Hôm nay,  

Mùa Hè Ở Mỹ: Lễ Hội Giữa Năm

06/04/201600:00:00(Xem: 8779)

Tác giả: Nguyễn Hùng Cường
Bài số: 3792-17-30292vb4040616

Tác giả đã nghỉ hưu sau gần 20 năm làm y tá tâm thần tại một bệnh viện tiểu bang Cali. Là cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sau 1975 đi tù Cộng sản 6 năm. Là cựu thuyền nhân được thuyền trưởng Nam Hàn tên Jeon Je Yong cứu vớt trên biển Đông năm 1985. Ông cũng là tác giả Hồi Ký "Tấm Lòng Biển"(2007) nói về thuyền trưởng Jeon bị trừng phạt sau khi vớt thuyền nhân. Tham gia "Viết về Nước Mỹ" với bài "Nhà Mobilehome và Di Dân Việt Nam" (Giải Danh Dự 2010) Tham gia công tác thiện nguyện cho thành phố Westminster, Nam Cali, từ 1994 đến nay.

* * *

Không cần phải nghe Tuấn Ngọc nỉ non với “Gọi Nắng”, Khánh Ly chênh vênh với “Hạ Trắng”, cũng chẳng cần lưu tâm đến “Gửi Nắng Cho Em” do Ngọc Tân hát để biết mùa hè đến, vì bây giờ Nam Cali đã thực sự vào hè.

Vài hôm trước mở đài phát thanh Việt ngữ địa phương, tôi tình cờ nghe được bài “Hè Về” của Hùng Lân với tiếng hát “một thời học trò” của Hoàng Oanh. “Trời hồng hồng sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song, cành mềm mêm gió ru êm…”, tôi lẩm nhẩm hát theo mà lòng cứ miên man trở về với tuổi học trò, tuổi đẹp nhất trong đời.

Vẫn còn nhớ như in, cuối niên học 1960 tại Huế lớp Đệ Tam của tôi thật bận rộn với tờ bích báo của lớp. Cánh nam sinh chúng tôi cũng đã mất khá nhiều thời giờ săn sóc cho tập lưu bút trước giờ bạn bè chia tay nhau về nghỉ hè với gia đình.

Nam Cali đang ở giữa hè, nhưng lạ thật, có những ngày phải đợi đến trưa mới có nắng chan hòa, bởi vậy buổi chiều như được kéo dài hơn. Nhớ lại những ngày hè ở quê nhà, nhiều khi đã hơn 8 giờ tối các sinh hoạt vẫn còn diễn ra ngoài trời mà không cần lên đèn.

Theo Bách khoa Từ điển về thời tiết, khí hậu vùng Bắc Mỹ nay đã thay đổi chu kỳ sinh thái nhiều lắm, lượng ozone trong tầng khí quyển không đủ để lọc hết khí nóng ngày càng tăng đang hâm nóng toàn cầu. Nói cách khác, bây giờ thật khó mà biết chính xác ngày hè đầu tiên trong năm rồi sẽ còn thay đổi ra sao. Mà thôi, cũng chẳng phải bận tâm làm gì chuyện “nắng mưa là bệnh của trời”, như thi sĩ Nguyễn Bính đã thổ lộ trong “Tương Tư”.

Nói chung, người Mỹ có khuynh hướng dễ dãi chấp nhận cho rằng mùa hè đang đến trong khi họ chưa ra khỏi tiết Xuân. Bởi vậy, cũng chẳng lạ gì giới thương mại Hoa Kỳ hằng năm ngay sau ngày “Hiền Mẫu“đã bắt đầu quảng cáo rầm rộ cho hàng ngàn loại sản phẩm mùa hè, từ thượng vàng cho đến hạ cám.

Với Nam Cali, tháng 5, 6 và 7 là dịp để người ta chào đón những thành quả đạt được, nên cũng còn gọi là mùa lễ hội giữa năm. Từ sinh hoạt đời thường cho đến tôn giáo, mọi người đều xứng đáng được đền bù bằng những thành công trong các lĩnh vực khác nhau, nếu họ đã tham gia hoặc đầu tư vào đó bằng cách này hay cách khác.

