trên đất Mỹ. Một đất nước rộng mở, tạo sự thăng tiến cho mọi người. Tôi đã là một Kỹ Sư điện tử, có vợ, có con và cuộc sống cũng đã bước vào giai đoạn ổn định.

Một hôm, Ba Mẹ tôi nhận được thơ ở quê nhà gởi qua cho biết, Ông nội tôi đau nặng và có thể không qua khỏi. Tôi phải thay mặt gia đình về thăm, vì lúc này Ba Mẹ tôi đã già và sức khỏe cũng không được tốt. Các anh, chị thì ở xa và sự sinh hoạt của họ cũng không được thuận lợi cho lắm.

Trên đường về quê hương, trong đầu tôi lẫn quẩn, lo nghĩ mọi thứ: cha mẹ, vợ con ở nhà, ở sở làm và hình ảnh của cô Trinh cũng xuất hiện trong giây lát, rồi tan biến.

Về đến nhà được hai hôm, thì Ông nội qua đời. Trong số những người đến phúng điếu, tôi thấy có người "giông giống" cô Trinh. Sau khi thắp nhang và bái lạy Ông nội, cô đến ngồi bên cạnh Bà nội, vuốt ve bàn tay gầy guộc của bà và nói nho nhỏ điều gì đó... có lẽ cô an ủi bà.

Việc mai táng Ông nội đã xong xuôi, ai về nhà nấy sau những ngày mệt mỏi. Bữa cơm chiều, chỉ còn lại hai bà cháu; ăn cơm xong Bà đến ngồi trên bộ ván nhai trầu bỏm bẻm, nhìn ra ngõ và trông bà có vẽ lo lắng. Tôi đến bên cạnh:

- Bà nội, Bà nhớ ông nội hả?

Xoay về phía tôi, Bà nói:

- Nhớ Ông thì đã đành; nhưng, từ nay nội lo nhất là chỉ còn một mình... nếu có gì xảy ra thì không ai giúp đỡ!

Thấu hiểu nỗi lòng của Bà nội, tôi nói:

- Có gì... thì Bà nội gọi các cháu ở gần hoặc Bác, Chú và các Cô thu xếp về ở chung với nội.

Bà nội không trả lời câu nói của tôi, mà thản nhiên nói:

- Có lẽ... phải nhờ con Trinh thôi!

Như có sức phản xạ, tôi hỏi ngay:

- Con Trinh nào hở nội?

- Thì... con nhỏ hôm kia nó đến cúng nhang Ông nội cháu đó. Ngừng một chút Bà tiếp: Ủa, hồi nhỏ cháu không biết nó sao?

Tôi giả vờ... trả lời: "không" và tiếp:

- Sao nội quen cô ấy?

Bà nội chậm rải kể:

- Cũng lâu rồi... hình như cuối năm ngoái, năm kia gì đó. Bữa đó nội đi chợ về, gần đến chỗ rẻ vào xóm mình, tự nhiên chân của nội đau điếng, không đi được nữa và lảo đảo muốn ngã. Không biết từ đâu có tiếng cô gái:

- Bà đừng đi... đừng đi, để cháu giúp.

Cô dựng chiếc xe đạp, cúi xuống hai tay xoa bóp đầu gối và bắp chân của nội. Sau đó, cô bảo nội đứng lên đi thử, nhưng vẫn còn đau, nên phải ngồi xuống. Thấy nội đi không được cô ấy bảo:

- Bà... chờ cháu một chút.

Trông dáng vẻ nhanh nhẹn, cô đem chiếc xe gởi ở nhà bên cạnh:

- Cháu... đưa Bà về.

Nói xong, cô đỡ nội đứng dậy, lấy một cánh tay của nội để lên vai của cô, rồi ôm choàng qua lưng nội. Tay kia, cô xách cái giỏ của nội, chậm rải đưa nội về nhà.

Hỏi ra thì được biết: cô Trinh là con của bà Thắm ở Xóm ngoài. Ba mẹ nó cưới nhau chừng 3-4 tháng gì đó, thì Ba nó bị gọi đi quân dịch; dưới thời Ông Diệm (Tổng Thống Ngô Đình Diệm). Thanh niên đến tuổi quy định thì phải đi lính một năm hay một năm rưỡi gì đó.


Thằng cha của nó xấu số, bạc mạng; mới vào lính không lâu thì chết, trong khi mẹ nó mang bầu con nhỏ Trinh chừng 6-7 tháng. Tội nghiệp con bé, không có cha từ khi lọt lòng mẹ. Nó chỉ biết mặt Cha nó qua tấm hình củ kỷ, chụp lúc còn nhỏ!

Ngừng một chút, để nhổ miếng trầu trong miệng, Bà tiếp:

- Trải qua bao năm tháng gian nan khổ cực, mà mẹ nó vẫn thủ tiết, thờ chồng, nuôi con. Hai mẹ con hủ hỉ sống với nhau, không một lời tai tiếng; trong Xóm, trong Làng ai cũng thương.

Từ hôm đó, Ông Bà nội bảo nó thỉnh thoảng đến chơi, ông nội cháu rất thương nó; ông bảo kêu thằng Tuấn (là tôi) về cưới con Trinh cho rồi. Bà cũng nghĩ thế, con nhỏ ngoan hiền, giỏi giang mà còn đẹp nữa chớ. Trong làng này không có đứa nào hơn nó đâu.

Bà cũng có nghe nói: hai ba chỗ, gia thế cũng khá lắm, đến dạm hỏi nhưng nó không ưng. Chỉ trả lời: chưa muốn lấy chồng hoặc muốn ở với má. Không biết con nhỏ này nó chờ thằng nào?

Suốt đêm ấy, tôi không thể chợp mắt, vì hình ảnh cô Trinh và những điều bà nội kể hồi chiều, cứ quanh quẩn trong đầu. Tim tôi đau nhói và cảm thấy có lỗi với Trinh nhiều lắm; nếu năm đó... lần gặp nhau cuối cùng tôi không nói lời: "Tôi sẽ về thăm cô... khi có điều kiện". Tôi đâu có ngờ, Trinh là cô gái ngây thơ và chung tình đến thế. Ở Mỹ, có lúc tôi cũng nhớ đến Trinh, nhưng chỉ thoáng qua và nghĩ rằng: Đó chỉ là tình cảm thơ ngây đầu đời...

Hai hôm sau, trong lúc ở nhà một mình, ngồi đọc quyển tập của ông nội để lại; trong đó, ông ghi chép đủ thứ chuyện: Cách xem ngày-giờ tốt-xấu theo Âm lịch. Những phương thuốc gia truyền. Công dụng của các cây-lá trị bệnh thông thường trong dân gian. Những câu châm ngôn, Sấm giảng... thì nghe có tiếng động, nhìn ra cửa thấy Trinh đã đứng bên bậc thềm. Tôi cuối đầu chào và mời Trinh vào nhà. Cô chào lại và nói:

- Nhân dịp đi ngang, xin phép... thắp Ông cây nhang.

Trinh cầm ba cây nhang đứng trước bàn thờ ông nội, miệng lâm râm rồi bái ba bái, trông rất tự nhiên và thành thạo.

Tôi mời Trinh đến ngồi ở bộ bàn ghế kế bên. Hai đứa đều im lặng. Tôi trộm nhìn, khuôn mặt Trinh không khác mấy so với trước kia, nhưng có vẻ già dặn hơn. Hai tay nàng đan vào nhau để trên bàn, đôi mắt trầm buồn trông dịu dàng và phúc hậu.

Để bầu không khí khỏi bị chìm sâu. Tôi nói một câu không ăn nhập vào đâu:

- Khi tôi thức dậy thì bà nội đã đi chợ; có lẽ hôm nay bà sẽ mua "cá liệt" về nấu canh chua lá me, món ăn mà hồi nhỏ tôi rất thích.

Câu nói của tôi như đi vào không gian trống rỗng. Cô Trinh vẫn thản nhiên, như không nghe thấy gì. Tôi lại rơi vào thế bị động, nhưng cũng kịp nghĩ rằng: Tôi phải nói ra sự thật... để mong nàng thấu hiểu phần nào:

- Tôi thành thật xin lỗi Trinh và mong cô tha lỗi cho tôi! Suốt thời gian qua, tôi đã không liên lạc hoặc về thăm cô, vì bận học hành, rồi đi làm.

Ngừng một chút, tôi tiếp:

- Có lẽ, vì số phần đưa đẩy, tôi đã có vợ và mới sinh được một đứa con gái đầu lòng.

Trinh không lộ vẻ xúc động, nàng vẫn ngồi im lìm; nhưng có thể trong lòng nàng đang xót xa, hụt hẫng.

Sự im lặng của Trinh, càng làm tôi thêm bối rối. Phải chi nàng đứng lên chửi mắng, xỉ vã... thì có thể tôi được dễ chịu hơn.

Nhưng đàng này, nàng cứ im lặng ôm chịu sự bẻ bàng, thiệt thòi một mình, không một lời than van, oán trách... làm tôi càng xấu hổ hơn...

Tự nhiên, Trinh vụt đứng lên, đưa tay chùi nhanh hai dòng nước mắt và nghẹn ngào nói:

- Em về!

Nhìn từng bước đi nhẹ nhàng của Trinh, tôi có cảm giác như nó đang giẫm đạp trong lòng tôi. Tôi thơ thẩn trở vào nhà, nằm úp mặt xuống gối, những giòng nước mắt cứ tuôn trào!

Tôi tự vấn lương tâm: Tôi phải làm gì đây... để chuộc lại lỗi lầm mà tôi đã vô tình gây đau khổ cho Trinh; lương tâm tôi bị dày vò, niềm ân hận ray rức không nguôi...

3.

Ba tuần lễ sau chuyến về Việt Nam, tôi trở lại sở làm. Nơi tôi làm việc là hãng sản xuất điện thoại công cộng (Public phone/Pay phone).

Hãng cũng nhỏ, chỉ có ba kỹ sư, hai Mỹ và một Việt là tôi. Công nhân có khi lên đến 70-80 người, hơn một nửa là người Việt. Do đó, tôi được phân công phần việc sản xuất.

Trong lúc, tôi đang giải quyết các công việc tồn đọng, thì Hoàng là một Technician gỏ cửa bước vào:

- Kỹ sư, xem giùm cái "board". Em đã thử tất cả, đều tốt, nhưng khi "final test" thì tiếng "ồ" (dial tone) không tốt và thỉnh thoảng bị mất tiếng nói...

Tôi cầm cái board xem qua rồi nói:

- Được, để tôi xem.

Hoàng cúi đầu chào rồi bước ra, tự nhiên trong lòng tôi nảy ra ý nghĩ...

Ba hôm sau, tôi gọi Hoàng vào phòng, để Hoàng khỏi áy náy, tôi giải thích:

- Thời gian qua, vì giá cả tăng vọt, hãng phải "order parts" ở nhiều nơi và nhiều nước khác nhau. Các kỹ sư đã thử nhiều lần thì nó vẫn tốt. Nhưng, có lẽ các điện thoại qua thời gian dài sử dụng và qua nhiều lần sửa chữa. Các con "chips" bị thay đổi lẫn lộn, nhân viên phụ trách chip lại bị "lay off". Do đó, cái board này không còn tốt... là như vậy.

Trước khi Hoàng trở về chỗ làm, tôi ra dấu dừng lại và nói:

- Mời Hoàng, Thứ bảy đến ăn cơm với tôi tại...

Hoàng có vẻ ngần ngừ tôi tiếp:

- Không có gì đâu. Cuối tuần này, vợ tôi về thăm ngoại, nên tôi có thì giờ rảnh, chúng ta nói chuyện chơi... cho vui.

Không để Hoàng từ chối, tôi đứng lên vỗ vai Hoàng và nói:

- Vậy đi nhé! Bây giờ tôi có việc... cần gặp ông chủ hãng một chút.

Tới ngày hẹn, tôi vừa đến nơi thì thấy xe của Hoàng đã đậu trước Restaurant. Sau khi gọi thức ăn, tôi hỏi Hoàng:

- Anh đến Mỹ bao lâu rồi và lập gia đình chưa?

- Đã hơn 5 năm và chưa lập gia đình.

Tôi lại tiếp:

- Anh đi theo chương trình nào và đã làm gì?

- Em được chị gái và anh rể bảo lãnh. Qua đến Mỹ em đi học "College", sau khi tốt nghiệp trung cấp, em tìm việc làm để khỏi làm phiền cho anh chị nhiều hơn.

Ngừng một chút Hoàng tiếp:

- Lúc còn ở Việt Nam em không dám léng phéng một ai, vì sợ gây đau khổ cho người khác và sợ trở ngại hồ sơ bảo lãnh.

Đến đây, tôi đã hiểu được phần nào về tư cách cá nhân và hoàn cảnh của Hoàng, nên đưa ra ý kiến thăm dò:

- Hiện nay, mọi việc coi như tạm ổn; vậy anh có ý định lập gia đình chưa?

Hoàng có vẽ suy nghĩ:

- Khó lắm Kỹ Sư ơi! Hiện tại em chưa có gì cả. Ở đây, các cô có bằng cấp cao, thì em đâu dám mò tới. Còn các cô... em có thể đến, thì họ chỉ chọn những người đã thành đạt...!

Tôi mỉm cười về suy nghĩ bi quan, yếm thế của Hoàng. Ra vẽ đắn đo tôi nói:

- Anh có muốn tôi giới thiệu cho anh một cô gái không?

Hoàng ngần ngừ:

- Quan trọng... là cô đó có thích em hay không ? Còn em thì...

Tôi cướp lời:

- Điều đó tôi hiểu. Dĩ nhiên, là hai người gặp nhau trước và thích hợp... Tôi hớp ngụm nước rồi tiếp: Nói thật với anh, chuyến về VN vừa rồi, tôi có gặp đứa em gái trong họ, đang trong hoàn cảnh đáng thương. Khi người cha qua đời, cô còn trong bụng mẹ. Từ đó đến nay, hai mẹ con côi cút sống với nhau. Cô là người con gái ngoan hiền, đức hạnh; còn về nhan sắc thì... tùy theo nhãn quan của mỗi người, nhưng tôi tin... anh sẽ thích khi gặp cô ấy.

Sau đó, tôi còn mấy dịp gặp riêng Hoàng thu xếp cho hai người liên lạc. Khi Hoàng quyết định về VN một tháng, để cho hai người được tự nhiên, tôi căn dặn: Đừng cho cô Trinh biết bất cứ điều gì về tôi và sự giới thiệu của tôi.

Ngày trở lại Mỹ, Hoàng chủ động gặp tôi và vui mừng cho biết kết quả:

- Em thích cô Trinh rồi, mong anh giúp đỡ em.

Tôi hỏi lại:

- Về phía... cô Trinh thì thế nào?

- Rồi, ờ, ờ... nhưng mà chưa !

- Là thế nào? Anh kể rõ cho tôi nghe đi.

Hoàng chậm rãi nói:

- Mọi việc em làm đúng theo kế hoạch của Anh. Hôm em nói lời tạm biệt trở về Mỹ, cô Trinh chưa tỏ dấu hiệu nào; chỉ đồng ý cho em địa chỉ gởi thơ mà thôi. Nhưng sau đó, một tín hiệu làm em rất vui mừng và tràn đầy hy vọng: Cô Trinh nhận cái "cell phone" của em tặng, sau cái "gật đầu" của mẹ cô, mà trước đó cô từ chối.

Nghe Hoàng kể đến đó, lòng tôi mừng vô hạn. Không biết lúc này, giữa Hoàng và tôi ai mừng hơn ai.

Thời gian không lâu sau đó, trên nước Mỹ và khắp Thế giới "cell phone" tràn lan. Kinh tế lại khủng hoảng, không có cái Mall hay Khu thương mại nào mỡ ra để đặt loại pay phone. Hãng tôi làm cũng như các hãng phone khác, phải cho nhân viên nghỉ việc.

Tôi và Hoàng chia tay nhau từ đó...

4.

Trong lúc, tôi đang chăm sóc các cụm hoa sau nhà, thì có tiếng điện thoai reo. Nhận ra tiếng nói của Hoàng, chúng tôi rất mừng vì bẵng đi một thời gian dài không liên lạc. Có lúc, tôi tưởng như mọi việc đã trôi qua, vì không biết Hoàng đã trôi giạt nơi nào... sau khi "lay off".

Sau những lời thăm hỏi, Hoàng mời vợ chồng tôi cuối tuần đến nhà ăn cơm. Tôi nhận lời và tuyệt nhiên không ai nhắc nhỡ gì về chuyện cũ. Và cũng có thể, Hoàng muốn dành cho tôi sự ngạc nhiên.

Nhà Hoàng, cách nhà chúng tôi chừng một giờ lái xe. Tôi vừa dừng xe, thì thấy vợ chồng Hoàng đã đứng đón chúng tôi từ ngõ. Tôi bắt tay Hoàng và giật mình khi nhìn thấy đôi mắt ngày nào... Cô Trinh cũng dương to đôi mắt... sững sờ nhìn tôi rồi cúi xuống. Trong giây phút đó, tôi thật sự bàng hoàng và có lẽ nàng cũng như tôi đang tự hỏi: đây là thực hay mộng...

Bữa cơm chỉ có vợ chồng tôi và vợ chồng Hoàng. Trước khi cầm đũa, Hoàng giới thiệu các món ăn đều do chính tay Trinh nấu. Suốt bữa cơm, vợ tôi không ngớt lời khen ngợi từng món ăn; vừa ngon, vừa lạ miệng và còn chất chứa hương vị quê hương...

Còn Trinh như người mất hồn, chỉ ầm ừ hoặc trả lời ngắn những câu hỏi của vợ tôi. Có lẽ, lúc này trong đầu nàng đang ngổn ngang những câu hỏi...

Riêng tôi, bữa ăn hôm nay thật tuyệt vời và có cảm giác như đang ăn cơm ở nhà người yêu đầu đời...

Trước khi chúng tôi ra về. Hoàng nắm tay Trinh đứng lên:

- Hai em thành thật cám ơn Anh Chị. Nếu không có anh chỉ lối, thì chắc chắn chúng em không có được ngày hôm nay. Em xin hứa sẽ đem hạnh phúc và thương yêu Trinh mãi mãi.

Tôi mỉm cười cám ơn vợ chồng Hoàng về bữa ăn ngon và vui, chúc mừng đôi bạn hạnh phúc. Lòng tôi cũng thầm cám ơn Hoàng đã giúp tôi giải tỏa nỗi niềm ray rứt trong tim; một điều mà tôi cảm thấy như mình có lỗi".

Trên đường về, lòng tôi lâng lâng, bay bổng; vì cảm thấy mãn nguyện. Có lẽ, chúng tôi có duyên nhưng không phận; hy vọng, từ nay Trinh và tôi như hai đường thẳng song song; nếu có điều kiện thì giúp nhau trong cuộc sống... như tình anh em. Chuyện cũ, giấu kín trong lòng... coi như một "kỷ niệm đẹp."

Tim Lê

Ý kiến bạn đọc
24/09/201811:42:06
Khách
thời này bên Mỷ mà hành động và truyện như tiểu thuyết của ông Hồ biểu Chánh thời xưa
25/05/201614:46:47
Khách
giong giong vi tri nho da mon boi gia va lu lan.
Tung Le
21/05/201619:24:37
Khách
Rõ là "mười voi không được bát nước xáo'đúng là mẫu người như Ông chủ lò bánh mì
cám ơn bài viết của tác giá đã đưa đến triết lý thâm thúy như Kinh thánh từng chép
"Love by action . not just by Tongue''
thật vậy.thế giới nầy rất cần những con người hành động để giảm bớt đau khổ cho nhân loại.hơn là chỉ nói suông.....ba tấc lưỡi.......[xin lỗi nếu có lỡ ...đụng chạm đến ai .....]
20/05/201619:59:18
Khách
Người Pháp có câu
''Loin des yeux, loin du Coeur'
Người mình thì bảo;
'Xa mặt ,cách lòng'
Chẳng trách gì 'tac giả ' đã ...quên người xưa....[mối tình đầu cũng nhẹ nhàng như sương khói,chưa thật sự mặn nồng.]Thôi cứ xem như'Có duyên mà không co nợ vậy'
Dầu sao,Cô Trinh cũng đã được đền bù qua đời sống hôn nhân hạnh phúc với Hoàng .
bài viêt thàhh thật. đoạn kết có hậu làn người đọc thỏa lòng
Cám ơn tác giả ....''dàu sao chăng nữa vẫn nhớ đến tình đôi ta ''
20/05/201603:24:35
Khách
"...thấy có người "giông giống" cô Trinh ". Một ông kỹ sư chỉ mới có 14 năm trời xa cách mà đã không nhận ra người con gái mà đã có một thời mình thinh thích ?!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,224,447
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết thứ ba của bà được viết nhân khai trường, để Kính tặng các Thầy Cô cuả Trường SPSG; - Thân tặng các Anh Chị cựu Giáo-sinh SPSG; Và riêng tặng các bạn SPSG/ nhất 9 nhị 15/ K.12/73-75.
Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, đã nhận giải danh dự năm (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” (Á khôi) năm 2017. Tác giả về hưu từ lâu và đang định cư tại Orange County. Bài viết mới, thể hiện tâm tư và cách nhìn chủ quan của “một kẻ lưu vong bất đắc dĩ,” nói theo tác giả, và không có ý định tạo mâu thuẫn, tranh cãi với những người không cùng quan điểm.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình My, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tiếp tục viết bằng tiếng Việt và đây là bài thứ hai.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới về LA họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến