Hôm nay,  

Tuổi Hưu, Mơ Và Tỉnh

04/04/201600:00:00(Xem: 14421)

Tác giả: Cẩm Thành Dân
Bài số: 3790-17-30290vb2040416

Tác giả họ Trần, trước năm 1975 là thầy giáo cấp 3 tại một trường Trung học thuộc tỉnh Long An, nay cư ngụ tại San Jose. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, Chú Chín, đã được phổ biến ngày 14 tháng 9 năm 2015. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.

* * *

Định cư tại Mỹ theo diện HO và nay đã nghỉ hưu, ông Đạo sống những ngày an nhàn để vui tuổi già bên các con cháu đã có cuộc sống ổn định. Ông cùng nhóm bạn thân thường hội họp tại nhà một ông bạn hay trung tâm sinh hoạt của người già; họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm sống trên quê hương thứ hai nầy, hoặc hàn huyên tâm sự cho vơi bớt nỗi buồn xa quê hương trong những ngày tháng thảnh thơi của đời người.

Một buổi trưa, nhóm ông Đạo hẹn nhau ăn tại một trung tâm cộng đồng. Trong bàn có một người Mỹ, ông ta hỏi: “Các ông từ đâu đến?” Sau khi biết mọi người còn lại trong bàn là người Việt, ông tiếp:

- Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết “Người Mỹ Cô Đơn”(The Lonely American) của một nhà văn người Việt, nhân vật chính thật cô đơn vì sự chiến đấu của anh giúp chính phủ miền nam bảo vệ miền đất của tự do dân chủ bị chính người Mỹ hiểu sai. Tôi cũng giống như nhiều người Mỹ khác, bị tuyên truyền bởi nhóm phản chiến về sự vô nghĩa của chiến tranh Việt Nam, đã tham gia vào những cuộc biểu tình chống lại sự có mặt của quân đội Mỹ ở đất nước của quí ông, và đã góp phần vào sự sụp đổ của miền nam Việt Nam.

Nhắc tới cuộc chiến Quốc Cộng, nét mặt mọi người Việt trong bàn ăn trở nên trầm tư. Một ông Việt lên tiếng hỏi ông khách Mỹ:

- Ông có muốn nghe về nỗi cô đơn của một người lính Việt bại trận không?

Ông khách Mỹ gật đầu và ông Việt nói một hơi như để vơi đi những nỗi niềm chất chứa trong lòng:

- Tôi là kẻ chiến bại phải rời khỏi quê hương để tìm đường sống, tôi luôn sống với cảm giác của kẻ bị lưu đày. Nỗi cô đơn lạc lõng và mất niềm tin trên xứ người được người xưa mô tả bằng hình ảnh “tấm thân không nhà bơ vơ không chúa”. Nhiều lúc nghĩ đến câu “Quốc gia hưng vong thất phu hửu trách”, tôi cảm thấy hổ thẹn trong lòng, và tôi thường tự an ủi mình bằng câu “mệnh trời vận nước” để được nhẹ đi phần nào trách nhiệm của những kẻ cầm súng giữ nước. Ông nhờ một ông bạn trong bàn dịch ra tiếng Mỹ để ông khách hiểu, ông hỏi ông khách:

- Bây giờ thì ông có thể hiểu được nỗi buồn và cô đơn của kẻ thua trận, họ phải buông súng đầu hàng và rời bỏ quê hương để sống cuộc đời lưu vong. Ông khách gật đầu trả lời:

- Tôi là người Mỹ gốc da đỏ nên tôi cảm nhận được nỗi buồn Quốc phá gia vong của các ông. Xin lỗi các ông, tôi đã gợi nỗi buồn mà các ông không muốn nhắc tới.

Thấy không khí không được vui, mọi người trong bàn lảng sang chuyện khác.

Suốt buổi chiều hôm ấy, cuộc đối thoại giữa ông khách Mỹ và ông bạn Việt của ông Đạo khiến ông miên man nghĩ đến hình ảnh “tấm thân không nhà bơ vơ không chúa”. Ông thì sống với gia đình đứa con trai út, bà Đạo sống với gia đình đứa con gái lớn để giúp con săn sóc đứa cháu mới sanh, và ông bà chỉ gặp nhau ở cuối tuần. Sống xa nhau thì nhớ, sống gần nhau thì dễ cãi cọ. Cách nay vài ngày, ông muốn hai vợ chồng về Viêt Nam chơi một chuyến để thăm bà con và quê hương, bà Đạo từ chối vì bà bận giúp con gái trông coi cháu bé và các cháu lớn khi chúng trở về nhà sau giờ học. Ông Đạo đề nghị: “ Nếu bà đi không được thì để tôi đi một mình, chớ để vài năm nữa biết tôi có còn đủ sức khỏe về thăm quê hay không?” Bà Đạo không bằng lòng lấy lý do là không thể để cho ông đi một mình được vì bà nghe các bà bạn khuyến cáo các cạm bẫy đang chờ đón các ông tại quê nhà. Ông cố thuyết phục bà: “Bà phải tin tui chứ,bao năm nay tôi có lừa dối bà chuyện gì đâu.” Bà Đạo trả lời ngay: “tôi đã một lần tin ông, trước năm 75 ông bảo với tôi Mỹ nó không thể bỏ miền Nam, đến khi nó bỏ chạy thì gia đình mình chạy không còn kịp nữa. Ông đi tù, tôi vất vả bao nhiêu năm nuôi chồng nuôi con, tất cả cũng vì tin ông.”

Chuyện về Việt Nam thăm và những sai lầm của ông Đạo trước năm 75 chẳng liên quan gì với nhau, nhưng bà Đạo cứ liên kết để phần thắng về phần bà. Mỗi lần những chuyện tương tự như vậy xảy ra, ông Đạo đành phải nhượng bộ cho yên cửa yên nhà và đành chấp nhận cái thế yếu của mình. Nhiều khi ông cảm thấy bơ vơ lạc lõng, người thân không tin ông, còn ông thì đã mất niềm tin từ lâu rồi kể từ ngày thua trận. Nghĩ cho cùng, câu nói “tấm thân không nhà bơ vơ không chúa” của người xưa cũng diễn tả được phần nào cái tâm trạng của ông.

Ông Đạo ra khỏi nhà, thả bộ dọc theo con đường bên cạnh nhà ông để hít thở không khí ngoài trời. Nhờ con đường ít xe qua lại, ông cảm nhận được sự yên tĩnh của những ngày cuối thu. Nhìn những chiếc lá úa lìa cành quay theo chiều gió trước khi rơi xuống đất, ông nhớ lại những ngày trong trại tù cải tạo với hình ảnh của người bạn tù vàng vọt cố bám vào sự sống trước khi lìa đời, và ông thấy mình còn có nhiều may mắn mới được tồn tại tới ngày hôm nay.

Vừa đi vừa suy nghĩ lung tung đến những biến cố đã qua trong cuộc đời ông như là một giấc mơ, ông đi dần về phía hướng núi, phong cảnh ở đây khá đẹp trong cái nắng dịu dàng của buổi chiều thu. Gần về phía núi nhà trở nên thưa vì nhà có vườn rộng, ông dừng lại một ngôi nhà có vườn trước trồng hàng cây hoa hồng đang nở bông rất đẹp,giữa vườn là hòn non bộ với tượng đức mẹ nhìn ra đường. Ông Đạo ngắm nghía cách trang trí cây cảnh của ngôi vườn rất hài hòa và đẹp mắt. Tình cờ nhìn vào trong nhà xe, ông thấy một ông Mỹ nhắm mắt đang ngồi thiền trong tư thế kiết già. Ông thấy người đàn ông nầy trông quen quá; nhìn kỹ lại, ông nhận ra người đàn ông đang ngồi thiền chính là ông Paul mà ông thường gặp tại trung tâm sinh hoạt cộng đồng.

Ông Paul thường có mặt tại trung tâm để giúp ban điêu hành trong nhiều chương trình dành cho người già đã về hưu có cuộc sống tốt hơn. Có một lần ông Đạo giúp ông Paul sắp xếp bàn ghế sửa soạn bữa cơm trưa cho người cao niên; sau khi công viêc xong, ông Đạo ngỏ lời cảm ơn ông Paul về những đóng góp hàng ngày của ông cho trung tâm người già nầy. Ông Paul mỉm cười trả lời: “Thật ra thì tôi phải cảm ơn trung tâm vì nhờ nơi nầy mà tôi có việc làm hàng ngày; mặc dù việc làm không công, nhưng nó giúp tôi có được nhiều bạn mới, và giúp tôi ngủ ngon mỗi đêm nhờ sự hoạt động ban ngày.” Từ đó ông Đạo có nhiều cảm tình với ông Paul.

Ông Paul mở mắt nhìn ra đường và nhận ra ông Đạo; sau khi chào hỏi, ông Paul mời ông Đạo vào nhà để xe được làm thành thiền thất, và ông mời khách dùng trà. Quan sát thiền thất, ông Đạo thấy trên kệ cao có tượng Chúa và Phật được đặt ngang hàng, ông lộ vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn giữ yên lặng. Như đoán được ý nghĩ của người bạn, ông Paul mở lời:

- Chắc ông ngạc nhiên vì tôi thờ cả hai vị.

Như được dịp bày tỏ những điều mà ông thường nghe nói, ông Đạo lên tiếng:

- Tôi được biết trong dân gian, người thờ chúa thì không thờ phật và ngược lại vì hai tôn giáo nầy có sự khác biệt về nguồn gốc của chúng sinh.

Ông Paul vẫn nụ cười trên môi, ỏi ông về sự khác biệt như thế nào, ông Đạo trả lời:

- Thú thật với ông, tôi cũng chỉ hiểu lơ mơ về sự khác biệt nầy; một bên đạo chúa là Chúa sinh ra vạn vật,bên đạo Phật thì vạn vật đều bắt nguồn từ Không mà ra và chẳng có một vị nào tạo ra vũ trụ nầy.

Ông Paul nhìn ông Đạo và ôn tồn nói:

– Như ông thấy, bên nào cũng đều giải thích vạn vật có nguồn gốc, một bên dùng danh từ “Chúa” và một bên thì đùng danh từ “Không”. Có thể là chỉ khác nhau về cái danh mà thôi. Tôi thờ hai vị vì tình thương bao la của hai vị đối với sự sống của muôn loài.

Từ ánh mắt đến giọng nói cùng cách diễn tả ý tưởng của ông Paul, ông Đạo cảm nhận sự cảm thông và hiền hòa tỏa ra từ con người của ông Paul. Sau vài tuần trà trò chuyện với ông Paul về sinh hoạt hàng ngày của người già để được sống vui, theo ông Paul thì giúp đỡ người khác là giúp chính minh để được sống vui. Nói chuyện với ÔngPaul, ông Đạo thấy những buồn phiền trong lòng ông vơi đi rất nhiều. Nhân thấy ông Paul ngồi thiền, ông Đạo thú nhận với ông Paul:

- Tôi có học vài lớp về thiền, nhưng mỗi lần ngồi thiền thì tâm của tôi chạy lung tung như con ngựa lồng, tôi không thể nào tập trung suy nghĩ về một cảnh giới nào đó được, và vì vậy tôi không cảm thấy thoải mái khi ngồi thiền.

Ông nhờ ông Paul hướng đẫn ông về thiền để ông có thể hành thiền. Vẫn nụ cười hiền hòa ông Paul trả lời:

- Mỗi ngày tôi ngồi thiền theo sự chỉ dạy của các vị thiền sư mà tôi theo học, nhưng thú thật với ông tôi cũng không biết tôi có làm được một phần nào về hành thiền mà các sư phụ đã hướng dẫn. Tuy nhiên, mỗi lần ngồi yên lặng tâp trung để đếm từng hơi thở của mình, tôi cảm được sự sống đang chảy trong tôi và tôi có cái cảm giác tôi đang trở về với chính mình để soi sáng cái tôi mê muội của mình.

Ông Paul trở lại ngồi trên chiếc bồ đoàn và tiếp tục hành thiền. Căn phòng trở nên yên lặng, và ông Đạo có cảm giác ông Paul muốn ông cùng ngồi thiền. Ngồi xuống trong tư thế bán kiết già và nhắm mắt, ông Đạo đếm từng hơi thở của mình, ông tập trung vào khuôn mặt với nụ cười hiền hòa của ông Paul, và ông cảm thấy bình yên để tiếp tục ngồi thiền. Hơn nửa giờ sau, ông Đạo mở mắt ra xả thiền, và đây là lần đầu ông có thể ngồi tịnh tâm được lâu như vậy. Ông Paul cũng vừa xong buổi thiền, ông đứng lên và nói với ông Đạo: “tôi và ông hôm nay có duyên với nhau.”

Từ buổi gặp ông Paul tại tại nhà riêng, ông Đạo thường xuyên ra trung tâm người già và làm việc tình nguyện để giúp trung tâm lo bữa cơm trưa cho người già mỗi ngày khoảng ba giờ đồng hồ. Ông tự coi đây là công việc hàng ngày của ông và ông vui với nó. Buổi chiều, ông thường hành thiền tại nhà, đôi khi tại nhà ông Paul để học hỏi thêm. Ông có cảm tưởng ông đang sống những ngày chưa về hưu, có công việc để làm hàng ngày, và chỉ nghỉ cuối tuần để sinh hoạt với gia đình.

Sau vài tháng làm việc tại trung tâm người già, ông Đạo có thêm những người bạn mới, những nhân viên làm việc tại đây đối xử với ông đầy thiện cảm và họ coi ông như là một thành viên của trung tâm qua những đóng góp của ông. Ở nhà ông được mọi người trong gia đình hỏi han và chăm sóc nhiều hơn, bà Đạo trở nên dịu hiền với ông và thường lo cho ông những bữa cơm tươm tất hơn. Sự làm việc, cuộc sống điều độ, và nhất là sự quí mến của những người chung quanh đã giúp cho ông Đạo có cuộc sống tươi vui hơn trước. Ông Đạo cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi buồn “tấm thân không nhà bơ vơ không chúa”; thật ra thì ông không có thì giờ để nghĩ nhiều về nó.

Thấm thoát đã hơn hai năm, ông Đạo sống những ngày bình yên và thoải mái. Bây giờ ông có thể ngồi yên cả giờ để đếm từng hơi thở ra vào nhẹ nhàng trong cái tâm tĩnh lặng của ông.

Một buổi chiều mùa thu không khí hơi se lạnh, ông Đạo ngồi thiền trong thiền thất tại nhà ông Paul trong trạng thái ung dung tự tại, và rồi ông đi vào một giấc mơ...

*

Ông xuất thân từ gia đình nghèo họ Phạm tên Đạt tại một tỉnh miền trung. Mẹ mất sớm, cha cố gắng cho con theo học chữ nho tại trường của cụ Cử trong làng. Nhà quá đơn chiếc và trong cảnh gà trống nuôi con, cha cậu Đạt quyết định cưới vợ cho con lúc Đạt vừa mười sáu tuổi, vợ Đạt lớn hơn chồng hai tuổi và là con của người bạn thân của cha Đạt. Vợ Đạt là người đảm đang; ngoài công việc đồng áng, chị còn buôn bán rau quả tại ngôi chợ phiên được nhóm họp mỗi tuần một lần, và từ đấy gia đình Đạt thoát cảnh túng thiếu. Anh khóa Đạt chỉ còn một việc trao dồi kinh sử để có thể tiến thân bằng con đường khoa bảng. Năm Minh Mạnh thứ hai, anh thi hương tai Trường Bình Định, vào được trường tư và đậu tú tài. Đi thi lần đầu mà đậu được tú tài ở cái tuổi trên hai mươi, tú Đạt được tiếng hay chữ trong vùng, và chị Tú Đạt càng cố gắng tần tảo buôn bán nuôi chồng để mong một ngày kia trở thành bà cống bà nghè.

Đến năm hai mươi sáu tuổi, tú Đạt đậu cử nhân, cùng năm ấy vợ anh sinh một cháu gái mạnh khỏe và kháu khỉnh.

Năm kế tiếp, ông cử Đạt ra kinh để thi hội; lần nầy, ông không có tên trong bảng trúng cách để được tiếp tục vào đình thí. Với học vị Cử nhân và nhà nghèo, ông cử thấy khó chạy chọt để ra làm quan tại Kinh Đô. Biết được tâm trạng của ông cử, ông chủ nhà trọ gợi ý nếu ông chịu lấy cô em lỡ thì của một ông Quan làm trong bộ hình thì ông nầy có thể tiến cử ông làm việc ở tòa án phúc thẩm thuộc bộ hình. Ông cho biết vị quan nầy có bà con với ông nên ông có thể đứng ra làm mai. Cuối cùng chức quan trong bộ hình đã thắng sự do dự của ông cử, ông bỏ người người vợ quê mùa và đứa con gái nhỏ ở quê nhà để lấy người vợ nhà quan, và từ đó ông không bao giờ nhắc đến người vợ cũ.


Cuộc đời ông cũng thay đổi từ đó, ông trở thành cấp dưới thân tín của thượng cấp, nhiệm vụ chính của ông là nhận các vụ kháng án từ các tỉnh đưa về và phân tích tình lý của từng vụ án để tòa án tối cao ở kinh đô xét lại. Tất cả đều không ngoài cái lẽ nén bạc đâm toạc tờ giấy, bên nào chạy nhiều tiền thì được bênh vực nhiều hơn, và đồng tiền đã chi phối cán cân công lý. Trong dân gian thường có câu “ Quảng Nam hay cãi, Quảng ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết” để diễn tả việc gì đem ra kinh đô nhờ phân xử thì phải lo lót cho quan lại trung ương mới mong được việc.

Phần ông cử Đạt thì được thăng quan tiến chức đều đều, tiền bạc ăn tiêu dư thừa. Cũng có những đêm khuya vắng vẻ ông chạnh lòng nhớ đến người vợ đã già đi trước tuổi vì trải gió dầm mưa để nuôi ông ăn học, những giây phút ăn năn đến với ông rồi đi ngay vì ông nghĩ rằng nếu không có sự giúp đỡ bên vợ thì ông sẽ không có dịa vị của ngày nay. Ban đầu thì những vụ chạy án cũng làm cho ông ái ngại; nhưng nghĩ cho cùng, cả một hệ thống quan lại tham nhũng đã cuốn ông vào cái guồng máy của họ, và nếu ông không hùa theo với họ thì ông sẽ bi họ nghiền nát ông ngay. Đôi lúc ông cũng muốn rút lui ra khỏi quan trường, nhưng tiền tài danh vọng đã làm mờ lương tri ông và cứ thế ông lún sâu vào tội lỗi.

Một buổi sáng, người nhà vào bẩm với ông có người khách lạ muốn gặp quan, ông biết ngay đây là vụ chạy án và cho mời khách vào. Ông khách họ Phùng trình bày mục đích ông đến gặp quan của bộ hình; ông đi vào chi tiết là dòng trưởng họ Phùng không có con trai nối dõi, vì vậy ngành thứ của ông muốn kiện để giữ nhà thờ và trên mười mẫu ruộng hương hỏa cho việc hương khói thờ phụng ông bà tổ tiên của dòng họ Phùng. Ông khách xin sự giúp đỡ của quan Đạt để giành gia tài của dòng trưởng. Sau vài câu vặn hỏi, quan Đạt biết ngay đây là một vụ nhận vơ dòng họ để hưởng gia tài vì không có gia phả để chứng minh sự liên hệ họ tộc. Ông khách bịa chuyện gia phả bị thất lạc vì những biến cố chiến tranh mà những đời trước của ông phải trải qua trong những lần chạy lánh nạn đao binh. Sự thật, họ có cùng họ Phùng nhưng không có sự liên hệ về huyết thống. Ông khách đề nghị nếu Quan Đạt lo được vụ kiện, ông xin dâng cho quan một nửa gia tài mà ông chiếm được từ ngành trưởng.

Vì món tiền hối lộ quá lớn, quan Đạt đã nhận lời giúp họ Phùng thứ trong vụ kiện thay trắng đổi đen nầy. Với sự sắp xếp của quan Đạt bằng cách ngụy tạo giấy tờ về sự liên hệ giữa hai ngành trưởng và thứ của họ Phùng, ngành thứ đã thắng vụ kiện và được quyền giữ ngôi từ đường với số ruộng hương hỏa.

Từ ngày trở thành một viên quan phụ tá cho quan lớn xử án tại tòa phúc thẩm của bộ hình, cử Đạt được lòng cấp trên vì tài khéo léo dàn xếp các vụ kiện cho có vẻ hợp lý và chung chi cho các quan trong tòa án đầy đủ. Bà con xa gần với quan Đạt có việc lớn hay việc nhỏ đều chạy đến quan Đạt nhờ vả, kẻ thì chạy chức lý trưởng, người thì chạy chức chánh tổng… Nhờ quan Đạt thu xếp thì mọi việc đều êm xuôi, nhưng phải biết các thủ tục đầu tiên cho phải lẽ mặc dù có họ với nhà quan. Một người làm quan cả họ được nhờ được áp đụng triệt để trong họ tộc nhà quan Đạt.

Sông có khúc, người có lúc. Làm quan được vài năm với cảnh nhà dư dả, quan Đạt tưởng với tài khôn khéo của mình thì mọi việc sẽ trót lọt cho tới ngày về hưu, nhưng vận đen đã đến làm thay đổi cả cuộc đời của ông. Một người bà con xa của ngành trưởng họ Phùng được bổ vào chức quan giám sát của bộ hình, ông nầy xem xét lại tất cả hồ sơ của vụ án thừa hưởng gia tài của họ Phùng, và đã tìm ra gia phả giả để nhận họ hàng hòng chiếm đoạt gia tài của họ Phùng. Vụ án được xử lại, cử Đạt làm án gian dối thay trắng đổi đen nên bị trọng tội, ông bị tịch thu gia sản và bị đầy đi làm lính thú lên miền núi.

Sau khi mãn án, cử Đạt sống trong cảnh nghèo nàn với vài sào ruộng được bên vợ cho. Thời vận đã hết, gia đình ông toan tính chuyện gì cũng đều thất bại. Đường khoa cử của các con ông với người vợ sau không qua nổi tú tài, và từ đấy cái nghèo theo ông cho đến già.

Một ngày đầu năm, một cô gái tìm đến nhà ông để nhận tổ nhận tông, cô ta chính người con gái của người vợ quê mùa mà ông đã bỏ để lấy người khác vì danh vọng. Nhờ buôn bán tần tảo, hai mẹ con trở nên khá giả, bà thường nói với con gái rằng cha con đã chết lúc con vừa sinh ra được mấy tháng. Mỗi năm vài lần, bà đem vài bộ quần áo của cha cô để lại ra phơi như để tìm lại hơi hám của người xưa.

Năm rồi bà lâm bịnh nặng, biết mình không qua khỏi, bà kể cho con gái lai lịch người cha để cha con có thể gặp được nhau. Nghe cô gái kể câu chuyện về mẹ cô, ông cử Đạt ôm con khóc ròng; những ăn năn hối hận đã âm ỉ trong lòng ông từ lâu, bây giờ mới có dịp bộc phát ra. Thấy gia đình cha quá nghèo, người con gái mua tặng cho cha vài mẫu ruộng, từ đó gia đình ông cử Đạt thoát ra được cảnh nghèo khó. Từ ngày gặp lại con gái, ông cử Đạt vào ở hẳn trong chùa như để sám hối những tội lỗi ông đã làm ra...

*

Đây là luc ông Đạo giật mình tỉnh dậy, ông lộ vẻ kinh hoàng với giấc mơ vừa qua và trên trán của ông còn ướt đẫm mồ hôi.

Ông Đạo kể lại giấc mơ cho ông Paul nghe, ông Paul nhỏ nhẹ bảo ông: “Đây có thể là một khoảng đời nằm trong ký ức mà ông nhớ lại được trong những cuộc hành trình làm kiếp người của ông.”

Từ đó, ông Đạo trở nên ít nói, ông làm việc nhiều hơn để giúp trung tâm người già và những người quanh ông, ông cảm thấy hạnh phúc và bình yên với cuộc sống hiện tại. Một buổi chiều mùa hạ, sau vài giờ phụ giúp ở trung tâm người già, ông ngồi thiền tại phòng khách và đi vào giấc mơ khác.

Lấn này, Ông thấy mình sinh ra trong một gia đình người Trung Hoa họ Vương di cư sang Hoa Kỳ và được cha mẹ đặc tên David Wang, cha làm phu đường rầy xe lửa, mẹ làm công việc nhà cho những gia đình giàu có trong vùng. Cuộc sống của người di dân thế hệ thứ nhất ở miền đất hứa rất vất vả, cha mẹ ông phải làm việc lao động nặng nhọc mới kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình và cho các con ăn học. Hàng rào ngôn ngữ là trở ngại lớn cho cha mẹ ông, nên họ phải chấp nhận công việc làm với đồng lương thấp và đôi khi bị chèn ép. Hy sinh đời bố để củng cố đời con là phương châm của cha mẹ ông.

David Wang vừa xong Trung học thì cuộc nội chiến giữa các tiểu bang miền Bắc và miền Nam của nước Mỹ bắt đầu. Đã từng chứng kiến những cảnh bắt nạt của những học sing da trắng đối với học sing da màu và hoàn cảnh tủi nhục của người nô lệ da đen bị đối xử như súc vật, các hình ảnh đó ăn sâu vào tuổi thơ của cậu bé con của gia đình di dân, cậu David xin gia nhập vào đội quân tình nguyện của chính phủ liên bang miền Bắc chống lại quân đội của liên hiệp miền nam để giải phóng chế độ lệ được chính phủ miền nam ủng hộ.

Sau bốn năm tham dự nhiều trận đánh ác liệt, David Wang được tưởng thưởng nhiều huy chương cao quí. Cuộc chiến chấm dứt với sự chiến thắng của quân đội của chính phủ liên bang miền bắc, David Wang xin giải ngũ và trở về trường đại học để hoàn thành ước muốn trở thành kỹ sư.

Sau bốn năm ở đại học, David tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và làm việc cho một hãng xưởng tại Sacramento thuộc tiêu bang California. Hãng chuyên chế tạo máy cày chạy bằng hơi nước và những máy móc khác giúp cho người nông dân thu hoạnh mùa màng được tiện lợi.

Một ngày mùa hạ, David đạp xe ngang qua cánh đồng trồng bông trong mùa thu hoạch, anh lắng nghe tiếng ca của những người lao động đang nhặt bông bỏ vào bao bố đeo trên vai, họ vừa làm vừa ca để quên đi những nỗi nhọc nhằn dưới cái nóng của mùa hè. Một giọng ca truyền cảm từ ruộng bông vọng đến David, cô gái hát những ca khúc được sáng tác bởi người nô lệ để hát trong lúc làm việc. Lời ca chứa đầy những nỗi chịu đựng khổ cực, sự giận dữ, sự thất vọng và chống đối của người nô lệ đối với chủ nhân da trắng. Giọng ca của cô trầm bổng trong gió chiều diễn tả những nỗi thống khổ của kiếp người nô lệ. Lời ca và giọng hát của cô gái khiến cho David dầy những cảm xúc xót xa về thân phận của dân da đen sống trên đất nước nầy. Mặc dù chế độ nô lệ đã bị bải bỏ, sự kỳ thị chủng tộc vẫn còn đó.

Buổi tối cả nhà quay quần dùng bửa cơm chiều, David kể cho cả mọi người nghe về xúc động của anh khi nghe cô gái da đen hát trên cánh đồng trồng bông. Mẹ anh bảo rằng anh đã lớn bằng những bài ca ru con đầy nỗi khổ cực và khát vọng của người di dân đến miền đất hứa trong những ngày đầu vất vả để hi vọng có một tương lai tươi sáng hơn cho những thế hệ kế tiếp,và anh được giáo dục phải cố gắng học hành để thoát cảnh nghèo khó mà cha mẹ anh đã trải qua. Tất cả nỗi niềm và khát vọng của gia đình người phu làm đường rầy đã ăn sâu vào kí ức của David, và chiều nay chúng được khơi dậy bằng giọng ca đầy cảm xúc u ẩn của người con gái hái bông.

Trong suốt cả mùa hái bông năm đó, David chiều nào cũng ra ruộng bông để được nghe giọng hát của cô gái. Có những chiều bận việc không ra ruộng bông được, anh cảm thấy nhớ nhung tiếng hát và đầu óc lơ đãng không thể tập trung được vào công việc hàng ngày.

Cuối mùa hái bông, David đi tìm gặp người con gái có giọng ca đã quyến rũ anh. Nàng tên là Helen ở lứa tuổi đôi mươi với đôi mắt to và làn da đen mịn, và một lần nữa David lại bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp cao ráo và mạnh khỏe của cô nàng Helen, và từ hôm đó đôi trai gái trở nên thân nhau.

Mỗi buổi sáng chủ nhật, David và Helen cùng đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen,và họ quấn quít bên nhau những ngày cuối tuần hoặc những dịp lễ lạc. Vào một ngày thứ bảy đẹp trời, cặp David - Helen làm lễ cưới ở nhà thờ với sự tham dự của hai gia đình và bạn bè.

Cuộc sống vợ chồng David thật yên vui, chồng có công việc ổn định, vợ lo việc nhà và chăm sóc các con. Các con anh chịu khó học hành và đều tốt nghiệp đại học. Họ dùng thời giờ rảnh rổi để làm việc công quả cho nhà thờ, họ đã sống những năm dài đầy hạnh phúc trong niềm tin tôn giáo. Tuổi già đến, ông kỹ sư về hưu David đã về nước chúa trong một ngày mùa đông với đầy đủ những người thân yêu vây quanh ông.

Những buổi chiều năng ấm, bà David Wang mang những bó hoa đồng nội dặt trên mộ chồng, bà ngồi bên mộ ông hàng giờ và khẻ hát những ca khúc mà bà đã từng hát trên cánh đồng trồng bông trong mùa thu hoạch suốt cả một thời con gái.

*

Một cơn gió chiều se lạnh vào phòng khách khiến ông Đạt sực tỉnh, ông ngồi yên để nhớ lại giấc mơ, và tiếc rằng giấc mơ tuy đẹp nhưng ngắn ngủi quá. Ngày hôm sau ông kể lại cho ông Paul giấc mơ kỳ lạ, ông Paul nói với giọng buồn: “tiếng ca trầm thống và nỗi đau của người nô lệ da đen mà ông cảm nhận trong giấc mơ vẫn còn vang vọng cho đến ngày hôm nay, không biết bao giờ mới phai mờ hết được.”

Ngoài công việc phụ giúp ở trung tâm người già, ông Đạt tham gia lớp học Yoga, và ông bỏ nhiều giờ hơn trong những buổi ngồi thiền để hi vọng có những giấc mơ mới. Ngồi thiền tại ông hay tại nhà ông Paul, ông Đạt cũng chỉ thấy quanh đi quẩn lại hai giấc mơ cũ. Ông Đạt kể laị cho ông Paul về chuyện chỉ có hai giấc tái diễn trong một khoảng thời gian dài, ông Paul mỉm cười bảo ông: “Có thể ký ức của ông chỉ mới hé mở nên ông chỉ thấy được có bấy nhiêu thôi.” Từ đấy ông không còn thắc mắc về những chuyện xẩy đến với ông và chỉ để tâm vào công việc hàng ngày.

Ông Đạt và ông Paul trở nên đôi bạn thân, họ thường rủ nhau đi du lịch những danh lam thắng cảnh, và thỉnh thoảng tham gia vào những buổi thiền do các vi cao tăng hướng dẫn.

Một buổi sáng hai ông ngồi uống trà trong phòng khách tại nhà ông Paul, ông Paul hỏi ông Đạt: “Bây giờ thì ông nghĩ gì về tấm thân không nhà bơ vơ không chúa của ông?” Ông Đạt mỉm cười trả lời: “Tình hoài hương vẫn mãi mãi trong lòng người ra đi; nhưng giờ thì với tôi, nơi nào cũng có thể là nhà, nơi nào cũng có những bậc thầy hướng dẫn mình để được sống yên vui.” Ông Paul thêm vào: “và chờ ngày tấm thân từ cát bụi sẽ về với cát bụi.”

Hai ông bạn nhìn nhau cười xòa và cùng thưởng thức ly trà đang bốc khói.

Cẩm Thành Dân

Ý kiến bạn đọc
06/04/201615:49:11
Khách
Thân gửi bạn hiền Tim H - Thiết nghĩ tác giả không có ý muốn nói về phần tâm linh trong bài viết này vì đã có người bàn rồi. Thắc mắc của bạn có thể được giải thích thỏa đáng nếu đọc Plato: Phaedo. Love

http://www.iep.utm.edu/phaedo/
05/04/201606:48:54
Khách
mot bai viet hay nhieu dao vi.. Cam on tac gia
04/04/201619:59:34
Khách
Biet được tấm thân từ cát bụi sẽ về với cát bụi là tốt . Thế còn linh hồn thì về đâu có biết chăng? Gần đất xa trời rồi bị ma quỉ quấy phá mơ nhảm nhí.
04/04/201615:04:24
Khách
Ấy là:

Chúng Sinh Bể Khổ Vòng Danh Lợi,
Phảng Phất Đâu Đây Một Chữ Thiền,
Trang Sinh Nằm Mộng Mê Hồ Điệp,
Hồ Điệp Hóa Kiếp Thành Trang Sinh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Nhạc sĩ Cung Tiến