Trước hết, tháng 5 tại Hoa Kỳ được đánh dấu bằng ngày “Hiền Mẫu”, The Mothers Day, và luôn rơi vào ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng. Việc tưởng nhớ và biết ơn Mẹ tuy cũng được mừng bằng nhiều cách khác nhau tại nhiều quốc gia, nhưng ngày “Hiền Mẫu“tại Hoa Kỳ được tổ chức thật nổi bật về ý nghĩa và hình thức. Nguồn gốc ngày “Hiền Mẫu“được ghi lại trong lịch sử của người dân Hoa Kỳ bằng tâm tình tri ân mẹ của mình do bà Anna Jarvis khởi xướng vào năm 1908 và đã chính thức trở thành ngày nghỉ quốc gia kể từ năm 1914. Kế đến là lễ Chiến Sĩ Trận Vong, The Memorial Day, được diễn ra vào ngày Thứ Hai của tuần lễ cuối của tháng 5. Đây là một ngày quốc lễ đầy tâm tình tri ân và chan hoà mầu sắc, vì nguyên thủy người dân Mỹ gọi ngày này là “Ngày Treo Cờ Nghĩa Trang”, The Decoration Day hoặc The Decoration of The Graves, để tưởng nhớ những chiến sĩ Hoa Kỳ đã nằm xuống vì lý tưởng tự do cho đất nước Hoa Kỳ.

Ngoài ra, trong tháng 5, với niềm tin tôn giáo, giáo hội Công giáo Hoa Kỳ cũng có nghi thức đội triều thiên cho Đức Mẹ Maria, Marys Crowning, không những tại các trường công giáo mà còn lan tràn vào các trường công lập.

Bước qua tháng 6 là thời điểm của những thành công trong học vấn với lễ mãn khóa của sinh viên và học sinh, và lễ tiến chức của những tân khoa đỗ đạt những học vị cao trong xã hội. Báo chí không bỏ qua cơ hội này, họ chạy những tin “Chúc mừng“rất lớn và rất kỹ như là một lối sống xã giao thời thượng. Tôi tin nhiều gia đình đồng hương Việt Nam tại Nam Cali đã rất phấn khởi, mãn nguyện, và cũng xúc động không kém, khi thấy con cháu mình trở thành những tân khoa loại tối ưu vào cuối niên học.

Mấy năm vừa qua, liên tiếp trong hai tuần lễ giữa tháng 6, vợ chồng tôi khá phờ người vì phải (thay mặt cho bố mẹ các cháu bận đi làm) “chạy sô” đến tham dự lễ ra trường của 5 đứa cháu nội mãn khóa Tiểu học và Trung học. Nhìn các cháu khôn lớn và cố gắng học hành, chúng tôi tạ Ơn Trên và tri ân nước Mỹ đã cho gia đình chúng tôi được định cư trên một đất nước đầy sữa và mật ong. Cám ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã nhân đạo cưu mang chúng tôi trên quê hương thứ hai này, để hôm nay các thế hệ con cháu chúng tôi có cơ hội tiến thân, thành công và thành danh.

Trong các buổi lễ ra trường, cầm trên tay tờ chương trình, tôi bỗng nghe lòng mình mênh mang một niềm vui. Thiết tưởng người Việt nào tại Hoa Kỳ cũng có quyền hãnh diện vì con em mình đã nêu gương chăm chỉ học hành cho học sinh của những sắc dân khác. Tính trung bình, cứ một trăm tân khoa mãn khóa thì có đến một nửa là con em Việt Nam. Trên máy phóng thanh vang vang tiếng các thầy cô giáo người Mỹ, với giọng đọc ngọng nghịu nhưng thật dễ thương, tuần tự xướng danh những học sinh Việt Nam xuất sắc. Tên quốc tịch Mỹ của các em được xướng lên trước tên họ Đào họ Đặng, họ Lê họ Lý, cho đến họ Nguyễn họ Trần, nghe tưởng như không dứt.


Tôi còn giữ được một kỷ niệm trong ngày tham dự lễ ra trường cách đây vài năm tại hai trường thuộc Quận Cam, Nam Cali. Hôm đó, tại trường Trung học Westminster, hai học sinh Việt Nam là em J… Đoàn được chọn làm thủ khoa, và em M… Vũ Nguyễn thay mặt 320 học sinh ra trường đọc diễn văn mãn khóa. Trong khi đó tại trường chuyển tiếp Mc Garvin, hai em B… Nguyễn và T… Phạm được trường đề cử làm người dẫn chương trình mở đầu (commencement speakers) cho buổi lễ ra trường. Hai em đã làm cho các phụ huynh Việt Nam nức lòng giữa hơn 600 quan khách tham dự. Tôi tưởng vinh dự này không chỉ dành riêng cho bố mẹ và gia đình của các em, nhưng còn là niềm hãnh diện chung cho cả cộng đồng Việt Nam hải ngoại và trong nước. Chúng ta có lý do để vui mừng và hãnh diện về thành tích của con em mình.

Tôi muốn nói thêm rằng, một lời cám ơn cũng cần phải dành cho các bậc phụ huynh Việt Nam trong ngày con cái họ ra trường sau những tháng ngày các em dùi mài kinh sử. Tôi rất đồng ý với tâm tình của em M… Vũ trong bài diễn văn ra trường của em. Em đã mạnh dạn thưa với bố mẹ của em và cũng là của những học sinh khác rằng, “Con xin cám ơn bố mẹ đã lo lắng, đồng hành, và chịu khổ chịu cực cách này hay cách khác để cho con có ngày ra trường hôm nay. Con tin rằng sự hy sinh sắp tới của bố mẹ trong thời gian con ở đại học sẽ chắp cánh cho con bay xa và bay cao hơn trong học vấn. Con xin cúi đầu cám ơn bố mẹ đã hy sinh tất cả vì tương lai của con.“Là phụ huynh, chúng ta có quyền rơi lệ vì hạnh phúc trước tấm lòng của con trẻ.

Tiếp đến, cũng trong tháng 6 cộng đồng tỵ nạn Việt Nam hải ngoại khắp nơi, cách riêng tại Nam Cali là thủ phủ chống Cộng sản, có dịp thể hiện tâm tình biết ơn đối với những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong tháng này, vào ngày 19/6, cộng đồng người Việt hải ngoại mừng ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa để tưởng nhớ và tri ân sự chiến đấu hào hùng của các chiến sĩ thuộc các quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Tôi cho rằng cũng không phải là quá đáng hoặc cường điệu khi gọi đây là “Ngày Giỗ“các chiến sĩ anh hùng đó. Trong quá khứ trước 1975, gia đình tôi đã được an vui nơi hậu phương, vì tiền tuyến đã có các anh chiến sĩ dám hy sinh cho cuộc sống an vui của người dân. Và hôm nay, sau những năm tháng bị giam hãm trong lao tù Cộng sản, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà trong khi đến hội nhập vào một đời sống an vui và thoải mái tại Hoa Kỳ vẫn canh cánh bên lòng thao thức về một đất nước Việt Nam phải được tự do thật sự và hạnh phúc. Những sinh hoạt của các hội đoàn chống cộng, nhất là những cuộc tập họp đấu tranh chống Cộng sản trong ngày lễ hội lớn của các cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, cho phép tôi suy nghĩ đến một ngày quê hương Việt Nam yêu dấu sẽ thoát khỏi sự cai trị dã man và lạc hậu của Cộng sản. Mỗi năm vào ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, ngày 19/6, tôi thường đến tham dự những nghi thức thật cảm động tưởng niệm những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh vì tổ quốc. Trong lòng tôi, ngày 19 tháng 6 là dịp để tôi thắp lên nén hương lòng tri ân của mình.

Đặc biệt, tháng 6 có ngày “Hiền Phụ”, để hài hoà với ngày “Hiền Mẫu“trong tháng 5. Hai ngày này thật ý nghĩa trong tập tục của người dân Hoa Kỳ. Trong văn hoá, thi ca, và âm nhạc Việt Nam, nếu tấm lòng từ mẫu của người mẹ được nhắc đến như biển cả mênh mông thì vị thế của người cha trong gia đình được ví như mái nhà để che mưa đỡ nắng cho con cái trong cuộc đời đầy giông bão. Mọi người cha tốt lành và mẫu mực, nếu còn sống trên cõi đời này, đều là những điểm tựa tinh thần cần thiết và vững chắc cho con cái an tâm bước vào đời, khi chúng biết rằng lúc nào mình cũng có cha bên cạnh.

Trong tháng 6 cũng không quên nhắc đến những hỷ tín thành hôn và vu quy của những kẻ có duyên nợ phu thê với nhau. Ngoài ra, tháng 6 còn được đánh dấu bằng những lễ hội mang ý nghĩa và mầu sắc tôn giáo vì tháng 6 là “mùa gặt lớn“trong năm của giáo hội Công giáo với lễ phong chức linh mục, và lễ vĩnh khấn của các nữ tu.

Bước qua tháng 7, nổi bật nhất vẫn là ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, nôm na được mọi người gọi là “July Fourth”, tức ngày 4 tháng 7. Việc cử hành ngày quốc lễ này có thể thấy được qua sự nhộn nhịp trước, trong, và sau ngày lễ, là khi mà người dân Hoa Kỳ muốn nói lên tinh thần và ý nghĩa của bản Tuyên Ngôn Độc Lập ra đời tại tiểu bang Philadelphia ngày 4 tháng 7 năm 1776. Người Việt định cư ở Mỹ ai cũng đã vui hưởng được thật trọn vẹn và đầy đủ mọi khía cạnh của lễ hội này. Trong khi đó về mặt tôn giáo, tháng này một số ít giáo xứ sẽ khá bận rộn với việc tiếp đón những tân linh mục có bài sai đến nhận nhiệm sở mục vụ đầu tiên. Lại có thánh lễ mở tay, tiệc ra mắt, có ca có hát để cha-con làm quen và chung vui với nhau, trước khi mọi việc của một ngày sẽ trở lại bình thường như mọi ngày.

Qua đến tháng 8, tiết trời dịu lại cho đến ngày Lễ Lao Động, Labor Day. Lễ Lao Động là ngày quốc lễ của Hoa Kỳ, cũng luôn luôn rơi vào Thứ Hai của tuần lễ đầu tháng 9, đánh dấu ngày cuối cùng của những tháng hè trước khi học sinh trở lại trường để bắt đầu niên học mới. Trong tháng 8, cộng đồng người Việt hải ngoại cũng tổ chức ngày lễ Vu Lan vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch. Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, đây là ngày mở cửa ngục ân xá cho vong nhân nên có nghi thức cúng Cô Hồn cho các vong linh không nhà cửa, không có thân nhân trên dương thế để được siêu thoát về cảnh giới an lành.

Dù trong đời thường hoặc với niềm tin tôn giáo, tất cả lễ hội trong những tháng mùa hè đều là những dịp tốt để tạ ơn Trời, cám ơn nhau, và chung vui với nhau.

Nguyễn Hùng Cường

Ý kiến bạn đọc
07/04/201620:55:38
Khách
Toi thích bài viết này.
06/04/201619:47:46
Khách
Bài rất hay ông Nguyễn Hùng Cường đã viết < Thiết tưởng người Việt nào tại Hoa Kỳ cũng có quyền hãnh diện vì con em mình đã nêu gương chăm chỉ học hành cho học sinh của những sắc dân khác > Cha mẹ nặng nợ u phiền lắm khi con cái lêu lỏng không chịu học hành rối sẽ ăn bám vào người đóng thuế. Tôi cũng đồng ý với ông Cường <Tôi muốn nói thêm rằng, một lời cám ơn cũng cần phải dành cho các bậc phụ huynh Việt Nam trong ngày con cái họ ra trường sau những tháng ngày các em dùi mài kinh sử> rồi được thành đạt vẻ vàng hãnh diện chung cho cộng đồng tỵ nạn CSVN.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,689,083
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến